TẬP SAN HIỆP SỐNG THÁNG 9.2021

TƯ LIỆU HỌC TẬP CỦA HIỆP HỘI THÁNH MẪU
LƯU HÀNH NỘI BỘ

NỘI DUNG

TẬP SAN HIỆP SỐNG THÁNG 09/2021

I. THƯ LM GH TH 09/21: LINH ĐẠO – C0N ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA HỘI VIÊN HIỆP HỘI THÁNH MẪU.
II. HỌC SỐNG NHÂN BẢN TH 09/21: SỐNG KHÔN NGOAN THEO THÁNH Ý THIÊN CHÚA.
III. XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GĐ TH 09/21: HÔN NHÂN LÀ GIAO ƯỚC VĨNH VIỄN GIỮA HAI NGƯỜI NAM NỮ.
IV.TƯ LIỆU HIỆP SỐNG TH 09/21: HSTM CN 23 TN B- HSTM CN 24 TN B.- CN 25 TN B.- HSTM CN 26 TN B.
V. HUẤN LUYỆN H.TR TH 09/21: XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ TRONG GIA ĐÌNH NHÓM NHỎ HHTM.
VI. THƯ GIÃN TH 09/21: SO SÁNH GIỮA MÁY “ALÔ” VÀ NGƯỜI PHỤ NỮ.
VII. NHỎ TO HỮU ÍCH TH 09/21: AN TOÀN THỰC PHẨM CỦA GIA ĐÌNH TRONG MÙA DICH COVID-19
VIII. SINH HOẠT HIỆP SỐNG THÁNG 09/21:
A. THÔNG TIN LIÊN HỘI HHTM TH 09
B. SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN BÁC ÁI HHTM TH 09
C. SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN GIA ĐÌNH HHTM TH 09
D. SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN GIỚI TRẺ HHTM TH 09

I. LÁ THƯ LM GIÁM HUẤN THÁNG 09/2021
LINH ĐẠO- CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA HHTM
1.LỜI CHÚA: Chúa Giê-su phán: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Thánh Kinh chép rằng: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.” (1 Pr 1,15). “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).
2.SUY NIỆM:
1) ĐỨC Giê-su LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG:
-Là CON ĐƯỜNG: Chúa Giê-su đã chọn con đường “Qua đau khổ vào vinh quang” và mời gọi mọi người “bỏ mình, vác thập giá hằng ngày theo Chúa”. Hội viên mỗi ngày phải chết đi cho tính xác thịt và sống lại trong ơn nghĩa Chúa nhờ năng đọc Lời Chúa và cầu nguyện xin Chúa giúp thực hành Lời Chúa và năng xưng tội rước lễ.
-Là SỰ THẬT: Chúa Giê-su là Lời Sự Thật do Thiên Chúa mặc khải cho lòai người, qua đó lòai người nhận biết “Thiên Chúa là Tình Yêu” và phải sống giới răn “mến Chúa yêu người” để ngày một trở nên “con yêu dấu của Thiên Chúa” noi gương Đức Giê-su.
-Là SỰ SỐNG: Đức Giê-su là “Sự Sống Lại và là Sự Sống”. Ai tin vào Người và năng đón nhận Người trong Bí Tích Thánh Thể thì sẽ có sự sống đời đời. Hội viên phải năng học sống Lời Chúa và kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể để sẽ được sống muôn đời.
2) HIỆP SỐNG, XIN VÂNG, PHỤC VỤ:
Cụ thể linh đạo của Hiệp Hội Thánh Mẫu là hiệp cùng Mẹ Ma-ri-a sống theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giê-su. Linh đạo này tóm lại trong câu: HIỆP SỐNG- XIN VÂNG và PHỤC VỤ như sau:
-HIỆP: Hội viên liên kết thành từng Nhóm Nhỏ cùng lứa tuổi họp thành một Gia Đình Nhóm Nhỏ HHTM gồm từ 7 đến 12 người. Các Gia Đình Nhóm Nhỏ trong một Giáo Xứ họp thành một Xứ Đòan Ngành HHTM. Mỗi thành viên của đơn vị Gia Đình, Xứ Đòan, Hiệp Đòan, Liên Đòan, Tổng Đòan Ngành HHTM có bổn phận yêu thương, đối xử với nhau như anh chị em gia đình ruột thịt.
-SỐNG: Hội viên cần ý thức thực hành Lời Chúa hơn là chỉ biết đọc kinh ngòai môi miệng. Cần quan tâm thực tập nhân bản như ứng xử thân thiện lịch sự, cùng nhau hiệp sống Lời Chúa hàng tuần, nhất là sống giới răn yêu thương để nên môn đệ Chúa Giê-su.
-XIN VÂNG: Hội viên noi gương Chúa Giê-su và Thánh Mẫu Ma-ri-a quyết tâm sống đời Xin Vâng theo thánh ý Thiên Chúa, thể hiện qua sự vâng lời bề trên và ý chung tập thể.
-PHỤC VỤ: Hội viên quyết tâm sống tinh thần khó nghèo, nhỏ bé, hiền lành và khiêm nhường phục vụ tha nhân noi gương Chúa Giê-su và Thánh Mẫu Ma-ri-a trong Tin Mừng.
3) MỘT SỐ VIỆC ĐẠO ĐỨC HỘI VIÊN CẦN THỰC HIỆN:
Để thánh hóa bản thân, Hội viên cần chu toàn việc bổn phận đạo đức hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm như sau:
– HÀNG NGÀY: Hội Viên phải sống đức Tin Cậy Mến theo gương Chúa Giê-su làm và lời Chúa dạy như Thánh Mẫu Ma-ri-a đã làm, và sự hướng dẫn của LM Giám Huấn hay LM Đồng Hành. Cần tập thành thói quen dâng ngày mỗi sáng khi vừa thức dậy, làm Giờ Kinh Tối Gia Đình và xét mình sám hối trước khi đi ngủ, năng dự lễ và rước lễ hằng ngày, mỗi ngày làm ít nhất một việc bác ái kèm theo một chục kinh Mân Côi để cùng Mẹ noi gương Chúa Giê-su, để làm “sáng danh Thiên Chúa và góp phần cứu rỗi nhân lọai”. Hiến Sinh TM mỗi ngày sẽ đọc kinh Hòa Bình để nhắc nhở mình về sứ mệnh làm chứng nhân của Chúa.
– HÀNG TUẦN: Hội Viên tham dự buổi sinh hoạt Hiệp Sống Tin Mừng hay đọc kinh luân phiên theo từng Gia Đình Nhóm Nhỏ HHTM, làm công tác quét dọn Nhà Chúa, công tác bác ái thăm viếng và tông đồ truyền giáo theo sự phân công của cấp trên.
– HÀNG THÁNG: Tham dự các sinh hoạt đạo đức của Hiệp Hội như dự Giờ Thánh Cùng Mẹ Thờ Chúa, Cùng Mẹ suy niệm 14 Chặng Đàng Thánh Giá, Cùng Mẹ dự lễ và rước lễ trong ngày họp mặt Xứ Đoàn mỗi đầu tháng để cầu nguyện cho các Ân nhân và Hội Viên.
– HÀNG NĂM: Chuẩn bị mừng Đại lễ Truyền Tin là ngày Quốc Tế Các Cộng Đòan Sống Đời Kitô (25/03), tham dự các buổi tĩnh huấn để chuẩn bị mừng lễ Bổn Mạng Xứ Đòan; Đóng góp quỹ để thực hiện các công tác bác ái truyền giáo, truyền thông phát triển HHTM v.v… Khuyến khích tham dự các khóa tĩnh huấn linh thao theo phương pháp của thánh I-nha-xi-ô.
Nếu chúng ta sống theo linh đạo “HIỆP SỐNG – XIN VÂNG – PHỤC VỤ” NOI GƯƠNG CHÚA KI-TÔ NHƯ THÁNH MẪU MA-RI-A, thì chắc chắn chúng ta sẽ được ơn Chúa giúp nên tốt lành thánh thiện, chu toàn được sứ vụ loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Chúa trước mặt anh em lương dân.
LM ĐAN VINH HHTM

II. THỰC TẬP NẾP SỐNG NHÂN BẢN THÁNG 09/2021 :
SỐNG KHÔN NGOAN THEO THÁNH Ý THIÊN CHÚA
1.LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Ê-phê-sô : “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình. Đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại. Vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Vì thế, anh em đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm kiếm đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc. Nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng. Hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hòan cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5,15-20).
2.CÂU CHUYỆN :
1) MỘT ÔNG VUA THIẾU KHÔN NGOAN (x 1 V 12,1-19) :
Sau khi vua Sa-lô-môn băng hà, Rơ-kháp-am lên ngôi. Lúc đó dân It-ra-en đến tâu với vua mới rằng : Tâu đức vua, phụ vương ngài đã bắt chúng tôi mang một cái ách quá nặng. Bây giờ nếu ngài giảm bớt khổ dịch và ách nặng nề mà phụ vương ngài đã đặt trên chúng tôi, thì chúng tôi hứa sẽ phục dịch Ngài mãi mãi”.
Nhà vua liền nói với họ : “Ba ngày sau các ngươi trở lại đây, ta sẽ cho quyết định”.
Vua Rơ-kháp-am bàn hỏi với các cựu thần đã từng phục vụ cha mình là vua Sa-lô-môn. Họ góp ý với vua rằng: “Nếu ngài xử tốt với dân, chiều lòng và dùng lời lẽ ôn tồn mà nói với dân, thì họ sẽ làm tôi ngài mãi mãi”.
Nhưng vua không thích nghe họ, vua đi bàn hỏi với đám người trẻ là những người bạn của vua hồi nhỏ. Những người này góp ý: “Ngài hãy trả lời cho dân thế này: Ngón tay nhỏ của ta còn lớn hơn cả lưng của phụ vương ta. Phụ vương ta đã đặt ách nặng trên các ngươi, còn ta sẽ chất cho nặng hơn nữa. Phụ vương ta đã trừng phạt các ngươi bằng roi, còn ta sẽ trừng phạt các ngươi bằng bọ cạp”.
Thế là vua không chịu nghe dân và không đếm xỉa gì đến ý kiến các kỳ mục góp ý, mà lại ngả theo ý kiến đám người trẻ. Ngày thứ ba toàn dân đến yết kiến vua như đã hẹn. Nhà vua trả lời cứng cỏi với họ như đám cố vấn trẻ góp ý. Nghe thấy thế, mười chi tộc phía Bắc đã tỏ thái độ bất mãn và tách ra thành lập một nước mới là Ít-ra-en, ly khai với nước Giu-đa nhà Đa-vít vào năm 931 trước Công Nguyên…
2) MỘT VIÊN QUAN ĐẠI THẦN KHÔN NGOAN MƯU TRÍ :
Xưa bên Nhật bản có một ông vua kia sưu tập được 100 chiếc bình cổ rất quý hiếm. Nhà vua trưng bày trong một chiếc tủ kính cho triều thần chiêm ngưỡng. Một hôm có viên quan đại thần tò mò cầm một chiếc bình ra quan sát và sơ ý đánh rơi bể nát. Vua tức giận sai thị vệ mang viên quan kia ra ngòai chém đầu. Bấy giờ một viên quan khác liền đến bên chiếc tủ đựng các bình quý hiếm kia, dùng vai đẩy cho tủ đổ làm tất cả 99 chiếc bình đều bể tan… Vua rất tức giận ra lệnh trừng phạt thật nặng kẻ đã cả gan làm điều này. Nhưng trước khi chém đầu, vua hỏi viên quan đại thần thứ hai rằng : “Tại sao khanh lại dám làm chuyện tầy đình như vậy ? “ Viên quan đại thần đáp : “Hạ thần thấy chỉ vì sơ ý làm bể một chiếc bình cổ, mà bệ hạ truyền giết chết một bề tôi trung thành. Thế thì 99 chiếc còn lại kia có thể sẽ làm cho 99 người khác phải chết. Vậy còn ai giúp bệ hạ cai trị thần dân trăm họ ? Do đó hạ thần đã cố ý xô đổ để một mình hạ thần phải chết thôi”.
Sau khi nghe viên quan nói xong vua liền tỉnh ngộ nên đã truyền tha chết cho cả hai.
3. THẢO LUẬN : Giữa hai điều tốt: một là tới giờ cơm gia đình, mọi người trong nhà đều ngồi vào bàn ăn. Nhưng lúc đó, có một việc thứ hai là nhà bị dơ cần phải được quét dọn. Vậy ta nên chọn đi ăn cơm chung với cả nhà hay làm việc quét dọn cho nhà sạch rồi sẽ ăn sau một mình ? Tại sao ?
4. SUY NIỆM :
Có bốn nhân đức nhân bản giúp sống làm người trưởng thành về nhân cách là: Khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ, trong đó, đức khôn ngoan đứng đầu. Vậy khôn ngoan là gì? Có mấy lọai khôn ngoan? Để tập sống khôn ngoan theo Chúa ta cần làm gì ?
1)Thế nào là khôn ngoan? :
-Khôn ngoan là một nhân đức giúp ta nhận định rõ điều tốt phải làm và điều xấu cần tránh, nên dùng phương cách nào hữu hiệu nhất để đạt được điều tốt và tránh được điều xấu; Điều nào nên làm trước điều nào nên làm sau. Khôn ngoan còn là nhìn xa trông động hay tiên liệu để phòng tránh những tai nạn rủi ro và dự phòng cách ứng phó hữu hiệu với những tình huống bất lợi có thể xảy ra.
-Câu chuyện thứ nhất trên đây cho thấy sự thiếu khôn ngoan của vua Rơ-kháp-am là con vua Sa-lô-mon. Vì nếu là người khôn ngoan, hẳn ông đã biết phải nghe lời khuyên của ai và phải đối xử thế nào để lấy lòng mười chi tộc phía Bắc. Chính vì thiếu khôn ngoan mà vua Rơ-kháp-am đã làm cho đất nước bị chia cắt làm hai là Giu-đa phía Nam và Ít-ra-en phía Bắc. Cả hai nước đều trở nên suy yếu và lần lượt bị các Đế quốc xâm chiếm dẫn đến diệt vong sau này.
-Trong câu chuyện thứ hai, viên quan đại thần đã khôn ngoan mưu trí xô đổ chiếc tủ đựng 99 bình cổ quý giá còn lại để can ngăn nhà vua và dám can đảm hy sinh chịu chết để mong nhà vua tỉnh ngộ. Nhờ đó đất nước đã không thiệt mất đi nhiều nhân tài.
2) Phân biệt hai thứ khôn ngoan: Khôn ngoan của Thiên Chúa và khôn ngoan của thế gian:
-Khôn ngoan của Thiên Chúa nhắm mục đích tối hậu của đời người là được hạnh phúc, nên tất cả suy nghĩ lựa chọn của ta đều phải quy chiếu về mục đích này; đang khi khôn ngoan của thế gian chỉ nhắm đạt được các mục tiêu vật chất trần thế.
-Vì mục đích nhắm tới khác nhau nên khôn ngoan Thiên Chúa khác với khôn ngoan của thế gian. Chẳng hạn: khôn ngoan của Thiên Chúa đòi ta hy sinh mạng sống mà theo Chúa, đang khi khôn ngoan thế gian thúc giục ta tìm mọi cách để bảo vệ mạng sống ấy. Trong Tin Mừng, thánh Phêrô đã suy nghĩ theo khôn ngoan thế gian nên đã can trách Thầy Giê-su đừng chấp nhận con đường “qua đau khổ vào vinh quang”, nên đã bị Thầy quở trách (x.Mt 16,23). Đức Kitô chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì vậy, biết được Chúa Kitô là biết được sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan Thiên Chúa bao trùm cả thế gian này: sự sống hay sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về những người tin vào Đức Ki-tô.
3) Phải làm gì để sông đức khôn ngoan của Thiên Chúa:
-Trước hết phải xin ơn Chúa giúp và nỗ lực tìm kiếm rút kinh nghiệm mỗi ngày: Vua Sa-lô-môn nổi tiếng là người khôn ngoan. Khi lên ngôi vua, việc đầu tiên ông làm là lên đền Ghíp-ôn hành hương, dâng của lễ cầu nguyện với Đức Chúa. Đức Chúa hiện ra hỏi : “Ngươi muốn xin gì” ? Ông thưa : “Xin cho con được khôn ngoan”. Lời cầu xin ấy đẹp lòng Đức Chúa và Ngừơi đã ban cho ông nhiều hơn điều ông xin. Không chỉ cầu xin mà thôi, vua Sa-lô-môn còn nỗ lực tìm kiếm và không ngừng học hỏi như ông nói: “Từ thời trai trẻ tôi đã yêu quý và tìm đức khôn ngoan cho riêng mình” (1V 3,4-15).
-Tiếp đến cần khiêm tốn học hỏi Lời Chúa, năng kiểm điểm đời sống dưới ánh sáng Lời Chúa và cầu xin ơn Thánh Thần soi sáng giúp ta làm theo thánh ý Chúa. Khi phải chọn một trong hai điều tốt, ta hãy mang ra tập thể thảo luận hoặc bàn hỏi với bề trên trước khi quyết định làm gì phù hợp với thánh ý Thiên Chúa theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su, Đấng được Chúa Cha xác nhận “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5). Vì không biết điều nào đúng sai, chúng ta cần dựa theo nguyên tắc nhân quả: “Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu” (Mt 7,17). Điều nào phát sinh hoa trái tốt và giúp lương tâm bình an, thì đó là điều hợp với thánh ý Thiên Chúa.
-Ngòai ra chúng ta cũng nên áp dụng một số lời dạy khôn ngoan của người xưa như sau: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. -“Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” vì : “Nhất ngôn hữu xuất, tứ mã nan truy”.-“Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.-“Người khôn nói mánh, người dại đánh đòn”.-“Khôn cho người ta rái (kính nể), dại cho người ta thương, dở dở ương ương cho người ta ghét”.-“Gần người hiền thì sáng, gần người tài thì thông”.- “Rồng vàng tắm nước ao tù. Người khôn ở với người ngu bực mình”. -“Làm đầy tớ thằng khôn, còn hơn làm thầy thằng dại”v.v…….
5.LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã mời gọi chúng con : “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hòan thiện” (Mt 5,48) và “Anh em phải khôn như rắn, và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16). Xin ban Thánh Thần giúp chúng con biết kiên trì tập luyện thánh hóa bản thân. Cho chúng con biết khôn ngoan, thực tập các đức tính nhân bản. Nhờ đó, mỗi ngày chúng con sẽ nên hòan thiện giống như Cha trên trời hơn.- Amen.
LM ĐAN VINH HHTM

