SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 896, CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – B, 14/04/2024

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 24, 35-48).

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ.
Đoạn Người phán: “Đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.
Người lại nói: “Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Những Bóng Ma Tưởng Tượng ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Phục Sinh Kêu Gọi Mọi Người Sám Hối Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Hãy Yêu Nhau Đi Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Nhận Ra Chúa Nơi Người Đời Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Bừng Sáng Tin Yêu Nắng Sài Gòn Trg 10
Tình Thơ Phục Sinh Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 12
Hoan Ca Chứng Nhân M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Hoan Ca Chứng Nhân Nắng Sài Gòn Trg 13
Chúa Vẫn Bên Con A.P Mặc Trầm Cung Trg 14

 

—————————————–

 

Những Bóng Ma Tưởng Tượng

Trước khi dâng mình cho Chúa, Thánh An-phong là một luật sư lỗi lạc. Ngài rất nổi danh vì tài hùng biện và vì lý luận đanh thép sắc bén. Nhờ tài ba, ngài đã thành công trong rất nhiều vụ án hiểm hóc. Nhưng một hôm, Chúa đã để cho ngài phải thất bại. Trong một vụ án mà ngài thấy là đơn giản, dễ dàng, ngài đã bị thua một cách thảm hại. Trước thất bại cay đắng đó, ngài thấy như cả bầu trời sụp đổ. Danh tiếng phút chốc tan như mây bay. Uy tín bị cuốn đi trong làn gió thoảng. Cả một màn đen tối u ám phủ xuống cuộc đời.
Chẳng còn biết tìm an ủi ở nơi nào khác, thánh An-phong quay về bên Chúa, chìm đắm trong lời kinh cầu nguyện. Nhờ ơn Chúa, ngài tìm được niềm bình an. Hơn thế nữa, ngài nghe được tiếng Chúa mời gọi đi vào con đường Chúa muốn. Từ đó, ngài hiến thân trọn vẹn để phục vụ Chúa, ngài đã trở thành linh mục, giám mục và lập ra Dòng Chúa Cứu Thế. Sau này, khi nhìn lại, ngài hiểu rằng chính Chúa đã hiện diện trong những thất bại để đưa ngài về con đường theo ý Chúa. Chính Chúa đã dùng những đau khổ để huấn luyện ngài trong đức khiêm nhường phó thác. Chính bàn tay Chúa đã hạ ngài xuống trong danh vọng trần thế để nâng ngài lên trong vinh quang Nước Trời.

Trong sách Tin Mừng ta thấy thuật lại nhiều trường hợp tương tự. Khi thuyền của các môn đệ đang vất vả vượt qua sóng gió, Đức Giêsu đi trên mặt biển đến với các ông. Các ông tưởng là ma nên càng sợ hãi hơn. Nhưng đó chính là Đức Giêsu. Người làm cho biển êm sóng lặng và thuyền các ông tới bến bình an… Có lần Đức Giêsu cùng ở trên thuyền với các ông, nhưng Người ngủ say đến nỗi sóng gió dữ dội mà vẫn không hay biết gì. Các ông hoảng hốt đánh thức Người dậy. Và Người đã đe sóng gió khiến chúng phải im lặng.

Hôm nay cũng thế, Người đến bất ngờ khiến các môn đệ sợ hãi. Họ đang bị cái chết đau thương của Người ám ảnh. Nên khi Người đến họ tưởng là ma hiện hình. Đức Giêsu phải trấn an họ. Cho họ xem những vết thương ở tay chân. Cùng ăn uống với họ và giải nghĩa Thánh Kinh cho họ. Nhờ thế, họ được bình an, được vui tươi và tin tưởng.

