“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. ( Mc 7, 1-8.14-15.21-23)
Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.
Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Với Cả Tâm Tình ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Tập Tục Vàf Giới Răn Lm. Hiền Lâm Trg 4
Sửa Tâm Quan Trọng Hơn Sắc Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Thanh Tẩy Tâm Hồn Trước Hết Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Luật Thiện Hảo Hạt Nắng Trg 9
Giới Luật Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Sống Tin Mừng – Lời Thách Đố M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Luật Trọn Hảo Nắng Sài Gòn Trg 12
Luật Thiện Hảo A.P Mặc Trầm Cung Trg 13
———————————–
Với Cả Tâm Tình
Truyện thiền kể có hai nhà sư xuống núi. Dọc đường các ngài gặp một thiếu nữ đứng bên vũng nước sâu. Thiếu nữ muốn đi qua mà không sao đi được. Thấy vậy, một nhà sư liền bế thiếu nữ vượt qua vũng nước. Trở về gần đến chùa, nhà sư kia trách bạn: “Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế ?”. Nhà sư trả lời: “Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa”.
Câu chuyện ý nhị trên đã minh hoạ rõ nét về hai lối sống đạo. Lối sống đạo theo hình thức và lối sống đạo theo nội tâm. Nhà sư trọng hình thức không dám động đến thiếu nữ, nhưng tâm hồn ông lại nặng vấn vương. Thế mà ông vẫn yên tâm cho rằng mình đã giữ trọn luật giới sắc. Ông tự hào về mình và trách móc bạn đã vi phạm luật tu hành. Ông đã hoàn toàn giữ luật theo hình thức bề ngoài mà không xét đến nội tâm của mình.
Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do thái cũng giữ đạo theo hình thức như thế. Họ rất trọng những luật lệ theo hình thức bề ngoài. Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Theo họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Đặc biệt là luật thanh sạch. Người Do thái có nhiều cấm kỵ ô uế. Bị coi là ô uế những người mắc bệnh phong, những người phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo. Ai tiếp xúc với những người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ngay cả những đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế. Ai động đến những đồ vật đã bị ô uế cũng sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ô uế là tội lỗi. Những người bị ô uế sẽ không được dâng lễ vật cho Chúa. Để tránh ô uế, người Do thái luôn rửa tay, rửa bát bên ngoài cho sạch.
Chúa Giêsu chê trách họ là giả hình. Vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Chúa Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám, xấu xa.
Vì quá chú trọng đến những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài, họ biến đạo thành một mớ những nghi thức trống rỗng vô hồn. Đọc kinh cho đủ bổn phận mà không cầu nguyện. Ăn chay để giữ đúng luật hơn là để hạn chế tính mê tật xấu. Làm việc bác ái để phô trương hơn là để chia sẻ với người anh em cơ nhỡ. Tệ hại nhất là họ giữ đạo mà không thật lòng yêu mến Chúa. Nên hôm nay, Chúa Giêsu đã nặng lời chỉ trích họ: “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.
Những hình thức bên ngoài không phải là không cần thiết. Nhưng những hình thức bên ngoài, muốn có giá trị, cần phải phát xuất từ tâm tình bên trong. Nội tâm con người là nguồn mạch của mọi hành vi. Nội tâm có tốt thì hành vi mới tốt. Nội tâm có chân thật thì hành vi mới có giá trị.
Đạo Chúa không phải là hình thức. Đạo Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phaolô dạy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13, 1-3).
Vì thế, khi làm việc gì, điều cần thiết là cho cử chỉ phản ánh trung thực tâm hồn. Tất cả mọi việc làm lời nói ra bên ngoài phải phát xuất từ tâm hồn chân thực. Nhất là phải làm sao cho mọi nghi thức tôn giáo phát nguồn từ trái tim yêu mến chân thành. Việc từ thiện phải phát nguồn từ một tình yêu mến huynh đệ, thành thực muốn chia sẻ. Lời cầu nguyện phải phát xuất từ một trái tim yêu mến của người con hiếu thảo đối với Cha trên trời. Việc ăn chay phải khởi đi từ ý muốn chế ngự các nết xấu. Nghi thức thanh tẩy phải cử hành trong tâm tình sám hối. Có như thế, khi môi miệng đọc kinh, lòng ta mới gần gũi Chúa. Khi ăn chay, tâm hồn ta mới tan nát vì tội lỗi. Khi làm việc bác ái, ta tránh được thói phô trương. Khi rửa tay, tâm hồn ta mới được thanh tẩy nên trong trắng.
