“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu Mt 25, 31- 46
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.
“Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: ‘Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta’.
“Khi ấy người lành đáp lại rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?’ Vua đáp lại: ‘Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta’.
“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: ‘Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!’
“Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: ‘Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?’ Khi ấy Người đáp lại: “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta’. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.
Đó là lời Chúa.
.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Vương Quốc Tình Yêu ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
VuaVũTrụĐãTừngMongĐượcNgườiTaXótThương Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Người Ta Sống Để Yêu Nhau Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Thi Tuyển Vào Thiên Đàng Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Phúc Vĩnh Hằng Hạt Nắng Trg 10
Ngài Đó Sao Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Con Đâu Có Ngờ M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Ngài Đó Sao Nắng Sài Gòn Trg 13
Khải Hoàn Ca A.P Mặc Trầm Cung Trg 14
————————————–
Vương Quốc Tình Yêu
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy nhiều sự thật quan trọng về kết cục của con người.
Sự thật thứ nhất là: thế giới này sẽ chấm dứt. Không có gì vĩnh cửu ở đời này. Mọi sự sẽ qua đi. Những gì được coi là bền vững lâu dài rồi cũng tan thành cát bụi. Của cải, tài năng, công danh cũng sẽ trở thành hư vô. Cả đến con người cũ cũng không còn. Sau cùng mọi người bằng nhau và phải đến trước tòa Chúa để chịu phán xét.
Sự thật thứ hai là: mọi người sẽ bị xét xử. Tất cả mọi người sẽ tụ tập lại. Tất cả mọi người sẽ phải trả lời về những gì mình đã làm trong cuộc đời. Cuộc xét xử sẽ diễn ra công khai. Những trách nhiệm liên đới sẽ được sáng tỏ. Những liên hệ thầm kín sẽ được phơi bày. Nếu trên trần gian ta phải chứng kiến bất công thì tại phiên xử cuối cùng này sẽ có công bằng tuyệt đối. Chẳng ai có thể mua chuộc vị quan tòa tối cao, quyền uy và công thẳng.
Sự thật thứ ba: sẽ có một vương quốc mới. Tuy nhiên kết thúc thế giới cũ không phải là chấm dứt tất cả. Chúa Giêsu tổng kết thế giới cũ để đưa nhân loại vào một thế giới mới. Thế giới không còn thời gian. Thế giới vĩnh cửu. Thế giới không còn đau khổ. Thế giới hạnh phúc tràn đầy. Vì Chúa sẽ thiết lập một vương quốc mới: vương quốc tình yêu. Cuộc xét xử chính là một cuộc tuyển lựa những công dân cho vương quốc mới. Vì là vương quốc tình yêu nên chỉ những ai có tình yêu mới được vào. Luật lệ trong vương quốc mới chỉ có một luật duy nhất: luật tình yêu. Việc cai trị cũng chỉ theo một nguyên tắc duy nhất: tình yêu. Chúa Giêsu trở thành Vua Tình Yêu.
Sự thật thứ bốn: đời này là cơ hội duy nhất. Thế giới mới và vương quốc mới không phải bất ngờ mà có, nhưng được xây dựng ngay từ đời này. Đời này tuy chóng qua nhưng là cơ hội để ta xây dựng vương quốc mới. Những ai có lòng yêu thương anh em, đặc biệt những anh em nghèo khổ, bé mọn, sẽ được tuyển chọn vào Nước Trời. Đời này ngắn ngủi nhưng lại là cơ hội duy nhất. Hết đời này sẽ không còn cơ hội nữa. Sẽ đi đến chung cuộc. Vì thế ta phải vội vàng mau mắn thực hành giới luật yêu thương, kẻo không kịp.
Với dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho ta hết những bí mật của vận mạng thế giới. Và chỉ vẽ cho ta con đường để được nhận vào Nước Chúa: thực hành yêu thương bằng những việc làm cụ thể. Cho người đói ăn. Cho người khát uống. Cho người rách rưới ăn mặc. Thăm viếng người đau yếu và kẻ tù đầy. Đây là những việc vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể làm được. Ai cũng có điều kiện để làm.
Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, xin cho con biết thực hành yêu thương, để được nhận vào Nước Chúa. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng cho thấy những sự thật nào?
2- Ta có thể làm chủ vận mạng mình được không?
3- Điều kiện để được vào Nước Chúa có khó khăn gì không?
4- Nếu mọi người đều thực hiện Lời Chúa, bạn nghĩ thế giới này sẽ như thế nào? Có trở thành vương quốc của Chúa được không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
—————————————-
Vua Vũ Trụ Đã Từng Mong
Được Người Ta Thương Xót…
Khi đọc đoạn Tin Mừng về ‘cuộc phán xét chung’, ấn tượng đầu tiên mà tôi có là: đi đạo chẳng có ích gì, bởi vì khi ‘tập hợp các dân thiên hạ trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê’ thì Vua Vũ Trụ đâu có áp dụng tiêu chuẩn tôn giáo nào đâu; vì thế đi đạo hay không cũng như nhau thôi. Cũng vậy khi Người phán: ‘hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn’ thì đâu chỉ dành cho những người đã được rửa tội, những người năng lãnh nhận các phép bí tích! Tiêu chuẩn Người áp dụng có vẻ quá đời thường, quá nhân bản…, phần nào có vẻ quá thực dụng chủ nghĩa nữa là khác, đến độ cả anh chị em không Kitô hữu (non-Christians) cũng dễ dàng đạt được; đó là sống yêu thương, sống từ nhân với hết mọi người. Các Phật Tử chẳng hạn có lẽ còn thực thi ‘từ bi xả hỉ’ hơn cả người Công giáo, các đồng chí đồng đội ngoài chiến trường còn đùm bọc nhau keo sơn hơn cả các tu sĩ trong một cộng đoàn. Nếu đã như thế thì, làm Kitô hữu được Phúc Âm dạy bảo, được các Bí Tích đỡ nâng, được các luật lệ, luân lý chở che… thực tế sẽ mang lại lợi ích gì cho tôi trong ngày Đức Vua đến xét xử trần gian?
Ấn tượng tiếp theo là Đức Vua này quá chủ quan! Người xét xử không căn cứ theo một bộ luật nào mà Người đã ban hành, trong đó có cả luật ‘mến Chúa yêu người’ vẫn thường được coi là quan trọng hơn hết. Luật pháp phải khách quan, nhất là khi xét xử, để cứ theo đó mà áp dụng công bằng cho mọi người. Đàng này tiêu chuẩn Đức Vua dùng để xét xử lại chỉ qui hướng trực tiếp về cá nhân Người mà thôi: “vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước, Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu các ngươi đã thăm viếng, Ta ngồi tù các ngươi đến hỏi han”. Khi đặt các lời trên vào miệng Quan Án, hình như Đức Giêsu muốn cho thấy: chính Đức Vua vinh quang từ lâu vẫn hằng chờ mong để được mọi người thương xót và gia ân. Như vậy, được chúc phúc hay bị nguyền rủa đều dựa trên một tiêu chuẩn chung nhất, đó là lòng nhân ái mà mỗi người có trong tương quan thuận hay nghịch với một Đức Vua hằng xót thương tha thứ, đồng thời chính Người cũng đang chờ đợi để được mọi người thương xót.
