“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 22, 1-10)
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc. Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Mặc Áo Cưới ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Không Mặc Y Phục Lễ Cưới Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Cần Có Chiếc Áo Văn Hoá Khi Ra Xã Hội Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Mặc Lấy Chúa Kitô Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Dự Tiệc Hạt Nắng Trg 9
Áo Cưới Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Tình Cha M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Áo Trắng Vào Đời Nắng Sài Gòn Trg 12
Áo Cưới Đời Con A.P Mặc Trầm Cung Trg 13
—————————————
Mặc Áo Cưới
Với tình thương yêu, Thiên Chúa dọn tiệc mời. Đọc dụ ngôn tiệc cưới, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tình yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời con người đến dự tiệc cưới Con của Người. Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương con người.
Đó là một tình yêu nhưng không.
Thiên Chúa là vị vua cao sang. Ta chỉ là đám tiện dân hèn hạ. Sao Chúa lại mời ta. Theo lẽ thường ở đời người ta chỉ mời những người ngang vai bằng vế. Một bữa tiệc thường có mục đích củng cố uy tín của chủ nhân và ràng buộc khách mời vị vọng để khi hữu sự cần nhờ. Vua Trời mời tiện dân hèn hạ thì có lợi gì. Không những hèn hạ mà còn đui, què, mẻ, sứt nữa. Ta là những hạng rác rưởi của xã hội, chẳng có gì đền đáp cho chủ nhân. Chẳng đem lại một chút vinh dự nào cho chủ nhân. Thế mà Người vẫn mời ta. Rõ ràng là do tình thương của Người. Đó là tình yêu nhưng không. Người không mong ta có gì đền đáp. Người mời ta chỉ vì yêu thương ta mà thôi.
Đó là tình yêu chia sẻ.
Thiên Chúa tràn đầy vinh quang không còn thiếu thốn gì. Tại sao Người còn mời những con người hèn hạ vào Nước Trời làm gì cho thêm bận. Thưa vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Người vô biên nên Người khao khát chia sẻ. Người vô cùng tốt lành nên Người muốn thông ban hạnh phúc cho loài người. Tình yêu mãnh liệt khiến người nảy sinh những sáng kiến kỳ diệu. Cho Con Một mặc lấy bản tính loài người để nâng loài người lên. Mời gọi loài người vào hưởng hạnh phúc với Người. Nâng loài người hèn hạ lên bậc thượng khách trong tiệc cưới. Nâng loài người tôi tớ lên hàng con cái trong Nước Trời. Đưa nhân loại bơ vơ đầu đường xó chợ vào ngồi đồng bàn với hàng thần thánh trên trời.
Chẳng có gì có thể giải thích được thái độ của Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu. Đó là một tình yêu vô cùng mãnh liệt và hoàn toàn vô vị lợi. Tình yêu muốn chia sẻ hết những gì mình có. Tình yêu hoàn toàn vì người mình yêu. Mong muốn mọi sự tốt đẹp cho người mình yêu.
Tôi phải mặc áo cưới tới dự.
Tình yêu Thiên Chúa tha thiết nhưng vẫn tôn trọng tự do. Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, tôi có thể nhận lời hoặc chối từ. Khi dọn tiệc, Chúa mong tôi tới dự. Khi mở rộng cửa trời, Chúa mong tôi bước vào. Khi mời gọi, Chúa mong tôi trả lời. Khi bày tỏ tình yêu, Chúa mong tôi đền đáp. Tuy nhiên, nhận lời đền đáp đòi phải có điều kiện. Đến dự tiệc cưới phải mặc áo cưới.
– Mặc áo cưới là mặc lấy nhân phẩm. Được mời vào dự tiệc cưới Con Vua, tôi không còn là phường rác rưởi của xã hội nữa. Tôi đã được Chúa trân trọng. Nâng lên hàng thượng khách, là khách mời của Vua. Mặc áo cưới ở đây là tự trọng, cư xử như người tự do. Chúa đã phục hồi nhân phẩm cho tôi, tôi phải trân trọng giữ gìn.
