“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 1, 1-8)
Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa:
Trong sách ngôn sứ Isaia có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
Đúng theo lời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan.
Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”
Đó là lời Chúa.
.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Dọn Đường Cho Chúa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Sứ Điệp Của Gioan Có Giá Trị Nào Đối Với ….? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Nhận Lỗi Và Sửa Sai Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Triệt Phá Thành Lũy Vô Hình Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Dọn Lòng Hạt Nắng Trg 10
Dọn Lòng Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Sa Mạc Cuộc Đời M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Đón Chúa Nắng Sài Gòn Trg 13
Dọn Lòng A.P Mặc Trầm Cung Trg 14
———————————
Dọn Đường Cho Chúa
Trong một trận lũ lụt kia, nhiều du khách trên tuyến đường Bắc – Nam bị kẹt ở miền Trung. Lý do là đèo Hải Vân bị sạt lở, xe cộ không đi lại được. Nhiều đoạn đường sắt bị nước lũ cuốn đi, nên tàu Bắc – Nam cũng đành ủ rũ nằm chờ. Nhiều làng bị nước ngập, dân làng muốn thoát ra nhưng không đi được vì đường sá không còn. Nhiều đoàn cứu trợ muốn đến những làng xa xôi, nhưng không có đường đi, nên đành chịu bó tay.
Những con đường thật là quan trọng. Đường đi giúp cho người bị nạn có thể thoát ra. Đường đi giúp cho người bị nạn đón nhận được sự cứu trợ. Đường đi nối liên lạc giữa người với người. Đường sá hư hỏng làm giao thông ngừng trệ, chậm trễ việc cứu trợ, ngăn cách người với người. Muốn cho giao thông mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau, phải sửa chữa đường đi cho thật tốt.
Con đường vật lý đã cần. Nhưng con đường tâm lý còn cần hơn. Nếu con đường tâm lý bị hư hỏng thì dù có ở sát cạnh nhau, người ta cũng vẫn cứ xa nhau.
Tương tự như thế, ta cần có con đường thiêng liêng thật tốt để đón Chúa đến. Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.
Tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.
Tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú. Tâm hồn ta có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.
– Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình.
– Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.
– Tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn.
– Tâm hồn ta gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân.
– Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.
Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta. Nên hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa Giêsu đến.
– Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn.
– Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh.
– Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà.
– Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng.
– Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá.
– Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh giả hình.
– Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác.
– Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề nói hành nói xấu.
Đổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Ngoài những cố gắng bản thân, còn cần đến những phương thế. Đời sống của Thánh Gioan Baotixita đề nghị cho ta 3 phương thế rất tốt.
– Phương thế thứ nhất là vào sa mạc. Sa mạc là nơi hoang vu vắng vẻ giúp ta sống cô tịch. Trong cô tịch, ta dễ chìm sâu xuống đáy lòng mình để gặp gỡ Chúa. Một mình ta diện đối diện với Chúa. Trong thân mật, Chúa sẽ dạy ta biết Thánh Ý để ta thi hành. Đức Giêsu, trước khi đi rao giảng cũng đã vào sa mạc 40 ngày để tìm Thánh Ý Chúa Cha. Sa mạc đây được hiểu là những giờ cầu nguyện riêng tư thân mật một mình ta với Chúa.
– Phương thế thứ hai là mặc áo da thú. Mặc áo da thú có nghĩa là ăn mặc đơn sơ, không chải chuốt. Một tâm hồn mặc áo da thú là một tâm hồn biết sống thực với chính mình, biết nhìn nhận những yếu đuối lỗi lầm và xin Chúa tha thứ. Thái độ đơn sơ khiêm nhường như thế chính là khởi điểm để tiến lên trên con đường thánh đức.
– Phương thế thứ ba là ăn châu chấu và mật ong rừng. Đây có ý nói về một đời sống khổ chế. Hãm dẹp những tính mê tật xấu, hạn chế những đòi hỏi của thân xác để bắt nó quy phục linh hồn. Giảm bớt những nhu cầu không cần thiết để bồi dưỡng đời sống tâm linh.
Thánh Gioan Baotixita đã sống theo chương trình 3 điểm này, nên Ngài đã trở thành người mở đường cho Đấng Cứu Thế. Nếu chúng ta biết áp dụng 3 phương thế ấy trong Mùa Vọng này, ta sẽ biến tâm hồn ta thành một con đường thẳng tắp cho Chúa Giáng Sinh ngự đến.