Nếu chập hai yếu tố trên lại với nhau, tôi mới thoáng phát hiện ra nét độc đáo và siêu việt của ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi mà tôi đã được diễm phúc tiếp nhận! Nhiều người không phải là Kitô hữu, chưa hề biết gì về Đức Vua hằng thương xót và hay tha thứ, nhưng vô hình chung lại thường xuyên đi vào tương quan thuận với ‘vị Vua dấu mặt’ đang chờ đợi được xót thương: “Có bao giờ chúng tôi đã thấy Chúa đói, khát, là khách lạ, trần truồng, đau yếu hay ngồi tù…?” Đức Giêsu cho thấy rõ, như thế là đã quá đủ để tạo một tương quan thuận với Thiên Chúa tình yêu và khao khát tình yêu; “Ta bảo thật: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy”. Lúc này, tôi thành thực chúc mừng các anh chị em chưa được biết Chúa, vì thật may mắn cho anh chị em biết mấy! Nhưng, nếu anh chị chỉ mới giữ có một vế (làm mà không biết) mà đã được như thế, thì huống hồ chi Kitô hữu chúng tôi, nếu giữ được cả hai vế (làm và biết) thì thật còn may mắn biết bao; Kitô hữu chúng tôi mới là những người duy nhất trên trần gian này được diễm phúc có được cả hai vế ‘biết và làm’ để tiến vào tương quan cá vị sâu đậm nhất với Đức Vua xót thương và chờ đợi được thương xót. Nhờ đức tin, mà ngay từ ngày lãnh phép rửa tội, chúng tôi đã nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng đầy lòng nhân ái và yêu thương; rồi trong suốt quá trình sống đời Kitô hữu, nhất là khi lãnh nhận các Bí Tích, đặc biệt bí tích Hòa Giải, chúng tôi đã có không biết bao nhiêu là dịp để cảm nghiệm được lòng từ ái của Đức Vua; Lời của Vua hằng thôi thúc chúng tôi diễn đạt tương quan với Người bằng đời sống bác ái, yêu thương và phục vụ. Tiêu chuẩn sống của chúng tôi không còn là một điều luật khách quan ‘kính Chúa yêu người’, mà đã trở thành một tương quan nhân vị mới, cho dầu theo cách nói quen thuộc của người Do Thái, Đức Giêsu gọi đó là ‘Điều răn mới’, “là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34). Do đó không một ai trong chúng tôi sẽ còn dám lên tiếng: “Có bao giờ chúng tôi đã thấy Chúa đói…” vì chúng tôi đã có muôn ngàn dịp để nhận ra và cảm nghiệm Đức Vua yêu thương, cũng như chúng tôi thừa biết rằng: Đức Vua chúng tôi tôn thờ lại rất khao khát được hồi ân, được chúng tôi đáp lại bằng mến thương, đặc biệt qua các hành động nhân hậu đối với các người anh em. Do đó khi gặp lại Đức Vua quang lâm, các Kitô hữu chúng tôi sẽ phải là những người trước hết “đứng thẳng và ngẩng đầu lên!” (Lc 21:28), vì chúng tôi biết chắc rằng: mình đứng bên phải trong số các kẻ “được Cha Ta chúc phúc”.
Lạy Đức Vua Vũ Trụ, Vua tình yêu và xót thương, cảm tạ Đức Vua đã cho con cơ hội tuyệt vời để nhận biết con được Người thương xót, đồng thời Người cũng khao khát được con thương xót lại. Chớ gì chương trình sống Kitô của con chỉ đơn giản là nhận biết mình được xót thương để rồi cố gắng đáp trả bằng thương xót tha nhân. Xin cho mọi người, không phân biệt lương giáo, biết cùng nhau ban phát lòng xót thương Chúa hằng khao khát, nhờ chính các Kitô hữu chúng con nhận thức ngày càng sâu sắc hơn, và nhắc nhở cho mọi người rằng: có một Đức Vua yêu mến và xót thương hết thảy mọi người, đang chờ nhận được lòng thương xót. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
——————————————
Người Ta Sống Để Yêu Nhau
Ở Việt Nam gần đây đã xuất hiện những lạc giáo gây nên những thị phị, những drama ồn ào trong Giáo Hội Việt Nam.
Dấu chỉ của lạc giáo theo như cha Mattheu Nguyễn Khắc Hy là tự cho mình là trung gian với Chúa Cha đề rồi loại bỏ vai trò trung gian duy nhất của Chúa Giêsu.
Họ không vâng phục quyền bính của Giáo hội do Chúa Giêsu thiết lập. Điểm mấu chốt là họ không tạo nên sự hiệp nhất yêu thương mà gây nên những hoài nghi, chia rẽ, kết án chính những bề trên của mình.
Cụ thể như nhóm Sứ Điệp Từ Trời luôn phát tán về thời kỳ cánh chung đã tới để hù doạ con người về một cuộc thanh trừng ghê sợ từ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Họ cho rằng hàng giáo sĩ đã không còn thực thi sứ mạng nên cần phải thay đổi mọi sự.
