SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 918, CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – B, 15/09/2024

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 8, 27 – 35)

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Đấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.
Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.
Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Tưởng Lầm ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Thầy Là Ai? Lm. Hiền Lâm Trg 4
Chúa Giêsu Là Ai Trong Thế Giới Hôm Nay? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Đối Với Tôi, Chúa Giêsu Là Ai? Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Đường Tinh Hạt Nắng Trg 10
Chúa Ơi! Biết Trả Lời Sao? Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Thầy Là Ai? M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Ngài Là Ai? Nắng Sài Gòn Trg 14
Con Đường Chúa Đã Đi Qua A.P Mặc Trầm Cung Trg 15

 

————————————

 

Tưởng Lầm

Trong đời sống có rất nhiều điều hiểu lầm. Chẳng hạn xưa kia khi thấy mặt trời cứ sáng mọc tối lặn, người ta tưởng rằng trái đất đứng yên và mặt trời di chuyển chung quanh trái đất. Nhưng khoa học tiến bộ đã minh chứng mặt trời đứng yên, chính trái đất mới xoay chung quanh mình và chung quanh mặt trời. Trong đời sống đạo cũng đã có những hiểu lầm như thế. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế sẽ uy nghi từ trên mây trời hiện đến. Không ngờ Người lại do một thôn nữ dưới đất sinh. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế phải ngự trong lâu đài sang trọng của vua chúa. Nhưng không ngờ Người lại sinh ra trong chuồng bò lừa. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế phải uy quyền lẫm liệt. Nhưng không ngờ Người lại quá hiền lành khiêm nhường. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế phải đánh đông dẹp bắc, đập tan quân thù, đưa nước Do Thái lên địa vị bá chủ. Nhưng không ngờ Người chịu thua hết mọi người, chịu hành hạ, chịu sỉ nhục, chịu chết như một kẻ tội lỗi. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế là một ông vua có kẻ hầu người hạ. Nhưng không ngờ chính Người lại quỳ xuống hầu hạ, rửa chân cho các môn đệ.

Có quan niệm sai lầm về Thiên Chúa, người ta cũng sai lầm về người môn đệ. Người ta cứ tưởng theo Chúa thì sẽ được chức cao quyền trọng trong Nước Chúa. Nên bà Giêbêđê mới xin Chúa cho hai người con là Gioan và Giacôbê được ngồi bên tả và bên hữu Chúa trong Nước Chúa. Nhưng không ngờ Chúa không hứa cho chức quyền mà chỉ hứa cho uống chén Người sẽ uống, nghĩa là phải chết. Người ta cứ tưởng người làm lớn trong Nước Chúa sẽ được trọng vọng, được phục dịch. Nhưng không ngờ Chúa lại bảo: “Ai trong anh em muốn làm lớn thì phải phục vụ anh em”. Người ta cứ tưởng theo Chúa thì Chúa sẽ cho mọi sự may mắn ở đời, được thành công. Được giàu sang. Nhưng không ngờ Chúa lại bảo: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo”.

Hôm nay, sau khi nghe các môn đệ báo cáo về dư luận quần chúng, Đức Giêsu thấy họ quá sai lầm về Người, về vai trò Cứu thế của Người, về con đường cứu chuộc. Nên Người đã dậy rõ ràng cho các môn đệ biết Đấng Cứu thế thực là Con Thiên Chúa. Nhưng con đường Người đi là con đường thập giá. Người phải chịu đau khổ, chịu hành hạ, chịu sỉ nhục, và phải chịu chết.
Người cũng cho các môn đệ biết ai muốn theo Người cũng sẽ phải đi vào con đường của Người. Phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Người.

