“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 21, 28-32)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!’ Nó thưa lại rằng: ‘Con không đi’. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: ‘Thưa cha, vâng, con đi’. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.
Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Lc 1, 26-38).
Khi ấy, Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nazareth, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”.
Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với Thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”. Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Đấng Bà sinh ra, sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Eliasabeth chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên thần cáo biệt Bà.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
SámHối Là KhởiĐiểm & Maria – NgườiNữ ThánhThể ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 3
Vâng Phục Là Đón Nhận Lòng Nhân Ái & Việc Ấy Sẽ Xảy Ra Cách Nào? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 6
Cầu Nguyện Nhiều Để Được Gì? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 10
Nhìn Vào Nội Tâm Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 12
THƠ TIN MỪNG
Nước Trời Thuộc Về Ai? Hạt Nắng Trg 14
Hồi Tâm Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 15
Tình Khúc Vườn Nho M. Madalena Hoa Ngâu Trg 16
Khúc Hát Vườn Nho Nắng Sài Gòn Trg 17
Sám Hối & Chuỗi Ngọc Mân Côi A.P Mặc Trầm Cung Trg 18
—————————————-
Sám Hối Là Khởi Điểm
Nói và làm đó là hai thái độ khác nhau. Có người nói mà không làm. Có người không nói nhưng lại làm. Đó chính là hai thái độ mà Chúa đề cập đến trong bài dụ ngôn hôm nay. Hạng người nói mà không làm đó là những người biệt phái và luật sĩ. Họ tự cho là mình đạo đức, nhưng khi Chúa Giêsu rao giảng, họ không những không tin mà còn phê phán chỉ trích những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa đã đón tiếp người tội lỗi. Hạng người không nói mà làm đó là những người thu thuế và những người tội lỗi. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe Chúa rao giảng, họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa. Qua dụ ngôn này Chúa muốn dạy ta những bài học sau.
Bài học thứ nhất: Việc làm trọng hơn lời nói. Trong đời sống, chúng ta gặp không ít những người nói hay, nói nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Tục ngữ Việt Nam có câu “Mười voi không được bát nước sáo” là thế. Nhưng trái lại có những người không nói giỏi, có khi không nói gì cả, nhưng lại làm rất nhiều. Nhất thời ta có thể thích những người nói hay. Nhưng sống càng lâu, ta càng mến những người nói ít làm nhiều. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế. Chúa yêu chuộng những người làm việc hơn là những người chỉ biết nói suông. Có lần Chúa đã vạch rõ những giả dối này: “Không phải những ai nói rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời” (Mt 7,21). Đức tin phải biểu lộ bằng việc làm mới là đức tin sống động. Như thánh Giacôbê dạy: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Tình yêu cũng phải có việc làm. Việc làm minh chứng tình yêu đích thực. Tin yêu Chúa phải được biểu lộ bằng việc làm.
Bài học thứ hai: Con người có thể thay đổi. Con người còn sống ở trần gian là còn thay đổi. Đó là một điều ta phải cảnh giác. Biết đâu ta đang tốt bỗng trở nên xấu. Cũng như các biệt phái và luật sĩ tự hào mình tốt, nhưng khi Chúa Giêsu đến, họ đã trở nên xấu vì không tin vào Chúa, không hoán cải đời sống. Con người có thể thay đổi. Đó là điều làm cho chúng ta hy vọng. Vì nếu ta tội lỗi yếu hèn, ta vẫn có cơ hội ăn năn trở lại. Ta không bị kết án trong tội lỗi của ta. Chúa còn cho ta có thời giờ trở lại với Chúa. Miễn là ta nhận biết mình và quyết tâm đổi mới cuộc đời.
Bài học thứ ba: Sám hối là việc cần thiết của mọi người. Đã là người ai cũng có sai lầm. Vì con người yếu đuối bất toàn. Chúa không đòi ta phải hoàn hảo không bao giờ sai lỗi. Nhưng Chúa đòi ta mỗi khi sai lỗi phải biết sám hối ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì có sám hối ta mới được Chúa thứ tha. Chúa yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những tâm hồn sám hối như lời Thánh Vịnh: “Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50). Ta hãy xem Chúa đã tha thứ cho bà Mađalena. Nhất là Chúa đã tha thứ cho người trộm lành, để thấy Chúa nhân từ thương xót biết bao. Nhưng Chúa lại chê ghét những tâm hồn kiêu căng cứng cỏi không chịu ăn năn sám hối. Trong Phúc Âm ta thấy Chúa chỉ mắng nhiếc những người tự xưng mình đạo đức nên kiêu căng khinh miệt người khác và không nghe lời Chúa. Nhưng Chúa luôn nhân từ, khoan dung, tha thứ cho những tội lỗi thật lòng ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì tất cả chúng ta ai cũng có lầm lỗi trước mặt Chúa, cần được Chúa khoan hồng thứ tha. Sám hối thật cần thiết vì đó là khởi điểm để nên tốt, nên thánh thiện. Có sám hối ta mới biết từ bỏ nếp sống cũ. Có sám hối ta mới bắt đầu một nếp sống mới đẹp lòng Chúa.
Như thế, ta đừng chỉ nói suông mà không làm, nhưng hãy biết thực hành điều Chúa dạy. Ta đừng tự hào vì mình tốt lành mà phê bình chỉ trích người khác. Hãy tự xét mình để thấy mình tội lỗi. Và khi biết mình tội lỗi, hãy ăn năn sám hối ngay. Có sám hối ta sẽ được Chúa tha thứ. Có sám hối sẽ được anh chị em yêu thương. Nhất là có sám hối ta mới khởi sự tiến lên trên con đường thánh thiện.
Lạy Chúa xin tha thứ tội con đã phạm đến Chúa và đến anh em. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Nói và làm, việc nào cần hơn và tốt hơn?