Thực chất để bán gạo và đèn nến tích trữ kẻo tối nhiều ngày đêm… Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc thì dùng những video để đánh bóng vai trò trung gian với Chúa Cha của mình qua các phép lạ do ma quỷ ban cho, vì thực chất ma quỷ có thể làm được phép lạ theo ý con người.
Có những video còn cho rằng số người xuống hoả ngục hay ở luyện tội lâu năm có rất nhiều giám mục, linh mục để rồi cười đùa trên sự thánh thiện của Giáo Hội do Chúa Giêsu sáng lập.
Cha Tường Vĩnh Long thì dừng lại ở sách Sáng Thế ký cho rằng chỉ ăn cây cỏ có hạt giống và dùng tư tưởng Phật Giáo để phổ biến quan điểm ăn chay của mình và loại trừ các thức ăn mà thời Chúa Giêsu và các tông đồ vẫn dùng.
Cha Tường Vĩnh Long thì dừng lại ở sách Sáng Thế ký cho rằng chỉ ăn cây cỏ có hạt giống và dùng tư tưởng Phật Giáo để phổ biến quan điểm ăn chay của mình và loại trừ các thức ăn mà thời Chúa Giêsu và các tông đồ vẫn dùng.
Nhóm Chúa Trời Cha, Mẹ là nhóm sàm do một số cá nhân không việc làm, họ nhân danh tôn giáo để trục lợi kiểu như hàng đa cấp luôn lân la các quán cà phê để chia sẻ lời Chúa và sau đó thu tiền cho Chúa Cha thực chất để tích vốn tiếp tục lừa đảo người khác và trục lợi cho bản thân.
Chung chung của các nhóm này là gây chia rẽ và tuyên truyền về những drama do họ thêu dệt không có nói cho có, có ít nói cho nhiều để tẩy não người nhẹ dạ tin theo họ và rời xa Giáo Hội. Họ không dựa vào lời Phúc Âm do Chúa Giêsu rao giảng mà dựa vào suy diễn của họ với hình thức tự cho mình được Chúa Cha mạc khải…
Chúa Giêsu khi xuống thế làm người đã thiết lập một Vương Quốc Tình Yêu. Yêu Chúa, yêu người như thánh Gioan đã viết: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Người tín hữu được sinh ra trong tình yêu của Chúa và còn phải sống tình yêu ấy mới xứng đáng là môn đệ của Chúa.
Vương Quốc Tình Yêu ấy sẽ trọn hảo trong ngày cánh chung. Ngày Cánh Chung Thiên Chúa sẽ phán xét và loại trừ những ai sống thiếu tình yêu. Trong vương quốc của Chúa thì chỉ những ai biết sống yêu thương, sống phục vụ và quảng đại mới xứng đáng là thần dân của Chúa, vì Chúa đã nói: “Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: ‘Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta’.
Thực vậy, trong ngày phán xét, Chúa không hỏi về bằng cấp của chúng ta cao hay thấp. Chúa phán xét theo tinh thần bác ái mà chúng ta đã dành cho tha nhân. Công hay tội tuỳ thuộc vào lòng bác ái chúng ta có hay không trong những lời nói và việc làm của mình. Chúa đã từng chê trách thái độ vô cảm của những biệt phái, và của những thầy tư tế khi để mặc người bị nạn trên đường đến Giêricô. Chúa cũng từng dùng dụ ngôn để răn dạy thái độ dửng dưng trước bất hạnh của đồng loại qua dụ ngôn “người phú hộ và Lazarô”. Chúa cũng sẽ luận tội nếu chúng ta cũng thiếu trách nhiệm và sống thiếu tình liên đới qua đời sống yêu thương và phục vụ tha nhân.