Phải chăng Thiên Chúa muốn hành hạ con người, muốn con người tàn lụi chứ không muốn con người phát triển, muốn con người phải chịu đau khổ chứ không muốn con người được hạnh phúc? Tại sao trên trần gian, người ta thường hứa hẹn cho những người theo mình hạnh phúc sung sướng mà Chúa thì làm ngược lại, chỉ hứa cho những người theo mình thánh giá và đau khổ? Thưa, chắc chắn Chúa muốn cho con người được hạnh phúc. Chính vì muốn con người được hạnh phúc mà Chúa đã phải xuống trần gian để cứu chuộc con người. Nhưng thứ hạnh phúc mà Chúa muốn ban tặng cho con người không phải là thứ hạnh phúc giả tạo dễ dàng và mau qua. Chúa muốn cho con người được hạnh phúc vĩnh cửu, hạnh phúc đích thật, hạnh phúc không bao giờ tàn úa. Muốn được hạnh phúc đó, con người phải kinh qua những vất vả, đau đớn. Đau đớn nhất là phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình. Những vất vả đau đớn không phải là vì Chúa độc ác muốn hành hạ con người. Những đau đớn từ bỏ mình không phải là vì Chúa muốn con người đi vào tàn lụi diệt vong. Nhưng đó là qui luật, là điều kiện để được sự sống, được hạnh phúc đích thật.

Chính Đức Giêsu cũng phải đi qua con đường thập giá khổ nhục mới đến hạnh phúc. Chính Người phải kinh qua cái chết đau đớn mới tới ngày phục sinh vinh quang. Nên Chúa đã nói với các môn đệ: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Thành ra, đau khổ Chúa hứa không phải để hành hạ con người, nhưng là con đường dẫn con người đến hạnh phúc đích thực. Thập giá và cái chết không phải để đưa con người vào tàn lụi, nhưng chính là điều kiện để con người được tái sinh và triển nở trong đời sống mới, đời sống vĩnh cửu với hạnh phúc không bao giờ tàn.

Những lời Chúa nói hôm nay, tuy khó nghe và khó chấp nhận. Nhưng đó là sự thật và là con đường đưa ta đến hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu. Chúa đã không lừa mị ta, không hứa hẹn cho ta những gì dễ dãi, chóng qua. Chúa chỉ cho ta đường ngay nẻo chính. Chúa mời gọi ta phải dũng mạnh, can đảm và quyết liệt trong cuộc chạy đua dành lấy hạnh phúc nước trời.

Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ mình, vác thập giá mình mà bước theo Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Đâu là những hiểu sai lầm về Chúa?
2. Đâu là những hiểu sai lầm về người môn đệ của Chúa?
3. Có phải Chúa muốn ta khổ sở khi bảo ta phải từ bỏ mình không?
4. Tại sao Chúa phải chịu đau khổ?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

—————————————

 

 

Thấy Là Ai?

Bài Tin Mừng hôm nay là một chấn vấn cho niềm tin của mọi người, qua việc Chúa chất vấn các môn đệ gọi Người là ai? Câu trả lời cho thấy sự hiểu biết khiếm khuyết của người ngoài và xác định cách sống niềm tin của Kitô hữu chúng ta:

1. Anh em gọi Thầy là ai?
Những ghi nhận của mọi người về Chúa Giêsu thật ra không phải là sai, nhưng chưa đủ, mà chỉ nói lên được một khía cạnh trong sự tròn đầy của khuôn mặt Đức Giêsu là Chúa:
– Là Êlia (một ngôn sứ quyền năng, làm phép lạ…)
– Là Giêrêmia (một ngôn sứ bị bắt bớ và đầy đau khổ)
– Là Gioan Tẩy giả (rao giảng sự sám hối và sống khắc khổ)
– Là một ngôn sứ nào đó (đời sống chứng nhân và rao giảng).

Câu trả lời do mặc khải của Chúa Cha cho Phêrô là: Đức Giêsu – Con Thiên Chúa. Danh xưng Con Thiên Chúa bao gồm trọn vẹn mọi hình ảnh trên, một Đức Giêsu Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.

