SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 914, CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – B, 18/08/2024

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6, 51- 58).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.
Vậy người Do Thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Thịt Ta Là Của Ăn ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Sự Sống Lm. Hiền Lâm Trg 4
Tình Yêu Hiến Dâng Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Hồng Ân Thánh Thể Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Huyền Nhiệm Hạt Nắng Trg 9
Huyền Nhiệm Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Bánh Tình Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Tình Yêu Nhiệm Mầu Nắng Sài Gòn Trg 12
Gặp Gỡ Tình Yêu A.P Mặc Trầm Cung Trg 13

 

———————————————–

 

Thịt Ta Là Của Ăn

Nói đến máu thịt là nói đến những gì thâm sâu nhất trong con người. Thâm sâu vì máu thịt chính là sự sống. Thâm sâu vì máu huyết thuộc hệ di truyền. Ta thường nói: máu huyết của cha, thịt xương của mẹ. Yếu tố “gen” là thứ sâu xa trong bản tính con người. Là lực lượng âm thầm điều hướng định mệnh con người. Như thế máu thịt không những làm thành con người thể lý bên ngoài mà còn làm thành con người ở chiều sâu tâm sinh lý nữa.

Máu thịt là thứ thiết thân nhất trong con người. Thiết thân vì nó gắn bó chặt chẽ với bản thân ta, gắn bó với sự sống của ta. Lấy nó ra khỏi con người thì đau đớn lắm. Thiết thân vì ta yêu mến nó. Yêu máu thịt của mình cũng như yêu mạng sống mình là một điều hết sức tự nhiên.

Hôm nay khi nói ban Máu Thịt cho chúng ta, Chúa Giêsu ban cho ta những gì thâm sâu nhất trong bản thân Người. Người không chỉ ban Máu Thịt mà còn ban cho ta cốt lõi của bản tính Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Khi ban cho ta Máu Thịt, Chúa Giêsu ban cho ta chính tình yêu của Người.

Khi ban Máu Thịt cho ta, Chúa Giêsu phải chịu đau đớn. Mạng sống là quý nhất. Nhưng Người yêu ta còn hơn yêu mạng sống của mình. Vì thế, Người hiến mạng sống cho ta như lời Người nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Mạng sống là thiết thân. Nhưng đối với Người, ta còn thiết thân với Người hơn cả mạng sống của Người nữa. Người chịu tiêu hủy mình đi để trở nên thiết thân với ta. Khi hiến mình làm lương thực, Người chấp nhận chịu nghiền tán, chịu đớn đau để trở thành thịt máu của ta, để trở thành thiết thân với ta, đến nỗi ta không thể tách Người ra khỏi ta được nữa. Thật là một tình yêu lạ lùng. Thật là một sáng kiến tuyệt vời.

Khi ban Mình Máu Thánh cho ta, Chúa Giêsu mong ước ta sống kết hiệp mật thiết với Người. Khi chịu lấy Mình máu Thánh Chúa thì Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa. Đây là một biến đổi sâu xa. Chúa Giêsu đã làm người để ở với ta, làm tấm bánh để ở lại trong ta. Chúa mong ước ta ở lại trong Chúa. Vì thế khi rước lễ, ta phải biến đổi đời sống cho xứng đáng và phù hợp với Chúa. Ở trong Chúa không phải là ở trong không gian vật lý nhưng ở trong không gian thiêng liêng, trong ảnh hưởng của Chúa, trong tình yêu của Chúa, trong lề luật của Chúa, trong tinh thần của Chúa. Như thế ở trong Chúa có nghĩa là sống như Chúa, suy nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như Chúa.

Khi mời gọi ta đến kết hiệp với Người, Chúa mong muốn cho ta được sống. Chúa chính là nguồn mạch sự sống. Ở trong Người là ở trong sự sống. Kết hiệp với Người là kết hiệp với sự sống. Sống nhờ Người là hít thở sự sống của Người, hấp thu sự sống của Người. Người là sự sống vĩnh cửu, sự sống sung mãn, sự sống hạnh phúc. Được sống bằng sự sống của Người ta sẽ được sự sống dồi dào, hạnh phúc không bao giờ tàn phai.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết, yêu mến và sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời con. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bạn hiểu thịt máu có ý nghĩa gì?
2) Chúa ban Thịt Máu Chúa cho ta. Điều này có ý nghĩa gì?
3) Thế nào là ở trong Chúa? Muốn ở trong Chúa bạn phải làm gì?
4) Thế nào là sống nhờ Chúa? Muốn sống nhờ Chúa bạn phải làm gì?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