– Mặc áo cưới là mặc lấy tình yêu. Vì yêu thương Chúa đã mời tôi vào chung hưởng hạnh phúc với Người trong tiệc cưới. Đáp lại, tôi phải có tình yêu mến đối với Người. Tình yêu đáp đền tình yêu. Mặc áo cưới là trân trọng tình yêu của Chúa, là muốn đáp lại tình yêu của Chúa.
– Mặc áo cưới là mặc lấy Chúa Kitô (Gl 3,27). Được ơn cứu độ, ta trở thành em Chúa Kitô, vì thế ta phải noi gương Người mặc lấy tâm tình người con được Cha yêu thương và biết lấy tâm tình hiếu thảo đáp lại tình Cha. Mặc lấy Chúa Kitô cũng là mặc lấy con người mới là hình ảnh của Thiên Chúa công chính và thánh thiện (Ep 4,24).
Thiên Chúa yêu thương mời gọi ta vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Đáp lại, ta phải đổi mới đời sống cho phù hợp với Nước Chúa, với tình yêu của Chúa và với địa vị mới của ta.
Lạy Chúa, xin cho con biết mạnh dạn đáp lại lời Chúa mời gọi.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Hằng ngày Chúa vẫn mời gọi tôi đến dự tiệc Thánh Thể, tôi có mau mắn đáp lời hay tôi thường từ chối?
2. Mặc áo cưới là theo Chúa quyết liệt, không nửa vời tôi theo đạo nhưng tôi có thực hành Lời Chúa không?
3. Bạn phải làm những gì để được coi là “mặc áo cưới”?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
——————————————-
Không Mặc Y Phục Lễ Cưới
Vẫn với nhóm thính giả chủ yếu là các thượng tế và kỳ mục trong dân, Đức Giêsu kể câu chuyện dụ ngôn thứ ba ‘tiệc cưới’, sau hai dụ ngôn ‘sai hai người con đi làm vườn nho’ và ‘bọn tá điền sát nhân’, với cùng một tư tưởng xuyên suốt: phế bỏ nhóm này để thiết lập nhóm khác. Ở dụ ngôn ‘tiệc cưới’ này, ‘ông vua kia’ gạt bỏ những khách được mời để mở rộng bàn tiệc đón các kẻ đầu đường xó chợ. Nếu Phúc âm Matthêu được viết cho các độc giả là tín hữu gốc Do Thái thì nhấn mạnh về đề tài này như thế là điều không những thích hợp mà còn cần thiết nữa; dân riêng của Đức Chúa cần phải hiểu rõ: tại sao Tin Mừng không còn dành riêng cho họ nữa, nhưng đã rộng mở cho một dân mới là Hội Thánh gồm hết thảy mọi dân nước.
Đối với tôi là một phần tử bên trong Hội Thánh, thì dụ ngôn này xem ra có phần quan trọng hơn hẳn hai dụ ngôn trước, vì nó dành cả phần sau để nói sâu hơn về thành phần thứ hai này: các vị khách không mời mà được dự. Điều tôi cần đào sâu là: biết rõ họ là ai, và các ứng sử của họ phải như thế nào sau khi được mời?
– Họ là ai?