Lạy Chúa, xin cứu con khỏi mọi tội lỗi để con xứng đáng đón rước Chúa. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Con đường tâm hồn tôi có những đồi núi, vực sâu, khúc quanh nào cần sửa chữa?
2. Tôi có cần đến những phương thế của Thánh Gioan Baotixita không?
3. Tôi sẽ làm gì trong tuần này để thực hành Lời Chúa?
4. Trong bài Tin Mừng Chủ nhật thứ II Mùa Vọng này, tôi tâm đắc nhất câu nào?
5.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
—————————————-
Sứ Điệp Của Gioan Có Giá Trị Nào
Đối Với Kitô Hữu Chúng Ta?
Tác giả Marcô mở đầu sách Tin Mừng bằng việc giới thiệu Gioan, vị sứ giả tiền hô của đấng Mêsia: “Khởi đầu Tin Mừng… Ta sai sứ giả của ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con…” Công việc tiền hô của vị sứ giả đã được xác định rõ, ông phải hô hào mọi người: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi!” Thế nhưng tôi vẫn hay thắc mắc: Gioan Tiền Hô có thực sự hiểu rõ Đấng mà ông đang nỗ lực kêu mời mọi người chào đón hay không? điều này xem ra không được rõ cho lắm, có vẻ như ông vừa hiểu lại vừa không… Chính vì vậy mà lời ông kêu gọi chỉ là chung chung, rất dễ gây ngộ nhận về Con Người sẽ đến và không rõ sứ điệp Tin Mừng của Người là gì.
Điều Gioan tỏ ra biết về đấng Mêsia, người mà ông có nhiệm vụ tiền hô dọn đường, hoàn toàn bó gọn trong nội dung Cựu Ước, vốn đã rất phổ biến đối với người Do Thái cùng thời với ông. Theo họ, Mêsia là vị Thiên Sai, là đấng được Sức Dầu, Ngài phải là một vị đầy quyền uy thống trị…; “Có Đấng quyền thế hơn tôi… Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”. Đối với một đấng như thế, đương nhiên Gioan kêu gọi dân chúng phải đón tiếp trong sợ hãi và kính phục. Các tác giả Matthêu và Luca còn ghi rõ lời ông đe loi dân chúng: “Ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3:7.10). Kêu gọi sám hối như thế thì quả sứ điệp của Gioan có sức mạnh khủng khiếp, tuy nhiên nó còn hoàn toàn nằm trong nội dung Cựu Ước: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi!” (Is 40:3) Ngay cả khi tuyên bố, “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” Gioan vẫn hiểu, đó là phép rửa trong sức mạnh của Đức Chúa; vì theo hiểu biết chung của người Do Thái, Thần Khí đơn giản chỉ là biểu hiện sức mạnh của Đức Chúa Ađonai.
Gioan còn phải tìm hiểu nhiều về dung mạo đích thực của đấng Mêsia mà ông được gởi tới dọn đường; điều này đã được Phúc Âm minh chứng; và nhiều lần trong suốt cuộc sống, ông không ngừng nỗ lực tìm hiểu. Ngay cả tới lúc bị giam cầm trong ngục thất, ông vẫn còn loay hoay trong nghi vấn này, và muốn tìm lời giải đáp cho chính mình, cũng như cho các môn đệ của ông: “Ngài có thật là đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Đáp lại Đức Giêsu đã phác lên một dung mạo khác hẳn với hình ảnh ông vốn có về đấng Mêsia: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù thấy được, kẻ què đi được, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7:20.22). Nói cách khác, sứ điệp Người muốn gửi tới ông là: hãy chấp nhận dung mạo của một đấng Thiên Sai đầy từ tâm và cứu vớt, ngược hẳn với dung mạo của một Mêsia uy nghiêm xét xử mà ông từng rao giảng dọn đường. Đức Giêsu hiểu việc thay đối quan niệm như thế là không dễ chút nào, kể cả đối với vị tiền hô đáng kính phục của mình; Người nói thêm: “Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!”
