TẬP SAN HIỆP SỐNG THÁNG 07.2019

TẬP SAN HIỆP SỐNG
Tháng 07.2019

TƯ LIỆU HỌC TẬP CỦA HIỆP HỘI THÁNH MẪU
Lưu hành nội bộ

NỘI DUNG

TẬP SAN HIỆP SỐNG THÁNG 07/2019

I. THƯ LM G.HUẤN TH 07: HIỆP HỘI THÁNH MẪU CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA HỘI VIÊN.
II. THỰC TẬP NHÂN BẢN TH 07: GIÁ TRỊ CỦA LÒNG TỐT GIỮA ĐỜI THƯỜNG.
III. MỤC VỤ GIA ĐÌNH TH 07: GIÁO DỤC LÒNG HIẾU THẢO CHO CON CÁI.
IV. TƯ LIỆU HIỆP SỐNG TM TH 07: CN 14 TN C; CN 15 TN C; CN 16 TN C; CN 17 TN C.
V. TƯ LIỆU H LUYỆN HTRƯỞNG TH 07: THÔNG BÁO TỔ CHỨC KHÓA HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG CỦA CỘNG ĐOÀN CƠ BẢN.
VI. THƯ GIÃN TH 07: KHÁC BIỆT TRƯỚC VÀ SAU NGÀY CƯỚI.
VII. NHỎ TO HỮU ÍCH TH 07/2019: ĐỂ NÊN TRƯỞNG THÀNH VỀ NHÂN CÁCH.
VIII. SINH HOẠT HIỆP SỐNG THÁNG 07/2019:
A. THÔNG TIN LIÊN HỘI HHTM THÁNG 07
B. SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN BÁC ÁI HHTM THÁNG 07
C. SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN GIA ĐÌNH HHTM THÁNG 07
D. SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN GIỚI TRẺ HHTM THÁNG 07

I.LÁ THƯ LM GIÁM HUẤN THÁNG 07/2019
HIỆP HỘI THÁNH MẪU – CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA HỘI VIÊN
1. LỜI CHÚA: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)
2. CÂU CHUYỆN:
Tại một viện bài phung giữa rừng già miền Amazone, có một người đàn bà mới nhìn qua ai cũng thấy rất tội nghiệp đáng thương. Từ nhiều năm qua, vì bị phong cùi, bà bị chồng con bỏ rơi, bà sống đơn độc trong một túp lều gỗ, mặt mũi đã bị đục khoét đến độ không còn hình tượng con người nữa.
Chân phước MAR-CHEL-LO đến thăm viếng mang cho bà vài món quà và hỏi :
– Bà làm gì trong suốt một ngày dài? Có ai đến thăm bà không?
– Tôi sống một mình. Tôi không còn làm được gì nữa: tay chân bại liệt, mắt lại không thể nhìn thấy gì nữa.
Ngài hỏi tiếp: “Vậy chắc bà cảm thấy cô đơn và buồn chán lắm phải không?”
– Thưa ngài, không. Tôi cô độc thì có, nhưng tôi không hề cảm thấy buồn hoặc bị bỏ rơi, bởi vì tôi cầu nguyện suốt ngày và tôi cảm thấy có Chúa luôn ở bên tôi và ở trong tôi.
Ngạc nhiên về lòng tin của người đàn bà, ngài lại hỏi: “Thế bà cầu nguyện cho ai?”
Người đàn bà như mở to đôi mắt mù lòa và nói:
– Tôi cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng, cho các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ. Tôi cầu nguyện cho những người bệnh phong cùi đang bị bỏ rơi, cho các trẻ mồ côi, cho hết những ai đã ủng hộ tiền cho trung tâm bài phung này.
Mar-chel-lo ngắt lời bà: « Thế bà không cầu nguyện cho bản thân sao?”
Với một nụ cười rạng rỡ trên môi, người đàn bà quả quyết:
– Tôi chỉ cầu nguyện cho những người khác mà thôi, bởi vì khi người khác được hạnh phúc, thì chính tôi cũng sẽ được hạnh phúc.
3. SUY NIỆM:
1) THẾ NÀO LÀ LỐI SỐNG ĐẠO ĐỨC GIẢ HÌNH CỦA BIỆT PHÁI ?:
Giả hình tức là hình giả hay hình nộm chứ không phải là người thật. Đó là lối sống xấu xa gian ác nhưng được che đậy bằng những việc đạo đức hình thức bề ngoài. Đức Giê-su phê bình các người biệt phái là bọn đạo đức giả, bề ngoài trắng sạch, nhưng trong đầy giòi bọ tanh hôi.
2) THẾ NÀO LÀ LỐI SỐNG THÁNH THIỆN CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊ-SU?:
Lối sống cầu nguyện kết hiệp với Chúa của người đàn bà phong cùi trong câu chuyện trên cho thấy thế nào là sự thánh thiện đích thực. Người thánh thiện thực sự là gười có đức tin, nhìn thấy Chúa đang bị khinh dể và bị bỏ rơi nơi những người nghèo khổ, bệnh tật, đói rách, để luôn sống vì và sống cho người khác, lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của mình.
3) HHTM LÀ CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA HỘI VIÊN:
Linh đạo Hiệp Hội Thánh Mẫu được ghi trong Luật Sống như sau: “Chúng tôi hội hiệp nhau tập sống « xin vâng » để hiến thân « phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân » theo gương mẫu và Lời dạy của Chúa Giê-su, như Thánh Mẫu Ma-ri-a”.
– Hiệp Sống: Hiệp Hội Thánh Mẫu liên kết hội viên cùng lứa tuổi và môi trường sinh họat thành những Cộng Đòan Nhóm Nhỏ gọi là Gia đình Hiệp Sống Ki-tô để giúp nhau sống giới răn yêu thương của Chúa Giê-su: « Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy » (Ga 13,34).
– Xin vâng: Hội viên HHTM vâng phục cấp trên trong đao ngòai đời noi gương Đức Giê-su luôn xin vâng ý Chúa Cha (x. Mt 26,42), và Mẹ Ma-ri-a xin vâng lời sứ thần truyền (x. Lc 1,38).
– Phục vụ : hội viên HHTM có bổn phận quan tâm đến tha nhân và chu tòan công tác thăm viếng để chia sẻ và phục vụ những người nghèo khổ bất hạnh (x Mt 25,35-36). Noi gương Đức Giê-su “Đến để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).
LM Giám Huấn Hiệp hội Thánh Mẫu
Đaminh ĐINH VĂN VÃNG
I. HỌC SỐNG NHÂN BẢN THÁNG 07/2019
GIÁ TRỊ CỦA LÒNG TỐT GIỮA ĐỜI THƯỜNG
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là đã làm cho chính Ta vậy » (Mt 25,40).
2. CÂU CHUYỆN : PHẦN THƯỞNG CỦA MỘT LY SỮA
Một cậu bé nghèo làm nghề bán hàng rong để kiếm tiền học. Một ngày nọ nhận thấy trong túi chỉ còn một hào mà bụng lại đang đói, cậu định sẽ sang quán ăn gần nhà xin một bữa ăn miễn phí. Chị chủ quán xinh đẹp liền ra hỏi xem cậu cần gì ? Thay vì mở miệng xin một bữa ăn như dự tính, cậu lại mở miệng xin một ly nước nóng. Người phụ nữ đoán chừng cậu bé đang đói nên đã mang ra một ly sữa lớn thay vì nước uống. Cậu bé ngồi xuống và nhấp từng ngụm sữa. Uống xong cậu hỏi: « Cháu phải trả cho cô bao nhiêu tiền ạ ? »
Người phụ nữ trả lời: « Cháu không phải trả cô gì cả. Mẹ cô đã dạy là không bao giờ được đòi tiền trả cho lòng tốt của mình».
Cậu bé cảm kích đáp: “Cháu rất biết ơn cô và cháu sẽ luôn ghi nhớ lòng tốt của cô».
Khi ra về cậu cảm thấy khỏe hơn và niềm tin vào lòng tốt của con người cũng gia tăng thêm.
Nhiều năm sau người phụ nữ chủ quán kia bị ốm nặng. Các bác sĩ ở bệnh viện địa phương đều bó tay. Họ chuyển bà lên bệnh viện thành phố lớn để được các chuyên gia chữa trị cho căn bệnh nặng của bà. Tiến sĩ HO-WARD KEL-LY đã được mời đến hội chẩn. Khi nghe tên thị trấn của bệnh nhân, một tia sáng đã bừng lên trong lòng. Ông vội khoác chiếc áo choàng và đi nhanh đến bệnh viện và nhận ra ngay bệnh nhân đó chính là ân nhân năm xưa. Ông quyết dốc hết sức để cứu sống bệnh nhân này. Và nỗ lực của ông đã được đền đáp bằng việc bệnh nhân được chữa khỏi bệnh. Sau đó tiến sĩ Howard Kell yêu cầu phòng y vụ chuyển cho ông giấy hoá đơn viện phí của bệnh nhân và ông đã viết mấy chữ bên lề của tờ biên lai tính tiền trước khi chuyển nó đến người phụ nữ. Bà nghĩ chắc tiền chi phi sẽ rất lớn mà bà sẽ phải chi trả đến hết đời mới hết. Nhưng đột nhiên có mấy hàng chữ bên lề biên lai khiến bà chú ý và bà đã đọc được như sau: « Trị Giá Hóa Đơn = Một Ly Sữa ». Ký tên: Tiến sĩ Howard Kelly.
3. SUY NIỆM:
Lòng tốt xem ra mỗi ngày một hiếm hoi, nhưng nó vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống xã hội hôm nay và mọi người đều khen ngợi tán dương những ai có lòng tốt. Lòng tốt giống như hạt giống được gieo hôm nay và mai sau sẽ phát sinh hoa trái tốt đẹp ngay cả cho người gieo trồng.
Dĩ nhiên khi thể hiện lòng tốt, có lẽ ít người trong chúng ta hy vọng sẽ được đến ơn đáp nghĩa sau này. Tuy nhiên cuộc sống vẫn luôn có một quy luật tự nhiên, như người ta thường nói: “Gieo giống nào gặt giống đó”.- “Ở hiền gặp lành”. – “Gieo gió gặt bão”…
Điều quan trọng là mỗi người chúng ta cần ý thức rằng: Lòng tốt sẽ biến chúng ta trở thành người tốt và mỗi ngày cần làm nhiều việc tốt trong cách suy nghĩ nói năng và hành động. Chính lòng tốt sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc. Một người có lòng tốt sẽ luôn quên mình để nghĩ đến người khác, sẵn sàng cảm thông tha thứ lỗi lầm cho anh em; Luôn biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn với tha nhân như lời dạy của thánh Phao-lô: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).
Một người luôn biết chia sẻ và quảng đại cho đi sẽ được Chúa ban ơn dồi dào ân sủng như Chúa Giê-su đã dạy: “Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại: Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy!” (Lc 6,38). Hôm nay chúng ta hãy luôn ghi nhớ lời Chúa: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
4. LỜI CẦU: Hát bài “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời…” và dâng một lời nguyện tự phát để kết thúc.
LM ĐAN VINH – HHTM
III.MỤC VỤ GIA ĐÌNH TH 07/2019:
GIÁO DỤC LÒNG HIẾU THẢO CHO CON CÁI
1. LỜI CHÚA: Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ (Hc 3,3-7).
2. CÂU CHUYỆN:
Một chàng thanh niên nộp đơn xin làm giám đốc quản trị của một công ty lớn. Viên Tổng giám đốc công ty trực tiếp phỏng vấn. Thấy học bạ của anh ta từ nhỏ tới lớn năm nào cũng được xếp vào lọai giỏi và xuất sắc liền hỏi “Từ nhỏ đến lớn anh đã nhận được bao nhiêu học bổng ?” Anh ta đáp “Thưa ngài, tôi không nhận được bất cứ một học bổng nào”. Viên Tổng giám đốc lại hỏi: “Thế thì cha anh phải trả học phí hằng năm cho anh ?” Chàng thanh niên đáp “Cha tôi mất khi tôi mới được một tuổi. Mẹ tôi mới là người đứng ra trả học phí cho tôi”. Khi được hỏi về nghề nghiệp của bà mẹ, anh ta đáp “Mẹ tôi làm công việc giặt quần áo thuê cho khách hàng”. Viên giám đốc yêu cầu anh ta giơ hai bàn tay của anh cho ông xem. Thấy hai bàn tay của anh trắng trẻo mịn màng liền hỏi anh có bao giờ giúp mẹ giặt áo quần cho khách chưa và nghe anh trả lời: “Chưa bao giờ. Mẹ tôi chỉ yêu cầu tôi phải chuyên cần học tập. Đàng khác bà giặt ủi áo quần nhanh hơn tôi”. Sau đó, viên Tổng giám đốc yêu cầu anh về nhà lau sạch đôi bàn tay của mẹ rồi hôm sau phải đến báo cáo việc làm này.
Hôm sau, khi viên Tổng giám đốc thấy những giọt nước mắt chưa ráo hết trên đôi mắt thâm quầng của anh liền hỏi “Anh hãy cho biết cảm tưởng khi rửa tay cho mẹ ?” Anh đáp: “Thứ nhất, bây giờ tôi mới thấm thía về công ơn trời bể của mẹ tôi; vì nếu không có mẹ, chắc chắn tôi sẽ không có được kết quả học tập như hiện nay. Thứ hai, qua việc giúp mẹ giặt quần áo, tôi cảm nghiệm việc giặt quần áo mẹ tôi đã làm trong nhiều năm qua thật không dễ chút nào. Thứ ba, tôi ý thức mình phải làm gì để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục mà mẹ đã làm vì yêu thương tôi”. Bấy giờ ông Tổng giám đốc liền nói: “Anh đã đáp ứng đúng theo yêu cầu mà một giám đốc quản trị phải có. Tôi muốn tuyển dụng một con người có lòng biết ơn các nhân viên dưới quyền, kiên nhẫn chịu đựng thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được trao, và nhất là phải làm việc vì ích lợi của công ty hơn chỉ vì lợi ích riêng của mình. Tôi tuyên bố anh được nhận làm giám đốc quản trị của công ty chúng tôi”.
3. SUY NIỆM
Một số cha mẹ khi gặp nhau thường hay than phiền về việc con cái thờ ơ với gia đình, thiếu lòng hiếu kính và có khi còn tỏ ra “bất hiếu” với cha mẹ. Nhưng người lớn cũng cần phải xét lại về trách nhiệm giáo dục con cái của mình. Vì lòng hiếu thảo không phải là đức tính tự nhiên nhưng phải nhờ được giáo dục ngay từ bé mới hình thành được. Sau đây là một số gợi ý:
1) Đứng cưng chiều con thái quá: Ngày nay khi kinh tế gia đình thăng tiên thì việc cha mẹ lo cho con cái có một cuộc sống no đủ sung túc là điều hợp lý. Tuy nhiên nếu cha mẹ cho con mặc sức ăn chơi và không đòi chúng cộng tác làm việc nhà thì cần phải xét lại. Vì sự cưng chiều thái quá sẽ hình thành tâm lý ỷ lại, lười biếng và lạm dụng tình thương nơi chúng.
2) Hãy dạy con hiếu thảo bằng các việc cụ thể: Chẳng hạn khi con còn bé, cha mẹ phải dạy con biết nói “cám ơn, xin lỗi”, biết “mời cơm” ông bà cha mẹ, biết vâng lời, năng nói câu: “Con yêu bố, yệu mẹ nhất trên đời”…. Khi chúng sai lỗi cha mẹ phải uốn nắn sửa dạy để vào khuôn phép. Khi con lớn khôn, cha mẹ phải tập cho chúng ngòai việc học hành còn biết giúp cha mẹ làm các việc nhà như: quét nhà, lau chùi bàn ghế. Sau bữa cơm, biết thu dọn chén đĩa từ bàn ăn xuống bồn rửa và cùng rữa chén bát với anh chị em hay người giúp việc. Những việc làm trên dần dần hình thành thói quen làm việc nhà. Ngay cả khi nhà có mướn người giúp việc, cha mẹ cũng đừng bắt người giúp việc phải làm mọi công việc cho xứng với đồng, nhưng vẫn đòi con cái cộng tác để giáo dục lòng hiếu thảo và giúp con hình thành nhân cách.
3) Hãy giáo dục con cái bằng lời nói và bằng gương sáng: Một điều quan trọng là cha mẹ phải nêu gương sáng hiếu thảo qua cách ứng xử đối với ông bà nội ngọai. Nếu ông bà ở xa thì năng gọi điện hỏi thăm, mau mắn đến giúp khi ông bà đau ốm hay có việc cần nhờ cậy… Nếu ông bà sống chung nhà thì cha mẹ phải quan tâm giặt giũ quần áo, cơm bưng nước rót, dọn giường ngủ, đối xử lễ phép. Đi xa về, cha mẹ cần biếu quà cho ông bà trước, rồi mới cho quà con cháu. Nếu ông bà mất sớm thì cha mẹ phải lập bàn kính nhớ có di ảnh ông bà và năng cầu nguyện cho ông bà. Những lúc gia đình họp mặt vào ngày giỗ tết, cha mẹ nên kể cho con cháu nghe về công ơn của ông bà đã vất và nuôi dạy mình… Chính cách đối xử hiếu thảo của cha mẹ với ông bà sẽ gây ấn tượng sâu sắc trong tâm trí con cái và đến khi cha mẹ già yếu, chúng sẽ biết thể hiện lòng hiếu thảo để đền đáp công ơn cha mẹ.
4) Sóng trước vỗ đâu sóng sau vỗ đó: Ngày nay một số người lớn thường lơ là, lảng tránh, so đo tính tóan, coi cha mẹ như một gánh nặng để đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng cho nhau. Nên nhớ rằng “Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó” là một quy luật tất yếu: Sau này khi lớn lên con cái cũng sẽ đối xử với cha mẹ theo cách chúng thấy cha mẹ hôm nay đối xử với ông bà.
4. THẢO LUẬN: 1) Bạn hãy tự kiểm về cách giáo dục con cái trong gia đình bạn hiện nay ra sao ? 2) Trong tuần này bạn sẽ làm gì cụ thể để giáo dục con cái về lòng hiếu thảo hữu hiệu nhất?
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa. Xin giúp các bậc cha mẹ chúng con luôn biết phó thác cậy trông vào quyền năng của Chúa trong việc nuôi dạy con cái. Xin cho chúng con năng cầu nguyện và nêu gương sáng cho con cái qua cách ứng xử hiếu thảo với ông bà tổ tiên. Xin cho các bậc cha mẹ chúng con biết áp dụng các phương pháp tâm lý sư phạm để giáo dục con cái ý thức trách nhiệm lo cho gia đình, chu tòan bổn phận với bề trên trong đạo ngòai đời, để nên con thảo của Chúa Cha noi gương Chúa Giê-su và nên chứng nhân tình thương của Chúa trước mặt người đời.- A-MEN.
LM ĐAN VINH – HHTM

