“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6, 24-35).
Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Caphar-naum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”.
Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”.
Họ thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”.
Họ liền thưa Người rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Tìm Kiếm Giá Trị Tuyệt Đối ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Bánh Sự Sống Lm. Hiền Lâm Trg 4
Tin Vào Chúa Phải Thay Đổi Đời Sống Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Khao Khát Bánh Trường Sinh Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
Khát Vọng Hạt Nắng Trg 9
Bánh Trường Sinh Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Bánh Trường Sinh M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Tìm Đâu Chúa Ơi! Nắng Sài Gòn Trg 12
Thần Lương Huyền Nhiệm A.P Mặc Trầm Cung Trg 13
——————————-
Tìm Kiếm Giá Trị Tuyệt Đối
Cách đây khoảng 10 năm, tại bang California bên Mỹ, có hiện tượng thanh niên tự tử hàng loạt. Tất cả đều là những thanh niên trẻ tuổi, con nhà giàu, có học thức. Nguyên nhân tự tử là vì họ mong về Thiên đàng. Năm ấy có sao chổi xuất hiện. Họ cho rằng sao chổi chính là chuyến xe về Thiên đàng. Mấy mươi năm mới có một chuyến, nên họ vội vàng ra đi, sợ nhỡ chuyến.
Tính tỉ lệ những người tự tử, ta thấy thanh niên các nước giàu tự tử nhiều hơn thanh niên các nước nghèo. Hiện nay trong nước ta, tại các thành phố lớn, đang có hiện tượng các thanh niên đua xe gắn máy, liều lĩnh coi thường mạng sống. Kết quả các cuộc điều tra cho thấy đó là những thanh niên con nhà giầu có.
Những hiện tượng đó đáng cho ta suy nghĩ. Những người nghèo đói thật vất vả khổ sở. Họ chỉ mong sao cho có đủ cơm ăn áo mặc. Có cơm ăn áo mặc đã là hạnh phúc. Nhưng khi người ta đã có đủ cơm đủ áo, đủ mọi phương tiện, người ta vẫn không hạnh phúc. Nhìn những thanh niên giầu có chán đời đi tìm cái chết; nhìn những thanh niên chán cảnh nhà cao cửa rộng, chăn êm nệm ấm đeo ba-lô đi du lịch bụi đời, ta thấy rằng vật chất không phải là tất cả. Và những khao khát của con người là vô tận. Hôm nay tôi chưa đủ ăn thì tôi mong cho có đủ ăn. Ngày mai đủ ăn rồi, tôi lại muốn ăn ngon hơn. Hôm nay còn đi bộ, tôi mong được một chiếc xe đạp. Có xe đạp rồi tôi mong có xe máy. Có xe máy rồi tôi mong có ô – tô. Có ô – tô rẻ tiền rồi, lại mong có cái tốt hơn, tiện nghi hơn, chạy nhanh hơn, êm ái hơn. Có tất cả rồi, người ta vẫn chưa hài lòng. Cuộc đời vẫn còn thiếu một cái gì đó. Bao tử hết bị hành hạ, thì lập tức tâm hồn cảm thấy những cơn đói khác dày vò: đói bình an, đói tình yêu, đói hạnh phúc, đói ý nghĩa cuộc đời, đói những điều cao thượng. Những cơn đói khát tinh thần này rất mãnh liệt. Nên con người mãi mãi khắc khoải đi tìm. Mà hạnh phúc dường như luôn luôn ở ngoài tầm tay với.
Hôm nay, đứng trước đoàn người hăm hở đi tìm lương thực, Đức Giêsu đã cảnh báo họ: “Đừng lo tìm những thứ lương thực hay hư nát, nhưng hãy tìm lương thực đem lại hạnh phúc trường sinh”. Vì Người đã rõ giá trị tạm bợ của miếng cơm manh áo. Người cũng thấu rõ tâm hồn con người mau chán những gì đạt được. Người đã tạo dựng tâm hồn con người, nên Người hiểu lòng khao khát của con người là vô biên. Chỉ có những giá trị tuyệt đối mới có thể lấp đầy những khát khao ấy. Người đã mở đường để tâm hồn con người thoát khỏi những ràng buộc của vật chất, vươn lên tìm kiếm những giá trị thiêng liêng cao cả, xứng với tầm vóc con Thiên chúa.
