SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 873, CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – A, 05/11/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 23, 1-12)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”.

Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. “Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Quyền Bính Để Phục Vụ ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Đừng Để Ai gọi Mình Là ‘Rápbi’ Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Thầy Dạy Giả Hiệu Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Con Đường Vinh Dự Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Đường Công Chính Hạt Nắng Trg 8
Đường Nhân Chứng Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 9
Hy Lễ Đời Con M. Madalena Hoa Ngâu Trg 10
Gương Yêu Thương Nắng Sài Gòn Trg 11
Gương Yêu Thương A.P Mặc Trầm Cung Trg 12

——————————————

 

Quyền Bính Để Phục Vụ

Lời Chúa hôm nay thật mạnh mẽ, khiến ta bàng hoàng, chới với. Phải chăng Chúa muốn phá đổ tất cả những cơ chế trong xã hội và trong Giáo Hội? Phải chăng tất cả chúng ta đều sai lầm? Có lẽ không nên hiểu theo nghĩa đen của mặt chữ nhưng phải hiểu theo tinh thần. Qua chân lý: Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em, Chúa muốn dạy ta phải sống những quan hệ với xã hội theo một tinh thần mới gồm 3 khía cạnh sau đây.

1- Mọi người đều bình đẳng. Mọi người bình đẳng trong xã hội vì tất cả đều là người. Là người như nhau nên phải được kính trọng như nhau. Cũng thế, mọi người bình đẳng trước mặt Chúa. Vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Cùng là hình ảnh Thiên Chúa, nên mọi người phải kính trọng nhau. Mọi người đều là con của Cha trên trời và đều là anh em với nhau. Nên mọi người đều phải vâng phục Thiên Chúa và yêu thương anh em chung quanh mình.

2- Chức vị chỉ là một phân công. Một xã hội phải có tổ chức. Có tổ chức nên có nhiều công việc. Phân công để công việc chung được trôi chảy. Hơn nữa phải hiểu rằng mọi quyền lực đều đến từ Thiên Chúa. Làm cha mẹ là được thông phần vào quyền làm Cha của Thiên Chúa. Làm người lãnh đạo là được dự phần vào quyền cai trị của Thiên Chúa. Con người không tự mình chiếm đoạt được chức vị, nên phải khiêm nhường nhận biết ơn Chúa ban vì lợi ích của tập thể.

3- Chức vị là để phục vụ. Hãy nhìn vào một gia đình. Trong gia đình cha mẹ là quan trọng nhất, là người điều khiển gia đình. Nhưng chính cha mẹ lại phục vụ nhiều nhất. Cha lao động vất vả. Mẹ cực nhọc chăm sóc con thơ. Nhìn bề ngoài cha mẹ không khác người giúp việc. Nhưng cha mẹ điều hành gia đình trong khi phục vụ con cái thơ dại. Cha mẹ đã dùng quyền để yêu thương và phục vụ. Cũng thế, người có nhiệm vụ trong Giáo Hội và trong xã hội phải là người có lòng yêu mến anh em. Chu toàn nhiệm vụ với tình yêu thương sẽ giúp ta biết phục vụ bằng chức vụ của mình.

Không ở đâu ta có thể tìm gương mẫu cho những lời Chúa dạy hôm nay bằng tìm nơi chính Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể.

Bí tích Thánh Thể đưa ta về phòng Tiệc Ly, nơi Chúa ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ. Trong khi ăn, Chúa đứng dậy, cầm chậu nước đi rửa chân cho từng môn đệ. Rồi Chúa nói: “Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân nhau. Thầy đã làm gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em?” (Ga 13,12b-15). Quyền bính để phục vụ. Không còn minh họa nào sinh động hơn. Không còn giải nghĩa nào sáng tỏ hơn hình ảnh Chúa quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Không còn lệnh truyền nào thuyết phục hơn, vì chính Chúa đã làm gương trước.
Bí tích Thánh Thể cho ta thấy sự hiến thân phục vụ của Chúa Giêsu. Trở thành tấm bánh là để trở thành lương thực nuôi con người. Không trở thành một tượng đài uy nghi để mọi người cung kính. Không trở thành một trang sức quý giá để mọi người trân trọng. Nhưng trở thành tấm bánh để phục vụ con người. Trở thành lương thực là trở thành những gì gần gũi nhất. Trở thành lương thực là chấp nhận phục vụ sự sống: chịu nhỏ bé đi để người khác được lớn lên, chịu đau khổ cho người khác được hạnh phúc, chịu chết đi cho người khác được sống. Bí tích Thánh Thể là một mẫu gương về quyền bính phục vụ. Thiên Chúa phục vụ con người. Người Cha hy sinh cho hạnh phúc của con cái. Chúa tể vũ trụ hiến thân nuôi dưỡng loài thụ tạo.