III. MỤC VỤ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH THÁNG 09/2021
HÔN NHÂN LÀ MỘT GIAO ƯỚC VĨNH VIỄN GIỮA HAI NGƯỜI NAM NỮ
1. LỜI CHÚA:
Đức Chúa phán: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa” (Hs 2,16.17b).
2. THẢO LUẬN:
– Tại sao một người con trai và một người con gái lại kết hôn với nhau?
– Thiên Chúa có vai trò nào trong việc chọn lựa người bạn đời của anh/chị?
3. SUY NIỆM:
Một tình yêu dành cho nhau
Khi nói “chúng ta yêu nhau” là ta ý thức mình không chỉ tự yêu mình hay yêu một cái gì đó đáng yêu và làm ta thỏa lòng, nhưng là yêu một con người có thể đáp lại tình yêu của ta với một tình yêu cũng mãnh liệt như thế. Đó là một tình yêu tương hỗ, cho và nhận. Tình yêu của chúng ta là một kiểu tình bạn với ý nghĩa đặc biệt. Là một tình bạn giữa hai người “tự hiến” cho nhau, và có những đặc tính: trọn vẹn, duy nhất và độc hữu (không chấp nhận những bạn tình khác); ổn định và bền vững (một chọn lựa mãi mãi); phong phú (mở ra cho sự sống và gắn liền với tính dục hướng tới sinh sản, không trước và không ngoài hôn nhân).
Một tình yêu tự hiến
Tình yêu chỉ thực sự khi sẵn sàng hiến dâng cách vô điều kiện, nó biểu lộ qua thái độ sẵn sàng chịu đựng những khó khăn có thể xảy ra và không mong đền đáp. Yêu thương ai là làm cho họ được hạnh phúc. Trái lại là thứ tình yêu ích kỷ, đòi người yêu phải cho mình một điều gì, hoặc tệ hơn, cho mình một sự thỏa mãn đam mê xác thịt.
“Trong Tông huấn Niềm vui của tình yêu, Đức giáo hoàng Phanxicô đã suy tư về tình yêu chân thật trong hôn nhân như Bài ca Đức Ái của thánh Phao-lô đã diễn tả (1Cr 13):
tình yêu kiên nhẫn, biết đón nhận người khác như họ là;
tình yêu phục vụ, không chỉ bằng cảm tính hay lời nói nhưng bằng hành động cụ thể;
tình yêu không ghen tị, nhưng biết trân trọng thành quả của người khác;
tình yêu không khoe khoang tự phụ, không coi mình hơn người khác;
tình yêu dịu dàng, không cứng cỏi;
tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán;
tình yêu tha thứ, biết tìm hiểu người khác để cảm thông và tha thứ hơn là soi mói chỉ trích;
tình yêu vui với niềm vui của người khác, chứ không vui trước sự thất bại của họ;
tình yêu dung thứ, giữ gìn miệng lưỡi, tránh xét đoán và nói xấu;
tình yêu tin tưởng tất cả nên không tìm cách thống trị nhưng biết tôn trọng người khác;
tình yêu hy vọng tất cả vì Thiên Chúa có thể vẽ lại thành đường thẳng bằng những nét cong;
tình yêu chịu đựng tất cả với thái độ tích cực” (HĐGMVN, Thư gửi các Gia đình Công giáo, 8).
Một tình yêu đến cùng
Chúa Giê-su dạy không có tình yêu nào lớn hơn kẻ đã hiến mạng sống mình vì bạn hữu: đây là điều khó chấp nhận nhất của tình yêu. Để làm được điều đó cần bỏ đi cái tôi ích kỷ của mình. Chết đi cho chính mình để “sống với” và “sống cho” người khác. Đó là “biết nhân nhượng” dù có thể bị người kia lợi dụng.
Tình yêu của vợ chồng
Cội rễ và sức mạnh để quyết định kết hôn nằm ở nơi tình yêu phu thê, tức là một tình yêu vị tha và yêu đến cùng.
Để sống tình yêu phu thê ấy, hai người đính hôn cần quyết định dứt khoát, công khai. Một điều quan trọng là họ phải tránh “quan hệ trước hôn nhân”, khiến hai người dấn sâu thân mật đến nỗi không thể thoái lui được nữa !
Hôn nhân là một giao ước
Giáo luật mới không còn định nghĩa hôn nhân như là một “hợp đồng”, mà là một “giao ước”. “Hợp đồng” nặng tính luật pháp hành chánh, còn “Giao ước” nói lên sự gắn bó mật thiết giữa hai bên giống như giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ít-ra-en. Nội dung của Giao ước hôn nhân là tình yêu vợ chồng: Người nam và người nữ, không còn chỉ trao đổi với nhau về các quyền lợi kinh tế, “quyền trên thân xác” nữa, nhưng trao đổi với nhau “quyền” trên toàn diện con người cả về thể xác, tình cảm và tinh thần. Bởi thế, tình yêu này phải độc nhất (một nam một nữ), bất khả phân ly và mở ra cho sự sống.
Hôn nhân là một chọn lựa dứt khoát
Lời tuyên bố “ưng thuận” kết hôn mà hai người trao cho nhau trong khi cử hành lễ cưới là nền tảng của giao ước hôn nhân. Ước nguyện đẹp nhất dành cho đôi vợ chồng là được thấy mỗi ngày tình yêu của họ được lớn lên. Ngày nào tình yêu ấy không còn lớn lên nữa, thì hôn nhân cũng ngưng lại.
Tình yêu và sự tha thứ
“Kết hôn trong Chúa” có nghĩa là chúng ta có thể yêu người chồng hay vợ của mình cả khi chúng ta bị xúc phạm. Bấy giờ chúng ta phải làm cho tình yêu được sống động trở lại bằng sự tha thứ. Nếu không tha thứ và không tái sinh liên tục, thì tình yêu sẽ khó lòng tồn tại.
4. LỜI CẦU:
Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Xin tạ ơn Cha vì Cha đã dùng bùn đất tạo dựng nên loài người chúng con có nam có nữ và phú ban cho hồn thiêng bất tử và tình yêu thương giống hình ảnh của Cha. Cha cũng truyền cho các đôi vợ chồng phải nên một xương một thịt để duy trì nòi giống loài người và để sống hòa hợp hạnh phúc bên nhau. Xin Cha ban cho các đôi vợ chồng luôn sống hiếu thảo với Cha và trung thành yêu thương nhau để sống trong hạnh phúc đời này và đời sau sẽ được hạnh phúc mãi mãi trên Thiên Đàng. Amen.