Với tất cả tâm tình, những nghi thức mới trở nên có hồn, thành thực. Với tất cả tâm tình, ta mới thực sự sống đạo. Với tất cả tâm tình, đạo mới đưa ta đến gần Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ:
1- Rửa tay hay rửa linh hồn, điều nào quan trọng hơn ?
2- Điều gì quan trọng nhất trong đạo ? Làm những việc phi thường hay là mến yêu Chúa và yêu thương anh em ?
3- Bạn thường đi lễ cho đầy đủ bổn phận hay đi lễ vì yêu mến Chúa ?
4- Bạn làm việc thiện vì yêu mến người nghèo hay vì muốn khoe khoang ?
ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
—————————————
Tập Tục Và Giới Răn
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta, không thể có một sự thỏa hiệp nào giữa hai quan niệm luật hình thức và luật yêu thương; không thể san bằng nghi thức bên ngoài với lệnh truyền của Chúa; không dùng tập tục con người để trốn tránh giới răn Thiên Chúa. Tuân giữ lề luật không phải câu nệ theo mặt chữ, mà với cả lòng yêu mến và bác ái với mọi người. Vì quá câu nệ luật nên người Pharisiêu lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái phụ tuỳ bên ngoài mà đánh mất cái chính yếu bên trong là đức công bằng. Lo rửa tay rửa chén đĩa cho sạch, mà tâm hồn thì nhơ uế đầy gian tà cướp bóc, an tâm với những việc giữ luật bề ngoài mà không màng tới tinh thần. Đó là lối sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng.
1. Vấn đề tập tục và giới răn.
Việc rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt giúp an toàn vệ sinh, nó như là một nét văn hoá được các giáo viên mầm non tập cho trẻ từ thuở bé. Và ở nhiều nơi trên thế giới, việc rửa tay trước khi ăn đã trở thành một tập tục, thậm chí như là một điều buộc phải làm để giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên, đối với các Pharisiêu thì nó được giải thích như là một điều luật và là một nghi thức tôn giáo để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.
Người Biệt phái thắc mắc vì một số môn đệ Chúa Giê-su không rửa tay trước khi ăn. Họ thắc mắc không vì việc Chúa Giêsu không giữ an toàn vệ sinh ăn uống, mà là cho rằng việc Chúa lỗi luật và vi phạm nghi thức tôn giáo truyền thống về việc sạch dơ.
Chúa Giêsu không phải lên án việc rửa tay cũng như rửa chén đĩa hay những thứ đồ vật khác trước khi ăn, nhưng Người muốn nhân cơ hội để dạy cho các ông Pharisêu một bài học quan trọng hơn – một sự trong sạch đích thực là sự trong sạch cho tâm hồn, chứ không phải cái mã bề ngoài.
Đối với Chúa Giêsu, quan niệm về những đòi hỏi của Thiên Chúa được thể hiện lớn nhất bằng luật yêu thương. Người xem giữ luật là một cảm nghiệm sống ở trong lòng, một biểu hiện liên đới, nhân từ với tấm lòng trong sạch và đời sống yêu thương. Những điều đó vượt trên hình thức giữ luật khác.
2. Sự trong sạch thể xác và tâm hồn.
Có vẻ như lời lên án của Chúa Giêsu về chuyện sạch – dơ chẳng ăn khớp gì với nhau, bởi khi nói cái đi vào thân thể con người là thực phẩm ăn uống và cái xuất ra từ con người lại nói đến tư tưởng. Đó là hai phạm trù khác nhau giữa vật chất và tinh thần. Thật ra, Chúa Giêsu dùng chính cái lối quan niệm sai lầm về tập tục của Do Thái để tranh luận với họ. Họ coi những chuyện ăn uống đồ ăn vật chất lại làm cho tâm hồn thuộc tinh thần ra dơ uế hoặc thanh sạch.