“Thầy là Đấng Ki-tô”. Phải, chúng ta tuyên xưng một Đức Giêsu là Đấng được xức dầu (Christo) và là Chúa, nghĩa là Đức Giêsu quyền phép chữa lành bệnh tật và uy thế trước thế quyền (Êlia), một Chúa Giêsu đau khổ nơi người bất hạnh (Giêrêmia), một Đức Giêsu rao giảng ơn sám hối (Gioan Tẩy giả), một Đức Giê-su chứng nhân và rao giảng (các ngôn sứ)…

Hôm nay Chúa chất vấn từng người: “Này anh, này em, này bạn, các anh chị gọi Tôi là ai”? Chúng ta ai cũng phải có câu trả lời thật cho chính mình. Chúng ta có còn tuyên xưng Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng ta nữa không? hay là chỉ tuyên xưng ông thần tài…? Sự tuyên xưng đó được cụ thể bằng việc bước theo con đường thánh giá mà Chúa Giêsu đã đi, như Người đã báo trước cho các môn đệ.

2. Ngăn cản việc thực hiện ý Chúa là hành động của Satan.
Trong Tin Mừng, chúng ta ít gặp Chúa Giêsu mắng các môn đệ, nhưng trong đoạn tường thuật này, Chúa đã mắng Phêrô cách hết sức nặng nề, ngang với việc Người từng mắng Tên Cám Dỗ (Satan) trong sa mạc (x. Mt 4,8-9). Cũng giống như hành động của Tên Cám Dỗ, Chúa mắng Phêrô vì ông đã ngăn cản Người thực hiện ý Chúa Cha là chịu Tử Nạn để cứu độ. Dù trước đó, Phêrô đáng được điểm 10, nhưng sau đó lại vị điểm 0. Phêrô đáng khen vì tuyên xưng đúng bản tính và sứ vụ của Chúa Giêsu, nhưng lại bị chê là thoái thác tìm cách trốn tránh sự khó khăn trong Ý Chúa định. Chúng ta cũng thế, đi đạo và giữ đạo chỉ khi vui, nhưng khi gặp thử thách thất bại thì dễ phàn nàn trách mình thoái lui.

3. Từ bỏ chính mình và vác thập giá mình theo Chúa Giêsu
Ở đây, Chúa Giêsu nói rõ là “bỏ mình”. Bỏ mình tức là bỏ chính cái tôi của mình, đó là sự từ bỏ khó khăn nhất. Alexande từng nói: “Thắng được vạn quân còn dễ hơn là thắng được chính mình”. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ.

Bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Người được. Cụ thể, việc chúng ta giữ đạo mà vẫn phải bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để không còn giờ để đọc kinh chung và để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ.

Thật ra, bỏ những thứ bên ngoài đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái tôi của mình còn khó biết bao.

Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.

Ngày nay, có những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của chế độ, của chính thể, của những thứ văn hoá thời đại… Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải chết đi mỗi ngày vì những thứ bách hại đó, nghĩa là hi sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo hội mà giữ lề luật Chúa.

Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá. Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa…

“Ai giữ mạng sống mình sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được mạng sống”. Nghe có vẻ thật nghịch lý, nhưng đó lại là chân lý Kitô Giáo, bởi vì cái đích đạt tới cuối cùng của chúng ta là sự sống đời đời (mạng sống siêu nhiên) chứ không phải bằng mọi giá phải giữ sự sống thể lý, để rồi chối Chúa.

Khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này, thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh, tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của chúng ta đang triển nở.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tuyên xưng Ngài là Chúa của cuộc đời mỗi người chúng con, được cụ thể bằng sự phó thác và chấp nhận hy sinh, sẵn sàng và vui lòng đón nhận thử thách vì Chúa, hầu cộng tác với Chúa cứu độ các linh hồn. Amen.

Lm. Hiền Lâm

 

————————————

 

 

Chúa Giêsu Là Ai Trong Thế Giới Hôm Nay?

