“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 14, 22-33)
Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió. Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa!”, và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng.
Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến!” Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Con Đường Của Chúa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Thầy Ơi! Cứu Con … Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Có Chúa Thyèn Đời Êm Trôi Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Bàn Tay Cứu Vớt Của Chúa Giêsu Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Thuyền Đời Hạt Nắng Trg 8
Đừng Sợ Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 9
Đừng Sợ M. Madalena Hoa Ngâu Trg 10
Đừng Sợ A.P Mặc Trầm Cung Trg 11
———————————-
Con Đường Của Chúa
Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nuôi năm ngàn người ăn uống no nê, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia. Rồi Người một mình lên núi cầu nguyện suốt đêm. Tại sao Chúa có thái độ kỳ lạ như thế? Tại sao Chúa Giêsu bắt ép các môn đệ ra đi? Tại sao giữa lúc dân chúng đang phấn khởi tinh thần, giữa lúc uy tín của Người dâng cao như núi, Người lại bỏ đi? Trong Phúc Âm, thánh Marcô và thánh Matthêu không nói rõ lý do. Nhưng Phúc Âm thánh Gioan thì nói rõ: “Chúa Giêsu bỏ đi vì Người biết dân chúng muốn tôn Người lên làm vua” (Ga 6,14-15). Thật là một quyết định khác thường. Theo thói thường, ta sẽ khuyên Chúa Giêsu lên ngôi làm vua rồi đi khắp nơi làm phép lạ nuôi người ta ăn uống no nê, mọi người sẽ theo Chúa và chịu phép rửa tội, cả thế giới sẽ thuộc về Chúa, khỏi mất công truyền giáo khổ cực.
– Không, con đường của Chúa thì khác với con đường của ta.
Con đường của ta là con đường kiêu ngạo trong khi con đường của Thiên Chúa là con đường khiêm nhường. Ta luôn tìm cách nâng mình lên, còn Thiên Chúa luôn tìm cách hạ mình xuống. Ta muốn xưng mình là Chúa trong khi Thiên Chúa lại muốn xuống làm người. Không chỉ làm một người bình thường, nhưng còn mặc lấy thân phận nghèo hèn, yếu ớt, thậm chí bị coi như một người tội lỗi nữa. Khi nâng mình lên, ta thường hạ người khác xuống. Còn Thiên Chúa tự hạ mình xuống để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Con người và Thiên Chúa đều sử dụng bậc thang, nhưng theo những mục đích khác nhau. Con người sử dụng bậc thang để leo lên cao. Ai cũng muốn lên cao trong đời sống vật chất. Ai cũng muốn leo cao trong địa vị xã hội. Ai cũng muốn leo cao trong bậc thang danh vọng. Còn Thiên Chúa lại sử dụng bậc thang để đi xuống. Từ trời Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Từ một người bình thường, Chúa còn xuống làm một người nghèo hèn, một người tội lỗi, một người thất bại.
Con đường ta chọn là con đường rộng rãi, dễ dãi. Còn con đường của Chúa là con đường chật hẹp khó khăn. Ta luôn tìm sự dễ dãi: làm sao cho đời sống đỡ vất vả, làm sao cho có những tiện nghi phục vụ đời sống, làm sao cho cuộc đời thành công tốt đẹp. Còn Thiên Chúa lại chọn con đường chật hẹp, bé nhỏ, khiêm nhường. Trong nghệ thuật quảng cáo, người ta hứa hẹn cho khách hàng mọi sự tiện nghi thoải mái. Còn Chúa Giêsu thì hứa với những kẻ muốn theo Người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16, 24). Trong các trường đại học người ta quảng cáo: ai học trường này sẽ thành công, sẽ lên chức, sẽ lên lương. Còn Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ: “Trong anh em, ai lớn nhất thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26).
