“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 3, 10-18).
Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.
Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Đức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Chúng Tôi Phải Làm Gì? ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
“Người Tù Nhân Hoán Cải” Lm. Hiền Lâm Trg 4
Công Bình Và Bác Ái Với Tha Nhân Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Việc Cao Cả Nhất Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Hoài Vọng Hạt Nắng Trg 10
Hạt Lúa Trên Nia Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Con Đã Nghe M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Khúc Nhạc Nền Đêm Đông Nắng Sài Gòn Trg 13
Sàng Sẩy A.P Mặc Trầm Cung Trg 14
——————-
Chúng Tôi Phải Làm Gì?
Khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng, hàng đoàn người lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa ăn năn sám hối. Hơn thế nữa, họ còn muốn thay đổi cuộc đời nên ai cũng hỏi thánh nhân: “Chúng tôi phải làm gì?”. Thái độ của họ thành khẩn, đơn sơ, hiểu biết và đầy quyết tâm. Để trả lời, thánh nhân đưa ra những hướng dẫn thật cụ thể. Đó là:
Phải làm những việc cụ thể. Hai thái độ cơ bản phải có là công bình bác ái. Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Như thế, bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo” “hạt gạo cắn đôi”. Chia cả những gì mình đang cần thiết. Trong tinh thần huynh đệ. Trong tinh thần yêu người khác như chính mình. Cơm ăn áo mặc là những gì rất cụ thể thiết thực và vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể chia sẻ được. Chỉ cần muốn là có thể làm được. Công bình cũng không phải là điều gì quá phức tạp. Chỉ đơn sơ giữ đúng luật pháp: nhân viên thu thuế “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”. Và khi thi hành luật pháp binh lính phải có lòng nhân ái chứ đừng cậy quyền thế áp bức và nhất là bóc lột người khác: “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta”. Tuy đơn sơ, thiết thực nhưng lại rất quan trọng để được ơn cứu độ.
Phải làm trong đời sống cụ thể. Những việc cụ thể đó không phải tìm những nơi xa xôi mới thực hiện được. Mỗi người hãy thực hiện công bình bác ái trong đời sống thường ngày của mình, với những người sống chung quanh mình. Thánh nhân không kêu gọi người ta phải ra khỏi môi trường cũ. Ngài chỉ kêu gọi người ta từ bỏ nếp sống cũ. Người thu thuế cứ thu thuế. Binh lính cứ làm nhiệm vụ của binh lính. Nhưng làm với tinh thần mới. Điều quan trọng không phải là đổi mới nơi ở, nhưng là đổi mới chính mình, đổi mới ý nghĩ, đổi mới lời ăn tiếng nói, đổi mới việc làm. Tục ngữ có nói: “Dù có đi xa vạn dặm mà không chịu thay đổi thì bạn vẫn chỉ là con người cũ”. Cứ ở nhà mà dám đổi mới là ta đã đi những bước rất xa, sẵn sàng gặp được Chúa và lãnh nhận được ơn cứu độ.
Những người Do Thái thời Thánh Gioan Tẩy Gỉa thực lòng mong chờ Chúa đến. Nên đã hỏi ngay những việc cụ thể để làm. Và khi nhận được lời khuyên của thánh nhân, họ đã thực hành ngay tức khắc. Vì thế họ đã gặp được Chúa. Hôm nay ta cũng tích cực sửa chữa đời sống theo tinh thần công bình và nhất là theo tinh thần bác ái. Biết sống tinh thần chia sẻ. Dám cho đi cả những gì cần thiết. Mẹ Têrêsa Calcutta dạy ta: hãy cho đi cho đến khi cảm thấy đau đớn xót xa, thì sự cho đi mới thực sự có ý nghĩa. Biết cho đi như thế, chắc chắn ta sẽ gặp được Chúa.
Ta luôn bất bình với thế giới chung quanh. Ta mong ước đổi mới thế giới. Hãy nghe lời Thánh Gioan Tẩy Giả, đừng đòi hỏi người khác đổi mới nếu chính mình không đổi mới. Hãy đổi mới chính mình trước, rồi mọi người sẽ đổi mới. Khi mọi người đổi mới, thế giới sẽ đổi mới. Hãy bắt đầu sống tốt. Rồi mọi sự và mọi người quanh ta sẽ trở nên tốt. Sống tốt chính là bắt đầu thay đổi thế giới. Sống tốt chính là góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con bắt đầu cuộc đời mới ngay từ ngày hôm nay, để con được gặp Chúa. Amen.