Dụ ngôn hầu như muốn chỉ cho thấy rõ: tự bản thân, họ chẳng là gì hết! ‘Vậy các ngươi hãy đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới… bất luận tốt xấu’. Điều lạ lùng hơn cả là hình như dụ ngôn này còn nhấn mạnh, lý do bàn tiệc phải đầy khách dự hoàn toàn không do yêu cầu hay lựa chọn của khách cho bằng, đó là mệnh lệnh của chính ông vua. Bàn tiệc không còn dành riêng cho một đối tượng nào, nhưng bất cứ ai cũng có thể vào dự. Luca, trong trình thuật của mình, xem ra còn nhấn mạnh điều này cách sắc nét hơn nữa: ‘…Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật và đui mù, què quặt vào đây… Đầy tớ nói: Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ… Ông chủ bảo đầy tớ: Ra các đường làng đường xóm, ép người ta vào cho đầy nhà cho ta’ (Lc 14:21-24). Thật kỳ lạ, vẫn tưởng rằng Tiệc cưới Nước Trởi chỉ dành cho những con người xứng đáng, và cần phải phấn đấu gian khổ lắm mới được vào dự! Ở đây trái ngược hẳn, tham dự là hoàn toàn do ước muốn của Vua, thậm chí Ngài còn nài ép. Khách Tin Mừng được vào dự tiệc đâu bởi vì họ đã có những nỗ lực cố gắng vượt bực, đã chuẩn bị sẵn sàng…, càng không phải vì họ có vai vế trọng vọng hay thế giá, đơn giản chỉ vì họ đáp lại ý muốn của Đức Vua nhân ái: bàn tiệc cưới của Hoàng Tử phải đông vui, vì nó đã được dọn ra cho mọi người tham dự.
– Và họ phải ứng sử ra sao?
Sau khi đã chấp nhận lời mời vào dự tiệc cưới để cho bàn tiệc được đông vui theo ước muốn của vua, các khách dự tiệc trong dụ ngôn chỉ cần làm một công việc quá dễ dàng và đơn giản: họ lãnh lấy y phục lễ cưới và mặc vào để thể hiện sự hiệp thông chấp nhận. Thật thế sao? Y phục cưới họ đâu buộc phải tự sắm cho mình, thậm chí họ không cần phải tự mang tới… vì theo tục lệ thời đó, người ta phát cho tất cả các thực khách y phục mà họ sẽ mặc trong bữa tiệc; chính vì thế mà kẻ không mặc sẽ chẳng có cách nào chống chế ‘Người ấy câm miệng không nói được gì’. Anh chẳng mất công sức gì để vào dự tiệc cưới, điều duy nhất gia chủ chờ đợi nơi anh là: nếu anh muốn hòa mình vào niềm vui của chủ, anh hãy nhận lấy áo cưới gia nhân trao cho và mặc nó vào… Theo xác định của sách Khải Huyền; y phục cưới trắng toát đó, anh cũng chẳng cần cất công may dệt hay gìn giữ… nó có thể đã bị nhàu nát và bụi bẩn bám đầy… nhưng nó vẫn xứng đáng mặc trong lễ cưới Nước Trời, vì đã được ‘giặt sạch và tẩy trắng… trong máu Con Chiên’. “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy?- Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên… Vì Con Chiên đang ngự giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ” (Kh 7:13-17).
Thật không thể hiểu nổi: tham dự bàn tiệc cưới Nước Trời lại dễ dàng như thế! Nhờ mạc khải Kinh Thánh, nhất là qua xác định của chính Đức Kitô Giêsu, chúng ta mới được biết ước nguyện tha thiết nhất của Thiên Chúa chính là: bàn tiệc tình yêu nhân hậu của Người phải được thật nhiều người tham dự, kể cả những con người thấp hèn và tội lỗi nhất (Ga 6:37-40); điều kiện Người đòi những ai tham dự là không nhiều, mà cũng chẳng khó: chỉ cần họ nhận biết lòng nhân hậu của Người và sẵn lòng đón lấy tình xót thương cứu độ đó. Thì ra con đường cứu rỗi mà Đức Kitô mở ra thật quá đỗi đơn giản, đơn giản hơn mọi điều chúng ta từng tưởng tượng rất nhiều (chỉ cần nghe kinh giáo dân đọc sáng Chúa Nhật!). Chớ gì chính tôi cũng hiểu rõ và thâm tín được điều này, để rồi trong tư cách linh mục của Đức Kitô, tôi có thể làm cho thật nhiều người cùng nhận thức được: cứu rỗi chỉ đòi một điều kiện duy nhất là, hãy đón nhận lòng xót thương Thiên Chúa ban tặng trong Đức Kitô Giêsu.
Phải chăng đây mới đích thị là Tin Mừng, một thứ Tin Mừng mà hết mọi người trên trần gian này đều muốn đón nghe!