Chính Chúa Giêsu không đi vào con đường rộng rãi thênh thang, nhưng đã chọn con đường bé nhỏ, chật hẹp. Người không chọn cứu chuộc con người bằng những thành công lẫy lừng, những phép lạ kinh thiên động địa. Nhưng Người đã chọn cứu chuộc nhân loại bằng con đường đau khổ, con đường thập giá, con đường tử nạn. Chính vì thế, hôm nay, vì sợ đám đông tôn Người lên làm vua, đi xa con đường khiêm nhường bé nhỏ, Người đã bỏ đám đông mà đi. Người sợ các môn đệ bị nhiễm thói kheo khoang, phô trương, quyền lực, nên thúc giục các ông xuống thuyền sang bờ bên kia trước.
Đây không phải lần đầu tiên Chúa gặp cơn cám dỗ loại này. Trong sa mạc ma quỉ đã xui giục Người bỏ con đường khiêm nhường, đau khổ để đi vào con đường vinh quang, dễ dãi. Đây cũng chưa phải là cơn cám dỗ cuối cùng. Cám dỗ sẽ còn trở lại với lời khuyên của Phêrô khi ông ngăn cản Thầy ra đi chịu chết (Mt 16,23). Cơn cám dỗ khốc liết tiếp tục trong vườn Giệt-sê-ma-ni khiến Người nao núng hầu như muốn tháo lui (Mt 26, 39). Cơn cám dỗ không buông tha cả khi Người đã bị treo trên thánh giá với lời thách thức của mọi người: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin” (Mt 27, 42). Nhưng Người đã chiến thắng tất cả những cám dỗ của ma quỉ, kiên quyết đi vào con đường thánh ý Chúa Cha, con đường khiêm nhường, vâng lời, hi sinh gian khổ.
Bản thân ta và Hội Thánh, nếu muốn trung thành với Chúa, không thể có chọn lựa nào khác ngoài con đường của Chúa đã đi.
Quá khứ đã minh chứng: Chính khi giàu sang, quyền thế, thì Hội Thánh sa sút, khủng hoảng. Trái lại những khi gặp khó khăn, nghèo khổ, bắt bớ, Hột Thánh lại phát triển mạnh mẽ, vì đang đi vào con đường của Chúa.
Là môn đệ Chúa, ta hãy mạnh dạn bước theo Chúa vào con đường khiêm nhường bé nhỏ, vào con đường chật hẹp từ bỏ mình, vào con đường thánh giá đau khổ. Tuy khó khăn, đau đớn, nhưng đó mới là con đường dẫn ta đến với Chúa, ơn cứu độ của ta.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Chúa bỏ đi, Chúa thúc giục các môn đệ bỏ đi vì sợ người ta tôn làm vua. Tôi có lựa chọn nào khiến Chúa phải bỏ đi không?
2. Tôi mong muốn Hội Thánh có khuôn mặt nào: uy quyền giàu sang hay nghèo khó, khiêm nhường?
3. Tôi có sẵn sàng đi vào con đường của Chúa không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
————————————–
Thầy Ơi! Cứu Con…
Câu chuyện Phêrô đi trên mặt nước để tới với Thầy Giêsu rất độc đáo và thật kỳ lạ! Nếu phép lạ bánh hóa nhiều cho trên năm ngàn người được ăn no nê xảy ra công khai và vẻ vang bao nhiêu, thì phép lạ này lại âm thầm, riêng tư và tủi hổ bấy nhiêu. Nó xảy ra trong đêm vắng, cách xa bờ hàng mấy cây số, chỉ có vài môn đệ được chứng kiến, và sự việc hầu như chỉ liên quan tới một mình Phêrô, người môn đệ có lối biểu hiện niềm tin rất ư là bồng bềnh, khoe khoang. Thế nhưng, hình như phép lạ này cũng vẫn chỉ muốn nói lên cùng một điều mà phép lạ bánh hóa nhiều trước đó đã đề cập tới, có khác chăng là ở chỗ: thay vì nhìn vào ‘Người chạnh lòng thương…” thì ở đây trọng tâm chính là thái độ và niềm tin tưởng của Phêrô vào điều này; ‘nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con…’.