Gợi ý chia sẻ:
1. Chia sẻ khác với bố thí thế nào? Thánh Gioan Tẩy Giả đòi ta chia sẽ hay bố thí?
2. Bạn có ước mong thế giới đổi mới nên tốt hơn không? Muốn thế bạn phải làm gì?
3. Bạn có mong ước Chúa đến với mọi người không? Muốn thế bạn phải dọn đường cho Chúa như thế nào?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
—————————————-
Công Bình Và Bác Ái Với Tha Nhân
Chúa nhật III Mùa Vọng quen gọi là Chúa Nhật Gaudete (Chúa Nhật vui hay Chúa Nhật hồng). Gaudete là chữ đầu tiên của bài Ca Nhập Lễ trích từ thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philip 4,4-6: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến”.
Tắt một lời, hôm nay là ngày vui, ngày của màu hồng vì sắp tới ngày mừng biến cố Chúa Giáng Sinh. Nhưng để có được niềm vui trọn vẹn và niềm vui đích thực thì cần phải làm gì? Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng năm C hôm nay, đưa ra từng việc cụ thể để hoán cải cho từng người và từng thành phần trong xã hội qua lời rao giảng của thánh Gioan Tiền Hô. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi học lấy sự khiêm tốn nơi thánh Gioan Tiền Hô để sống đúng với bậc sống của mình.
1. Lời mời gọi cải thiện đời sống.
Phần Tin Mừng (Lc 3,10-14) hôm nay là điểm rất riêng của thánh ký Luca mà không có trong các Tin Mừng khác. Thánh Luca kể một cách rõ ràng chi tiết về lời rao giảng của thánh Gioan Tiền Hô về việc cải thiện đời sống:
“Đám đông hỏi ông Gioan rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây? ” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? ” Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? ” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”
Cụ thể, thánh Gioan Tiền Hô đưa ra cho mọi người một nguyên tắc chung, đó là tình tương thân tương ái, chia sẻ giúp đỡ nhau: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.”
Còn với những ai đang sống và làm việc trong những ngành nghề mà xã hội, dù đó là nghề nghiệp gì bị người đương thời khinh bỉ, hay thậm chí nghề nghiệp đó có thể đưa đến những lạm dụng tham lam hay hà hiếp, thánh Gioan không kêu gọi người ta bỏ nghề, nhưng là chu toàn bổn phận một cách công bình và bác ái.
Tóm lại, thánh Gioan Tiền Hô khuyên người ta làm những việc chứng tỏ cụ thể tình huynh đệ và đức công bình, mà không đòi hỏi các người thu thuế hay lính tráng phải bỏ nghề nghiệp của họ (dù nghề này bị lên án đối với người Do Thái đương thời). Nghĩa là, nghề nghiệp không làm cho con người bị loại ra khỏi tình yêu cứu độ, nhưng để được cứu độ phải thực thi công bình và nhân ái.
2. Mỗi người có một giai đoạn trong Thiên Chúa.
Thánh Luca viết: “Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia! Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người…” (Lc 3, 15-16).
Có lẽ hiếm tìm được ai như thánh Gioan Tiền Hô. Thay vì lôi kéo người khác theo mình, không dành giật đệ tử đã là may, thì ngài lại giới thiệu đệ tử của mình cho thầy khác là Chúa Giêsu.
Thánh Gioan làm thế, vì ngài ý thức về thời gian và sứ vụ của vị Tiền Hô, là chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến và khi Đấng Cứu Thế đến thì sứ vụ ngài đã hoàn thành.
Chúng ta cũng thế, mỗi người đều nhận một sứ vụ và một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa. Thế nhưng, (cả đời lẫn đạo) không ít người tự lầm tưởng như chỉ có mình mới làm được điều này điều kia mà không ai có thể thay thế, rồi lo tạo cánh kéo bè củng cố chỗ đứng của mình. Đặc biệt khó chấp nhận và tìm cách níu kéo khi phải bàn giao. “Đấng” này khi phải thuyên chuyển để cho “vị” khác đến phục vụ thật khó biết bao, nhất là tìm cách áp đặt chủ trương và công trình của mình lên người tiếp nối.
