SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 923, CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – B, CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO, 20/10/2024

 

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 10, 35 – 45)

Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.
Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Hãy Loan Báo Tin Mừng ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Muốn Làm Đầu Phải Hầu Thiên Hạ Lm. Hiền Lâm Trg 4
Đức Tính Của Người Truyền Giáo Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chia Sẻ Niềm Vui Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Đường Phục Vụ Hạt Nắng Trg 10
Theo Đường Chúa Đi Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Tiếp Nối Tin Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Bài Học Quên Mình Nắng Sài Gòn Trg 14
Đường Phục Vụ A.P Mặc Trầm Cung Trg 15

 

—————————————

 

 

Hãy Loan Báo Tin Mừng

Một đạo sĩ hỏi các đệ tử: Các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện, khi nào ánh sáng tới và bóng tối lui đi không?
Các đệ tử thi nhau trả lời: Thưa thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi từ xa nhìn một đoàn vật người ta có thể phân biệt được con nào là con bò và con nào là con trâu không? Thày lắc đầu: Không phải. Đệ tử khác trả lời: Thưa thày có phải ánh sáng tới và bóng tối lui là khi từ xa nhìn vào vườn cây, người ta có thể phân biệt được cây nào là cây xoài cây nào là cây mít không? Thày vẫn lắc đầu: Không phải. Thấy không ai trả lời được, thày mới giải nghĩa: Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nào ta nhìn vào mặt người xa lạ và nhận ra đó là anh em mình.
Thật là khó hiểu. Tuy trên đời ta thấy có nhiều thứ ánh sáng. Có ánh sáng mặt trăng mặt trời. Có ánh sáng đèn dầu, đèn điện. Có những ánh sáng như tia X, tia hồng ngoại. Nhưng tất cả những ánh sáng đó chỉ giúp ta nhìn rõ sự vật. Không thấy có thứ ánh sáng nào soi vào mặt người xa lạ mà biến người ấy thành người thân của mình.
Mẹ Têrêxa dường như đã tìm ra thứ ánh sáng ấy.
Mẹ Têrêxa là một nữ tu người Anbani, được sai đến phục vụ người nghèo tại Ấn độ. Đến Ấn độ, thấy người nghèo khổ quá tội nghiệp. Biết bao người hấp hối ngoài lề đường. Chết rồi xác bị quẳng vào đống rác như xác thú vật. Biết bao trẻ thơ bị bỏ rơi. Biết bao gia đình chui rúc trong các căn nhà ổ chuột. Biết bao người đói khát không đủ cơm ăn áo mặc. Mẹ lăn xả vào phục vụ người nghèo.
Một hôm Mẹ đi thăm một ông già cô đơn trong căn lều tồi tàn. Bước vào lều Mẹ động lòng thương cảm. Vì tất cả đồ đạc chỉ là một mớ giẻ rách. Căn lều bụi bặm bẩn thỉu ngoài sức tưởng tượng. Và nhất là ông già thu mình lại không muốn giao tiếp với ai. Mẹ chào hỏi ông cũng không buồn trả lời. Mẹ xin phép dọn dẹp căn lều ông cũng làm thinh. Đang khi dọn dẹp, Mẹ thấy trong góc lều có một cây đèn dầu bụi bám đen đủi. Sau khi lau chùi, Mẹ kêu lên: Ô, cây đèn đẹp quá. Ông già nói: Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi ngày cưới. Từ khi bà ấy chết, tôi không bao giờ đốt đèn nữa. Thấy ông đã cởi mở, Mẹ Têrêxa đề nghị: Thế ông có bằng lòng cho các chị nữ tu mỗi ngày đến thăm và đốt đèn cho ông không? Ông đồng ý. Từ đó mỗi buổi chiều, các chị tới thăm ông, dọn dẹp nhà cửa, nói chuyện với ông. Ngọn đèn ấm áp trong căn lều ấm cúng. Ông trở nên vui vẻ hơn. Ông đã đi thăm mọi người. Mọi người đến thăm ông. Cuộc đời ông vui tươi trở lại.