 

——————————————

 

Sự Sống

Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của diễn từ về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu không nói úp mở hay dùng biểu tượng nữa, mà Người xác minh một cách rõ ràng rằng: Chính Thịt và Máu Người là của ăn và của uống trường sinh. Lời khẳng định này nếu hiểu theo nhãn quan con người thì khó lòng chấp nhận được, nên không lạ gì người Do Thái xưa đã xì xào phản đối. Thật vậy, cho đến hôm nay, sau khi truyền phép (bánh và rượu chuyển bản thể thành Mình Máu Thánh Chúa) linh mục đã tuyên bố: “Đây là mầu nhiệm đức tin”.

Phải, là mầu nhiệm đức tin, nên không dễ gì chúng ta hiểu được mà chỉ bằng sự chiêm ngắm và cảm nghiệm, chúng ta có thể dừng lại ở một số điểm sau đây để suy niệm.

1. Sự sống tự thân và sự sống lệ thuộc.
“Làm sao ông này lấy Thịt cho chúng ta ăn được?” Những người Do Thái đa nghi đối với Thiên Chúa trong sa mạc xưa cũng có giọng điệu như thế (Ds 11,4.18). Tin Mừng thứ tư vốn thích chơi chữ đã đưa vào trình thuật ở đây một ý nghĩa khác, là Chúa Giêsu muốn nói đến việc chia sẻ và thông ban sự sống phục sinh và đã được Thần Khí biến đổi.

Người Do Thái không thể hiểu nổi mầu nhiệm “chuyển bản thể”, Thịt Chúa trở thành bánh ăn và bánh miến thành Mình Thánh Chúa, sâu xa hơn là do họ không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể biến đổi và không tin được Đấng đang nói đó là một Thiên Chúa nhập thể – Thần Linh trong con người hữu hạn.

Trong văn hóa Hípri, thịt và máu chỉ là con người trong thân phận xác đất vật hèn, có sinh có tử. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận toàn diện “chất người” của Chúa (trong thân phận xác đất vật hèn của nó) làm sở hữu của chúng ta, và “chất người” ấy thông ban cho ta thần tính của nó.

Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, bánh tác động nơi con người. Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh. Còn khi ăn bánh trường sinh – là Mình Chúa Giêsu Kitô – thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người. Chúa Kitô biến đổi tín hữu, ban cho họ sự sống của Người và kết hợp họ vào đời sống của Người. Vì sự sống của Chúa Giêsu là sự sống đời đời, thì khi thông truyền cho tín hữu sự sống ấy nhờ họ ăn Mình Người, họ cũng được thông phần cuộc sống đời đời.

Qua những cử chỉ hữu hình, người tín hữu tham dự vào thực tại vô hình và sống kết hợp với Chúa Kitô Phục Sinh. Giáo hội định nghĩa Bí tích là một thứ hữu hình tượng trưng và sản sinh một thực tại thiêng liêng. Khi tín hữu lấy đức tin mà tham dự vào các Bí tích, họ gặp gỡ Chúa Kitô hằng sống đang đổi mới cuộc đời họ. Trong tiệc Thánh (thánh lễ) các tín hữu thật sự nhận lãnh Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô trong cái chỉ còn là hình thức của bánh và rượu. Chúa Kitô Phục Sinh tự biến mình thành thức ăn nuôi dưỡng cho các tín hữu được sống đời đời (CGKPV).

Lời khẳng định cách tỏ tường và quyết liệt của Chúa Giêsu: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”, nói lên tầm quan trọng của việc rước Thánh Thể Chúa. Thân xác ăn thứ bánh man-na hữu hạn nên sự sống của thân xác chỉ có hạn; còn linh hồn ăn Thịt Chúa Kitô là sự sống vĩnh cửu nên đạt tới sự sống đời đời.

2. Sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi.
Trong mầu nhiệm Ba Ngôi: Chúa Cha yêu Chúa Con đã nhiệm xuy ra Thánh Thần Tình Yêu, tình yêu giữa Ba Ngôi liên kết với nhau khi hướng về nhau đến nỗi trở nên một với nhau. Chúa Giêsu cũng yêu các môn đệ bằng cách luôn hướng các môn đệ, và muốn các môn đệ cũng đáp lại tình yêu đó là luôn hướng về Người, kết hiệp với Người và ở lại trong Người, để cùng nên một với Người, như Người ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Người vậy.

Hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh sự sống Ba Ngôi để diễn tả sự kết hiệp của Kitô hữu với Người nhờ ăn Bánh Hằng Sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. Chúa Cha và Chúa Con vừa hiện hữu tự thân vừa hiện hữu hướng về nhau đến duy nhất. Thì đây, kẻ ăn thịt Chúa Giêsu thông phần vào sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa, khi hiện hữu hướng về Thiên Chúa và nên một với Người. Chúa Kitô sống, nên kẻ ăn Người cũng sống và sống viên mãn như Người.

“Kitô hữu” có nghĩa là “người thuộc về Chúa Kitô”, nên cuộc sống Kitô hữu đương nhiên phải là cuộc sống trong Chúa Kitô và sống bằng sức sống của Người bằng việc rước Mình Máu Thánh Người. Hình ảnh các Kitô hữu cùng ăn chung một tấm bánh (là Mình Thánh Chúa Giêsu) và cùng uống chung một chén (là Máu Thánh Chúa Giêsu) trở thành duy nhất trong một thân thể huyền nhiệm Chúa Kitô. Như thế, chính Thánh Thể là sự sống, là hơi thở, là mối dây liên kết và làm cho thân thể huyền nhiệm (Chúa Kitô là đầu và các Kitô hữu là chi thể) được sống viên mãn.

Tóm lại: Sự sống thể lý không phải là sự sống tự thân mà là sự sống lệ thuộc, nghĩa là nó cần đến lương thực vật chất nạp vào để duy trì, nhưng vì nó hữu hạn, nên sẽ đến lúc sự sống đó không thể thâu nạp được lương thực nữa nó sẽ èo ọt yếu ớt và chết. Còn sự sống thần linh là sự sống siêu nhiên Chúa ban, tuy không chết, nhưng rất cần được nuôi dưỡng bằng bánh Sự Sống là Thánh Thể, mà Thánh Thể chính là sự sống tự thân nơi Chúa Kitô và là sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi thông truyền cho linh hồn. Nhờ rước lấy Chúa Kitô mà Kitô hữu được mạnh mẽ và tăng trưởng.

Lạy Chúa Giêsu, chỉ trong Ngài chúng con mới được sống và được hiện hữu. Xin cho chúng con luôn biết khao khát của ăn đích thực là Mình và Máu Chúa, để chúng con được nâng đỡ và bổ sức trên đường lữ hành trần thế và mai sau đạt tới sự sống muôn đời. Amen

Lm. Hiền Lâm

 

——————————–

 

 

Tình Yêu Hiến Dâng

Có ai đó nói rằng: “bạn cứ yêu đi, bạn sẽ biết phải làm gì?”. Và lý lẽ của con tim thì luôn là một ẩn số khiến không ai có thể giải nghĩa được tình yêu.

Có một truyền thuyết về một loài chim tên là Bồ Nông. Chim bồ nông thường sống gần hồ nước mặn sâu trong đất liền. Mỗi lần kiếm ăn, chúng phải bay vài chục cây số để trở về biển khơi bắt cá. Có những ngày, vì giông bão, chim không kiếm được mồi, mà đàn con thì háu đói kêu la thảm thiết, chim mẹ không cầm lòng được, đã tự dùng mỏ mổ vào ngực mình cho chảy máu, nhỏ giọt cho con ăn, thay cho lương thực bổ dưỡng. Sau “bữa tiệc” ấy, người ta thấy nơi mỏ chim mẹ còn nhỏ dòng máu tươi, và những con chim con nằm im lìm, thỏa mãn. Thấy chim con được ăn no, chim mẹ tuy đau đớn về thể xác mà trong lòng vẫn vui. Vì thế, hình ảnh chim bồ nông trở thành biểu tượng cho lòng mẹ yêu thương con thắm thiết, sẵn sàng hiến mình cho con được sống.