Trong đời sống chúng ta cũng thế. Rất nhiều lần trong đời ta tưởng Chúa là bóng ma đến đe dọa đời sống ta. Có những biến cố lịch sử làm đảo lộn đời ta, tưởng chừng như đưa cuộc đời ta vào ngõ cụt. Nhưng không ngờ chính Chúa dùng biến cố lịch sử dẫn đưa ta vào một con đường mới theo thánh ý Chúa. Có những khi ta gặp thất bại ê chề tưởng chừng như không còn gượng dậy nổi. Nhưng không ngờ chính Chúa đã dùng thất bại để cảnh tỉnh ta, giúp tâm hồn ta vươn lên trong một đời sống mới cao cả tươi đẹp hơn. Có những khi ta gặp phải những nỗi đau buồn tê tái tưởng như chết đi được. Ta cứ tưởng Chúa đã bỏ rơi ta. Nhưng không ngờ chính Chúa hiện diện trong những đau buồn đó để giúp ta sống trưởng thành, sâu xa, phong phú hơn.

Khi đức tin các tông đồ còn yếu kém, họ tưởng Chúa là ma. Khi đức tin đã được củng cố, các ngài mới thấy Đức Giêsu là có thực. Đức tin của các tông đồ đã được củng cố nhờ được gặp gỡ tiếp xúc thân mật với Đức Giêsu và được nghe Người giải nghĩa Thánh Kinh. Đức tin của ta còn rất non yếu. Ta hãy biết bắt chước các tông đồ củng cố đức tin bằng cách năng gặp gỡ Đức Giêsu. Hãy đến gặp Người trong Thánh Lễ. Hãy đến gặp Người trong giờ kinh tối trong gia đình. Nhất là hãy đến gặp Người trong những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình đối diện tâm sự thân mật với Chúa.

Hãy củng cố đức tin bằng cách học hỏi Thánh Kinh. Đọc Thánh Kinh hằng ngày để hiểu biết Chúa hơn. Suy niệm Thánh Kinh để tìm ra thánh ý Chúa. Và nhất là hãy biết thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống hằng ngày. Khi đã gặp gỡ Chúa và đã thấu hiểu Lời Chúa, ta sẽ chẳng còn bị những bóng ma ám ảnh. Ta sẽ nhìn thấy Chúa trong tất cả các biến cố vui buồn của đời sống. Cuộc sống ta sẽ tràn đầy niềm vui và niềm bình an.

Lạy Đức Giêsu Phục Sinh, con tin Chúa đang ở bên con. Con xin phó thác cuộc đời con trong tay Chúa.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

——————————————

 

Phục Sinh Kêu Gọi Mọi Người Sám Hối

Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều đề cập tới lần Chúa hiện ra với nhóm mười một tông đồ; về lần hiện ra quan trọng này, chi tiết bên ngoài của biến cố hình như không được các thánh sử quan tâm đề cập cho lắm; chỉ có tường thuật của Luca là đi vào một số chi tiết để chứng minh nhân vật hiện ra đích thực là Đức Giêsu, người Thầy mà các ông từng quen biết. Điều mà các tác giả quan tâm tới nhiều hơn là sứ điệp mà Chúa Phục Sinh muốn truyền đạt cho cả nhóm: Đấng Sống Lại đòi nhóm mười một và toàn thể những ai coi mình là môn đệ của Người phải trở thành ‘chứng nhân về những điều (sứ điệp Phục Sinh) này’. Không may ngày nay, người ta thích nói tới sự kiện phục sinh khải hoàn hơn là đề cập tới sứ điệp của nó, tới độ rất ít khi tín hữu được nhắc nhở hoặc quan tâm tìm hiểu sứ điệp phục sinh thực sự là gì!

Theo Lc 24:47, sứ điệp Phục Sinh gồm hai phần chính:
– ‘Kêu gọi sám hối để được ơn tha tội’
– ‘Nhân danh Người rao giảng (điều này) cho muôn dân’