Thế nhưng ta tìm đâu ra những giá trị tuyệt đối để lấp đầy nỗi khao khát vô biên? Ta tìm đâu ra thứ bánh làm dịu được cơn đói hạnh phúc? Hôm nay, Đức Giêsu giới thiệu cho ta thứ bánh đó. Đó là bánh đích thực, vì ăn rồi ta sẽ không bao giờ đói nữa. Đó là bánh ban sự sống, ai ăn sẽ không chết nữa. Đó là bánh ban hạnh phúc, ăn vào sẽ không còn khao khát điều gì khác. Đó là bánh Thiên Chúa ban chứ loài người không ban được. Đó là bánh từ trời chứ trần gian không sản xuất được. Tấm bánh đó là chính bản thân Người, Đức Giêsu Kitô.
Những người Do thái đã sai lầm khi đi tìm Đức Giêsu để được ăn bánh. Đức Giêsu đã cảnh tỉnh họ khi cho họ biết rằng không nên tìm bánh, vì như thế họ sẽ thất vọng. Bánh ăn rồi sẽ lại đói. Nhưng phải tìm chính Đức Giêsu. ở đây ta nhớ tới bài học Chúa đã dậy tổ phụ Ápraham. Thoạt tiên, Chúa kêu gọi tổ phụ Ápraham đi theo Chúa và hứa cho ông được một đất nước chảy sữa và mật và một dòng dõi đông như sao trên trời như cát dưới biển. Nghe theo lời hứa, tổ phụ đã lên đường. Nhưng khi ông sinh được một người con trai duy nhất trong tuổi già, Chúa lại bảo ông phải sát tế dâng cho Chúa. Đây là một thử thách lớn lao, nhưng cũng là một lời mời gọi vươn lên. Ápraham được mời gọi thoát khỏi sự ràng buộc của lợi lộc vật chất. Theo Chúa chỉ vì Chúa chứ không phải vì lợi lộc vật chất. Ông hoàn toàn có lý vì ông đã chọn Chúa là sự Thiện tuyệt đối chứ không chỉ lựa chọn một vài sự thiện tương đối. Ông đã lựa chọn Chúa là nguồn mạch hạnh phúc chứ không đuổi theo những ảo ảnh của hạnh phúc. Đức tin của ông hoàn toàn trưởng thành, nên ông đã trở thành Cha của những kẻ tin.
Hôm nay, Chúa mời gọi tôi, hãy noi gương tổ phụ Ápraham. Đừng tìm những mảnh vụn hạnh phúc, nhưng hãy đi đến nguồn mạch hạnh phúc. Đừng lo nắm giữ những của cải phù du, nhưng hãy tìm chiếm giữ kho tàng bền vững mối mọt không đục khoét được. Đừng đuổi theo những giá trị tương đối, nhưng hãy biết tìm kiếm giá trị tuyệt đối là chính Chúa. Chính Chúa sẽ làm ta no thoả. Chính Chúa sẽ lấp đầy những khát vọng của ta. Chính Chúa ban cho ta hạnh phúc tràn đầy, vĩnh viễn.
Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với thánh Âucơtinh: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên tâm hồn con mãi khắc khoải băn khoăn, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Có một thời người ta nói: “Đi đạo kiếm gạo mà ăn”. Bạn nghĩ gì về câu nói đó?