Lạy Vua của bàn tiệc Nước Trời, thật đau xót cho Vua khi tiệc cưới vui của hoàng tử lại trống trơn vì các khách đã được mời đều kiếu từ, hoặc bị ngăn cản không cho tới! Xin cho con được cùng Vua đau xót nhìn thấy bàn tiệc còn trống vắng, để rồi cùng Vua tham gia vào việc nài ép thật nhiều người ngồi vào dự tiệc. Công việc rao giảng Tin Mừng và mục vụ của con sẽ không nhằm mục đích nào khác hơn là làm cho thật nhiều người đón nhận lòng nhân hậu của Vua để tham gia đông đủ vào bàn tiệc Nước Trời. Và con cũng xin cho các phẩm trật trong Hội Thánh, tức là các gia nhân của Vua, thành công trong việc nài ép người ta vào cho đầy Nhà Cha nhân ái. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
—————————————-
Cần Có Chiếc Áo Văn Hoá Khi Ra Xã Hội
Ngày nay với kinh tế phát triển thì dường như sự giao lưu làm ăn hay du lịch giữa các quốc gia đã dễ dàng qua lại với nhau. Người Việt Nam cũng đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Sự tài khéo và thông minh của người Việt cũng được ghi nhận tích cực nơi người Việt sinh sống. Tuy nhiên, vẫn còn đó những cá biệt đã làm hoen ố hình ảnh người Việt khi họ có tiền đi du lịch nhưng lại thể hiện văn hoá quá thấp khi khạc nhổ , ồn ào nơi công cộng, vất rác bừa bãi và cả ăn cắp vặt…
Thật buồn cho họ khi đi ra với thế giới văn minh nhưng họ lại không trang bị cho mình chiếc áo văn hoá phù hợp nên ở đâu đó ta vẫn thấy những cái bảng thông báo song ngữ từ Việt – Trung, Thái – Việt đến Anh – Việt,… nhắc nhở người Việt “Xin đừng ăn cắp”, “ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, ăn thừa sẽ bị phạt”, thậm chí vô nhà vệ sinh cũng có dòng chữ Việt “nhớ xả nước”…
Mỗi lúc như thế, tôi thường thở dài ngán ngẩm rồi bỏ đi, hơi chạnh lòng nhưng có lẽ vẫn còn chút gì đấy để tự hào giống nòi của mình. Chắc chỉ là “một con sâu làm rầu nồi canh thôi”.
Chúa Giêsu ví Nước Thiên Chúa như là ngày đại tiệc có đủ mọi thành phần tham dự. Đó là bữa tiệc cánh chung. Đó là bữa tiệc Thiên Chúa thiết đãi cho tất cả những ai đón nhận lời mời của Ngài. Thiên Chúa mời gọi không phân biệt chủng tộc, màu da. Ngài hân hoan chào đón mọi thành phần vào tham dự bữa tiệc. Tuy nhiên, để được dự tiệc Ngài cũng đòi hỏi mỗi người phải có chiếcáo phù hợp. Chiếc áo thể hiện lòng kính trọng với chủ tiệc. Chiếc áo dự tiệc Nước Trời là chiếc áo của ân sủng. Chiếc áo tinh tuyền của ngày rửa tội, và chiếc áo ấy phải được thường xuyên tẩy rửa trong ân sủng của đại dương lòng thương xót Chúa mỗi khi ta làm bẩn vì phạm tội, vì yếu đuối lỗi lầm. Và như thế, chỉ những ai khoác trên mình chiếc áo ân sủng ấy mới xứng đáng hoà cùng chư thánh thiên thần tham dự tiệc cánh chung trong nhà Cha trên trời.
Nhưng đáng tiếc, có nhiều người đã không quan tâm tới chiếc áo để tham dự tiệc cánh chung. Có người đã để chiếc áo nhàu nát, rách rưới vì đắm chìm trong đam mê tội lỗi. Có người đã bỏ lại chiếc áo ân sủng mà khoác trên mình chiếc áo của danh lợi thú trần gian. Họ đã thiếu y phục cần có khi dự tiệc Nước Trời.