IV. TƯ LIỆU HỌC SỐNG LỜI CHÚA THÁNG 07/2019

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN C
Is 66,10-14c ; Gl 6,14-18 ; Lc 10,1-12.17-20
LOAN BÁO TIN MỪNG BẰNG LỐI SỐNG CHỨNG NHÂN
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 10,1-12.17-20
(1) Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (2) Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. (3) Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. (4) Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. (5) Vào bất cứ nhà nào, thì trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” (6) Nếu ở đó có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ đến đậu trên người ấy. Bằng không, thì bình an đó sẽ quay về với anh em. (7) Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. (8) Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. (9) Hãy chữa những người đau yếu trong thành và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”. (10) Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên, các ông phải biết điều này: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. (12) Thầy nói cho anh em hay: Trong ngày ấy, thành Xơ-đom còn được xử khoan hồng hơn thành đó”. (17) Nhóm Bảy Mươi Hai trở về hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến Danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”. (18) Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. (19) Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bò cạp và mọi thế lực kẻ thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. (20) Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em. Nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.
2. Ý CHÍNH:
Đức Giê-su chỉ định bảy mươi hai người làm môn đệ và sai họ từng hai người đi thực tập truyền giáo. Các ông làm theo lời Thầy dạy và đã đạt được kết quả mỹ mãn. Đó là ma quỷ đã phải khuất phục trước các ông.
3. CHÚ THÍCH:
– C 1-2: + Chúa chỉ định bảy mươi hai người: con số 70 (theo bản văn tiếng Hipri) hay số 72 (theo bản văn tiếng Hy-Lạp) tượng trưng các tín hữu. Số 72 môn đệ này được Đức Giê-su chọn để cộng tác với Người giống như Mô-sê xưa đã nghe nhạc phụ chọn ra 72 vị kỳ lão giúp ông phục vụ dân Chúa trong thời Xuất Hành (x Xh 18,13t). + Sai các ông cứ từng hai người một đi trước: Đi hai người để dễ dàng trợ giúp cho nhau (x. Gv 4,-12). Thời Giáo hội sơ khai, các Tông đồ đã đi truyền giáo từng hai người: Bácnaba đi với Saolô (x. Cv 13,2); Giu-đa đi với Xila (x. Cv 15,27); Bácnaba đi với Máccô; Phao-lô với Bácnaba (x. Cv 15,35); Timôthê với Êráttô (x. Cv 19,22). + Phân biệt hai chức vụ Tông đồ và Môn đệ: MÔN ĐỆ là những người nhận Đức Giê-su làm Thầy và đi theo để nghe Người giảng và sống theo Lời Người. Có bảy mươi hoặc bảy mươi hai môn đệ. Các ông cũng được Đức Giê-su sai đi trước đến những nơi mà chính Người sẽ tới (x. Lc 10,1). Khi Đức Giê-su rao giảng ở đâu, các môn đệ tụ tập đến nghe, rồi sau đó lại trở về với gia đình vợ con của mình. Còn TÔNG ĐỒ là 12 người được Đức Giê-su chọn trong số 72 môn đệ (x. Lc 6,13). Và cũng được sai đi rao giảng Tin mừng (x. Lc 9,2). Các ông phải bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giê-su (Lc 18,28). Các ông được chứng kiến các phép lạ Người làm (x. Lc 7,11); Được tham dự bữa Tiệc ly (x. Mt 26,26-29); Cùng trải qua biến cố Tử Nạn và Phục Sinh với Người (x. Lc 24,36-43); Được Người trao quyền cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,19), quyền chăn chiên (x. Ga 21,15-17); Sẽ được đồng bàn trong Vương quốc với Người, và được ngồi trên 12 tòa mà xét xử 12 chi tộc Ít-ra-en (x. Lc 22,30); Cuối cùng các ông còn được sai đi làm chứng nhân cho Đức Giê-su đến tận cùng thế giới (x. Mt 28,19; Cv 1,8). + Lúa chín đầy đồng: Các Ngôn sứ trong Cựu ước đã từng miêu tả ngày phán xét như là một ngày gặt hái (x. Is 41,15; Gr 51,33). Ông Gio-an Tẩy giả đã kể ra việc phán xét của Đấng Thiên Sai trong ngày tận thế tương tự như các động tác của người nông dân sau mùa gặt lúa (x. Lc 3,17). Ở đây, Đức Giê-su cho môn đệ tham dự vào công trình của thời Cánh chung của Người bằng sự cầu nguyện và rao giảng Tin mừng.
– C 3-6: + Như chiên giữa bầy sói: Các môn đệ của Đức Giê-su sẽ đi vào trần gian đầy những kẻ thù đang tìm cách bách hại. Nhưng các ông phải đi với bàn tay không mang theo vũ khí, tâm hồn đầy nhân từ và hiền lành như con chiên. Các ông phải đặt trọn niềm cậy trông vào Chúa quan phòng. + Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường: Vì người Do thái và các dân vùng Trung Đông gặp nhau thường chào hỏi hàn huyên lâu giờ. Đức Giê-su muốn các môn đệ đừng để các việc trần thế chi phối khi đi rao giảng. Trong các sách của Lu-ca, các sứ giả của Tin mừng đều đi như chạy: Đức Ma-ri-a chạy đi thăm bà Ê-li-sa-bét, các mục đồng chạy đến máng cỏ, Phi-líp-phê chạy để đuổi kịp chiếc xe của một người Ê-thi-ô-pi (x. Cv 8,3). + “Bình an cho nhà này”: Lu-ca lấy lại cách chào hỏi thông thường của Cựu ước (1 Sm 25,6). Đây là một lời cầu chúc phúc lộc an khang, một lời chúc lành. Bình an là mức sung mãn của sự sống, là món quà cao quý nhất mà Đấng Mê-si-a ban tặng (x. Lc 1,79). + Có ai đáng hưởng bình an: Đó là người tin và đón nhận sự bình an của Thiên Chúa.
– C 7-9: + Người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó: Đây là một sự cởi mở của Đức Giê-su. Người cho phép các môn đệ được ăn mọi thức ăn do người ta dọn cho, mà không cần bận tâm xem chúng là thức ăn tinh khiết hay ô uế theo Luật Mô-sê (x. Cv 10,9-15). + Làm thợ thì đáng được trả công: Ăn những thức người ta dọn cho không phải là ăn của bố thí, nhưng là một thứ lương bổng do sự công bằng đòi buộc, tương xứng với Tin mừng cao quý mà các ông đem đến. Trách nhiệm của Cộng đoàn Hội thánh là phải lo phương tiện sống và hoạt động cho các người rao giảng Tin mừng. Sau này thánh Phao-lô cũng nói rằng: “Quả vậy Kinh thánh có nói: Đừng bịt mõm con bò đang đạp lúa, và làm thợ thì đáng được trả công: (1 Tm 5,18; Mt 10,10; Đnl 25,4). Nơi khác Ngài còn nói: “Một khi chúng tôi đã gieo của thiêng liêng cho anh em, thì nếu chúng tôi có gặt của vật chất nơi anh em, thì đâu có phải là chuyện quá đáng” (1 Cr 9,11). Tuy nhiên thánh Phao-lô lại từ chối quyền gặt hái của cải vật chất ấy cho bản thân ngài (x. 1 Cr 9,12-14 ; 2 Cr 11,7-9). + Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia: Người Tông đồ phải tránh lo lắng tìm sự tiện nghi ăn ở cho mình, nhưng cần chuyên tâm chu tòan sứ vụ. + “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”: Các môn đệ đi trước dọn đường cho Đức Giê-su sắp đến. Người chính là hiện thân của Nước Thiên Chúa.
– C 10-12: + Vào bất cứ thành nào mà người ta không đón tiếp…: Đức Giê-su cảnh báo cho các môn đệ biết họ sẽ bị người ta từ chối đón nhận Tin mừng. Bấy giờ các ông vẫn phải cho họ biết: Dù họ có muốn hay không, một ngày kia, Thiên Chúa sẽ hiển trị. Đó là ngày Phán xét. Nếu họ cố tình chối từ, họ sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa. + Thành Xơ-đom: Là một địa danh thời Tổ phụ Ap-ra-ham. Thành này đã bị phạt vì đã phạm quá nhiều tội lỗi (St 10,19).
– C 17-20: + Nghe đến Danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con: Ma quỷ phải chịu xuất ra khỏi người bị chúng ám khi các môn đệ ra lệnh nhân Danh Đức Giê-su (x. Cv 16,18). + Xa-tan từ trời sa xuống: Xa-tan là cái tên ám chỉ ma quỷ, kẻ đối lập và thù ghét Thiên Chúa. Do đó, khi Nước Thiên Chúa xuất hiện, thì quyền lực của Xa-tan sẽ bị lật đổ. + Quyền năng để chà đạp lên rắn rết…: Các loài vật kể ra ở đây là khí giới của Xa-tan. Đức Giê-su chiến thắng Xa-tan thì cũng tước đoạt hết khí giới của chúng và bắt chúng phải phục quyền (Rm 8,37-39 ; Ga 12,31). + Mừng vì tên được ghi trên trời: Ở đây là cuốn sách trường sinh, trong đó có ghi tên những người được ơn cứu độ (x. Đnl 12,1; Kh 3,5).
4. CÂU HỎI: 1) Đức Giê-su sai bao nhiêu môn đệ đi truyền giáo ? 2) Tại sao môn đệ phải đi từng hai người một ? 3) Có bao nhiêu Tông đồ ? 4) Tông đồ khác với môn đệ thế nào ? 5) Tại sao Đức Giê-su lại truyền cho môn đệ đừng chào hỏi ai dọc đường và chúc bình an cho nơi mà các ông đến ở trọ ? 6) Hãy cho biết tại sao các môn đệ được ăn mọi thứ người ta dọn cho? 7) Thành Xơ-đom là thành nào ? 8) Khi nào quyền lực của Xa-tan sẽ bị sụp đổ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt lúa về” (Lc 10,2):
2. CÂU CHUYỆN:
1) LÀM CHỨNG CHO CHÚA GIỮA ĐỜI THƯỜNG:
Tại Thủ đô Ma-ni-la nước Phi-líp-pin, có trường Đại học Công giáo A-ta-di-ô do các cha dòng Tên sáng lập, tọa lạc trên một ngọn đồi. Đây là một trường cung cấp rất nhiều nhân tài cho đất nước Phi. Dưới chân trường Đại học này là một khu lao động nghèo, trong đó có một Cộng đoàn tu sĩ Tiểu đệ. Đa số các tu sĩ ở đây đã từng ở Việt nam.
Một hôm, một vị linh mục dòng Tên người Mỹ, là Giáo sư Đại học A-ta-di-ô tình cờ đi lạc vào khu lao động ấy và giữa đường gặp được một tu sĩ Tiểu đệ người Bỉ. Sau khi làm quen, vị linh mục người Mỹ đã hỏi tu sĩ người Bỉ: “Thầy làm gì ở khu lao động này ?” Tu sĩ người Bỉ kia trả lời: “Hằng ngày tôi đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo, đi làm thuê làm mướn cho những ai cần”. Nghe thế, vị linh mục người Mỹ rất lấy làm tiếc về sự hy sinh lãng phí của tu sĩ trí thức người Bỉ kia. Ông cũng cho biết công việc của ông ở đây là: Dạy học cho các sinh viên, đi thuyết trình đó đây nhằm rao giảng Tin mừng qua việc đào tạo thêm những nhà trí thức phục vụ Giáo hội Phi.
2) HÃY CHIẾN THẮNG SỰ DỮ BẰNG SỰ TIN YÊU:
Vào một buổi tối nọ, một diễn giả nổi tiếng là John Keller được mời thuyết trình trước khoảng một trăm ngàn người tại vận động trường Los Angeles. Đang diễn thuyết, bỗng ông dừng lại và nói: “Xin các bạn đừng sợ. Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”.
Đèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối. Ông John Keller lại nói tiếp: “Bây giờ tôi sẽ đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm của tôi đốt thì hãy kêu lớn tiếng: “Thấy rồi !” Một que diêm vừa được bật lên, thì cả vận động trường đều vang lên “Thấy rồi!”
Sau đó đèn trong vận động trường được bật sáng trở lại và ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù nhỏ như một que diêm cũng có thể chiếu sáng trong bóng đêm tăm tối của nhân loại y như thế”.
Rồi một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại vụt tắt và một giọng nói vang lên ra lệnh: “Tất cả những ai có mang theo hộp quẹt, xin hãy đốt cháy lên!” Bỗng chốc, cả vận động trường đều rực cháy sáng.
Rồi ông John Keller kết luận: “Nếu tất cả mọi người chúng ta đều hợp lực cùng nhau, chúng ta sẽ có thể chiến thắng bóng tối, chiến thắng sự dữ và sự oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta”.
3. THẢO LUẬN: 1)Thế giới đã ca ngợi điều gì trong cuộc sống và hoạt động của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta ? 2)Ngày nay, muốn loan báo Tin Mừng hữu hiệu cho đồng bào Việt nam, chúng ta cần phải làm gì ?
4. SUY NIỆM:
1) Có nhiều cách thức truyền giáo: Cuộc đối thoại giữa vị linh mục dòng Tên người Mỹ và vị tu sĩ dòng Tiểu đệ người Bỉ trong câu chuyện trên cho chúng ta thấy có nhiều cách truyền giáo trong Hội thánh: Vị linh mục dòng Tên đại diện cho đông đảo các nhà truyền giáo trên khắp thế giới, ngày đêm rao giảng Tin mừng bằng khả năng tri thức và các phương tiện sẵn có. Nhưng bên cạnh đó, còn có các tu sĩ âm thầm sống giữa những người nghèo, chia sẻ sự lao động chân tay cực nhọc với những người nghèo khác… mà tu sĩ Tiểu đệ người Bỉ trong câu chuyện trên là một bằng chứng. Đây là những chứng nhân truyền giáo trong âm thầm, lấy cuộc sống chia sẻ để làm chứng cho Chúa. Cả hai đường lối truyền giáo ấy đều có giá trị và thực sự đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho Hội thánh.
2) Điều kiện của các thừa sai: Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giê-su đã căn dặn họ phải sống hiền lành như con chiên và phải có lối sống đơn giản: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”. Như vậy, một cuộc sống siêu thoát, không lệ thuộc vào của cải đời này, không phí thời giờ vào những chuyện không đâu, trông cậy vào Chúa quan phòng, khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ về nhà ở, cơm ăn… Tôn trọng tự do của tha nhân, chấp nhận có thể bị từ chối xua đuổi… đó chính là những điều mà những ai muốn làm chứng cho Nước Trời cần lưu tâm thực hiện.
3) Sống đạo và truyền đạo: Hiện nay dân số Á châu chiếm gần hai phần ba thế giới. Nhưng số người nhận biết Chúa chưa được 3 phần trăm. Á châu chính là cánh đồng lúa chín đang cần thợ gặt. Là thành phần của Hội thánh, mỗi tín hữu chúng ta cũng phải thi hành sứ vụ tông đồ. Chúng ta phải sống thế nào để những người khác phải bỡ ngỡ giống như người Do thái khi nhìn vào Cộng đoàn Hội thánh sơ khai đã thốt lên: “Xem kìa, họ thương nhau là dường nào !”. Ki-tô giáo không phải là một lý thuyết nhưng là chính sức sống của Đức Giê-su. Sống đạo là sống sức sống của Chúa và truyền đạo là truyền sức sống ấy sang cho người mình tiếp xúc.
4) Gây thiện cảm để giới thiệu Chúa cho lương dân: Gần đây hội nghị các Giám mục Á châu đã liệt kê một số điều mà các tín hữu cần học hỏi nơi các dân tộc châu Á như sau: Học tập cách cầu nguyện ăn chay và bố thí của người Hồi giáo. Học tập cách chiêm niệm nơi người Ấn giáo. Học tập sự từ bỏ của cải và tôn trọng sự sống nơi người Phật tử. Học cách xây dựng gia đình và xã hội có trật tự nơi Khổng giáo. Học sống đơn sơ khiêm tốn nơi Lão giáo… Càng học, ta càng nhận ra giáo lý Đức Giê-su tiềm ẩn trong giáo lý các tôn giáo đó và nhờ hiểu biết họ, ta sẽ gây được thiện cảm với họ để dễ dàng giới thiệu Đức Giê-su cho họ hơn.
5. NGUYỆN CẦU
– LẠY CHÚA GIÊ-SU, Xưa Chúa đã sai các môn đệ đi truyền giáo trong tư thế siêu thoát, không cậy dựa vào thế lực của tiền bạc hay các phương tiện vật chất. Nay xin Chúa cũng cho chúng con biết chia sẻ Tin mừng với niềm vui của người mục tử khi tìm thấy con chiên lạc. Cho chúng con biết nói về Chúa với sự xác tín và kèm theo những dấu chỉ tình yêu. Xin ban cho chúng con góp phần đẩy lùi văn hóa sự chết, là sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con biết lau khô những giọt lệ của bao người đang đau khổ cả về thể xác cũng như tinh thần.
– LẠY CHÚA, thế giới thật bao la và vòng tay của chúng con lại quá bé nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm chặt tay nhau. Xin cho chúng con biết hợp tác với những người thiện chí dù họ không cùng niềm tin với chúng con, để mọi người cùng nhau loại trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng một xã hội mới công bình và nhân ái theo thánh ý Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A..- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH- HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 15 TN C
Đnl 30,10-14 ; Cl 1,15-20 ; Lc 10,25-37
THỰC HÀNH YÊU THƯƠNG CÁCH CỤ THỂ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 10,25-37