Chuyện đồ ăn thức uống hằng ngày chỉ là nhu cầu nuôi sống thể xác, nhưng đã bị các Kinh sư đẩy lên thành một thứ luật lệ và thậm chí đặt nó thành định chế tôn giáo. Họ phân định ra những thức ăn nào là dơ và thức ăn nào là sạch, thức ăn nào bị cấm và thức ăn nào được ăn, thức ăn nào thành tội và thức ăn nào là thánh…
Chúa Giêsu không đồng tình với cách phân biệt này, Người khẳng định mọi thức ăn đều sạch, chỉ có lòng người mới là nguồn gốc của sự ô uế.
Đành rằng có thể có những đồ ăn thức uống có thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ vì có độc hoặc không đảm bảo vệ sinh, nhưng chắc chắn không có thứ thực phẩm nào làm cho tâm hồn ra ô uế được. Sự ô uế của tâm hồn chỉ xảy đến từ những tư tưởng xấu và những hành động xấu mà Chúa Giêsu đã liệt kê ra hôm nay: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,21-23).
Lời Chúa Giêsu nói với người Pharisêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Bên ngoài đẹp như hàng Nhật, nhưng bên trong thì là linh kiện rởm của Trung Quốc. Nhiều người chúng ta ưa tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô ngầm ý về danh tiếng và danh vọng.
Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự. Sống đạo với nghi lễ, làm đủ việc đủ giờ mà thôi thì chưa đủ, nhưng phải có tâm tình bên trong, và trong đời sống thường ngày, phải tỏ hiện lòng yêu mến Thiên Chúa và bác ái với mọi người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trong khi biết lo làm đẹp bề ngoài, thì cũng lo cho linh hồn mình nên trong sạch trước mặt Thiên Chúa. Amen
Lm. Hiền Lâm
————————————
Sửa Tâm Quan Trọng Hơn Sắc
Một người kia đem hai cây kim đồng hồ đến người thợ sửa đồng hồ bảo rằng: “Tôi nhờ ông sửa hộ gấp hai cây kim này vì chúng chỉ sai giờ luôn.” “Đồng hồ của anh đâu?”
“Thưa ông, tôi để đồng hồ ở nhà, nó vẫn còn tốt nên tôi chỉ đem hai cây kim đến đây mà thôi.”
Người thợ sửa đồng hồ khó chịu nói “Anh hãy mang đồng hồ lại đây vì tôi cần nó”.
“Tôi đã nói với ông là nó vẫn còn tốt, chỉ cần sửa hai kim này mà thôi, nếu tôi đem đồng hồ lại đây ông đòi nhiều tiền công sao! Thôi ông trả lại hai cây kim cho tôi”.
Người này đem hai cây kim tìm người sửa cho đúng giờ nhưng ông không bao giờ làm được điều này cho đến khi ông mang đồng hồ đến người thợ!
Ngày nay rất còn nhiều người hờ hững với tấm lòng hư hoại của mình, cứ lo sửa đổi trau chuốt hình thức bên ngoài, nhưng cái hào nhoáng bên ngoài đó không che giấu được cái sai trật bên trong, vì từ đó phát ra những việc như lời Chúa đã ghi:
“Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối và lộng ngôn” (Mt 15,19).
Những người Do Thái năm xưa dường như cũng có cái nhìn về sạch đẹp như con người ngày nay. Họ chú trọng đến việc canh tân hình thức bên ngoài mà quên đi việc canh tân tâm hồn. Họ nhạy cảm với sự dơ bẩn bên ngoài như đồ ăn, thức uống và vật dụng mà quên đi điều quan yếu của lề luật là gìn giữ sự thanh khiết tâm hồn. Lề luật không nhằm bảo đảm cho con người được sạch sẽ thân thể, hay đồ ăn thức uống mà nhằm gìn giữ nét đẹp của phẩm giá con người và bảo vệ con người khỏi những sự ô uế của tâm hồn. Thế nên, gìn giữ sự thanh khiết tâm hồn quan trọng hơn là sự sạch sẽ bên ngoài. Thanh tẩy tâm hồn khỏi những bợn nhơ tội lỗi cần thiết hơn là những nghi lễ bên ngoài. Philatô đã từng rửa tay nhưng nhân loại qua bao thế hệ vẫn không xem ông là “vô can trong cái chết của người công chính?”.
Ở đời vẫn có biết bao người đã dùng bàn tay để làm sự ác như giết người, cướp của . . . và họ cũng đã từng rửa tay cho sạch, nhưng làm sao họ rửa được tội ác mà họ đã gây nên? Bàn tay chỉ là dụng cụ. Bàn tay không là chủ mưu. Bàn tay bị sai khiển bởi tâm địa gian ác và lưu manh của con người.
