SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 921, CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN – B, LỄ ĐỨC MẸ MAN CÔI, 06/10/2024

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Lễ Đức Mẹ Mân Côi:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 1, 26 – 38)
Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! “
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Đó là lời Chúa.

Chúa Nhật XXVII TN.B:
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 10, 2 – 16)
Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.
Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.
Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
Xin Vâng ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 3
Đức Mẹ Mân Côi & Sự Gì Thiên Chúa Kết Hợp Loài Người Không Được Phân Ly Lm. Hiền Lâm Trg 5
Nguồn Gốc Lễ Mẹ Mân Côi & Xin Chúa Gìn Giữ Các Gia Đình Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 9
Thiên Chúa Bày Tỏ Tình Thương Của Ngài Qua Mẹ Maria Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 12
THƠ TIN MỪNG
Tình Yêu Phong Nhiêu Hạt Nắng Trg 14
Lời Nguyện Cho Nhau Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 15
Một Nửa Của Nhau M. Madalena Hoa Ngâu Trg 17
Tình Yêu Dâng Hiến Nắng Sài Gòn Trg 18
Thách Đố Tình Yêu & Hoa Mân Côi A.P Mặc Trầm Cung Trg 19

 

———————————

 

Xin Vâng

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ. Hai tiếng “Xin vâng” thật đơn sơ nhỏ bé, nhưng lại có ảnh hưởng lớn lao.

Trước hết hai tiếng “Xin vâng” có ảnh hưởng tới chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa có chương trình tốt đẹp cho loài người. Nhưng để chương trình ấy thành công, cần có sự tham gia, đồng thuận, vâng phục của con người. Chúa muốn con người được hạnh phúc. Nhưng nếu con người từ chối, Thiên Chúa không thể ban hạnh phúc cho con người. Chương trình đầu tiên của Chúa đã thất bại vì ông bà nguyên tổ không vâng lời Chúa. Ông bà nguyên tổ đã nghe ma quỷ hơn nghe Chúa. Ông bà nguyên tổ đã làm theo ý riêng hơn làm theo ý Chúa. Trái lại Đức Mẹ đã tham gia, đã đồng ý, đã vâng phục, nên chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Kế hoạch cứu độ loài người của Thiên Chúa nhờ hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ mà thành công.

Hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ vọng lại hai tiếng “Xin vâng” của Ngôi Hai Thiên Chúa. Vì vâng lời Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã vui lòng xuống thế làm người. Hôm nay, khi Đức Mẹ nói tiếng “Xin vâng” với Thiên thần, Đức Giêsu cũng nói “Xin vâng” với Đức Chúa Cha. Với hai tiếng “Xin vâng”, Đức Mẹ khai thông chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Sau hai tiếng “Xin vâng”, Ngôi Hai xuống thế làm người, tượng thai trong lòng Đức Mẹ.

Hai tiếng “Xin vâng” có ảnh hưởng tới cả cuộc đời.
Hai tiếng “Xin vâng” nghe thật bé nhỏ, khiêm tốn, những ảnh hưởng tới cả cuộc đời Đức Giêsu và Đức Mẹ. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã từ trời xuống thế, như lời Thánh vịnh: “Máu chiên bò, Chúa không ưng. Của lễ toàn thiêu, Chúa không nhận. Thì này con đến để làm theo ý Cha”. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã chấp nhận con đường bé nhỏ, khiêm nhường. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu vui lòng chịu chết, chết nhục nhã trên cây Thánh giá: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này. Những xin đừng làm theo ý Con, chỉ xin vâng ý Cha mà thôi”.

Cũng vậy, khi nói tiếng “Xin vâng” với Thiên thần, Đức Mẹ ràng buộc tất cả đời mình vào chương trình của Thiên Chúa. Vì xin vâng mà phải sinh con trong hang đá nghèo nàn. Vì xin vâng mà phải trốn chạy sang Ai cập. Vì xin vâng mà chấp nhận lời tiên tri Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim bà”. Vì xin vâng mà theo Đức Giêsu trên khắp các nẻo đường truyền giáo. Vì xin vâng mà phải đứng dưới chân thập giá, chịu mọi đau đớn, khổ nhục với con, dường như cùng chết với con vậy.

Như thế, để nói tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa, Đức Giêsu và Đức Mẹ đã phải nói “Không” với chính mình. Để một lần nói “Xin vâng” với Thiên Chúa, Đức Giêsu và Đức Mẹ phải nhiều lần nói “Không” với chính mình. Tiếng “Vâng” lớn thành hình nhờ những tiếng “Không” nhỏ bé. Ý Chúa được thể hiện nhờ biết bỏ ý riêng. Chương trình lớn thành công nhờ những hy sinh bé nhỏ âm thầm.

Khi tạo dựng nên ta, Chúa đã có chương trình cho mỗi người chúng ta. Đó chính là chương trình tốt đẹp nhất. Nhưng nếu ta không cộng tác, thì chương trình ấy không thực hiện được. Để chương trình của Chúa được thực hiện, ta hãy noi gương Đức Mẹ, nói tiếng “Xin vâng” với Chúa. Hãy biết bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa. Hãy biết bỏ chương trình riêng để đi vào chương trình của Chúa. Hãy xin vâng khi vui. Hãy xin vâng khi buồn. Hãy xin vâng khi hạnh phúc. Hãy xin vâng khi đau khổ. Hãy noi gương Đức Mẹ, xin vâng trong ngày truyền tin vui tươi, và xin vâng cả khi đứng dưới chân thập giá đau buồn. Xin Vâng từng giây phút trong cuộc đời. Khi chương trình của Chúa được thực hiện, ta sẽ được hạnh phúc và đem hạnh phúc cho những người chung quanh ta.