Nếu với Gioan đã là như thế, thì một Kitô hữu như tôi khi tiến vào Mùa Vọng, cũng cần xác định rõ: Đấng mà tôi chuẩn bị đón rước trong thời gian này là ai? Marcô giới thiệu cho tôi sứ điệp và diện mạo của Gioan Tiền hô: “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”; thế nhưng tôi đâu phải là người Do Thái của thời Cựu Ước! Là Kitô hữu của Tin Mừng, tôi biết Đấng mà tôi được kêu gọi đón tiếp lại là một vị rất giầu từ tâm và hay thương xót; Người không đến để luận phạt, nhưng để cứu vớt thứ tha. Vì thế việc sám hối và ‘dọn đường… sửa lối cho ngay thẳng…” của tôi sẽ không chỉ vì muốn xứng đáng đón tiếp một đấng cao cả quyền uy, lại càng không phải để ‘tránh cơn thịnh nộ’ vì ‘rìu đã đặt sát gốc’. Tôi nhìn nhận tội lỗi mình, vì nhờ đó tôi lại càng ý thức rằng, mình chính là ‘phận nghèo được nghe Tin Mừng’ (Lc 4:18). Đúng hơn chính khi nhìn nhận mình tội lỗi, tôi lại càng tới gần Hài Nhi Giêsu nhân hậu và cứu độ hơn, đồng thời biến việc dọn đường trở thành niềm vui và hy vọng tràn trề; phải chăng đó mới chính là điều mà phụng vụ đang hướng chúng ta tới?
Tuy nhiên, đối với tôi cũng như đối với nhiều người, vẫn luôn tồn tại nguy cơ: ngộ nhận sứ điệp của Gioan, ngộ nhận ngay cả Tin Mừng Đức Kitô rao giảng, ngộ nhận cả huấn quyền cứu độ của Hội Thánh. Mùa Vọng là thời gian dành cho tôi, trong khi vẫn thành khẩn tiếp nhận sứ điệp sám hối, gia tăng nhận biết diện mạo nhân ái giầu xót thương của một Thiên Chúa đang đến để cứu vớt, chứ không phải để luận phạt. Tôi không chỉ vọng về ngày lễ Giáng Sinh, mà phải biến trọn đời sống Kitô hữu của tôi thành một Mùa Vọng bất tận; vọng về tình yêu nhân ái của Thiên Chúa, Đấng yêu thương tôi. Công việc này thật khẩn trương và vô cùng quan trọng, cho Gio-an cũng như cho chính tôi, vì “phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!”
Lạy Đấng đang đến và là Đấng con được mời gọi dọn đường đón tiếp, xin cho con nhận biết dung nhan hiền dịu Chúa để, cho dầu con người con có bất toàn và tội lỗi đến mấy, với lòng chân thành sám hối, con càng vui mừng tiến ra đón Chúa với cánh tay và trái tim mở rộng; vì biết rằng Hài Nhi Giáng Sinh là đấng cứu độ chứ không phải là người luận phạt. Xin cho toàn nhân loại cùng con chia sẻ niềm vui Giáng Sinh, trong tâm tình ca khen cảm tạ tình yêu của Thiên Chúa giáng trần để cứu độ. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
—————————————
Nhận Lỗi Và Sửa Sai
Sau đại dịch Covid là đại hoạ cho các quan tham và những doanh nhân lừa đảo. Những cán bộ cao cấp trung ương có, tỉnh có, huyện có . . . Những đại gia giầu có bậc nhất nhì ở Việt Nam cũng lần lượt bị phơi bày ra ánh sáng về việc làm bất chính của họ. Có những vụ án chiếm đoạt lên tới trên 300 ngàn tỉ, trung bình cũng vài chục ngàn tỉ nhưng đáng tiếc ta không thấy nơi họ sự sám hối ăn năn của một hối nhân. Tất cả bị can chỉ một mực xin khoan hồng nhưng không hối cải. Có những bị can còn xin chứng nhận tâm thần để được khoan hồng hay giảm án . ..
Không chỉ ở ngoài xã hội mà ngay trong lòng Giáo Hội vẫn có những lừa dối để mua bán chức tước, để lươn lẹo tìm kiếm chiếm chỗ nhất trong cộng đồng. Nổi cộm là vụ 3H với ít nhất là ba người liên quan trực tiếp nhưng vẫn chưa thấy ai nhận lỗi, nhận sai?
Không nhận sai sẽ dẫn đến không sám hối và như thế sẽ không có sửa sai để khắc phục hậu quả. Một xã hội đã mất ý thức về tội là một xã hội vô kỷ cương sẽ dẫn tới sai càng sai, tội càng chồng chất và xã hội chỉ còn lạc hậu và đói nghèo…
Nhận biết cái sai thôi chưa đủ. Điều quan trọng là phải biết sai ở đâu để sửa, để chỉnh đốn bản thân mới mong hoàn thiện bản thân. Nhận ra cái sai nhưng không sửa ngọn nguồn những sai trái thì sự xấu vẫn tiếp tục gia tăng và làm cho xã hội ngày càng đầy rẫy những chuyện phi nhân thất đức mà ta vẫn thấy trong xã hội hôm nay.
Lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu chính là lời mời gọi sám hối và thay đổi đời sống cho phù hợp với Tin Mừng. Lời kêu gọi sám hối và thay đổi đời sống đã vang lên suốt dọc dài lịch sử ơn cứu độ nơi các ngôn sứ của Chúa. Thiên Chúa luôn uốn nắn con người đi theo đường ngay nẻo chính. Đó là con đường duy nhất dẫn đến hoà bình và thịnh vượng cho dân Người.
Hôm nay, chúng ta bước vào Mùa Vọng là sống lại tâm tình chờ mong của dân riêng Chúa, cùng được nghe những lời kêu gọi sám hối sửa lại đời sống để Nước Chúa hiển trị, để công lý và bình an tới với muôn tâm hồn. Từ đó con người sẽ được sống trong hoà bình thịnh vượng và hạnh phúc dài lâu.
Lời mời gọi thay đổi đời sống để có cuộc sống hoà bình thịnh vượng phải chăng cũng là lời kêu gọi khẩn thiết cho con người thời đại hôm nay? Một thời đại đang dần dần mất ý thức về tội, và còn cổ vũ và ủng hộ cái xấu như phá thai, ly dị, đồng tính…
Lời mời gọi của Thánh Gioan tiền hô như đang mời gọi chúng ta cần xét lại con đường chúng ta đang đi có phải là con đường quanh co, thế nên, vẫn còn đó sự gian dối, lừa lọc lẫn nhau không? Con đường chúng ta có là con đường gồ ghề bởi những lời nói thiếu suy nghị, thiếu bác ái, thiếu xây dựng, luôn chỉ trích nặng lời với nhau không? Con đường chúng ta đang đi có phải là những thung lũng của những đam mê tội lỗi, những đỉnh đồi kiêu ngạo mà xa rời Chúa, xa rời anh em không?
Xin Chúa giúp chúng ta bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những sự trống vắng Thiên Chúa nơi tâm hồn bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá, giả hình. Hãy san bằng những nghi kỵ, ganh ghét bất hoà. Hãy san bằng những lượn sóng gồ ghề nói hành, nói xấu nhau . Đó là cách duy nhất để dọn lòng Chúa đến, để Chúa giáng sinh mang lại niềm vui cho tâm hồn chúng ta.
Lạy Chúa, xin hãy cất khỏi chúng con tất cả những gì làm cho chúng con xa lìa Chúa, và xin ban cho chúng con tâm tình thống hối ăn năn để sửa đổi con người theo tinh thần phúc âm của Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————
Triệt Phá Thành Lũy Vô Hình
Thành lũy vô hình
Có rất nhiều cản trở tự nhiên khiến con người không đến được với nhau, như ngăn cách vì sông sâu, biển rộng, đồi núi hiểm trở cheo leo hoặc có những cản trở khác do con người dựng nên như thành lũy kiên cố để ngăn chặn quân thù.
Ngoài những cản trở bên ngoài nói trên, còn có những cản trở bên trong, tuy vô hình nhưng rất nguy hại; đó là lòng hận thù, nghi kỵ, giận hờn, ghen tỵ, tranh chấp, kiêu căng, ích kỷ…
Đây là những thành luỹ vô hình, không có bề cao, bề rộng, bề sâu nhưng có khả năng ngăn cách con người rất hiệu quả. Có những gia đình ở kề bên nhau nhưng vì hận thù ghen ghét nên không hề lui tới với nhau; thậm chí có những anh em ruột thịt mà mấy chục năm trời không nhìn mặt nhau chỉ vì tranh chấp đố kỵ. Có khi vợ chồng cùng sống chung phòng nhưng tâm hồn hai người cách xa nhau vạn dặm.
Hãy triệt phá thành lũy vô hình
Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia (trong bài đọc thứ nhất hôm nay) tha thiết mời gọi chúng ta hãy tháo gỡ những thành luỹ vô hình đó để giao hoà với nhau. “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi: Con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng…”
Và trong Tin Mừng hôm nay, thánh sử Máccô nhắc lại: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng.”
Dọn đường đón Chúa cách nào?