Vẫn trong tư thế và thái độ ‘Ngài chạnh lòng thương’, lần này Đức Giêsu đang đứng ‘trên núi một mình cầu nguyện’, trước cảnh các môn đệ lênh đênh ‘xa bờ… bị sóng đánh vì ngược gió’…, Người đi trên mặt biển mà đến với họ’. Cũng như phép lạ hóa bánh ra nhiều, việc đi trên mặt biển, cho dầu có là một hiện tượng phi thường đi chăng nữa, thì chắc hẳn Đức Giêsu đã không làm nếu chỉ vì muốn chứng tỏ quyền năng. Điều này càng đúng khi Matthêu chỉ đơn giản thuật lại ‘Khi thầy trò đã lên thuyền, thì sóng gió lặng ngay…’ mà không nhắc tới bất kỳ một cử chỉ hay lời nói uy nghiêm nào, như trong một dịp khác khi Người dõng dạc truyền khiến gió yên biển lặng (Mt 8: 23-27). Quả thực, đi trên mặt biển nổi sóng đúng là một hiện tượng ngoại thường; nhưng nếu so với việc một Thiên Chúa thánh thiện trọn tốt trọn lành, mà lại đi xót thương con người tội lỗi phản nghịch, thì sự kiện đó vẫn chẳng thấm vào đâu! Phản ứng trước sự kiện này của các môn đệ cũng rất điển hình: các ông cho đó là ‘ma đấy’, tức là một điều huyền hoặc khó tin, tạo sợ hãi hơn là mừng rỡ.
Đức Giêsu đã trấn an các ông bằng cách lấy chính bản thân Người làm bảo chứng; “Cứ yên tâm, chính thầy đây, đừng sợ!” Chỉ một khi đụng chạm được tới một Giêsu hiến mình trên thập giá, ta mới có thể nhận biết rằng: tình yêu xót thương của Thiên Chúa là có thật, chứ không phải mơ hồ viển vông. Thực vậy, toàn bộ việc nhập thể và cuộc sống của Đức Giêsu xem ra không hề nhằm một mục đích nào khác hơn là, chứng minh cụ thể: ‘Thiên Chúa yêu thương trần gian đến nỗi…’ (Ga 3:16). Có lẽ Phêrô đã hiểu được phần nào lời trấn an đó vì chính ông ước muốn được đến với Đức Giêsu, đến qua việc đi trên mặt biển tròng trành của lòng thương xót; chính vì vậy mà, khi nhận được lời kêu mời “cứ đến”, ông lập tức ‘từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước mà đến với Người’. Lúc đó chắc hẳn niềm tin của Phêrô đặt nơi ‘con người Giêsu’ là vững chắc lắm, là không có vấn đề gì; do tin tưởng mà ngay đến cả đến Phêrô cũng đã có thể hành động phi thường, ‘ông đi trên mặt nước’. Thế nhưng, cũng như tất cả mọi niềm tin, niềm tín thác của Phêrô cũng chưa hoàn toàn ổn định vững chãi: chỉ cần ‘thấy gió thổi’ và sóng biển dật dờ đã đủ để làm ông hoảng sợ. Có lẽ lúc hoảng sợ đó, ông chợt cảm thấy, sự hiện diện của thầy Giêsu đầy lòng xót thương kia có thể không còn là bảo đảm an toàn nữa! Ông muốn bấu vứu vào một gì đó vững chãi khác, chắc chắn và an toàn hơn…, và thế là ông ‘bắt đầu chìm’. Sự cứu vớt (đồng nghĩa với sự phi thường) chỉ trở lại khi ông lại kêu nài tới lòng thương xót của Thầy Giêsu: “Thầy ơi, cứu con!”