Trong việc phụng sự và phục vụ của Kitô hữu, không ít từ các “đấng” đến “con chiên”, bề ngoài tưởng chừng như việc phục vụ để Chúa được vinh danh, nhưng thực chất đang ngầm ý để được mọi người ca tụng, tìm vinh danh mình hơn là Chúa được nhận biết. Khi làm được điều gì hay xây dựng được cái gì, thì coi như do công sức, tài năng của mình, mà quên rằng là do Chúa ban và sự đóng góp của mọi người. Thành công thì gán cho mình và lên mặt khinh khi kẻ khác, thất bại thì tìm cớ để đổ thừa đổ lỗi.
Tóm lại: Lời Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta biết cải thiện đời sống bằng cách sống công bình và bác ái với tha nhân. Đồng thời, noi gương thánh Gioan Tiền Hô mà làm tất cả cho vinh danh Chúa, để Chúa được lớn lên và được mọi người nhận biết, chứ đừng lo tìm kiếm vinh quang cho mình.
Lạy Chúa, ngày kỷ niệm Con Chúa giáng trần đã gần kề, xin cho chúng con tích cực chuẩn bị tâm hồn qua việc sống công bình và bác ái, để khi ngày Noel đến, chúng con được hưởng niềm vui thánh thiện, xuất phát từ sâu thẳm của tâm hồn luôn đợi chờ Chúa Giê-su viếng thăm. Amen.
Lm. Hiền Lâm
—————————-
“Người Tù Nhân Hoán Cải”
Tại một nhà tù ở Ý, có một người đàn ông tên Marcô, từng bị kết án vì những hành vi phạm pháp nghiêm trọng. Tuổi trẻ nổi loạn và cuộc sống không định hướng đã đẩy anh vào con đường tội lỗi. Trong những năm tháng đầu tiên trong tù, Marcô luôn biện minh cho mình và đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Một ngày nọ, trong giờ lao động, Marcô được phân công quét dọn nhà nguyện của trại giam. Khi cầm cây chổi dọn dẹp dưới chân tượng Chúa chịu nạn, anh bất chợt dừng lại, nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá. Hình ảnh Đấng chịu đau khổ vì tội lỗi loài người khiến trái tim anh rung động. Anh tự hỏi: “Nếu Chúa đã tha thứ cho cả những kẻ đóng đinh Ngài, liệu mình có thể được tha thứ không?”
Từ hôm đó, Marcô bắt đầu tham dự các buổi cầu nguyện trong nhà nguyện và dành thời gian suy niệm về cuộc đời mình. Anh quyết định viết thư xin lỗi những người mà anh đã làm tổn thương, đặc biệt là gia đình anh. Trong từng lá thư, Marcô thú nhận tội lỗi của mình, bày tỏ lòng ăn năn và khát khao được tha thứ.
Sau nhiều năm cải tạo, Marcô được mãn hạn tù sớm. Anh trở về quê nhà, sống một cuộc đời mới với một tâm hồn bình an. Không chỉ vậy, Marcô còn dành thời gian để giúp đỡ những thanh niên lầm lạc, chia sẻ câu chuyện của mình và khích lệ họ thay đổi cuộc đời.
Hôm nay Gioan mời gọi mọi thành phần dân Chúa hãy sửa lại lối sống của mình để đón tiếp Đấng Messia. Gioan không bảo họ trang trí nhà cửa phố xá cho nguy nga lộng lẫy. Gioan không bảo họ chuẩn bị các món ăn đặc sản của dân tộc để thiết đãi Đấng Messia. Gioan đề nghị họ một cung cách sống để vui lòng Đấng Messia. Đối với đám đông dân chúng hãy biết sống chia sẻ với nhau. Hãy sống đùm bọc nhau trong tình bác ái chân thành qua việc chia sẻ cơm ăn, áo mặc. Đối với người thu thuế và người giầu có hãy sống công bình bác ái. Đừng cho vay nặng lãi. Đừng chồng chất thêm gánh nặng cho dân bằng sưu cao thuế nặng. Hãy sống bằng một trái tim nhân ái biết xót thương kẻ bần cùng lầm than. Đối với binh lính, Gioan đề nghị hãy biết thương dân, đừng hà hiếp bóc lột, đừng sống theo kiểu tham quan vô nại, hãy sống theo chức vụ của mình là để bảo vệ và gìn giữ sự an ninh cho dân làng.