Như thế, bí tích Thánh Thể thiết lập một mối quan hệ mới giữa con người. Quyền bính là để phục vụ. Nếu hiểu và thực hành Lời Chúa dạy hôm nay, ta sẽ biến đổi bộ mặt thế giới. Thế giới sẽ trở nên một gia đình ấm cúng chan chứa tình người. Xã hội sẽ tươi đẹp vì sống theo nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương.
Năm Thánh Thể đã kết thúc, nhưng mầu nhiệm Thánh Thể phải tiếp tục mãi mãi trong cuộc đời chúng ta. Sống mầu nhiệm Thánh Thể là biết quan tâm phục vụ anh chị em. Sống mầu nhiệm Thánh Thể là duy trì sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa xã hội, giữa cuộc đời chúng ta. Hiện diện đó là một tấm bánh bẻ ra cho một thế giới phát triển, một thế giới chan hòa yêu thương, một thế giới hạnh phúc thực sự.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết noi gương Chúa, phục vụ mọi người trong tình yêu thương.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Tại sao mọi người đều bình đẳng?
2- Chức vị chỉ là một phân công trong Giáo Hội, bạn hiểu điều này thế nào?
3- Quyền bính là để phục vụ. Bạn thấy điều này đã ứng dụng ở đâu?
4- Bạn phải làm gì để sống bí tích Thánh Thể theo tinh thần bài Tin Mừng hôm nay?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

——————————————–

 

Đừng Để Ai Gọi Mình Là ‘Rápbi’

Không biết các kinh sư và các người Pharisêu thời Đức Giêsu xấu tới cỡ nào mà Người phải dùng tới các lời lẽ nặng nề đến thế khi nói về họ. Thế nhưng có một điều chắc chắn là khi ghi nhận các lời này, tác giả Mátthêu không nhằm nêu lên tật xấu của một vài cá nhân nào đó để đòi hỏi họ phải tu sửa mình. Ông đang đề cấp tới một điều gì đó quan trọng hơn nhiều, có lẽ trực tiếp liên quan tới các tín hữu gốc Do Thái là những độc giả trực tiếp của cuốn sách ông viết: họ là những người cần phải chuyển dịch từ một thứ quyền bính dựa trên lề luật ‘Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa Môsê mà giảng dạy’, tới một thứ ‘quyền bính’ mới lạ chưa hề xuất đầu lộ diện của Tin Mừng.

Xã hội dầu là đạo hay đời, trong bất cứ thời đại nào và ở bất cứ đâu, thì cũng cần tới luật lệ và quyền bính. Định luật này dứt khoát không chấp nhận luật trừ, kể cả đối với dân riêng Do Thái thời Cựu Ước hay với Hội Thánh Đức Kitô thời Tân Ước. Mọi người đều phải chấp nhận và tuân phục luật lệ quyền bính vì trật tự xã hội và vì công ích. ‘Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ’. Điều Đức Giêsu muốn đề cập tới ở đây chính là: nếu đã có một thứ văn hóa đặt nền trên luật lệ và quyền bính với tất cả hệ lụy của nó, thì Tin Mừng cũng đề xuất một văn hóa song song rất mới lạ đặt nền trên tình thương và tha thứ, cùng với các biểu hiện hoàn toàn khác lạ. Thời Đức Giêsu văn hóa luật lệ điển hình nhất tìm thấy nơi các kinh sư và các người Pharisêu, còn văn hóa mới thì Người đang cố gắng đề ra cho các môn đệ như một điều còn quá mới mẻ cần được xây dựng.

Văn hóa luật lệ (rộng khắp chứ chẳng riêng gì kinh sư và Pharisêu) chủ yếu dựa trên áp đặt, ‘họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta’. Nó không hề quan tâm tạo nguồn nâng đỡ ủi an nào ‘nhưng chính họ thì không buồn động ngón tay vào’.Trong xã hội luật lệ và quyền bính, hình thức trong ăn mặc và lời ăn tiếng nói, cấp bậc và mọi thứ trật tự trên dưới đều rất được đề cao và trọng vọng, ‘họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài… ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráp-bi’. Trong một chừng mực nào đó, tất cả các điều trên tự nó không có gì đáng trách. Đó là một phần trong nếp văn hóa của hầu hết mọi xã hội loài người, trong đó có cả truyền thống văn hóa Việt Nam chúng ta, ‘chiếu trên chiếu dưới, một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp’. Ngay trong Giáo Hội Công Giáo chúng ta cũng đầy dẫy các hình thức tôn ti trật tự đó, và điều này không có gì là sai trái.