Và câu quở trách Đức Giêsu dành cho Phêrô – người tín hữu tiêu biểu ấy, lại càng có ý nghĩa hơn: “Người đâu mà kém tin vậy, sao lại hoài nghi?” Phêrô không kém tin và hoài nghi về quyền năng của Thầy Giêsu, điều ông kém tin và hoài nghi chính là Thầy có thực sự quan tâm tới mình hay không, có thực lòng yêu mến và xót thương ông vô bờ bến tới độ dám chết cho ông hay không? Chính khi sợ hãi la lên “Thầy ơi, cứu con!” mà ông đã bộc lộ sự hoài nghi kém tin tồn tại sâu xa trong ông. Mối hoài nghi này còn dai dẳng đeo bám Phêrô, và lớn mạnh dần lên tới độ, một khi cảm thấy mạng sống mình bị đe dọa, thì trước mặt chỉ một phụ nữ yếu ớt tầm thường, ông cũng đã run rẩy thề thốt: “tôi thề là không hề biết người ấy!” Và chỉ sau đó, khi nhận ra khóe mắt nhân từ của Thầy quay lại nhìn mình, ông mới xác tín rằng: Thầy Giêsu quả yêu thương ông, bất chấp các yếu hèn và phản bội…, và thế là ông ‘ra ngoài khóc lóc thảm thiết’ (Mt 26:74-75). Lúc đó, phải chỉ lúc đó mà thôi, Phêrô mới trở thành một Kitô hữu thực thụ, mới xứng là thủ lĩnh của một Hội Thánh được trao quyền ‘tha – cầm’ mà chính Thầy Giêsu đã nhận được từ Chúa Cha!
Thiên Chúa chạnh lòng thương xót, được biểu lộ cách trung thực qua việc Giêsu chết treo trên thập giá, là điều quá rõ; nhưng chấp nhậm cách tuyệt đối để rồi sống trọn vẹn điều này trong cuộc sống hàng ngày lại là cả một câu chuyện dài. Câu chuyện của Phêrô chỉ là điển hình, nó sẽ còn lập lại nhiều lần trong đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu chúng ta.
Và cả trong đời sống đức tin của tôi nữa, dầu là tu sĩ – linh mục…, hay của bất cứ ai đi chăng nữa, thì cũng phải như vậy thôi; rằng tin tuyệt đối vào lòng xót thương là điều cần liên tục củng cố. Sẽ không có bất kỳ một ngoại lệ nào!
Lạy Chúa, tại sao trong con còn tồn tại những nỗi sợ hãi trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống thiêng liêng? Con nói là: mình tới với Chúa trong Tin Mừng, nhưng lòng lại chất chứa đầy những âu lo. Không phải con không vững tin vào sự hiện hữu hay quyền năng Chúa, cho bằng niềm tin tưởng vào tình Chúa yêu thương con còn trong tình trạng quá nông cạn và chập chờn. Giờ đây, con xin được ơn trọng đại này là: không ngừng suy tôn, bái lạy lòng thương xót Chúa, đồng thời cũng biết, trong mọi nghịch cảnh cuộc đời, không ngớt mở miệng tuyên xưng Giêsu Thập Giá: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa”, đầy nhân ái và xót thương. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
—————————————-
Có Chúa Thuyền Đời Êm Trôi
Sau đại dịch Covid là những cú ngã ngựa nối tiếp nhau của hàng loạt lãnh đạo chính quyền từ trung ương tới địa phương. Họ là những người từng ở trên đỉnh cao của quyền lực có thể “hô mưa gọi gió”. Họ dựa vào quyền lực để có tiền, và có quyền bóc lột nhân dân như vụ “chuyến bay giải cứu”.
Nhưng thói đời thường là: “quan nhất thời- dân vạn đại”. Những ai tưởng rằng cậy dựa vào quyền lực, tiền tài sẽ giúp họ sống mãi trên nhung lụa và kéo dài cuộc sống là sai lầm. Quyền lực, tiền tài chỉ là “của đồng lần”, vì “Trời đất xoay vần kẻ trước người sau” mà thôi.