Lạy Mẹ, xin dạy con hai tiếng XIN VÂNG như Mẹ. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ
Hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ có ảnh hưởng thế nào đến chương trình của Thiên Chúa?
Hai tiếng “Xin vâng” Đức Mẹ có ảnh hưởng thế nào đến cuộc đời của Đức Mẹ.
Chúa Giêsu đã sống lời “Xin vâng” thế nào?
Ta phải làm gì để chương trình của Chúa nơi ta được thực hiện”

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

—————————————–

 

 

Đức Mẹ Mân Côi

Mẹ Maria là kiệt tác của Thiên Chúa. Nhờ quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa mà Mẹ Maria được tạo thành với tất cả sự tinh tuyền và thanh khiết của tạo dựng nguyên thủy. Có thể nói, nếu mọi công trình tạo dựng của Thiên Chúa đều tốt đẹp, thì Mẹ Maria là thụ tạo hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa, vì mẹ là niềm vui, là sự mãn nguyện của Thiên Chúa khi nhìn đến con cái loài người. Nếu người Do-thái tin nhận tổ phụ Abraham là cha của mọi dân tộc được chúc phúc (St 22,17-18), thì các Kitô hữu cũng có quyền tự hào rằng, nhờ Mẹ Maria, phúc lành của Thiên Chúa được tuôn đổ chan hoà trên nhân loại (Lc 1,28), nhờ Mẹ Maria mà nhân loại được phúc đón nhận “Ánh Sáng” và “Bình An” của Thiên Chúa.

Mẹ Maria được Thiên Chúa ban tặng cho loài người như một hồng ân và như dấu chỉ của tình yêu mầu nhiệm nơi Thiên Chúa được mặc khải. Vì Tình Yêu Thiên Chúa cao cả vượt quá trí hiểu của loài người, tặng ân mà Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại nơi Mẹ Maria được bao trùm bởi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì lẽ đó, chỉ trong ý định niệm mầu của Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc, con người mới hiểu được phẩm tước và chức vị cao sang của Đức Trinh Nữ. Mọi đặc ân và phẩm vị của Mẹ Maria cũng được gắn liền với mầu nhiệm Chúa Kitô cứu độ, vì Mẹ Maria là mẹ Đấng Cứu Thế.

Các Tin Mừng vẽ lên một hình ảnh thực về Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, hiện diện trong mọi thời khắc quyết định của lịch sử cứu độ, từ một cô thôn nữ Nazareth đến làm Mẹ loài người, từ biến cố Nhập Thể đến biến cố Hiện Xuống, từ việc sinh ra Đầu Hội Thánh nơi máng cỏ ở Bêlem đến việc sinh ra các chi thể Hội Thánh dưới chân thập giá tại đồi Calvê… Mẹ đồng hành và thông dự với Con Chí Thánh trong mọi biến cố “phục hồi” nhân loại, Mẹ đã sống trọn lời “xin vâng” để phục vụ công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.

Kinh Mân Côi được ví như bản Tin Mừng tóm lược, mà trong đó kể ra những thời khắc cả vui mừng lẫn đau thương của Mẹ Maria trong sự hiệp thông cứu độ. Trong đó, biến cố Truyền Tin là mầu nhiệm đầu tiên mà mọi người suy ngắm trong chuỗi Mân Côi. Vì thế, trong ngày mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta lại một lần nữa được nghe bài Tin Mừng về biến cố Truyền Tin, biến cố khai mở kỷ nguyên cứu độ khi con Thiên Chúa Nhập Thể trong cung lòng thánh khiết Mẹ Maria. Truyền tin chính là mạc khải mầu nhiệm Nhập Thể vào lúc khởi đầu việc thực hiện mầu nhiệm này trên trái đất. Việc Thiên Chúa ban tặng chính mình cho con người, đạt tới đỉnh cao trong mầu nhiệm Nhập Thể.

Qua bài Tin Mừng này, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm đức tính khiêm hạ của Mẹ, và chính nhờ sự khiêm hạ thẳm sâu mà Mẹ được nâng lên tận ngai Nữ Hoàng Thiên Quốc (Regina caeli):
“Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót đã muốn Đấng được tiền định làm mẹ phải nói lên sự ưng thuận của mình trươc khi mầu nhiệm nhập thể được thực hiện; để như một người nữ sẽ phục vụ cho sự chết, thì một người nữ sẽ phục vụ cho sự sống. Điều này lại càng thích ứng hơn nữa trong trường hợp của Mẹ Đức Giêsu: Mẹ sẽ sinh Sự Sống cho thế gian; Sự Sống này sẽ canh tân tất cả; vì thế Mẹ được Thiên Chúa tặng ban nhiều hồng ân để có thể đáp ứng cho một phận vụ cao trọng như thế” (GH 56).