Truyền thống Kitô giáo thời giáo hội sơ khai vẫn dùng hình ảnh này để tượng trưng cho tình yêu hiến dâng của Chúa Kitô. Tình yêu của chim Bồ Nông là hình ảnh về tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu qua cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Người. Và hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục nuôi sống chúng ta bằng chính Thánh Thể Ngài trao ban cho chúng ta.

Chuyện kể về Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay không phải là huyền thoại mà là sự thật. Chính Ngài đã hiến dâng mạng sống để cho ta được sống và sống dồi dào. Ngài yêu thương thế gian đến nỗi trao ban chính mình làm của ăn của uống cho nhân loại. Chính Ngài đã xác quyết rằng “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống”. Ai ăn và uống Mình và Máu Ngài không chỉ được sống hạnh phúc mà còn hơn thế nữa là được sống muôn đời. Ngài là bánh trường sinh. Dân Do Thái đã từng được ăn Mana từ trời nhưng rồi cũng chết. Còn ai ăn và uống Mình Máu thánh Ngài sẽ được sống muôn đời.
Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta được sống trong tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Ngài yêu chúng ta vô điều kiện. Tình yêu của Ngài bao bọc cuộc đời chúng ta và còn muốn chúng ta được sống đời đời. Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa chính là phương dược ban cho chúng ta hạnh phúc đời này và sự sống trường sinh mai sau. Tình yêu ấy đã tinh luyện trong tấm bánh Thánh Thể để ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời.
Ước gì nhân loại hôm nay biết nương nhờ nơi lòng thương xót Chúa. Chính lòng thương xót Chúa là suối nguồn tình yêu đổ tràn xuống cho nhân loại. Chúa vẫn ao ước nhân loại cùng nhìn nhận và đặt mình phó thác nơi lòng thương xót Chúa để nhân loại bình an, hạnh phúc trong sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa.
Ước gì mỗi lần chúng ta đón nhận Thánh Thể Chúa, chúng ta cũng dám hiến dâng chính mình mang lại niềm vui hạnh phúc cho tha nhân. Ước gì mỗi người chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu trở thành quà tặng mang lại cho anh em niềm vui và hạnh phúc. Xin đừng bao giờ vì ích kỷ, vì sân si mà vô cảm trước khó khăn, khổ đau của tha nhân. Xin Chúa giúp cho chúng ta luôn vượt lên tính ích kỷ cá nhân để sống cho tha nhân như lời thánh Phanxico khó khăn đã cảm nghiệm rằng: “chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

—————————————

 

Hồng Ân Thánh Thể

Không gì quý bằng sự sống. Dù bị thiên tai càn quét hết ruộng vườn, tài sản, nhà cửa, tiền bạc, nhưng người nhà chưa phải chết thì vẫn còn may.

Được sống trên cõi đời là một hồng phúc lớn nhất, là một ân huệ vượt trên hết mọi ân huệ. Sách Giảng viên viết: “Thà làm một con chó sống còn hơn làm một con sư tử chết” (Giảng Viên 9,4). Thà làm một con chuột sống còn hơn một con voi chết! Đúng là “Mạng sống quý hơn đống vàng.”

Vì yêu thương con người vô hạn nên Thiên Chúa muốn dành cho họ quà tặng cao quý nhất, đó là sự sống; và Thiên Chúa không chỉ ban sự sống sinh vật (sự sống tự nhiên) mà còn thông ban cả Sự Sống thần linh của chính Thiên Chúa cho con người nữa.

Thông ban Sự Sống thần linh
Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn của sự sống. Sự sống bắt nguồn từ Chúa Cha, rồi Chúa Cha thông ban Sự Sống của mình cho Chúa Con (Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con) và Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu xác nhận Sự Sống của mình từ Chúa Cha mà đến: “Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha” (Ga 6, 57).

Một khi nhận được Sự Sống từ Chúa Cha, Chúa Giêsu không giữ lại cho riêng mình, nhưng tìm cách thông truyền Sự Sống cao quý ấy cho nhân loại.

Bằng cách nào?
Muốn cho cành nho tiếp nhận được sự sống của thân nho, thì nó phải được tháp nối nên một với thân nho.
Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.
Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giêsu thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giêsu.

Thế nên, Chúa Giêsu lập nên bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu Ngài, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để cho những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Ngài thì được nên một với Ngài, được ở lại trong Ngài như lời Ngài phán:“Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.”