2. Có nhiều chương trình tốt đẹp nhưng không thực hiện, có ích gì không?
3. Biết nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi. Điều này đáng trọng hay đáng chê trách?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
———————————————–
Maria – Người Nữ Thánh Thể
(Lễ Đức Mẹ Mân Côi)
Bài Tin Mừng tường thuật cuộc truyền tin kết thúc bằng hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ. Với hai tiếng “Xin Vâng”, cuộc đời Đức Mẹ hoàn toàn thay đổi. Từ nay Mẹ không còn sống cho mình nhưng hoàn toàn sống cho Thiên Chúa. Mẹ kết hiệp chặt chẽ với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu. Và vì thế, Mẹ trở thành gương mẫu của lòng tôn sùng và thực hành bí tích Thánh Thể.
Thật vậy, với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ là gương mẫu trong việc đón nhận Thánh Thể. Khi đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa vào lòng, Mẹ hoàn toàn tin tưởng thịt máu của bào thai Mẹ được diễm phúc cưu mang trong lòng chính là Thiên Chúa. Như thế, Mẹ khuyên dạy ta khi đón nhận Mình Thánh Chúa, hãy tin vững vàng ta đã đón nhận Thịt Máu của Chúa Giêsu.
Với hai tiếng “Xin Vâng”, tâm hồn Mẹ trở nên ngôi nhà chầu đầu tiên được đón tiếp, cất giữ Chúa Giêsu Thánh Thể. Đây chính là ngôi nhà chầu xinh đẹp nhất vì cung lòng thanh khiết của Mẹ là một đền thờ nguy nga lộng lẫy. Hơn nữa việc luôn ghi nhớ và suy niệm những điều thiên thần nói, giúp Mẹ luôn hướng về Chúa Giêsu trong lòng, biến Mẹ thành một người chầu Mình Thánh liên tục. Như thế Mẹ khuyên dạy ta hãy năng chầu Mình Thánh Chúa.
Sau khi thưa “Xin Vâng”, Mẹ vội và lên đường đi viếng bà thánh Elizabeth. Đây chính là cuộc rước kiệu Thánh Thể đầu tiên. Cuộc rước kiệu thật đơn sơ, không kèn trống, không đông đảo, nhưng đầy sốt sắng, đầy cung kính nên đã đem lại lợi ích phi thường: đem ơn cứu độ đến cho ông thánh Gioan Baotixita còn trong lòng mẹ, làm cho mọi người tràn đầy niềm vui. Như thế Mẹ nhắn nhủ ta kiệu Thánh Thể sốt sắng sẽ đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng.
Nhưng cũng với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ luôn hướng về Chúa Giêsu. Từ khi còn trong bào thai cho đến khi sinh ra trong hang đá Bêlem. Từ khi ấu thơ cho đến khi hoạt động công khai. Việc Mẹ tất tả đi tìm Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem nói lên sự gắn bó mật thiết. Mẹ coi Chúa Giêsu là lẽ sống. Mẹ không thể sống nếu thiếu vắng Chúa. Với lòng tha thiết tìm kiếm Chúa, Mẹ khuyên dạy ta hãy yêu mến đến khao khát Chúa. Vì Thánh Thể Chúa chính là nguồn sự sống của ta.
Với hai tiếng “Xin Vâng”, không những Mẹ vâng lời Thiên Chúa hoàn toàn, mà còn dạy mọi người biết vâng lời Chúa. Nên tại tiệc cưới Cana, Mẹ khuyên nhủ gia nhân: “Người bảo gì các con hãy cứ làm theo” (Ga 2,5). Thái độ hoàn toàn vâng phục đã được Chúa thưởng công bằng phép lạ “nước lã hóa thành rượu ngon”. Hôm nay Mẹ cũng nhắc nhủ ta: Nếu Chúa đã dặn dò: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22-19), thì hãy vâng lời Chúa, siêng năng tham dự thánh lễ, chầu Mình Thánh Chúa, chịu lễ, chắc chắn Chúa sẽ làm phép lạ đổi mới đời các con như biến nước lã thành rượu ngon.
Với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ hoàn toàn kết hiệp với Chúa Giêsu, theo Chúa trên đường lên Núi Sọ và đứng dưới chân thánh giá để nên một với Chúa Giêsu trong việc dâng hiến chính bản thân mình, dâng những đau đớn khổ cực làm của lễ đền tội cho nhân loại. Ở đây Mẹ đã sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm tự hiến mình cho nhân loại. Như Chúa Giêsu, tấm lòng tan nát của Mẹ đã trở thành tấm bánh bẻ ra ban cho nhân loại sự sống mới. Như thế Mẹ dạy ta phải biết hiến thân chịu mọi đau đớn, vất vả trong đời sống để nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể. Việc kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể để hiến dâng thân mình sẽ đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.
Và với hai tiếng “Xin Vâng”, một lần cuối cùng Mẹ vâng lời Chúa, nhận thánh Gioan làm con. Nhận thánh Gioan là nhận cả nhân loại làm con. Vì thế Mẹ đã sống mầu nhiệm Thánh Thể khi hiệp nhất với tất cả mọi người, nhận tất cả nhân loại vào gia đình mình, đón tiếp mọi người vào đồng bàn trong bữa tiệc Thánh Thể, và trong bữa tiệc Nước Trời. Hôm nay, Mẹ nhắn nhủ ta khi chịu lễ rồi hãy biết yêu thương đoàn kết vì tất cả chúng ta được đồng bàn với Chúa, cùng ăn một bánh, cùng uống một chén với nhau. Và tất cả chúng ta đều là các chi thể trong thân thể của Chúa. Tuy năm Thánh Thể đã kết thúc, nhưng việc yêu mến sùng kính và nhất là việc sống bí tích Thánh Thể vẫn tiếp diễn. Đặc biệt trong tháng Mân Côi, nếu ta yêu mến Đức Mẹ, ta càng phải yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, vì Mẹ chính là mẫu gương yêu mến Thánh Thể, đến nỗi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã gọi Mẹ là “Người Nữ Thánh Thể”. Nếu chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, chắc chắn Đức Mẹ sẽ hướng dẫn ta đến yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, vì tất cả các mầu nhiệm trong kinh Mân Côi đều hướng về Chúa Giêsu. Và mầu nhiệm 5 Sự Sáng đưa ta trực tiếp tới bí tích Thánh Thể. Thật là đẹp khi ta lần hạt trước Thánh Thể. Vì như Đức Mẹ đã khấn cầu cho tiệc cưới Cana được ơn phúc thế nào, hôm nay, trước Thánh Thể, Đức Mẹ cũng khẩn cầu ơn phúc cho chúng ta như vậy.