Giai thoại về lời bài hát “Giọt lệ đài trang” kể rằng:
Khi còn trai trẻ ở Huế, nhạc sĩ Châu Kỳ si mê cô Tôn Nữ Kim Anh, là con gái một quan thượng thư. Chàng từng ôm đàn đứng dưới sân nhà nàng để lấy lòng người con gái lầu son ấy,nhưng chỉ nhận được lời khinh bỉ xem thường là loại “xướng ca vô loài”.
Sau năm 1954 thế sự thay đổi, người con gái đài các năm nào lại sống cảnh nghèo khó, thiếu thốn. Trùng phùng giữa nghịch cảnh éo le, và ông đã viết lên ca khúc “Giọt lệ đài trang” rằng: “Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng. Ngày xưa ai quyền quý cao sang… Tôi, chính tôi ngày xưa đó, cũng đèo bòng mơ người đẹp lầu son… Em, em nhớ xưa rồi em khóc. Tôi thoáng buồn thương giọt lệ đài trang…”.
Cuộc sống luôn đổi thay. Thế sự luôn thăng trầm. Những ai cậy dựa vào vua quan trần thế đều sẽ thất vọng. Chỉ một mình Thiên Chúa là bền vững muôn năm. Thế nên, tác giả thánh vịnh đã viết:
“Ẩn thân bên cạnh CHÚA TRỜI, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên CHÚA TRỜI.” Tv 118, 8-9.
Các tông đồ năm xưa cũng từng cậy dựa vào sức mình, dựa vào kinh nghiệm, dựa vào sự liên đới trong nghề đánh cá tưởng đâu con thuyền sẽ bình an, nhưng sóng gió và bất trắc xảy đến khiến con tàu các ông chao đảo như sắp bị nhận chìm. Đứng trước sự dữ các ông bất lực nên đã kêu cầu Chúa: “Lạy Thầy xin cứu con”.
Câu chuyện của các tông đồ năm xưa cũng là câu chuyện đời người của chúng ta hôm nay. Bởi đời người là một cuộc ra khơi. Trần gian là đại dương luôn nhiều sóng gió. Sóng gío xô đẩy chúng ta vào vòng xoáy của tiền, tình , quyền. Có người đã bị nhậm chìm trong đam mê g tội lỗi. Có người cứ chơi vơi trong bể khổ trần gian vì bệnh tật, vì đói nghèo, vì bị nghi kỵ hiểu lầm . . . những sóng gió ba đào tựa như bóng ma của lầm lỗi, của thất bại trên hành trình khiến chúng ta thất vọng, muốn buông xuôi vì không biết bám víu vào đâu để được giải cứu khỏi những sóng gió ba đào.
Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy bám vào Chúa. Hãy trông cậy vào Chúa khi biển đời xô lấp thân ta bởi những thất bại triền miên. Thất bại trong làm ăn. Thất bại khi chìm sâu trong đam mê tội lỗi. Biển đời khắc nghiệt xô đẩy chúng ta vào những thị phi của nghi kỵ hiểu lầm, của ghen ghét thù hận, của bỏ vạ cáo gian…
Lạy Chúa xin cứu con phải chăng là lời cầu thiết tha nhất của từng người chúng ta trong thánh lễ hôm nay?
Nào mời bạn và tôi cùng mời Chúa Giêsu Thánh Thể bước lên con thuyền cuộc đời chúng ta. Có Ngài mọi sóng gió sẽ bị đẩy lui. Có Ngài cuộc đời ta sẽ êm trôi trong bình an. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
————————————–
Bàn Tay Cứu Vớt Của Chúa Giêsu
Chúa luôn đồng hành với ta, nâng đỡ ta trên vạn nẻo đường đời.