IV. TƯ LIỆU HỌC SỐNG LỜI CHÚA THÁNG 09/2021
HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CN 23 TN B
Is 35,4-7a ; Gc 2,1-5 ; Mc 7,31-37
XIN HÃY MỞ TAI MỞ MIỆNG MỞ LÒNG TRÍ CON
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 7,31-37
(31) Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đon, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. (32) Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. (C 33) Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh ta, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. (34) Rồi người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha!”, nghĩa là: “Hãy mở ra!” (35) Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. (36) Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. (37) Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: Ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”.
2. Ý CHÍNH:
Duy chỉ có Tin Mừng Mác-cô thuật lại việc Đức Giê-su chữa lành một người bị câm điếc. Người thực hiện phép lạ này tại miền Thập Tỉnh, nơi cư dân hầu hết là dân ngoại. Người đã chữa bệnh câm điếc như sau: đặt ngón tay vào tai anh ta, bôi nước miếng vào lưỡi anh ta, ngước mắt lên trời cầu nguyện, rên lên một tiếng và nói “Ép-pha-tha!”-“Hãy mở ra!” Lập tức bệnh nhân được chữa lành: tai anh ta đã mở ra để nghe được và lưỡi anh ta đã được tháo cởi sợi dây ràng buộc để nói được rõ ràng.
3. CHÚ THÍCH:
– C 31-32: + Bỏ vùng Tia:Tia là một thành phố thuộc nước Phê-ni-xi-a, phía Bắc nước Do Thái, có bang giao với nước Do Thái ngay từ thời vua Đa-vít và Sa-lo-mon (x.1 V 9,11-12). Khi Đức Giê-su ra giảng đạo, một số người vùng Tia đã tìm đến gặp Người (x. Mc 3,8). + Qua ngả Xi-đon: Thành Xi-đon nằm bên bờ Địa Trung Hải giữa Tia và Bây-rút. Thời xưa thành này là thủ đô của dân Xi-đon và đã bị các ngôn sứ lên án (x. Ed 32,30). Thời Tân ước, Đức Giê-su tỏ ra khoan dung với các thành thuộc dân ngoại này (x. Mt 11,21-22). + Đến biển hồ Ga-li-lê: Còn được gọi là Giê-nê-sa-rét hay Ti-bê-ri-át. Đây là biển hồ hình quả trám, có chiều dài 21 cây số và chiều ngang 12 cây số, mực nước thấp hơn mặt biển Địa Trung Hải, và có chỗ sâu tới 40 mét. Biển hồ này thường có sóng to gió lớn, và khá nhiều cá. + Vào miền Thập Tỉnh (gọi là Đê-ca-bô-lơ): Là vùng đất phía Đông biển hồ Ga-li-lê, gồm mười thành chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hy-lạp. Tin Mừng Nhất Lãm thường hay nhắc đến miền Thập Tỉnh này (x. Mt 4,25 ; Mc 1,28). + Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng: Hai thứ bệnh câm và điếc thường đi đôi với nhau. Chính vì điếc không nghe được âm thanh hay lời nói, nên bệnh nhân bị câm không thể nói được, chỉ phát ra một số âm thanh vô nghĩa. Người câm điếc thường bị thiệt thòi vì không có khả năng giao tiếp với tha nhân. + Xin Người đặt tay trên anh: Xin đặt tay là xin chúc lành theo phong tục Do Thái (x. St 48,14-15). Đây cũng chính là cử chỉ Đức Giê-su thường làm như: đặt tay chúc lành cho trẻ em (x. Mc 10,16), đặt tay chữa bệnh (x. Mc 6,5).
– C 33-35: + Kéo riêng ra khỏi đám đông: Cũng như khi chữa con gái ông Gia-ia mới chết được sống lại (x. Mc 5,37) hoặc khi chữa một người mù thành Bét-sai-đa (x. Mc 8,23). Ở đây, Người tách riêng kẻ bị câm điếc ra khỏi đám đông. Điều này chứng tỏ sự tế nhị và cảm thông đối với sự ngượng ngùng của bệnh nhân, khi anh ta phải ra đứng trước đám đông là những người đang muốn nhìn xem Đức Giê-su chữa bệnh. Đàng khác, việc can thiệp của Thiên Chúa thường được thực hiện cách kín đáo, giống như ngôn sứ Sa-mu-en được Đức Chúa sai đến nhà Giê-sê ở Be-lem để bí mật xức dầu phong một người con của ông này làm vua, thay thế vua Sa-un (x. 1 Sm 16,1-13) ; Ông Giê-hu cũng được xức dầu phong vương cách kín đáo như vậy (x. 2 V 9,2-6). + Đặt ngón tay vào lỗ tai anh, nhổ nước miếng bôi vào lưỡi anh. Rồi người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: “Hãy mở ra!” ...Đức Giê-su làm hai động tác để chữa bệnh: Một là “đặt ngón tay vào tai và lấy nước miếng bôi vào lưỡi anh” (c.33) ; Hai là “ngước mắt lên trời” cầu nguyện, rên một tiếng (thở dài) và nói “Ép-pha-tha” nghĩa là “Hãy mở ra!” (c. 34). Hai động tác này mang tính bí tích và lập tức phát sinh công hiệu làm cho tai người điếc mở ra để nghe được, lưỡi bệnh nhân được tháo cởi và nói được rõ ràng. Qua phép lạ chữa lành người câm điếc, cũng như chữa người mù (x. Mc 8,22-26), Mác-cô muốn chứng minh Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai. Vì Người thực hiện dấu chỉ của thời Thiên Sai đã được I-sai-a tiên báo như sau: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò…” (Is 35,5-6).
– C 36-37: + Không được kể chuyện đó với ai cả…: Khi chữa người câm điếc (x. Mc 7,36), chữa người phong cùi (x. Mc 1,44), phục sinh con gái ông Gia-ia (x. Mc 5.43), chữa lành người mù thành Bết-xai-đa (x. Mc 8,26)… Đức Giê-su đều truyền cho họ phải giữ im lặng. Sở dĩ Người không muốn họ nói ra những phép lạ đó, vì đây là “Bí mật Thiên Sai”. Người muốn tránh cho dân Do Thái khỏi hiểu lầm về sứ mệnh Thiên Sai của Người. Sứ mệnh được Chúa Cha trao phó là lập một Nước Trời thiêng liêng vĩnh cửu, đang khi dân chúng lại đang trông mong một Đấng Thiên Sai trần thế, để lãnh đạo dân chống lại đế quốc Rô-ma, đánh đuổi quân Rôma ra khỏi bờ cõi. Để thi hành sứ mệnh Thiên Sai đúng theo thánh ý Thiên Chúa, Đức Giê-su cần có thời gian rao giảng cho dân Do Thái hiểu rõ về vai trò và sứ mệnh của Người. Do đó, khi làm các phép lạ cứu nhân độ thế, Người không muốn có sự ồn ào dễ trở thành động cơ thúc đẩy phong trào Thiên Sai quá khích, làm cớ cho quân Rô-ma kéo đến đàn áp, như đã từng xảy ra trước đó. + Nhưng họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả”: Những người được Đức Giê-su chữa lành đã không giữ kín những ơn mà họ đã nhận được. Vì họ thật sự thán phục những việc tốt lành Đức Giê-su đã làm. Việc chữa bệnh này giống như việc tái tạo một con người mới, con người được giải thoát khỏi ách nô lệ của ma quỷ và tội lỗi… tương tự việc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ vạn vật thuở ban đầu đã được Sách Thánh tường thuật: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31).
4.CÂU HỎI: 1) Bạn biết gì về biển hồ Ga-li-lê ? 2) Bệnh điếc và ngọng là bệnh gì ? 3) Việc đặt tay của Đức Giê-su trên bệnh nhân điếc và ngọng có ý nghĩa thế nào ? 3) Tại sao Đức Giê-su phải tách riêng bệnh nhân ra khỏi đám đông ? 4) Đặt tay vào lỗ tai và bôi nước miếng vào lưỡi của người bệnh là hai động tác mang tính gì ? 5) Qua phép lạ Đức Giê-su chữa bệnh câm điếc, Mác-cô muốn chứng minh Đức Giê-su là ai ? Tại sao ? 6) Những phép lạ Đức Giê-su thực hiện, nhưng không muốn người bệnh nói ra cho người khác biết, là những phép lạ nào ? Tại sao Chúa lại muốn người ta im lặng ? 7) Trong thực tế dân chúng có im lặng không ? Tại sao ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: “Hãy mở ra!” Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng (Mc 7,34).
2. CÂU CHUYỆN:
1) MỞ LÒNG ĐỂ THỰC HIỆN NHIỀU ĐIỀU TỐT ĐIỀU THIỆN:
Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề thăm nhà bạn cũ. Người bạn cũ trách Mặc Tử: “Bây giờ thiên hạ còn ai biết đến việc nghĩa, quan lớn cũng như quan bé, mạnh ai nấy sống, lấy cái công làm cái tư, ông tự khổ thân một mình làm việc nghĩa chi cho nhọc xác?”.
Mặc Tử trả lời: “Tôi hỏi ông, nhà có mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn, thì chẳng phải đứa đang cày phải chịu khó cày chăm chỉ hơn hay sao? Bởi vì đứa cày thì ít đứa ăn thì nhiều. Thiên hạ bây giờ không ai chịu làm việc nghĩa, lẽ ra ông phải khuyên tôi cần làm việc nghĩa nhiều hơn mới phải chứ, sao lại ngăn tôi?”.
Mỗi người chúng ta cũng phải mở lòng ra để làm những điều tốt điều thiện, cho dù chung quanh ta có nhiều người đang chọn làm điều xấu điều ác.
2) CÓ ĐƯỢC KIẾN THỨC UYÊN BÁC LÀ DO ĐÂU ?
Một ông già kia nổi tiếng là người có kiến thức rộng. Tuy trình độ văn hóa mới hết bậc phổ thông, nhưng ông lại có vốn kiến thức sâu rộng về nhiều lãnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, triết lý và thần học… Tiếng đồn về ông già có kiến thức rộng ngày càng lan đi xa và nhiều người đã đến viếng thăm ông để xin giải đáp thắc mắc và hỏi ý kiến về các vấn đề cuộc sống. Họ đã được ông tận tình giải đáp và cho ý kiến. Ngày nọ, một vị giáo sư đại học cũng đến thăm. Sau buổi đàm đạo lâu giờ, vị giáo sư kia đã hỏi ông cụ nguyên nhân khiến ông có sự hiểu biết rộng rãi và đúng đắn như vậy, đồng thời xin ông giới thiệu một số cuốn sách mà ông đã đọc. Nhưng thật bất ngờ: Ông cụ đã trả lời như sau: “Thưa ngài, thực sự tôi chẳng có thì giờ và cũng chẳng có khả năng để đọc các quyển sách cao siêu về khoa học, triết lý hay thần học… Hằng ngày tôi chỉ đọc có 3 cuốn sách mà bất cứ ai cũng có thể đọc được:
– Cuốn thứ nhất là những công trình lạ lùng kỳ diệu Thiên Chúa đã và đang làm nơi bản thân tôi và chung quanh tôi. Nhờ đó, tôi có dịp dâng những lời ngợi khen ca tụng Người.
– Cuốn sách thứ hai là những việc đã xảy ra trong cuộc đời tôi. Nhờ đó, tôi có dịp hồi tâm sám hối tội lỗi đã phạm, cảm tạ những ơn lành Chúa ban và cầu xin Người ban các ơn lành hồn xác, nhất là ban ơn cứu độ.
– Cuốn sách thứ ba là Lời Chúa trong Kinh Thánh. Mỗi ngày tôi luôn dành ra một thời gian vào lúc sáng sớm để đọc một đoạn Lời Chúa, rồi suy niệm và cầu xin Chúa giúp thực hành hằng ngày. Mỗi lần tham dự thánh lễ, tôi luôn để tâm lắng nghe Lời Chúa qua các bài đọc, nhất là bài giảng của vị chủ tế”.
3. THẢO LUẬN: 1) Tuần này bạn sẽ làm gì để có thể nghe được Lời Chúa, khám phá ra ý Chúa muốn dạy và mau mắn xin vâng ý Chúa? 2) Bạn cần làm gì để nghe được những tâm tư của kẻ bất hạnh và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ? 3) Bạn sẽ làm gì giúp anh em lương dân tin nhận Chúa để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho họ?
4. SUY NIỆM:
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giê-su chữa lành một người điếc và ngọng. Phép lạ không chỉ đề cập đến việc chữa lành bệnh câm điếc về thể xác, mà còn muốn đề cập đến bệnh câm điếc về tinh thần. Đức Giê-su đã mở tai người điếc để anh không những nghe được lời nói của tha nhân, mà còn có thể nghe được Lời Chúa phán dạy. Đức Giê-su cũng không những mở miệng người câm để anh có thể nói chuyện với người chung quanh, mà còn để anh có thể tuyên xưng đức tin vào Người là Đấng Thiên Sai, đến để cứu nhân độ thế. Hôm nay chúng ta hãy xin Đức Giê-su mở miệng chúng ta ra để biết ca tụng tình thương và quyền năng vô biên của Chúa và hăng say loan báo tình thương của Chúa đến cho mọi người:
+ Xin Chúa mở mắt tâm hồn chúng ta: Đúng như ông lão có kiến thức uyên bác trong câu chuyện trên đã nói: “Thiên Chúa đã làm biết bao việc lạ lùng chung quanh ta mà mọi người đều có thể nhìn xem, lắng nghe và suy nghĩ về những điều kỳ diệu ấy”. Nếu chúng ta không hiểu được ý Chúa là do đã không biết mở mắt để nhìn xem, mở tai để lắng nghe, mở lòng để đón nhận, mở trí khôn để khám phá và thi hành thánh ý Chúa muốn.
“Ép-pha-ta”: Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết mở mắt tâm hồn bằng cách mở tai mở lòng, mở trí để đón nhận Lời Chúa và tích cực chia sẻ tình người với tha nhân.
+ Xin Chúa mở miệng lưỡi chúng ta: Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã chữa một người vừa ngọng (câm), vừa điếc. Người câm ngọng đã gặp sự khó khăn khi giao tiếp, vì không thể nói cho người khác hiểu ý muốn của mình. Về tinh thần, nhiều người trong chúng ta đã mất đi sự tự tin, ăn nói ngọng nghịu và đành im lặng khi giao tiếp, vì trong quá khứ chúng ta đã từng bị kẻ khác tỏ thái độ miệt thị khinh thường… Vì chuings ta đã gặp phải những sự đe dọa nên không dám phát biểu những suy nghĩ trung thực của mình.
“Ép-pha-tha”: Xin Chúa hãy mở miệng chúng con, để chúng con sẵn sàng làm chứng cho chân lý, giới thiệu Chúa cho tha nhân, an ủi những người đau khổ phải chịu đựng do tai nạn, do bị ngược đãi bất công, hay đang phải chịu đựng những điều trái ý cực lòng.
+ Xin Chúa mở đôi tai chúng ta: Người điếc hoặc bị lãng tai do không nghe được những lời kẻ khác nói. Lắng nghe là điều tối quan trọng trong giao tiếp hằng ngày. Chúng ta thường chỉ muốn nghe điều mình thích, hoặc dù có nghe người khác nói nhưng lại chỉ muốn hiểu theo ý riêng chủ quan của mình, nên đã gây ra biết bao hiểu lầm tranh cãi, làm mất tình đoàn kết nội bộ. Nghe bằng tai chưa đủ, chúng ta còn cần nghe bằng trái tim yêu thương. Nhờ đó chúng ta mới hiểu đúng và đủ ý nghĩa chứa đựng trong lời nói của người đối diện.
“Ép-pha-tha”: Xin Chúa hãy mở đôi tai chúng con để lắng nghe, hiểu biết và cảm thông với những nỗi đau khổ của tha nhân và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu chính đáng của họ với hết khả năng cùa mình.
+ Xin Chúa mở lòng trí chúng ta: Thế giới hôm nay đang thiếu cảm thông và đối thoại, vì quá nhiều người đang bị bệnh câm điếc về tinh thần, khiến họ trở thành một hòn đảo giữa đại dương nhân lọai bao la. Bệnh câm điếc tinh thần cũng làm cho con người trở thành ích kỷ, sống khép kín vì tâm hồn bị sơ cứng khi không trao tặng được cho ai cái gì và cũng không muốn đón nhận của ai điều gì. Cuối cùng con người sẽ chết trong sự nghèo nàn hiểu biết và tình thương.
“Ép-pha-tha”: Xin Chúa mở tai mở miệng và mở lòng, để chúng ta dễ dàng giao lưu với Chúa và với tha nhân, để được biến đổi nên người mới sống có tình người hơn. Nhờ đó, chúng ta sẽ làm cho gia đình, khu xóm và xã hội trở thành thiên đàng yêu thương theo ý Chúa muốn.
5. CẦU NGUYỆN:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hiện nay có nhiều bức tường ngăn chặn làm tai con bị điếc. Có nhiều sợi dây trói buộc làm cho lưỡi con bị ngọng. Xin Chúa hãy chữa lành con: “Ép-pha-tha, Hãy mở ra”, để con nghe được tiếng Chúa, tiếng lương tâm mà hồi tâm hoán cải và đổi mới con tim. Xin hãy phá đi những thành kiến và thái độ vô cảm ích kỷ, để con biết mở rộng lòng đón nhận Lời Chúa và đón nhận anh em. Xin hãy mở miệng lưỡi con ra, cắt đi sợi dây sợ sệt, ươn hèn để con mạnh dạn nói lên lời sự thật, ca ngợi tình Chúa tình người.
“Ép-pha-tha!”, Xin Chúa hãy mở rộng tâm trí con, để con trở thành tay chân cho người tàn tật, trở thành đôi mắt cho kẻ đui mù. Để con biến thành tai nghe cho những người bị điếc, trở nên miệng lưỡi cho những kẻ ngọng câm. Để con trở thành tiếng kêu cho những kẻ đang bị áp bức… Lạy Chúa, xin giúp con thực thi đức ái giữa đời thường: Sẵn sàng mở hầu bao để chia sẻ cơm bánh vật chất giúp cho kẻ đói ăn, đem nước uống cho những kẻ đang khát; Để con đem thuốc men cho người bị ốm đau, chia sẻ áo lành cho những người rách rưới, mang mền đắp cho những kẻ lạnh run, đem chỗ trú thân cho những kẻ không nhà… Nhất là để con chia sẻ tình thương bao dung của Chúa, sẵn sàng tha thứ vô điều kiện và chủ động giơ tay ra trước để làm hòa với những ai đang thù ghét và làm hại con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN B
Is 50,5-9a ; Gc 2,14-18 ; Mc 8,27-35
VÀO TRONG VINH QUANG NGANG QUA ĐAU KHỔ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Mc 8,27-35
(27) Đức Giê-su và các môn đệ của người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ : “Người ta nói Thầy là ai ? (28) Các ông đáp : “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. (29) Người lại hỏi các ông : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ? Ông Phê-rô trả lời : “Thầy là Đấng Ki-tô”. (30) Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. (31) Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết : Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại. (32) Người nói điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. (33) Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Sa-tan! Lui lại đằng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người. (34) Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng các môn đệ lại. Người nói với họ rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (35) Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
2. Ý CHÍNH :
Sau khi nghe biết dư luận quần chúng, Đức Giê-su đòi các môn đệ phải xác định đức tin vào Người : “Anh em bảo Thầy là ai ?” Phê-rô đã đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin : “Thầy là Đấng Ki-tô”. Từ đây Đức Giê-su bắt đầu cho các ông biết con đường Người sắp trải qua là : “qua đau khổ vào vinh quang”. Người trách Phê-rô khi ông cản Người theo con đường này. Người đòi ai muốn làm môn đệ của Người phải bỏ mình vác thập giá mình mà đi theo Người.
3. CHÚ THÍCH :
– C 27-28 : + “Người ta nói Thầy là ai ?” : Qua các môn đệ, Đức Giê-su muốn biết người ta nghĩ gì về Người. + Là Gio-an Tẩy Giả tái sinh : Đây là ý tưởng của đảng Hê-rô-đê (x. Mt 14,2). + Là Ê-li-a : Ngôn sứ Ma-la-ki-a đã tuyên sấm về sứ mệnh của ngôn sứ Ê-li-a là sẽ đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai : “Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng” (Ml 3,23). + Là một trong các vị ngôn sứ : Dân chúng tin Đức Giê-su ít ra là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đến giáo huấn dân Người.
– C 29-30 : + Người lại hỏi các ông : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ? Đức Giê-su đặt câu hỏi này với các môn đệ để xem nhận thức của các ông về Người. + Ông Phê-rô trả lời : “Thầy là Đấng Ki-tô” : Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Ki-tô hay Đấng Cứu Thế. Đây là lời tuyên xưng chính xác về thân thế Đức Giê-su. Do lời tuyên xưng này mà Phê-rô đã được khen ngợi là có phúc (x. Mt 16,16-17). Chính Đức Giê-su cũng thừa nhận Người là Đấng Ki-tô trước tòa án tôn giáo (x Mc 14,61-62). Lời tuyên xưng của Phê-rô tuy đúng, nhưng chưa rõ ràng, vì người ta có thể hiểu sai sứ mệnh cứu thế của Người và gán cho Người sứ mệnh cứu thế trần tục, nhằm giải phóng dân Do thái bằng bạo lực, thoát khỏi ách thống trị của Đế quốc Rô-ma. + Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người : Đức Giê-su cấm nói ra không phải để phủ nhận lời tuyên tín của Phê-rô, nhưng vì muốn tránh sự cuồng nhiệt của dân Do Thái muốn sử dụng bạo lực để lật đổ nhà cầm quyền Rô-ma. Người cấm các môn đệ nói ra Người là Đấng Ki-tô vì cần có thêm thời gian rao giảng về sứ mệnh cứu thế thiêng liêng tinh thần phù hợp thánh ý Thiên Chúa. Cuối cùng, Người cấm vì “Giờ của Người chưa đến”, vì cần phải nhờ Thần Khí tác động, người ta mới có thể chấp nhận được chân lý này.
– C 31-33 : + Người bắt đầu dạy các ông biết… : Đây là lúc Đức Giê-su loan báo về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh mà Người sắp trải qua. + Con Người : Khi tự nhận là Con Người, Đức Giê-su vừa khiêm tốn xưng mình là : “kẻ hèn mọn này”, lại vừa theo ý nghĩa biểu tượng của văn chương khải huyền Do Thái về Con Người là Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa (x. Tv 110,1) và sẽ đến trên mây trời (x. Đn 7,13-14). Đức Giê-su đã dùng tước hiệu Con Người nhiều hơn tước hiệu Mê-si-a. là tước hiệu đã bị người Do Thái tục hóa mang mầu sắc chính trị. Trong Tân Ước, từ ngữ Con Người được lặp đi lặp lại tới 70 lần. Con Người có nghĩa là “Người Tôi tớ Gia-vê, bị loại bỏ và bị giết để sau cùng được tôn vinh và cứu rỗi muôn người” (x. Mc 8,31). Trước khi xuất hiện trong vinh quang vào ngày sau hết, Con Người phải tự hạ, sống cuộc đời trần thế, bị nghèo khó (x. Mt 8,20), bị khinh dể (x. Mt 11,19), bị xúc phạm (x. Mt 12,32), bị tử hình thập giá (x. Ga 3,14), rồi mới vào trong vinh quang Phục Sinh (x. Dt 2,6-9). Cuối cùng khi đến ngày tận thế, Con Người sẽ lại đến ngự trên ngai uy quyền mà xét xử muôn dân (x. Mt 25,31-46). + Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : Tuy tuyên xưng Đức Giê-su với tước hiệu là Đấng Ki-tô, nhưng Phê-rô chưa hiểu được ý nghĩa thực sự của tước hiệu này. Ông chưa hiểu rằng theo thánh ý Thiên Chúa thì “Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ rồi mới vào trong vinh quang” (x Lc 24,26). Ông đã thay mặt anh em can trách Đức Giê-su đừng chịu như vậy, vì các ông đều không muốn thấy Thầy phải chịu thất bại trước rồi sau đó mới chiến thắng. Các ông muốn Thầy sớm lên làm vua Mê-si-a để các ông cũng được chia sẻ quyền cao chức trọng (x. Lc 22,24), được ngồi bên tả bên hữu Thầy (x. Mt 20,21). + Người trách Phê-rô : “Xa-tan ! Lui lại đằng sau Thầy ! : Khi kéo riêng Đức Giê-su ra mà can trách, ông phê-rô đóng vai trò của Xa-tan, kẻ đã cám dỗ xúi giục Đức Giê-su đi con đường khác với thánh ý Thiên Chúa. Nhưng Đức Giê-su ra lệnh cho Phê-rô phải trở về chỗ của người môn đệ là ở phía sau và phải theo đường lối của Thầy (x. Mc 1,17.20; 8,34). + Vì tư tưởng của anh không phải tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” : Ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm :”Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,9). Ông Phê-rô đã không hiểu thánh ý Thiên Chúa là muốn cho Đức Giê-su cứu thế bằng con đường “qua đau khổ vào vinh quang” và mời gọi người ta đi theo con đường này (x. Mt 16,21-23).
C 34-35 : + “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” : Đây là lời Đức Giê-su mời gọi người ta tự nguyện theo Người chứ không ép buộc. + Từ bỏ chính mình : “Từ bỏ” ở đây đồng nghĩa với “ghét” hay “yêu ít hơn” hoặc “coi thường” bản thân mình (x. Lc 14,26 ; Ga 12,25). + Vác thập giá mình : Thành ngữ “vác thập giá mình” gợi lên thói tục quân lính bắt tử tội phải tự vác cây thập giá của mình đến nơi hành hình. Ai muốn làm môn đệ Đức Giê-su, cũng phải vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Người. + “Cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Liều mạng sống mình vì Đức Giê-su và vì Tin Mừng thì cứu được mạng sống ấy”: Câu nói nghịch lý này mời gọi người nghe quan tâm đến giá trị đích thực của cuộc sống đời sau. Một người sống ích kỷ ở đời này, thì sẽ bị mất đời sống vĩnh hằng ở đời sau. Nhưng nếu ai sẵn sàng chịu thua thiệt, chịu chết vì đức tin ở đời này, thì sẽ có được sự sống đời đời do Chúa sẽ ban sau này.
4. CÂU HỎI :
1) Khi được hỏi, các môn đệ đã thuật lại cho Đức Giê-su dư luận của quần chúng về Người thế nào ?
2) Phê-rô tuyên xứng Đức Giê-su là ai ? Lời tuyên xưng ấy đúng hay sai ? Người Do thái thời đó có hiểu tước hiệu ấy đúng như thánh ý Thiên Chúa muốn Đức Giê-su thi hành không ?
3) Tại sao Đức Giê-su cấm các môn đệ nói ra tước hiệu Ki-tô mà Phê-rô vừa tuyên xưng ?
4) Khi xưng mình là “Con Người”, Đức Giê-su ngầm dạy điều gì về vai trò và sứ mệnh của Người ?
5) Tại sao Đức Giê-su thích xưng mình là “Con Người” hơn là “Đấng Mê-si-a” hay “Đấng Ki-tô” nghĩa là “Đấng Thiên Sai” ?
6) Trong Tân Ước, từ “Con Người” được nói tới bao nhiêu lần và mang ý nghĩa gì ?
7) Tại sao ông Phê-rô can trách Đức Giê-su ?
8) Tại sao Đức Giê-su lại mắng Phê-rô là Sa-tan và bắt ông lui lại phía sau ?
9) Thánh ý Thiên Chúa muốn Đức Giê-su phải cứu thế bằng con đường nào ?
10) Đức Giê-su đòi ai tình nguyện đi theo làm môn đệ của Người phải làm gì ?
11) “Từ bỏ mình”có ý nghĩa thế nào ?
12) Câu “vác thập giá mình mà theo Thầy” nghĩa là gì?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34):
2. CÂU CHUYỆN :
1) VÀO TRONG VINH QUANG NGANG QUA ĐAU KHỔ:
Bà GÔN-ĐA MÊ (Golda Meir), nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Ít-ra-en, khi còn là thiếu nữ đã thất vọng về nhan sắc của mình. Bà thuật lại giai đoạn thiếu thời ấy như sau : “Mỗi lần nhìn khuôn mặt của mình trong gương, tôi lại thầm trách sao Ông Trời quá bất công, khi ban cho tôi một khuôn mặt không mấy đẹp đẽ duyên dáng như các bạn đồng trang lứa khác. Mãi về sau tôi mới nhận ra rằng : Chính khuôn mặt không mấy đẹp đẽ của tôi lại là điều may mắn và mang lại sự tốt lành cho tôi. Bởi vì điều ấy buộc tôi luôn phải cố gắng khám phá ra những tài năng sâu kín nơi bản thân và phát triển chúng ngày một tốt hơn. Cuối cùng tôi rút ra được bài học này là : Một phụ nữ đáng quí trọng không phải ở chỗ có một sắc đẹp trời cho, vì nó không mấy bền vững và sẽ phai tàn theo năm tháng. Nhưng giá trị đích thực của một phụ nữ ở chỗ cố gắng phấn đấu làm việc, để khám phá ra khả năng Chúa ban cho mình, rồi phát huy những mặt tích cực, biến những tài năng đó trở thành phương tiện giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội…”.
GÔN-ĐA MÊ đã chấp nhận thập giá của mình, không than khóc phản kháng, không tức giận chán nản, nhưng sẵn sàng vác nó lên vai với lòng can đảm vượt qua trở ngại, để cuối cùng đã trở thành vị nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Israel (Giảng lễ CN B – M. Link).
2) BÀI THƠ “DỌC ĐƯỜNG”:
Thi sĩ RÔ-BỚT BAO-NING HA-MINH-TƠN (Robert Browning Hamilton) trong bài thơ “Dọc đường” (Along the Road), đã tóm lược nội dung Tin Mừng hôm nay bằng những lời thơ đầy ý nghĩa như sau: “Tôi đã cùng bước đi một quãng đường với Nữ Thần Hoan Lạc. Dọc đường, nàng đã cho tôi được sung sướng bằng những lời ve vuốt tự ái của tôi. Nhưng rồi cuối cùng tôi chẳng thấy khôn ngoan hơn bao nhiêu. Sau đó, tôi lại bước đi với Nữ Thần Đau Khổ. Dọc đàng, nàng chẳng nói một lời. Nhưng cuối cùng tôi lại thấy mình lớn lên về kinh nghiệm sống, về sự khôn ngoan, nhờ trải qua kinh nghiệm đau thương suốt thời gian bước đi bên nàng…”.
3. THẢO LUẬN :
1) Mỗi khi gặp được những điều may lành như ý, chúng ta thường dâng lời tạ ơn Chúa. Nhưng khi gặp rủi ro trái ý, chúng ta nên làm gì theo Lời Chúa dạy : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” ?
2) “Vác thập giá mình mà theo” Đức Giê-su cụ thể là nhờ Thần Khí giúp chúng ta thanh luyện khỏi các thói hư thuộc về xác thịt và đón nhận hoa quả của Thần Khí như thánh Phaolô đã liệt kê sau đây: “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy… Còn hoa quả của Thần Khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ… Những ai thuộc về Đức Kitô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,19-24).
4. SUY NIỆM :
1) “Thầy là Đấng Ki-tô”:
Câu hỏi “Người ta bảo Con Người là ai?” của Đức Giê-su đã được đặt ra cho dân Do thái, cho các môn đệ xưa và cho mỗi tín hữu chúng ta hôm nay. Dư luận dân Do thái coi Đức Giê-su là ông Gio-an Tẩy giả tái sinh, là ngôn sứ Ê-li-a hay một vị ngôn sứ thời xưa. Tông đồ Phêrô đã tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô”. Tước vị Ki-tô hay “Chris-tus”, “Mê-si-a” ám chỉ Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong làm Vua Thiên Sai, để giải phóng dân Ít-ra-en khỏi ách thống trị của Đế quốc Rô-ma và trở thành một dân tộc hùng mạnh. Tuy nhiên sau đó Đức Giê-su lại mặc khải cho ông Phê-rô biết sứ mệnh Kitô của Người là cứu độ nhân loại bằng con đường “qua đau khổ vào vinh quang” (x Mt 16,21). Ngừơi là “Tôi trung của Đức Chúa”, chịu đau khổ để đền tội thay cho dân và làm cho muôn người được nên công chính như ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm (x Is 53,3-11).
Lời Đức Giê-su tiên báo về việc Người sẽ trải qua cuộc Tử Nạn rồi mới vào trong vinh quang Phục Sinh đã làm cho Tông đồ Phêrô choáng váng. Ông không sao hiểu được tại sao Thầy của ông lại phải chịu điều khủng khiếp như vậy, bởi ông còn mải mê với một Đức Kitô vinh quang, nên ông đã phản ứng ngay, bằng việc kéo Đức Giê-su lại mà can trách Người. Đức Giê-su nhận thấy đây là một cơn cám dỗ của Satan nói qua miệng Phêrô, nên Người đã bảo ông : “Satan, hãy lui lại sau Ta”. Thực vậy: Ngay từ khi gọi Simon Phêrô ở bờ hồ Galilê, Đức Giê-su đã cho thấy chỗ của ông : “Hãy đi sau Thầy”. Chỗ đứng của môn đệ là ở đằng sau Thầy. Qua câu này, Đức Giê-su muốn đưa ông Phêrô về đúng chỗ của ông, bởi ông đang muốn đi trước dẫn đường cho Người. Lý do Đức Giê-su nếu ra: “Vì anh không nghĩ những điều của Thiên Chúa, mà chỉ nghĩ những điều của loài người.” Đức Giê-su thấy rõ đâu là con đường Thiên Chúa muốn, và đâu là con đường thế gian đang chờ đợi. Con đường của Thiên Chúa thì vượt trên những tính toán khôn ngoan của loài người. “Bởi vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người.” (1 C 1,25)
2) “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình” (x Mt 16,24) :
Đi theo Đức Giê-su là mẫu số chung của mọi Ki-tô hữu, từ hàng giáo phẩm đến giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Tất cả mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi đi theo Người. Theo sau Đức Giê-su đòi phải từ bỏ: Các môn đệ đầu tiên đã bỏ nghề chài lưới, bỏ cả cha già cùng những người làm công mà theo Thầy. Ở đây, Đức Giê-su đòi hỏi không phải chỉ từ bỏ một vật hay người nào đó, mà là từ bỏ chính bản thân mình. Từ bỏ chính mình là không còn sống cho chính mình nữa, là vác lấy thập giá của mình mà theo Người. Như thế có thể định nghĩa: Kitô hữu là người vác thập giá mình đi theo sau Đức Giê-su cũng đang vác cây thập giá. Đức Giê-su đã vác thập giá, cái dụng cụ giết người mà cả người Do Thái lẫn Hy Lạp đều coi là nhơ nhuốc. Thập giá của Đức Giê-su là do Ngài tình nguyện gánh lấy tội lỗi của nhân loại. Còn thập giá của chúng ta hôm nay là gì ?:
– Là từ bỏ chính mình, bỏ đi “cái tôi” tự ái, ích kỷ; lòng ham mê tiền bạc, danh vọng, quyền hành và các đam mê bất chính khác. Là từ bỏ con người cũ để nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giê-su Con Thiên Chúa (x Rm 8,29), tìm lại hình ảnh ban đầu tốt đẹp khi mới được sáng tạo “giống như Thiên Chúa” (x Stk 1,26).
– Là vác thập giá mình: Vác thập giá là thái độ tự chủ, vượt lên trên những đòi hỏi của bản năng. Vác thập giá là thái độ nỗ lực muốn nên hoàn thiện, là quyết tâm lọai bỏ con người “thuộc thể”, để mặc lấy con người “thuộc linh” được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Như vậy: “vác thập giá mình” là sẵn lòng chấp nhận những đau khổ và rủi ro hoặc thất bại gặp phải trong cuộc sống, noi gương Đức Giê-su đã chấp nhận đau khổ trong cuộc khổ nạn đau thương của Người.
“Vác thập giá mình mà theo Đức Giê-su” cụ thể là nhờ Thần Khí giúp chúng ta thanh luyện mình khỏi các thói hư thuộc về xác thịt và đón nhận được hoa quả của Thần Khí, như thánh Phaolô đã liệt kê trong thư Galata: “Là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy… Còn hoa quả của Thần Khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ… Những ai thuộc về Đức Kitô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,19-24).
3) Người tín hữu cần vui vẻ đón nhận đau khổ thập giá trong cuộc sống:
Cuộc đời mỗi người không phải lúc nào cũng thành công. Bên cạnh những điều như ý vẫn có những nỗi cay đắng, tủi nhục, những tai nạn rủi ro, những thất bại đau khổ… mà dù muốn hay không chúng ta cũng phải chịu đựng. Đau khổ thất bại vẫn có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến thành công, như người ta thường nói : “Thất bại là mẹ thành công”. “Thiên Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành”, từ việc tổ phụ Giu-se bị các anh bán làm nô lệ bên Ai Cập, lại trở thành tể tướng triều đình Ai Cập và về sau đã đưa cả dòng tộc của Tổ phụ Gia-cóp sang bên Ai cập tránh khỏi nạn đói kém. Tin là chấp nhận con đường thập giá chật hẹp và leo dốc đi theo Đức Giê-su như thánh Phao-lô đã khuyên đồ đệ Ti-mô-thê : “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình (2 Tim 2,12-14).
4) Cần ý thức đau khổ có giá trị thanh luyện để giúp ta nên thánh:
Thiên Chúa thường sử dụng khổ đau để rèn luyện con người nên tốt hơn. Các vĩ nhân trên thế giới, các thánh nhân trong Giáo hội, đều đã trải qua muôn ngàn khó khăn trong cuộc sống… Nhưng các ngài không nản chí buông xuôi, mà quyết tâm vượt qua để trở nên vĩ đại, nêu cao gương sáng đức tin cho hậu thế noi theo. Như “Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế , rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?” (Lc 24,26), người tín hữu chúng ta cũng phải trải qua đau khổ rồi mới được thành công. Từ đây thập giá không còn là hình khổ ghê sợ, nhưng là phương tiện để được vào trong vinh quang. Con người ngày nay thường ngại hãm mình, tránh sự từ bỏ và hy sinh… Nhưng nếu ai muốn cuộc sống có ý nghĩa thì phải chấp nhận gian nan thử thách như người ta thường nói : “Có công mài sắt có ngày nên kim” . Một khi hiểu được ý nghĩa cao cả của đau khổ thập giá, chúng ta sẽ hãnh diện về cây thập giá như thánh Phaolô đã nói : ”Vinh dự của tôi là thập giá Đức Kitô” (Gl 6,14). Chính cây thập giá là chiếc cầu duy nhất dẫn đưa chúng ta về tới thiên đàng đời sau.
5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay nếu con được Chúa hỏi : “Về phần con, con bảo Thầy là ai ? ” Con sẽ tuyên xưng lòng tin ra sao ? Xin Chúa đừng để con chỉ tuyên xưng đức tin ngoài môi miệng, nhưng bằng hành động : Bằng việc cầu nguyện kết hiệp với Chúa; luôn chu toàn bổn phận với lòng yêu mến Chúa; Biết cậy trông phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng; Biết tạ ơn Chúa khi vui lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại… Vì biết rằng tất cả những gì Chúa để xảy đến, đều là hồng ân, và đều mang lại ích lợi cho phần rỗi đời đời của con như thánh nữ Tê-rê-sa đã dạy. Xin giúp con năng nhìn lên thánh giá Chúa, để học sống tình thương hiến thân quảng đại của Chúa, vì : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. – Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 25 TN B
Kn 2,12.17-20 ; Gc 3,16-4,3 ; Mc 9,30-37
PHỤC VỤ TRONG KHIÊM HẠ NOI GƯƠNG ĐỨC Giê-su
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Mc 9,30-37
(30) Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn có ai biết, (31) vì Người đang dạy các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời. Họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại”.(32) Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. (33) Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” (34) Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. (35) Rồi Đức Giê-su ngồi xuống gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. (36) Kế đó, Người đem một em nhỏ, đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : (37) “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.
2. Ý CHÍNH :
Tin Mừng hôm nay tóm trong 3 điểm chính như sau: Một là Đức Giê-su tiên báo lần thứ hai về cuộc khổ nạn và phục sinh mà Người sắp trải qua, nhưng các môn đệ do sợ bị quở trách hay sợ phải đối diện với sự thật không như ý, nên đã không dám hỏi Người. Hai là các ông tưởng Thầy sắp lên làm vua, nên tranh luận nhau xem ai sẽ nắm giữ chức vụ cao trọng hơn. Đức Giê-su đã dạy các ông bài học về sự khiêm nhường phục vụ của người môn đệ. Ba là Người đòi các ông phải quan tâm đến những người nghèo khổ bé nhỏ, tượng trưng bằng một đứa trẻ được Người đặt giữa các ông. Người còn tự đồng hóa mình với những kẻ bé nhỏ này.
3. CHÚ THÍCH :
– C 30-32 : + Con Người : Nhấn mạnh về nhân tính của Đức Giê-su. Như người Tôi Trung của Đức Chúa, Đức Giê-su sẵn sàng chịu đau khổ để đền tội thay cho dân hầu làm cho các tội nhân được nên công chính (x. Is 53,2-12). +Sẽ bị nộp vào tay người đời: “Rơi vào tay người đời” là một số phận hẩm hiu, trái ngược với “Rơi vào tay Đức Chúa” (2 Sm 24,14). Thánh Phao-lô viết: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). +Bị giết chết và sẽ sống lại: Người sẽ bị giết do tay người đời nhưng sẽ sống lại nhờ quyền năng Thiên Chúa (x. Cv 13,27-30). +Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người : Vì chưa có ý niệm gì về mầu nhiệm thập giá nên các môn đệ cảm thấy rất buồn khi nghe Thầy loan báo điều này (x. Mt 17,23). Họ không dám hỏi lại có lẽ vì sợ bị quở trách như ông Phê-rô trước đó (x. Mc 8,33), mà cũng vì sợ phải đối diện với sự thật không như ý mình muốn !
– C 33-34 : + “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” : Đặt câu hỏi này với các môn đệ, Đức Giê-su cho thấy Người luôn quan sát từng lời nói và cử chỉ hành động của các ông để giáo huấn. + Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả : Qua thái độ làm thinh, các môn đệ đã nhận ra khuyết điểm của các ông là ham muốn địa vị quyền hành, trái với tinh thần khiêm nhượng phục vụ mà Đức Giê-su luôn nêu gương và chỉ dạy.
– C 35-37 : + Đức Giê-su ngồi xuống gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : Trong tư thế ngồi của một ông thầy (ráp-bi), Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai môn đệ lại gần mà giáo huấn. + “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” : Đức Giê-su nhấn mạnh đến tinh thần khiêm tốn phục vụ mà môn đệ của Người phải có là tự hạ, trở thành người tôi tớ hầu hạ mọi người. Ở đây có sự đối nghịch giữa “người đứng đầu” với “người rốt hết”. Đối với Đức Giê-su, giá trị của người lãnh đạo phải dựa trên nền sự khiêm hạ, sẵn sàng phục vụ tha nhân vô điều kiện. + “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” : Em nhỏ trong câu này không tượng trưng cho sự ngây thơ vô tội, nhưng là biểu tượng cho người nghèo khó tầm thường, những kẻ vô danh tiểu tốt, tàn tật, yếu đuối và bị bỏ rơi… + “Là tiếp đón chính Thầy… tiếp đón Đấng đã sai Thầy” : Đức Giê-su đề cao sự khiêm nhường phục vụ những người nghèo, có giá trị thiêng liêng cao quý như hành động phục vụ Người và phục vụ chính Chúa Cha Đấng đã sai Người (x. Mt 10,40).
4. CÂU HỎI : 1) Khi tự xưng là Con Người, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh điều gì ? 2) Đức Giê-su đã loan báo về sứ mệnh Thiên Sai như thế nào ? 3) Tại sao các môn đệ dù chưa hiểu rõ lại không dám hỏi Thầy về điều các ông vừa nghe ? 4) Dọc đường, các môn đệ tranh luận với nhau điều gì ? Tại sao các ông làm thinh không trả lời câu Thầy hỏi ? 5) Đức Giê-su đòi các mục tử trong Nước Trời phải có cách ăn ở thế nào ? 6) Khi đưa một em nhỏ đặt giữa các ông, Đức Giê-su muốn dạy bài học gì ? 7) Người dạy các ông phải khiêm nhường phục vụ những ai ?
II. SỐNG LỜI CHÚA :
1. LỜI CHÚA : Rồi Đức Giê-su ngồi xuống gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).
2. CÂU CHUYỆN :
1) MỘT VỊ GIÁM MỤC KHIÊM TỐN PHỤC VỤ NGƯỜI DƯỚI:
Thánh Phanxicô Salêsiô là một giám mục nổi tiếng về lòng khoan dung và đức khiêm nhường phục vụ. Ngày nọ sau giờ làm việc, người giúp việc của Tòa Giám Mục vốn có tật thích ăn nhậu say xỉn đã leo rào ra ngoài quán cóc gần đường đó ăn nhậu với chúng bạn và đã bất cẩn uống rượu quá chén. Khi mò về tới tòa giám mục thì trời đã khuya. Do quá say, anh quên rằng phải leo rào để về nơi ở, nên đã nằm đại ra trước cổng tòa giám mục ngủ ngáy khò khò. Bấy giờ thánh Phanxicô Salêsiô vẫn còn thức đêm làm việc, nghe thấy tiếng ngáy liền đi ra mở cổng và khi nhận ra người giúp việc của ngài đang ngủ say, liền cõng anh ta vào phòng riêng và đặt nằm trên giường của mình. Còn ngài thì tạm nghỉ trên chiếc ghế salon trong phòng khách.
Sáng ngày thức dậy, anh giúp việc rất ngạc nhiên thấy mình đang nằm trên giường của đức giám mục. Anh nhớ ra bữa nhậu say xỉn tối hôm trước, liền vội chạy đến quì trước mặt đức giám mục thú tội để xin tha tội. Và cũng từ ngày đó anh giúp việc đã chừa được tật ưa ăn nhậu say xỉn. Anh không bao giờ còn dám lẻn ra ngoài vui với bạn bè vào lúc đêm tối nữa.
2) BÁC SĨ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN ĐÁNH GIÀY PHỤC VỤ KHÁCH QUÝ:
Cùng với cha và người em, bác sĩ SA-RI MÊ-Ô (Charies Mayo) đã xây dựng bệnh viện Mê-ô nổi tiếng tại thành phố Rô-sét-tơ (Rochester) Hoa kỳ.
Lần kia, một phái đoàn y khoa được cử đến thăm bệnh viện. Theo truyền thống của bệnh viện, quí khách sẽ để giày trước cửa phòng riêng của mình, và bệnh viện sẽ bố trí nhân viên đến đánh bóng các đôi giày ấy. Tối hôm đó, bác sĩ May-ô làm việc trễ và là người về phòng sau cùng. Ông thấy các đôi giày ở trước các phòng của khách vẫn chưa được nhân viên phụ trách đánh bóng ! Có thể họ đã quên làm việc này chăng ? Ông liền đi kiếm xi và bản chải, rồi lần lượt đến trước mỗi phòng đánh bóng các đôi giày của khách. Khi nhân viên phụ trách đánh giày hôm đó đến làm nhiệm vụ lúc nửa đêm, anh rất ngạc nhiên khi thấy vị bác sĩ giám đốc bệnh viện vẫn đang miệt mài chùi bóng những chiếc giày cuối cùng cho các vị khách quí.
Câu chuyện bác sĩ giám đốc đánh giày này đã trở thành huyền thoại ! Bác sĩ May-ô được ca tụng không những vì có tài chữa bệnh, hoặc do những công trình y khoa to lớn mang lại nhiều lợi ích, mà còn vì lối sống khiêm nhường bình dị của ông. Ông không nề hà làm bất cứ việc gì để phục vụ tha nhân, dù việc ấy không xứng tầm với địa vị của ông.
3. THẢO LUẬN:
1) Bạn sẽ phục vụ tha nhân, nhất là những người nghèo khó bệnh tật cách nào để nên môn đệ đích thực của Đức Giê-su (x Ga 13,35)?
2) Là người đứng đầu một tập thể nhỏ là gia đình, đội nhóm, lớp học… và có chút quyền hành, chúng ta sẽ làm gì để noi gương Mục Tử Giê-su chăm sóc phục vụ đòan chiên, “đến cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
4. SUY NIỆM :
1) CON NGƯỜI THƯỜNG TRANH GIÀNH NHAU ĐỊA VỊ QUYỀN HÀNH:
Thông thường những quan lớn trong xã hội thường muốn được “ăn trên ngồi trước”, muốn được chiếm địa vị cao hơn chúng bạn và khó chịu khi thấy bạn bè thành công hơn mình.
Khi đi theo Thầy Giê-su lên Giêrusalem, các môn đệ cũng tưởng rằng Thầy mình sắp lên làm vua, nên dọc đường các ông tranh cãi nhau xem ai sẽ được giữ chức vụ lớn nhất ! Đức Giê-su hiểu rõ tâm trạng của các ông, nên khi Thầy trò về đến nhà trọ tại thành Ca-phác-na-um, Người đã dạy các ông bài học về sự khiêm tốn phục vụ trong Nước Trời do Người sắp thiết lập. Người muốn các môn đệ là những người sau này lãnh đạo cộng đoàn Hội Thánh phải có lối sống khiêm hạ phục vụ tha nhân: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ phục vụ mọi người” (Mc 9,35), noi theo gương khiêm nhường của Người: “Con Người đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ” (Mc 10,45).
2) MÔN ĐỆ ĐỨC Giê-su PHẢI CÓ TINH THẦN KHIÊM TỐN PHỤC VỤ:
Không phải vô cớ mà Đức Giê-su đưa một em nhỏ ra làm gương cho các môn đệ. Thời đó trong xã hội Do thái, trẻ em được xếp đứng hàng sau chót trong bậc thang địa vị. Theo lời giảng dạy của Chúa, kẻ nào vì tự nhận là môn đệ Đức Kitô, cần phải phục vụ những người có địa vị thấp kém nhất như trẻ nhỏ, là đã phục vụ chính Đức Giê-su và Chúa Cha. Người cũng đòi môn đệ phải nên giống như trẻ nhỏ, nghĩa là phải sẵn sàng mở lòng đón nhận Tin Mừng không hậu ý, phải tránh thái độ nhỏ nhen ích kỷ khi chỉ biết tìm lợi ích cho riêng mình.
Trong bữa Tiệc Ly, Tin Mừng Gioan cũng thuật lại việc Đức Giê-su tình nguyện làm công việc của người giúp việc là quỳ gối rửa chân cho các môn đệ, rồi sau đó Người đã dạy các ông điều răn mới là “hãy yêu thương nhau như Thầy” và khiêm nhường phục vụ nhau (Ga 13,12-15).
Về sau, Tông đồ Phao-lô cũng trình bày gương khiêm hạ vâng phục của Đức Giê-su trong thư Philipphê như sau: “Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hòan tòan trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,5b-8).
3) TINH THẦN KHIÊM TỐN PHỤC VỤ LÀ GÌ ?:
Là noi gương Đức Giê-su để phục vụ như một đầy tớ giúp việc, hoặc như một bà mẹ tận tình phục vụ đứa con thơ bé, hay người mục tử nhân lành phục vụ đoàn chiên.
– Như một tôi tớ giúp việc: Điều quan trọng của người tôi tớ khi phục vụ là phải khiêm hạ và nhiệt tình làm mọi việc trong phần vụ được chủ yêu cầu, tránh phục vụ theo kiểu ban ơn thể hiện qua thái độ hống hách khinh thường hoặc chê trách người khác. Nhất là tránh thái độ công thần, khi hay khoe khoang công lao thành tích của mình và đòi phải được tập thể tỏ lòng kính trọng biết ơn theo đòi hỏi của mình. Hãy noi gương Chúa Giê-su là Thầy là Chúa mà khiêm hạ quỳ gối rửa chân cho môn đệ trong bữa Tiệc Ly.
– Như một bà mẹ phục vụ con thơ: Động lực phục vụ của bà là tình yêu thương con, nên bà không so đo tính toán hơn thiệt với con, luôn quên mình để tìm lợi ích cho con như câu người đời thường nói về tình yêu thương của bà mẹ hy sinh cho con thơ: “Mẹ nằm chỗ ướt, con nằm chỗ khô”
– Phục vụ như Mục Tử tốt lành Giê-su: Mục tử tốt lành luôn hiểu biết để cảm thông với những khó khăn của đoàn chiên được trao phó cho mình chăn dắt; Luôn lo lắng chăm sóc và dẫn đưa đoàn chiên đến cánh đồng cỏ xanh và suối nước trong; Luôn quan tâm bảo vệ đoàn chiên để chống lại sói dữ đến cắn xé làm cho đoàn chiên tan tác; Sẵn sàng hy sinh thời giờ sức lực đi tìm kiếm chiên lạc, băng bó những con chiên bị thương tích… Tóm lại phải phục vụ như Mục Tử tốt lành Giê-su: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
4) HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ VẬY (Lc 10,37) :
Để thực hành đức khiêm nhường phục vụ noi gương Đức Giê-su, mỗi người chúng ta cần làm một số việc sau :
– Cần xin ơn Chúa giúp : Hãy năng dâng lời nguyện tắt để xin Chúa Giê-su Phục Sinh đổ ơn Thánh Thần giúp chúng ta khiêm hạ để sẵn sàng phục vụ tha nhân, nhất là những người tàn tật già cả bất hạnh và bị bỏ rơi… đang sống bên cạnh chúng ta.
– Cần phải xét mình mỗi ngày : Để thực tập khiêm nhường phục vụ, mỗi ngày chúng ta nên dành một phút hồi tâm trước khi nghỉ đêm : Hôm nay tôi có nhớ phục vụ kèm theo lời nguyện tắt không? Tôi làm các việc lành để làm vinh danh Chúa hay để tìm tiếng khen của người đời (x Mt 6,1) ? Tôi có sẵn lòng làm những việc vô danh ít người muốn làm không (x Mt 6,2) ? Có cảm thấy ấm ức khi làm những việc tốt mà không ai hay biết không (x Mt 6,3-4) ?
– Cần phục vụ với tình yêu thương : Những người đứng đầu một cộng đòan không nên nại vào lý do mình đã phục vụ cho tập thể nên cũng đòi hỏi mọi người biết ơn và phục vụ lại. Cần tránh thái độ quan liêu, độc đoán và vô trách nhiệm, thiếu đức bác ái mục tử giống như những kẻ chăn thuê đã bị Đức Giê-su nặng lời quở trách (x Ga 10,11-13).
– Tập khen ngợi và đề cao các việc tốt của tha nhân: Chẳng hạn: một người hốt rác có tinh thần trách nhiệm cao khi làm việc, một bà bán hàng rong thành thật trả lại tiền dư cho khách, một thày giáo ý thức trách nhiệm sẵn sàng dạy miễn phí cho các học sinh yếu kém… Hãy biến cuộc sống của chúng ta trở thành thánh lễ nối dài bằng thái độ khiêm tốn phục vụ tha nhân của mình.
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa nơi những người đau khổ do đói cơm bánh vật chất cũng như thiếu bánh ăn tinh thần là Lời Chúa. Xin cho chúng con biết nhìn thấy Chúa đang bị bỏ rơi trong những người đau khổ. Xin cho chúng con biết mở rộng lòng đón nhận tha nhân, mở trái tim để cảm thông, mở đôi tay để phục vụ mọi người như phục vụ chính Chúa. Ước gì chúng con luôn kết hiệp với Chúa để phục vụ trong âm thầm, hầu xứng đáng được Chúa tha thứ tội lỗi và ban hạnh phúc Nước Trời đời đời cho chúng con.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 26 TN B
Ds 11,25-29 ; Gc 5,1-6 ; Mc 9,38-43.45.47-48
TRÁNH THÓI BÈ PHÁI VÀ LUÔN ỨNG XỬ BAO DUNG
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 9,38-43.45.47-48:
(38) Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. (39) Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. (40) Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. (41) “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. (42) Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. (43) Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. (45) Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục. (47) Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; Thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, (48) nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt”.
2. Ý CHÍNH:
Tin Mừng hôm nay trình bày lời Đức Giê-su giáo huấn các môn đệ. Sau khi dạy Gio-an bỏ tính ganh tị cục bộ, Đức Giê-su đã đưa ra nguyên tắc ứng xử bao dung: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Người hứa phần thưởng cho những ai sẵn sàng tiếp đón các môn đệ. Người cũng đe phạt các đầu mục Do Thái làm cớ khiến các tin hữu sa ngã. Người còn dạy các môn đệ phải coi trọng ơn cứu độ hơn các bộ phận quí giá trong thân thể như tay, chân hay mắt của mình.
3. CHÚ THÍCH:
– C 38-39: +Chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ: Trừ quỷ là một việc quen thuộc mà Đức Giê-su và các Tông đồ thường làm, giống như nhiều người Do thái khác thời bấy giờ cũng làm (x Mt 12,27). Gio-an thấy có những người không cùng nhóm môn đệ với mình mà cũng dùng tên Giê-su mà trừ quỷ, nên ông đã cấm họ làm như vậy. +”Đừng ngăn cản người ta”: Đức Giê-su cho thấy việc ngăn cản như thế là tâm địa hẹp hòi, cục bộ khi đòi độc chiếm quyền năng của Người. Người truyền cho các ông không được ngăn cản họ, vì ai chống lại quỷ dữ và sự gian ác thì cũng thuộc về Người như các ông. +Nói xấu về Thầy: Có nhiều cách để người ta liên kết với Đức Giê-su. Bao lâu họ không “nói xấu” hay chống lại Người thì họ vẫn đang liên kết với Người.
– C 40-41: +Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta: Đây là nguyên tắc ứng xử khoan dung của Đức Giê-su dành cho các môn đệ, khi sai các ông đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Những ai không chống đối Đức Giê-su thì cũng là môn đệ của Người cách gián tiếp. Người trách lối suy nghĩ hẹp hòi mang tính bè phái của môn đệ khi các ông chỉ ủng hộ những việc tốt do nhóm mình làm và lọai trừ mọi việc dù tốt nhưng do nhóm khác làm. +Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô…”: Các môn đệ được Đức Giê-su đồng hóa với Người, nên kẻ nào giúp đỡ các ông dù chỉ một bát nước lã mà thôi, thì cũng kể như đã phục vụ Người (x Mt 25,35-45).
– C 42: +Ai làm cớ cho những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã: Đức Giê-su nói về các đầu mục dân Do Thái khi họ độc quyền giải thích Kinh Thánh. Họ không những không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai mà còn tìm cách ngăn cản dân chúng tin theo Người (x Lc 11,52). +thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn: Đây là tội nặng nề vì đã xúc phạm đến Thánh Thần là Đấng thánh hóa tội nhân, nên kẻ đó đáng bị hình phạt cột cối xay vào cổ mà quăng xuống biển.
– C 43-47: +Nếu tay anh… chân anh…mắt anh…: Đức Giê-su muốn nói đến việc người ta phải tránh dịp tội, dù phải hy sinh những gì quý giá nhất. Vì thà bị mất một chi thể mà được vào cõi sống còn hơn đủ các phần thân thể mà phải sa hỏa ngục. Kiểu nói “Tay, chân, mắt” cho thấy dịp tội không ở đâu xa mà ngay trong ngũ quan, trong bản thân mỗi người. +được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục: Diễn tả sự đối nghịch giữa thiên đàng và hỏa ngục. Hỏa ngục là nơi tội nhân chịu khổ hình vì đã tự tách lìa khỏi “cõi sống” là nước thiên đáng.
– C 48: +Lửa và giòi bọ: là hai lọai đau khổ dành cho các tội nhân bỏ qua lời cảnh báo của Thiên Chúa mà cố tình phạm tội trọng (x Mt 13,42; 18,8).
4. CÂU HỎI:
1- Tin mừng hôm nay cho thấy: ngòai Đức Giê-su và các môn đệ, còn ai khác cũng làm việc trừ ma quỷ nữa không?
2- Việc cấm cản người khác lấy danh Đức Giê-su để trừ qủy cho thấy tâm địa của các môn đệ ra sao?
3-Đức Giê-su có đồng ý với việc làm của các ông hay không?
4- Qua câu: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”, Đức Giê-su muốn các môn đệ của Ngườii phải có thái độ nào?
5- Tại sao cho các môn đệ chỉ uống một bát nước lã mà thôi lại cũng được Đức Giê-su thưởng công sau này?
6- Những kẻ làm cho người bé mọn tin theo Đức Giê-su bị sa ngã nói đây là ai và họ đáng bị phạt thế nào?
7- Qua câu “chặt tay, chặt chân, móc mắt…” Đức Giê-su muốn nhấn mạnh điều gì? 8- Lửa và giòi bọ là hai hình khổ dành cho những ai?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42).
2. CÂU CHUYỆN: THÁI ĐỘ BAO DUNG CỦA ĐỨC Giê-su TRONG TRẬN BÓNG ĐÁ:
Một linh mục Dòng Tên người Ấn Độ là Cha Anthony De Mello, chuyên viên huấn luyện tu đức, đã tưởng tượng câu chuyện “Đức Giê-su đi xem bóng đá” như sau:
“Nghe Đức Giê-su than phiền là Ngài chưa một lần nào được xem một trận bóng đá, chúng tôi liền đưa Người đến một sân bóng gần nhà để xem một trân đấu giữa hai đội tuyển Tin Lành và Công Giáo. Khi đội Công Giáo làm bàn trước 1-0, Đức Giê-su liền hoan hô vang dội và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, trong một đợt phản công đẹp mắt, đội Tin Lành đã gỡ một đều (1-1), Đức Giê-su cũng lại reo hò và tung mũ lên trời y như lần trước. Một khán giả ngồi bên cạnh tỏ vẻ khó chịu trước thái độ của Đức Giê-su, ông ta quay sang hỏi Người:
– Này ông bạn, ông là cổ động viên của đội bóng nào vậy ?
Đức Giê-su liền trả lời đang lúc vẫn mãi mê theo dõi trận đấu diễn ra trên sân cỏ:
– Tôi à ? Ồ, tôi chẳng ủng hộ đội nào cả. Tôi đến đây là để thưởng thức trận đấu mà thôi”.
Người khán giả tỏ vẻ khó chịu về thái độ của Đức Giê-su lại càng bực hơn, ông ta quay sang nói nhỏ với người bên cạnh: “Hắn ta chắc là một gã vô thần!”
Trên đường về nhà, chúng tôi nói với Đức Giê-su:
– Thưa Thầy, những người có tôn giáo thật là buồn cười, họ tưởng rằng Thầy chỉ đứng về phe họ và chống lại tất cả nhưng ai không cùng một tôn giáo với họ”.
Đức Giê-su gật đầu tỏ ý đồng tình và bảo:
– Đó là lý do tại sao Thầy không ủng hộ đội bóng Tin Lành hay đội bóng Công Giáo, mà chỉ ủng hộ các cầu thủ nào đá hay thôi, dù họ thuộc đội nào đi nữa”.
3. THẢO LUẬN: 1) Ban có đồng ý với lập trường bao dung khi công nhận mọi tôn giáo đều có những điều tốt bắt nguồn từ Thiên Chúa và đều đáng tôn trọng không ? 2) Bạn có sẵn sàng hợp tác với những người khác vô tín hoặc Phật Tử… để cùng nhau làm việc tốt phục vụ cho xã hội, nhất là phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật và bị bỏ rơi hay không ? Tại sao ?
4. SUY NIỆM:
1) Thái độ cục bộ bè phái thông thường:
Tin Mừng hôm nay cho thấy óc phe nhóm và tinh thần bè phái cục bộ ngay trong hàng ngũ các môn đệ Đức Giê-su: Khi thấy có người khác không theo Đức Giê-su nhưng đã nhân danh Thầy mà trừ quỷ, ông Gioan đã ra sức ngăn cản họ và báo cho Đức Giê-su hay biết sự việc để có hướng xử lý (x. Mc 9,38). Ông không thể chấp nhận có người không thuộc Nhóm Mười Hai, lại dám cậy nhờ danh Thầy của ông để trừ quỷ, mặc dù họ cũng đã trục xuất được quỷ ra khỏi người bị nó ám. Ông muốn giữ độc quyền nhân danh Thầy để trừ quỷ cho Nhóm của ông.
Vào thời ông Môsê cũng vậy. Giôsuê cũng muốn dành độc quyền nói tiên tri cho nhóm bẩy mươi Kỳ Mục, nên đã yêu cầu Môsê hãy ngăn cấm hai ông Enđát và Mêđát, không thuộc Nhóm Bảy Mươi, mà cũng được Thần Khí tác động để nói tiên tri. Môsê đã trả lời cho môn đệ như sau: “Anh ghen giùm tôi hay sao ? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !” (Ds 11,29).
2) Thái độ bao dung đón nhận tha nhân của Đức Giê-su:
Như Môsê thời xưa, Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay cũng không đồng tình với lối hành xử bè phái cục bộ của môn đệ khi nói với các ông: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40).
3) Sự tiến triển về thái độ của Hội Thánh xưa và nay:
Trong quá khứ, Hội Thánh cũng đã có lần do muốn bảo vệ sự độc quyền chiếm hữu Thiên Chúa của mình, nên đã có những hành động cục bộ khép kín, có những quyết nghị nặng tính trừng phạt răn đe đối với những ý kiến bất đồng…, làm mất đi sự trong sáng của khuôn mặt bao dung nhân hậu của Đức Giê-su trước mặt anh em dân ngoại. Nhưng từ Công Đồng Vatican II, Hội Thánh đã mở ra một trang sử mới, khi trong những văn kiện không còn những lời kết án, miệt thị những tư tưởng khác biệt. Thay vào đó Hội Thánh khiêm tốn chân thành nhìn nhận giới hạn của mình, và công nhận có những điều chân thiện mỹ nơi các tôn giáo và các nền văn hoá khác.
Trong Tông thư “Tiến Tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba” (10/11/1994). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Giáo Hội phải ý thức sâu sắc trách nhiệm về tội lỗi của con cái mình, khi hồi tưởng lại trong lịch sử những thái độ lạc xa Thánh Thần của Đức Kitô và Tin Mừng… Trong số những tội lỗi đòi hỏi phải có một nỗ lực sám hối và hoán cải đặc biệt hơn, hiển nhiên phải kể đến những tội phá hỏng sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn có nơi dân của Ngài. Qua những ngàn năm đã qua, kể cả ở ngàn năm thứ nhất, mối hiệp thông Giáo Hội đôi khi bởi lỗi lầm của thành phần này hay thành phần khác, đã bị xé rách một cách đau đớn, điều đó rõ ràng đi ngược lại với ý muốn của Đức Kitô và là cớ vấp phạm cho thế giới” (số 34).
4) Hãy mở lòng đón nhận và sẵn sàng hợp tác với mọi người:
Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô hôm nay cần học tập Thầy Giê-su để sẵn sàng giơ tay ra với mọi người thiện chí và mời gọi mọi người cùng hợp tác trong các việc tốt. Đồng thời tránh sự loại trừ, bất hợp tác với người khác trong các việc mang lại ích lợi cho môi trường sống và trật tự xã hội. Tinh thần bao dung này phải mang tính bao dung không biên giới, không đóng khung trong một phe nhóm hay tổ chức nào. Tinh thần đó phải vượt lên trên mọi khác biệt, vì “Thần Khí Chúa được ban cho mọi người không phân biệt ai”.
Tại Việt Nam chúng ta hôm nay cũng không thiếu những hình ảnh của các tăng ni phật tử đứng bên các linh mục, tu sĩ nam nữ, các tín hữu Công giáo, cùng nhau làm các công tác từ thiện bác ái, cùng nhau thăm viếng bệnh nhân, chăm sóc các cô nhi quả phụ, xóa đói giảm nghèo… Điều đó cho thấy Thần Khí Thiên Chúa cũng đang tác động trong mọi tôn giáo khác, như lời thánh Phaolô: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14).
Ngày hôm nay cũng vậy, đôi khi chúng ta thấy có những anh em Phật tử hay vô tín ngưỡng làm được những việc tốt như: vệ sinh môi trường, hiến máu nhân đạo, chia sẻ cơm áo gạo tiền cho người nghèo khó bất hạnh, mổ mắt miễn phí… hoặc khiêm tốn phục vụ những bệnh nhân ung bướu, HIV-AIDS… thì hãy nhớ rằng: những anh em đó cũng thuộc về Thiên Chúa như chúng ta và họ đang làm công việc tốt lành của Thiên Chúa Tình Thương giống như chúng ta, như lời thánh Gioan: “Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,7-8).
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay dạy chúng con tránh thái độ khép kín cục bộ, khi chỉ biết đóng khung các giao tiếp và sinh hoạt trong phạm vi người cùng tổ chức, cùng đoàn thể, cùng tôn giáo với chúng con, nhưng cho chúng con biết mở lòng bao dung đón nhận mọi người khác dân tộc, niềm tin, mầu da, tiếng nói… noi gương Chúa khi xưa. Xin cho chúng con biết sẵn lòng hợp tác với những người thiện chí, bất kể họ thuộc tôn giáo hay đoàn thể nào, miễn là họ sẵn sàng hợp tác làm những việc tốt bảo vệ môi trường là khu phố ngày càng an toàn sạch đẹp và văn minh hơn. Xin cho chúng con tránh thái độ tự tôn khi nghĩ mình hơn người khác, nhưng biết khiêm tốn tự hạ và chân thành phục vụ tha nhân cách vô vụ lợi noi gương Chúa khi xưa, hầu chúng con tích cực góp phần làm chứng cho Chúa, dẫn đưa được nhiều người nhận biết tôn thờ Chúa Cha, và tích cực xây dựng thế giới nên “Trời Mới Đất Mới”, hầu sau này cũng được hưởng niềm vui ơn cứu độ với chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM

V. TƯ LIỆU HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG HHTM TH 09/2021
XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ TRONG GIA ĐÌNH NHÓM NHỎ HHTM
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).
2. THỰC HÀNH:
Các Thành Viên trong một Gia Đình Nhóm Nhỏ HHTM phải xây dựng tình hiệp thông bằng những việc làm cụ thể. Sau đây là một số đề tài cần được Gia Đình học tập từ khi mới thành lập và về sau cần được thường xuyên ôn lại để trở thành một nếp sống yêu thương trong Gia Đình như sau:
1.- Nghĩ đến người khác: Hội Viên phải luôn quên mình để nghĩ đến người khác. Cần tập thành thói quen quan tâm đến người bên cạnh và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ.
2.- Đến với tha nhân: Hội Viên cần đi bước trước đến với người khác. Cần chủ động bắt chuyện làm quen với người mới gặp trên tàu xe, nơi công viên, tại Nhà thờ hay trong các buổi sinh họat họp mặt Gia Đình. Nên tế nhị tìm hiểu về tên tuổi, địa chỉ, số điện thọai, gia cảnh nghề nghiệp… tùy theo từng trường hợp và mức độ tình cảm thân thiện.
3.- Lắng nghe cảm thông: Hội Viên nên biết gợi chuyện để người khác trình bày về họ và lắng nghe với sự cảm thông. Đây là phương pháp gây thiện cảm hữu hiệu. Tuy nhiên cần tránh thái độ tọc mạch, tò mò muốn biết các bí mật mà người mới quen chưa muốn tiết lộ.
4.- Đáp ứng nhu cầu: Tìm hiểu nhu cầu về vật chất cũng như tinh thần. Hội Viên quyết tâm thực hành yêu thương chia sẻ cách cụ thể theo kinh “Thương người” như: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống… vì yêu thương phục vụ là dấu chỉ môn đệ đích thực của Chúa Giê-su.
5.- Cho phúc hơn nhận: Hội Viên cần thực hành lời Chúa như thánh Phao-lô đề cập trong Công Vụ Tông Đồ (x Cv 20,35). Những ai đã từng tham gia các chuyến đi công tác bác ái đều có thể cảm nghiệm được niềm hạnh phúc khi chia sẻ vật chất cho người nghèo này.
6.- Mau nghe chậm nói khoan giận: Hội Viên cần thực hành lời thánh Gia-cô-bê (x Gc 1,19) trong cuộc sống. Đây là phương cách tạo sự vui vẻ và bình an giữa các Thành Viên Gia Đình Sống Đời Kitô HHTM.
7.- Nụ cười kết thân: Hội Viên nên mỉm cười khi tiếp súc với người khác. Mỉm cười là cách tốt nhất để làm quen và rút ngắn khỏang cách giữa hai bên, tạo sự vui vẻ là điều kiện để xích lại gần người khác.
8.- Biết tên và ngày sinh của người khác: Hội Viên nên nhớ tên của người muốn làm quen. Biết tên và ngày sinh nhật của ai là bằng chứng về sự quan tâm của ta đối với họ, và là phương thế hữu hiệu để đạt được thiện cảm của họ.
9.- Xét đóan ý tốt: Hội Viên luôn xét đóan ý tốt và nói tốt cho người khác. Tránh nghĩ xấu cho người mình không ưa. Vì từ nghĩ xấu sẽ dẫn đến nói xấu và quan hệ giữa hai bên ngày một xấu đi. Trước khi phê bình người nào, cần xét lại bản thân để tự sửa lỗi rồi mới đủ uy tín để giúp sửa lỗi anh em với sự tế nhị khoan dung (x Mt 7,1-5). Nên khiêm tốn tự phê trước khi phê bình người khác
10.- Khen ngợi thành thật: Hội Viên nên rộng rãi về lời khen như người ta thường nói: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời khen phải thành thật chứ đừng khen giả dối hình thức, không đúng lúc đúng chỗ, vì sẽ dẫn tới kết quả trái ngược.
11.- Tôn trọng tha nhân: Hội Viên cần có thái độ tôn trọng tha nhân khi tiếp xúc nói chuyện. Sự tôn trọng biểu lộ qua cách xưng hô xứng hợp địa vị và thân sơ, lắng nghe người khác trong cuộc trao đổi nói chuyện… Sự tôn trọng của ta chắc sẽ được người kia đáp lại và quan hệ giữa hai bên ngày một tốt đẹp.
12.- Nhiệt tình dấn thân: Hội Viên cần có thái độ nhiệt tình năng nổ trong mọi việc, sẵn sàng dấn thân đi bước trước đến với người khác, nhất là người mới tiếp xúc lần dầu để làm quen, sẵn sàng dấn thân làm các việc phục vụ mà ít người muốn làm như: phục vụ quét dọn, lau nhà, dọn bàn và rửa chén bát sau bữa liên hoan nội bộ Gia Đình… Các việc đó tuy nhỏ nhưng đem lại thiện cảm trong quan hệ giao tiếp lâu dài về sau.
13.- Khiêm tốn phục vụ: Hội Viên sẵn sàng phục vụ cách khiêm tốn. Không làm việc để tìm tiếng khen nơi người khác, vì “Hữu xạ tự nhiên hương”. Ánh sáng đức tin sớm muộn sẽ chiếu tỏa giúp người ta nhìn thấy việc lành chúng ta làm mà ngợi khen Cha trên trời.
14.- Chia sẻ niềm vui: Hội Viên nên chia vui sẻ buồn với nhau như lời thánh Phao-lô: “Vui với người vui khóc với người khóc” (Rm 12,15), noi gương Mẹ Ma-ri-a đem Hài Nhi Giê-su đến chia sẻ cho gia đình Gia-ca-ri-a làm cho thai nhi Gio-an nhảy mừng (x Lc 1,39-45). Tuy nhiên Hội Viên cần tránh mang những chuyện nội bộ Gia Đình nói ra cho người ngòai biết.
15.- Mình vì mọi người: Hội Viên cần luôn sống quên mình vị tha. Tránh đòi hỏi Gia Đình phải làm gì cho mình, nhưng luôn tự hỏi xem mình đã làm gì cho anh chị em trong Gia Đình?
16.- Trạng sư chữa lỗi: Khi nghe một lời phê phán chỉ trích về một Thành Viên khác trong Gia Đình, Hội Viên phải tránh “đổ dầu vào lửa”, nhưng phản ứng bằng sự im lặng và chuyển sang đề tài khác. Nhất là tích cực làm trạng sư bào chữa lỗi cho người bị chỉ trích, để minh oan hoặc ít là để giảm nhẹ sự kết án, noi gương Chúa Giê-su đã bênh chữa người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngọai tình sắp bị ném đá (x Ga 8,1-11).
17.- Viên thuốc bọc đường: Hội Viên cần tế nhị khi sửa lỗi anh em. Cần “khen trước chê sau” để lời chê giống như viên thuốc bọc đường, sẽ làm cho kẻ có lỗi dễ dàng đón nhận lời phê bình hơn và ít bị chạm tự ái hơn.
18.- Thảo luận hơn tranh luận: Thảo luận là khi trao đổi nói chuyện người này biết tôn trọng người kia bằng cách chú ý lắng nghe, dù đó là ý kiến khác biệt để tìm ra chân lý. Còn tranh luận là thái độ của kẻ háo thắng, thể hiện qua sự không lắng nghe lý lẽ mà chỉ muốn “lấy thịt đè người”, thể hiện qua thái độ cướp lời người đang nói và to tiếng để lấn át đối phương. Khi gặp vấn đề khó giải quyết, Trưởng Gia Đình nên đem ra thảo luận để tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Cũng nên hỏi ý kiến linh mục Giám Huấn hay nhờ những người chuyên môn giàu kinh nghiệm giúp đỡ khi gia đình không tìm được tiếng nói chung.
19.- Sứ giả hòa bình: Hội Viên đọc “kinh Hòa Bình” của thánh Phan-xi-cô hằng ngày để xin Chúa giúp chu tòan sứ mệnh làm chứng nhân Nước Trời, đem bình an và niềm vui của Chúa đến mọi người. Học cách giải hòa tranh chấp giữa hai bên đang thù ghét nhau.
20.- Công minh tài chánh: Hội Viên cần làm việc với tinh thần ngay chính. Khi quyên góp cần đi hai người và sớm báo cáo kết quả với cấp trên. Phụ Tá II kiêm Thủ Quỹ GĐ cần lập sổ chi thu và báo cáo quỹ theo yêu cầu của Trưởng Gia Đình. Phụ Tá I kiêm Thư Ký GĐ cần ghi số chi thu được báo cáo vào biên bản Gia Đình.
Về việc thu chi tài chánh trong Gia Đình cần theo nguyên tắc sau: Các khỏan thu phải được Trưởng Hội Đồng Quản Trị Xứ Đòan Ngành thông qua. Trưởng GĐ được quyền chi nhưng không được giữ tiền, còn Phụ tá kiêm Thủ Quỹ được giữ sổ Thu Chi và tiền quỹ chung Gia Đình, nhưng phải chi tiêu theo yêu cầu của Trưởng Gia Đình. Nên ấn định mức tiền quỹ mà Trưởng Gia Đình được quyền chi, và mức chi nào cần được đa số Thành Viên Gia Đình đồng ý. Ngòai ra Phụ tá Gia Đình kiêm Thủ Quỹ còn phải trình sổ quỹ thu chi Gia Đình để được LM Giám Huấn ký duyệt mỗi ba tháng. Trưởng Gia Đình cần giữ uy tín, tránh gây sự thắc mắc nghi kỵ của các Thành Viên về tài chánh, ảnh hưởng đến tình hiệp thông huynh đệ trong Gia Đình.
3. THẢO LUẬN: 1- Bạn đánh giá thế nào về các phương cách đối nhân xử thế nói trên để xây dựng tình hiệp thông huynh đệ trong Gia Đình Sống Đời Kitô HHTM? 2- Tuần này bạn sẽ làm gì để gia tăng tình thân trong nội bộ Gia Đình, nhất là ngừơi mới gia nhập?
4. LỜI CẦU: Lạy Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót. Xin cho mỗi Hội Viên HHTM chúng con biết sống yêu thương, xây dựng tình hiệp thông nội bộ bằng những phương cách thiết thực, hầu chúng con nên con cái Cha trên trời, nên môn đệ thực sự của Chúa Giê-su và trở thành tông đồ bằng đời sống chứng nhân tình yêu thương của Chúa trước mặt người đời.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM

VI.THƯ GIÃN TH 09/2021
1.SO SÁNH CHIẾC MÁY “ALÔ” VÀ NGƯỜI PHỤ NỮ
Có một chàng nọ bị “bà xã” giận cắt đứt liên lạc mấy ngày. Trong lúc nhâm nhi uống rượu anh ta nhìn thấy chiếc “điện thọai” liền liên tưởng đến vợ và thấy có sự tương đồng giữa chiếc “điện thọai” với vợ mình: “Ừ nhỉ. Tại sao trong tiếng Pháp, từ “điện thoại” lại là “giống cái” chứ không phải “giống đực” ? Rồi anh chàng đã dần dần khám phá ra nguyên nhân thái độ “mưa nắng thất thường” của vợ như sau:
-Cũng như làm bạn với phụ nữ, chơi với “điện thoại” đồng nghĩa với việc ta phải tốn hao tiền bạc.
-Cũng như phụ nữ, bạn nói chuyện càng lâu bao nhiêu thì “điện thoại” càng thích bấy nhiêu.
-Cũng như phụ nữ, khi “điện thọai” xuất hiện ở đâu, nó đều khiến mọi người phải lưu ý đến nó.
-Dù đang nửa đêm, “điện thoại” vẫn có thể lôi bạn dậy để nghe nói về một điều vớ vẩn nào đó.
-Cũng như phụ nữ, khi giận ít “điện thoại” sẽ đặt bạn trong tình trạng “ngoài vòng phủ sóng”. Còn nếu giận nhiều nó sẽ lập tức “cắt đứt” liên lạc với bạn.
-Cũng như phụ nữ, “điện thọai” sẽ vui vẻ khi bạn nạp tiền chi trả. Nếu bạn chậm chi lập tức bạn sẽ bị cắt liên lạc.
-Cũng như với phụ nữ, nếu bạn lỡ để xảy ra sự cố thì người có lỗi luôn là bạn, vì “điện thoại” không bao giờ nhận lỗi cả.
-“Điện thoại”cũng luôn tỏ thái độ dứt khoát như phụ nữ: “Ừ, em là vậy đó. Anh chịu thì chịu, không chịu thì đi chỗ khác chơi !”
Ngòai ra chúng ta còn phải thêm điều này là: Chỉ thấy xúât hiện lọai điện thọai “Mẹ bồng con” chứ đâu có lọai “Bố bồng con” phải không các bạn?
2.GIẢ NHƯ…
Một tác giả kia đã có bài “Giả như có sự đổi ngôi giữa hai vợ chồng thì sẽ ra sao?” như sau:
-Giả như có một ngày nào,
Chồng thì làm bếp vợ ra quán hè,
-Vợ nhậu đến bữa quên về,
Chồng sang hàng xóm, ngồi lê cả ngày.
-Vợ đi bia bọt gác tay,
Chồng mua mỹ phẩm mất bay triệu đồng.
-Vợ mê em út lung tung,
Chồng diện áo váy hở hông hở đùi.
-Vợ thời phóng khoáng ham vui,
Chồng lại bủn xỉn ví như ngân hàng.
-Vợ quen cái thói làm tàng,
Chồng thì mê tín thắp nhang đêm ngày.
-Lên xe vợ phóng như bay,
Chồng thì tỉ mỉ vá may thêu thùa.
-Vợ lo điện nước búa xua,
Chồng lo giữ trẻ sớm trưa ru hời.
-Vợ thèm thuốc lá chờ mời,
Chồng ham tứ sắc mê chơi quên ngày.
Vợ thời ở bẩn một cây,
Chồng thì sạch sẽ đêm ngày soi gương.
Vợ thời phải nộp sạch lương,
Chồng thì tính toán đếm dưa mắm hành.
-Vợ thời “đi biển có đôi”,
Chồng thì “đi biển mồ côi” một mình.
Ôi thôi, mới chỉ nghĩ như vậy thôi mà đã thấy phát kinh phải không các bạn ?!
3.TRUYỀN THUYẾT THỨ HAI VỀ VIỆC SÁNG TẠO
Ngòai câu chuyện Evà được Chúa tạo thành từ chiếc xương sườn của ông Ađam kể trong sách Sáng Thế Ký, còn một câu chuyện tiếu lâm khác lưu truyền trong dân gian cũng thuật lại việc sáng tạo như sau:
Thuở ban đầu, khi mới được Chúa dựng nên, người đàn ông cảm thấy cô độc và luôn thở dài buồn bã vì không tìm thấy nơi các con vật khác một người bạn đời tương xứng vớii mình. Thượng Đế thấy tội nghiệp liền quyết định tạo ra một người đàn bà ngang hàng để làm bạn với anh ta.
Một hôm Thượng Đế lấy một chút dịu dàng của hoa lan, một chút xinh đẹp của hoa hồng và một chút tinh khiết của bông huệ trắng rồi đem hòa lẫn vào nhau làm thành một hợp chất. Nhưng trong lúc Ngài đang tính xem nên thêm gì vào hợp chất ấy thì một chú khỉ già kia đã lén bỏ vào một chút tinh ranh, rồi một con rắn hổ mang lại lén nhỏ vào một chút nọc độc và một chú sư tử lén cho vào một chút hung dữ. Sau cùng Thượng Đế đã vô tình nhào nặn hợp chất ấy thành một người đàn bà rồi trao con người vừa kỳ diệu lại vừa quỉ quái này làm bạn với người đàn ông. Và quả thật từ ngày đó, người đàn ông không còn cảm thấy cô đơn nữa.
Nhưng trong cuộc sống chung, người đàn ông luôn có cảm giác hạnh phúc xen lẫn với nỗi bất hạnh. Đến một ngày kia do không thể chịu đựng thêm về cái thói đỏng đảnh tinh ranh độc áchung dữ của người đàn bà, nên đã mang trả lại cho Thượng đế. Nhưng cuộc ly hôn đầu tiên này chưa kéo dài một tuần trăng, thì một hôm người đàn ông lại thấy nhớ nhung da diết cái vẻ mặt xinh đẹp, dịu dàng và tinh khiết của người đàn bà, bèn đến xin Thượng Đế cho người đàn bà lại về nhà sống chung. Từ ngày đó hai vợ chồng hiểu rõ mặt mạnh mặt yếu của nhau nên đã sống chung hòa hợp hạnh phúc hơn. Có điều người đàn ông vẫn không mấy an tâm khi đôi lúc thấy vợ anh có những biểu hiệu tinh ranh, cư xử độc ác và cử chỉ hung dữ nên anh ngày đêm không ngừng cầu xin Thượng Đế: “Xin cho nàng luôn dịu dàng như hoa lan, xinh đẹp như hoa hồng và tinh khiết như hoa huệ”.
SƯU TẦM
VII. NHỎ TO HỮU ÍCH THÁNG 09/2021