Chúa Giêsu là Vua, nhưng Ngài đã cúi mình phục vụ tha nhân. Ngài tự hoà nhập với con người. Ngài đồng hành với con người. Ngài chia sẻ phận người nổi trôi với con người. Ngài đã đến để phục vụ và hiến mạng sống vì hạnh phúc tha nhân. Ngài còn mời gọi chúng ta “ai muốn làm lớn hãy cúi mình phục vụ anh em”.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống yêu thương như lời Chúa dạy. Xin Chúa giúp cho ta luôn can đảm làm chứng cho tình yêu bất diệt của Chúa là dám “thí mạng sống mình vì người mình yêu” và biết yêu thương tha nhân như chính mình. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
—————————————-
Thi Tuyển Vào Thiên Đàng
Mai đây, không sớm thì muộn, mỗi người chúng ta sẽ phải tham gia một cuộc thi hết sức quan trọng quyết định vận mệnh đời đời của chúng ta.
Ai trúng tuyển sẽ được hưởng phúc đời đời trên thiên quốc; ai thi hỏng thì muôn đời phải trầm luân trong hoả ngục vô cùng đau khổ.
Cuộc thi được tổ chức theo hình thức vấn đáp. Mỗi người phải đối diện với vị Giám khảo đầy uy nghi phép tắc là Chúa Giêsu để trả lời những câu hỏi Ngài nêu ra.
Đến đây, nhiều người sẽ nôn nao tự hỏi: Thế thì Ngài giám khảo sẽ hỏi câu gì đây, làm sao biết trước để chuẩn bị trả lời?
Thông thường, trong mỗi cuộc thi, Ban giám khảo cố gắng giữ đề thi tuyệt mật và dùng đủ mọi biện pháp để không bị lộ đề. Nhưng Chúa Giêsu là một vị giám khảo đặc biệt có một không hai trên đời. Ngài là vị giám khảo rất tốt lành, Ngài muốn cho tất cả các thí sinh đều trúng tuyển nên Ngài để lộ đề thi cho tất cả thí sinh được biết.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Ngài sai thư ký của Ngài là Mátthêu viết ra những câu mà Ngài sẽ hỏi các thí sinh trong cuộc thi nầy và thông báo rộng rãi cho mọi thí sinh khắp nơi trên thế giới biết để chuẩn bị.
Bộ đề thi của Ngài rất đơn sơ ngắn gọn, chỉ có chừng ba câu hỏi thôi.
Chúng ta cùng theo dõi kịch bản ngắn gọn sau đây để biết nội dung ba câu hỏi đó.
Hôm ấy, hai thí sinh Mít và Xoài được lệnh ra trình diện Chúa Giêsu để thi tuyển vào thiên đàng.
Thiên thần xướng tên: Thí sinh Trần Văn Mít. Mít rất tự tin, hô lên: Có mặt, rồi đến trình diện Chúa Giêsu giám khảo.
Chúa hỏi câu thứ nhất:
Khi thấy người đói khát, thiếu thốn… con có giúp đỡ không? Mít cúi đầu xấu hổ và đáp: Thưa không.
Bấy giờ giám khảo Giêsu trở nên đăm chiêu trầm mặc. Ngài buồn bã lắc đầu.
Rồi Ngài hỏi câu 2: Con có bao giờ thăm viếng, chăm sóc người đau khổ, bệnh tật không? Mít cúi đầu thú nhận: Con không dám giấu Ngài, con chưa hề chăm sóc ai.
Bấy giờ Chúa Giêsu sa sầm nét mặt, thở dài thất vọng.
Rồi Chúa hỏi qua câu 3: Con có yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ những người trong gia đình và những người chung quanh không? Mít run run đáp: Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự, Chúa biết là con chưa hề yêu thương, giúp đỡ bất cứ ai.
Bấy giờ bỗng nhiên Chúa Giêsu đùng đùng nổi giận, Ngài xua tay đuổi Mít đi và quát: “’Hỡi quân bị nguyền rủa kia, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng.” (Mt 25, 41)
Thiên thần lại xướng tên: Mời thí sinh Nguyễn Văn Xoài. Xoài đáp: “Có mặt” rồi tiến đến trước vị giám khảo uy nghi.
Chúa hỏi câu thứ nhất.
Khi thấy người đói khát, thiếu thốn… con có giúp đỡ không? Xoài tự tin đáp: Thưa có. Chúa mỉm cười vui vẻ, gật gù đáp: Tốt, tốt lắm.