Lạy Mẹ Mân Côi, xin dạy con biết yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và xin Mẹ khẩn cầu cho con bên tòa Chúa. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Lời “Xin Vâng” của Đức Mẹ biểu lộ niềm tin. Bạn có giữ vững được niềm tin trong những lúc gặp thử thách để thưa “Xin Vâng” với Chúa trong đau khổ không?.
2. Gia nhân đã vâng lời Đức Mẹ “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” nên đã múc nước lã mà không hiểu gì. Bạn có sẵn sàng vâng lời Chúa làm những việc mà bạn không hiểu?
3. Khi hiện ra ở Fatima, Đức Mẹ đã mời gọi ta thực hiện 3 điều. Bạn có sẵn sàng “Xin Vâng” để thực hiện không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
—————————————
Vâng Phục Là Đón Nhận Lòng Nhân Ái
“Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho!”
Nghe câu chuyện dụ ngôn này, tôi vẫn hay thắc mắc về ý nghĩa của việc ‘đi làm vườn nho’ vì đôi khi nó không rõ ràng lắm. Từ lâu tôi đã nghĩ thật đơn giản: sống lành thánh, làm các việc lành phước đức, thi hành các việc tồng đồ, truyền giáo… tức là ‘làm trong vườn nho’ của Chúa rồi còn gì! Sau này tôi mới phát hiện ra khái niệm này xem ra không ổn khi áp dụng vào trường hợp cụ thể của hai người con trong dụ ngôn: đứa vâng ngoan trước lời kêu mời của người cha nhưng đã không đi, còn đứa ngang bướng rốt cuộc rồi lại ‘đi làm vườn nho’. Qua câu chuyện này tôi thấy hình như Đức Giêsu đã suy nghĩ rất khác: Người không phân thính giả thành hai loại ‘người vâng’ hay ‘người không vâng’, nhưng ngay trong mỗi thính giả vốn đã sẵn biện chứng ‘vâng và không vâng’, rốt cuộc họ vẫn được đánh giá qua việc ‘đi làm vườn nho’ mà thôi. Nhưng làm vườn nho hệ tại ở điều gì, theo tâm tưởng của Đức Giêsu?
Thói thường thì ai cũng hiểu là lời nói không trọng hơn việc làm. Khi sử dụng cùng một khái niệm này Đức Giêsu đã cho thấy: đối với Nước Thiên Chúa, sống tội lỗi như ‘những người thu thuế và những cô gái điếm…’, hoặc sống lương thiện công chính như các thượng tế và kỳ mục trong dân (đối tượng chính của dụ ngôn) vẫn chỉ là những lời nói ngang bướng hay vâng ngoan. Người còn cho thấy rõ, điều quan trọng hơn chính là ‘thi hành ý muốn của người cha‘, đó là ‘đi làm vườn nho’, tức là tin và tiếp nhận sứ điệp kêu gọi sám hối mà Gioan Tiền Hô đã khởi sự và Đức Giêsu tiếp tục kêu mời. Như thế Người chỉ cho thấy một điều làm đảo lộn tất cả: ‘đường công chính’ hệ tại ở việc thi hành sám hối hơn là ở việc có sống ngay lành hay không; “Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy”. Sám hối đây chưa hẳn là đã sửa đổi được mình, cho dầu nỗ lực vươn tới là dấu chỉ cần thiết của chân thành sám hối, nhưng chính yếu hệ tại ở việc đón nhận ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho. Sứ điệp của Gioan “Hãy sám hối!”, tức là hãy cải tà qui chính trong nội dung luân lý, đã được chính Đức Giêsu cập nhật: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng cứu độ!” tức là tin vào Đức Kitô Giêsu mạc khải tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Sứ điệp này quả chất chứa một nội dung rất Tin Mừng! Trong số những người thu thuế và gái điếm tin vào Gioan không phải tất cả đều đã đổi đời hoàn lương, nhưng tất cả họ đều đã khám phá ra và đón nhận lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa và tin vào Tin Mừng. Chính ở điểm này mà họ trở nên hơn hẳn các thượng tế và kỳ mục, tức các đấng bậc được coi là vị vọng trong dân, vì họ đã trở nên ‘công chính’ theo Tin Mừng; “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Như thế rõ ràng là để vào được Nước Trời, điều kiện quan trọng hơn cả là, thông qua sám hối những lỗi lầm đã phạm, mỗi người nhận ra tình yêu cứu độ Thiên Chúa đang tuôn đổ trên mình, và khiêm tốn mở lòng đón nhận. Các Pharisêu đã không thể đạt tới được sự công chính ấy; “Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”
Nếu quả là như thế thì cuộc sống mỗi Kitô hữu chúng ta đều chất chứa cả hai phần: nói và làm. Riêng phần ‘nói’ nhiều lúc có thể là vâng ngoan, vì đã giữ đạo tử tế, đã làm các việc lành phước đức, đã có không ít các nỗ lực tu thân tích đức, sống bác ái, tông đồ phục vụ v.v…, nhưng đồng thời cũng có những hồi ngang ngược vì các yếu đuối lỗi lầm đã phạm. Nhưng cho dầu đã ‘nói’ thế nào đi nữa, thì lúc này đây, điều quan trọng hơn hết đối với mọi người vẫn phải là ‘đi làm vườn nho’, tức là khiêm tốn nghe lời kêu gọi sám hối của Gioan để thật lòng tin vào Tin Mừng cứu độ mà Đức Kitô Giêsu đã mang lại. Có thể tôi ‘đi làm vườn nho’ vì tôi vốn ngoan hiền, và như thế là tuyệt vời vì tôi nói và tôi đi làm, nhưng cũng có lúc (và có lẽ trường hợp này còn nhiều hơn!) tôi đã từng nói ‘không đi’ nhưng rồi trong tác động của ân sủng tôi đã ‘… hối hận, nên lại đi’.