Nếu Đức Giêsu, hơn bất cứ diễn giả nào khác, có nặng lời với nếp văn hóa này thì không phải vì nền văn hóa ấy xấu xa, mà là vì Người muốn thúc ép các môn đệ tiếp thu nền một văn hóa mới mẻ hơn rất nhiều, phát sinh từ chính mạc khải Tin Mừng tình thương của Người. Trong văn hóa mới này, mà chỉ các môn đệ chân chính của Đức Giêsu mới xây dựng nổi, sẽ không còn chỗ cho trật tự trên dưới, ‘phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘rap-bi’ nghĩa là thầy… cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em… cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo…’ Lý do duy nhất là khi đứng trước tình yêu thương xót và tha thứ của Thiên Chúa, tất cả mọi người mới thật sự là bình đẳng, ‘tất cả anh em đều là anh em với nhau’. Trong xã hội của văn hóa tình thương này, sẽ không còn chỗ để áp đặt các luật lệ nặng nề khắt khe, nhưng sẽ chan hòa phục vụ nâng đỡ lẫn nhau, không còn cố ngoi lên thống trị ‘tôn mình lên’, nhưng chỉ cúi xuống phục dịch ‘hạ mình xuống’. Nếu các kinh sư và Pharisêu là điển hình của xã hội luật lệ Cựu Ước, thì Đức Giêsu mong muốn biết bao các môn đệ Người hãy là hiện thân của xã hội tình thương Tin Mừng.

Liệu mơ ước của Đức Giêsu có thể trở thành hiện thực hay mãi mãi vẫn chỉ là một mộng tưởng (utopia)? Bao giờ thì cái xã hội bình đẳng của Người mới được hình thành, hay mãi mãi nó vẫn chỉ là một thứ bánh vẽ như nhiều học thuyết ‘vô sản, vô giai cấp’ sau này đã thi nhau hô hào và hứa hẹn? Các môn đệ chân chính trong Hội Thánh của Đức Kitô, đặc biệt những ai được tham gia vào tầng lớp lãnh đạo như các linh mục chúng ta, đều phải nắm rõ; chỉ khi nào quyết tâm xây dựng một Giáo Hội của tình thương chứ không phải của luật lệ, thì nền tân văn hóa của Tin Mừng này mới có cơ may được thiết lập trên trần gian này. Thế nhưng cám dỗ lớn nhất của uy quyền luật lệ vẫn còn đó, vẫn luôn rình rập cả trong lẫn ngoài Hội Thánh của Đức Kitô qua các thời đại.

Lạy Chúa, thú thực mỗi khi đọc đoạn Tin Mừng này, trong tư cách là một linh mục được nhiều người gọi là cha, thầy, người lãnh đạo, con thấy nhột vô cùng. Nhưng chính lúc này con lại xin Chúa, không những kéo dài cơn nhột nhạt này nơi con, mà còn làm cho nó lan rộng tới nhiều vị lãnh đạo khác nữa trong Hội Thánh Chúa Kitô. Xin cho Giáo Hội Chúa trên trần gian, chính lúc nắm trong tay bao quyền lực vô hình, biết thể hiện được nơi mình và nơi các cấp lãnh đạo của mình nền văn hóa của yêu thương và phục vụ như ý Chúa muốn. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

————————————

 

Thầy Dạy Giả Hiệu

Chuyện kể rằng, ngày xưa, nữ hoàng Saba nghe biết sự khôn ngoan của Salomon. Nữ hoàng đã xin yết kiến vua để thử về sự khôn ngoan của vua. Bà mang theo hai bó hoa. Một bó hoa thật và một bó hoa giả nhưng rất giống nhau. Salomon lặng lẽ đặt hai bó hoa lên bàn và đi mở những cánh cửa. Nữ hoàng Saba đầy kinh ngạc, khiếp sợ… vì ngay lúc ấy, không biết từ đâu, ong bướm sà xuống ngay trên những bông hoa thật vì những bông hoa giả có sắc mà không có hương, có hình hài mà không có sự sống.