Ngay giây phút tượng thai, Mẹ Maria đã được Thiên Chúa trang điểm bằng sự thánh thiện cao vời; nên lúc truyền tin, Mẹ cũng được thiên thần chào kính là “Đấng đầy ân phúc”, và Mẹ đã đáp lời thiên sứ rằng: “Là nữ tỳ Thiên Chúa, tôi xin vâng”. Như thế, Mẹ Maria là con cháu Ađam, khi vâng nghe tiếng Chúa, đã trở thành Mẹ Đức Giêsu. Với trọn tâm hồn và không một tội lỗi nào ngăn cản, Mẹ đón nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa, tự nguyện làm nữ tỳ của Chúa để phục vụ cho con người và công trình của Thiên Chúa, tùy thuộc vào liên kết với Đức Kitô nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, để hoàn toàn phục vụ cho mầu nhiệm cứu độ. Trọn lịch sử cứu độ, và theo một nghĩa nào đó, trọn lịch sử loài người, đều được liên kết với biến cố truyền tin. Thật vậy, nếu kế hoạch của Thiên Chúa Cha là quy tụ tất cả trong Đức Kitô (Ep 1,10), thì cả vũ trụ đều được ân huệ thần linh tác động, với ân huệ này, Thiên Chúa Cha đã đoái nhìn đến Mẹ Maria để làm cho Mẹ trở thành Thân Mẫu Con của Người. Về phần mình, cả nhân loại như được gói trọn vào trong tiếng “xin vâng” (fiat), qua đó Mẹ Maria đã mau mắn nói lên sự ưng thuận của mình đối với ý định của Thiên Chúa.

Mẹ Maria được nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa và loài người, vì nhận biết mình là hư vô nhỏ bé, là nữ tỳ hèn mọn của Đấng Tối Cao (Lc 1,38.48). Mẹ được Thiên Chúa sủng ái vì đã hiến mình cho Thiên Chúa cách trọn vẹn để Thiên Chúa thực hiện ý định cứu độ. Đặc biệt Mẹ được coi là vô cùng thánh thiện trước mặt Thiên Chúa vì không lấy mình làm trung tâm, nhưng quy hướng tất cả về Thiên Chúa, Mẹ không phô trương chính mình, nhưng để cho Thiên Chúa lớn lên và vinh hiển qua cuộc sống của mình.

“Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38a). Mẹ Maria muốn sống đúng ơn gọi của mình trước Thiên Chúa. Đó là ơn gọi của người nữ tỳ như Mẹ đã đáp lại lời thiên sứ tuyền tin. Chính sự khiêm hạ trước Thiên Chúa và loài người mà Mẹ Maria đã lôi cuốn tình yêu Thiên Chúa. Mẹ biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng không phải do công phúc của mình mà do lòng từ bi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Người” (kinh Magnificat). Bởi vì Thiên Chúa có một đường lối hành động rất đặc biệt. Đó là “hạ kẻ quyền thế xuống khỏi ngai vàng và suy tôn những người khiêm hạ” (Lc 1,48-52; Gc 4,6). Ơn gọi của “người nữ tỳ Thiên Chúa” đối ứng cách kỳ diệu với hình ảnh “người tôi tớ Yavê” vốn được ngôn sứ Isaia phác hoạ cách đầy đủ trong Cựu Ước (Is 42,1-4; 49,1-6; 50,4-9; 52,13; 53,12). Nếu Mẹ Maria là “nữ tỳ của Thiên Chúa” thì Đức Giêsu Kitô là “người tôi tớ Giavê”, với tất cả ý nghĩa Kinh Thánh của chữ “tôi tớ”. Vì sự kiêu căng và bất phục của Nguyên Tổ đã làm cho nhân loại hư mất, thì con đường tự hạ của Con Thiên Chúa đã trở nên phương thế cứu độ. Đức Giêsu Kitô là Ađam mới đã chọn thân phận “người tôi tớ Giavê” để tái tạo nhân loại trong tình yêu Thiên Chúa, thì Mẹ Maria, Eva mới cũng muốn sống trọn thân phận “nữ tỳ của Thiên Chúa” để làm mẹ của nhân loại mới.

Đức Giêsu nhận mình là Đấng thiên sai khiêm tốn, và sự khiêm tốn là châm ngôn sống của Người. Người đã dạy về vẻ đẹp của sự khiêm tốn chân thật. Người mời gọi các môn đệ “Hãy học cùng Ta” không phải là các phép lạ, hay những chuyện phi thường tạo dựng thế giới, mà là học “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Mẹ Maria đã học được bài học đó từ trời, linh hồn của Mẹ đã hít thở sự khiêm tốn đó bởi Thánh Thần của Thiên Chúa. Thánh Bernard nói: “Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa bởi đức trinh khiết của Mẹ, nhưng bởi sự khiêm nhường Mẹ đã thụ thai Người”. Sự khiêm tốn của Mẹ Maria đã kéo Ngôi Lời Thiên Chúa từ bên hữu của Chúa Cha xuống với vực sâu hư vô của nhân loại mà cứu vớt nhân loại.

Có thể nói, dù vô tội, nhưng Mẹ Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1,38).