(25) Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? (26) Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” (27) Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình” (28) Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. (29) Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (30) Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. (31) Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. (32) Rồi cũng thế, một thầy lê-vi đi tới chỗ ấy cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. (33) Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương. (34) Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy, và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. (35) Hôm sau ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”.(36) Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (37) Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin mừng hôm nay gồm hai phần: Phần một là người thông luật hỏi Đức Giê-su về điều kiện để được sống đời đời. Ông cũng kể ra được hai điều căn bản của Luật dạy là “mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như yêu mình”. Đức Giê-su đã khen ông đã hiểu đúng và dạy ông hãy làm như Luật dạy thì sẽ được sống đời đời. Phần hai là nhà thông luật hỏi Đức Giê-su về người thân cận mà ông phải yêu thương kia là ai ? Đức Giê-su đã kể ra dụ ngôn về người Samari nhân hậu để dạy ông hãy noi theo bằng cách vượt qua những điều tùy phụ của Luật Mô-sê để thực hiện điều quan trọng là quên mình phục vụ người gặp nạn cần được trợ giúp.
3. CHÚ THÍCH:
– C 25-28: + Người thông luật: Từ này ám chỉ các Kinh sư Do thái, là những nhà thông thái hiểu biết về Luật Mô-sê và có nhiệm vụ giải thích Lề luật cho dân chúng tại các hội đường Do thái. + Đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người: Các người thông luật thường tự cao, nghĩ mình là giỏi và không cần phải hỏi ai cả. Ở đây họ hỏi Đức Giê-su chỉ nhằm thử thách và gài bẫy để có dịp bắt bẻ Người mà thôi.+ Làm gì để được sống đời đời?: Người thông luật thuộc phái Pha-ri-sêu, là phái tin có đời sau và có sự kẻ chết sống lại, nên ông đã đặt ra câu hỏi này, trái với các người phái Sa-đu-xê-ô không tin kẻ chết sống lại (x. Cv 23,6-8).+ Trong Luật đã viết gì?: Người Do thái gọi 5 cuốn sách đầu trong bộ Thánh kinh Cựu ước là các sách Luật Mô-sê vì do chính Mô-sê và các đồ đệ của ông đã viết ra. 5 cuốn sách đó là: Sáng thế ký, Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Đệ nhị luật. + Ông đọc thế nào?: Đức Giê-su trả lời bằng một câu hỏi, buộc người đối thoại phải tỏ rõ lập trường của mình ra trước. + Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa…: Người thông luật đã đọc kinh Shê-ma là lời cầu nguyện hằng ngày của dân Do thái. Kinh này gồm hai câu rút ra từ 2 sách Luật là Đệ nhị luật (Đnl 6,5) và Lê-vi (Lv 19,18). Điều đó cho thấy Cựu ước đã chuẩn bị trước cho Tân ước. + Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm…”: Để được sống đời đời thì phải sống yêu thương. Lòng mến Thiên Chúa và yêu người thân cận luôn phải đi đôi với nhau.
– C 29-30: + Ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý: Người thông luật muốn chứng tỏ mình thực tâm muốn tìm hiểu. Ông ta mở rộng vấn đề bằng một câu hỏi khác bên ngoài bộ Luật và độ khó nhiều hơn so với câu hỏi trước đã có sẵn đáp án trong Luật. + “Ai là người thân cận của tôi?”: Câu hỏi này mở đường cho Đức Giê-su bày tỏ quan điểm mang tính cách mạng của Người, khác với quan niệm cổ truyền hẹp hòi của các nhà thông luật của dân Do thái về đối tượng phải yêu mến. Đó là phải yêu cả kẻ thù của mình nữa! + Con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô: Con đường này dài gần 25 cây số, băng ngang hoang địa Giu-đa, thời đó có nhiều băng trộm cướp ẩn núp hoạt động.
– C 31-33: + Thầy tư tế đi xuống: Tư tế là người thuộc dòng dõi A-ha-ron có nhiệm vụ dâng chiên bò sát tế trong Đền thờ. Vị này đi xuống Giê-ri-khô vì thành này dành cho gia đình các tư tế ở. + Thầy Lê-vi¬: hay trợ tế, thuộc dòng dõi Ghéc-sôn, là một trong ba ngành lớn của dòng họ Lê-vi (x. St 46,11). Các thầy trợ tế Lê-vi có nhiệm vụ đàn hát trong các buổi thờ phượng tại Đền thờ. + Một người Samari kia: Samari là một miền đất nằm ở giữa hai miền Bắc (Ga-li-lê) và miền Nam (Giuđê) của nươc Do thái. Dân miền này bị người Do thái coi là một giống dân lai căng và khinh thường họ. Vì trong cuộc lưu đày vào năm 721, một số người Do thái ở miền này đã không bị đi lưu đày. Họ ở lại và dựng vợ gả chồng lẫn lộn với dân Ni-ni-vê từ Ba-tư kéo xuống. Dân Samari này thờ Đức Chúa tại núi Ga-ri-dim, và không hành hương lên Đền thờ Giê-ru-sa-lem như người Do thái. Họ cũng có thái độ thiếu thân thiện như không cho những người Do thái đi hành hương Giê-ru-sa-lem vào ở trọ trong làng của họ (x. Ga 4,20 ; Lc 9,53).
– C 34-35: + Lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương: Người Samari này đã làm động tác sơ cấp cứu theo y học sơ đẳng thời bấy giơ, là dùng dầu để làm giảm đau và dùng rượu để rửa sạch vết thương. + Hai quan tiền: Tương đương với lương hai ngày công lao động thời đó (x Mt 20,9).
– C 36-37: + “Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”: Như vậy, chúng ta sẽ trở thành thân cận của người gặp nạn kia nếu chúng ta yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ họ. + Hãy làm như vậy: Đức Giê-su chấp nhận lối xử thế của người Samari. Người đề nghị ông thông luật hãy đi và làm giống như người Samari. Tình thương Ki-tô giáo không biên giới, không cần biết người cần giúp đỡ có cùng chủng tộc, tôn giáo với mình hay không.
4. CÂU HỎI: 1) Lòng tin về mầu nhiệm kẻ chết sống lại của hai phái tôn giáo thời Đức Giê-su là Pha-ri-sêu và Sá-đu-xê-ô khác nhau thế nào? 2) Sách Luật Mô-sê gồm có mấy cuốn và là những sách mào? 3) Hằng ngày người Do thái ngoan đạo phải cầu nguyện bằng việc đọc kinh Shê-ma, kinh này được rút ra từ sách nào? Lời kinh ấy nhắc đến hai bổn phận phải làm là những bổn phận gì? 4) Đức Giê-su dạy người Pha-ri-sêu hãy làm theo gương của ai trong ba người trong bài dụ ngôn người Samari nhân hậu? Tại sao?
II. SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: “Ông hãy đi, và cũng làm như vậy”.
2. CÂU CHUYỆN:
1) TRÁNH THÁI ĐỘ THỜ Ơ TRƯỚC NỖI ĐAU CỦA THA NHÂN :
Cách đây ít lâu trang mạng Telegraph và các trang mạng khác ở Trung Quốc và trên thế giới đều đồng lọat phát đi một đọan video clip và bình luận về tai nan tại thành phố Phật Sơn tỉnh Quảng Đông mà nan nhân là một bé gái 2 tuổi tên Duyệt Duyệt (Yue Yue) đang đi ngòai đường tại khu chợ ổ gần nhà và đã bị một chiếc xe tải nhỏ đụng phải. Đoạn video clip từ một máy quay bảo vệ an ninh tại hiện trường cho thấy viên tài xế xe tải sau khi đụng bé Duyệt Duyệt ngã ra đường, đã chỉ dừng lai một chút rồi lại tiếp tục chạy khiến bánh sau chiếc xe cán qua người bé lần thứ 2. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở hành động phi nhân tính của gã tài xế. Chính thái độ thờ ơ của những người qua đường sau đó mới khiến người Trung Quốc băn khoăn tự hỏi không biết tương lai đất nước của họ sẽ đi về đâu ?
Thực vậy: trong suốt 7 phút từ lúc bé Duyệt Duyệt gặp nạn, lần lượt đã có tới 18 người đi ngang qua nơi cô bé bị nạn nằm trên đường, nhưng chẳng một ai quan tâm giúp đỡ. Người đầu tiên là một thanh niên mặc áo phông trắng và quần thể thao đi qua bé gái nằm sõng soài trên đường, máu túa ra trên mặt, nhưng anh ta đã ngó lơ. Tiếp theo là một người đi xe đạp thấy em đã vòng qua để đi. Anh ta đã ngóai lại xem có phải một người bị nạn đang nằm ở đó hay không, rồi lại thản nhiên đạp xe đi tiếp. Khi máu tuôn ra nhiều hơn, một người đi xe đạp nữa xuất hiện. Người này không chút quan tâm tới số phận của đứa trẻ. Ba con người vô cảm vừa nói đã không giúp đỡ bé Duyệt Duyệt đáng thương, dù chỉ làm một việc đơn giản là kéo cô bé vào bên vệ đường. Sự thờ ơ của họ đã dẫn tới sự kiện một tài xế xe tải khác đi tới, do đang nói chuyện diện thọai không nhìn thấy bé Duyệt Duyệt trên đường nên đã cán xe lên người em. Sau lần bị xe đè này, bé Duyệt Duyệt đã không còn cử động nữa. Liên tiếp sau đó, rất nhiều người đi xe đạp và cả một số người đi xe chở hàng qua khu vực nạn nhân nằm vẫn không hề quan tâm tới bé Duyệt Duyệt. Cũng có một người phụ nữ dắt theo đứa con đi qua, thấy bé Duyệt Duyệt bị nạn lại rảo chân bước nhanh hơn ngang qua em…
Chỉ tới khi một nữ lao công quét đường 58 tuổi đi tới, thì bé Duyệt Duyệt mới được cứu giúp. Bà này vội hạ túi đồ xuống và lôi đứa trẻ sang một bên đường để tránh cho bé khỏi bị xe cán tiếp. Rồi bà tri hô lên yêu cầu được trợ giúp. Bấy giờ mẹ đứa trẻ nghe thấy hớt hải từ trong nhà chạy ra và vội mang con đi cấp cứu tại một bệnh viện gần đó. Tuy nhiên, sự can thiệp đã trở nên quá muộn. Các bác sĩ nói rằng bé Duyệt Duyệt do bị chảy máu nhiều nên bị suy hô hấp và còn bị chấn thương sọ não nghiêm trọng không được cấp thời cứu chữa nên khó có cơ hội hồi phục lại được và cuối cùng đã chết trong nỗi tiếc thương của cha mẹ và người thân của em.
2) CHỈ ĐƯỢC HẠNH PHÚC KHI BIẾT QUẢNG ĐẠI CHO ĐI :
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: ở một thành phố nọ, có một Ông Hoàng sống một cuộc đời rất hạnh phúc. Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông, đặt trên một cái bệ cao giữa thành phố và đặt tên là Ông Hoàng Hạnh Phúc, như là biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi người dân trong thành.
Một buổi chiều đầu mùa đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của Ông Hoàng. Ông đang khóc. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi má của ông. Chim én ngạc nhiên hỏi rằng:
– Tại sao ông khóc? Ông là Ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà!
– Ông hoàng trả lời: Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có thể giúp ta không?
– Không được, tôi phải bay đi cho kịp đàn đang bay về phương bắc.
– Hãy làm ơn giúp ta đêm nay đi.
– Chim én ngập ngừng giây lát rồi nói: Thôi được. Bây giờ ông muốn tôi làm gì?
– Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì con bà bị bệnh mà bà không có tiền gọi bác sĩ. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.
– Chim én dùng mỏ lấy viên ngọc ra và bay đến cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo cho con bà khỏi bệnh.
– Hôm sau Ông Hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo khác. Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác nữa. Cứ thế hết ngày này đến ngày khác, con chim én lấy các thứ trang sức của Ông Hoàng đem cho người nghèo. Cuối cùng trên mình Ông Hoàng không còn gì quý giá nữa. Khi đó đã là giữa mùa đông, trời đã lạnh rất nhiều.
– Một buổi sáng, người ta thấy xác con chim én đã chết cóng dưới chân pho tượng Ông Hoàng trần trụi. Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của Ông Hoàng Hạnh Phúc và con chim én nhỏ bé kia.
3. THẢO LUẬN: 1) Bài Tin mừng mời chúng ta hãy xét mình: “Tôi thường cư xử thế nào đối với những kẻ đang gặp hòan cảnh khó khăn? 2) Tôi cần làm gì khi gặp một người bị tai nạn trên đường hay đang lâm vào hòan cảnh bất hạnh trong cuộc sống để vừa thi hành được đức bác ái, lại vừa khôn ngoan tránh bị người khác hiểu lầm đã gây ra tai nạn?
4. SUY NIỆM:
1) “Phải làm gì để được sự sống đời đời ?”:
Người thông luật đã hỏi Đức Giê-su va sau đó đã tự tìm ra đáp án trong Luật: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình”. Đức Giê-su đã khen câu trả lời của người thông luật và bảo ông ta rằng: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”.
2) “Ai là người thân cận của tôi?” :
Người thông luật lại hỏi Đức Giê-su: “Ai là người thân cận của tôi?” Thay vì trả lời, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn về người Samari tốt lành: Một khách bộ hành đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, bị bọn cướp đánh nhừ tử, trấn lột, rồi bỏ nằm nửa sống nửa chết bên lề đường. Đang khi hai thầy tư tế và Lê-vi “tránh qua bên kia mà đi”, thì người Samari ngoại đạo lại dừng chân, băng bó vết thương, đem nạn nhân về nhà trọ săn sóc và sẵn sàng trả thêm tốn phí săn sóc nạn nhân cho chủ quán. Qua đó cho chúng ta câu trả lời: người thân cận của chúng ta là hết những ai đang cần đến sự trợ giúp của chúng ta, là người gặp nạn được chúng ta dừng lại, cúi xuống và phục vụ tận tình. Cần nhắc lại: Không phải vì đó là người thân nên chúng ta mới phục vụ, nhưng là bất cứ ai mà khi phục vụ họ là chúng ta đã trở thành người thân cận của họ.
Người thân cận không phải đâu xa mà có thể là người cùng sống chung nhà, cùng nhóm sinh họat, cùng khu xóm. Có thể là bà hàng xóm, là cô bạn đang ở chung phòng, là người thân bên cạnh mà chúng ta đang phải chịu đựng thói hư. Tóm lại là tất cả những ai đã và đang gây ra đau khổ cho chúng ta… Tất cả đều có thể được chúng ta yêu thương và trở nên người thân cận của chúng ta. Chỉ cần chúng ta dừng lại, cúi xuống phục vụ là một người xa lạ hay đáng ghét lập tức trở thành thân quen, một kẻ thù liền hóa thành bạn hữu của chúng ta.
3) “Kẻ đã thực thi lòng thương xót”:
Thánh Au-gút-ti-nô đã dạy: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Quả thực, khi đã yêu rồi chúng ta sẽ biết mình phải làm gì cho tha nhân trong bất cứ tình huống nào. Chúng ta sẽ có sáng kiến để hiến thân phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ bất hạnh đáng sống ngay bên. Khi đã yêu rồi, chúng ta sẽ biết cách làm cho một kẻ xa lạ trở thành người thân, thù địch trở nên bạn hữu… Vi chỉ cần làm theo người Samari là thực thi lòng thương xót: Đó là hãy dừng lại và cúi xuống phục vụ những người lâm cảnh khó khăn bất hạnh đang cần sự tích cực trợ giúp của mình.
4) “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”:
Qua dụ ngôn này Đức Giê-su muốn dạy nhà thông luật và các tín hữu chúng ta hôm nay bài học: hãy yêu thương bằng hành động cụ thể. Sở dĩ hai thầy tư tế và Lê-vi “tránh qua bên kia mà đi” là vì các thầy sợ bị ô uế theo Luật khi đụng vào xác chết, sợ bọn cướp có thể quay lại, sợ bị phiền hà… Nhiều người trong chúng ta cũng không dám ra tay giúp đỡ tha nhân khi họ đang cần là do chúng ta cũng sợ có thể bị phiền hà, sợ tốn nhiều công sức, thời giờ, tiền bạc… Đang khi người Samari trong bài dụ ngôn đã sẵn sàng vượt qua những nỗi sợ hãi ấy.
Tình yêu là một phép mầu, chỉ cần bước tới, xích lại và cúi xuống phục vụ là người xa lạ lập tức trở thành thân quen, kẻ thù hóa nên bạn hữu… Tình yêu thực sự cũng đòi hành động cụ thể: sẵn sàng bị lấm lem chân tay, quần áo, sẵn sàng đối mặt với những rắc rối có thể xảy ra… Thế giới hôm nay vẫn có quá nhiều những người bất hạnh đang nửa sống nửa chết, những người nghèo đói bệnh tật và bị người thân bỏ rơi. Thế giới vẫn đang cần những người Samari là các tín hữu chúng ta dám dừng lại, cúi xuống và tận tình phục vụ. Đã có khi nào bạn thực hành tình yêu tha nhân cụ thể giống như người Samari trong Tin Mừng hôm nay chưa ?
5. LỜI CẦU:
– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho mắt chúng con nhìn thấy được nỗi đau khổ trong ánh mắt kẻ khác, đặc biệt là của những người thân trong gia đình chúng con. Xin cho tai chúng con biết lắng nghe tiếng khóc của kẻ khác, nhất là của những kẻ cùng chung huyết nhục với chúng con. Xin cho chúng con biết lưu tâm thương xót những ai đang lâm cảnh khốn khó, đặc biệt những người thân yêu của chúng con.