2. Mơ ước một đồ vật. Khi được rồi lại chán. Bạn có kinh nghiệm đó không?
3. Bạn có những khao khát về vật chất cũng như tinh thần. Khi đến với Đức Giêsu, bạn có thấy được thoả mãn phần nào không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
——————————-
Bánh Sự Sống
Bài Tin Mừng hôm này là lời đối đáp giữa Chúa Giêsu và người Do Thái, trong loạt diễn từ của về Bánh Trường Sinh, mà mở đầu của chương 6 Tin Mừng thứ IV là phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi dân chúng. Từ đó dân chúng muốn bắt tôn Chúa Giêsu lên làm vua và tìm theo Người để được ăn no mà không phải làm việc. Chúa Giêsu nhân cơ hội dân chúng khao khát của ăn thể xác, mà mặc khải cho họ về lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh bất tử – Đó là Thánh Thể của Người.
1. Sự sống của Chúa.
Loài người phải sống “tay làm hàm nhai”: mối quan tâm hàng đầu của con người là bảo đảm của ăn cho ngày mai, vì không có của ăn nuôi thân thể thì sự sống chấm dứt. Con người không có sự sống tự nơi mình, nên phải không ngừng lấy từ bên ngoài những gì cần thiết để duy trì sự sống, nhưng rồi đến một ngày sự sống lệ thuộc kia phải chấm dứt vì con người chưa tìm được lương thực thường tồn.
Trong mầu nhiệm Phục Sinh, sự sống lại của Chúa Giêsu không phải là trở lại như tình trạng ban đầu như sự hồi sinh của Lazarô hay con trai bà goá Naim mà Chúa cho sống lại rồi già chết, nghĩa là vẫn bị cái chết thống trị, vẫn bị sự đau khổ và bệnh tật thể lý cũng như tội lỗi hành hạ. Còn sự sống lại của Chúa Giêsu là bước vào một sự sống mới, sự sống lại này sẽ vĩnh hằng nên mới chiến thắng được cái chết, thân xác phục sinh không còn lệ thuộc thời gian và không gian nên bệnh tật, đau khổ và tội lỗi bị loại bỏ. Sự sống của Chúa, sự sống tự thân từ nơi Chúa mới là thường tồn. Chúng ta không có sự sống này tự nơi mình nên đến một lúc thân xác sẽ chết, nhưng hồn thiêng mang sự sống từ nơi Chúa sẽ thường tồn, cho đến ngày cả thân xác cũng mặc lấy sự phục sinh trong ngày chung thẩm.
Đang khi còn sống trong thân xác này, con người phải lo cái ăn cái mặc, nên không lạ gì việc họ chạy theo Chúa Giêsu khi vừa được Người hóa bánh cho ăn no nê.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu phải giải thích cho họ việc tìm kiếm Người không phải vì chuyện tìm kiếm sự dễ dãi, nhưng tìm kiếm Người để tin vào Con Thiên Chúa và được ban cho lương thực trường sinh; tìm đến với Chúa Giêsu không phải ỷ lại ngồi chờ sung rụng mà là phải sống niềm tin và cộng tác vào chương trình của Chúa, để chính công việc của con người có ý nghĩa đem đến sự sống đời đời, như Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27).
Chúa Giêsu nói: “Lương thực của Người là làm theo ý muốn của Thiên Chúa Cha”. Ý muốn của Thiên Chúa chính là phải tin vào Chúa Giêsu Kitô, vì chỉ có Người là Đấng duy nhất đem lại sự sống đời đời. Người là sự sống và có sự sống tự nơi mình, nên ai muốn được sống đời đời phải cần có sự sống của Người, mà muốn có sự sống nơi Người phải tin vào Người là Đấng được Thiên Chúa Cha ghi dấu xác nhận.
2. Bánh sự sống.
Dân chúng đòi Chúa Giêsu một dấu lạ để tin Người là Đấng Thiên Sai. Họ muốn Chúa Giêsu cho ăn bánh không chỉ một lần như Người vừa mới hoá bánh ra nhiều để họ được no nê, mà muốn được ăn mãi như ngày xưa Môsê đã xin Chúa nuôi dân Israel bằng manna suốt bốn mươi năm. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm của dân chúng về Đấng Thiên Sai, vì họ chỉ tìm kiếm một vị chúa thoả mãn sự lười biếng của họ, là ngồi chờ sung rụng, tay không phải làm mà hàm cứ muốn nhai. Trong khi Chúa Giêsu lại muốn họ không phải chỉ tìm kiếm thứ manna nuôi thân xác sẽ chết, mà là Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng tâm hồn đạt đến sự sống đời đời.