Lạy Chúa Giêsu, khiêm tốn và xin vâng là một trong những đức tính căn bản mà Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng con. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ là luôn biết khiêm tốn qui hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Amen
Lm. Hiền Lâm

 

—————————————-

 

Sự Gì Thiên Chúa Kết Hợp
Loài Người Không Được Phân Ly

Xã hội loài người thời đại nào và bất cứ nơi đâu, từ những tộc người sơ khai cho đến những xã hội văn minh, cũng đều có luật về hôn nhân gia đình. Đặc biệt nơi nhiều tôn giáo còn tâm linh hóa hôn nhân thành một định chế của niềm tin và nghi lễ.

Bộ luật Do Thái cũng đưa ra quy định về hôn nhân cách chi tiết, trong đó có cả việc cho phép ly dị (Đnl 24). Tuy nhiên, việc đặt ra quy định về ly dị của Do Thái Giáo đã để lại một sự bất công và hạ thấp nhân phẩm của người phụ nữ, và qua đó xem nhẹ tình yêu và sự trung tín trong hôn nhân.

Sách Đệ Nhị Luật chương 24,1-3 ghi:
“Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà, hoặc nếu người chồng sau đã lấy nàng làm vợ mà chết, thì người chồng đầu tiên đã đuổi nàng đi không thể lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi nàng đã ra ô uế”.

Thật ra, sách Đệ Nhị Luật chỉ biên tập lần cuối và đầy đủ như ngày nay là từ sau năm -587, nên không loại trừ chuyện người ta đã thêm vào những điều có lợi cho họ, nhưng đã gán cho Môsê đã mất trước đó rất lâu. Chế độ trọng nam khinh nữ và phân biệt đối xử không chỉ có nơi Do Thái, mà là cả vùng Trung Đông, đặc biệt nơi các nước Hồi Giáo vẫn tồn tại việc bất bình đẳng này cho đến hôm nay. Người Do Thái coi người nữ đứng hàng thứ sáu trong nhà, xếp sau cả vật nuôi của họ. Họ xem người nữ như một món đồ để thỏa mãn và lưu truyền nòi giống, thích thì giữ và chán thì bỏ. Không có hôn nhân đích thực vì không có được sự cao cả của tình yêu và lòng trung tín.

Hôm nay khi người Pharisêu đến hỏi Chúa Giêsu xem họ có được phép ly dị không? Thay vì trả lời “có” hay “không” – vì Chúa Giêsu biết họ có ý gài bẫy Người sẽ phạm một trong hai tội: vi phạm Lề Luật hoặc đối đầu với Hêrôđê – thì Chúa Giêsu lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu là Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, chúc phúc cho họ để nên một với nhau “bất khả phân ly”.

“Thuở ban đầu” – có nghĩa là từ ngàn đời trong ý định của Thiên Chúa đã muốn người nam và nữ kết hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình yêu thương và tha thứ cho nhau… dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Môsê cho phép ly dị như một chọn lựa ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ. Chúng ta cần dừng lại ở lời này của Chúa Giêsu: ông Môsê cho phép chứ không phải Thiên Chúa đã ban bố điều đó, và ông Môsê cho phép là vì lòng chai dạ đá của họ.

Như vậy, Chúa Giêsu xác định rõ ràng về ý định của Thiên Chúa và nâng hôn nhân lên hàng Bí tích. Người khẳng định khi hôn nhân thành sự là cả hai đã nên một xương một thịt và do Thiên Chúa kết hợp nên loài người không ai có quyền phân ly. Và hôn nhân là sự bình đẳng, bổ trợ cho nhau để cùng hướng tới sự cộng tác sáng tạo của Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, Giáo hội Công giáo vẫn trung thành với luật Chúa là duy trì sự bất khả phân ly, nghĩa là khi một cuộc hôn nhân đã thành sự thì Hội thánh không thể chấp nhận cho ly dị, trừ những trường hợp chứng minh được tiêu hôn, hoặc một số trường hợp được ly thân mà thôi.

Lạy Chúa, giữa xã hội hôm nay khi mọi giá trị luân lý, nhất là hôn nhân bị đảo lộn. Xin cho chúng con biết hy sinh và lvị tha, để xây dựng hôn nhân Kitô Giáo vững chắc, từ đó giúp nhau thắng vượt được mọi khó khăn có thể làm tan vỡ gia đình. Amen.

Lm. Hiền Lâm

 

—————————————

 

Nguồn Gốc Lễ Mẹ Mân Côi

Ngày 07/10/1571 là ngày liên minh Châu Âu đã chiến thắng ý đồ của người Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào xâm chiếm Châu Âu. Các binh sĩ Thiên Chúa giáo được cho là đã cùng với Đức Giáo Hoàng Pio V cầu nguyện lần chuỗi Mân Côi suốt đêm trước trận chiến, và một số nguồn tin nói rằng sự lặp lại nhịp nhàng của lời cầu nguyện đã hoàn toàn khiến chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ hoảng sợ và mất tinh thần.