– LẠY CHÚA. Xin cho chúng con đủ khiêm tốn để đừng bao giờ gặp người đau khổ mà phớt lờ bỏ đi vì ngại phải vất vả cực nhọc, vì sợ bị nghi ngờ và nói xấu, hay sợ bị những kẻ gian lừa dối… Xin cho chúng con biết đề nghị để được giúp đỡ họ: “Này anh, tôi có thể giúp gì được cho anh hay không?”
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN C
St 18,1-10a ; Cl 1,24-28 ; Lc 10,38-42
CHỈ MỘT CHUYỆN CẦN MÀ THÔI
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 10,38-42
(38) Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. (39) Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. (40) Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !” (41) Chúa đáp: “Mácta ! Mácta ơi ! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều việc quá ! (42) Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.
2. Ý CHÍNH: Câu chuyện trong Tin mừng hôm nay có 3 nhân vật chính: Đức Giê-su và hai chị em Mácta Ma-ri-a. Hai chị em này phục vụ Đức Giê-su mỗi người một cách: Mácta thì bận rộn lo việc cơm nước, đang khi Ma-ri-a lại ngồi bên chân Thầy và nghe Lời Người. Mácta khó chịu với cô em và xin Thầy can thiệp bảo Ma-ri-a giúp đỡ mình. Nhưng Người lại cho biết việc nghe Lời Chúa mà Ma-ri-a đang làm mới là điều quan trọng và cần thiết hơn cả.
3. CHÚ THÍCH:
– C 38-39: + Trong khi Thầy trò đi đường vào làng kia: Đức Giê-su vào làng Bê-ta-ni-a, cách Thủ đô Giê-ru-sa-lem 3 cây số. + Có một người phụ nữ tên là Mácta: Đây là chị cả trong một gia đình có ba chị em. Mácta chưa lập gia đình, vì nếu đã có chồng thì người chồng đã đứng ra tiếp đón Đức Giê-su. Là chị cả nên Mácta phải đảm đương mọi việc. Bà lo dọn bữa ăn phục vụ Đức Giê-su và các môn đệ. + Đón Người vào nhà: Người Do thái vốn hiếu khách. Đức Giê-su không những là khách mà còn là bạn thân của gia đình (x. Ga 11,5). Thái độ tiếp đón này trái với thái độ dân làng Samari trước đó đã từ chối không đón tiếp Người (x. Lc 9,53). Trong thời điểm những ngày cuối đời, việc đón tiếp Đức Giê-su của Mácta còn là hành động can đảm. Vì khi ấy Người đang bị các đầu mục Do thái theo dõi, và ai đón tiếp Người sẽ bị coi là đồng đảng và có thể bị khai trừ ra khỏi hội đường nữa (x. Ga 9,22 ; 12,10.42). + Người em gái tên là Ma-ri-a: Đây là Ma-ri-a làng Bê-ta-ni-a, khác với Ma-ri-a làng Mácđala (x. Lc 8,2), cũng không phải là Ma-ri-a thân mẫu Giacôbê và Giôsép (x. Mt 27,56), không phải Ma-ri-a mẹ của Gio-an (x. Cv 12,12). Cô Ma-ri-a là em của Mácta, là chị của La-da-rô. Chính cô đã hy sinh bình dầu đắt tiền để xức chân Đức Giê-su (x Ga 12,3). Cần phân biệt cô Ma-ri-a này với người phụ nữ tội lỗi cũng xức dầu thơm trên chân Đức Giê-su (x Lc 7,38). Cả 3 chị em nhà này đều được Đức Giê-su yêu mến (x. Ga 11,5). + Ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dạy: Trong Lu-ca, ngồi dưới chân là thái độ của người môn đệ (x. Lc 8,35 ; Cv 22,3)
– C 40-42: + Em con để mình con phục vụ…: Mácta luôn tỏ ra quí mến Đức Giê-su và quan tâm phục vụ Người (x. Ga 12,2). Cô không hài lòng khi thấy cô em Ma-ri-a nhàn nhã ngồi bên và lắng nghe lời Thầy đang khi cô phải vất vả lo dọn bữa ăn cho Người. Do đó cô đã yêu cầu Đức Giê-su cho Ma-ri-a xuống bếp giúp cô một tay. + Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi: Chuyện cần thiết duy nhất này là gì ? Đó là điều cô em Ma-ri-a đang làm: “Ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”. Đức Giê-su không đánh giá thấp việc nội trợ bếp núc của Mácta. Nhưng việc tìm biết thánh ý Thiên Chúa lại là điều duy nhất cần thiết. Hơn nữa, Lời Chúa là của ăn tinh thần nên có giá trị cao hơn của ăn vật chất như Người đã nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4) và “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34).
4. CÂU HỎI: 1) Tin mừng đã kể ra mấy phụ nữ tên Ma-ri-a và các bà này liên quan thế nào với Đức Giê-su ? 2) Có mấy người phụ nữ đã xức dầu thơm cho chân Đức Giê-su ? 3) Đức Giê-su đã cho biết quan điểm thế nào giữa hai việc làm phục vụ Người: Một là việc phục vụ bàn ăn của Mácta và hai là việc ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người của Ma-ri-a?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Cô Ma-ri-a cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ” (Lc 10,39-40).
2. CÂU CHUYỆN:
1) GƯƠNG CẦU NGUYỆN CỦA MỘT NHÀ BÁC HỌC.
PHÊ-ĐÊ-RIC Ô-DA-NAM (Federic Ozanam), một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19, khi đang là sinh viên đại học đã trải qua một cơn khủng hoảng về đức tin. Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh vào một ngôi thánh đường ở Pari. Từ cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện ở hàng ghế đầu gần gian cung thánh. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra đó không ai khác hơn là nhà bác học ĂMPE (Ampère), giáo sư của anh, một nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ. Anh đứng lặng lẽ một hồi để quan sát nhà bác học khi ấy đang cầu nguyện rất sốt sắng. Sau đó, anh theo gót thầy trở về phòng làm việc của ông. Thấy chàng sinh viên đứng thập thò ngòai cửa, nhà bác học liền mở lời hỏi: “Này anh bạn trẻ, anh cần gì đó ? Tôi có thể giúp gì được cho anh đây ?” Chàng thanh niên nhỏ nhẹ thưa: “Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm. Hôm nay con xin hỏi thầy một vấn đề về đức tin !” Nhà bác học mỉm cười khiêm tốn đáp: “Anh lầm rồi. Đức tin là môn yếu nhất của tôi đấy. Nhưng nếu giúp được anh điều gì thì tôi cũng sẵn sàng”. Chàng sinh viên liền hỏi: “Thưa giáo sư, người ta có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu đạo đức siêng năng cầu nguyện hay không?” Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của anh học trò. Sau một lát im lặng, ông trả lời bằng một giọng run run đầy cảm xúc: “Con ơi ! Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi !”.
2) GƯƠNG CẦU NGUYỆN CỦA MỘT VỊ TỔNG THỐNG :
Trong tác phẩm SỐNG HẠNH PHÚC của Tổng Gíam Mục Fulton J. Sheen có một nhân chứng đương thời với Tổng thống Hoa Kỳ Ápbraham Lanhcôn, kể lại rằng ông ta đã có thời gian ba tuần lễ sống chung với A. Lincoln ngay sau khi trận đánh Bull Rull kết thúc :
“Đêm ấy tôi không ngủ được. Tôi bèn thử dợt lại những gì sẽ phải nói trước công chúng sáng hôm sau. Đã quá nửa đêm, đúng ra là gần hừng đông. Và tôi nghe có tiếng thầm thì trong phòng Tổng Thống ngủ. Cửa phòng hé mở. Theo bản năng. Tôi bước lại gần và thấy một cảnh không thể nào quên được. Tôi thấy Tổng Thống quì bên một cuốn Kinh Thánh đang mở. Ánh sáng trong phòng chỉ vừa đủ. Ngài quay lưng về phía tôi. Tôi đứng lặng một lúc, quá đỗi bàng hoàng và kinh ngạc. Rồi tôi nghe Tổng Thống cầu nguyện :
“Lạy Chúa, Chúa đã nghe lời cầu khấn của Salômon trong đêm khuya, để xin cho được ơn khôn ngoan. Xin Chúa nhậm lời con đây, con không thể dẫn dắt dân tộc này nếu Chúa không ra tay giúp đỡ con. Con là kẻ nghèo hèn và tội lỗi. Lạy Chúa, Chúa đã nhậm lời cầu xin của Salômon, xin hãy nghe lời con nài van mà cứu lấy đất nước này!”
3) TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ CẦU NGUYỆN KHI GẶP GIAN NGUY :
Trong cuộc khảo thí tại trường sĩ quan trẻ, vị Thiếu tá giám khảo hỏi một chuẩn uý :
– Trong một cuộc hành quân, đơn vị do anh chỉ huy rơi vào tình huống này: Phía trước và hai bên đơn vị của anh bị quân đich vây chặt, chúng chặn cả lối rút lui của anh, có nghĩa là đơn vị anh bị bao vây gọn, lúc đó anh sẽ xử trí như thế nào?
Mọi con mắt của Ban Giám Khảo đổ dồn về phía anh sĩ quan trẻ, anh suy nghĩ một lát rồi đứng nghiêm trả lời :
– Thưa Thiếu tá và Ban Giám Khảo, tôi sẽ hạ lệnh: CẦU NGUYỆN.
Tất cả Ban Giám Khảo nhìn nhau bỡ ngỡ, không ai nghĩ tới câu trả lời như thế. Viên Thiếu tá vỗ vai anh sĩ quan trẻ và nói:
– Anh hãy nhớ xử lý đúng như lời anh vừa nói nhé !
3. THẢO LUẬN: 1) Qua Lời Chúa dạy hôm nay, bạn thấy cầu nguyện có cần thiết không ? Mỗi ngày bạn thường cầu nguyện vào những lúc nào ? Bạn thường cầu nguyện như thế nào ? 2) Có khi nào bạn cầu nguyện bằng cách đọc một đoạn Tin mừng, sau đó suy nghĩ và cầu nguyện dựa theo ý tưởng mà Lời Chúa gợi ra hay không ? 3) Bạn có thể dùng cách nào để biến các việc làm hằng ngày trở thành lời cầu nguyện liên lỉ dâng lên Thiên Chúa không ?
4. SUY NIỆM:
1) CHỈ CÓ MỘT CHUYỆN CẦN THIẾT MÀ THÔI :
Trong cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn, Đức Giê-su đã ghé làng Bê-ta-ni-a và vào trọ trong nhà người bạn thân là anh Lagiarô (x Lc 13,22). Chính trong ngôi nhà này Đức Giê-su đã cho thấy tầm quan trọng của sự cầu nguyện là ngồi bên chân Chúa và tâm sự với Người.
– “Thầy không để ý tới sao ?”: Mácta đã tỏ thái độ không hài lòng trước sự thờ ơ của Đức Giê-su và của cô em Ma-ri-a khi cô này để mặc cô phải phục vụ bữa ăn một mình. Cô nhờ Đức Giê-su nhắc cho Ma-ri-a hãy giúp đỡ cô. Trong câu trả lời, Đức Giê-su cho biết đâu là thái độ Người muốn (c 41). Đức Giê-su không bác bỏ việc vất vả làm bữa phục vụ Người của Mácta, nhưng Người muốn cô nhận ra đâu mới là việc tốt nhất và cần thiết nhất để có Nước Thiên Chúa làm phần sản nghiệp của mình. Khi nhận xét về thái độ của Mácta, Đức Giê-su dùng từ “nhiều chuyện”, nghĩa là quá lo lắng về việc phục vụ bữa ăn cho Người.
– “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” : Đức Giê-su không chê trách thái độ phục vụ của cô chị Mácta, vì đó là dấu cho thấy lòng mến mà cô đã dành cho Người. Tuy nhiên, qua thái độ của cô em Ma-ri-a, Đức Giê-su nhìn thấy một tâm tình cao đẹp hơn. Đó là lắng nghe lời Người, đặt Người làm trung tâm cuộc đời của mình. Ở đây, Đức Giê-su muốn dùng Ma-ri-a làm mẫu gương cho các tín hữu chúng ta hôm nay. Tuy đang sống giữa trần gian, phải tất bật lo tìm kiếm cái ăn cái mặc giống như cô Mácta, nhưng chúng ta cũng phải biết dành thời giờ để cầu nguyện, bằng việc lắng nghe lời Chúa và tâm sự với Người như cô Ma-ri-a đã làm.
2) ĐỨC GIÊ-SU NÊU GƯƠNG CẦU NGUYỆN :
Sách Tin Mừng đã ghi nhận gương cầu nguyện của Đức Giê-su như sau :
– Sau khi chịu phép rửa tại sông Giođan, Đức Giê-su đã khởi đầu cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng kéo dài 3 năm bằng cách lên núi ăn chay và cầu nguyện suốt 40 ngày đêm (x. Mt 4,2b), để cầu xin Chúa Cha chúc lành cho công việc Người sắp thực hiện.
– Người cũng dạy môn đệ tránh phô trương, nhưng cầu nguyện nơi kín đáo (x. Mt 5,4-6).
– Lời cầu nguyện của các tín hữu phải vắn gọn như kinh Lạy Cha (x. Mt 4,7-14).
– Đức Giê-su đã nêu gương cầu nguyện với Chúa Cha trước khi làm phép lạ nhân bánh ra nhiều như Tin Mừng Mát-thêu viết: “Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông” (Mt 14,19).
– Đức Giê-su khuyên các môn đệ hiệp thông cầu nguyện : “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp nhau lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20).
– Trước cuộc tử nạn, Đức Giê-su cũng cầu nguyện với Chúa Cha (x. Mt 26,36-46).
– Tin Mừng Gio-an đã ghi lại lời cầu nguyện của Đức Giê-su dài 26 câu trong đoạn 17.
– Trên thánh giá trước khi tắt thở, Đức Giê-su đã dâng lên Chúa Cha lời nguyện cuối cùng: “Thế là đã hoàn tất ! Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30)…
3) VỀ SỰ CẦU NGUYỆN TRONG CUỘC SỐNG NGƯỜI TÍN HỮU:
– Các gương sáng về sự cầu nguyện : Đầu tiên là nhà bác học AMPE, tên đầy đủ là André Marie Ampère (1775–1836), một nhà vật lý lừng danh người Pháp, đã để lại nhiều thành quả nghiên cứu khoa học như về điện học, nam châm điện… mang lại ích lợi cho nền văn minh nhân loại. Thế nhưng, Ampe không coi những thành quả đó là lớn lao khi nói với chàng sinh viên rằng : “Chúng ta chỉ vĩ đại khi cầu nguyện mà thôi”. Tiếp đến là Mẹ Tê-rê-sa thành Canquýtta nước Ấn độ, một vị nữ tu thánh thiện sống giữa đời thường. Mỗi ngày trước khi bước xuống “địa ngục Canquýtta” để chăm sóc những người cùng khổ, hoặc đến “nhà hấp hối” để an ủi những kẻ đau liệt, Mẹ Tê-rê-sa đều cùng các chị em nữ tu trong nhà đến quì chầu Thánh Thể tại nhà nguyện một giờ đồng hồ.
– Ích lợi của sự cầu nguyện : Ngày nay, trong một thế giới thực dụng, coi trọng hiệu quả bề ngoài, Hội thánh đang có nhiều Mácta nhưng lại có ít Ma-ri-a. Nhiều người đã coi việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện là xa xỉ, là mất thời giờ vô ích, là ù lì thụ động. Nhưng thực ra có hành động nào hiệu quả bằng nghe và thực hành Lời Chúa ? Hoạt động tông đồ là mang tình yêu Chúa đến với tha nhân. Vậy tại sao chúng ta lại không múc đầy tình yêu nơi Chúa Giê-su là suối nguồn yêu thương vô tận. Cho dù hoạt động truyền giáo, từ thiện bác ái, hay sinh hoạt hàng ngày, chúng ta cũng đừng quên “chọn phần tốt nhất” này. Hãy nhớ Lời Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
– Cần phải cầu nguyện : Đôi tay của cô Mác-ta lo bữa ăn cho Đức Giê-su là một việc quan trọng và không thể thiếu để phục vụ Chúa về phần thể xác. Nhưng đôi chân quì bên Chúa và đôi tai lắng nghe Lời Người của cô Ma-ri-a lại còn quan trọng và cần thiết hơn vì nó mang lại sự sống đời đời như lời Đức Giê-su nói hôm nay : “Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất” (Lc 10,42).
– Tập thói quen cầu nguyện mọi lúc mọi nơi : Hội thánh sẽ trở nên quân bình khi có các hoạt động phục vụ và cầu nguyện của cả hai cô Mác-ta và Ma-ri-a. Một tín hữu sẽ sống quân bình khi vừa chu tòan các việc bác ái tông đồ phục vụ Chúa và tha nhân, nhưng đồng thời luôn có lối sống cầu nguyện hiệp thông với Người. Đừng đợi tới khi rảnh việc mới đến tìm gặp Chúa, vì chính khi đang bận rộn làm việc lại là lúc chúng ta cần được Chúa nâng đỡ hơn cả.
TÓM LẠI: Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thống nhất đời sống: Trong một ngày, chúng ta thường chỉ dành một ít phút cho việc cầu nguyện dâng lễ, còn phần lớn thời gian còn lại, chúng ta dành cho các sinh hoạt khác. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể biến mọi sinh hoạt đời thường như: ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, làm việc… kia trở thành một lời cầu nguyện liên lỉ, bằng việc dâng ngày mỗi sáng khi vừa thức giấc, rồi dâng những lời nguyện tắt lên Chúa trước mỗi công việc… Qua đó, chúng ta sẽ biến những việc làm ấy trở thành lễ vật hy sinh, kết hiệp với lễ vật cao trọng là Mình Máu Chúa Giê-su đang được dâng trên các bàn thờ ở khắp nơi trên thế giới mỗi ngày, và sẽ có được sự sống đời đời như lời Chúa đã hứa.
5. NGUYỆN CẦU
– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Khi con bị bao vây bởi những tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng bên Chúa. Khi con vất vả với trăm công nghìn việc, xin cho con biết quý trọng những phút giây được an nghỉ bên lòng Chúa. Khi con bị kéo ghì bởi những đam mê dục vọng, xin cho con được ơn giải thoát và hướng lòng trí lên cao nhờ biết kêu cầu Danh Chúa.
– LẠY CHÚA. Ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần trong cuộc sống đời thường của con, để con có thể cầu nguyện không ngừng như lời thánh Phao-lô : “Vậy, dù ăn, dù uống, hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN C
St 18,20-32 ; Cl 2,12-14 ; Lc 11,1-13
KINH LẠY CHA – LỜI CẦU NGUYỆN PHONG PHÚ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Lc 11,1-13