Tôi hỏi ChatGPT rằng bạn hãy tóm tắt về Chúa Giêsu là ai trong cái nhìn của nhân loại hôm nay? Kết qủa như sau: “Chúa Giêsu là một trong những nhân vật tôn giáo quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại, đặc biệt trong đạo Kitô giáo. Theo quan điểm Kitô giáo, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, được Thiên Chúa Cha sai xuống thế gian để cứu chuộc loài người khỏi tội lỗi. Người là trung tâm của đức tin Kitô giáo, và cuộc đời, cái chết, và sự phục sinh của Người là nền tảng của tôn giáo này.

Ngoài tôn giáo, Chúa Giêsu cũng là một nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn. Những lời dạy của Người, chẳng hạn như lòng yêu thương, tha thứ, và nhân ái, đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nền văn hóa và triết lý trên toàn thế giới. Đối với nhiều người, Chúa Giêsu không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn là một biểu tượng của sự hy vọng, công lý, và tình yêu thương.

Chúa Giêsu hôm qua cũng như hôm nay luôn được con người tôn thờ, kính tin không chỉ nơi những người theo Kitô giáo mà còn bởi nhiều người khác, những người nhìn nhận Người là một nhà tiên tri vĩ đại, một nhà đạo đức, và một nhân vật lịch sử quan trọng”.

Sứ điệp lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến sự nhận diện và trung thành với căn tính của Chúa Giêsu Kitô. Hãy lắng nghe nhân loại hôm nay nhận xét Chúa là ai? Hãy xác tín lại niềm tin về Đấng mà chúng ta tôn thờ là ai? Đây là điều mà năm xưa, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?” và sau đó Ngài hỏi thánh Phêrô: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Khi thánh Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô,” Chúa Giêsu tiết lộ rằng Ngài sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị chối bỏ, bị giết và sẽ sống lại sau ba ngày.

Chúa muốn chúng ta nhận thức rõ về căn tính của Ngài và đi theo Ngài một cách trung thành, dẫu rằng con đường theo Chúa đòi hỏi sự từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày. “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống mình.”

Ngài vẫn đòi hòi triệt để những kẻ tin theo Ngài phải từ bỏ, phải hy sinh vác thập giá, phải đi qua cửa hẹp và phải sống thanh thoát với của cải trần gian. Nghĩa là Ngài vẫn đòi hỏi chúng ta phải sống vượt lên trên nhu cầu hưởng thụ tầm thường, phải sống làm chủ bản năng của mình bằng hy sinh khổ chế để ép mình đi trên con đường thập giá của Chúa.

Với những đòi hỏi đó, phải có cái nhìn đức tin như Phêrô mới có thể vượt mọi trở ngại mà theo Thầy, mới có thể tuân giữ lời Thầy và sống gắn gó mật thiết với Thầy. Phêrô và các môn đệ đã nhận ra Thầy là Chúa, là Đấng hằng sống và các ông còn hiểu rằng: ai bước đi theo Ngài sẽ không phải chết đời đời. Các ông đã dám đánh đổi cuộc đời này để đổi lấy hạnh phúc bất diệt đời sau. Các ông đã dám khước từ vinh hoa phú qúy đời này để nhận lãnh triều thiên vinh hiển ngày mai.

Vâng cuộc đời này sẽ đi qua. Tiền tài, danh vọng, lạc thú tất cả chỉ là phù vân. Cái chết sẽ làm chúng ta đoạn tuyệt tất cả. Những gì chúng ta vun quén đều phải để lại nơi trần gian. Mỗi người chỉ mang theo tội phúc để trình diện trước mặt Chúa. Tội phúc ở đời này sẽ là cánh cửa để ta bước vào đau khổ hay hạnh phúc đời sau. Các tông đồ đã vượt thắng tất cả vì tin rằng Chúa là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống. Các Ngài đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa, còn chúng ta có dám vì sự sống vĩnh cửu ngày mai bên Chúa mà khước từ những đam mê tội lội, những bon chen lợi lộc trần gian để trung thành với giáo huấn của Chúa hay không? Hạnh phúc hay đau khổ đời đời còn tuỳ thuộc vào chọn lựa cách sống của chúng ta hôm nay?