Sau chiến thắng đó, Đức Thánh Cha Pio V đã chọn ngày 07/10 hàng năm là lễ kính Mẹ Mân Côi. Giáo hội không kỷ niệm để ăn mừng một cuộc chiến thắng, nhưng đây là dịp khơi gợi cho con cái của mình, dầu sống trong hoàn cảnh nào cũng đừng quên lời cầu nguyện xin ơn trợ giúp chở che từ Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria.
Cuộc sống luôn là một cuộc chiến đấu với ba thù là: ma quỷ, thế gian và xác thịt. Ma quỷ luôn gieo rắc sự dữ, thế gian luôn có mầm mống lọc lừa, gian dối và con người với bản tính yêu đuối dễ chiều theo tính xác thịt để lao vào những đam mê hưởng thụ.

Vì thế, người Công Giáo muốn chiến thắng ba thù thì đừng bao giờ lơ là cầu nguyện. Những lời cầu nguyện này tiếp tục nâng đỡ chúng ta trong những khó khăn và trợ giúp chúng ta vượt qua những biến cố khó nguy trong cuộc sống.

Qua Kinh Mân Côi, chúng ta có cơ hội chiêm ngắm tất cả những biến cố của con người mà chúng ta quen thuộc – sinh ra, chết đi, tình bạn, gian dối, niềm vui, nỗi buồn, thất bại, chiến thắng và chiến thắng – và thánh hóa chúng bằng sự tin tưởng phó thác mọi sự theo ý Chúa, đồng thời nhờ được củng cố từ kinh nghiệm về những sự kiện tương tự trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ của Ngài, để từ đó ta luôn lạc quan, tươi vui và hy vọng trong mọi hoàn cảnh.

Vì thế, kinh Mân Côi không phải là lời kinh ta cầu nguyện với Đức Mẹ mà là ta đang soi chiếu cuộc đời ta vào màu nhiệm cuộc đời của Đấng Cứu Thế. Mọi biến cố trong cuộc đời ta từ khi sinh ra, lớn lên, trải qua những sóng gió, những đau khổ của bệnh tật, của thiếu vắng tình yêu và của bóng tối sự chết , ta luôn sáp mình vào Chúa, luôn nương nhờ Chúa và nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria sẽ giúp ta đón nhận thánh ý Chúa trong tin tưởng và phó thác.

Khi chúng ta đọc kinh Mân Côi, Chúa và Mẹ Maria sẽ ban cho chúng ta nhiều ơn lành, hướng dẫn và bảo vệ chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định trong Kinh Thánh rằng ai tin vào Người sẽ không bao giờ phải chết và sẽ có sự sống đời đời (Gioan 8,51). Đồng thời, Mẹ Maria cũng là người luôn đồng hành, cầu bầu và hướng dẫn chúng ta đến gần Chúa hơn, giúp ta vượt qua khó khăn, gian nan trong cuộc sống.

Như vậy, kinh Mân Côi không chỉ là lời cầu nguyện mà còn là một phương tiện mạnh mẽ để ta kết nối sâu xa với Chúa và Mẹ, nhận lãnh sự bình an, ân sủng, và sự hướng dẫn trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Đồng thời qua kinh Mân côi ta được Chúa và Mẹ đang ghé mắt thương xem và nâng đỡ cuộc đời chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Mân Côi, chúng con xin dâng lên Mẹ những lời kinh nguyện của chúng con, như những bông hoa mân côi tươi đẹp. Xin Mẹ che chở, bảo vệ và dẫn dắt chúng con trên đường về với Chúa Giêsu, Con Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng con biết noi gương Mẹ, sống khiêm nhường, yêu thương và tràn đầy niềm tin vào Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

—————————————–

 

 

Xin Chúa Gìn Giữ Các Gia Đình

Trong 3 tháng đại dịch Virus Corona, người Miền Nam rất sợ hai chữ “chia ly”. Vì chia ly là xa cách. Chia ly là vĩnh biệt khiến ai cũng đau lòng. Nhưng rồi biết bao cuộc chia ly cũng đến. Chia ly vì Cúm Tàu làm tan nát bao gia đình. Vợ chồng ly biệt nhau. Con thơ mất cha mẹ. Cha mẹ ly biệt con cái . .. Hình ảnh một đứa bé 4 tuổi nhận hũ tro cốt cha mẹ ai mà không rơi nước mắt. Hình ảnh vợ cúi lạy xe chở quan tài chồng giữa phố xá vắng tanh, ai mà chẳng chạnh lòng. Mỗi một cuộc ly biệt là một câu chuyện đau lòng đầy nước mắt của người đi kẻ ở. Đây là một bức tranh mà người Miền Nam sẽ nhớ mãi để kể cho con cháu về kiếp nạn cha ông, về kiếp người thật mong manh. Ngay cả một mái ấm gia đình, một lâu đài tình yêu tưởng chừng như trăm năm hạnh phúc, thế mà cũng có những lâu đài tình ái đã đổ xuống tan thành mây khói. Đúng như ai đó đã viết:
Cuộc đời tựa bức chỉ mành
Bể dâu tan hợp như cành sương mai
Cổ kim hỏi có được ai
Giữ bên ta mãi lâu đài ta yêu

Nhưng qua cuộc bể dâu này người ta mới thấy trân trọng, yêu quý mái ấm gia đình. Dịch bệnh hoành hành chỉ còn người trong gia đình bao bọc, chở che nhau, và nếu phải sống đơn thân thì sẽ tủi khổ biết bao!