(1) Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông”. (2) Người bảo các ông : “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói”. “Lạy Cha, xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển, Triều đại Cha mau đến. (3) Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy. (4) Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con. Và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. (5) Người còn nói với các ông : “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói : “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, (6) vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả. (7) Mà người kia từ trong nhà lại đáp : “Xin anh đừng quấy rầy tôi : Cửa đã đóng rồi. Các cháu lại ngủ cùng giường với tôi. Tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”. (8) Thầy nói cho anh biết : Dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể diện”. (9) Thế nên Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho. (10) Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. (11) Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó ? (12) Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bò cạp ? (13) Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời. Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người ?”
2. Ý CHÍNH :
Theo đề nghị của môn đệ, Đức Giê-su đã dạy các ông Kinh Lạy Cha và 3 lời khuyên về sự cầu nguyện như sau : Một là lời cầu nguyện phải vừa tâm tình lại vừa ngắn gọn phong phú. Hai là phải kiên trì cầu xin. Ba là phải vững tâm và phó thác cho Chúa quan phòng định liệu.
3. CHÚ THÍCH :
– C 1-2a : + Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia : Thánh Mat-thêu đặt Kinh Lạy Cha trong khung cảnh Bài giảng trên núi” (x. Mt 6,5-15). Còn ở đây thánh Lu-ca không nói về thời gian và nơi chốn của Kinh Lạy Cha, mà chỉ cho thấy có liên quan giữa gương cầu nguyện của Đức Giê-su với việc Người dạy môn đệ cầu nguyện.
– C 2b-4 : + Lạy Cha : Lời xưng hô mở đầu đơn giản hơn trong Tin mừng Mát-thêu. Khi gọi Thiên Chúa là Cha, Đức Giê-su muốn dạy môn đệ khẩn cầu với Thiên Chúa như với một người Cha rất gần gũi thân thương. + Xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển : Xin cho Danh Cha được nhìn nhận là thánh, vì Cha là Đấng Thánh. Đây là lời ước nguyện cho hết mọi người được nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa. + Triều đại Cha mau đến : Triều đại ám chỉ Hội thánh trần thế hữu hình. Ở đây xin cho Hội thánh được lan truyền khắp nơi, cho Vương quốc của Thiên Chúa được mọi người đón nhận.- Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy : Xin Chúa ban thực phẩm cần dùng hằng ngày. Của ăn nuôi thể xác là cơm ăn áo mặc và của nuôi linh hồn là Lời Chúa, Mình Thánh Chúa và Thánh Ý Chúa (x Ga 6,34). + Xin tha tội cho chúng con : Lu-ca đổi chữ “lỗi” trong Mát-thêu (x. Mt 6,12) thành chữ “tội”. Hai từ “tội, lỗi” tiếng Hy lạp còn có nghĩa là “nợ”. Tội là trở ngại lớn nhất cho Triều Đại của Thiên Chúa cũng như cho sự chia sẻ yêu thương, nên cần phải xin Cha tha tội. + Vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con : Tha thứ cho người mắc lỗi với mình là điều kiện để xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho mình (x Lc 23,34; Mt 6,14; Mc 11,25). + Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ : Cám dỗ nguy hiểm nhất của ma quỷ là xúi người ta chối bỏ đức tin. Do đó Đức Giê-su kêu gọi “Hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,40).
– C 5-8 : + Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn.” : Đức Giê-su dùng dụ ngôn về người bạn quấy rầy để dạy môn đệ phải kiên nhẫn nài xin và đừng bao giờ ngã lòng khi xin mà chưa nhận được. Kiên trì xin đi xin lại là điều kiện để lời cầu của ta được Thiên Chúa chấp nhận. Thiên Chúa sẽ không ban ơn để khỏi bị quấy rầy giống như người chủ nhà trong bài dụ ngôn. Khi không ban ngay điều ta xin là Người để ta có dịp tỏ ra kiên nhẫn tin tưởng cậy trông và phó thác hơn vào Người. + Vì thể diện : Câu chuyện dụ ngôn xoay quanh ba nhân vật như sau: Nhân dịp có một anh bạn A lỡ đường ghé lại trọ tại nhà của bạn mình là B. Anh B liền chạy sang nhà anh C cũng là bạn để xin vay ba cái bánh về nhà đãi khách. Anh C khi ấy đã vào giường ngủ rồi và rất ngại phải ra khỏi giường lấy bánh cho bạn mình. Nhưng vì anh B cứ kêu nài mãi nên cuối cùng anh C đành phải ra khỏi giường thỏa mãn tất cả những gì anh B cần, với lý do: dù không phải do tình thân hữu thúc đẩy thì cũng vì sợ sẽ bị mất thể diện, sợ bị mang tiếng là ích kỷ vì đã từ chối giúp đỡ bạn bè trong lúc khó khăn. Từ đó Đức Giê-su muốn các môn đệ nhớ đến Thiên Chúa là Cha. Người sẽ ban điều tốt lành và cần thiết là ơn thánh hóa của Thánh Thần, cho những kẻ thành khẩn và kiên trì cầu xin Người.
– C 9-13 : + Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho… : Lời cầu nguyện là điều kiện cần để được Chúa nhậm lời: Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho ai xin, ban đức tin cho những ai đi tìm, và sẵn sàng rộng mở Nước Trời cho những ai kiên trì gõ cửa nhà Người. + Ai trong anh em là một người cha mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó ? : Đức Giê-su cho biết Thiên Chúa sẽ chấp nhận lời cầu nguyện của chúng ta, vì Người là Cha nhân hậu và hay thương xót hơn các người cha thế gian bội phần. + Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời : Đức Giê-su so sánh giữa tình thương có giới hạn của các bậc cha mẹ thế gian vốn gian ác, với tình thương vô biên của Thiên Chúa là Cha thánh thiện và đầy từ tâm. + Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người : Ơn Thiên Chúa ban cho những kẻ kêu xin Người là “Thánh Thần”, tương đương với “những của tốt lành” trong Mát-thêu (Mt 7,11). Chính “Thánh Thần làm cho ta nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên “Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8,15).
4. CÂU HỎI : 1) Dựa theo lời Đức Giê-su dạy trong kinh Lạy Cha, bạn hãy cho biết : Cầu nguyện là gì ? Phải cầu nguyện với ai và cầu khi nào ? Nên cầu xin những gì ? 2) Có được cầu xin ơn với Đức Mẹ và các thánh không ? 3)Trong thực tế có nhiều người không có đức tin chẳng cần cầu xin mà thi cử vẫn đậu, buôn bán vẫn thành công, uống thuốc vẫn khỏi bệnh, gieo trồng đúng thời vụ vẫn bội thu… Đang khi nhiều tín hữu siêng năng cầu khấn mà vẫn không đạt được kết quả như ý. Như vậy phải chăng chẳng có Chúa Mẹ nào hết và cầu nguyện chỉ là một sự mê tín và là điều vô ích ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9).
2. CÂU CHUYỆN :
1) SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN :
Có một bác sĩ gốc công giáo, nhưng đã bỏ không cầu nguyện và không đến nhà thờ dự lễ từ năm lên 10. Một hôm bệnh viện của ông ta tiếp nhận một cô bé 8 tuổi mắc bệnh đau ruột thừa cần phải được mổ cấp thời. Trước khi đưa em lên bàn mổ, viên bác sĩ căn dặn em rằng : “Này em, bệnh em cần phải mổ. Bây giờ em sẽ phải uống một liều thuốc mê để thiếp ngủ trong lúc tôi giải phẫu cho em”. Em bé này từ nhỏ đã được bà mẹ có lòng đạo đức huấn luyện thói quen cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ. Khi nghe bác sĩ nói sắp phải đi ngủ, em liền xin bác sĩ cho phép và quì gối đọc kinh rồi cuối cùng kết thúc bằng lời cầu nguyện như sau : “Xin Chúa chúc lành cho chú bác sĩ và xin Chúa cho con được mau khỏi bệnh”. Vị bác sĩ giải phẫu cho em thuật lại rằng : chiều hôm đó ông đã cầu nguyện thật sốt sắng, một việc làm mà sau ba mươi năm trời lãng quên, đến nay ông mới bắt đầu làm lại.
2) CẦU NGUYỆN VỚI LÒNG TÍN THÁC CẬY TRÔNG :
Vào cuối thập niên 80, tại Rumani, một trận động đất lớn đã xảy ra làm hơn 10 ngàn người chết. Ngay sau trận động đất, một người cha đã chạy đến nhà trường tìm đứa con trai của mình.
Ngôi trường nhiều tầng đã sập đổ, nhưng người cha định hường lớp học của con và cố đào bới trong đống gạch vụn để tìm kiếm con. Những người cứu hộ và cảnh sát bảo ông hãy về nhà và đừng đào bới nữa vì rất nguy hiểm. Nhưng ông không nghe và cứ tiếp tục đào bới.
Ông đào trong suốt 12 tiếng đồng hồ cũng chẳng thấy tăm hơi con đâu. Ông vừa đào vừa nghĩ: “Mình đã hứa thì phải thực hiện, biết đâu nó còn sống trong đống gạch này thì sao?”
Nghĩ thế rồi, ông lại tiếp tục đào, 24 tiếng rồi 48 tiếng đồng hồ trôi qua… ông chợt nghe có tiếng động. Ông gọi tên người con và ông nghe thấy có tiếng kêu rất nhỏ từ xa vọng lại : “Ba ơi ! “. Nước mắt tuôn trào và ông hăng hái đào tiếp cho đến tận lớp học của đứa con.
Thằng bé còn sống cùng với 20 đứa khác đang ngồi trong một góc phòng lớp học chưa bị sập. Nó ôm chầm lấy cha và nói : “Con đã bảo với các bạn của con rằng : “Ba tôi đã hứa, dù thế nào ba cũng sẽ đến đón tôi. Các bạn cứ yên tâm đi, chắc chắn ba tôi sẽ đến”.
Tiếng kêu gọi ba của đứa con giống như lời kinh Lạy Cha : “Lạy Cha chúng con ở trên trời”.
3) VỮNG TIN VÀO TÌNH THƯƠNG CỦA CHA :
Giữa đêm khuya, một căn nhà bằng gỗ ở nơi hẻo lánh đột nhiên bốc cháy. Trong cơn hoảng hốt, vợ chồng con cái ngủ ở tầng trệt đều mau chạy thoát ra ngoài và đành bất lực đứng nhìn ngọn lửa đang bốc cháy ngôi nhà. Rồi mọi người sực tỉnh nhớ ra vẫn còn một đứa con trai út năm tuổi còn ngủ trên tầng gác. Phải làm gì đây ? Không ai có thể vào nhà được. Giữa lúc mọi người đang bấn loạn thì từ cánh cửa sổ trên gác, cậu bé đã thò đầu ra và kêu thất thanh : “Ba ơi cứu con”. Từ phía dưới, người cha nói với cậu : “Con hãy nhảy xuống đi”. Nhưng làm sao cậu bé dám nhảy xuống theo lời cha, bởi vì nhìn xuống, cậu chỉ thấy khói và lửa. Cậu bé thốt lên trong tuyệt vọng: “Làm sao con dám nhảy xuống vì không nhìn thấy ba”. Thế nhưng người cha đã trấn an : “Con không thấy ba nhưng ba thấy rõ con. Con cứ yên tâm nhảy xuống đi”. Thế là với lòng tin cậy phó thác, cậu nhảy từ trên gác xuống và đã nằm gọn trong cánh tay của cha.
3. SUY NIỆM:
1) Cầu nguyện là gì ? :
Cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa, như tổ phụ Ápraham trong bài đọc một hôm nay, hoặc như Đức Giê-su đã dành lúc sáng sớm tinh sương hoặc đêm khuya thanh vắng để đàm đạo với Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến. Cả đời sống của Đức Giê-su là một lời cầu nguyện liên lỉ. Khi làm bất cứ việc gì, hay trước khi quyết định điều gì quan trọng, Đức Giê-su đều cầu nguyện để tìm biết ý Chúa Cha và thi hành. Khi đựoc môn đệ yêu cầu, Đức Giê-su đã dạy các ông cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.
2) Nội dung kinh Lạy Cha:
– Qua lời thưa : “Lạy Cha”, Đức Giê-su dạy môn đệ phải thưa chuyện trực tiếp với Thiên Chúa như đứa con hiếu thảo tâm sự với người cha thân yêu của mình.
– Nội dung lời cầu nguyện Chúa dạy bao gồm bốn tâm tình chính yếu : Một là Chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa qua câu : ”xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển, Triều đại Cha mau đến“ ( Lc 11,2 ). Hai là tâm tình ăn năn sám hối vì những tội ta đã xúc phạm đến Chúa trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót qua câu : ”Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con“ ( Lc 11, 4). Ba là cảm tạ hồng ân Chúa đã thương ban, và bốn là xin Chúa ban các ơn lành hồn xác qua câu : ”Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy“ ( Lc 11,3), và “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ“ (Lc 11,4).
3) Cần cầu xin với lòng cậy trông phó thác :
Sau khi dạy môn đệ kinh Lạy Cha, Đức Giê-su còn khuyên họ phải kiên nhẫn cầu nguyện với lòng cậy trông và hòan tòan tín thác vào tình thưong của Thiên Chúa là Cha.
-Kiên trì nài xin Chúa : như dụ ngôn hai người bạn mà người này giữa lúc đêm khuya tìm đến nhà người kia yêu cầu được giúp đỡ. Lúc đầu bị chủ nhà từ chối với lý do cả nhà đã ngủ. Nhưng cuối cùng chủ nhà cũng phải trỗi dậy lấy bánh cho người kia để tránh khỏi bị quấy rầy.
-Tín thác vào tình thương của Chúa : Có những điều chúng ta cầu xin mà xem ra đã không được Chúa đáp ứng. Thực ra Chúa chưa ban là do chúng ta còn thiếu sự kiên trì và thành tâm. Hoặc Chúa không ban không phải vì không muốn, nhưng có thể Ngài thấy điều đó không có lợi thực sự cho ta. Bù lại, Ngài sẽ ban những ơn khác mang lại hạnh phúc đời đời cho ta như lời Đức Giê-su : ” Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó ?… Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” ( Lc 11,11.13).
4) Áp dụng thực hành :
-Phải làm mọi việc với hết khả năng của mình : Thiên Chúa là Cha chung của mọi người lành kẻ dữ (x Mt 5,45b). Ngài muốn mọi người cộng tác bằng việc tuân theo các quy luật tự nhiên do Ngài sáng tạo là các luật tự nhiên như: Phải học hành chăm chỉ mới mong thi đậu, phải uống thuốc đúng liều lượng theo toa bác sĩ mới hy vọng được khỏi bệnh, phải gieo trồng đúng thời vụ và đúng kỹ thuật mới hy vọng đạt một mùa gặt bội thu… Trừ ra trong vài trường hợp vì ích lợi thiêng liêng mới được Ngài can thiệp để làm phép lạ mà thôi. Do đó chúng ta không được ỷ lại vào tình thương và quyền năng của Chúa và lười biếng làm việc, chỉ biết cầu xin Chúa ban theo ý riêng của mình.
-Phải vừa cầu nguyện vừa vâng theo ý Chúa : Chúng ta vừa phải làm việc vừa phải cầu nguyện, và hãy phó thác kết quả thành bại cho Chúa, noi gưong Đức Giê-su trước giờ chịu khổ nạn đã cầu xin Chúa Cha : “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Trong kinh Lạy Cha, Đức Giê-su cũng dạy môn đệ cầu nguyện theo ý Chúa Cha : “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Chúng ta cần vâng theo ý Thiên Chúa vì chỉ Ngài mới biết điều nào tốt nhất cho ta. Nhiều khi chúng ta xin được trúng số mà không biết tiền bạc chính là rắn độc làm hại linh hồn của mình sau này. Nhiều khi chúng ta cầu xin Chúa ban ơn lành mà trái lại chúng ta lại gặp tòan các tai ương họan nạn… Nhưng thực ra các tai ương đó chính là thuốc đắng chữa lành thói hư như người ta thường nói : “Thuốc đắng dã tật”. Đó cũng là phương cách Chúa thường dùng để dạy chúng ta bỏ đường gian ác để đi theo con đường thánh thiện đẹp lòng Chúa.
-Phải mở lòng đón nhận Thánh Thần : Cần có đức tin chúng ta mới hiểu rằng : khi thành tâm cầu nguyện là ta đã được Thiên Chúa nhậm lời rồi. Nhưng Chúa thường ban ơn khác với điều ta nghĩ. Phải sau một thời gian, chúng ta mới có thể nhận ra các biến cố kia đều là hồng ân Thánh Thần, được Chúa thương ban để đem lại phần rỗi là hạnh phúc đời đời cho chúng ta.
4. THẢO LUẬN : 1) Gặp một người đau khổ, bạn nên khuyên giải họ dưới lăng kính đức tin như thế nào ? 2) Bạn nên phản ứng thế nào khi cầu xin những điều chính đáng mà lâu ngày vẫn không được Chúa ban như ý ?
5. NGUYỆN CẦU :
– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con xin thú thật là con ít cầu nguyện. Con chưa cảm nghiệm được giá trị của lời cầu nguyện và thường tỏ ra ngần ngại mỗi khi phải đến nhà thờ dự lễ đọc kinh.
– LẠY CHÚA. Xin cho con biết noi gương Chúa: luôn sống hiếu thảo với Chúa Cha, năng dành thời gian thưa chuyện với Cha, lắng nghe lời Cha trong Sách Thánh và sẵn sàng vâng theo thánh ý Cha, tránh lợi dụng lòng khoan dung của Cha. Xin cho con luôn sẵn sàng cộng tác cho Nước Cha mau đến. Con xin phó thác cậy trông vào lòng nhân hậu của Cha luôn ban ơn lành hồn xác cho con, nhất là ban Thánh Thần để giúp con đón nhận được hồng ân cứu độ và được hạnh phúc đời đời trong Nước Cha.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM

V. TƯ LIỆU HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG HHTM TH 07/2019

HIEP HỘI THÁNH MẪU – HIỆP SỐNG KI-TÔ TGP SAIGON
THÔNG BÁO
V/v MỞ KHÓA HUẤN LUYỆN HTRƯỞNG CỘNG ĐOÀN SỐNG KI-TÔ
GIA ĐÌNH HIỆP SỐNG KI-TÔ (HHTM)

KÍNH GỬI: Quý Ban Chấp Hành các cấp và Hội Viên Hiệp Hội Thánh Mẫu.
Quý Đại Diện các Giáo Xứ muốn thành lập Hiệp Hội Thánh Mẫu
Nhằm củng cố và phát triển HHTM, Hội Đồng Quản Trị Hiệp Hội Thánh Mẫu Trung Ương quyết định sẽ tổ chức Khóa Huấn Luyện Huynh Trưởng làm Trưởng các Gia Đình Nhóm Nhỏ HSKT- HHTM. Đề nghị các Xứ Đòan HHTM cử các thành viên Ban Chấp Hành, HT Đội Trưởng và các Hội Viên nhiệt tình của Xứ Đòan tham dự Khóa Huấn Luyện HT này nội dung như sau:.
1.Tên gọi: KHÓA HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG CỘNG ĐOÀN CƠ BẢN
2 .Mục đích Khóa Huấn Luyện Huynh Trưởng: nhằm đào tạo các Thành Viên Ban Chấp Hành Xứ Đòan và các Trưởng Gia Đình Sống Kitô (hay Đội Trưởng).
Nội dung gồm 4 bài khóa :
(1) Tổ chức các Xứ Đòan HHTM thành các Gia Đình Hiệp Sống Ki-tô (Nhóm nhỏ) sống yêu thương nhau noi gương các tín hữu Hội Thánh Sơ Khai (x Cv 2,42-46).
(2) Học tập kỹ thuật Họp Nhóm ứng dụng vào việc Hiệp Sống Tin Mừng hằng tuần.
(3) Thưc tập sống Linh đạo: HIỆP SỐNG – XIN VÂNG – PHỤC VỤ của Hiệp Hội Thánh Mẫu noi gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
(4) Thi hành Sứ Vụ Loan Tin Mừng qua công tác thăm viếng, chia sẻ và phục vụ Chúa hiện thân nơi những người nghèo khổ bệnh tật bất hạnh.
3.Hai giai đọan huấn luyện: Khóa Tĩnh Huấn gồm 2 giai đọan như sau:
a) Giai đọan 1: Khóa Sinh tham dự 4 tối Thứ Sáu trong tháng Bảy 2019 (các ngày: 05/07; 12/07; 19/07;26/07/2019). Mỗi buổi huấn luyện dài hai giờ (từ 19g00 đến 21g00), tại Nhà Sinh Hoạt Mục Vụ GX Sao Mai (Giáo Hạt Chí Hòa). Ngày khai giảng: 19g00 thứ Sáu 05/07/2019.
b) Giai đọan 2: Các Khóa sinh đã tham dự đủ bốn lần học và có đủ điểm thi cuối khóa sẽ được tham dự một trại Tĩnh Huấn 2 ngày trong tháng 08/2019 để cùng nhau thực hành bài học. Về thời gian, địa điểm và lệ phí trại Huấn Luyện sẽ thông báo cuối tháng 7/2019.
4.Thời gian đăng ký: Từ nay đến 31 tháng 06 năm 2019, Đòan Trưởng hay Đại Diện Xứ Đòan mới thành lập sẽ ghi tên học viên với BCH 3 Liên Đòan như sau:
+ Liên Đòan Giới Trẻ TM: Chị Thọ- DĐ : 0767 057 552.
+ Liên Đòan Gia Đình TM: Chị Nhiễu-DĐ: 0983 043 997.- ĐT Bàn: (028)38 640 155.
+ Liên Đòan Bác Ái TM: Bà Soi: DĐ : 0903 100 714.
Đề nghị các khóa sinh tham dự hai giai đọan 1 và 2 của Khóa Huấn Luyện để tích cực góp phần đổi mới tổ chức và sinh họat của Hiệp Hội Thánh Mẫu trong thời gian sắp tới.
Nhà Thờ Thánh Mẫu Trung Ương ngày 24 tháng 06 năm 2019
Duyệt
Lm Tổng Giám Huấn HHTM-HSKT TM BCH Hiệp Hội Thánh Mẫu TGP

ĐA-MINH ĐINH VĂN VÃNG ĐA-MINH LÊ VĂN GIANG

**Đồng Kính Gửi :
-Quý Cha Giám Huấn Các Xứ Đòan HHTM để cho phép HT và HV tham dự.
-Quý Ban Chấp Hành và Ban Huấn Luyện Liên Hội và các Liên Đòan Giới Trẻ TM, Gia Đình TM và Bác Ái TM: để cộng tác tổ chức và điều hành Khóa Huấn Luyện HT.