AN TOÀN THỰC PHẨM GIA ĐÌNHTRONG MÙA DỊCH COVID-19
Ăn uống là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEP), ăn uống vừa phải đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, vừa phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Có như vậy, ăn uống mới giúp con người đủ sức khỏe để lao động, học tập, duy trì và phát triển nòi giống.
Theo Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, mỗi hộ gia đình nên thực hiện các khuyến cáo sau để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với gia đình trong mùa dịch COVID-19:
Khi mua thực phẩm:
 Phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người xung quanh trong quá trình lựa chọn thực phẩm, khi chờ thanh toán.
Sử dụng dung dịch khử khuẩn tay trước và sau khi ra khỏi cửa hàng, siêu thị.
Sử dụng các dụng cụ gắp, kẹp thực phẩm chuyên dụng hoặc găng tay khi lựa chọn thực phẩm tươi sống, không bao gói sẵn.
Chọn thực phẩm tươi ngon, không bị hư hỏng (héo, úa, ươn).
 Không mua thực phẩm bị mọt, mốc, hết hạn sử dụng.
 Vệ sinh túi, làn, dụng cụ chứa đựng thực phẩm sau mỗi khi sử dụng.
Sơ chế, bảo quản thực phẩm sau khi mua về:
Rau, củ, quả cần rửa sạch bùn, đất, rác…, để ráo nước và chia thành các phần nhỏ (lượng đủ dùng cho một bữa ăn) trước khi gói, bọc, bảo quản trong nhiệt độ mát.
Trứng khi mua về cần rửa sạch, lau khô và bảo quản ở nhiệt độ mát trừ sản phẩm đã được đóng hộp/đóng vỉ sẵn.
 Thịt, cá và các sản phẩm động vật khác phải rửa sạch và để ráo nước; Bọc kín bảo quản ở nhiệt độ mát khi chờ chế biến trong ngày, bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh nếu bảo quản lâu hơn.
 Chú ý rã đông thực phẩm bằng cách đặt trong ngăn mát tủ lạnh hoặc dưới vòi nước chảy hoặc bằng lò vi sóng; không để thực phẩm ra ngoài nhiệt độ phòng trong nhiều giờ.
Để riêng các loại thực phẩm khác khi bảo quản trong tủ lạnh.
Đảm bảo an toàn khi chế biến:
Rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm và nấu ăn.
 Sử dụng dao, thớt, dụng cụ chứa đựng…riêng khi chế biến thực phẩm sống và thức ăn chín.
Dụng cụ cần tráng bằng nước sôi trước khi sử dụng.
Nấu chín kỹ thịt, hải sản, trứng gia cầm ví dụ: Tôm, cua nấu đến khi vỏ chuyển sang màu đỏ và thịt chuyển sang màu trắng; nấu các loại trai, hến, ốc… đến khi mở miệng. Nấu chín trứng đến khi lòng đỏ và lòng trắng trở nên cứng.
Khi sử dụng lò vi sóng để nấu làm nóng thức ăn: Đựng trong đĩa, hộp chuyên dụng, đậy kín thực phẩm trước khi làm nóng bằng vi sóng trong thời gian phù hợp. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực bếp, tủ lạnh.
Bảo quản thức ăn:
Thức ăn sau khi nấu chín chưa ăn ngay cần bảo quản như sau:
 Che đậy, tránh bụi, côn trùng;
 Bảo quản ở nhiệt độ môi trường (khoảng 22oC, không quá 2 giờ);
 Môi trường mùa hè thì không để thực phẩm, thức ăn ở bên ngoài quá 1 giờ.
 Khi có nhu cầu bảo quản lâu hơn, cần sử dụng tủ lạnh hoặc tủ đông để bảo quản;
 Thức ăn dư thừa, nếu để sử dụng cho bữa ăn sau cần đậy kín rồi bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh; đun sôi lại trước khi ăn.
An toàn bữa ăn gia đình:
 Luôn thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội;
 Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn;
 Không sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn dùng chung; trên mâm hay bàn ăn, phải có thìa/muỗng/đũa để lấy thức ăn vào bát riêng;
 Không dùng chung ly uống nước;
 Không ăn thức ăn sống hoặc tái như cá sống, thịt sống, gỏi, tiết canh…
 Rau, củ, quả khi ăn sống phải đảm bảo được rửa sạch nên gọt vỏ trước khi ăn.
An toàn thực phẩm cho người cách ly tại gia đình:
 Người cách ly không được nấu ăn, phục vụ ăn uống cho người khác;
Không ngồi ăn chung với các thành viên trong gia đình;
Rửa, tiệt trùng, bảo quản riêng dụng cụ ăn uống của người đang cách ly./.
SƯU TẦM TRÊN INTERNET