Thế nên, đừng để ly biệt mới cảm thấy nuối tiếc, hối hận vì đã không trân trọng người bên cạnh. Hãy sống yêu thương và cảm thông với nhau khi còn được sống bên nhau.

Vì vậy,
– Đừng trách hờn mẹ cha đã không làm ông này bà kia cho mình cuộc sống sung sướng.
– Đừng đoạn tuyệt nhau, chỉ vì vợ hay chồng mình không bằng vợ / chồng người ta.
– Cuộc đời mình, còn một bữa cơm ngon, còn một mái nhà, còn một gia đình để quây quần yêu thương là hạnh phúc rồi, hãy trân trọng đừng để chia ly rồi mới thấy xót xa.

Hôm nay, khi được hỏi về vấn đề ly dị vợ chồng thì Chúa Giêsu đã mau mắn trả lời rằng: lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được CHIA LY”.

Và như thế, giáo huấn của Chúa Giêsu cũng đòi hỏi tình yêu Kitô giáo phải trung thành với nhau cho đến hết cuộc đời. Thiên Chúa tạo dựng con người có nam, có nữ và đã kết hợp 2 người nên duyên vợ chồng là để họ gắn bó với nhau suốt đời chứ không phải theo thời vụ, theo kiểu vui thì ở thích thì chia tay. Sự kết hợp nam nữ trong giao ước hôn nhân đã giúp cho 2 con người xa lạ trở nên một huyết nhục để có thể đồng cảm, chia sẻ ngọt bùi với nhau. Họ đã nên một huyết nhục nên chẳng thể tách lìa nhau vì bất cứ lý do gì.

Tình yêu ấy là phản ánh tình yêu hy sinh mà chính Chúa Giêsu đã dành cho Hội Thánh. Một tình yêu trung thành với con người đến mức độ: “cho dù cha mẹ có bỏ con cái, còn Ta sẽ không bỏ người đâu”. Một tình yêu hy sinh đến độ dám chết cho người mình yêu.

Xin cho các gia đình luôn biết trung thành với lời giao ước hôn nhân. Xin cho các gia đình biết sống hoà hợp với nhau, biết vượt thắng những hiểu lầm, những ích kỷ để sống rộng lượng và tha thứ cho nhau. Xin cho họ trong đại dịch biết quan tâm lẫn nhau, chia sẻ cho nhau và hy sinh cho nhau để gìn giữ mái ấm gia đình luôn hạnh phúc an vui.

Xin Chúa chúc phúc cho các gia đình luôn bình an trong hoàn cảnh khó nguy hôm nay. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

—————————————–

 

Thiên Chúa Bày Tỏ Tình Thương
Của Ngài Qua Mẹ Maria

Khi tạo dựng nên Mặt trời, Trái đất và muôn loài muôn vật trong vũ trụ bao la vô biên, vô tận nầy, Thiên Chúa không cần sự trợ giúp của con người. Thế nhưng khi muốn cứu chuộc loài người, Thiên Chúa lại cần sự hợp tác, sự tham gia của con người một cách tích cực.

Chính vì thế, trước khi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người cứu độ nhân loại, “Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ tên là Maria”, đề nghị trinh nữ làm mẹ hạ sinh Chúa Cứu Thế.

Mẹ Maria ý thức mình chỉ là tôi tớ hèn mọn của Chúa nên Mẹ sẵn sàng vâng theo ý Chúa truyền.

Nếu không có sự chấp thuận và hợp tác của Đức Maria, thì Ngôi Hai Thiên Chúa chưa thể mặc lấy xác phàm để cứu độ nhân loại mà phải chờ dịp khác.

Cách đây hai ngàn năm, Thiên Chúa đã nhờ Mẹ Maria sinh ra Đấng Cứu Thế cho nhân loại và trong suốt dòng lịch sử loài người, Thiên Chúa tiếp tục nhờ Mẹ để đem lại sự ủi an, che chở, săn sóc nâng đỡ… nhân loại trên bước đường lữ thứ trần gian và Mẹ đã hoàn thành sứ mạng nầy cách tốt đẹp; nhờ đó, chúng ta tìm được nơi Mẹ niềm an ủi và hạnh phúc lớn lao.

Thiên Chúa không chỉ yêu thương con người bằng tình hiền phụ của một người cha, Ngài còn muốn săn sóc bảo bọc chúng ta bằng tình hiền mẫu dịu dàng của một người mẹ. Qua Đức Maria, Thiên Chúa bày tỏ lòng hiền mẫu của Ngài cho chúng ta.

Thiên Chúa như Mặt trời, còn Mẹ Maria như Vầng trăng. Vầng trăng đón nhận ánh sáng của Mặt trời rồi phản chiếu lại cho Địa cầu thế nào thì Mẹ Maria cũng đón nhận ân sủng từ Thiên Chúa rồi thông ban lại cho chúng ta như thế. Khi đón nhận hồng ân Mẹ ban là chúng ta đón nhận hồng ân của Thiên Chúa.

Theo gương Mẹ Maria
Như xưa Thiên Chúa đã mời gọi Mẹ Maria cộng tác để mang Con Ngài đến cho nhân loại; hôm nay, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài để đem Chúa Giêsu đến cho bao người chung quanh… Nếu chúng ta không hợp tác, biết đến bao giờ những anh chị em nầy mới có thể nhận biết Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ của Ngài?