VI. THƯ GIÃN THÁNG 07/2019
1. KHÁC BIỆT TRƯỚC VÀ SAU NGÀY CƯỚI
TRƯỚC NGÀY CƯỚI :
-CHÀNG: Thật tuyệt vời! Cuối cùng thì giờ phút anh mong đợi nhất cũng đã tới !
-NÀNG: Em phải ra đi à ?
-CHÀNG: Không. Thậm chí em đừng bao giờ nghĩ tới điều đó !
-NÀNG: Anh có yêu em không ?
-CHÀNG: Tất nhiên rồi !
-NÀNG: Anh có phản bội em không ?
-CHÀNG: Không ! Sao em lại có ý nghĩ đó cơ chứ ?
-NÀNG: Anh sẽ hôn em chứ ?
-CHÀNG: Đương nhiên rồi !
-NÀNG: Anh sẽ đánh em chứ ?
-CHÀNG: Không bao giờ !
-NÀNG: Em có thể tin anh được không ? !!!
SAU NGÀY CƯỚI : Bạn hãy đọc từ dưới lên.
2.CON GÁI THẬT KHÓ HIỂU !
Một hôm GION trở về ký túc xá với hai mắt bị bầm tím. Anh bạn cùng phòng thấy vậy liền hỏi:
-Mắt cậu bị sao vậy hả GION ?
GION liền tâm sự :
-Sao tớ thấy con gái thật khó hiểu quá. Số là trưa nay sau khi tan học, tớ đang đi sau một cô gái xuống cầu thang thì thấy một con sâu róm đang bò trên cổ áo phía sau gáy của cô gái. Tớ liền nổi máu nghĩa hiệp ra tay bắt sâu giúp cho cô ta. Quay lại thấy vậy, thay vì nói lời cám ơn thì cô ta lại tỏ vẻ vô cùng tức giận và bất ngờ xuất ra một chiêu cực nhanh khiến mắt bên trái của tớ bị đổi màu !
-Thế còn mắt kia tại sao cũng bị thâm tím như vậy ?
-Thì thủ phạm cũng lại chính là cô ta : Sau khi ăn một cái tát nổi đom đóm, tớ nghĩ cô ta thích chơi với sâu róm, nên khi cô ta vừa quay mặt đi thì tớ lại đặt nó về vị trí cũ !!!
3.MỘT TÌNH YÊU THA THIẾT NHẤT
Chàng trai nói với cô bạn gái :
-Tuy anh không giàu, không có ôtô, không có biệt thự như “sếp” của anh, nhưng anh có tình yêu tha thiết dành cho em, một tình yêu phát xuất từ trái tim anh, em yêu ạ !
Cô gái liền đáp lại :
-Về phần em. Em cũng vô cùng yêu anh, cưng ạ !!! Nhưng mà này. Hãy nói rõ cho em biết : Ông “sếp” của anh năm nay bao nhiêu tuổi và nhà ông ta ở đâu vậy hả anh yêu ?
4.LIỆU PHÁP TÂM LÝ
Một ông chồng nọ tới gặp vị bác sĩ vừa chữa bệnh cho bà vợ của mình. Ông ta bày tỏ lòng khâm phục về tài chữa bệnh của vị bác sĩ như sau:
– Bác sĩ biết không, suốt một năm nay vợ tôi rất biếng ăn. Cơ thể bà ta cứ ngày càng bị suy nhược thêm. Tôi đã đưa bà ta đi khám bệnh ở nhiều nơi, tốn công tốn của để mua nhiều đồ ăn ngon về cho bà ta và còn bắt bà ta phải tập thể dục hằng ngày… Thế mà tình trạng sức khỏe của bà ta cũng chẳng thấy khá lên chút nào. Vậy mà dù bà ta chỉ mới đến bác sĩ khám bệnh có một lần, thế mà kết quả đã khác hẳn. Bây giờ bà ấy ăn rất khoẻ. Vậy bác sĩ cho biết đã cho vợ tôi uống thứ thần dược nào mà hay quá vậy?
– À! Chẳng có gì ghê gớm lắm đâu. Tôi chỉ bảo bà ấy đúng một câu.
-Câu gì vậy, thưa bác sĩ ?
-Câu đó là thế này : “Kén ăn là dấu hiệu báo trước tuổi già đang đến !!!”
SƯU TẦM