Trước kia cuộc đời ông tăm tối không phải vì ông không thắp đèn. Nhưng vì ngọn đèn trong trái tim ông đã tắt. Trái tim khép kín nên ông mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống. Ông nhìn mọi người như thù địch. Từ ngày các nữ tu đến đốt đèn đời ông vui lên, sáng lên. Đời ông sáng lên không phải vì có ngọn đèn dầu hoả soi sáng. Nhưng vì trái tim ông bừng sáng. Ngọn đèn tâm hồn ông rạng rỡ. Tâm hồn ông cởi mở và ông nhìn thấy mọi người là anh em. Thứ ánh sáng ấy ta thấy trong Phúc Âm. Khi người Samaritano nhân hậu cúi xuống săn sóc, băng bó vết thương cho người bị nạn bên đường. Hai người nhìn nhau. Một làn ánh sáng loé lên. Và họ nhận ra nhau là anh em.
Cứ như thế Mẹ Têrêxa miệt mài phục vụ người nghèo. Lập những trung tâm đón tiếp những người hấp hối, săn sóc để họ được chết, được chôn cất như một con người. Nuôi trẻ mồ côi. Xây bệnh viện. Xây trường học. Công việc càng ngày càng mở rộng. Số người theo Mẹ ngày càng đông và Mẹ đã lập dòng Nữ tử Thừa sai Bác ái chuyên phục vụ người nghèo. Hiện nay nhà dòng đã có mặt trên 132 quốc gia. Mẹ được thế giới biết tiếng. Mẹ được nhiều giải thưởng trong đó có giải Nobel Hoà bình. Năm 1997, khi Mẹ qua đời, 80 nguyên thủ quốc gia, trong đó có phu nhân tổng thống Mỹ Bill Cliton và phu nhân tổng thống Pháp Jacques Chirac đã đến dự đám tang. Và nước Ấn độ, đa số dân theo Ấn độ giáo, vốn không ưa đạo Công giáo, đã chôn cất Mẹ theo nghi thức quốc táng. Hai mươi mốt phát súng đại bác tiễn đưa linh hồn Mẹ về trời.
Mẹ Têrêxa là một nhà truyền giáo thành công của thế kỷ 20. Vì Mẹ đã biết thắp lên ngọn đèn soi trong đêm tối.
– Giữa đêm tối vật chất hưởng thụ, Mẹ đã thắp lên ngọn đèn siêu nhiên của thiên đàng.
– Giữa đêm tối rụt rè nghi kỵ Mẹ đã thắp lên ngọn đèn cởi mở tin yêu.
– Giữa đêm tối lạnh lẽo cô đơn. Mẹ đã thắp lên một ngọn đèn ấm áp tình người. Trái tim Mẹ là một ngọn đèn sáng. Ánh sáng ấy toả lan tới muôn người làm cho mọi người nhận biết khuôn mặt hiền lành khiêm nhường của Đức Kitô và làm cho mọi người nhìn nhau là anh em.
Vào thời Cộng sản còn mạnh và còn chống đối Công giáo kịch liệt. Mẹ Têrêxa vẫn có thể lập nhà ở Nga, ở Cuba và cả ở Việt Nam. Với tấm lòng bác ái, Mẹ đã chiếu toả ánh sáng Tin Mừng khắp thế giới.
Hôm nay Giáo Hội cầu nguyện cho việc truyền giáo. Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta góp phần vào việc truyền giáo. Không gì bằng ta hãy noi gương Mẹ Têrêxa, thắp lên ngọn lửa tin yêu trong lòng mình, đem ngọn lửa yêu thương phục vụ soi sáng khắp nơi. Thế giới sẽ bừng sáng và mọi người sẽ nhìn nhận nhau là anh em.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Nhờ đâu Mẹ Têrêxa đến được cả những nước Cộng sản?
2- Nhờ đâu việc truyền giáo của Mẹ Têrêxa thành công tốt đẹp?
3- Đời sống bạn là ánh sáng hay là bóng tối cho những người chung quanh?
4- Bạn quyết tâm làm gì để loan báo Tin Mừng cho mọi người?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