Cuộc sống của kẻ giả hình cũng giống như hoa giả. Họ thường bị bạn bè xa lánh. Bởi họ luôn đội trên đạp dưới mưu cầu tiến thân. Họ nói thì hay nhưng không thấy việc họ làm. Cuộc sống của họ không toả hương của yêu thương, của chia sẻ và tình liên đới.

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giúp chúng ta nhận ra nét riêng biệt của những thầy dạy giả hiệu ấy qua cách biểu hiện bên ngoài là:
– Giả hình: vì họ nói mà không làm.
– Thích thống trị: Vì họ bó những gánh nặng lên vai người khác, còn chính họ thì không buồn động ngón tay vào.
– Thích khoe khoang: Vì họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.
– Thích hám danh: Vì họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi nơi cộng cộng, được thiên hạ gọi là Rápbi.

Ngày nay tuy chúng ta không còn thấy những Thầy Biệt Phái và Pharisêu, nhưng lối sống của Pharisêu dường như vẫn đang thể hiện trong cách sống của nhiều người trong chúng ta. Nhìn vào xã hội, nhìn vào đời sống thực tế, chúng ta thấy: sự giả hình, giả dối đã thành ra như thông lệ, từ lãnh vực tình yêu đến lãnh vực văn hóa, kinh tế, tôn giáo, chính trị, người ta vẫn thường dùng cái bên ngoài mà lừa nhau.

Có lẽ chúng ta không còn lạ gì với câu: “ăn trên nỗi đau và có khi cả trên xác chết của đồng loại” nơi những người có địa vị và có tiếng nói trong xã hội. Họ là người mà dân gian bảo rằng: “Bề ngoài thơn thớt nói cười. Mà trong nham hiểm giết người không gươm”. Sự giả dối là nguyên nhân dẫn họ đến những việc làm hại đời, hại người, nhưng đáng tiếc chỉ vĩ cái “sĩ diện” khiến họ cứ sống trong giả dối và hại người. Và lòng họ đã trở nên chai đá nên không sám hối ăn năn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy lột bỏ cái vỏ ngoài kiêu hãnh để khiêm tốn sống chân thành với chính mình, với người khác, với Thiên Chúa. Hãy để những lời nói, việc làm của mình luôn thể hiện niềm tin yêu Chúa cách chân thành và yêu thương tha nhân như chính mình. Xin đừng mang lối sống Phariseu chỉ thích chỉ trích, phê phán, dạy đời nhưng bản thân lại hoen ố đầy thói hư tật xấu.

Xin Chúa giúp chúng ta biết khiêm tốn để nhìn nhận cái sai để sửa và biết trông cậy vào ơn Chúa để canh tân đời sống cho phù hợp với tin mừng. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

———————————-

 

Con Đường Vinh Dự
Người đời thích tôn mình lên, muốn nâng cao giá trị của mình. Vì thế, người ta tìm mọi cách để đạt tới mục tiêu nầy.

Những phương thức sai lầm
Những luật sĩ và biệt phái thời Chúa Giêsu muốn nâng cao giá trị bản thân bằng cách làm những việc đạo đức bề ngoài, cốt để cho người ta thấy; họ “đeo những hộp kinh lớn hơn người khác trên trán, mang những tua áo dài hơn mọi người chung quanh, ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm những hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và mong được thiên hạ gọi là thầy” (Mt 23, 5-7).

Ngay cả các môn đệ Chúa Giêsu cũng đôi lần tranh luận để xác định giữa các ông, ai là người lớn nhất (Mc 9,33-37. Lc 9,46-47).
Thế rồi một hôm nọ, tưởng rằng mai đây Chúa Giêsu sẽ được lên ngôi cao, hai anh em Gioan và Giacôbê nài xin Chúa Giêsu cho mình được ngồi bên hữu và bên tả ngai vinh hiển của Ngài trong tương lai, khiến các môn đệ khác tỏ ra bất bình, khó chịu… (Mc 10, 35-41).

Trong xã hội hôm nay cũng thế, ai cũng muốn được trọng vọng, được tôn vinh… bằng cách nầy hay cách khác. Phương thức thực sự mang lại giá trị cho đời người
Qua Công Đồng Vaticano II, Giáo Hội nhận định rằng: “Giá trị con người không tuỳ thuộc những gì ta có, mà tuỳ thuộc phẩm chất của mỗi người.”