Đối với Tin Mừng trường hợp sau này có vẻ lại càng ý nghĩa hơn, vì sự ngang bướng rõ ràng dẫn tới hối hận, và trở thành động lực thúc đẩy ‘đi làm vườn nho’. Chính các yếu đuối lầm lỡ đã phạm có thể giúp ta dễ dàng hơn khám phá ra lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, để rồi… ‘sám hối và tin vào Tin Mừng’. Và như thế vô hình chung đã biến ‘Con không đi!’ ngang bướng trở thành cho ta ‘tội hồng phúc’, như thánh Âu-tinh đã từng diễn đạt cảm nghiệm của riêng ngài. Đáng lý ra toàn bộ cuộc sống Kitô hữu ngay từ đầu đã phải trọn vẹn là ‘vâng con đi’ và ‘đi làm vườn nho’, bởi vì qua Bí Tích Thánh Tẩy lãnh nhận họ đã công khai nói lên điều đó. Tuy nhiên thực tế cuộc sống cho thấy ngay cả nơi các Kitô hữu vẫn luôn tồn tại một ‘biện chứng’ giữa ‘vâng và không’, đúng như nội dung của dụ ngôn ‘hai người con’. Và vì không một ai nằm ngoài qui luật biện chứng này nên sám hối và lãnh nhận Bí Tích Cáo Giải vẫn luôn phải chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của tất cả mọi Kitô hữu trải qua các thời đại. Phải chăng thái độ ‘sám hối và tin vào Tin Mừng cứu độ’ mà cao điểm được diễn đạt nơi tòa giải tội, mới chính là việc ‘đi làm vườn nho’ của mỗi người chúng ta, và qua đó chúng ta được trở nên công chính?
Hơn ai hết, vì là Linh Mục nên tôi đã phải luôn nói ‘vâng’ với lời kêu mời sám hối và đón nhận lòng Chúa xót thương, thế nhưng hơn bất cứ ai khác, tôi phải biến lời ‘vâng’ này thành hành động: mau mắn lên đường ‘đi làm vườn nho’ Tin Mừng của Chúa. Chính tôi cũng cần sám hối không ngừng!
Lạy Cha từ nhân, cha không ngừng mời gọi con, cũng như mời gọi hết thảy mọi người, ‘đi làm vườn nho’ của Cha, vườn nho của đón nhận lòng từ ái và xót thương bao la. Rất có thể con đã tự cho mình là đứa con vâng ngoan vì ơn gọi tu sĩ và linh mục mà Cha đã ban cho con suốt trong những năm tháng dài đời con, nên đôi lúc con thấy không cần phải đi thêm nữa. Con đã từng đáp lại tiếng Cha mời gọi bằng câu thưa: “lạy Chúa, con đây”, thế nhưng vẫn luôn có nguy cơ ‘nhưng rồi lại không đi’. Xin cho con ít quan tâm hơn tới ‘nói’ và tập trung hơn vào ‘đi làm’ trong vườn nho của sám hối và đón nhận trọn vẹn lòng thương xót cứu độ của Cha. A-men
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
——————————————-
Việc Ấy Sẽ Xảy Ra Cách Nào?
(Lễ Đức Mẹ Mân Côi)
Bài Tin Mừng được chọn đọc trong ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi đề cập tới biến cố Truyền Tin; thế nhưng cá nhân tôi như thấy thiếu thiếu một điều gì, vì thật ra Truyền Tin chỉ là ‘mầu nhiệm’ thứ nhất trong số những 20 ‘mầu nhiệm Mân Côi’ được đem ra suy gẫm khi lần hạt? Phụng vụ muốn nói gì khi chọn đoạn Tin Mừng này, đặc biệt cho giáo dân Việt Nam khi mà Hội Đồng Giám Mục trong khóa họp tháng 4 năm 1991 đã quyết định cho phép mừng trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi (vốn chỉ là ‘lễ nhớ’), và được dời qua ngày Chúa Nhật nếu muốn? Đặt vấn nạn như thế có nghĩa là đã xác định mục tiêu của việc lần hạt Mân Côi: một việc đạo đức được Đức Mẹ ưa thích, hay còn là một con đường sống Tin Mừng bình dân nhưng hữu hiệu và sâu sắc, như từng được nhiều người khảng định.