Nghe lời Gioan ai nấy đều muốn thay đổi lối sống cho đẹp lòng Đấng Messia. Từng đoàn người đến sông Giordan. Trong đó có đủ mọi thành phần già trẻ, lớn bé. Quyền qúy cao sang và đói khổ bần hàn. Tất cả đều cúi mình sám hối. Tất cả đều muốn thay đổi lối sống. Sửa lại những quanh co gian trá của lòng người. Lấp đầy những hố sâu của ngăn cách bằng tình yêu chân thành. Và san bằng núi đồi kiêu căng bằng đời sống hoà hợp mến yêu. Một bầu khí thật vui tươi và an bình trải rộng khắp dòng sông Giordan. Một niềm hy vọng cho một thế giới không còn bất công, không còn hận thù chỉ còn có sự chia sẻ, cảm thông trong yêu thương chân thành. Một bầu khí hứa hẹn những ngày tháng thanh bình như lời tiên tri Isaia đã nói: “sói nằm chung với chiên con. Trẻ con thò tay vào hang rắn độc. Người ta sẽ lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy và nhân loại sẽ cùng nhau hát vang tiếng hát hoà bình”.
Anh chị em thân mến, Mùa Vọng không chỉ là thời gian chuẩn bị bên ngoài như trang trí nhà cửa, sắm sửa quà cáp, mà quan trọng hơn là chuẩn bị tâm hồn. Hãy noi gương Gioan Tẩy Giả, sống bác ái, công chính, và sám hối để niềm vui Giáng Sinh thực sự trọn vẹn.
Hãy để mọi hành động nhỏ bé của chúng ta hôm nay trở thành lời tuyên xưng tình yêu và niềm tin vào Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta không chỉ đón Chúa đến trong tâm hồn mình, mà còn làm cho ánh sáng của Người lan tỏa đến mọi nơi.
Nguyện xin Chúa ban ơn trợ lực, để mỗi chúng ta biết sống xứng đáng với lời mời gọi của Chúa trong Mùa Vọng này. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
————————————-
Việc Cao Cả Nhất
Trong những công việc người ta thực hiện trên đời, việc nào cao cả nhất, mang lại phần thưởng lớn nhất?
Đối với số đông hôm nay, việc cao cả nhất là việc mang lại thu nhập cao, mang lại danh tiếng, lợi ích cho mình nhất…
Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa, việc cao cả nhất, mang lại phần thưởng lớn nhất là yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Đây là việc quan trọng hàng đầu vì thuộc về giới răn trọng nhất Chúa Giêsu ban cho nhân loại.
Tin Mừng trích đọc hôm nay cho biết: khi đám đông dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan làm phép rửa, họ hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy; những người thu thuế thì đừng bắt chẹt người ta; binh lính thì đừng ức hiếp ai…” Nói tóm lại, mọi người phải yêu thương đùm bọc nhau, chia cơm xẻ áo cho nhau, tức là phải giữ tròn đức mến.
Đây là những điều không mới, chúng ta đã nghe nhiều rồi, nên chẳng mấy quan tâm.
Tuy nhiên, đây là giáo huấn quan trọng bậc nhất của Chúa Giêsu; vì thế, nếu chúng ta bỏ qua không tuân giữ thì phải gánh lấy nhiều hậu quả tai hại như sau:
Thứ 1. Hôm nay, dù chúng ta có làm được những điều trọng đại như: nhân danh Chúa nói tiên tri, xua trừ được nhiều quỷ hay làm nhiều phép lạ… mà không thực hành giới luật yêu thương, thì mai đây, khi ra trước tòa phán xét, cũng sẽ bị Chúa loại trừ (Mt 7,21-23).
Thứ 2. Theo thánh Phaolô, dù người ta có lập nên kỳ công như: nói được các thứ tiếng của loài người và thiên thần, được ơn tiên tri biết hết mọi điều bí nhiệm trong trời đất, thông biết mọi lẽ cao siêu huyền diệu trong vũ trụ hay có đức tin siêu phàm đến chuyển núi dời non, thậm chí dù có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt… mà không có đức mến, thì cũng chẳng được ơn ích gì trước mặt Chúa. ((IC 13, 1-3).
Thứ 3. Hậu quả đau thương nhất là trong ngày phán xét, những ai không yêu thương đùm bọc người nghèo khổ hay đang gặp khó khăn… thì sẽ bị Chúa Giêsu lên án: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia! Đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25, 41-43).