——————————————

 

 

Muốn Làm Đầu Phải Hầu Thiên Hạ

Bài Tin Mừng nằm trong bối cảnh lần thứ ba Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó và phục sinh của Người. Lời tiên báo được thốt ra khi thầy trò đang tiến lên Giêrusalem và các môn đệ hí hửng mang trong mình mong muốn thầy xưng hùng lập quốc để các ông được chia sẻ quyền lực, nên Chúa Giêsu một lần nữa lặp lại cho các môn đệ biết con đường Người sẽ đi để hoàn tất chương trình cứu độ, con đường: “qua thập giá đến vinh quang”.

1. Con đường qua thập giá tới vinh quang.
Có thể nói, tội nguyên tổ như một quả bom nguyên tử được làm bằng thuốc nổ kiêu ngạo và bất tuân đã rơi xuống cắt đứt con đường nối con người với Thiên Chúa, con đường nối dương gian với quê trời, sức công phá của nó đã tạo nên một hố sâu lớn khiến cho không ai từ bên nhân loại có thể qua với Thiên Chúa được nữa. Bây giờ, Chúa Giêsu đến, Người bắc cây cầu qua cái hố sâu tội lỗi đó là thập giá, được làm bằng chất liệu gỗ khiêm nhường và vâng phục. Để từ đây, con người muốn qua gặp gỡ Thiên Chúa, muốn vào Nước Trời thì phải đi trên cây cầu thập giá này, bởi: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”.

Chúa Giêsu không những đã nói mà còn đi bước trước trong con đường thập giá đó. Chúa Giêsu tự vác lấy thánh giá mình để đi trọn con đường cứu độ, nên Chúa cũng muốn mọi người vác lấy thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.

2. Muốn làm đầu phải hầu thiên hạ.
Tin Mừng kể câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp của anh em con nhà ông Giêbêđê xúi mẹ “đi đêm” với Chúa Giêsu để được quyền cao chức trọng. Thật ra, không phải để nói xấu quý ngài mà là nói lên bản tính của con người vốn ham mê quyền lực, nhưng điều quan trọng là sự biến đổi thành thánh nhân bằng con đường phục vụ và hiến mạng sống mình vì Chúa và tha nhân như thánh Giacôbê và Gioan.

Đâu chỉ riêng gì hai vị Giacôbê và Gioan, mà cả nhóm các tông đồ cũng tỏ ra tức tối về chuyện xin xỏ quyền lực này (Mt 20,24). Thật vậy, từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ, các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giêsu cho làm quan to nhất trong Nước Trời. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hi sinh phục vụ.

Một trong những cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền…

Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, các ngài từng hỏi khéoThầy Giêsu xem ai được làm quan to nhất trong Nước Người. Còn “hai vị kia” thì lo lót chạy trước hai cái ghế nhị tam ở bên tả và bên hữu Thầy.

Làm to ai cũng muốn, nhưng lại ngại phải hi sinh. Vì thế, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng Người đưa ra điều kiện để vào Nước Trời trước đã: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”. Chén Thầy sắp uống chính là con đường thập giá và hi sinh để cứu độ. Kế đến Người mới đưa ra điều kiện để trở nên lớn trong Nước Trời chính là: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. Như vậy, chức quyền để phục vụ chứ không phải để cai trị.

Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như bé nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này.

Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hi sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.