Dọn đường đón Chúa là tháo gỡ những rào cản đang được dựng lên trong lòng ta để người anh em có thể đến được với chúng ta cũng như chúng ta có thể giao hòa với người khác.
Tại sao phải dọn đường đón Chúa?
Cha mẹ trần gian rất đau lòng khi nhìn thấy con cái trong nhà xích mích, chia rẽ và ly tán.
Thiên Chúa là Cha nhân lành cũng vô cùng đau đớn khi con cái Ngài trên dương thế còn đang chia rẽ, xa lánh nhau.
Mỗi người chúng ta là một tế bào, là một chi thể trong Thân thể Chúa Kitô. Vì thế, khi để cho hận thù, nghị kỵ, ghen ghét… chia rẽ chúng ta là chúng ta đang chia cắt Thân thể Chúa.
Chúa Giêsu rất đau lòng vì Thân mình Ngài bị chia năm xẻ bảy nên Ngài tha thiết mời gọi con cái phải mau tháo gỡ những ngăn cách đó để giao hoà với nhau, để cho Thân mình Ngài được lành lặn. Vì thế, Ngài nghiêm khắc đòi buộc những chi thể phân cách hãy mau mau giao hoà. Ngài nói: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23-24).
Dòng sông Bến Hải cắt đôi đất nước Việt Nam và biến đồng bào Việt Nam thành thù địch trong suốt 21 năm trời cuối cùng đã trở thành gạch nối liên kết hai miền bắc nam.
Bức tường Bá Linh chia cắt Đức quốc thành hai quốc gia thù nghịch suốt 28 năm cuối cùng cũng bị triệt hạ để cho dân tộc Đức được thống nhất và trở nên hùng cường.
Nhiều ngăn cách lớn lao giữa các quốc gia đã dần dần được tháo gỡ.
Vậy biết đến bao giờ những “bức tường” do chính chúng ta dựng lên ngăn cách chúng ta với nhau được tháo gỡ để Thiên Chúa có thể đến với chúng ta?
Lạy Chúa Giêsu. Vì muốn cho tất cả chúng con chung sống trong tình yêu thương, hiệp nhất thắm thiết nên Chúa đã tha thiết cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha.”
Xin giúp chúng con triệt phá những bức tường thành ngăn cách chúng con với người khác, đó là oán ghét giận hờn, tranh chấp ghen tị… để chúng con luôn sống chan hòa trong tình hiệp nhất yêu thương.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
———————————-
Dọn Lòng
CN II – MVB – (Mc 1, 1 – 8)
Sa mạc lặng thầm nơi thẳm sâu
Lắng nghe tiếng Chúa đang yêu cầu
Đơn sơ, từ tốn Hài Nhi ngự
Giản dị, khiêm cung Thánh Thể chầu
Đồi núi kiêu căng mang khốn khổ
Hố sâu ích kỷ chuốc âu sầu
Con đường chính trực đón mừng Chúa
Trong sáng tâm hồn tỏa ánh châu.
Hạt Nắng
———————————–
Dọn Lòng
CN II – MVB – (Mc 1, 1 – 8)
Vào sa mạc, tâm tình lắng đọng,
dọn tâm hồn chờ đón thiên ân.
Đón Con Thiên Chúa giáng trần,,
đem nguồn cứu độ phúc ân cho đời.
Nghe tiếng vọng gọi mời chỉnh đốn,
lòng thẳng ngay, khiêm tốn, hãm mình.
Lương thực bồi dưỡng tâm linh,
nhu cầu thân xác hy sinh chân thành.
Sửa ngay thẳng khúc quanh giả dối,
bạt núi đồi, lối sống kiêu căng.
Đam mê theo đuổi lợi danh,
Tự cao, tự mãn, san bằng lối đi.
Lấp hố sâu hoài nghi, hồn dỗi,
gây bất hòa, gian dối, quanh co.
Ngôn hành thành thật, đắn đo,
quyết tâm từ bỏ sóng xô, gồ ghề.
Lấp hố sâu u mê dục vọng,
giữ tâm hồn trong sáng, đơn sơ.
Lộ trình thiêng thánh ươm mơ,
tha nhân chung tiếng tình thơ an bình.
Bồi hồi chờ đón giáng sinh …
Bâng Khuâng Chiều Tím
—————————————-
Sa Mạc Cuộc Đời
CN II – MVB – (Mc 1, 1 – 8)
Sa mạc cuộc đời, thân con tháng năm khô cằn,
lê bước nhục nhằn, lối nhỏ từng chiều đơn côi.