Nhớ lại xưa kia, khi dân Israel đi trong sa mạc và thiếu thốn mọi thứ, Thiên Chúa ban cho họ thức ăn “từ trời xuống” là manna. Nhưng nếu coi Thiên Chúa chỉ là ân nhân và nếu hễ đến với Người là xin xỏ cái này cái kia, thì cuối cùng con người chỉ chú tâm đến cái Thiên Chúa ban cho; may lắm là biết cảm tạ Người rồi sau đó lại tiếp tục than van kêu trách và chán ngấy. Đó là điều dân Israel đã làm, vì sau khi nhận được manna, họ vẫn nổi loạn chống lại Thiên Chúa và chết trong sa mạc. Thật vậy, những của cải vật chất, cho dù là của trời cho, chẳng làm cho chúng ta tốt hơn, vì nó không thể đem lại sự sống đích thực. Con người không có sự sống tự nơi mình, nên phải không ngừng lấy từ bên ngoài những gì cần thiết để duy trì sự sống, nhưng rồi đến một ngày sự sống lệ thuộc kia phải chấm dứt vì con người chưa tìm được lương thực thường tồn.
Vì vậy, Thiên Chúa ban một quà tặng mới: bánh từ trời xuống không phải là một vật gì đó mà là một “Ai đó”. Đức Giêsu là quà tặng cao quý nhất mà Chúa Cha ban tặng cho con người. Người là Bánh Sự Sống, là nguồn sống và là sự sống đích thực. Bánh sự sống đích thực này ban lại sự sống đời đời. Nhưng để nhận được bánh ấy, mỗi cá nhân cần có thái độ đáp ứng riêng của mình với Chúa Giêsu Kitô là tin vào Người.
Tóm lại, sự sống thể lý không phải là sự sống tự thân mà là sự sống lệ thuộc, nghĩa là nó cần đến lương thực vật chất nạp vào để duy trì, nhưng vì nó hữu hạn, nên sẽ đến lúc sự sống đó không thể thâu nạp được lương thực nữa nó sẽ èo ọt yếu ớt và chết. Còn sự sống thần linh là sự sống siêu nhiên Chúa ban, tuy không chết, nhưng rất cần được nuôi dưỡng bằng bánh Sự Sống là Thánh Thể, mà Thánh Thể chính là sự sống tự thân nơi Chúa Kitô thông truyền cho linh hồn chúng ta. Nhờ rước lấy Chúa Kitô mà Kitô hữu được mạnh mẽ và tăng trưởng, không sợ tội lỗi hay ma quỷ có thể xâm nhập và làm tổn hại linh hồn mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trong khi tìm kiếm những của ăn nuôi dưỡng thể xác, thì cũng biết năng đến với bàn tiệc Thánh Thể để được Chúa nuôi dưỡng tâm hồn. Amen.
Lm. Hiền Lâm
——————————–
Tin Vào Chúa Phải Thay Đổi Đời Sống
Ai cũng biết rằng tiền không thể mua được hạnh phúc, nhưng nó có thể mua được sự an toàn cho bản thân và gia đình. Con người cần tiền để chi trả cho tất cả những thứ có thể giúp cho cuộc sống tốt hơn như chỗ ở, thức ăn, và những phương tiện để con cái ăn học tốt nhất.
Nhưng nếu ai đó làm việc “chỉ vì tiền” hay “chỉ biết có tiền”, sẽ bị chê trách là người sống không có tình, không có nghĩa. Người ta cũng coi thái độ sòng phẳng về tiền bạc như “tiền trao cháo múc” là hành vi trơ trẽn, không thể chấp nhận trong mối quan hệ gia đình thân thuộc. Vì thế, khi nói ai đó là người “hay tính toán” tức là chê trách người đó sống thiếu tình người.