Từ hai ngàn năm qua, Thiên Chúa vẫn nhờ Mẹ Maria để tỏ bày tình hiền mẫu của Ngài cho nhân loại, thì nay, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài để bày tỏ lòng thương xót của Ngài cho những người bất hạnh chung quanh.

Vì thế, chúng ta hãy trở nên những Maria khác, để qua chúng ta, lòng thương xót của Thiên Chúa được ban tặng cho nhiều người.

Chúng ta hãy trở nên những Vầng trăng khác để phản chiếu tình thương trời biển của Thiên Chúa Cha.

Lạy Chúa Giêsu. Chúng con vô cùng hạnh phúc vì có Đức Mẹ là người Mẹ tuyệt vời luôn ở kề bên để chăm sóc, bảo vệ, che chở chúng con, mang tình yêu Chúa đến cho chúng con, nhất là trong những phút giây đen tối trong cuộc đời.
Xin cho chúng con biết noi gương Đức Mẹ, sẵn sàng mang hơi ấm của tình yêu Chúa đến cho mọi người. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

————————————-

 

 

Tình Yêu Phong Nhiêu
CN XXVII TN-B – (Mc 10, 2 – 16)

Từ thưở ban đầu Chúa dựng nên

Con người nam nữ mối lương duyên

Đan xen khác biệt nên đồng nhất

Hòa mối hiệp thông tạo kết liên

Triển nở đơm hoa trao hạnh phúc

Phong nhiêu kết trái nhận ơn thiêng

Ba Ngôi chúc phúc tình nên thánh

Tháo gỡ, phân ly, sống muộn phiền.

Hạt Nắng

 

——————————————–

 

 

Lời Nguyện Cho Nhau
CN XXVII TN-B – (Mc 10, 2 – 16)

Thưở ban đầu trong công trình tạo dựng,
phận làm người, sống tương xứng có đôi.
Trao yêu thương, lòng rộn rã, bồi hồi,
cung tình ái cất cao lời ngân điệu.

Khát vọng yêu, được yêu, lòng thấu hiểu,
tình thăng hoa tỏa chiếu ánh nhiệm mầu.
Tiếng chung tình trao tặng nghĩa thâm sâu,
tim rộn rã nét u sầu tan biến.

Là họa ảnh một tình yêu bất biến,
Chúa Ba Ngôi, tình hiệp nhất yêu thương.
Hiến tặng, trao ban cho tình mãi ngát hương,,
ngọt ngào, thi vị, không rẽ đường ngăn cách.

Bất tuân phục, gieo nghi ngờ, than trách,
bởi mê lầm làm hoen ố tình yêu.
Gieo đắng cay, bao khốn khổ, tiêu điều,
lòng dạ chai đá, xuôi theo chiều tội lỗi.
***
Chúa mạc khải cho con, đường cứu rỗi,
sống quên mình, tình dâng hiến cho nhau.
Biết hy sinh xoa dịu bớt thương đau,
tình tha thứ nối chiếc cầu hiệp nhất.

Làm phong phú một tình yêu chân thật,
triển nở phong nhiêu sự sống mới dạt dào.
Sướng khổ, vui buồn tình mãi đẹp thanh cao,
chu toàn trách nhiệm cùng giúp nhau hoàn thiện.
***
Đời hôn nhân giữa dòng đời vạn biến,
như thuyền nan chiến đấu giữa phong ba.
Chữ chung tình, bền vững, dễ phôi pha,
xin ơn thánh hóa kẻo sa đà cám dỗ.

Nâng đỡ con vững tay chèo trước muôn vàn thách đố,
giữ trọn lời thề trong thánh lễ hợp hôn.
Bất khả phân ly tình yêu mãi trường tồn,
gia đình hạnh phúc cùng suy tôn Danh Chúa.
***
Xin Thần Khí đốt lên,
trong gia đình chúng con ngọn lửa,
thiêu đốt những bất hòa,
cùng xây dựng Mái Ấm Tình Yêu.

Bâng Khuâng Chiều Tím

 

————————————–

 

Một Nửa Của Nhau
CN XXVII TN-B – (Mc 10, 2 – 16)

Quà tặng Tình Yêu, Chúa thương ban, diệu kỳ, thẳm sâu,
Tình Yêu nhiệm mầu, hai trái tim ý hiệp tâm đầu.
Khát vọng nên một, thuộc về nhau, lửa tình thiêu đốt,
dạt dào yêu thương, cung đàn tơ vương, phím nắn, buông câu.

Một nửa của con, trái tim son kiếm tìm, đợi mong,
ngày vui thiệp hồng, hai trái tim chung nhịp, chung lòng.
Ước nguyện đan dệt, nguyện cùng nhau đắp bồi hạnh phúc,
ngọt ngào thăng hoa, dẫu ngàn phong ba, vẫn thắm tình nồng.

AGAPÉ – Tình Yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa,
từ khi tạo dựng đất trời,
dựng nên con người Ngài ban cho có đôi.
Trao yêu thương, vì yêu hiến tặng thân mình,
Tình Yêu, nét đẹp hy sinh,
vun trồng tình yêu, hạnh phúc thắm xinh.