VIII. THÔNG TIN HIỆP SỐNG THÁNG 09/2021
A. SINH HOẠT LIÊN HỘI HHTM THÁNG 09:
VỀ LỄ KÍNH THÁNH ĐA MINH BỔN MẠNG CỦA CHA TỔNG GIÁM HUẤN
Trong Tháng 8 vừa qua, có ngày 8/8 là lễ kính thánh Đa Minh, Bổn Mạng của Cha Đa Minh Tổng Giám Huấn Hiệp Hội Thánh Mẫu VN :
Năm nay vì đại dịch, Hội viên chúng ta không thể tập trung tại nhà thờ Thánh Mẫu Trung Ương như mọi năm để hiệp dâng Thánh Lễ Tạ ơn và mừng Bổn mạng của Cha. Trong dịp này, cha Đa Minh TGH HHTM đã dâng lễ riêng một mình và vui vẻ đón nhận những lời chúc mừng Bổn Mạng của mọi người trên Zalo và Facebook.
– Về tình hình sức khoẻ của Cha TGH: Do luôn sống điều độ lạc quan, và quan tâm bảo về sức khỏe, nên huyết áp luôn điều hòa. Đến nay cha cũng đã hoàn thành tiêm 2 mũi chích ngừa Covid-19 chung với các linh mục trong Tổng Giáo Phận Sai-gòn.
– Về sinh hoạt hằng ngày của cha TGH: Trong những ngày thành phố giãn cách theo chỉ thị 1, với tuổi 74, cha TGH đã chọn lối sống âm thầm nhiều hơn. Nhân ngày sinh nhật, lễ bổn mạng của các Huynh Trưởng, cha đều gửi lời chúc mừng qua Zalo. Khi nghe tin hội viên, ân nhân, thân nhân hay cha mẹ Hội viên HHTM qua đời, cha liền nhắn tin phân ưu và thông báo sẽ dâng lễ đưa chân cho linh hồn mới qua đời được sớm hưởng Tôn Nhan Chúa ngay trong ngày. Hiện nay mỗi ngày cha đều dâng lễ riêng vào lúc 18g tại nhà Thờ Sao Mai.
– Về công việc mục vụ: Dù trong hoàn cảnh bị dãn cách và phải ngưng mọi sinh hoạt lễ nghi tôn giáo tại nhà thờ theo chỉ thị của chính quyền và giáo quyền, nhưng cha TGH vẫn duy trì việc dạy Giáo Lý Online và 3 buổi tối hằng tuần cho các anh chị em dự tòng và chuẩn bị hôn nhân. Mỗi tối từ 19g00 đến 20g30 như sau:
+ Các tối thứ hai: Giáo Lý Sống Đạo học các bài Hiệp Sống Tin Mừng Chúa Nhật trên phần Lời Chúa trang mạng của Tổng Giáo Phận Sài-gon.
+ Các tối Thứ Sáu: Giáo Lý Hôn Phối, học theo cuốn Giáo Lý Hôn Nhân và Gia Đình của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc Hội Đồng Giám Mục VN.
+ Các tối Thứ Bảy: Giáo Lý Dự Tòng, học theo cuốn Giáo Lý Dự Tòng của Ban Giáo Lý Hồng Ân của Giáo Phận Xuân Lộc.
Ngoài thời gian dâng lễ cầu nguyện và dạy giáo lý, cha còn sưu tầm các cách ngừa bệnh Covid-19, rồi đăng lên Zalo trong goup Liên Hội, Liên Đoàn để giúp hội viên tìm hiểu phòng ngừa dich cúm.
Chúng ta ước mong Cha Đa Minh Tổng Giám Huấn được Thiên Chúa gìn giữ an lành hồn xác, để Ngài khoẻ mạnh vượt qua đại dịch và luôn là vị mục tử nhân hậu như lòng Chúa mong ước.
B. SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN GIA ĐÌNH HHTM THÁNG 09
I. SINH HOẠT LIÊN ÐOÀN GIA ÐÌNH HHTM TGP THÁNG QUA :
1) XĐ GIA ĐÌNH HHTM LẠC QUANG: Ngày15/08/2021 XĐ GĐ Lạc Quang mừng Bổn Mạng Đức Mẹ Lên Trời.
2) XĐ GIA ĐÌNH HHTM SAO MAI: Ngày 22/08/2021 Xứ Đoàn Gia Đình HHTM Sao Mai mừng lễ Đức Ma-ri-a Nữ Vương là bổn mạng Xứ Đoàn:
Cha Tổng Giám Huấn HHTM ĐaMinh Đinh Văn Vãng cũng là cha chính xứ gx Sao Mai đã dâng thánh lễ Tạ ơn và xin ơn bình an cho 2 gia đình HHTM xứ đoàn Sao Mai và Xứ đoàn Lạc Quang.
Trong thời gian giãn cách, BCH Liên đoàn Gia đinh HHTM TGP không thể đến chúc mừng hai Xứ đoàn. Nguyện xin Chúa Giê-su qua lời Mẹ Ma-ri-a cầu bầu, ban cho các Hội viên 2 Xứ Đoàn ơn khoẻ mạnh, bình an và luôn vững tin vào tình thương quan phòng của Chúa và tích cực góp phần chia sẻ bác ái cho những người đang gặp thử thách do đại dịch.
3) XĐ GIA ĐÌNH HHTM LÔ ĐỨC – CHÍ HÒA
– Thời gian giãn cách trong giáo xứ giáo xứ có các việc Khẩn Caritas Sao Mai đã hỗ trợ :
– 1 gia đình nghèo test : 1 500 000 đ
– ngày 22/8 Tặng 68 hộ trong hẻm 130 và 138 mỡi hộ 5kg gạo là 340kg gạo
– Tặng cho 3 người nghèo 30kg gạo
– Đã xin hỗ trợ từ Doanh Nhân cho 5 bệnh nhân trong giáo xứ. Mỗi tháng mỗi bệnh nhân bệnh nặng được nhận phụ cấp 500 000 đ.
– Tháng 8 Caritas Sao Mai tặng cho 3 người cao tuổi neo đơn trong khu phố 3, Phường 7 và một hội viên bị ung thư mỗi người được 200 000đ. 2 hộp sữa , 2 chai nước mắm .
II. KẾ HOẠCH SINH HOẠT CỦA LĐ GIA ĐÌNH HHTM THÁNG 9 :
1. MỪNG CÁC LỄ BỔN MẠNG CỦA LĐ GĐ THÁNG 9:
a) Ngày 08/9/2021 : Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Ma-ri-a: Bổn Mạng Xứ Đoàn Gia đình HHTM Tân Hưng (Quận 12):
b) Ngày 21/09/2021 : Lễ kính Thánh Mát-thêu Tông Đồ Thánh Sử: Bổn mạng Gia đình HHTM Mat-theu SM.
c) Ngày 30/09/2021 Lễ kính Thánh Hiê-rô-ni-mô: Bổn mạng của Anh Nguyễn Đức Vĩnh : Ủy viên Ban Chấp Hành Liên Hội và BCH Liên đoàn Gia đình HHTM TGP-SG.
– Ban Chấp Hành Liên Đoàn Gia Đình HHTM TGP Saigon xin chúc mừng các đơn vị và cá nhân mừng các lễ Bổn Mạng nói trên. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, thánh nữ Tê-rê-sa Can-quýt-ta, thánh sử Mat-thêu, thánh Hiê-rô-ni-mô cầu bầu cùng Thiên Chúa ban tràn đầy hồng ân và chúc lành cho anh chị em.
2. VỀ CÔNG TÁC BÁC ÁI CỦA LIÊN ĐOÀN GIA ĐÌNH HHTM THÁNG 9:
Sáng CN 5/9/2021 LỄ KÍNH MẸ TE-RE-SA CAN-QUÝT-TA, đồng hành cùng Mặt trận tổ quốc Quận TB, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Gia đình HHTM, kiêm trưởng bác ái xã hội Hạt Chí Hòa đã đến thăm nhà hưu linh mục Chí Hoà và qua cha Giám đốc nhà hưu đã gửi 32 bao thư chia sẻ cho quý cha hưu, 03 Sơ và 6 nhân viên trong dịp này. TC: 41 bao thư, gồm 8 triệu 200 ngàn đồng.