Bữa tiệc Nước Trời hôm nay còn là bàn tiệc Thánh Thể mà Chúa mời gọi chúng ta hãy đến tham dự. Chính Chúa thiết đãi chúng ta của ăn không bao giờ hư nát chính là bánh trường sinh, vì Ngài đã nói: “Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời”. Tham dự bữa tiệc Thánh Thể cũng đòi hỏi chúng ta phải có y phục phù hợp không chỉ là quần áo bên ngoài mà còn là tâm hồn thanh sạch lòng ngay. Biết ưa chuộng hoà bình, sống hoà giải và yêu thương. Đừng đến nhà thờ mà lòng chưa làm hoà với anh em.
Ước gì chúng ta luôn biết ưu tiên dành thời giờ cho việc tham dự thánh lễ để được rước Thánh Thể Chúa là bánh thánh trường sinh. Ước gì chúng ta luôn biết chuẩn bị lòng mình cho xứng đáng tham dự bàn tiệc Thánh Thể hôm nay, để nhờ ơn hiện sủng qua bí tích Thánh Thể giúp ta gìn giữ chiếc áo ân sủng hầu xứng đáng tham dự bữa tiệc cánh chung đời đời. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
——————————————
Mặc Lấy Chúa Kitô
Để dạy chúng ta sống xứng đáng là Kitô hữu, Chúa Giêsu kể dụ ngôn sau đây: Một vua nọ mở tiệc cưới cho hoàng tử. Ông đã mời nhiều khách đến dự tiệc, nhưng họ khước từ không đến vì đủ mọi lý do.
Thế rồi vua sai tôi tớ đi khắp các ngã đường, gặp bất kỳ ai, bất luận tốt xấu, đều mời vào dự tiệc và thế là phòng cưới chật ních khách mời.
Sau đó, vua rảo qua một vòng quan sát khách dự tiệc, chợt thấy có người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền sai tôi tớ bắt trói y lại, tống khứ ra ngoài, vào nơi khóc lóc đau thương…
Vị vua nầy tượng trưng cho Thiên Chúa. Phòng tiệc cưới tượng trưng cho Hội Thánh. Mọi người đều là khách quý được Thiên Chúa mời dự tiệc cưới, nghĩa là gia nhập vào Hội thánh của Ngài.
Nhờ ơn Chúa, chúng ta được diễm phúc gia nhập vào Gia Đình cao quý thánh thiện nầy, và một khi đã gia nhập, chúng ta phải mặc y phục xứng hợp với tư cách người nhà của Thiên Chúa, là mặc lấy Chúa Kitô.
Nếu không đáp ứng điều kiện nầy, chúng ta sẽ bị trừng phạt như nhà vua trừng phạt một khách dự tiệc không mặc y phục lễ cưới trong dụ ngôn trên đây.
Khi mặc đồ tang chế mà đi dự tiệc cưới, người ta nghĩ là bạn bị khùng và xua đuổi bạn tức khắc. Khi bước vào bệ kiến đức vua mà còn mặc nguyên bộ đồ ngủ thì không khỏi bị kết tội khi quân. Khi bước vào quân ngũ mà ăn mặc rách rưới như kẻ bần cùng, thiếu tác phong quân nhân, thì bạn sẽ bị tống cổ ra ngay vì làm ô danh quân đội.
Hội Thánh của Chúa luôn mở rộng cửa tiếp nhận tất cả mọi người từ khắp muôn phương, bất luận sang hèn tốt xấu. Nhưng một khi đã gia nhập đại Gia Đình nầy, các thành viên phải cởi bỏ tấm áo xấu xa để khoác lên người trang phục xứng đáng, nghĩa là phải có những phẩm chất phù hợp với Tin Mừng.
Một con sâu tuy nhỏ nhưng cũng đủ để làm rầu nồi canh. Vài ba giọt mực tuy không nhiều nhưng cũng đủ để làm hư tấm vải trắng. Chỉ một ít tín hữu sống trái nghịch với Tin Mừng và giáo huấn Hội Thánh, cũng đủ để làm cho khuôn mặt của Giáo hội trở nên méo mó, khó thương.