Người Công Giáo chúng ta vẫn biết rằng: giá trị của việc lần hạt Mân Côi hệ tại ở suy gẫm các sự kiện hay biến cố đã xảy ra trong cuộc đời Đức Giêsu và Mẹ Maria hầu giúp ta nhận ra ngày càng sâu sắc hơn hồng ân cứu độ. Tuy nhiên sự nhận biết này nhiều khi cũng chỉ dừng lại ở suy tư, ở cảm thức chung chung mang tính lý thuyết. Hoặc giả hồng ân cứu độ đó được coi là điều thuộc quá khứ, điều mà ta đã nhận lãnh một lần ngày rửa tội xa xưa. Biến cố Truyền Tin nói riêng, và mọi biến cố liên quan tới Đức Maria nói chung như tác giả Luca trình bày, cho thấy một khía cạnh khác nữa của lối sống Hồng Ân cứu độ, đó là: các sự kiện thường ngày cần được đưa vào quĩ đạo của ơn cứu độ Đức Kitô Giêsu đã thực hiện, nhất là khi chúng xem ra rất khó hiểu và xa lạ với kế hoạch từ nhân của Thiên Chúa. Đứng trước nhiều biến cố liên quan tới mình, tới tha nhân và tới xã hội loài người nói chung, trong tư cách Kitô hữu, biết bao lần tôi đã phải tự hỏi: “việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” câu hỏi này không nhằm lý giải cách hợp lý từng sự kiện, nhưng để Kitô hữu trong niềm tin, lờ mờ nhận ra lòng từ bi thương xót của Chúa đang được thực hiện qua các biến cố đó. Khi lần hạt Mân Côi, cùng với Đức Maria, tôi giáp mặt với cuộc sống thường ngày chứa đựng những niềm vui, những biến cố trang trọng mang nhiều ý nghĩa, cũng như các nỗi buồn bâng quơ, những chuyện vụn vặt vu vơ, những thành công hay thất bại, những kỳ vọng hay hoài bão, thậm chí cả các điều phi lý… Đối với một Kitô hữu: tất cả mọi biến cố bất luận đều có giá trị nếu được nhìn nhận và đưa vào tình yêu nhân ái của Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Đối với Kitô hữu, sẽ không chỉ có vấn đề ‘thánh hóa hay làm phép’ các biến cố hàng ngày, dâng lên cho Thiên Chúa chỉ vì chúng thuộc lãnh vực phàm tục. Điều duy nhất mà Kitô hữu cần làm là: dìm mọi biến cố của cuộc sống hàng ngày ngập sâu trong hồng ân cứu độ.
Truyền tin, cũng như nhiều biến cố khác nữa đã được Đức Maria sống như thế đó: Mẹ đã ‘ghi nhớ tất cả các điều ấy… và suy đi nghĩ lại trong lòng’ (Lc 2:19.51). Maria đã không lần hạt, nhưng là Mẹ Mân Côi vì đã không ngừng khám phá và sống từng biến cố đời mình trong hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.
Dành thời giờ mỗi ngày để dùng trí tuệ suy gẫm các ‘mầu nhiệm phép Mân Côi’ là điều tốt, nhưng rồi cũng có lúc trở thành nhàm chán xa xôi; chung qui đó vẫn còn là một việc đạo đức mang tính trí tuệ trừu tượng hay tình cảm tâm lý. Tuy nhiên việc lần hạt Mân Côi sẽ trở nên sống động hơn, hiện sinh hơn nếu qua đó, cùng với Mẹ ta nhìn nhận lòng từ ái của Chúa đang từng bước được thực hiện trong các biến cố của cuộc sống mình; mà các biến cố đời thường thì luôn thực tế, thiết thực và biến đổi không ngừng. Qua ‘xét mình’ ta phân loại các biến cố thành hai phần tốt / xấu dựa tiêu chuẩn luân lý. Qua khuynh hướng lấy mình làm trung tâm, ta lại phân loại chúng thành: hên / xui, thành công / thất bại, vui / buồn. Thế nhưng dưới ánh sáng hồng ân cứu độ của Thiên Chúa từ nhân thì các biến cố đó chỉ là một thực thể ân sủng duy nhất; chính vì thế khi lần hạt tôi không chỉ suy gẫm các mầu nhiệm cách rời rạc, đúng hơn tôi đang thống nhất đời sống mình. Tôi đang sống Mân Côi mỗi ngày, hay đúng hơn tôi đang đưa từng biến cố đời sống vào hồng ân cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa. Sống phép Mân Côi như thế sẽ rất thiết thực đưa tôi đạt tới một cuộc sống Kitô ngày càng Tin Mừng hơn, hiểu theo nghĩa, cho phép tôi ngày càng khám phá ra Thiên Chúa là Đấng nhân ái giầu lòng xót thương trong mọi tình huống cuộc đời. Và điều này chắc chắn sẽ mau mắn biến đổi đời tôi, không theo nghĩa ngày càng trở nên tốt lành thánh thiện hơn, nhưng chắc chắn ngày càng thâm tín sâu xa hơn rằng: tình yêu cứu độ của Chúa đang đổ xuống trên tôi, cũng như trên toàn thể nhân loại là vững chắc và bất tận, là không bao giời cạn kiệt, bất chấp tất cả những yếu đuối thiên hình vạn trạng của con người. Nhờ việc lần hạt, một điều khác chắc chắn phải gia tăng nơi tôi đó là, niềm vui cảm tạ trong tâm tình Magnificat của Mẹ Maria!
Sứ điệp Fatima về lần hạt Mân Côi sẽ không bao giờ mất đi ý nghĩa thâm sâu của nó, đó là, các Kitô hữu sẽ được hoán cải về Tin Mừng, chứ không chỉ là hoán cải về luân lý. Sứ điệp này đã vang vọng từ thời Thánh Đa-minh trong việc đưa bè rối Anbigen trở về với Tin Mừng, và sẽ còn tiếp tục vang vọng mãi qua mọi thời đại: “Hãy năng lần Mân Côi!” và tin vào Tin Mừng!
Lạy Mẹ Mân Côi! Cùng với Mẹ, con muốn sống mầu nhiệm Mân Côi hàng ngày. Qua việc lần hạt; xin cho con luôn tìm được giải đáp Tin Mừng thỏa đáng cho mọi tình huống và biến cố trong đời qua câu khảng định mà sứ thần Gáprien khi xưa đã nhắc nhở Mẹ: “Vì đối với Thiên Chúa (nhân lành) không có gì là không thể làm được’. Cùng với Mẹ, con mong rằng việc lần hạt Mân Côi hàng ngày cũng sẽ trở thành con đường Tin Mừng đích thực cho con, hầu giúp con nhận ra Chúa từ nhân không ngừng hiện diện, bất chấp mọi nghịch cảnh cuộc đời. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
———————————————
Cầu Nguyện Nhiều Để Được Gì?