Biệt thự nguy nga hoành tráng, vàng bạc châu báu đầy dư hay địa vị lớn lao của ta… không thể làm cho ta nên cao cả, đáng trọng hơn những người khác; nhưng chỉ có phẩm chất cao đẹp và lòng đạo đức của mỗi người mới có thể làm cho người đó có giá trị hơn người khác mà thôi.
Về vấn đề nầy, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ và cho chúng ta biết phương thế đích thực để làm cho mình nên cao trọng. Đó là khiêm tốn phục vụ người khác. Ngài nói: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11).
Lời Chúa dạy nghe ra có vẻ ngược đời, rất khó chấp nhận, nhưng đó là chân lý! Cuộc đời mẹ Têrêxa Calcutta minh chứng lời dạy nầy là xác đáng. Mẹ đã hiến đời mình làm tôi tớ hèn mọn phục vụ những con người cùng khổ nhất trên thế gian, nên mẹ trở thành người phụ nữ được trọng vọng và yêu mến nhất thế giới.
Năm 1996, Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ phong tặng mẹ danh hiệu “công dân danh dự” của nước nầy. Mẹ là nhân vật thứ tư trên thế giới được ban tặng danh hiệu vinh dự nầy.

Ngày 10 tháng 2 năm 1979, mẹ được nhận giải Nobel Hòa bình vì sự nghiệp dấn thân phục vụ những người cùng khốn.
Ngày 5-9-1997, mẹ Têrêxa qua đời tại Calcutta. Chính phủ Ấn Độ tổ chức an táng trọng thể mẹ Têrêxa theo nghi thức quốc táng, một vinh dự từ trước tới nay chỉ dành cho các lãnh tụ hàng đầu của đất nước, có nhiều công trạng với quốc gia.
Vào dịp nầy, nhiều vị nguyên thủ quốc gia, các vị lãnh đạo tôn giáo cũng như các phương tiện truyền thông trên thế giới đã không tiếc lời ca tụng mẹ, vì tấm lòng yêu thương và nhiệt tình phục vụ của mẹ dành cho những người cùng khổ khắp nơi.

Và ngày 4 tháng 9 năm 2016, mẹ được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh để được các tín hữu kính nhớ muôn đời.
Như thế, cuộc đời và sự nghiệp của Mẹ Têrêxa Calcutta minh chứng lời Chúa Giêsu dạy rằng “ai hạ mình xuống phục vụ sẽ được tôn lên” là xác đáng.

Lạy Chúa Giêsu. Xin giúp chúng con sống yêu thương phục vụ mọi người, đặc biệt là những người bất hạnh chung quanh như Lời Chúa dạy; nhờ đó, chúng con trở nên người có phẩm chất cao đẹp và sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

—————————————

 

Đường Công Chính
CN XXXI TNA – (Mt 23, 1 – 12)

Phục vụ mọi người trong mến thương

Tình yêu của Chúa đã soi đường

Con tim trong sáng không danh tiếng

Tâm trí hẹp hòi thích tán dương

Tua áo may dài ưa chúc tụng

Thẻ kinh nới rộng chuộng phô trương

Khiêm nhường, tự hạ đường công chính

Ân sủng đất trời ngập bốn phương.

Hạt Nắng

———————————-

 

Đường Nhân Chứng
CN XXXI TNA – (Mt 23, 1 – 12)

Đường thánh thiện, Chúa mời con bước,
sống quên mình, từ khước hư danh.
Khiêm nhu phục vụ trung thành,
không tìm tư lợi, vinh danh cho mình.

Giữa sóng gió, hành trình nhân chứng,
đã bao lần điêu đứng tâm can.
Thích ngồi chỗ nhất, cao sang,
thích lời ca tụng, giữa đàng xưng danh.

Phình bản ngã, chòng chành bổn phận,
phô tài năng, gánh nặng cho người.
Giả hình, trong héo ngoài tươi,
hành vi vị kỷ giả lời yêu thương.

Lời giáo huấn soi đường chân lý,
Chúa truyền ban, dũng khí nêu gương.
Phục vụ trong chốn tình trường,
quên mình, tự hủy là đường yêu thương.

Kẻ tự tôn, phô trương, tự đắc,
bị hạ uy, đánh mất chính mình.
Những ai khiêm hạ chân tình,
ân sủng tuôn đổ, tôn vinh Chúa Trời.