Lạy Chúa Giêsu, là những môn đệ được Chúa mời gọi bước theo Ngài, xin chúng con không ngại khó ngại khổ và can đảm bước trên con đường Chúa đã đi qua, là hi sinh vác thập giá với Chúa để cứu độ các linh hồn. Amen

Lm. Hiền Lâm

 

—————————————-

 

 

Đức Tính Của Người Truyền Giáo

Con người thường có xu hướng chạy theo danh vọng và quyền bính. Bởi danh vọng và quyền bính thường đi kèm với quyền thống trị và bổng lộc do quyền lực đưa đến. Văn hóa và xã hội thường đề cao những người có danh vọng và quyền bính. Sự ngưỡng mộ từ người khác thúc đẩy con người theo đuổi chúng như một tiêu chuẩn của sự thành công.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của người môn đệ Chúa, danh vọng và quyền bính trong thế gian chỉ là hư ảo, bởi sự vinh quang đích thực chỉ có từ sự phục vụ và khiêm nhường.

Ta có thể so sánh để thấy rõ hơn sự khác biệt giữa người thế gian và người môn đệ Chúa cùng chạy theo dạnh vọng.

Người thế gian tìm danh vọng qua địa vị và quyền lực để được sự ngưỡng mộ của người khác. Người môn đệ Chúa thì từ bỏ danh vọng cá nhân, xem trọng việc phục vụ trong khiêm nhường.

Mục tiêu của người đời tìm danh vọng là để tìm kiếm sự an toàn, giàu có, và sự thăng tiến cá nhân.Mục tiêu người môn đệ Chúa là theo Đức Giêsu, là chấp nhận thập giá và phục vụ vì Tin Mừng.

Tóm lại, người ngoài đời thường tìm kiếm quyền lực và danh vọng để đạt được sự kính trọng và bổng lộc, trong khi người môn đệ Chúa từ bỏ những điều này, lựa chọn sự khiêm nhường và phục vụ theo gương Đức Giêsu.

Tin Mừng Chúa Nhật 29 Thường Niên năm B (Mc 10, 35-45), Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta một bài học sâu sắc về tinh thần phục vụ. Khi các môn đệ Giacôbê và Gioan xin được chỗ ngồi vinh quang bên hữu và bên tả Chúa trong vương quốc của Người, Chúa Giêsu đã nhắc nhở rằng sự cao trọng trong vương quốc Thiên Chúa không nằm ở quyền lực hay địa vị, mà ở lòng khiêm tốn và sự phục vụ tha nhân. Chúa nói: “Ai muốn làm lớn giữa các con, thì phải làm người phục vụ các con, và ai muốn làm đầu các con, thì phải làm đầy tớ mọi người.”

Tinh thần phục vụ và khiêm nhường cũng là yếu tố cần có của người truyền giáo. Tinh thần truyền giáo không chỉ là rao giảng, nhưng là phục vụ với tình yêu thương và khiêm nhường, theo gương Chúa Kitô. Chúng ta được mời gọi canh tân chính mình, từ bỏ tham vọng cá nhân, những ham muốn quyền lực, và đặc biệt là sự tự cao, tự đại.

Người đi rao giảng Tin Mừng mà còn mang theo những bao bị của quyền lực, danh vọng, tham lam thì khó mà sống thanh thoát khỏi những tham sân si như người đời. Người rao giảng Tin Mừng phải có tinh thần yêu thương và phục vụ vô vị lợi, không nhằm tìm kiếm công danh hay địa vị, nhưng xuất phát từ lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Đôi khi, họ còn phải đón nhận thử thách, chịu đựng những khó khăn trong sứ mạng, và tin tưởng rằng phần thưởng sẽ đến từ Thiên Chúa, chứ không phải từ những thành tựu hay địa vị trần thế.

Nhân ngày ngày Khánh Nhật Truyền Giáo chúng ta được kêu gọi cầu nguyện cho việc truyền giáo được tốt đẹp, cùng chia sẻ vào chương trình truyền giáo qua việc đóng góp cho những vùng truyền giáo, đồng thời, Giáo hội cũng mời gọi chính chúng ta hãy canh tân chính mình theo tin mừng của Chúa. Hãy sống đời phục vụ khiêm nhường, và dấn thân phục vu là chúng ta đang làm chứng ta cho Tin Mừng.