Sám hối để được ơn tha tội: Matthêu và Marcô đã nói tới nội dung này khi đề cập tới lệnh truyền: ‘làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ (Mt 28:19), hay lời giải thích: ‘ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ’ (Mc 16:16). Sứ điệp ‘hãy sám hối’ đã được Gioan Tẩy Giả từng hô hào từ những ngày đầu, trước cả khi Đức Giêsu xuất hiện công khai, qua nghi thức dìm mình xuống giòng sông Giođan. Như vậy, sau ngày sống lại, khi Đức Giêsu Kitô long trọng công bố trở lại sứ điệp này thì chắc hẳn nó phải chứa đựng một nội dung hoàn toàn mới lạ và cấp bách. Để có thể hiểu được tầm quan trọng của sứ điệp mà Đức Giêsu đã dày công giảng giải cho các môn đệ hiểu rằng: đó là trọng tâm của các sách Ngôn Sứ và Thánh Vịnh… nói tóm lại, của toàn bộ Kinh Thánh, ta cần đi sâu vào nội dung của nó. Đương nhiên sám hối đây không thể được hiểu theo nghĩa ‘cải tà qui chính’ cổ điển mang tính thuần luân lý. Sau biến cố Phục sinh, sám hối càng lộ rõ sứ điệp Tin Mừng của một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa từ nhân và cứu độ, một khám phá và tín thác không ngừng vào Thiên Chúa đầy lòng xót thương “yêu thế gian tới nỗi đã ban Con Một…” Qua biến cố tử nạn và phục sinh của Đức Kitô Giêsu, mà mười một tông đồ chắc hẳn đã chứng kiến trực tiếp hay gián tiếp, các ông phải được giải thích cho hiểu ý nghĩa và nội dung của nó. Quả vậy, các ông phải tin và trở thành ‘chứng nhân về những điều này’! Phục sinh do đó chính là để hiểu và nắm bắt sâu sắc sứ điệp đã được công bố ngay từ đầu: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Nói cách khác, sứ điệp chính yếu và quan trọng nhất của Tin Mừng Phục Sinh lại chính là: hãy “Sám hối để được ơn tha tội”.

Rao giảng cho muôn dân: Bằng nhiều kiểu nói khác nhau (Mathêu: ‘Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ’; Marcô: ‘Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng’; Luca: ‘Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đều từ Giêrusalem…’), các tác giả Phúc Âm Nhất Lãm đều cho thấy phần hai của sứ điệp Phục Sinh là một ‘lệnh lên đường’. Phúc âm Gioan còn nêu rõ sứ điệp này là chính yếu và quyết liệt hơn hết: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em…” Và để chu toàn ‘lệnh lên đường’, đồng thời để có thể ‘Sám hối và tin vào Tin Mừng’, Thánh Thần đã được trao ban cho các môn đệ; ‘Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”’ (Ga 20:22), hay ‘Nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống’ (Lc 24:49) theo cách nói của Luca. Nếu Đấng sống lại không còn bị chi phối bởi không gian và thời gian, thì sứ điệp cứu rỗi của Chúa Phục Sinh lại càng không thể bị giới hạn, không những bởi không gian và thời gian, mà còn bởi các nền văn hóa, sắc tộc, truyền thống, thậm chí cả luân lý, cho dầu chúng có ‘bán khai’ hay ‘man rợ’ tới mấy đi nữa: Phục Sinh chính là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa từ nhân được minh chứng là vô giới hạn, là không gì ngăn cản nổi. Lệnh lên đường hay truyền giáo phải dựa trên nhận thức ơn cứu độ phổ quát và tình yêu xót thương của Thiên Chúa vượt xa mọi hạn hẹp các mặt của con người.

Tôi không chỉ ‘mừng’ Chúa Phục Sinh mà còn phải ‘sống’ Chúa Phục Sinh! Và sống Chúa Phục Sinh trước hết phải là lắng nghe và loan truyền cho mọi người sứ điệp Phục Sinh thật cấp bách của Đức Kitô khải hoàn.