Đáng tiếc, nhiều người lại say mê tiền, yêu tiền hơn tất cả những mối quan hệ ruột thịt hay thiêng liêng. Những vụ án xảy ra từ gia đình hay những hành vi tham nhũng phạm pháp đa phần là do nguyên nhân mù quáng chạy theo đồng tiền, vì tiền mà mờ mắt nên không còn nhìn thấy tình thân hay đạo lý làm người.
Chính vì mê tiền, yêu tiền nên người ta thường ra công tìm kiếm tiền để hưởng thụ những danh lợi thú trần gian. Vì nhu cầu của con người cần có là vật chất, là tiền tài. Họ mải mê tìm kiếm và tôn thờ của cải. Họ hy sinh mạng sống để được nó. Ngay cả khi họ đến với Chúa, con người vẫn chỉ cầu xin cho có tiền, có địa vị . . . Có mấy ai thấy được nhu cầu thiết yếu đời người là tìm kiếm của ăn không hư nát là đời sau.
Là người Kitô hữu, Chúa mời gọi chúng ta hãy gia công tìm kiếm của ăn không hư nát. Đừng uổng phí thời gian tích lũy của phù vân. Hãy sống cho giá trị Tin Mừng. Hãy tìm kiếm giá trị vĩnh cửu. Đó là sứ điệp mà Chúa vẫn tha thiết mời gọi chúng ta.
Bởi vì, khi thấy người Do Thái tìm đến Ngài để mong tôn Ngài lên làm vua. Chúa Giêsu biết rõ họ đến với Ngài chỉ vì mong muốn nhờ Ngài giải thoát họ khỏi ách nô lệ về chính trị, và nhất là để họ khỏi phải làm việc, vì vua của họ có khả năng hoá bánh ra nhiều và có nhiều khả năng phi thường. Chúa Giêsu không chấp nhận suy nghĩ quá trần tục ấy của người Do thái. Vì thế, Ngài đã nói với họ rằng: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê”.
Để rồi qua đó, Ngài mời gọi họ thay đổi cách nhìn của họ về Ngài và về sứ mạng của Ngài: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi”.
Có lẽ nhiều người sẽ bảo không tích lũy của cải trần gian lấy gì mà sống? Điều Chúa muốn nói không phải là đừng làm giầu của cải vật chất mà là dù mình làm bất cứ việc gì hãy đặt giá trị Tin Mừng lên trên. Người giầu vẫn vào Nước Trời khi họ làm giầu theo ánh sáng Tin mừng. Người giầu vẫn vào Nước Trời khi họ biết sử dụng của cải trần gian để xây dựng ngôi nhà của mình trên trời bằng việc lành phúc đức, bằng yêu thương phục vụ tha nhân. Đây cũng là cách chúng ta tích lũy kho tàng trên trời. Đây chính là phương thế chúng ta đang gia công làm việc để có lương thực không hư nát.
Quả thực, tiền bạc sẽ qua đi, nhưng công đức của chúng ta sẽ theo ta vào đời sau. Của cải này sẽ trả lại cho thế gian nhưng việc lành phúc đức của chúng ta sẽ giúp chúng ta có sự sống trường sinh.
Xin Chúa giúp chúng ta biết sống quảng đại và hiến thân hầu xây dựng cho mình một ngôi nhà thiên quốc. Xin Chúa giúp chúng ta đừng quá đặt nặng vật chất mà cản lối tiến chúng ta về quê trời. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————–
Khao Khát Bánh Trường Sinh
Sau khi được Chúa Giêsu ban cho một bữa ăn no nê qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, đám đông người Do-thái đổ xô tìm đến với Chúa mong được Ngài cho ăn tiếp. Chúa Giêsu không bằng lòng với toan tính đó nên Ngài nói thẳng với họ: “Thật, tôi bảo các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.”
Con người hôm nay cũng như dân Do-thái xưa, người ta đua tranh tìm kiếm những gì mang lại lợi ích cho thân xác mà không tìm kiếm phúc lợi cho linh hồn.