Xin Chúa là Đấng đến để mang lửa yêu thương thắp cho trần gian, xin cũng nung nấu tâm hồn chúng ta để chính chúng ta cũng là những ánh lửa của niềm tin, của tinh yêu cho thế giới hôm nay. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

————————————–

 

 

Chia Sẻ Niềm Vui

Cuộc đổi đời ngoạn mục
Năm 1953, một thanh niên da đen ở Cộng hòa Trung Phi tham gia quân đội viễn chinh Pháp tham chiến tại Việt Nam, tên là Bokassa. Anh nầy có nhiệm vụ canh gác cầu Gành ở Cù lao Phố, Biên Hòa. Tại đây, trung sĩ Bokassa làm quen với một cô gái quê tên là Nguyễn Thị Huệ.
Năm 1954, sau hiệp định Genève, Bokassa chia tay cô Huệ, lúc nầy đã có thai với anh, theo đoàn quân viễn chinh về Pháp. Ít lâu sau, cô Huệ sinh đứa con gái đen ngòm, môi dày, tóc quăn, được đặt tên là Nguyễn Thị Martine.

Lớn lên, Martine giúp mẹ kiếm sống qua ngày bằng việc bán đậu phộng, bánh mì, trà đá… Đầu năm 1972, cô vào làm phu khuân vác trong nhà máy xi măng Hà Tiên, cuộc đời lam lũ khó khăn, tương lai đen tối.

Một ngày cuối năm 1972, khi Martine đang bốc vác xi măng, bụi bặm đầy người, thì cậu của cô bất thần chạy đến reo lên: “Martine! Đi về thay đồ chuẩn bị đi gặp ba mầy làm tổng thống!”

Martine bàng hoàng ngơ ngác chẳng hiểu gì. Hóa ra, dịp may ngàn năm một thuở đã đến: Cha cô là ông Bokassa, người lính da đen gác cầu trước đây ở Biên Hoà, nay đã trở thành Tổng thống nước Cộng hoà Trung Phi, một đất nước khai thác được nhiều kim cương. Ông Bokassa đã cậy nhờ chính phủ Việt Nam Cộng hoà thời đó tìm kiếm đứa con lai của mình tại Việt Nam và rước cô này về Trung Phi, cho ở trong dinh tổng thống.

Thế là Martine, từ thân phận một cô gái lọ lem, trở thành công chúa trong vương quốc kim cương. Thật là một cuộc đổi đời ngoạn mục, hiếm có và tuyệt vời!

Đối với Martine, lời thông báo từ người cậu: “Martine! Đi về chuẩn bị đi gặp ba mầy làm tổng thống!” là tin vui trọng đại, là tin mừng tuyệt vời nhất trong đời cô.

Tuy nhiên, tin vui đó chỉ liên quan đến thân phận một người. Hôm nay, Chúa Giê-su truyền cho chúng ta phải loan báo một Tin mừng rất hệ trọng liên quan đến vận mệnh cả loài người. Ngài nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo.” Nếu Tin mừng của Chúa Giê-su được loan báo khắp nơi, muôn dân sẽ biết mình có một Người Cha rất tuyệt vời là Thiên Chúa, được nhận biết mọi người là anh chị em một nhà và được cùng nhau vui hưởng hạnh phúc Thiên đàng.

Giờ đây ta tự hỏi:
– Nếu cậu của Martine, sau khi nắm bắt được tin vui liên quan đến vận mệnh người cháu mà không báo tin cho cô biết, để mặc cô sống trong lam lũ lầm than, không biết gì về người cha cao sang quyền quý của mình, thì có đáng trách không?

Rất đáng trách và cũng đáng lên án. Không có người cậu nào trên thế gian lại tệ bạc với đứa cháu đáng thương của mình như thế.

– Còn chúng ta, khi chúng ta biết Thiên Chúa là Cha của mình và cũng là Cha của mọi người, mà chúng ta cứ lặng im, không nói cho những người chung quanh biết tin vui lớn lao trọng đại này, thì chúng ta có đáng trách không?