Có một người ngoại đạo từng hỏi cha thánh Pio rằng:
`- Bạn “được” gì khi ngày nào cũng kiên trì cầu nguyện với Chúa như thế?
Ngài đã trả lời:
– Thường thì tôi chẳng giành được gì cả, mà thực ra “mất” đi nhiều thứ:
Tôi mất đi lòng tự cao
Tôi mất đi tính kiêu căng
Tôi mất đi sự tham lam
Tôi mất đi thói gian dối
Tôi mất đi tính nóng giận
Tôi mất đi tật xét đoán
Tôi mất đi sự hấp tấp
Tôi mất đi mong muốn phạm tội
Tôi mất đi lòng ghen ghét, hờn giận
Tôi mất đi sự chán nản, thất vọng và hèn nhát…
Như vậy, cầu nguyện không hẳn là để được điều này hay được điều kia. Cầu nguyện có khi là để mất đi những thứ cản trở ơn Chúa đến với chúng ta. Ta càng cúi thấp xuống thì Chúa lại càng dốc cạn ân sủng vào trong tâm hồn chúng ta. Giống như ruộng càng trũng thì nước càng đầy sẽ đảm bảo cho mảnh ruộng màu mỡ phì nhiêu.
Đối với cha thánh Pio thì phương thế cầu nguyện hiệu quả nhất chính là lần chuỗi Mân côi. Ngài cho rằng việc Đức Mẹ hiện ra ở mọi nơi kêu mời người ta đọc kinh Mân Côi là điều chắc chắn khiến ta phải chuyên cần đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày để được ơn lành của Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria.
Ngài còn nói: “Còn kinh nguyện nào đẹp hơn Kinh Mân Côi, kinh chính Mẹ dạy ta. Hãy luôn lần chuỗi Mân Côi”.
Hai ngày trước khi qua đời ngài còn nói: “Hãy yêu Đức Mẹ và làm cho Đức Mẹ được yêu. Hãy lần chuỗi Mân Côi và lần luôn luôn và lần càng nhiều càng tốt”.
Đức Mẹ cũng từng nói với thánh mữ Mectinđa rằng: “Khi sống con đọc bao nhiêu kinh Kính mừng, khi chết con được bấy nhiêu ơn”.
Nhìn lại những ơn ích từ kinh Mân côi ta có thể kết luận rằng: Lần chuỗi Kinh Mân Côi có thể mang lại hòa bình cho một thế giới đang gặp khó khăn như ta từng thấy qua thế chiến thứ I với Mẹ Fatima, chữa lành những trái tim tan vỡ, mang lại sự trong sáng cho những người đang bước đi trong đam mê tội lỗi như kinh nghiệm thiêng liêng của từng người chúng ta. Lần hạt Kinh Mân Côi sẽ giúp chúng ta nhìn lại con người của mình và từng bước hoàn thiện con người của chúng ta.
Cầu nguyện với kinh Mân côi không làm đau khổ biến mất, nhưng giúp chúng ta mạnh mẽ hơn, tin tưởng và lạc quan hơn để chiến đấu trước sóng gió ba thù là ma quỷ, thế gian và chính mình.
Tháng 10 được gọi là tháng hoa hồng vì trong tháng này mọi tín hữu thể hiện lòng yêu mến Mẹ bằng việc dâng lên Mẹ tràng chuỗi Mân Côi kết thành muôn triệu bông hồng Mân côi dâng lên Mẹ. Dâng lên Mẹ kinh Mân côi trong tâm tình biết ơn vì nhờ Mẹ mà chúng ta được bình yên, đượt thoát khỏi biết bao cám dỗ cùng những trở ngại trong cuộc sống. Dâng lên Mẹ hàng triệu kinh Mân Côi để gởi gắm cuộc đời chúng ta trong bàn tay từ mẫu của Mẹ Maria để Mẹ xoa dịu nỗi khổ đau của tâm hồn và thân xác, cùng che chở gìn giữ chúng ta khỏi muôn vàn sự dữ luôn bủa vây.
Ước gì mỗi người chúng ta biết tận dụng tháng Mân Côi để xin ơn lành của Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ gìn giữ, che chở và ban bình an cho chúng ta trong mọi ngày sống và cho đến giờ lâm tử Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————–
Nhìn Vào Nội Tâm
Dụ ngôn Tin Mừng Mátthêu thuật lại rằng: Từ sáng sớm, người cha gọi đứa con thứ nhất đến và bảo: “Nầy con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho với cha.”
Nó vốn ham chơi, lười lao động, nên trả lời ngay: “Con không đi đâu!”
Nhưng nó chợt hồi tâm, nhớ công lao cha mẹ: Cha mẹ lo cho mình từng miếng cơm manh áo. Khi đau ốm cha mẹ chạy chữa thuốc men, khi buồn phiền, cha mẹ ủi an nâng đỡ… Nếu để cha lao động vất vả một mình mà không giúp đỡ, mình là con bất hiếu. Thế là sau một lát hồi tâm, phản tỉnh, nó quyết định vác cuốc ra vườn cùng làm với cha.
Còn người con thứ hai, sau khi nghe cha gọi đi làm vườn, nó dạ dạ vâng vâng cho qua chuyện, rồi sau đó, bỏ mặc cha lao động một mình.
Thế là, nhờ biết hồi tâm, nhìn lại mình, người con thứ nhất trở thành đứa con ngoan; trái lại, vì thiếu hồi tâm, người con thứ hai trở thành đứa con hư hỏng.
Sống trên đời, ai cũng mắc phải lỗi lầm, không ai vô tội. Tuy nhiên, người ta có thể vượt qua lỗi lầm để trở nên người tốt.