Những ai “ở lại trong Chúa Giêsu và có Chúa Giêsu ở lại trong người ấy”, thì kẻ ấy nên một với Chúa Giêsu và tất nhiên Sự Sống của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho người ấy.
Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giêsu thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Ngài, không phải là sự sống sinh vật nay còn mai mất, mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ lụi tàn.
“Đức Giêsu nói với người Do-thái rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).
Thế là thông qua việc tiếp nhận Mình và Máu Chúa Giêsu khi rước lễ, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu” với Chúa Giêsu và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho họ. Họ sẽ được sống đời đời.

Biến đổi con người thành Chúa Giêsu
Ngoài ra, khi tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta còn được biến đổi để nên một Giêsu khác. Thánh Giáo hoàng Lêô Cả khẳng định:
“Thực thế, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Kitô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy .”

Giáo huấn của Hội Thánh còn dạy cho biết nhờ tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa: “Khi bạn ăn uống Mình và Máu Đức Kitô, bạn nên một với Ngài, cùng một thân mình, cùng một dòng máu. Như thế, chúng ta trở thành những người mang Đức Kitô, có Mình Máu Ngài thấm nhập khắp toàn thân. Nhờ vậy, theo lời thánh Phêrô, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa .”

Lạy Chúa Giêsu. Hồng ân Thánh Thể Chúa ban thật vô cùng lớn lao và quý báu nhưng tiếc thay, nhiều người không nhận biết nên tỏ ra hững hờ.
Xin cho tâm hồn chúng con tràn đầy hoan lạc trước hồng phúc vô giá và khao khát tiếp nhận hồng ân nầy với hết lòng cảm tạ tri ân.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

——————————-

 

 

Huyền Nhiệm
CN XX TN-B – (Ga 6, 51 – 58)

Tình yêu tuyệt diệu phủ trần gian

Lương thực thần linh Chúa tặng ban

Dòng máu tuôn tràn nuôi trí tuệ

Xác thân nghiền nát dưỡng tâm can

Niềm tin đón nhận nên hoàn thiện

Tư tưởng hiệp thông hướng kiện toàn

Thánh Thể Ngôi Lời nguồn sự sống

Thiên thu hạnh phúc hưởng trường an.

Hạt Nắng

 

————————————

 

 

Huyền Nhiệm Tình Yêu
CN XX TN-B – (Ga 6, 51 – 58)

Yêu thế trần, trái tim Ngài thôi thúc,
sáng tạo diệu kỳ ban hạnh phúc trường sinh.
Chịu đớn đau dâng hiến máu thịt mình,
chịu nghiền nát nên của ăn hằng sống.
Nên của uống trái tim Ngài mở rộng,
dòng suối hồng thỏa cơn khát tâm linh.
Sự sống thần linh hòa tan thắm ân tình,
ai đón nhận sẽ không còn đói khát.
Ở lại trong Ngài hưởng niềm vui hoan lạc,
viên mãn, muôn đời nguồn mạch suối trinh trong.
***
Đồi Can-vê năm xưa thắm tình nồng,
hy lễ mới giao hòa, nguồn sống mới.
Tình hiến trao, tình huyền siêu diệu vợi,
vẫn nồng nàn trên bàn Tiệc Thánh hôm nay.
Tình thiết tha, tình sống động tràn đầy,
mời nhân thế sẻ chia tình Thánh Thể.
Tăng sức mạnh bước trên đường dương thế,
hội nhập tim nồng trong sức sống Thần Linh.
***
Thế giới ngày nay nhân loại sống điêu linh,
niềm tin đánh mất, tình yêu đang rạn vỡ.
Bao kẻ lạc đường chuốc muôn vàn đau khổ,
tấm thân tàn khắc khoải đợi bình minh
***
Trước Thánh Thể con dâng hiến đời mình,
xin Chúa biến đổi đời con thành của lễ.
Bước vào đời dẫu tình đời dâu bể,
noi gương Ngài thành quà tặng tình yêu.
Đem niềm vui vào cuộc sống hoang liêu,
đem niềm hy vọng cho người đang thất vọng.
Kiến tạo hạnh phúc giữa dòng đời dao động,
bẻ tấm bánh đời mình,
trong khiêm nhường, phục vụ, hy sinh.