Chắc chắn là đáng trách hơn nhiều. Làm như vậy mang tội đối với Cha trên trời và lỗi đức ái cách nghiêm trọng đối với bao người chung quanh.

Lạy Chúa Giêsu. Chúa luôn thúc giục chúng con lên đường báo tin vui cho những người chung quanh nhận biết Cha trên trời là Người Cha tuyệt vời, giàu lòng yêu thương, đang khắc khoải chờ mong muôn dân về đoàn tụ trong gia đình Thiên Chúa. Nếu chúng con không đáp lời Chúa mời gọi thì chúng con có lỗi nặng với Chúa cũng như với anh chị em mình.

Xin ban ơn giúp sức để chúng con nhiệt thành chu toàn bổn phận nầy cách tốt đẹp, để Chúa được mừng vui vì có nhiều người nhận biết Ngài là Cha và để cho muôn dân được tràn trề hạnh phúc vì biết mình là con yêu quý của Cha trên trời. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

—————————–

 

Đường Phục Vụ
“Vì Con Người đến không phải để được
người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ,
và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”
(Mc 10, 45).

Con Người được phái đến trần gian

Sứ mạng giao hòa trước Thánh Nhan

Chén đắng ân tình xin uống cạn

Thập hình hy lễ chẳng từ nan

Khiêm nhu phục vụ tình thân tặng

Tự hạ quên mình hạnh phúc ban

Giá máu tuôn tràn ơn cứu chuộc

Tin Mừng chiếu tỏa thế nhân an.

Hạt Nắng

 

———————————

 

Theo Đường Chúa Đi
(Mc 10, 35 – 45)

Đã ba năm theo Thầy lòng phấn khởi,
mong đến ngày được vươn tới vinh quang.
Thầm ước mơ được địa vị cao sang,
hai bên tả hữu lòng rộn ràng, lấn cấn.

Mối âu lo nhanh chân giành danh phận,
kẻo lỡ làng làm vụt mất cơ may.
Nhìn môn sinh Chúa thương cảm giãi bày,
trao chén đắng tình nồng say cạn chén?

Chịu Phép Rửa máu tình yêu dâng hiến?
chịu khổ đau mới đạt đến vinh quang.
Địa vị cao sang nơi hạnh phúc thiên đàng,
ai ngồi tả – hữu, Cha nhân lành sắp đặt.
***
Là Mục Tử, Chúa nêu gương dẫn dắt,
đưa chiên về đường sự thật tình yêu.
Đường hy sinh dẫu khốn khổ tiêu điều,
đường khiêm hạ tình thương yêu phục vụ.

Đường từ bỏ những vinh hoa lạc thú,
bài học quên mình biết chế ngự bản thân.
Đường đấu tranh trước danh vọng phù vân,
đường thập giá, đường thông phần sứ mạng.

Chấp nhận chông gai để tình yêu bừng sáng,
hóa giải khổ đau để xán lạn tương lai.
Đường Can-vê Chúa chịu tan nát hình hài,
thân phận tôi tớ gánh trên vai lỗi lầm nhân thế.
***
Bước theo Chúa giữa dòng đời dâu bể,
trong một xã hội quay cuồng quyền thế với vinh hoa.
Đời sống đức tin như thuyền nan giữa phong ba,
lòng trung tín vật lộn với gian tà cám dỗ.

Bơi ngược dòng đời giữa cuồng phong bão tố,
sức mạnh nào giúp con tiếp bước kiên trung?
Bởi con tin vì luôn có Chúa ở cùng,
thuyền đời con nhỏ bé Chúa vẫn lặng thầm nâng đỡ.

Bài học quên mình con học còn dang dở,
bài học khiêm nhu còn bỡ ngỡ chưa thông,
bài học phục vụ còn tính toán lòng vòng,
xin Chúa thánh hóa bằng lửa hồng Thần Khí.

Để từ nay, bước theo đường chân lý,
sống ánh sáng Tin Mừng hết khổ lụy so đo.