Chính vì thế, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được ; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế”.
Thế nên, điều cần rửa là rửa tâm hồn sạch mọi những toan tính bất chính, cần phải loại bỏ những ý đồ dơ bẩn, và tránh xa những cám dỗ tội lỗi của ma qủy luôn dẫn dụ con người đi ngược lại với giáo huấn của Chúa.
Xin lời Chúa uốn nắn và sửa lòng chúng ta để những hành vi, cử chỉ của chúng ta luôn đẹp trước mặt Chúa và tha nhân. Xin lời Chúa thanh luyện tâm hồn của chúng ta khỏi những bợn nhơ tội lỗi, những toan tính bất chính và đam mê thấp hèn, để tâm hồn luôn là thuở đất tốt cho lời Chúa sinh hoa trái bác ái, yêu thương nơi cuộc đời từng tín hữu chúng ta. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
—————————————
Thanh Tẩy Tâm Hồn Trước Hết
Theo Kinh thánh thì án mạng đầu tiên xảy ra khi loài người mới có mặt trên trái đất nầy. Hung thủ là Cain và nạn nhân là Aben, người em ruột thịt của anh. Tại sao Cain giết em?
Cain và Aben là hai anh em ruột thịt hằng ngày vẫn vui đùa bên nhau, hoà thuận với nhau. Thế rồi, sau khi thu hoạch hoa màu, hai anh em cùng dâng lễ đầu mùa lên Thiên Chúa. Thiên Chúa nhận lễ vật của Aben mà từ khước lễ vật của Cain.
Thế là từ đó, lòng ganh tị phát sinh trong lòng Cain, khiến Cain dụ em ra đồng và xông vào đánh chết người em.
Lòng ganh tị trong tâm hồn Cain là nguyên nhân chính xui khiến anh giết chết Aben.
Tương tự như thế,
– Chính vì lòng tham thúc đẩy nên mới sinh ra thảm cảnh cướp của giết người, tham ô, trộm cắp, buôn bán ma túy, sản xuất thực phẩm độc hại, buôn người và nhiều hình thức chiếm đoạt khác… Như thế, lòng tham trong thâm tâm con người là cội nguồn sinh ra rất nhiều tội ác khắp nơi. Nếu tâm hồn con người trong sạch, không chất chứa tham lam, không khao khát giàu sang, dư dật … thì người ta sẽ không gây ra những tội ác như trên.
Nếu các quốc gia không bị lòng tham xúi giục, không mưu toan chiếm đoạt lãnh thổ và tài nguyên nước khác để thu lợi cho mình … thì thế giới sẽ không có xung đột và chiến tranh.
– Chính vì lòng kiêu ngạo, muốn đặt mình lên địa vị cao, muốn thống trị người khác nên người ta mới đấu đá, giết hại nhau… để tranh giành chức quyền, thế lực, địa vị… Nếu có lòng khiêm tốn, bằng lòng với giới hạn của mình, người ta sẽ không làm hại người khác để củng cố địa vị, để tranh giành chức trọng quyền cao.
– Chính vì lòng tà dâm bùng lên trong lòng người mới phát sinh ra lạm dụng tính dục, ngoại tình, mua bán dâm và nhiều hình thức ăn chơi sa đọa tội lỗi khác lan tràn khắp địa cầu. Nếu người ta dập tắt mê muốn tà dâm trong lòng mình và kiềm chế dục vọng xác thịt, thì thế giới sẽ không có nhiều tệ nạn gian dâm như hôm nay…
Như thế, mọi thứ tội ác đều từ lòng người mà ra; đúng như lời Chúa Giêsu dạy: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng… Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 21-23).
Mầm mống tội lỗi rất đáng sợ
Tham lam, kiêu căng, ganh tị, tà dâm… là những mầm mống tội lỗi ẩn sâu trong lòng người, chúng tuy vô hình, nhưng có quyền lực vô song; hầu như tất cả mọi người xưa nay trên thế giới, ngay cả những anh hùng kiệt xuất, những ông vua đầy quyền lực, những nhân vật xuất chúng… đều bị chúng xui khiến, chỉ đạo, lèo lái… Chúng xui khiến người ta hành động y như người giật giây đứng sau bức màn, điều khiển mọi hoạt động của những con rối nước.