Lạy Chúa Kitô, Đấng Phục Sinh! Xin dạy con biết tiếp nhận và sống sứ điệp Phục Sinh cách ý thức và với sức mạnh. Trong tư cách Kitô hữu hay linh mục, chính con phải là người đầu tiên sống ‘sám hối’ theo nội dung phục sinh, để có thể trở thành chứng nhân trung thực của sứ điệp cứu rỗi. Cũng xin cho con hiểu ra rằng: tình yêu cứu độ của Chúa là vô biên giới, là phổ quát cho mọi đối tượng, để con hăng say lên đường gieo rắc tình yêu và lòng thương xót Chúa cho mọi dân nước. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

—————————————-

 

Hãy Yêu Nhau Đi

“Hãy yêu nhau đi” là một tác phẩm viết trong bối cảnh đất nước loạn lạc bởi chiến tranh, khi ấy, những cuộc gặp gỡ giữa người với người đều có thể là lần gặp gỡ cuối cùng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kêu gọi con người hãy dành thời gian mà yêu nhau.
Điệp ngữ “Hãy yêu nhau đi” được lặp đi lặp lại như cùng hứa với nhau rằng sẽ biết quan tâm đến nhau hơn, sẽ nhạy cảm về cảm xúc của nhau hơn.
Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá
Hãy yêu nhau đi dòng nước có trôi xa
Nước trôi qua tim đong đầy trí nhớ

Yêu thương không đi sau sự chờ đợi, phân vân, đừng đắn đo mà hãy yêu thương nhau nhanh đi, hãy yêu ngay đi. Yêu nhau lúc khu rừng sum suê lá, cao cả hơn, yêu cả lúc rừng thay lá, cả lúc giòng nước đã trôi xa. Và khi con tim đã mở rộng lòng để yêu thương không toan tính, con tim sẽ đong đầy những nỗi nhớ, gạch đá cũng sẽ có tin vui, thời gian đợi chờ cũng sẽ trở thành vĩnh cửu. Và, khi chúng ta đắm chìm trong một tình yêu lớn lao, bao la, chúng ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp từ những điều giản đơn xung quanh mình.

Khi trái tim được mở ra để trao cho nhau tình yêu, sự quan tâm và lòng bao dung thì những vết thương mới được chữa lành. Khi chúng ta đón nhận cả những thương đau, thiếu sót đó thì cũng là lúc chúng ta đang tìm đến một niềm hạnh phúc thật, đó chính là sự bình an tâm hồn.
Hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng
Dù đêm súng đạn dù sáng mưa bom
Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu
Hãy trao cho nhau
Hạnh phúc lẫn thương đau
Trái tim cho ta nơi về nương náu
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều

Bình an là điều mà nhân loại luôn mong muốn khấn cầu. Con người cần bình an như cần khí thở. Bình an sẽ mang lại cho con người bầu khí sống thân thiện đầy yêu thương, ngược lại khi tâm chúng ta không có bình an, tức là cuộc sống chúng ta đang thiếu yêu thương và đoạ đầy nhau.

Nhưng ở đời đâu dễ tìm được sự bình an. Thân thể cũng có lúc đau yếu bệnh tật. Tai nạn vẫn có thể xảy đến mọi nơi. Đặt niềm tin nơi đồng loại thường nhận lại sự giả dối, thiếu chân thành. Tất cả những điều ấy khiến chúng ta hoang mang, sầu khổ và mất bình an.

Niềm tin Kitô giáo cho chúng ta thấy, bình an trong tâm hồn chỉ được tìm thấy qua sự hiểu biết gần gũi, và sự tin cậy trọn vẹn, vào Đức Chúa Trời, Đấng đáp ứng “mọi nhu cầu của anh em theo sự giàu có vinh quang của Ngài trong Đấng Giêsu Kitô” (Phil 4,19).

Tâm trạng của các tông đồ sau biến cố tuần thương khó là tâm trạng buồn sầu và lo sợ. Họ sợ liên luỵ vì từng là đồ đệ của Thầy Giêsu. Từ sợ hãi dẫn đến đánh mất niềm tin. Sợ hãi đã làm cho các ông hoa con mắt đến nỗi “nhìn cò ra quạ”, nhìn thấy Chúa lại tưởng là ma.