Câu 2: Con có thăm viếng, chăm sóc người đau khổ, bệnh tật không? Xoài mỉm cười, đáp: Thưa có. Lúc nầy, nét mặt Chúa trở nên tươi tắn hơn, nụ cười của Ngài rạng rỡ hơn, Ngài gật gù vui vẻ đáp lại: Tốt, tốt lắm, con ngoan của Ta.
Câu 3: Con có yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ những người trong gia đình và chung quanh không? Xoài vui mừng đáp: Thưa có.
Bấy giờ Chúa Giêsu đứng lên, rời khỏi ngai toà, bước xuống ôm choàng lấy Xoài và lớn tiếng chúc mừng:
“Nào hãy đến, con là người được Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho con từ khi tạo dựng vũ trụ” (Mt 25,34).
Rồi Ngài ra lệnh cho ca đoàn thiên thần đàn hát tưng bừng, rước Xoài vào chính điện, trình diện với Thiên Chúa Cha, Chúa Thánh Thần, với Mẹ Maria, thánh cả Giuse và toàn thể các thánh. Tất cả vui mừng hoan hỉ chào đón Xoài như một chiến sĩ thắng trận trở về.
Lạy Chúa Giêsu. Xin giúp chúng con nhận ra Chúa hiện diện nơi tha nhân và chân thành yêu thương giúp đỡ mọi người vì đó là làm cho chính Chúa. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
————————————
Phúc Vĩnh Hằng
CN XXXIV – TNA – (Mt 25, 31 – 46)
Vương quốc Tình Yêu phúc vĩnh hằng
Yêu thương đặc tính đạt vinh thăng.
Chiên hiền tùng phục đời nghiêm túc
Dê dữ bất tuân sống nhập nhằng
Đức ái quên mình không vị kỷ
Niềm tin dâng hiến chẳng kiêu căng
Ai thương kiếp sống người nghèo khổ
Đức Chúa thưởng ban công chính danh.
Hạt Nắng
——————————————
Ngài Đó Sao
CN XXXIV – TNA – (Mt 25, 31 – 46)
Bước ai đi giữa đời hiu quạnh,
bước chân buồn thầm lặng lệ rơi.
Đói nghèo cơm hẩm cầm hơi,
bóng đêm phủ xuống màn trời gió sương.
Bước ai đi vệ đường nắng đổ,
cơn khát lòng tứ cố vô thân.
Mong đời một chút nghĩa nhân,
chén cơm bát nước ấm lòng đơn côi.
Dáng ai xiêu đường đời khốn khổ,
cơn mưa chiều lệ đổ cơn đau.
Thân gầy héo hắt cỏ lau,
kiếp nghèo mơ ước nhiệm mầu thuốc tiên.
Nỗi cô đơn muộn phiền khắc khoải,
chốn lao tù ai đoái viếng thăm.
Lạnh lùng bốn bức tường câm,
mong người đồng cảm lặng thầm xót xa.
*
Khúc nhạc ngân tình ca đức ái,
Chúa dạy con quảng đại với người.
Chính Ngài hiện diện giữa đời,
yêu thương nhân thế gọi mời tình yêu.
Vua Tình Yêu vương triều ngự đến,
đưa chiên ngoan về bến mong chờ.
Vĩnh hằng một cõi trời mơ,
niềm vui hạnh phúc tình thơ ngút ngàn.
*
Đức Vua tái lập giang san,
một thế giới mới ngập tràn hương yêu.
Quốc Vương ngự trị huyền siêu …
Bâng Khuâng Chiều Tím
————————————–
Con Đâu Có Ngờ
CN XXXIV – TNA (Mt 25, 31 – 46)
Con đâu có ngờ, Chúa ơi! Con đâu có ngờ,
bước chân bơ vơ của người lữ khách,
khó nghèo đói rách hạt cơm ấm lòng,
của người long đong cơn khát cô liêu,
trong cơn mưa chiều là Chúa đó sao?