3. TIN BUỒN:
Trong thời gian giãn cách do dịch bệnh, Liên đoàn Gia đình vô cùng thương tiếc các hội viên, ân thân nhân đã qua đời như sau:
Anh Đa Minh Phạm Duy Quý– Gia đình Mẫu Tâm – cựu Liên đoàn Phó Liên đoàn GĐ.
Chị Ma-ri-a Lưu Thị Thúy Vân – Gia đình HHTM Lô Đức.
Anh Phe-ro Đỗ Thế Hoành – Cựu Ca trưởng GĐ Thánh Mẫu Sao Mai.
Ông Phao-lo Trần Văn Khuê –Thân sinh chị Thủ Quỹ GĐ HHTM Xứ đoàn Lạc Quang.
Xin Chúa đón nhận các linh hồn: Đa Minh, Ma-ri-a, Phê-rô, Phao-Lo vào nước Chúa.
4. LỜI CẦU NGUYỆN TRONG MÙA DỊCH BỆNH:
Lạy Chúa. Hằng ngày con biết, con nghe, con thấy chung quanh con, trong giáo họ con, trong phường là địa bàn con đang ở…. Có những buổi sáng dậy trễ, nhà nhà vẫn luôn đóng cửa, không có tiếng rao hàng quen thuộc: “bánh mì đây” để mua ăn sáng, và có nhiều ngày con đã nhịn luôn đến bữa trưa sẽ ăn một thể; Chằng còn cảnh gọi nhau để chia rau từ thiện, không ai đến nhà ai! Cuộc sống luôn hồi hộp với những bản tin trên Tivi trong nhà, với chiếc máy vi tính bàn sử dụng Zalo, viber để chia sẻ cho nhau Lời Chúa, để thăm hỏi nhau… Rồi đến 18g chiều, nhà nhà đọc kinh.… Lời kinh râm ran vang lên trong xóm.
Lạy Chúa Giê-su là Đấng cứu độ duy nhất, là vị lương y đầy quyền năng và lòng thương xót… chúng con xin ơn tỉnh thức, ơn biết cầu nguyện, biết chuẩn bị sẵn sàng, chúng con xin ơn biết mở lòng bác ái vị tha; Xin Chúa cho chúng con biết noi gương đức trinh nữ Ma-ri-a , noi gương Thánh Cả Giu-se công chính, sống theo linh đạo “ Hiệp sống – xin vâng – phục vụ” của Hiệp Hội Thánh Mẫu. Chúng con xin ơn biết tin thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa; luôn giữ cho ngọn đèn đức tin luôn cháy sáng trong lòng chúng con và mọi người.- Amen.
III. VỀ VIỆC BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA CÁC XỨ ĐOÀN GIA ĐÌNH HẰNG THÁNG:
1. Mỗi tháng Ban Chấp Hành Xứ Đoàn nên cử ít nhất một đại diện về tham dự buổi sinh hoạt chung với Liên Đoàn Gia Đình HHTM vào sau lễ chiều Thứ Bảy tuần thứ hai hằng tháng.
2. Vào ngày 20 mỗi tháng, đề nghị các Xứ đoàn gửi bản báo cáo sinh hoạt về Liên đoàn qua tin nhắn cho số DĐ 0983043997. Có thể qua Facebook của Hoang Nhieu hay qua email: giaoluuhiepsong@gmail.com . Nội dung báo cáo theo mẫu như sau :
+ Tên Xứ Đoàn :……………………………………………………………………………………………………
+ Công tác nổi bật của Xứ Đoàn tháng qua là gì ? :
……………………………………………………………………………………………………………………………
+ Số tiền và hiện vật đã chia sẻ bác ái cho các giáo điểm và người nghèo nào ? Quy ra tiền ước tính bao nhiêu ?
…………………………………………………………………………………………………………………………..
+ Tháng qua Xứ Đoàn đã tổ chức đến tang gia phân ưu và cầu nguyện cho bao nhiêu người trong và ngoài Xứ Đoàn mới qua đời ? Cụ thể vào ngày giờ nào trong tháng ?
……………………………………………………………………………………………………………………………
+ Tháng qua Xứ Đoàn đã phân công cho Hội Viên các Nhóm Nhỏ đi thăm bệnh nhân tại tư gia trong Giáo Xứ, hoặc tại các bệnh viên gần giáo xứ:
…………………………………………………………………………………………………………………………….
+ Ngoài ra cũng cần báo cáo về các lễ Bổn Mạng của Cha Chính Xứ Giám Huấn HHTM, Cha Phó Xứ Đồng Hành của Xứ Đoàn Gia Đình HHTM và số điên thoại của các cha.
+ Báo cáo trong tháng tiếp theo có những lễ Bổn Mạng của các Huynh Trưởng Ban Chấp Hành Xứ Đoàn và các Hội Viên trong XĐ. Các chi tiết này sẽ được đăng lên Tập San Hiệp Sống Tin Mừng tháng sau của HHTM.
IV. THƯ MỜI HỌP:
Mời các anh chị Xứ Đoàn trưởng và thành viên BCH các xứ đoàn thuộc LĐGĐ/ HHTM tham dự buổi sinh hoạt Online tháng 09/2021 trong Group Zalo “ LIÊN ĐOÀN GIA ĐÌNH HHTM “ vào lúc 20g00 Thứ ba, ngày 14/09/2021. Mong anh chị em tham gia vào group để Liên Đoàn sinh hoạt ngày thêm đông vui.
( Nội dung cụ thể: Kế hoạch Mừng Lễ Đức Mẹ Mai Khôi bổn mạng Liên đoàn Gia Đình HHTM TGP/SG ngày 07/10/2021 sắp tới).
B. SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN GIỚI TRẺ HHTM THÁNG 09 :
1) Liên Đoàn Giới Trẻ HHTM TGP Saigon gồm 6 Xứ Đoàn đang hoạt động như sau:
– Xứ Đoàn Giới Trẻ Sao Mai,
– Xứ Đoàn Giới Trẻ Thạch Đà,
– Xứ Đoàn Giới Trẻ Châu Bình,
– Xứ Đoàn Giới Trẻ Bình Thái,
– Xứ Đoàn Giới Trẻ Bình An.
Xứ Đoàn Sinh Viên Nhà Thờ Thánh Mẫu Trung Ương đang trong giai đoạn hình thành.
2) Hiện nay Liên Đoàn Giới Trẻ HHTM đã bầu được một tân Ban Chấp Hành nhiệm kỳ 2020-2024. Tân BCH Liên Đoàn khi điều kiện cho phép sẽ đi thăm các Xứ Đoàn và đề ra phương hướng sinh hoạt cụ thể trong thời gian sắp tới.
3) Từ nay đến lễ Bổn Mạng Tê-rê-sa (01/10) của Liên Đoàn Giới Trẻ HHTM, Ban Chấp Hành Liên Đoàn sẽ họp mặt hai nhóm sinh viên nữ của Trụ Sở HHTM và nhóm sinh viên Nam của Nhà thờ Thánh Mẫu thành Xứ Đoàn Sinh Viên HHTM. Nếu xã hội vượt qua cơn đại dịch và hoàn cảnh cho phép, Xứ Đoàn Sinh Viên HHTM sẽ hình thành và ra mắt vào lễ kính thánh Tê-rê-sa, là Bổn Mạng của Liên Đoàn Giới Trẻ HHTM/TGP.
TRUYỀN THÔNG HHTM

TẢI TẬP SAN HIỆP SỐNG THÁNG 9.2021. TẠI DƯỚI.

BBẢN-IN-TẬP-SAN-HIỆP-SỐNG-TH-09-2021