– Nếu Satan có đủ quyền phép ban phát gạo, tiền dư dật cho những ai tôn thờ mình, thì phần lớn nhân loại sẽ tôn thờ Satan và cả những người theo Chúa cũng sẵn sàng bỏ Chúa quay sang thờ Satan để được nhiều gạo, nhiều tiền.
– Nhiều tín hữu sẵn sàng bỏ nhiều tiền mua mỹ phẩm, may sắm trang phục hợp thời trang… để tô điểm cho phần xác… mà không dành công sức trang điểm tâm hồn.
– Người ta sẵn sàng bỏ ra mỗi ngày cả chục tiếng đồng hồ để làm việc kiếm tiền nuôi xác, nhưng không muốn bỏ ra 10 phút để cầu nguyện, để đọc Lời Chúa, để đọc kinh chung trong gia đình hầu nuôi dưỡng tâm linh.
Nói chung, cái gì có lợi cho thân xác, như cơm ăn, áo mặc, tiền tài… thì ai cũng khao khát kiếm tìm; còn những lợi ích cho linh hồn như tham dự Thánh lễ, học hỏi giáo lý, tu luyện nhân đức… thì không được quan tâm.
Hôm xưa, khi Chúa Giêsu biết rõ bận tâm của đám đông dân chúng tìm đến với mình là chỉ lo tìm kiếm lương thực phần xác mà lãng quên lương thực cho tâm hồn nên Ngài răn bảo họ: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6, 27).
Khi nói như thế, Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người hãy cố công chăm lo cho linh hồn mình được phúc đời đời chứ đừng chỉ dồn tất cả công sức chăm lo cho thân xác mau hư nát nầy.
Tiếc thay, lời dạy khôn ngoan nầy chỉ được ít người áp dụng. Người ta mải mê tìm kiếm lợi nhuận nuôi xác: 24 giờ của mỗi ngày đều dành trọn cho thân xác. 168 giờ của mỗi tuần, 720 giờ của một tháng đều dành trọn để lo cho thân xác và cứ như thế hết tháng nầy qua tháng khác, hết năm nầy qua năm kia… trong khi linh hồn thì bị bỏ rơi, không được đoái hoài!
Hãy nghĩ lại xem: Nếu không chăm lo cho đời sống thiêng liêng thì khi đến cuối đời, người ta thu hoạch được gì?
Bấy giờ, mỗi người chỉ còn là một lọ tro nhỏ bé, nếu bị đem đi thiêu; hoặc chỉ còn là nắm xương vùi trong lòng đất lạnh… Chỉ có thế thôi! Trong khi đó, linh hồn họ thì phải trầm luân trong hỏa ngục muôn đời muôn kiếp.
Thật phi lý khi người ta đầu tư toàn bộ vốn liếng mình có cho thân xác: dành hết tất cả thời gian, công sức, trí tuệ, tài năng, nghị lực… của mình cho thân xác để rốt cuộc, chỉ “thu hoạch” được một nắm bụi tro!
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi mọi người hãy xử sự cách khôn ngoan.
Thân xác nầy mai đây chỉ còn là tro bụi thì chỉ cần chăm lo vừa đủ; còn linh hồn sống đời đời thì đáng phải được chăm sóc chu đáo hơn.
Vì thế, khi nuôi xác bằng cơm bánh được thu hoạch từ lòng đất thì cũng phải nuôi hồn bằng “Bánh từ trời xuống.”
Chúa Giêsu khẳng định Ngài là “Bánh bởi trời” được Chúa Cha ban cho nhân loại để mang lại sự sống cho thế gian . Ai “ăn” Ngài sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời.