Vì thế, một khi đã gia nhập Hội Thánh mà cách ăn nết ở không phù hợp thì chúng ta sẽ bị Thiên Chúa lên án nặng nề. Đoạn Tin mừng sau đây nhắc nhở chúng ta điều đó:
“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: Nầy bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
Trong ngày lãnh Bí tích Thánh Tẩy, là ngày chính thức gia nhập Hội Thánh, chúng ta cũng được mời gọi mặc lấy Chúa Kitô. Bấy giờ, linh mục chủ sự thay mặt Hội thánh trao cho chúng ta tấm áo trắng với lời kêu gọi: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy con hãy nhận chiếc áo trắng nầy, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để con được sống muôn đời.”
Lạy Chúa Giêsu. Xin giúp chúng con đừng luyến tiếc áo cũ đã hoen ố vì vô vàn thói xấu tật hư. Xin ban thêm sức mạnh để chúng con dứt khoát cởi bỏ nó và quyết tâm mặc lấy áo mới, mang những tâm tình cao đẹp như Chúa, biết thứ tha, yêu thương và phục vụ như Chúa… Nhờ đó, chúng con sẽ được cùng với Chúa dự tiệc vui muôn đời. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
————————————
Dự Tiệc
CN XXVIII –TN.A – (Mt 22, 1 – 14)
Tình yêu Thiên Chúa rất vô biên
Tiệc Cưới loan tin khắp mọi miền
Phẩm giá phục hồi người thấp kém
Danh thơm ban tặng kẻ oan khiên
Con Chiên – Thánh Tử nên giai ngẫu
Giáo Hội – Hiền Thê được sánh duyên
Áo Cưới tinh tuyền ai xứng đáng
Chung vui dự tiệc hưởng nguồn thiêng.
Hạt Nắng
————————————-
Áo Cưới
CN XXVIII – TN.A – (Mt 22, 1 – 14)
Tình vô biên, cao vời của Chúa,
thương trần gian chan chứa ân tình.
Tình yêu kỳ diệu, anh minh,
nâng cao phẩm giá nhân sinh tuyệt vời.
Mở Tiệc Cưới gọi mời tham dự,
kẻ bơ vơ, lữ thứ đồng bàn.
Chia sẻ hạnh phúc cao quang,
phàm nhân hèn hạ lên hàng tử tôn.
Chiếc áo cưới, tâm hồn thánh thiện,
giặt trong máu tự hiến Con Chiên.
Trở nên vẹn sạch tinh tuyền,
tâm tình con thảo trung kiên giữ gìn.
Trong thử thách, đức tin tỏa sáng,
trong gian truân, xán lạn tình yêu.
Dẫu trong nghịch cảnh, tiêu điều,
chiến đấu tội lỗi xa điều dối gian.
Bước trần ai muôn vàn cạm dỗ,
cuốn con vào giông tố đam mê.
Dựa vào Giáo Hội – Hiền Thê,
mặc lấy ánh sáng Can-vê trung thành.
Áo Cưới sạch đẹp tinh anh,
bước vào Tiệc Cưới lòng thành dâng trao.
Cùng Cha nâng Chén rượu đào …
Bâng Khuâng Chiều Tím
————————————-
Tình Cha
CN XXVIII TN.A – (Mt 22, 1 – 14)
Áo trắng tinh tuyền,
Cha đã trao ban ngày con vào đời,
niềm tin rạng ngời,
bước vào dòng đời trong tiếng hoan ca.
Tình Cha theo con,
qua bao phong ba, qua ngàn giông tố,
tình yêu dịu ngọt,
nắng mưa ơn thánh theo con vào biển khơi.
Áo trắng tinh tuyền,
Cha đã trao ban ngày con vào đời,
đam mê bạc tiền,
lấm lem bụi trần hoen ố xác thân.