Ước gì chúng ta có cái nhìn đức tin như Phêrô để làm chứng cho thế giới hưởng thụ hôm nay về một cuộc sống hạnh phúc trường sinh mai sau. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

———————————————

 

 

Đối Với Tôi, Chúa Giêsu Là Ai ?

Chúa Giêsu rảo qua nhiều vùng đất Do-thái để rao giảng Tin Mừng, chữa bệnh, trừ quỷ, làm nhiều phép lạ… suốt 3 năm trường, nhưng không mấy ai biết đích xác Ngài là ai. Họ tưởng Ngài là Gioan Tẩy giả bị Hêrôđê trảm quyết nay sống lại; có kẻ thì tưởng lầm Ngài là ngôn sứ Êlia; kẻ khác thì cho rằng Ngài là một ngôn sứ nào đó.

Thế rồi, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8, 29).

Như vậy, ngoài Phêrô, dường như chẳng ai biết được chân tướng của Chúa Giêsu. Phêrô quả có phúc lớn vì được biết căn tính của Thầy mình.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đặt lại câu hỏi nầy với mỗi người chúng ta. Ngài muốn chúng ta bày tỏ nhận định của ta về Ngài: “Phần con, con nghĩ Thầy là ai?”

Thầy là Thẩm phán khắt khe
Đối với một số tín hữu, Chúa Giêsu là một vị thẩm phán khắt khe, trừng phạt đích đáng những kẻ có tội… nên họ tham dự Thánh lễ Chúa nhật hằng tuần hay làm những việc đạo đức khác chỉ vì sợ phạm tội, sợ bị Chúa phạt… chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa.

Thầy là một vị thần Tài
Một số người khác xem Chúa Giêsu như một ông thần Tài; họ thờ phượng Chúa để mưu tìm lợi lộc vật chất, được ăn nên làm ra, buôn may bán đắt… Nếu được Chúa cho như ý thì siêng năng đến với Chúa. Nếu không được toại ý, thì họ lơ là, nguội lạnh, xa cách Chúa. Họ thờ Chúa không phải vì yêu mến Chúa mà chỉ vì mình.

Thầy là tấm phao cứu hộ
Đối với nhiều người khác, Chúa Giêsu như vị Thần hộ mạng, như tấm phao cứu hộ. Khi được bình an, sức khỏe, khi còn trẻ trung… họ không quan tâm đến Chúa. Đến khi già yếu, khi lâm bệnh nguy kịch hoặc gặp gian nan khốn khó trong cuộc đời… họ sẽ tìm đến với Chúa, thiết tha cầu khẩn Ngài cứu giúp. Họ xem Ngài như một tấm phao cứu hộ; khi trời yên biển lặng thì bất cần phao, nhưng khi sóng to bão lớn thì cố giằng lấy phao cho bằng được.

Thiên Chúa đau buồn biết bao khi đoàn con yêu dấu của Ngài đối xử với Ngài như thế, khi họ tìm đến với Ngài để mưu cầu lợi ích cho mình chứ không vì lòng yêu mến.
Ước gì, đừng có ai trong chúng ta xem Chúa là Thẩm phán khắt khe để rồi đến với Chúa vì sợ bị phạt chứ không vì lòng yêu mến; đừng thờ Chúa như thần Tài để xin ân huệ và lợi lộc cho mình hoặc xem Chúa như tấm phao và chỉ tìm đến Chúa khi gặp gian nan nguy khốn.