Bâng Khuâng Chiều Tím

 

————————————–

 

Tiếp Nối Tin Yêu
(Mc 10, 35 – 45)

Chén đắng Cha trao, nồng nàn Thầy uống cạn,
Thánh ý Cha ban, trung trinh Thầy đáp lời.
Thao thức bồi hồi, trái tim không ngủ yên,
hy lễ đồi cao, máu đào Thầy dâng hiến.

Đốt cháy tình riêng, dạt dào lòng hướng thượng,
khao khát yêu thương, khiêm nhu Thầy trao tình.
Lặng lẽ quên mình, tấm gương cho môn sinh,
cúi xuống rửa chân, thanh tẩy đời chứng nhân.

Ôi! Tình yêu thật nhiệm mầu,
thật thẳm sâu, nào ai có thấu.
Thầy đã dạy cho con, minh chứng khối tình son.
Trái tim yêu hiến trọn, không màng danh vọng, quyền chức,
Tình yêu luôn thao thức, hiến dâng lòng khiêm nhu,
sống yêu thương phục vụ, tha nhân sáng tình thiên thu.

Tiếp nối tin yêu, lòng tràn đầy hy vọng,
Ôm ấp yêu thương, trung kiên con lên đường.
Chén đắng cuộc đời, lễ dâng bao hy sinh,
thắp sáng niềm tin, vào đời, tình sáng trong.

M. Madalena Hoa Ngâu

 

——————————-

 

Bài Học Quên Mình
(Mc 10, 35 – 45)

Chúa đến trần gian cứu chuộc nhân trần,
chén đắng uống cạn hy lễ hiến thân.
Cúi xuống rửa chân như người tôi tớ,
trái tim vô bờ lòng thương xót từ nhân.

Hiến lễ đồi cao bài học quên mình,
phép rửa Chúa nhận giá máu chứng minh.
Giái thoát nhân sinh ban nguồn sự sống,
trái tim mở rộng khơi dòng nước trường sinh.

Bài học quên mình con học mãi, Chúa ơi!
trải nghiệm khổ đau mới hiểu được hạnh phúc.
Bài học quên mình con học hoài không thuộc,
làm sao tiếp bước giữa bão táp trùng khơi.
Danh vọng, uy quyền, xin thánh hóa, Chúa ơi!
hóa giải khổ đau mới hiểu điều công chính.
Bài học quên mình cho con niềm hy vọng,
tiếp bước hành trình giữa sóng đời điêu linh.

Cúi xuống rửa chân phục vụ như Ngài,
là Vua muôn loài, Chúa đã nêu gương.
Ánh mắt yêu thương trao người lạc hướng,
trái tim quảng đại dù đời lắm chông gai.

Nắng Sài Gòn

 

—————————-

 

Đường Phục Vụ
(Mc 10, 35 – 45)

Để thực hiện chương trình cứu độ,
giải thoát vòng nô lệ tội khiên.
Chiên Con từ tốn nhân hiền,
khiêm hạ phục vụ lãng quên phận mình.

Cạn chén đắng hy sinh hiến tế,
trên đồi cao máu lệ tuôn rơi.
Tình yêu dâng hết cho đời,
làm người tôi tớ gọi mời dấn thân.

Đừng ganh tỵ phù vân trần thế,
tránh đam mê nô lệ chức quyền.
Vấn vương danh vọng bạc tiền,
ăn trên ngồi trốc lụy phiền đến nhau.

Muốn làm lớn! Làm dâu thiên hạ,
trở nên người tôi tá thấp hèn.
Khiêm nhường phục vụ anh em,
âm thầm như muối, như men giữa đời.

Xin cạn chén Chúa mời con uống,
xin chung phần cảnh huống khổ đau.
Nhận chìm trong cõi bể dâu,
chấp nhận thanh tẩy nhiệm mầu trinh trong.

Chúa ơi! Con đã sáng lòng,
tẩy trừ tham vọng, bất công, tranh quyền.
Dẫu đời còn lắm truân chuyên…

A.P Mặc Trầm Cung