Biết rằng các môn đệ đang chèo chống vất vả trên biển Hồ đang khi bóng tối bao trùm, Chúa Giêsu liền dùng quyền năng của mình, lướt trên mặt biển và đến với họ giữa đêm khuya, để nâng đỡ họ trong hoàn cảnh khó khăn.
Thấy Chúa xuất hiện chập chờn trên sóng nước, các môn đệ tưởng là ma nên hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu trấn an họ: “Chính Thầy đây! Đừng sợ!” Biết vậy, Phêrô hăm hở xin được đi trên nước như Thầy.
Được Chúa chấp thuận, Phêrô ra khỏi thuyền, bước đi lảo đảo trên sóng nước như người say và đến khi gặp cơn sóng dữ ập đến, Phêrô quá đỗi kinh hoàng nên bị chìm xuống và hoảng hốt kêu lên: “Lạy Thầy, xin mau cứu con!” Lập tức, Chúa Giêsu đưa tay ra, nắm lấy tay Phêrô, kéo ông lên rồi đưa ông vào thuyền bình an vô sự.
Hôm nay, khi gặp sóng gió trên biển đời, như mắc bệnh thập tử nhất sinh, như lâm cơn gian nan khốn khó… ai trong chúng ta cũng khao khát được nắm lấy bàn tay Chúa Giêsu, như Phêrô năm xưa trong lúc sắp chết chìm, thế nhưng, nhìn quanh chẳng thấy. Thế là người ta tự hỏi, người ta than phiền: “Bàn tay Chúa đâu?”
Chúng ta biết rằng: Mỗi Kitô hữu là một bàn tay của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô dạy: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là chi thể của Đức Kitô sao?”
Và Giáo lý Hội Thánh cũng dạy rằng: “Bí tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta trở thành chi thể Chúa Giêsu ” như một bàn tay của Ngài.
Vì thế, Chúa Giêsu muốn sử dụng chúng ta như đôi tay của Ngài để nâng đỡ, cứu vớt những người bất hạnh.
Ngài muốn chúng ta:
– Trở nên bàn tay chia sẻ của Ngài để trao ban lương thực và nhu yếu phẩm cho người túng đói.
– Trở thành bàn tay chăm sóc để xoa dịu đau thương cho bao người bệnh hoạn.
– Trở thành bàn tay sẵn sàng đưa ra để dìu dắt những người lạc bước.
– Trở thành bàn tay mở rộng để niềm nở đón tiếp mọi người…
Điều quan trọng là chúng ta có chấp nhận làm chi thể, làm bàn tay nối dài của Chúa hay không?
Lạy Chúa Giêsu, được trở nên chi thể Chúa là một vinh dự lớn cho chúng con nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề vì phải tiếp tay với Chúa để phục vụ bao người chung quanh.
Xin ban cho chúng con thêm lòng yêu thương và quảng đại để hiến dâng đời mình cộng tác với Chúa phục vụ tha nhân. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————————
Thuyền Đời
CN 19TN.A (Mt 14, 22 – 33)
Chòng chành nghiêng ngả lắm gian nan
Lướt sóng thuyền đời dạ bất an
Sự dữ tung hoành gieo thử thách
Bóng đêm rình rập rắc hoang mang
Niềm tin tín thác không lay chuyển
Lòng mến cậy trông giữ vững vàng
Có Chúa đồng hành vui nhịp bước
Giăng buồm thẳng tiến dẫu đa đoan.
Hạt Nắng
————————————–
Đừng Sợ!
CN 19 TN.A – (Mt 14, 22 – 33)
Trong đêm đen tâm hồn con hoảng sợ,
sợ tình đời đầy dẫy những mưu mô.
Sợ tương lai mù mịt, mất cơ đồ,
sợ nghĩa tình phụ bạc, thay đen đổi trắng.