Nụ cười khô môi, nước mắt bên khóe lạnh lùng,
ngõ vắng đường cùng, lặng thầm xâu xé, ăn năn.
Danh vọng, bạc tiền, vươn lên đỉnh cao kiêu ngạo,
ghen ghét giận hờn, hố tối thói đời tham lam.
Gieo mầm nghi nan, lạc thú mê đắm, ngập chìm,
quanh co, giả hình, thân tàn từng bước lao đao.
Xin giúp con can đảm, bạt đi núi đồi kiêu căng,
quyết san bằng hố sâu tham vọng bất chính.
Đường quanh co, uốn theo chân lý, công bình,
sống hãm mình, nguyện cầu nuôi dưỡng tâm linh.
Đi vào cuộc đời, yêu thương, hố sâu lấp đầy,
vun xới tình người, đổi mới tâm hồn thẳng ngay.
Gieo mầm tin yêu, dấn thân loan báo Tin Mừng,
hồng ân Thánh Thần, chu toàn sứ vụ hiệp thông.
M. Madalena Hoa Ngâu
————————————-
Đón Chúa
CN II – MVB – (Mc 1, 1 – 8)
Người người trông mong, Chúa đến thăm gian trần,
đường nào Chúa ơi! Cho con diện kiến thánh nhan?.
Đỉnh đồi kiêu căng, khoe khoang che đường, ngăn lối,
hố sâu giận hờn, tự ái, ngăn cách tình thân.
Đường đời quanh co, bóng tối ngăn lối về,
giả hình, dối gian, tham lam lạc bước u mê.
Bất hòa, ghét ghen, đua chen chức quyền, lạc thú,
sóng xô gập ghềnh, đường đi đón Chúa đầy nhiêu khê.
Sức mạnh trời cao, xin giúp con canh tân cuộc sống,
bạt những đồi cao, kiêu căng, tự mãn, ngông cuồng.
San bằng hố sâu, lấp đi bất hòa chia rẽ,
uốn thẳng đường cong, không còn dối trá, bất công.
Sức mạnh hồng ân, nâng bước con tìm nhan thánh Chúa,
ân nghĩa tình thân, tha nhân, khúc hát giao mùa.
Vui cười, sẻ chia, chung tay đắp bồi, hạnh phúc,
nắng đẹp mùa xuân, Chúa ngự trị, hồng ân như mưa.
Sa mạc hoang vu, ánh sáng soi bóng tà,
nguyện cầu thiết tha, chìm sâu trong Thánh Ý Cha.
Lỗi lầm nhận ra, đơn sơ, khiêm nhường, chân chính,
khổ chế thân mình, đường đi đón Chúa, lời hoan ca.
Nắng Sài Gòn
————————————
Dọn Lòng
CN II MV.B – (Mc 1, 1 – 8)
Trong đau khổ con gặp nhiều vấn nạn,
biết tìm đâu đường sán lạn đời con.
Tim sầu, ruột thắt héo hon,
u mê kiếp sống lối mòn khổ đau.
Đường thế trần vàng thau lẫn lộn,
đường thiêng liêng xáo trộn tâm linh.
Đường đi tắc nghẽn vô tình,
giả nhân, giả nghĩa, giả hình, mưu mô.
Ham danh vọng mưu đồ chia rẽ,
gây bất hòa, ghen ghét, nghi nan.
Dối gian chiếm đoạt tham lam,
hố sâu dục vọng bất an tâm hồn.
Thói bất công bồn chồn gợn sóng,
thói biếng lười lối sống vô lo.
Tự mãn, dối trá, quanh co,
thoái thác bổn phận, thuyền đò buông trôi.
Thói kiêu căng núi đồi chặn lối,
những vực sâu bóng tối đam mê.
Đường đi khúc khuỷu gồ ghề,
màn đêm u ám tái tê cõi lòng.
Nghe tiếng vọng nơi đồng hoang vắng,
lấp hố sâu, san phẳng núi đồi.
Khiêm nhu hãm dẹp cái “tôi”,
quanh co uốn thẳng, đắp bồi vực sâu.
Lời Sứ Giả gọi mời thẩm thấu,
con cúi đầu sám hối ăn năn.
Dọn lòng đón Chúa viếng thăm,
công minh, chính trực ngôn hành sáng trong.
AP. Mặc Trầm Cung