Những ai biết phản tỉnh, nhìn lại mình, nhận ra lầm lỗi mình và quyết tâm sửa đổi thì sẽ trở nên người tốt. Ngược lại, nếu không nhìn lại mình để phát hiện lầm lỗi và không quyết tâm sửa đổi thì không thể nên tốt được.
Tiếc thay, mọi người đều có mắt nhìn ra ngoại giới để nhận biết sự vật chung quanh, nhận ra đủ thứ lỗi lầm của người khác… trong khi đó, ít người có khả năng nhìn vào nội tâm để thấy những sai trái của bản thân; vì thế, không thể cải thiện đời sống được.
Cần soi gương
Tấm gương soi tuy đơn sơ nhưng vô cùng hữu dụng. Nhờ soi gương, ta có thể nhận ra đầu tóc rối bù của mình để chải vuốt lại, nhận ra những vết dơ trên khuôn mặt để lau chùi sạch sẽ, nhận ra bộ râu tua tủa để tỉa xén cho gọn gàng… Nếu suốt cả chục năm trời không một lần soi gương, chắc là khuôn mặt ta trông “ghê” lắm!
Biết thế, nên nhà nào cũng sắm gương, người nào cũng soi gương để trang điểm khuôn mặt mình.
Tuy nhiên, việc soi tâm hồn, soi nhân cách để thấy được điều xấu trong đời mình quan trọng hơn soi mặt rất nhiều.
Ta có thể soi tâm hồn, soi hành vi của ta bằng cách phản tỉnh, tức là tự nhìn mình, tự xem xét phê phán mình.
Hãy nhìn lại mình như nhìn một đứa bé đang chơi, một con kiến đang bò… Hãy soi xét chính mình như ta đang xét xem người khác.
Soi thái độ của ta: có trịch thượng, cha chú… hay lịch sự, khiêm nhường?
Soi cung cách ứng xử của ta: có gần gũi hay xa cách người khác?
Soi hành vi của ta, xem có văn hóa hay thiếu chuẩn mực?
Soi lời ăn tiếng nói xem có ôn tồn, nhã nhặn hay cộc cằn, thô lỗ…? …vân vân…
Khi soi mặt, thấy có vết dơ, người ta rửa sạch liền không trì hoãn.
Tương tự như thế, khi tự soi mình, phát hiện nhân cách mình xấu xa, đáng trách… người ta sẽ quyết tâm cải thiện không chậm trễ.
Nhưng nếu không chịu soi nhân cách, ta không thể thấy những nết xấu của mình và hậu quả là sống chung với tật xấu suốt đời.
Lạy Chúa Giêsu. Không gì làm Chúa vui lòng cho bằng thấy đoàn con biết chừa bỏ thói xấu, cải thiện cuộc đời, trau dồi nhân đức.
Xin giúp chúng con luôn soi mình mỗi ngày, để thấy được những hành vi sai trái mà chừa bỏ; nhờ đó, chúng con sẽ sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
———————————-
Nước Trời Thuộc Về Ai?
CN 26TNA – (Mt 21, 28 – 32)
Nước Trời rộng mở đón chờ ai
Minh chứng tâm hồn trong nắng mai
Ngôn ngữ trung thành không lỗi phạm
Hành vi đồng nhất chẳng hề sai
Kinh sư đạo đức xa đường Chúa
Gái điếm hoàn lương tựa bóng Ngài
Sám hối chân thành vâng Thánh Ý
Tin Mừng đón nhận phúc trùng lai.
Hạt Nắng
————————————-
Hồi Tâm
CN 26TNA – (Mt 21, 28 – 32)
Thích lãng du say tình lãng tử,
bước chân hoang lữ thứ đường xa.
Tâm tư khắc khoải quê nhà,
vườn nho chín rộ lòng Cha mong chờ.
Ham lạc thú làm lơ tiếng gọi,
thích phiêu du giả dối ngôn hành.
Vườn nho cỏ dại mọc quanh,
tâm hồn dao động chòng chành xót xa.
Lòng nuối tiếc sa đà lầm lỗi,
con quay về sám hối ăn năn.
Tình Cha quảng đại nhân lành,
vườn nho canh tác vẫn dành cho con.
Đường nhân chứng sắt son trung tín,
căn thiện tâm, công chính, cương thường.
Sáng soi Lời Chúa chỉ đường,
chu toàn Thánh Ý yêu thương vào đời.
Vườn nho chín bầu trời xanh thắm,
đường tình yêu say đắm hồn con.
Băng ngàn vượt núi trèo non,
ngôn hành đồng nhất vuông tròn nghĩa ân.
Ngày vui con được dự phần …
Bâng Khuâng Chiều Tím
—————————————
Tình Khúc Vườn Nho
CNt 26TNA – (Mt 21, 28 – 32)
Ánh bình minh con đi làm vườn nho,
trời trong xanh tươi nắng hồng rực rỡ.
Dầu chông gai hay muôn vàn gian khó,
vững bước trung trinh ôm mối tình mộng mơ.
Nhớ ngày nao con xa rời tình Cha,
lòng khoan dung bao lỗi lầm sa ngã.
Tình Cha thương ban Tin Mừng cứu rỗi
sám hối ăn năn giông tố đều vượt qua
Vườn nho xanh tươi, xanh thắm ân tình,
trái chín lung linh mát ngọt thơm lành.
Cha trao ban muôn vàn ơn thánh,
con bước hiên ngang trong nắng thanh bình.
Khúc tình ca vui nắng hồng vườn nho,
lòng hân hoan trên cánh đồng truyền giáo.
Lời Cha trao thực thi lòng yêu mến,
loan báo tin vui ơn cứu độ trần gian.
M. Madalena Hoa Ngâu
——————————–
Khúc Hát Vườn Nho
CN 26TNA – (Mt 21, 28 – 32)
Phố đã lên đèn, con còn say men đắng,
nuối tiếc phù hoa, trong đắm đuối dại khờ.