“Ăn” Chúa Giêsu (theo nội dung đoạn Tin Mừng hôm nay ) không có nghĩa là nhai, là nuốt Chúa Giêsu nhưng là đến với Chúa Giêsu và tin vào Ngài. Ngài nói: “Chính tôi là Bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”
Lạy Chúa Giêsu. Chúa là Bánh ban sự sống đời đời cho chúng con. Xin cho chúng con thường xuyên “ăn” Bánh này, tức là tìm đến với Chúa, học với Chúa, sống như Chúa… để mai đây được sống đời đời với Chúa trên thiên quốc.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
—————————-
Khát Vọng
CN XVIII TN-B – (Ga 6, 24 – 35)
Sự sống đời đời nỗi khát khao
Thế nhân ước vọng mối tâm giao
Gạo cơm tạm bợ người tìm kiếm
Lương thực vĩnh hằng Chúa tặng trao
Thánh Thể hiến dâng hồn tĩnh lặng
Man-na thụ hưởng dạ xôn xao
Niềm tin kiên vững tim bừng sáng
Khát vọng đong đầy hạnh phúc trào.
Hạt Nắng
———————————
Bánh Trường Sinh
CN XVIII TN-B – (Ga 6, 24 – 35)
Đời tất tả, lo miếng cơm manh áo,
cuộc chạy đua, sức hút của đồng tiền.
Vinh hoa thế trần, cám dỗ chẳng bình yên,
bon chen vật chất giữa dòng đời khổ lụy.
Nỗi oan khiên, gian nan mờ tâm trí,
mệt mỏi đua tranh, sầu khổ, phủ sương mù.
Vô nghĩa, ngục tù, lận đận kiếp phù du,
đời vô vị, biết tìm đâu hạnh phúc.
Đói bánh cơm, dày vò, tiêu sức lực,
đói tình yêu, khắc khoải mất an bình.
Chiên lạc đường, vất vưởng chốn u minh,
tìm Mục Tử, thỏa nỗi niềm khát vọng.
***
Tia nắng ấm giữa biển đời dao động,
Bánh bởi trời, ban sự sống trường sinh.
Yêu thế gian Thiên Chúa hiến Con mình,
tình tuyệt diệu, khoan dung, lòng thương xót.
Tình nhân ái tỏa hương thơm dịu ngọt,
cho kẻ tin no thỏa, phúc tuôn tràn.
Tin vào Đấng được sai đến trần gian,
tình tự hiến ban hồng ân cứu chuộc.
***
Hồn bừng tỉnh sau tháng ngày bạc nhược,
quá mải mê tìm kiếm của phù vân.
Lời Chúa ban, rọi chiếu sáng tinh thần,
khôn ngoan, tỉnh thức trước tình đời mời mọc.
Đường trần gian, dẫu gập ghềnh, gai góc,
vững niềm tin, đường thập giá kiên cường.
Tin vào Ngài dâng hy lễ tình thương,
Hiến Thịt – Máu, nên thần lương hạnh phúc.
Bánh Thánh Thể, dưỡng nuôi hồn mạnh sức,
con bước vào đời, trong ánh sáng Phục Sinh.
Bâng Khuâng Chiều Tím
———————————-
Bánh Trường Sinh
CN XVIII TN-B – (Ga 6, 24 – 35)
Con tìm về bên Chúa,
như nai khát ước mơ dòng suối trong.
Lắng đọng phút bình yên,
như con thơ trong vòng tay mẹ hiền.
Tình Chúa quá vô biên, tình Chúa ôi dịu hiền,
lấp đầy tim con, nỗi niềm khao khát.
Thánh ân dào dạt,
dưỡng nuôi con bằng sữa ngọt thần linh.
Bao ngày tìm cơm bánh,
của hư nát, xót xa tình dối gian.
Khát vọng chóng vụt tan,
thân long đong trong vòng xoay cuộc đời.
Hồn đói khát yêu thương, lệ đắng cay tình trường,
bước đường thiêng liêng, lỗi lầm, mất hướng.
Ước mơ đêm trường,
nắng vươn cao, tìm thấy nguồn yêu thương.
Tình Chúa! Là dòng suối mát, tưới mát cho nhân trần,
máu hồng đồi cao hiến dâng, tha thứ hết tội tình.
Tình Chúa! Nồng nàn ấm áp, tấm bánh thơm ngọt ngào,
hiến mình tặng ban thế nhân, tình yêu mãi tuôn trào.