Như thế, dù chúng ta làm nên những kỳ công vĩ đại, thực hiện được những việc phi thường mà không làm những việc bác ái đơn sơ như nhường cơm xẻ áo cho người khốn khó, giúp đỡ những người túng thiếu bần cùng… thì rốt cuộc, chúng ta chẳng thu hoạch được gì cho cuộc sống mai sau.
Trái lại, dù chúng ta không làm được việc lớn lao trọng đại trước mặt người đời nhưng biết sống trọn tình vẹn nghĩa với nhau, yêu thương đùm bọc những người khốn khổ… là chúng ta đã làm được điều quan trọng và cao cả nhất mà Thiên Chúa mong đợi và sẽ được Chúa ban phần thưởng lớn lao trên quê trời.
Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống trần gian, chúng con có rất nhiều việc để làm, nhưng xin cho chúng con đừng lãng quên việc quan trọng nhất, cần phải ưu tiên thực hiện là sống bác ái, yêu thương đùm bọc nhau.
Xin cho chúng con luôn nhớ rằng:
Nếu chúng con không làm việc bác ái thì dù có làm được hàng trăm việc lớn lao cũng chẳng được ích gì trước mặt Chúa. Còn nếu chúng con chăm lo giữ luật mến Chúa yêu người, thì phần thưởng đời đời đã nằm trong tầm tay.
Xin Chúa nhận lời chúng con. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
————————————-
Hoài Vọng
CN III MV.C – (Lc 3, 10 – 18)
Dọn lòng mong đợi Đấng Thiên Sai
Nhân thế an hòa phúc thái lai
Lối sống canh tân tình triển nở
Tâm hồn thủ cựu nghĩa phôi phai
Công bình, bác ái tan thù hận
Chính trực, yêu thương xóa họa tai
Hạt giống Tin Mừng đơm kết trái
Đức tin cháy sáng kiến Nhan Ngài.
Hạt Nắng
————————————
Hạt Lúa Trên Nia
CN III MV.C (Lc 3, 10 – 18)
Con phải làm gì, Chúa ơi! hồn mong đợi,
ngày Chúa viếng thăm đổi mới cõi trần gian.
Hạt lúa trên nia, Ngài thanh lọc sẩy sàng,
thân lúa lép, khóc muộn màng trong hối tiếc.
Tham vọng cuộc đời, bao tâm hồn bại liệt,
hạt lúa nhẹ tênh, bởi tha thiết phù vân.
Thích đua tranh, gom góp, thích giành phần,
mặc ai đói rách, thiếu của ăn, hồn vô cảm.
Con phải làm gì, Chúa ơi! Ngày ảm đạm,
của kẻ vô tâm, sống gian lận, bất công.
Lúa lép lọt nia, lửa thiêu đốt trong lòng,
hồn bệnh hoạn, không hiệp thông ơn thánh.
Con phải làm gì Chúa ơi! Ngày kết án,
được bình yên, trước Thẩm Phán chí công.
Ngày kẻ quyền uy trần thế phải phập phồng,
bè phái ức hiếp, tội thông đồng vu khống.
***
Con đã hiểu rồi, Chúa ơi! Tình hoài vọng,
phó thác tin yêu, trước biến động trần gian.
Hạt lúa chôn vùi, ngày tháng chịu gian nan,
sinh hoa kết hạt, hồn căng tràn đức ái.
Con đã biết rồi, Chúa ơi! Ngày trọng đại,
ngày Chúa kiện toàn, thiết lập lại kỷ cương.
Bác Ái – Công Bình – Chân Lý – Tình Thương,
niềm Tin – Cậy – Mến tỏa hương thơm phó thác.
Hạt lúa trên nia reo vui đầy hoan lạc,
đón Đấng Cứu Độ khải hoàn, vang khúc hát tân ca.
Bâng Khuâng Chiều Tím
————————————-
Con Đã Nghe
CN III MV.C – (Lc 3, 10 – 18)
Như mảnh đất cằn khô, chờ mong cơn mưa trời,
như cánh hoa tả tơi, ước mong bàn tay chữa lành.
Giữa cuộc sống đua tranh, tâm hồn con sầu héo,
giữa đường đời cheo leo, đắm chìm trong đêm tối.
Giữa cuộc sống nổi trôi, vọng vang lời gọi mời,
giữa sóng xô bể dâu, ước mong bàn tay nhiệm mầu.
Xoa dịu bớt thương đau, tâm hồn con mở lối,
giã từ chốn tanh hôi, sám hối bao tội đời.
Vâng, con đã lắng nghe,
Chúa ơi! con đã lắng nghe.