“Làm vườn nho cho Cha”,
tiếng Cha gọi từ lúc tinh mơ,
dáng bộ ngây thơ,
tiếng “xin vâng” con đã hững hờ.
Đắng đót tâm hồn, xin tình Cha tha thứ,
sám hối tội con, trong men đắng cuộc đời.
Từng dòng lệ tuôn rơi,
bên vệ đường tiếng nấc chơi vơi,
thầm gọi Cha yêu!
Cổng vườn nho đừng đóng Cha ơi!
Con quay về đây sau tháng ngày nông nỗi,
con quay về đây tình Cha vẫn đón chờ.
Vườn nho rộng mở cho tình con lên tiếng,
Cỏ dại, bụi gai nhổ sạch tim bồi hồi.
Vườn nho yêu thương tươi nắng vàng rực rỡ,
vườn nho yêu thương ngày đêm vẫn ngóng chờ.
Tình Cha rộng mở soi hồn con yếu đuối,
bụi bặm trần gian rửa sạch hết bợn nhơ.
Khúc hát lên đường say tình Cha nhân ái,
nắng đẹp vườn nho vang khúc hát yêu đời.
Đường đời còn chông gai,
dầu nhục nhằn nặng trĩu đôi vai,
thầm lặng trung kiên,
tiếng “xin vâng” còn mãi ngân dài.
Nắng Sài Gòn
———————————
Sám Hối
CN 26 TN.A – (Mt 21, 28 – 32)
Nét giả tạo bởi tô son trét phấn,
tự cho mình là ưu tú, chiên ngoan.
Tham sân si con lướt cả cộng đoàn,
khéo ngụy tạo vỏ bên ngoài hào nhoáng.
Nói về Chúa con thuộc làu bài bản,
nhưng lại không thực hiện Thánh Ý Ngài.
Con long trọng lời tuyên hứa sớm mai,
nhưng mau chóng vội quên lời nguyện ước.
Danh có Đạo, mê phù hoa lạc bước,
sống xa rời lời chân lý Chúa ban.
Chẳng quan tâm bao kiếp sống cơ hàn,
tha nhân khổ, con cạn tình, thiếu nghĩa.
Tự dối lòng dẫu tiếng đời mai mỉa,
dối anh em, dối cả Chúa từ nhân.
Tính tự tôn, ganh tỵ, thích tranh phần,
con kiêu ngạo coi mình hơn kẻ khác.
Lời Chúa hôm nay chiếu hồn con tan nát,
không quan tâm điều chính Chúa hằng mong.
Thánh Ý Ngài cần xác định tinh thông,
ai chu toàn Thánh Ý,
kẻ đứng chót sẽ lên hàng trước hết.
Như gái điếm liệt vào hàng trắc nết,
cùng đồng hàng kẻ thu thuế tham lam.
Lòng khiêm cung nhận biết việc mình làm,
ân năn sám hối,
cải tà quy chánh,
Nước Thiên Chúa vui hân hoan chào đón.
Con cúi đầu dâng tâm tư hèn mọn,
xin Chúa thương tha thứ mọi lỗi lầm.
Ray rứt tâm hồn, sám hối thành tâm,
điều cốt yếu đời con,
quyết từ nay sống chu toàn Thánh Ý.
AP. Mặc Trầm Cung
———————————–
Chuỗi Ngọc Mân Côi
Một thế giới đang suy đồi trầm trọng,
như đoàn tàu chạy trệch hướng đường ray.
Lao thẳng vực sâu tội lỗi, kiếp đọa đày,
khoa học tiến bộ,
phương tiện tối tân,
cuộc sống hiện đại,
đang tiếp tay hủy hoại con người trong lạc thú.
Danh vọng, tiền tài lòng tham lam tích tụ,
thác loạn trần gian, lắm kẻ rao bán linh hồn.
Tâm trí lu mờ chọn quỷ dữ suy tôn,
kiếp nô lệ, làm tay sai để ác thần thống trị.
Để thoát họa diệt vong Mẹ gọi mời liên lỉ,
Lộ Đức, Fatima, Mẹ thống thiết kêu xin.
Cứu nguy thế giới, hãy hiệp sức chân tình,
ăn năn sám hối,
tôn sùng Mẫu Tâm,
siêng năng cầu nguyện bằng lời kinh Mân Côi trìu mến.
Lời kinh Mân Côi nồng nàn con dâng tiến,
theo gót Chúa Giêsu và Mẹ,
đi vào lịch sử cứu độ trần gian.
Đưa nhân loại tối tăm, thấy ánh sáng thiên đàng,
con đường Vâng Phục Thánh Ý,
là đường ngay nẻo chính,
kéo đoàn tàu nhân loại quay về cùng Thiên Chúa.
Lời kinh Mân Côi đổ tràn đầy mật sữa,
khơi dậy trong con nguồn mạch sống đức tin.
Là khí giới tấn công, là thuẫn bảo vệ mình,
chống lại cám dỗ,
xua đuổi quỷ ma,
noi gương Mẹ, con cúi đầu tuân hành Thánh Ý.
Lời kinh Mân Côi: Bài tình ca tuyệt mỹ,
xua tan những bất hòa, hằn gắn vết thương đau.
chốn gia trang, hy sinh, sớm tối nguyện cầu,
Mẹ sẽ chiếu soi,
hạnh phúc quay về,
hồng ân Chúa tuôn trào lai láng.
Lời Kinh Mân Côi Vui – Thương – Mừng – Sáng,
chuỗi ngọc trân châu thơm ngát cả vườn hồng.
Như ánh dương nồng chiếu sáng hừng đông,
thiết tha con gọi Mẹ,
Maria – Nữ Vương Mân Côi,
kính mừng Mẹ – Nữ Vương đầy ơn phúc.
A.P Mặc Trầm Cung