Khiêm nhu theo bước Ngôi Lời …

Bâng Khuâng Chiều Tím

——————————————

 

Hy Lễ Đời Con
CN XXXI – TNA – (Mt 23, 1 – 12)

Hy lễ cuộc đời con, giữa dòng đời nhân thế,
trong ơn gọi tư tế, sống phục vụ trọn yêu thương.
Dẫu đắng cay đoạn trường, hy sinh, tình tự hủy,
con đường gieo chân lý, khiêm tốn, hồn đơn sơ,
hiến lễ dâng bàn thờ, một khối tình luôn trong sáng.

Trong gió bụi trần gian, đắm chìm trong giông bão,
con may dài tua áo, kiếm lợi lộc, tìm hư danh.
Lạc thú, say quyền hành, đôi vai người nặng gánh,
mặc tình đời đen trắng, con nới dài lời kinh,
tự đắc tôn vinh mình, đánh mất tình Chúa yêu thương.

Lời Chúa dạy con, Tình yêu sống can trường,
là ánh sáng soi đường, khi con đã mất hướng.
Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống,
không xứng làm nhân chứng, gieo rắc tình yêu thương.
Ai sống khiêm nhu, phục vụ lòng chân thành
Chúa sẽ đồng hành trên bước đường làm chứng nhân.

Trong bữa chiều Tiệc Ly, khiêm nhu Ngài cúi xuống,
nêu gương mọi tình huống, sống phục vụ trọn yêu thương.
Dẫu đắng cay đoạn trường, Can-vê, tình hiến tế,
hiến mình cho nhân thế, hy lễ trọn tim yêu,
Máu Chiên hòa nắng chiều, thắm thiết tình Chúa huyền siêu.

M. Madalena Hoa Ngâu

—————————————-

 

Gương Yêu Thương
CN XXXI TNA – (Mt 23, 1 – 12)

Dong duổi đường xa, con mê đắm trần gian,
may dài tua áo, khoe lời kinh vang rộn ràng.
Danh vọng trèo cao, mong kẻ hầu, người nâng,
hư danh trần thế, xao xuyến tìm trong thế nhân.

Gió bụi đường xa, con mê đắm phù hoa,
danh vọng trần thế, ham danh xưng giữa cộng đoàn.
Nới rộng thẻ kinh, không thấu hiểu lời kinh,
vinh hoa trần thế, chất gánh nặng cho nhân sinh.

Chúa ơi! Luật lệ Chúa truyền,
con cố tình lãng quên.
Bàng hoàng hôm nay, nghe lời Ngài cảnh tỉnh,
hư danh kẻ giả hình, chỉ tìm vinh danh mình.
Yêu thương, lời vàng Ngài dạy bảo,
tự tôn là hư ảo, tự tôn là chôn mình,
tự hạ là hy sinh theo gương Thầy Chí Thánh.
Đường tiến bước trọn lành,
phục vụ phải khiêm nhường,
phục vụ là yêu thương.

Dong duổi đường xa, theo gương Chúa tình yêu,
khiêm nhường cúi xuống, dâng lời kinh lễ ban chiều.
Chúa rửa chân con, con rửa lại anh em,
hoa thơm hạnh phúc, trong nắng chiều ngát hương yêu.

Nắng Sài Gòn

—————————————

 

Gương Khiêm Nhu
CN XXXI TN.A – (Mt 23, 1 – 12)

Ham quyền thế, danh thơm tiếng tốt,
giữa cuộc đời đội lốt, vinh thân.
Hư danh, giả tạo âm thầm,
tự kiêu, tự mãn ngấm ngầm tự tôn.

Chúa cảnh cáo, tâm hồn hư nát,
sống giả hình như các Kinh sư.
Cầu kỳ giá trị thực, hư,
tâm hồn rỗng tuếch, nhân từ mép môi.

Thích khoe khoang, tiếng đời khen ngợi,
vẻ bề ngoài, hám lợi, lố lăng
Hão huyền, dại dột, kiêu căng,
trò cười thiên hạ, lăng xăng, rởm đời.

Theo gương Chúa từ trời khiêm hạ,
từ trời cao, từ giã vinh quang.
Không đòi địa vị ngang hàng,
Ngôi Lời mặc lấy xác phàm hiến thân.

Gương yêu thương, nhận phần tôi tớ
sống quên mình, nâng đỡ tha nhân.
Quan tâm đến kẻ cơ bần,
vinh danh Thiên Chúa giáng trần vì yêu.

Khiêm nhu, hy lễ ban chiều …

AP. Mặc Trầm Cung