Con đâu có ngờ, Chúa ơi! Con đâu có ngờ,
tối tăm âm u lao tù lạnh lẽo,
xác thân tàn héo ốm đau liệt giường,
kiếp người tha hương bạc bẽo tình thâm,
đắng cay âm thầm là Chúa đó sao?
Chúa ơi! Con đâu có ngờ,
con đâu có ngờ, Chúa ơi!
Chúa Là Vua trên hết các vua,
Ngài là Chúa trên hết các chúa
Đức Vua Tình Yêu hóa thân tiêu điều
đi giữa dòng đời khao khát tình yêu!
Chúa ơi! Con đâu có ngờ,
con đâu có ngờ, Chúa ơi!
Chúa quyền uy tuyệt đối công minh
lấy tình yêu xét xử công bình
phân biệt chiên dê thực thi đức ái
trái tim quảng đại hưởng phúc trường sinh.
Con nay biết rồi, Chúa ơi! Con nay hiểu rồi,
sống trong tin yêu công bình, bác ái,
trổ sinh hoa trái hương thơm cuộc đời,
nụ cười xinh tươi thăm viếng tha nhân,
thiết tha ân cần tình Chúa khứng ban.
M. Madalena Hoa Ngâu
————————————-
Ngài Đó Sao
CN XXXIV – TNA – (Mt 25, 31 – 46)
Ngài đó sao, Chúa ơi! Nơi người nghèo khổ?
vị Vua Tình Yêu cao sang thống trị địa cầu.
Vương quốc nhiệm mầu không còn sầu đau, lệ đổ,
thế giới vĩnh hằng nồng nàn, rộn rã tim yêu.
Ngài đó sao, Chúa ơi! Nơi người túng thiếu?
hạt cơm cầm hơi bơ vơ chiếu đất màn trời.
Giam hãm cuộc đời lao tù tâm hồn lạnh giá,
mong chút lửa hồng nồng nàn sưởi ấm tim côi.
Ôi! Giêsu, Đức Vua Tình Yêu,
thương xót nhân trần hiền từ, nhân ái.
Ngài hóa thân nơi người phận bạc,
đi giữa cuộc đời tìm kiếm tình yêu.
Ôi! Cao quang Vương Quốc Tình Yêu,
cao quí vĩnh hằng ngập tràn hạnh phúc.
Ngài đến trong vinh quang rạng ngời,
yêu thương gọi mời những người bừng sáng tim yêu.
Ngài đó sao, Chúa ơi! Tình Ngài tỏa chiếu,
ngọt hương tình yêu, yêu tha nhân như chính thân mình.
Đi giữa cuộc đời, nụ cười trao người sầu khổ,
vun đắp tình người, Nước Trời hạnh phúc muôn nơi.
Nắng Sài Gòn
——————————————
Khải Hoàn Ca
CN XXXIV – TNA – (Mt 25, 31 – 46)
Giải thoát con người họa diệt vong,
Adam mới đã quyết một lòng.
Chiến thắng tội khiên cùng sự chết,
thủ lãnh họp đoàn chiên ước mong.
Xuất hiện uy quyền, ngai uy linh,
cơ binh thiên sứ phủ phục mình.
Hộ giá cận hầu ngày chung thẩm,
chiên, dê tách biệt xử công minh.
Đồng hóa phận mình với tha nhân,
bất hạnh, khổ đau, kẻ túng bần.
Hạ mình thấp kém, thân bé mọn,
yêu thương tiêu chuẩn để đo, cân.
Vương quốc của Ngài nặng chữ “Yêu”,
phục vụ tha nhân mến thương nhiều.
Hành vi cứu độ không trì hoãn,
dâng hiến đời mình, lễ toàn thiêu.
Mục Tử nhân lành, Vua Yêu Thương,
trọng thưởng cho chiên sống kiên cường.
Giới luật tình yêu hằng ấp ủ,
gieo rắc an bình khắp muôn phương.
Thẩm phán oai hùng rất cao sang,
vũ trụ đồng thanh khúc khải hoàn.
Chúc tụng ngàn trùng Vua Nhân Ái,
vương quyền hiển trị, ngai vinh quang.
AP. Mặc Trầm Cung