Khi thấy dân chúng chẳng hiểu căn tính của mình, ngay cả các môn đệ cũng chẳng biết Đấng Kitô là ai, Chúa Giêsu liền bày tỏ cho họ biết Ngài chính là Đức Kitô, nhưng không phải là một Đức Kitô vinh thắng chinh phục các lân bang và báo thù cho dân riêng của Chúa như người Do-thái mong đợi, nhưng là một Đức Kitô nhẫn nhục, hiến mạng sống mình chết thay cho muôn dân. Ngài nói với các môn đệ rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31).

Lạy Chúa Giêsu. Chúa là Đấng đã nộp mình chịu chết để đền tội cho chúng con, cho chúng con được sống muôn đời. Chúa yêu thương chúng con hết lòng hết sức trên hết mọi sự.
Vì thế, chúng con xin chọn Chúa làm thần tượng của mình và dành chỗ nhất cho Chúa trong trái tim chúng con. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

————————————-

 

 

Đường Tình
CN XXIV TN-B – (Mc 8, 27 – 35)

Đường tình thập giá Chúa xin vâng

Mời gọi môn sinh thông dự phần

Từ bỏ chính mình xa ảo ảnh

Trung thành sứ mạng thoát phù vân

Kinh qua đau đớn vinh quang đến

Vượt thắng khổ sầu hạnh phúc dâng

Mạng sống hiến trao vui tìm thấy

Tình Yêu Viên Mãn hưởng thiên ân.

Hạt Nắng

 

————————————

 

Chúa Ơi! Biết Trả Lời Sao?
CN XXIV TN-B – (Mc 8, 27 – 35)

Đường thập giá dẫn đưa về nguồn sống,
đường phục sinh thoát ảo mộng trần gian.
Đường khổ hình dẫn đưa tới vinh quang,
đường mạc khải về suối nguồn hạnh phúc.

Chúa kinh qua chịu đớn đau, khổ nhục,
lễ tế hy sinh tuôn hồng phúc cho dời.
Hiến thân mình đồi cao máu lệ rơi,
lòng thương xót khối tình thương cứu độ.

Đấng Thiên Sai trước bão bùng, giông tố,
vác thập hình tỏ lộ trái tim yêu.
Chịu nhục nhã chịu thân xác tiêu điều,
vâng Thánh ý cho trần gian ơn giải thoát.
***
Giữa dòng đời tâm hồn con phiêu bạt,
đường công danh làm lung lạc niềm tin.
Mờ lương tri, ham địa vị cầu vinh,
ngại từ bỏ, ngại hy sinh khổ chế.

Ngại cửa hẹp sợ người đời khinh dễ,
sợ kém thua luồn lách để hơn người.
Giữ đạo hợt hời giới răn thả buông trôi,
sợ phiền toái chuyện kinh doanh lời lãi.

Nay Chúa hỏi con giật mình ngây dại,
Ngài là ai? Con biết trả lời sao?
Nói tin Ngài mà dạ cứ xôn xao,
vinh hoa thế tục chạy theo đường bất chính.
***
Hạnh phúc thật Chúa công khai minh định,
muốn theo Ngài đừng toan tính lợi danh.
Từ bỏ mình chuyện trần thế đua tranh,
vác thập giá mình đồng hành theo chân Chúa.

Hồn thanh luyện như vàng trong lò lửa,
dạ thanh cao trước của cải trần gian.
Phó thác, tin yêu trước giông tố đại ngàn,
tự do đoạn tuyệt tiền tài, danh lợi thú.

Con bừng tỉnh sau tháng ngày mê ngủ,
Ngài là ai ? Con đã có câu trả lời.
Là Tình Yêu lòng thương xót khôn nguôi,
là Tin Mừng Cứu Độ, là lời ban Sự Sống.
Là Đấng Kitô một tình yêu sống động,
lòng thương xót vô bờ hằng khát vọng tình yêu.