Chúa đã quở trách các ông “sao lại hoảng hốt thế! Ma đâu có xương có thịt như vầy!”. Chúa chỉ cho các ông biết nguyên do của sợ hãi là thiếu lòng tin. “Sao lòng anh em còn ngờ vực?”. Đã bao năm sống với Thầy. Đã nhiều lần chứng kiến những phép lạ Thầy làm. Đã từng được nghe lời Thầy tiên báo “Sau ba ngày Thầy sẽ sống lại”. Thế mà các ông vẫn không tin?

Thế nên, trong Đức Giê-su con người mới có bình an. Có Thiên Chúa thì con người sẽ vì Chúa mà trao yêu thương qua sự chia sẻ, cảm thông và bao dung. Có Thiên Chúa sẽ mang lại hoa trái là niềm hoan lạc, tươi vui, bình an và hy vọng cho nhau.

Vâng, Chúa Phục sinh vẫn mang bình an đến cho chúng ta như xưa Ngài đã mang đến chocác tông đồ. Ngài vẫn đến với chúng ta qua những biến cố vui buồn, qua những thăng trầm của dòng đời. Ngài vẫn đang mời gọi chúng ta đặt cuộc đời trong bàn tay quan phòng của Chúa. Cho dù cuộc đời có nhiều nghi nan. Cho dù dòng đời có nhiều bất trắc và giông tố. Hãy lấy đức tin mà nắm vào Chúa. Hãy lấy lòng cậy trông mà phó thác vào Chúa. Hãy lấy lòng mển để vâng theo thánh ý Chúa.

Xin Chúa Giêsu phục sinh luôn ở lại với chúng ta theo như lời Người đã nói: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Xin Chúa luôn là khiên che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

—————————————-

 

 

Nhận Ra Chúa Nơi Người Đời

Hôm ấy, đang khi các môn đệ họp nhau trong phòng, Chúa phục sinh bất thần hiện ra giữa các ông. Mọi người kinh hồn bạt vía, vì tưởng là ma!
Chúa Giêsu phải dùng đủ cách để tỏ cho họ biết Ngài đã thật sự sống lại, chứ không phải là ma.
Trước hết, Ngài cho họ xem thương tích nơi tay chân, để chứng tỏ Ngài đã thực sự bị đóng đinh vào thập giá, nay sống lại.
Vì họ vẫn còn nghi ngờ không tin nên Ngài đề nghị họ sờ tay chân Ngài để biết chắc Ngài có xương có thịt chứ chẳng phải là ma.
Thế nhưng họ vẫn còn hoài nghi, nên Ngài lại ăn miếng cá nướng trước mặt họ để tỏ cho mọi người thấy ma đâu có nhai có nuốt như vầy.
Ngoài ra, Chúa Giêsu còn vận dụng Kinh thánh để tỏ cho các môn đệ biết Ngài là Đấng Kitô đã phải trải qua đau khổ rồi mới phục sinh.
Nhờ đó, các môn đệ mới tin là Chúa Giêsu đã sống lại thật.

Rất khó nhận ra Chúa đang hiện diện nơi người chung quanh
Các tông đồ xưa thật đáng trách vì dù được giáp mặt Chúa Giêsu mà vẫn không nhận ra Ngài. Nhưng xét lại, chúng ta cũng đáng trách không kém vì hằng ngày Chúa Giêsu phục sinh vẫn hiện diện giữa chúng ta mà chúng ta chẳng biết.

Qua thánh Phaolô, Chúa Giêsu dạy chúng ta biết rằng Ngài đang sống, đang làm việc, đang hiện diện nơi những người chung quanh, vì họ là chi thể, là tay chân Ngài. Thánh Phaolô viết:
“Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? (I Cr 6, 15).

Chúng ta nghĩ rằng Chúa là đấng rất cao cả, còn bao người chung quanh chỉ là người phàm yếu hèn mang đầy tội lỗi, nên thật khó chấp nhận họ là thân mình của Chúa.

Vì thế, thánh Phaolô nhấn mạnh lần nữa: “Anh em là thân thể Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận” trong thân mình Ngài (I Cr 12, 27).
Vì chúng ta là một phần trong thân mình Chúa Giêsu, nên Chúa Giêsu thật sự hiện diện nơi mỗi người chúng ta.

Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng Ngài đang hiện diện nơi người đói khát bần cùng, ai cho người đói miếng cơm manh áo là cho Ngài ăn, cho Ngài mặc; Ngài hiện diện nơi những người đau yếu nên ai thương xót cứu giúp người đau yếu là giúp đỡ chính Ngài… và khi ta làm gì cho những người chung quanh là làm cho chính Chúa Giêsu vì Ngài đang ở trong họ (Mt 25, 40).
Chúng ta đã nghe Chúa dạy điều nầy nhiều lần, nhưng dường như ít người chấp nhận sự thật Chúa truyền.

Vì thế, khi nghe tin có Chúa hay Đức Mẹ hiện ra ở đâu đó thì rất nhiều người đổ xô tìm đến để bái lạy, tôn thờ; vậy mà khi nghe chính Chúa Giêsu nói rằng Ngài đang hiện diện thực sự nơi người ăn xin nghèo đói đang cần cơm cháo, đang hiện diện nơi những bệnh nhân đau khổ đang cần chăm sóc… thì chẳng mấy ai đoái hoài. Sở dĩ không đoái hoài là vì người ta chưa tin vào lời Chúa dạy, chưa đón nhận sự thật khó hiểu này.

Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã sống lại và đang hiện diện nơi những người chung quanh chúng con, nơi người cha người mẹ, nơi người bạn trăm năm, nơi người cùng lối xóm… Chúa đang đồng hành với chúng con, cùng làm việc, cùng sinh hoạt trong một mái nhà, một xưởng máy… với chúng con. Vậy mà chúng con không nhận ra Ngài nên tỏ ra thờ ơ hờ hững với Ngài.
Xin khai mở con mắt tâm hồn để chúng con nhận ra Chúa nơi người chung quanh và tận tình yêu thương, phục vụ Chúa nơi những người đó. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

———————————–

 

Bừng Sáng Tin Yêu
CN III PS-B – (Lc 24, 35 – 48)

Chúa bỗng hiện ra thật bất ngờ,

Ngỡ ngàng môn đệ tưởng trong mơ

Trấn an lắng đọng tràn vui sướng

Hoảng sợ xua tan hết thẫn thờ

Suy niệm Thánh Kinh tìm thánh ý

Thực thi Lời Chúa dệt tình thơ

Khổ đau ứng nghiệm lời loan báo

Ánh sáng Phục Sinh khát vọng chờ.

Hạt Nắng

—————————————-

 

Tình Thơ Phục Sinh
CN III PS-B – (Lc 24, 35 – 48)

Thuyền chao nghiêng ba đào sóng vỗ,
hồn chơi vơi giông tố thiện tai.
Quá khứ sầu tủi, đắng cay,
hiện tại tơi tả tương lai mịt mờ.

Tình bâng khuâng vần thơ rách nát,
như cánh hoa tan tác chiều đông.
Lo âu, sợ sệt, phập phồng,
mong trời chiếu rọi nắng hồng hồi sinh.

Chúa lặng lẽ thân tình hiện diện,
tình ủi an tan biến sầu đau.
Cánh hoa hồi sức tươi màu,
vần thơ vụng dại nên câu nghĩa tình.

Đường Thương Khó hành trình cứu rỗi,
Chúa Vượt Qua gánh tội trần gian.
Trọn tình cạn chén Cha ban,
Phục Sinh chiếu tỏa vinh quang rạng ngời.

Để ứng nghiệm trọn lời Kinh Thánh,
hiến thân mình, “tấm bánh” hy sinh.
Tin Mừng loan báo nhân sinh,
Sức mạnh Thần Khí hành trình bình an.

Lời thơ con lại tuôn tràn,
dâng lời tán tụng nồng nàn tri ân.
Tình thơ dâng Chúa kết vần …

Bâng Khuâng Chiều Tím

 

—————————————

 

Hoan Ca Chứng Nhân
CN III PS-B – (Lc 24, 35 – 48)

Lang thang – trên đường về quê,
hoang mang – trái tim não nề.
Ai kia đồng hành yêu thương?
Soi lòng – con đường cứu thế.