Điều đáng sợ là mầm mống tội lỗi thì vô hình vô dạng nên rất khó nhận diện và truy tìm ra chúng và vì không thấy nên người ta không quan tâm, bỏ mặc chúng hủy diệt tâm hồn.
Mầm mống tội lỗi không phải là khối u nằm trong thân xác gây đau đớn khó chịu nên người ta không quan tâm và không tìm cách loại bỏ chúng.
Do đó, những mầm mống, những cội rễ của tội lỗi… sẽ mãi mãi thống trị loài người, xui khiến, xô đẩy bao người lâm vào thảm cảnh chiến tranh, chém giết, cướp đoạt, gian dâm và muôn vàn hình thức tội lỗi khác.
Vì vậy, việc thanh tẩy tâm hồn, gạn sạch lòng mình khỏi tham lam, ích kỷ, kiêu căng, ganh tị, tà dâm… là việc quan trọng hàng đầu mà mỗi người phải quyết tâm thực hiện.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con mỗi ngày biết dành thời gian thinh lặng để nhìn sâu vào tận đáy lòng mình; nhờ đó, chúng con có thể phát hiện ra những ham muốn xấu xa đang đâm rễ trong đó.
Xin giúp chúng con kiên quyết nhổ bỏ chúng ngay từ hôm nay, để khỏi bị chúng điều khiển, chi phối và làm cho đời chúng con ra ô uế. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
————————————–
Luật Thiện Hảo
CN XXII TN-B – (Mc 7, 1-8. 14-15. 21-23)
Niềm tin đích thực dưỡng tu tâm
Giới luật Tình Yêu sống chứng nhân
Nghi thức vô hồn tình cách biệt
Hành vi sống động nghĩa tri âm
Trau dồi nhân đức nên công chính
Thanh tẩy nội tâm hưởng thánh ân
Đạo lý, luân thường đường lối Chúa
Bình an, hạnh phúc được thông phần.
Hạt Nắng
——————————————
Giới Luật Tình Yêu
CN XXI TN-B – (Mc 7, 1-8. 14-15. 21-23)
Hồn trống rỗng thích rình rang hình thức,
nặng phô trương tỏ đạo đức nghiêm trang.
Tích cực, hăng say tham gia các hội đoàn,
ham danh vọng thích công khai thành tích.
Nguyên tắc, nội quy con thẳng thừng công kích,
bất cứ ai phản nghịch luật tiền nhân.
Nghiêm nghị, khắt khe, tính xét nét, đong cân,
lưu tâm ngờ vực gieo hạt mầm chia rẽ.
Chức trọng, quyền cao tranh giành khi có thể,
đóng góp huyênh hoang để được tiếng đời khen.
Tổ chức lễ nghi lộng lẫy chú trọng đến nhang, đèn,
băng rôn, biểu ngữ giả hình hồn u ám.
***
Giới răn Chúa khơi nguồn tình yêu xán lạn,
luật yêu thương đem ánh sáng cho đời.
Luật kiện toàn gìn giữ nét đẹp tinh khôi,
hồn thanh khiết phẩm giá con người luôn trân trọng.
Luật pháp Chúa thiêng liêng và sống động,
thanh tẩy lương tri ban sức sống tâm hồn.
Nội tâm an bình diện kiến Đấng Chí Tôn,
lòng yêu mến Chúa, tha nhân tình trong sáng.
Tôn thờ Chúa, Đấng yêu thương vô hạn,
sống thanh liêm thực hiện giới răn Ngài.
Lòng trung thành trước cám dỗ trần ai,
chứng nhân Sự Thật trước muôn vàn thách đố.
***
Thuyền con trôi giữa trùng khơi bão tố,
lời nguyện cầu bền đỗ trái tim yêu.
Thanh tẩy hồn con dẫu tan nát, tiêu điều,
niềm tin trung tín tuân hành luật pháp Chúa.
Xin Thần Khí đốt trong con ánh lửa,
thanh luyện tinh tuyền tẩy rửa những bơn nhơ.
Công lý, tình thương tránh ảo tưởng, mộng mơ,
Tin Mừng của Chúa trung thành, hồn yêu mến.