Nhân chứng giữa đời về Thiên Chúa Phục Sinh,
là Bánh Hằng Sống, Trường Sinh, Nguồn Hạnh Phúc.
Bâng Khuâng Chiều Tím

 

—————————————-

 

Bánh Tình Yêu
CN XX TN-B – (Ga 6, 51 – 58)

Chúa yêu trần gian tình yêu rất cao vời,
nắng gắt trên đồi chiều xưa máu lệ rơi.
Lễ vật tình yêu hy sinh vì bạn hữu,
hiến máu thịt mình nên lương thực thần linh.

Chúa nuôi hồn con bằng chính máu thịt mình,
thắm thiết ân tình tặng ban Bánh trường sinh.
Thánh Thể tình yêu uy linh Bàn Tiệc Thánh,
thiết tha gọi mời muôn người đến mà ăn.

Bánh tình yêu Chúa thương tặng ban,
cho con niềm bình an giữa dòng đời bão tố.
Đường chông gai, gian khó luôn có Chúa đồng hành,
vững bước trung thành son sắt một niềm tin.

Bánh trường sinh sức sống thần linh,
ban muôn vàn hồng ân ấm nồng tình dâng hiến.
Tình thâm sâu tan biến, tình mật thiết cùng Người,
sự sống muôn đời, trong ánh sáng Phục Sinh.

Sáng soi niềm tin trung kiên giữa cuộc đời,
giữa những tiêu điều, tan hoang, vắng tình yêu.
Chúa gọi mời con ra đi làm nhân chứng,
bẻ bánh đời mình gieo hạt giống tình yêu.

M. Madalena Hoa Ngâu

 

————————————-

 

Tình Yêu Nhiệm Mầu
CN XX TN-B – (Ga 6, 51 – 58)

Không có tình yêu nào cao quí và thiết thân hơn,
Người hiến máu thịt mình kết hiệp với người mình yêu.
Để người mình yêu sống nguồn thánh ân sung mãn,
để người mình thương chung hưởng sự sống thần linh.

Không có niềm tin nào phong phú và tín trung hơn,
tin Bí Tích Nhiệm Mầu hiến tặng suối nguồn trường sinh.
Hội nhập thần linh trong Người, sống đời công chính,
đón nhận thần lương tăng sức mạnh bước dặm trường.

Ôi! Tấm bánh bởi trời,
Ôi! Lương thực thần linh, lương thực hằng sống.
Chịu nghiền tan – tình yêu chứa chan,
chịu đớn đau – hiến lễ nhiệm mầu.
Thông truyền cho con, nguồn mạch sự sống,
mật thiết không rời, ân sủng tuyệt vời,
tình yêu nên một trong Cha.

Trên bước đường gian trần giông tố phủ lối con đi,
ơn thánh Chúa phù trì sức mạnh đối diện hiểm nguy.
Biến đổi hồn con quên mình, sống tình nhân ái,
chấp nhận hòa tan, nên bánh hiệp thông nồng nàn.

Nắng Sài Gòn

 

————————————

 

Gặp Gỡ Tình Yêu
CN XX TN-B – (Ga 6, 51 – 58 )

Thật lạ lùng tình yêu Thiên Chúa,
yêu con người chan chứa bao la.
Hiến thân hy lễ giao hòa,
trao ban Máu Thịt thiết tha ân tình.

Chịu nghiền nát thân mình dâng hiến,
chịu dung hòa tan biến trong con.
Trở thành lương thực thơm ngon,
tình thân thắm thiết sắt son ngàn đời.

Bàn Tiệc Thánh gọi mời con đến,
cùng với Ngài dâng hiến tình yêu.
Đáp lời dâng lễ huyền siêu,
trái tim rạo rực nắng chiều vươn cao.

Chúa gọi con đi vào cuộc sống,
gặp gỡ Ngài sống động yêu thương.
Nơi người bất hạnh lỡ đường,
khổ đau, đói khát, đêm trường gió sương.

Theo chân Chúa bước đường nhân chứng,
dẫu đường xa điêu đứng gian nan.
Thần lương của Chúa trao ban,
giúp con vững tiến vượt ngàn chông gai.

Gió chiều thổi mát hồn ai,
tăng nguồn sinh lực đường dài bước đi.
Cùng Ngài dạo khúc tình si…

AP. Mặc Trầm Cung