Chao nghiêng – thuyền đời chao nghiêng,
chơi vơi – trái tim tội tình.
Ai kia hiện diện linh thiêng?
Vui mừng – Chúa đã Phục Sinh.

Bình an cho các con – Bình an cho thế nhân,
hãy loan truyền cho muôn người – Tin Mừng Cứu Rỗi.
Dầu gian nan – vững tin,
đường chông gai – tín trung,
Thầy ở cùng các con – mọi ngày – cho đến muôn đời.

Hân hoan – lên đường ra đi,
gian nguy – khó khăn ngại gì.
Tin yêu trọn niềm tin yêu,
trung thành – sức mạnh Thần Khí.

Trung kiên – lên thuyền ra khơi,
trao ban – bánh thơm cho đời.
Yêu thương – gieo mầm yêu thương,
Tin Mừng – đến với mọi người.

M. Madalena Hoa Ngâu

————————————-

 

Hoan Ca Chứng Nhân
CN III PS-B – (Lc 24, 35 – 48)

Chiều nắng tắt bên đường, lòng ngậm ngùi, bao hoang mang,
chơi vơi, đời mất hướng, mối nghi nan, ôm tuyệt vọng.
Emmaus, chiều gió lộng, Người Đồng Hành gieo tin yêu,
Thánh Kinh – Lời rọi chiếu, Chúa Phục Sinh, sáng tâm tình.

Hồn bối rối, u sầu, đường thập hình, gieo thương đau,
lo âu, buồn tê tái, hướng tương lai, sao mịt mùng.
Hân hoan, mừng tao phùng, Ngài hiện về, xua nghi nan,
vinh quang Ngài tỏa sáng, Chúa Phục Sinh, chúc an bình.

Phục Sinh – Chúa đã Phục Sinh,
hân hoan – trời đất hân hoan.
Ngài chịu khổ đau, ứng nghiệm lời kinh thánh.
Tin yêu – bừng sáng tin yêu,
hoan ca – nhịp bước hoan ca.
Nhân danh Ngài, loan Tin Mừng cứu rỗi,
đến với muôn người, sống niềm hoan lạc, vui tươi.

Ngài chiến thắng tử thần, theo lệnh truyền, con ra đi,
ra đi làm nhân chứng, đến muôn nơi, gieo Tin Mừng.
Kiên trung, đời thăng trầm, Ngài quan phòng, không đua tranh,
hy sinh làm tấm bánh, sống yêu thương, giữa cuộc đời.

Nắng Sài Gòn

—————————————-

 

Chúa Vẫn Bên Con
CN III PS. B – (Lc 24, 35 – 48)

Chúa chiến thắng đập tan sự dữ,
xua màn đêm chế ngự quỷ ma.
Phá tan thế lực gian tà,
niềm tin bừng tỉnh chan hòa sướng vui.

Chúa hiện diện đẩy lùi sợ hãi,
ban bình an, mạc khải tình yêu.
Hòa bình sứ điệp huyền siêu,
Tình Ca Đức Ái đốt thiêu tâm hồn.

Đường thập tự dập dồn sóng gió,
đường chông gai, thương khó Chúa đi.
Nhiệm mầu đau khổ kiên trì,
Vinh Quang Thánh giá uy nghi vương quyền.

Chúa Phục Sinh lưu truyền hậu thế,
đời chứng nhân bốn bể, năm châu.
Giăng buồm ra chốn biển sâu,
loan truyền chân lý nhiệm mầu tình yêu.

Sóng cuộc đời dẫu nhiều giông tố,
dập thuyền trôi khốn khổ, nguy nan.
Con luôn tin tưởng vững vàng,
Chúa luôn hiện diện Bình An ngập tràn.

Thuyền con lướt sóng thênh thang …

AP. Mặc Trầm Cung