Lạc bước công danh tâm hồn con cay đắng,
sợ cái nghèo xô đẩy bước lưu linh.
Sợ đời bạc khinh, sợ thế thái nhân tình,
sợ cảnh nắng mưa của trò đời nhân thế.
Chỉ vì “sợ”, con tìm mưu tính kế,
luẩn quẩn vòng xoay mớ hỗn độn cuộc đời.
Cố gắng hết mình vẫn khốn đốn chơi vơi,
con ngụp lặn trong nỗi niềm thất vọng.
Chúa tiến đến nhìn con ban nguồn sống,
có Thầy đây “đừng sợ”, hãy vững tin.
Thầy bên con suốt vạn nẻo hành trình,
hãy từ giã quá khứ,
nắm lấy tay Thầy,
hồn con sẽ bình an thư thái.
Tin vào Chúa, con không còn mê dại,
vượt thắng mọi âu lo; sợ hãi của trần gian.
Con bước đi trong hạnh phúc bình an,
đời có Chúa,
mọi vất vả, gánh nặng,
trôi theo dòng nước cuốn.
Hồn đổi mới, con dâng niềm ước muốn,
nguyện bước theo Ngài trong niềm phó thác tin yêu.
Bâng Khuâng Chiều Tím
————————————-
Đừng Sợ!
CN 19 TN.A – (Mt 14, 22 – 33)
Ai chạnh lòng thương, khi đời con giông tố dập vùi,
ai chạnh lòng thương, khi hồn con âu sầu băng giá.
Tình đời phôi pha, xô đời con vào chốn phong ba
mỗi khi đêm về, nước mắt nhạt nhòa,
bước chân lầm lủi.
Ai chạnh lòng thương, đưa đời con qua chốn đoạn trường,
con sợ ngày mai, còn ngập sâu trong vòng tội lỗi.
Sợ đời buông trôi, sợ phù du dày xéo tim côi,
sóng xô cuộc đời, bão giông nhận chìm
chìm mất yêu thương.
Đừng sợ! Thầy đây, đừng sợ!
Lời Chúa gọi con giữa đêm trường,
giữa cuộc đời còn lắm thê lương.
Đừng sợ! Thầy đây, đừng sợ!
Tình Chúa dìu con bước đường về,
sưởi ấm tâm hồn từ giã u mê.
Chúa chạnh lòng thương, đi tìm con giữa chốn đại ngàn,
Chúa dệt vần thơ, nên lời ca ngập tràn thương nhớ.
Vượt mọi âu lo, xây tình yêu nồng thắm ươm mơ,
bước đi trong đời, Chúa luôn đồng hành,
sợ mất Chúa thôi.
M. Madalena Hoa Ngâu
——————————-
Đừng Sợ!
CN 19 TN. A – (Mt 14, 22 – 33)
Giữa biển đời sóng xô ào ạt,
thuyền đời con trôi dạt lênh đênh.
Nhấp nhô từng đợt gập ghềnh,
phong ba vùi dập bấp bênh giữa trời.
Con kiệt sức rã rời thân xác,
hồn hoang mang tan nát con tim.
Màn đêm phủ xuống im lìm,
sợ cơn giông tố nhận chìm ước mơ.
Biết tìm đâu bến bờ hạnh phúc,
hồn lặng thinh thao thức cậy trông.
Mặt trời chiếu tỏa hừng đông,
lòng con ấm áp nắng hồng Chúa ban.
“Đừng sợ hãi!” dẫu ngàn nguy khốn,
có “Thầy đây!” giữa chốn phong ba.
Đừng sợ bóng tối, gian tà,
đức tin lòng mến thiết tha nguyện cầu.
Chúa hiện diện nhiệm màu tiếp sức,
cứu đời con trong lúc gian truân.
Đừng sợ kẻ giết xác thân
bình an của Chúa góp phần hiệp thông.
Thuyền con tiếp tục xuôi dòng…
AP. Mặc Trầm Cung