AGAPÉ, Tình Yêu đáp lời, tình dâng hiến,
cùng nhau giữ trọn ước nguyện,
trăm năm vững bền, Tình Yêu luôn thắm duyên.
Gương Giêsu, vì yêu hiến tặng chính mình,
Tình Yêu, cứu chuộc nhân sinh,
suối mạch thần linh, hạnh phúc tinh tuyền.

Một nửa của nhau, dẫu thương đau, vẫn thuộc về nhau,
trần gian muôn mầu, luôn thủy chung, thắm đượm tình đầu.
Sứ mạng thông hiệp, trọn niềm tin, họa hình Thiên Chúa,
dẫu ngàn gian nguy, không hề phân ly, nhân chứng nhiệm mầu.

M. Madalena Hoa Ngâu

 

————————————-

 

 

Tình Yêu Dâng Hiến
CN XXVII TN-B – (Mc 10, 2 – 16)

Từ thưở ban đầu khi đất trời khai sinh,
Thiên Chúa dựng nên nhân sinh theo hình ảnh mình.
Nam nữ giao duyên, diệu huyền, khát vọng hiệp nhất,
tình yêu nên một, cung nhạc lòng nắn phím vương tơ.

Niềm vui chan hòa, tình ái dệt ước mơ,
Thân xác hợp hoan, thăng hoa, hy vọng vô bờ,
Phong phú đơm hoa, vỡ òa, triển nở sự sống,
hòa đôi tim hồng, tình mặn nồng xóa hết thương đau.

AGAPÉ – Tình yêu dâng hiến cho nhau.
AGAPÉ – Tình yêu Thiên Chúa nhiệm mầu.
AGAPÉ – Đan dệt tình yêu linh thánh,
quên thân mình, vun trồng hạnh phúc thẳm sâu.

Tay trong tay, dìu nhau vững bước tin yêu,
trong nhiêu khê, tựa nương ơn Chúa phù trì.
Nên họa hình, nhân loại nhận ra Thiên Chúa,
dây tơ hồng, không được tháo gỡ, phân ly.

Tình yêu trung thành giữa sóng đời, biển khơi,
hiệp nhất lên ngôi đan xen nhân vị của người.
Dâng hiến trao ban giá trị đích thực cuộc sống,
hy sinh đón nhận những khác biệt vun đắp yêu thương.

Nắng Sài Gòn

 

—————————————

 

Thách Đố Tình Yêu
CN XXVII TN-B – (Mc 10, 2 – 16)

Từ nguyên thủy công trình sáng tạo,
Chúa chúc lành đạo nghĩa phu thê.
Tình yêu vai ấp gối kề,
mưa dầm, nắng gắt lối về có nhau.

Tình chung thủy ốm đau nương tựa,
nghĩa tào khang tối lửa tắt đèn.
Giàu sang hay cảnh thấp hèn,
yêu thương, kính trọng dậy men ân tình.

Sống hôn nhân trọn tình vẹn nghĩa,
phản ánh tình Thiên Chúa yêu thương.
Dân Người lạc bước lầm đường,
đồi cao hiến tế mẫu gương cho đời.

Nhưng sóng gió đường đời đe dọa,
nghĩa vợ chồng gục ngã đau thương.
Đam mê đảo lộn luân thường,
tình yêu rạn nứt chán chường sầu đau.

Lời giao ước chiều nao tuyên bố,
nay trở thành thách đố tình yêu.
Mưa giông che phủ nắng chiều,
che mờ tình nghĩa che điều tín trung.

Nguyện xin Tình Chúa bao dung,
ban ơn thánh hóa ở cùng chúng con.
Tình chồng nghĩa vợ sắt son…

A.P Mặc Trầm Cung

 

———————————

 

Hoa Mân Côi

Tình yêu Mẹ mặn nồng tha thiết,
đã dạy cho cách biết giao hòa.
Nối lại tình nghĩa với Cha,
bao năm trót phạm sa đà vong ân.

Mẹ nhắn nhủ chuyên cần kinh nguyện,
dâng tâm tình hòa quyện tin yêu.
Lời kinh khoan nhặt sớm chiều,
hiệp thông hiến lễ huyền siêu ân tình.

Con quay về lời kinh sám hối,
quyết giã từ bóng tối u mê.
Đường ngay nẻo chính tìm về,
tâm hồn cải thiện tràn trề bình an.

Mẹ kêu gọi đàn con thơ dại,
cùng sẻ chia trọn trái tim hồng.
Gươm sầu nhức nhối thông công,
yêu thương Mẹ nhận hiệp thông cứu đời.

Fatima, Mẹ mời con thảo,
hãy vâng lời dạy bảo Mẹ trao.
Hạt Mân Côi nhuộm máu đào,
Chúa thương trần thế đồi cao hiến mình.

Hoa thắm xinh lời kinh khấn nguyện,
hai mươi hoa mầu nhiệm tình thương.
Hoa lòng thầm lặng tỏa hương,
chiếc phao cứu hộ thoát đường trầm luân.

Lời kinh dâng Mẹ vang ngân…

A.P Mặc Trầm Cung