Bâng Khuâng Chiều Tím
—————————————-
Sống Tin Mừng_Lời Thách Đố
CN XXII TN-B – (Mc 7, 1-8. 14-15. 21-23)
Sống theo Tin Mừng lời thách đố giữa cuộc đời,
trừ khử bợn nhơ khỏi lòng mưu đồ gian dối.
Tâm hồn tinh khôi giữa muôn vàn mưu chước dối gian,
đức tin trung thành, tôn thờ Chúa thi hành giới răn.
Trái tim chân thành được thánh hóa yêu sự thật,
lề luật phàm nhân dễ làm lạc đường công chính.
Hành trình quang minh yêu công bình, chân lý, tình thương,
đức tin kiên cường, yêu mến Chúa dẫu ngàn tai ương.
Đường thập giá – Chúa đã đi qua,
trọn tình yêu giữa những phong ba.
Ách Ngài êm ái gánh Ngài nhẹ nhàng,
cho con bình an vượt qua ngàn giông bão.
Tình thập giá hiến lễ cao siêu,
Luật Tình Yêu chan chứa thương yêu.
Ban điều răn mới Chúa đã kiện toàn,
nhân gian lao xao giữ tâm hồn thanh cao.
Chứng nhân Tin Mừng lòng trung tín giữa cuộc đời,
lề luật tình yêu chan hòa giữa lòng nhân thế.
Dòng đời nhiêu khê giữ luân thường, đạo lý tình thương,
trái tim khơi nguồn, nguồn sự sống suối mạch trào tuôn.
M. Madalena Hoa Ngâu
—————————————-
Luật Trọn Hảo
CN XXII TN-B – (Mc 7, 1-8, 14-15. 21-23)
Dòng đời thênh thang,
con say mê hào quang thế trần.
Ảo vọng phù vân, ôm đam mê thấp hèn, bất chính,
ngoại hình tô son, nhưng bên trong mưu đồ bất minh.
Tiếng lương tâm vô hồn,
giả hình, giả nghĩa, dối lừa thế nhân.
Lời Ngài uy linh,
tâm u minh mầm gieo bất hòa.
Rửa sạch lương tri, tâm thanh cao gieo mầm chân lý,
dòng đời gian nguy, luôn tin yêu khơi nguồn thánh ân.
Sống canh tân tâm hồn,
giữ gìn thanh khiết luân thường sáng trong.
Luật pháp Chúa quang minh,
giới răn Chúa thiện toàn,
công lý, tình thương trao ban điều răn mới.
Hãy gieo rắc muôn nơi,
Tin Mừng đến mọi người,
“hãy mến yêu nhau như Thầy yêu mến anh em”.
Lề luật yêu thương,
mang trong tim hòa tan giữa đời.
Hướng thiện, từ tâm, gieo tin yêu sống tình liên đới,
nụ hồng xinh tươi, gieo an vui chân thành thẳm sâu.
Ánh sáng soi nhiệm mầu,
luân thường, đạo lý giới luật thủy chung.
Nắng Sài Gòn
—————————————
Luật Thiện Toàn
CN XXII TN-B – (Mc 7, 1-8. 14-15. 21-23)
Hồn trống rỗng tô son hình thức,
nặng giáo điều chuẩn mực nghiêm trang.
Kinh hạt, thánh lễ chu toàn,
tưởng mình thánh thiện trên đàng thánh nhân.
Sạch bề ngoài, nội tâm hôi hám,
chuộng ăn chay ảm đạm u sầu.
Cầu nguyện ra vẻ dài lâu,
bác ái, chia sẻ tô mầu phô trương.
Chúa lên án thói phường giả dối,
kẻ giả hình môi miệng tôn thờ.
Lòng dạ xa cách, thờ ơ,
giữ đạo hình thức mù mờ giới răn.
Giữ tập tục tiền nhân nghiêm ngặt,
nhưng phớt lờ giới luật yêu thương.
Bác ái, nhân nghĩa xem thường,
tư tưởng đen tối tỏ tường uế nhơ.
Lòng yêu mến tôn thờ Thiên Chúa,
trái tim nồng chan chứa tình yêu.
Tâm hồn trong sáng mỹ miều,
phản ánh trung thực giới điều tín trung.
Chân thành sám hối khiêm cung,
xin Chúa thánh hóa con từng phút giây.
Tình người, tình Chúa đong đầy …
AP. Mặc Trầm Cung