Nghe tiếng chuông nguyện cầu,
trong đêm nhiệm mầu, mừng đón Chúa xuống trần gian.
Vâng, con đã lắng nghe,
Chúa ơi! con đã lắng nghe.
Nghe tiếng loa thiên thần,
báo tin nhân trần, chào đón Đêm Thánh hồng ân.
Như hạt lúa đơn sơ, vùi sâu quên thân mình,
vui sống trong niềm tin, rắc gieo tình yêu, công bình.
Như hạt lúa trên nia, luôn đầy căng đức ái,
khát vọng Đấng Thiên Sai, thế giới vui thanh bình.
M. Madalena Hoa Ngâu
————————————
Khúc Nhạc Nền Đêm Đông
CN III MV.C – (Lc 3, 10 – 18)
Con biết phải làm gì, Chúa ơi!
Khi thuyền gặp giông bão .
Con biết phải làm gì, Chúa ơi!
Khi dòng đời lao đao.
Lao đao, cơm áo gạo tiền,
lao đao, giấc mộng đảo điên,
ưu phiền, nhân tình thế thái,
nước mắt vắn dài,
làm nhạc nền…khúc hát Đêm Đông.
Nghe tiếng vọng thì thầm, Chúa ơi!
Dọn lòng để đón Chúa.
Trong khát vọng lặng thầm, Chúa ơi!
Tim rộn ràng lao xao.
Lao xao… Con Chúa giáng trần,
lao xao… đón nhận hồng ân,
khiêm nhường, tâm hồn đổi mới,
chén đắng cuộc đời,
thành rượu nồng, nhấp cạn Đêm Đông.
Con đã nghe, Chúa ơi! Giữa sa mạc cuộc đời,
con đã nghe, lời gọi mời san đồi bạt núi.
Sửa đường đón Chúa viếng thăm,
nắng hồng xua tan tối tăm,
Ngôi Hai giáng trần ban Tin Mừng cứu rỗi.
Con đã nghe, Chúa ơi! Tiếng vang vọng giữa đời,
con đã nghe, lời gọi mời nhường cơm sẻ áo.
Thương người khốn khó lao đao,
gieo mầm tin yêu khát khao ,
yêu thương ngọt ngào trong Đêm Thánh bình an.
Trong khát vọng cuộc đời, Chúa ơi!
Con mong chờ Chúa đến.
Dẫu khắc khoải, muộn phiền, Chúa ơi!
Con dâng niềm tin yêu.
Tin yêu, lướt sóng giữa đời,
tin yêu, thắng vượt trùng khơi,
tình người gieo mầm chân lý,
bác ái, công bình,
hòa nhạc nền…khúc nhạc Đêm Đông.
Nắng Sài Gòn
————————————
Sàng Sẩy
CN III MV.C – (Lc 3, 10-18)
Giữa dòng đời Chúa sàng sẩy thân con,
hầu thanh lọc đời con nên hoàn hảo.
Sóng gió tình đời khiến hồn con chao đảo,
ích kỷ, gian tham, ác ý để vinh thân.
Lợi lộc, quyền uy con cũng muốn tranh phần,
dùng thủ đoạn, mưu mô, mặc tha nhân thống khổ.
Nay Chúa đến ban niềm vui cứu độ,
kêu gọi con sám hối, hãy quay về.
Lấp cho đầy mọi thung lũng đam mê,
san cho phẳng những sơn khê kiêu ngạo.
Đường quanh co phải đi vào chính đạo,
lấy tình thương xây giáo huấn công bình.
Bác ái chân thành làm của lễ hy sinh,
chia cơm sẻ áo, phận điêu linh, đói rách.
Đức công bằng giữ lòng luôn thanh sạch,
không tham lam, giữ nhân cách đời mình
Sống hiền hòa, yêu quí đức công minh,
biết bênh vực, kiếp nhân sinh cô thế.
Nước mắt đong đầy trước chuyện đời dâu bể,
sám hối ăn năn, biết chế ngự sai lầm.
Sự Thật, Hòa Bình, Công Lý, đắc nhân tâm,
xây dựng hạnh phúc theo Phúc Âm, Chân Lý.
Nia trong tay Chúa rê tìm tri kỷ,
hạt sám hối chân thành, Ngài yêu quý nhặt lên.
Con khát vọng mong chờ, chờ được Chúa gọi tên …
A.P Mặc Trầm Cung