Bâng Khuâng Chiều Tím

 

————————————–

 

 

Thầy Là Ai?
CN XXIV TN-B – (Mc 8, 27 – 35)

Thầy là ai? Nhân thế mong chờ!
Thầy là ai? Giữa cuộc đời các con!
Bước đường chông gai tình yêu dâng hiến,
con tim tự nguyện gánh vác thập hình,
trung trinh chu toàn thánh ý.

Đường Thầy đi bão tố giăng đầy,
tình nồng say dẫu gập ghềnh, đắng cay.
Lưỡi đòng đâm thâu, vòng gai nhuốm máu,
thương đau nhục hình gánh lấy tội tình,
khát vọng cứu chuộc nhân sinh.

Đường Thầy đi anh em muốn theo?
Đầy hiểm nguy, vất vả, cheo leo,
chẳng được giầu sang, chẳng chức quyền, danh vọng,
sống tình hiệp thông trái tim nồng dâng hiến.

Đường Thầy đi anh em muốn theo?
Bỏ mình đi thập giá trên vai,
tin tưởng ngày mai hạnh phúc trong tình Ngài,
Nước Trời huyền siêu, viên mãn tình thương yêu.

Thầy là ai? Con Chúa giáng trần,
đường Thầy đi cứu chuộc cho thế nhân.
Suối nguồn bao la ơn thiêng thập giá,
tha nhân an hòa kín múc ân tình,
ước vọng sống lại trường sinh.

M. Madalena Hoa Ngâu

 

———————————

 

Ngài Là Ai?
CN XXIV TN-B – (Mc 8, 27 – 35)

Đường tình ngày đó Chúa đã đi qua,
nồng nàn hiến dâng tình yêu thập giá.
Con đường vâng phục ý Cha,
khổ hình, nhục nhã kinh qua,
sức sống Phục Sinh chan hòa bừng sáng.

Gập ghềnh, gợn sóng giữa những bon chen,
lời Ngài vang lên nồng say lửa mến.
Tâm hồn như hạt muối men,
theo Ngài thập giá trung kiên,
đốt cháy tình riêng nên duyên cùng Ngài.

Ngài là ai? Là Đấng Thiên Sai huyền siêu.
Ngài là ai? Là Đấng Kitô tình yêu.
Xác thân tiêu điều bước trong nắng chiều,
bao la khối tình nhân ái.

Ngài là ai ? Chuộc lấy con trong tội nhơ.
Ngài là ai ? Tìm kiếm chiên hoang bơ vơ.
Tiếng yêu vô bờ dẫu ai hững hờ,
trao ban tình nồng mến thương.

Đường trần ngời sáng đốt cháy đam mê,
giã từ u mê, phù vân, lạc thú.
Khước từ danh vọng viễn du,
tình Ngài thương xót thiên thu,
tiếp sức cho con tín trung cùng Ngài.

Nắng Sài Gòn

Con Đường Chúa Đã Đi Qua
CN XXIV TN–B – (Mc 8, 27 – 35)

Chúa dạy con lộ trình hạnh phúc,
hưởng vinh quang ân đức mai sau.
Là đường chấp nhận khổ sầu,
khiêm nhu đón nhận đớn đau thập hình.

Đường từ bỏ chính mình, tự hạ,
dẫu chông gai vất vả gian nan.
Quyền cao chức trọng chẳng màng,
chén đắng uống cạn dẫu ngàn hiểm nguy.

Đường phục vụ thực thi bác ái,
quyết dấn thân chẳng ngại hy sinh.
Trung kiên vác thập giá mình,
chấp nhận đau khổ nhục hình bước theo.

Vui đón nhận khó nghèo khổ lụy,
không tranh giành địa vị cao sang.
Tâm hồn thư thái bình an,
bước qua đau khổ vinh quang đón chờ.

Ngài là thần tượng ước mơ,
là Đấng Cứu Độ mong chờ bấy lâu.
Tình yêu Thiên Chúa nhiệm mầu…

AP. Mặc Trầm Cung