Tình đời đong cân,
mưu mô, đua tranh, nhạt nhòa hương phấn,
áo trắng phai màu,
đón cánh thiệp hồng ngậm ngùi, phân vân.
Tiệc Cưới Cha truyền ban, tình con đang đi hoang,
áo trắng ngày xưa con làm hoen ố.
Ngày tháng Cha tìm con, thiệp cưới vẫn hồng son,
giặt trắng đời con trong máu Chiên Con,
Tình Cha mãi vuông tròn.
Áo trắng tinh tuyền,
Chúa đã trao ban ngày con trở về,
đời con ê chề,
tháng năm bội thề Cha vẫn thứ tha.
Tình Cha bao la,
khoan dung, yêu thương, biển tình thương xót,
Tiệc Cưới sẵn sàng,
xiêm y huy hoàng, hạnh phúc, niềm say mê.
M. Madalena Hoa Ngâu
————————————–
Áo Trắng Vào Đời
CN XXVIII – TN.A – (Mt 22, 1 – 14)
Bao năm con xa rời,
xa rời tình Chúa thương yêu,
lang thang trong mưa chiều,
cuộc đời lạc chốn hoang liêu.
Xác thân tiêu điều, thuyền đời con lạc bến,
áo trắng xưa úa màu,
hồn xót xa, nỗi sầu tịch liêu.
Bâng khuâng tấm thiệp mời,
đến từng vạn nẻo đường xa,
Cha mong trong mưa chiều,
con về vui sống Tình Cha.
Rưng rưng lệ nhòa, thuyền con quay về bến,
đám cưới Cha dọn mời,
lòng xót thương, khối tình bao la.
Áo cưới hồn con,
Cha giặt trong máu Con Chiên,
tẩy sạch hết bao muộn phiền trong gian nan, thứ thách.
Lòng nhân ái, bao dung,
Cha lau khô dòng nước mắt,
áo trắng nên tinh tuyền,
con bước vào dự lễ cưới Con Chiên.
Tim reo vui lên đường,
vào đời loan báo Tình Cha,
hân hoan trong mưa chiều,
tâm hồn mặc lấy Đức Kitô.
Tiếng yêu vô bờ, thuyền đời con vượt sóng,
dẫu sóng xô dập dồn,
lòng trung kiên, đáp đền Tình Cha.
Nắng Sài Gòn
———————————–
Áo Cưới Đời Con
CN XXVIII TN.A – (Mt 22, 1 – 14)
Hồn mê muội con chạy theo trần thế,
ham tiền tài Lời Chúa để ngoài tai.
Lạc thú vui, say đắm suốt đêm dài,
nhận thiệp cưới chẳng đoái hoài, lẩn tránh.
Bén bạc tiền đua tranh, giành mọi thứ,
ham lợi danh con do dự tiếng yêu thương.
Mê phù hoa tăm tối bước lạc đường,
bàn Tiệc Thánh Chúa gọi mời,
sao con cứ như người ngoại cuộc…
Ân sủng Chúa đã giúp con thắng vượt,
sám hối, ăn năn, lướt thắng những đam mê
thức tỉnh, đứng lên quay gót đường về
Tội lỗi tẩy trừ,
bên tòa cáo giải giúp con thay màu áo mới.
Hạnh phúc tâm hồn, Tiệc Cưới, Cha đang đợi,
hồn vui tươi trong tư cách người thân.
Áo Cưới đẹp xinh trong trắng vô ngần,
được dệt bằng sợi:
Yêu Thương – Vị Tha – Hy Sinh và Bác Ái.
Tiệc Cưới Nước Trời, Chúa yêu thương thiết đãi,
nâng đỡ đời con vững bước chốn trần gian.
Đường hẹp,
đường chông gai,
đường thập giá,
đòi phải phấn đấu gian nan.
Tình yêu chân chính, Mến Chúa – Yêu Người,
chiếc Áo Cưới tinh tuyền,
con sẽ mặc,
cùng với muôn người hân hoan vui Tiệc Cưới.
AP. Mặc Trầm Cung