VII. NHỎ TO HỮU ÍCH THÁNG 07/2019
1. ĐỂ NÊN NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH VỀ NHÂN CÁCH:
Có hai thứ bạn phải cho đi, đó là tri thức và lòng tốt.
Có hai thứ bạn nên tiết kiệm, đó là sức khỏe và lời hứa.
Có hai thứ bạn phải giữ gìn, đó là niềm tin và nhân cách.
Có hai thứ bạn phải trân trọng, đó là gia đình và hiện tại.
2. AI THỰC SỰ CẦN NGHE LỜI YÊU THƯƠNG:
Cha mẹ không tiếc những lời thương yêu dành cho con. Còn bạn lại trao lời mật ngọt cho người ngoài chẳng ai cần, có mỗi ba mẹ đợi cả đời một câu nói mà thôi,
3. LÝ DO CHỒNG LUÔN CHỊU THUA VỢ:
Lần nào cãi nhau, chồng cũng nhường nhịn vợ.
Rồi một hôm vợ hỏi:
Sao lần nào anh cũng nhịn em thế.
Rõ ràng người sai là em cơ mà?
Chồng đáp:
Bởi vì em là của anh. Dù anh có thắng em thì anh cũng sẽ nhận được cái gì chứ? :
Thắng về lý, thua về tình.
Dù sao thì anh vẫn thua em.
Trong thế giới của hai người, thường có một người ồn ào, một người vui vẻ; một người ưa lý sự tranh cãi, một người nhẫn nhịn nhu hòa.
Anh thua em không phải vì anh cãi không lại em. Không phải vì anh bị đuối lý, mà là vì: Anh Yêu Em.
Trong hôn nhân: một người thua thì hai người mới có thể thắng. Để cùng nhau chia sẻ, cùng yêu thương nhau.
4. CÁI GÌ LÀ QUÝ NHẤT TỐT NHẤT ?
Mỹ phẩm tốt nhất là nụ cười;
Nữ trang quý nhất là sự khiêm tốn.
Trang phục đẹp nhất là sự tự tin.
5. HIỆU QUẢ CỦA CÁI TÂM RỘNG HẸP :
Tâm rộng bao nhiêu, đường đi sẽ rộng bấy nhiêu.
Ngược lại tâm hẹp thì đường đi cũng sẽ rất hẹp.
7. BÍ QUYẾT ĐỂ SỐNG VUI :
Người bằng lòng với cuộc sống hiện tại thì lúc nào cũng an vui.
Còn người lúc nào cũng thấy thiếu, thì cứ khổ mãi.
Không lúc nào vui được.
8. THỨ NÀO MỚI GIÁ TRỊ THỰC SỰ ?
Bạc vàng biệt thự xe hơi
Chỉ là những thứ đồ chơi rẻ tiền.
Con ngoan chồng giỏi vợ hiền
Mới là vô giá núi tiền cũng thua.
9. NGUYÊN NHÂN CỦA KHỔ ĐAU :
Cuộc đời này vốn dĩ không khổ.
Chỉ có con người tự làm khổ nhau thôi.
10. SỐNG THẾ NÀO MỚI TỐT ?
Tài giỏi chớ khoe khoang.
Giàu sang chớ kênh kiệu.
Học bao nhiêu vẫn thiếu,
Hiểu bao nhiêu chẳng thừa.
Nhân đức không bán mua,
Được thua không nản chí.
11. CẢM THÔNG KHI XÉT ĐOÁN :
Đằng sau mỗi con người luôn có một câu chuyện khác nhau.
Có lý do gì đấy khiến họ trở nên như hiện tại.
Vậy nên hãy xem xét kỹ lưỡng, trước khi Phán Xét một ai.
SƯU TẦM
VIII. THÔNG TIN HIỆP SỐNG THÁNG 07/2019
A.TIN CHUNG LIÊN HỘI HHTM :
1. Ngày 22/06/2019: Mừng sinh nhật Cha Tổng Giám Huấn Hiệp Hội Thánh Mẫu:
Chúng con tạ ơn Chúa đã cho chúng con một người cha đáng kính: Cha Đa Minh Đinh văn Vãng, Tổng Giám Huấn Hiệp Hội Thánh Mẫu. Ngài luôn là niềm tự hào cho các Hội viên chúng con, và là tấm gương để chúng con học tập noi theo. Cha đã đầu tư nhiều chất xám qua các bài suy niệm Hiệp Sống Tin Mừng Chúa Nhật hằng tuần, các bài về nhân bản, những bài khóa huấn luyện Huynh Trưởng và Hội Viên HHTM, các buổi Hội Thảo và Tĩnh Huấn. Ở tuổi 72 Cha vẫn hăng say viết bài để chúng con được học sống Lời Chúa. Chúng con kính chúc Cha Tổng Giám Huấn luôn khỏe mạnh, vui vẻ và mãi mãi phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Hội Thánh, trong đó có các Hội Viên HHTM chúng con. Chúng con xin chúc mừng sinh nhật 72 tuổi của Cha và quyết tâm cộng tác với Cha trên bước đường tông đồ truyền giáo là “làm vinh danh Thiên Chúa và vì phần rỗi các linh hồn”, theo linh đạo Hiệp Sống Xin Vâng và Phục Vụ noi gương Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a của Hiệp Hội Thánh Mẫu.
2/ Ngày 29/05/2019: Ngày kỷ niệm thụ phong LM của cha Giuse Vũ Quang Trường:
Nhân dịp kỷ niệm Thụ Phong Linh mục năm thứ 4 của cha Phó Gx Sao Mai là Giuse Vũ Quang Trường, xin Thiên Chúa ban tràn đầy hồng ân cho Cha Giuse và chúc cha luôn khỏe mạnh và hăng say chu toàn sứ vụ cộng tác với cha chính xứ phục vụ đoàn chiên Sao Mai.
3/ Ngày 29/06/2019: Lễ kính Bổn Mạng của cha Phao-lô Nguyễn hữu Thiện:
Mời BCH Liên Hôi, 3 Liên Đoàn là Bác Ái HHTM, Gia Đình HHTM, Giới Trẻ HHTM tới tham dự thánh lễ mừng Bổn Mạng Phao-lô của cha Phụ Tá TGH hồi 05g30 sáng Thứ Bảy 29/06 để cầu nguyện và ở lại dùng bữa sáng để chia vui với cha tại sân nhà thờ Thánh Mẫu.
B. TIN LIÊN ĐOÀN BÁC ÁI HIỆP HỘI THÁNH MẪU THÁNG 07/2019
I. MỪNG BỔN MẠNG THÁNG 07 / 2019:
1) Ngày 23/7 kính thánh BRI-GIT-TA: Bổn mạng XĐ Bác Ái HHTM Bình Thái.
Cầu chúc Xứ đoàn Bác Ái HHTM Bình Thái được tràn đầy hồng ân Thiên Chúa qua lời cầu bầu của thánh Bổn Mạng Bri-git-ta.
2) Ngày 26/7 kính hai thánh GIOA-KIM VÀ AN-NA, bổn mạng các quý ông bà sau đây:
– Ông Gioakim Mai Đại HOÀNG – Thư ký Xứ đoàn Bác Ái HHTM Bùi Phát
– Bà Anna Phạm Thị SOI – Liên Đoàn Trưởng LĐ BA HHTM TGP Sai-gon, kiêm Đoàn Trưởng Xứ đoàn Bác Ái HHTM Tân Hưng (XM).
– Bà Anna Nguyễn Thị VỞ – Đoàn phó 2 Xứ đoàn Bác Ái HHTM Tân Hưng (XM).
– Bà Anna Nguyễn Thị MIÊN – Cố vấn Xứ đoàn Bác Ái HHTM Tân Hưng (XM).
– Bà Anna Nguyễn Thị Kim NGÂN – Thư ký Xứ đoàn Bác Ái HHTM Bắc Dũng.
– Bà Anna Nguyễn Thị THỊNH – Ủy viên Xứ đoàn Bác Ái HHTM Bắc Dũng.
– Bà Anna Nguyễn Thị CẢNH – Cố vấn Xứ đoàn Bác Ái HHTM Bắc Dũng.
– Bà Anna Phạm Thị HIỀN – Đoàn phó Xứ đoàn Bác Ái HHTM Lạng Sơn.
– Bà Anna Trần Thị TÚ – Thư ký Xứ đoàn Bác Ái HHTM Lạng Sơn.
– Bà Anna Nguyễn Thị HỒNG PHÚC – Đoàn phó Xứ đoàn Bác Ái HHTM Hợp An.
– Bà Anna Bùi Thị KIM LÝ – Đoàn trưởng Xứ đoàn Bác Ái HHTM Lộc Hưng.
– Bà Anna Trương Thị BẰNG – Đội trưởng Xứ đoàn Bác Ái HHTM Lộc Hưng.
– Bà Anna Lê Thị LOAN – Đội trưởng Xứ đoàn Bác Ái HHTM Lộc Hưng.
– Bà Anna Phạm Thị THƠM – Đoàn phó Xứ đoàn Bác Ái HHTM Nam Hưng.
Kính chúc quý ông bà nhận thánh Gioa-kim và An-na làm bổn mạng được tràn đầy hồng ân Thiên Chúa qua lời cầu bầu của các ngài.
II. CÔNG TÁC LIÊN ĐOÀN BÁC ÁI:
1. Mừng Lễ BM của LĐ Bác Ái HHTM: Nhân dịp Mừng lễ Bổn Mạng Mẹ Thăm Viếng vừa qua, BCH LĐ BA/HHTM/TGP xin cảm ơn quý Cha, quý ân nhân và các hội viên đã hỗ trợ và giúp đỡ cho Liên Đoàn tổ chức lễ Bổn mạng được thành công tốt đẹp. Xin Chúa chúc lành và ban nhiều hồng ân trên quý Cha và quý vị. Sau đây là danh sách các người đã ủng hộ Liên Đoàn:
– Bà Yến (Nhà hàng Đông Phương) qua bà Chiến -Trưởng Ban Bảo trợ HHTM góp số tiền 3.000.000 (ba triệu đồng).
– Ông Giang – Liên Hội trưởng Hiệp Hội Thánh Mẫu góp 1.000.000 (một triệu đồng).
– Bà Nhiễu – Liên Đoàn Trưởng LĐ Gia Đình HHTM góp : 500.000 đ.
– Chị Thọ – Liên Đoàn Trưởng LĐ Giới Trẻ HHTM góp : 300.000 đ.
– Ông Bà Hải – GX Bùi Phát góp : 200 000 đ.
– Bà Yến – GX Bùi Phát góp : 100.000 đ.
2) Chuyến đi công tác Bác Ái của LĐ Bác Ái HHTM trước lễ Bổn Mạng LĐ:
Các Xứ Đoàn đóng góp đợt II xây dựng nhà Chúa và quà cho người nghèo tại Giáo điểm BoBo:
1)Xứ đoàn Bùi Phát : 1.500.000
2) Xứ đoàn Trung Chánh : 2.000.000
3/ Xứ đoàn Bình Thái : 1.500.000
III. CÔNG TÁC CỦA CÁC XỨ ĐOÀN :
1) Đoàn Học Sống Lời Chúa NT Thánh Mẫu :
– Thăm bệnh nhân : 4 người- 500.000 đ.
– Tổng chi cho công tác Bác Ái Xã Hội : 21.400.000 đ.
– Đọc kinh tối : 30 lần
– Thăm Giáo điểm Truyền giáo BoBo : 12.000.000
– Thăm Hội viên đau bệnh : 2 người
– Quét dọn nhà thờ : 8 lần / 4 người
– Hội viên cắm hoa Nhà thờ
2) Đoàn Bác Ái HHTM Tân Hưng:
– Thăm bệnh nhân : 1 người
– Hội viên qua đời được Đoàn thăm viếng : 2 người
– Tổng chi cho công tác Bác Ái : 3.562.000 đ
– Đọc kinh tối gia đình: 50% hội viên
– Thăm gia đình lương giáo : 1 gia đình
– Thăm Giáo điểm Truyền giáo BoBo
– Thăm hội viên đau liệt : 1 người
– Xứ đoàn có Hội viên dự bị : 3 hội viên
– Quét dọn nhà thờ : 4 lần / 4 – 5 người
– Phụ trách tiền thau Nhà thờ các ngày Chủ Nhật và lễ trọng
3) Đoàn Bác Ái HHTM Châu Bình (Thủ Đức):
– Thăm bệnh nhân : 12 người -1.000.000 đ
– Đọc kinh tại gia tối thứ 4 hàng tuần
– Thăm Trại trẻ mồ côi Bà Rịa : 10.000.000 đ
– Thăm hội viên đau liệt : 20 hội viên
– Quét dọn Nhà Thờ sang thứ 7 hàng tuần
– Vệ sinh Đài Đức Mẹ : 1 tháng / 1 lần
4) Đoàn Bác Ái Trung Chánh :
– Viếng xác : 2 lần
– Thăm bệnh nhân : 1 lần
– Quét dọn nhà thờ : 4 lần / 4 người
– Đọc kinh tại nhà hội viên : 13 lần
– Phục vụ hát Thánh lễ : 6 lần
– Thăm Giáo điểm Truyền giáo BoBo : 2.000.000 đ
5) Đoàn Bác Ái Nam Hòa :
– Quét dọn Nhà Thờ : 4 lần / 4 người
– Đọc lời nguyện trong Thánh lễ chiều Thứ Bảy hàng tuần
– Thăm bệnh nhân : 5 người
– Thăm hội viên đau liệt : 2 hội viên
– Đóng góp Bếp cơm nhân ái trong xứ : 500.000 / tháng
V . THƯ MỜI HỌP :
Mời các anh chị Xứ Đoàn trưởng và thành viên BCH các xứ đoàn thuộc LĐBA / HHTM đến tham dự buổi sinh hoạt tháng 07/2019 tại Nhà thờ Thánh mẫu Trung Ương, Số 3 – 5 Chữ Đồng Tử, P7, Q.Tân Bình vào lúc 15g00 Thứ Hai, ngày 29/07/2019.
Đề nghị các anh chị em đến tham dự đầy đủ và đúng giờ.
C. THÔNG TIN CỦA LIÊN ĐOÀN GIA ĐÌNH HHTM TGPSG
I.MỪNG BỔN MẠNG TRONG THÁNG 06-07:
1. Về các ngày kỷ niệm thụ phong linh mục:
-Ngày 18/06/2019 : Kỷ niệm 26 năm Thụ phong linh mục của cha Panxico xavie Trần Văn Thi, chính xứ Lạc Quang, Giám huấn XĐ Gia đình HHTM Lạc Quang.
-Ngày 19/06/2019 : Kỷ niệm 10 năm Thụ phong linh mục của Cha Martin Chu Quang Định, Giám huấn XĐ Gia đình HHTM Mẫu Tâm .
-Ngày 27/06/2019: Kỷ niệm 27 năm Thụ phong linh mục của cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng, Chính Xứ Tân Hưng Q12 Giám huấn. Giám Huấn XĐ Gia đình HHTM Tân Hưng (Hóc Môn).
LỜI CHÚC MỪNG: Hành trình những năm Thánh Hiến Linh mục là một chặng đường dài với biết bao thử thách gian nan. Nhưng trong đó có hai tiếng Hồng Ân thật ngọt ngào mà Thiên Chúa ban ơn cho đời Linh mục.
Trong tâm tình tạ ơnThiên Chúa, Hiệp Hội Thánh Mẫu xin kính Chúc Quý Cha Giám Huấn trở nên muối mặn và men tốt để phụng sự Chúa và Hội Thánh ngày càng hữu hiệu hơn.
2. Ngày 13/06/2019 là lễ thánh An-tôn :
Vừa qua chị Liên đoàn trưởng Liên đoàn Gia đình HHTM TGP SG đã đại diện HHTM đến nhà ông An-tôn Nguyển Đình Lâm, nguyên Hội Trưởng Liêm Hội HHTM TGP/SG. Ông An-tôn nay đã 86 tuổi và đã có thời gian phục vụ Hiệp Hội Thánh Mẫu trong chức vụ Liên Hội Trưởng. Ông rất cảm động và gửi lời cám ơn BCH LH, ba Liên Đoàn HHTM và các Hội viên HHTM đã nhớ và cầu nguyện cho ông..
3. Bổn Mạng tháng 07/2019:
1) Ngày 26/07.2019 : Kính hai thánh Gio-a-kim và An-na là Bổn Mạng:
* Cha GioaKim Nguyễn Thành Tựu – Phó xứ Tân Hưng (HM)
– Và các Hội Viên:
* Chị Anna NguyễnThịToàn- Nguyên Đoàn phó GĐ HHTM XĐ Bắc Hà.
* Chị Anna NGUYỄN THỊ HOÀNG – Thủ quỹ GĐ HHTM XĐ Bắc Hà.
* Chị Anna Nguyễn Thị Mỹ – Thư ký Gia Đình HHTM XĐ Mẫu Tâm.
* Chị Anna Phạm Thị Xuân Mùi – Thành viên HHTM XĐ Mẫu Tâm.
* Chị Anna Phạm Thị Mai Xuân – TV Gia Đình HHTM XĐ Lạc Quang.
* Chị Anna Nguyễn Thị Xuân – TV Gia Đình HHTM XĐ Lạc Quang.
* Chị Anna Phạm Thị Liên (GV) TV HHTM GĐ Hồng Ân.
* Chị Anna Nguyễn Thị Hồng Nhung (Q12) TV HHTM GĐ Hồng Ân.
* Chị Anna Dương Thị Thu Hợp HHTM GĐ Hồng Ân.
* Anh Chị GioA Kim Anna Thanh Nhàn : GĐ Caritas Lộ Đức.
Kính chúc cha và chị em dồi dào ơn Chúa qua lời bầu cử của 2 thánh Gio-a-kim và An-na.
II. SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN VÀ CÁC XỨ ĐOÀN GIA ĐÌNH HHTM THÁNG 6/2019
1) Xứ Đoàn Gia đình HHTM Mat-thêu (CH):
Hằng tuần Anh chị em gia đình Mattheu Sao Mai sinh hoạt nhóm nhỏ đều tham dự học sống Lời Chuá vào tối thứ hai từ 19g30 đến 21g00.
XĐ Gia đình Mattheu hằng tuần đều đi công tác theo nhóm nhỏ thăm viếng người già neo đơn, và đến đọc kinh tại gia của bệnh nhân.
2) XĐ Gia Đình HHTM Bắc Hà (Củ Chi):
Hội viên Gia đình Bắc Hà vẫn duy trì :
Học Lời Chúa vào 2 ngày trong tháng, ngày 01 và ngày 15, với số hội viên tham dự thường xuyên là 30 người.
Nấu ăn phục vụ người nghèo giá 2 ngàn/1 xuất vào Thứ bảy hằng tuần.
3) XĐ Gia Đình HHTM Sao Mai (CH):
Xứ đoàn Sao Mai tham dự rước Đức Mẹ ngày giã hoa. Hằng tuần đều đi tập hát để phục vụ hát lễ tại nhà thờ vào 17g30 Thứ Bảy và tham dự học sống Lời Chúa 19g30-21g00 thứ Năm.
4) XĐ Gia đình HHTM Lạc Quang (HM):
– Tham gia các buổi đọc kinh kính Đức Mẹ tại các khu giáo của giáo xứ.
– kết hợp với Liên đoàn đi Biên Hòa Viếng Và Cầu Nguyện Cho Bà Cố Cha Điện. Nghỉ đêm tại nhà hiếu để làm giờ cầu nguyện. Sáng hôm sau dự lễ an táng Thân mẫu anh Nguyễn Dũng trưởng Gia đình Lạc Quang. Sau đó tiễn đưa bà MARIA tới nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Đa Minh – Biên Hòa .
5) XĐ Gia đình HHTM Mẫu Tâm (CH):
– Gia đinh HHM Mẫu Tâm đã hát lễ Tạ ơn cầu nguyện nhân Lễ kỷ niệm 10 năm thụ Phong linh mục của Cha Chính xứ.
– Làm công tác làm sạch nhà Chúa hằng tuần.
– Tối thứ Sáu tham dự học sống Lời Chúa.
– Hát lễ sáng thứ Bảy.
6) XĐ Gia Đình HHTM Lộ Đức (CH):
– Phụ trách nấu cơm 8 ngày trong tháng 05 cho bệnh nhân Mái ấm Ca-ri-tas – Sao Mai.
– Ngày 27/06 cùng Caritas Hạt Chí Hòa dâng Lễ Cầu nguyện cho binh nhân lúc 15g .
– Ngày 14-15/7/2019 Tĩnh tâm chung Caritas tại Dòng Phanxico Thủ Đức . Mời anh chị em Gia đình HHTM Lộ Đức đăng ký tham dự.
7) XĐ Gia Đình HHTM Phụng Hiệp (Cần Thơ):
– Tổ chức thăm các gia đinh đã bỏ đạo lâu ngày để giúp họ trở lại dự lễ nhà thờ.
– Duy tri giờ đoc kinh tối tại đài đức Mẹ giáo xứ Phụng Hiệp.
III. THÔNG TIN:
1. Dự lễ mừng Bổn Mạng Phao-lô của cha Phụ Tá TGH HHTM: Mời Hội Viên HHTM đi dự lễ kính Thánh Phê-rô Phao-lô Tông đồ là bổn mạng Cha Phụ Tá Phaolo Nguyễn Hữu Thiện tại NT Thánh Mẫu vào 5g30 Thứ bảy 29/6/2019.
2. Về Tập San Hiệp Sống hằng tháng:
Liên đoàn GĐ rất mong các xứ đoàn học tập các bài học trong Tập San Hiệp Sống hằng tháng :
Liên đoàn đã gửi Email đến các Xứ đoàn mong Xứ đoàn in ra cho Hội viên học các bài Nhân Bản, Xây dựng hạnh phúc GĐ, Các bài Hiệp Sống Tin Mừng hằng tuần và đọc thông tin HHTM ở mục Thông tin cuối Tập san.
Đến nay Liên đoàn đã nhờ được người giao tập San Hiệp Sống đến một số Xứ đoàn ở xa như:
– XĐ GĐ HHTM Bắc Hà Củ Chi nhờ ông Cố Xuân.
– Xứ Đoàn GĐ HHTM Tân Hưng Quận 12 nhờ anh Đức.
3. Cầu Nguyện cho các Hội viên bị bệnh lâu ngày:
– Bà Maria Phạm Thị Thục – nguyên Liên hội Phó HHTM đang ở nhà con gái.
– Anh Valentine Phạm Văn Ngọc, liên Hội phó HHTM bị suy nhược, đang ở nhà hưu tại Bà Rịa.
– Chị Toàn, nguyên Xứ Đoàn Trưởng XĐ Bắc Hà Củ Chi đang nằm dưỡng bệnh tại nhà.
Xin các Xứ Đoàn hiệp ý cầu xin cho các Ông bà anh chị bệnh nhân được ơn chữa lành.
4. Về công tác mới của LĐ Gia Đình HHTM tại NT Thánh Mẫu:
Liên đoàn Gia Đình mới được Cha Phaolo Phụ tá HHTM phân công phụ trách đọc sách thánh các thánh lễ 05g30 sáng Thứ Bảy hằng tuần tại NT Thánh Mẫu. BCH LĐ phân công như sau :
– Sáng Thứ bảy 06/07/2019: Gia đình HHTM Sao Mai.
– Sáng Thứ bảy 13/07/2019: Gia đình HHTM Mat-thêu.
– Sáng Thứ bảy 20/07/2019: Gia đình HHTM Lộ Đức.
– Sáng Thứ bảy 27/07/2019: Ban chấp hành Liên đoàn Gia đình HHTM.
C. TIN LIÊN ĐOÀN GIỚI TRẺ HHTM TGP:
Liên Đoàn Giới Trẻ HHTM TGP Saigon gồm 6 Xứ Đoàn đang hoạt động như sau:
– Xứ Đoàn Giới Trẻ Sao Mai,
– Xứ Đoàn Giới Trẻ Thạch Đà,
– Xứ Đoàn Giới Trẻ Châu Bình,
– Xứ Đoàn Giới Trẻ Thái Bình,
– Xứ Đoàn Giới Trẻ Bình Thái,
– Xứ Đoàn Giới Trẻ Bình An.
Hiện Xứ Đoàn Sinh Viên Nhà Thờ Thánh Mẫu Trung Ương đang trong giai đoạn hình thành. Liên Đoàn Giới Trẻ HHTM tiếp tục củng cố sinh hoạt bằng việc BCH Liên Đoàn đi thăm các Xứ Đoàn, chuẩn bị bầu lại Tân Ban Chấp Hành Liên Đoàn Giới Trẻ HHTM .
TRUYỀN THÔNG HHTM

XIN TẢI TẬP SAN HIỆP SỐNG THÁNG 07.2019 TẠI DƯỚI.

TẬP SAN HIỆP SỐNG THÁNG 07 2019