Tình Chúa! Tấm Bánh Trường Sinh.
Tình Chúa! Mạch Suối Thần Linh.
Nguồn hạnh phúc vô biên, ban sự sống đời đời,
con không còn đói khát, “Bánh Bởi Trời” tuôn rơi.
Bánh Trường Sinh tiếp sức.
đường thập giá, tín trung tình hiến dâng.
Khát vọng sáng bừng lên,
tim yêu thương, mang tình yêu vào đời.
Hồn hát khúc tin yêu, dù đắng cay tiêu điều,
khối tình kiên trung, bước đường nhân chứng.
Phú vinh mời chào,
gió lao xao, tình Chúa đường linh thao.
M. Madalena Hoa Ngâu
———————————
Tìm Đâu Chúa Ơi!
CN XVIII TN-B – (Ga 6, 24 – 35)
Tìm đâu Chúa ơi!
Nguồn hạnh phúc đích thực cho cuộc đời.
Tìm đâu Chúa ơi!
Kho tàng vững bền không hề hư nát.
Niềm tin đánh mất, đói khát tâm linh,
cuộc đời điêu linh, bánh cơm dày vò,
bao nhiêu âu lo, con biết tìm đâu,
nguồn hạnh phúc.
Phù du thế gian,
hồn lạc hướng, danh vọng chốn tình trường.
Vòng xoay bến mê,
đắng cay, não nề, bạc tình nhân thế.
Tình yêu đánh mất, đói khát yêu thương,
dặm trường phong sương, Chúa thương quan phòng.
Ngài gieo tin yêu, trao ban sự sống,
thỏa niềm khao khát hằng mong.
Tìm kiếm nguồn hạnh phúc, nơi nguồn Suối Trường Sinh.
Thịt – Máu Chúa ban phát, thỏa khát vọng nhân sinh,
tăng sức mạnh tâm hồn, giữa dòng đời vạn biến.
Tìm kiếm Nước Thiên Chúa, trung thành giữa truân chuyên.
Tỉnh thức trong giông tố, tìm suối mạch thần linh,
bánh tiếp sức hành trình, Thánh Thể Chúa Phục Sinh.
Hồn con khát khao,
đường thập giá, tiếng vọng Chúa ngọt ngào.
Niềm tin dâng cao,
lắng lo thường hằng, đói nghèo vượt thắng.
Tình yêu chiến thắng, ánh sáng phục sinh,
dặm trường kiên trinh, thế gian mọc mời.
Nhìn mưa rơi rơi, nhìn tia nắng ấm,
thấy tình yêu Chúa xôn xao.
Nắng Sài Gòn
———————————-
Thần Lương Huyền Nhiệm
CN XVIII TN-B – (Ga 6, 24 – 35)
Kiếp nhân sinh lo toan đôn đáo,
lắm ưu phiền manh áo, hạt cơm.
Nhọc nhằn bơn chải sớm hôm,
vật chất ràng buộc bánh cơm nặng lòng.
Hồn khao khát thoát vòng nô lệ,
chuyện áo cơm mưu kế sinh nhai.
Tâm hồn khát vọng ngày mai,
hạnh phúc viên mãn tương lai rạng ngời.
Nguồn lương thực từ trời ban xuống,
Bánh Trường Sinh bồi dưỡng tâm linh.
Thỏa mãn cơn đói nhân sinh,
dịu mát cơn khát thắm tình yêu thương.
Chúa chính là thần lương huyền nhiệm,
Thánh Thể Ngài hiện diện trong ta.
Tình yêu ấp ủ chan hòa,
dẹp tan ích kỷ, vị tha tình người.
Mình Máu Chúa thắm tươi sức sống,
phép nhiệm mầu sống động thương yêu.
Gọi mời con đến sớm chiều,
tâm hồn no đủ thỏa điều ước mong.
Quỳ đây ngửa mặt cậy trông,
dâng trái tim hồng, khao khát tình thương.
Tình nồng trao tặng thần lương…
AP. Mặc Trầm Cung