SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 855, CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN – A, 02/07/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 10, 37 – 42)

Chúa Giêsu dạy mười hai môn đệ rằng: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Người Môn Đệ Đức Kitô ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Đón Tiếp Anh Em Hèn Mọn Là Đón Tiếp Thầy Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Định Danh Tình Yêu Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chia Sẻ Gánh Nặng Với Chúa Giêsu Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8

————————–

 

Người Môn Đệ Đức Kitô

Chuẩn bị nhân sự tiếp nối công việc truyền giáo ở trần gian, Chúa Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ. Tuyển chọn rồi Chúa còn đào tạo để các ngài nên những chứng nhân trung thành của Chúa. Hôm nay, Chúa nêu lên những đức tính cần thiết của người môn đệ.

Người môn đệ của Chúa phải có tâm hồn quảng đại.
Tiên tri Elisêô đã hào phóng đối với gia đình tiếp đón Ngài. Tiên tri là hình ảnh đẹp về các môn đệ của Chúa. Người môn đệ là đại diện cho Đấng sai mình. Người đại diện tốt phải là người trình bày được dung mạo của Đấng sai mình. Chúa Giêsu, Đấng sai ta là người vô cùng rộng lượng. Người đến trần gian không phải để thu tích mà để ban phát. Trọn cuộc đời, Người ban phát không biết mệt mỏi. Người đến không phải để xét xử, luận phạt, nhưng để tha thứ. Người tha thứ một cách dễ dàng cho tất cả những tội nhân đến với Người. Người đến không phải để giết chết, nhưng là để cứu chữa. Người đến cho ta được sống và sống dồi dào. Người môn đệ của Chúa cũng phải có tâm hồn quảng đại, rộng lượng, bao dung như Chúa.

Người môn đệ của Chúa phải sống khiêm nhường.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gọi các môn đệ là những người bé mọn. Chống lại những thói kiêu căng, phô trương, Chúa Giêsu luôn thao thức sao cho các môn đệ của Người trở nên bé nhỏ, khiêm nhường. Bé nhỏ trong tâm tình đạo đức để phó thác mọi sự trong tay Cha. Bé nhỏ về của cải, đừng mang “hai áo, mang theo túi tiền”. Bé nhỏ trong cách cư xử với nhau, đừng tranh giành chỗ nhất, nhưng hãy chọn chỗ chót. Bé nhỏ để quỳ xuống phục vụ: “như Thầy đã rửa chân cho các con, các con hãy rữa chân cho nhau”. Bé nhỏ để sau khi làm mọi việc rồi, hãy nhận mình là “tôi tớ vô duyên bất tài”.

Người môn đệ của Chúa phải biết tập trung vào Chúa Kitô.
Người môn đệ là người chọn Chúa Kitô làm lý tưởng. Người môn đệ cũng là người đi làm chứng về Chúa Kitô. Vì thế mọi lời ăn tiếng nói, cả đến tâm tư tình cảm phải qui hướng về Chúa Kitô. Chúa Kitô phải chiếm vị trí ưu việt trong tâm hồn người môn đệ. Nói thế không có nghĩa là người môn đệ chối bỏ mọi tình cảm chính đáng, dứt lìa những mối liên hệ gia đình. Nhưng có nghĩa là từ nay người môn đệ có yêu thương ai thì cũng là yêu thương trong tình yêu của Chúa Kitô và bằng tình yêu của Chúa Kitô.

Người môn đệ của Chúa sống cho Chúa và chết cho Chúa.
Chúa Giêsu không sống vì mình và cho mình. Người luôn sống vì và cho người khác. Người sống vì Chúa Cha và cho Chúa Cha. Nên mọi việc Người làm đều vì Chúa Cha và cho Chúa Cha. Người là tình yêu hoàn hảo dâng tặng Chúa Cha. Nên Người đã “vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá”. Người sống vì con người và cho con người. Nên người đã ban tặng chính sự sống của Người cho nhân loại, đã hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhân loại.

Nên thánh Phaolô khuyên người môn đệ của Chúa hãy bắt chước Chúa mà chịu phép rửa trong sự chết của Chúa Kitô. Hãy yêu mến, sống cho Chúa và chết cho Chúa. Chắc chắn ta không chết một lần, nhưng sẽ chết dần mòn. Chết cho tội lỗi để không bao giờ phạm tội nữa. Chết trong quên mình âm thầm. Chết trong những hy sinh nhỏ bé. Chết trong nhiệt thành phục vụ nước Chúa. Chính khi chết đi như vậy, ta lại được một sự sống mới tràn ngập tâm hồn, sự sống sung mãn, phong phú của Thiên Chúa. Chỉ có những ai đã trải qua cái chết, mới cảm nghiệm được sự sống ấy, Thánh Phanxicô chắc chắn đã trải qua cuộc lột xác ấy nên mới thốt ra được những lời bất hủ: “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời”. Vì thế thánh nhân đã trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Lạy Chúa, xin thanh luyện tâm hồn con, để con xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.

– Gợi ý chia sẻ:
1- Chúa Giêsu muốn cho môn đệ của Chúa có những phẩm chất nào?
2- Những gì Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ, Người có thực hành không?
3- Đào tạo nhân sự cho Hội Thánh. Bạn nghĩ đến việc này thế nào? Quan tâm? Giúp đỡ? Đóng góp?.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

———————————

 

Đón Tiếp Anh Em Hèn Mọn Là Đón Tiếp Thầy

Đón tiếp ai với tư cách nào thì sẽ được phần thưởng cân xứng với cấp bậc của người mình đón tiếp, đó có thể là nguyên tắc công bằng mà Đức Giêsu đang sử dụng để nói về phần thưởng dành cho việc thiện. Dựa vào một nguyên tắc xem ra chẳng có gì là khó hiểu và ai nấy cũng đều dễ dàng chấp nhận, Người lại đang muốn chứng minh cho một điều không dễ chấp nhận chút nào theo tiêu chuẩn tôn giáo thông thường.

Trước hết “Ai đón tiếp một ngôn sứ… sẽ được lãnh phần thưởng của một ngôn sứ” và “ai đón tiếp một người công chính…sẽ được lãnh phần thưởng của người công chính” là hai trường hợp điển hình rất dễ hiểu đối với các thính giả Do Thái đang nghe Người. Ngôn sứ và người công chính (tức những người giữ trọn lề luật Mô-sê) đều là các hạng người có thế giá trong xã hội và tôn giáo thời đó, do đó ai đón tiếp họ chắc chắn sẽ được trả công xứng đáng. Trong Luca 4:26, Đức Giêsu đã đề cập tới trường hợp bà góa thành Sarepta, vì đón tiếp ngôn sứ Êlia nên đã được phần thưởng xứng đáng, không những hũ bột và chai dầu của bà không hề vơi cạn trong suốt thời nạn đói kém kéo dài, mà ngay cả đứa con của bà đã chết cũng được cho hồi sinh (1 Vua chương 17). Trong lịch sử dân Hípri đã xảy ra không ít những trường hợp tương tự như người kỹ nữ Rakháp đã tiếp đón và che chở các do thám Hipri trong trận chiến phá thành Giêricô (Giôsuê chương 2 và 6:22-25). Những sự kiện như thế cho ta thấy: định luật nhân quả (ở đây đang bàn về phần thưởng) được áp dụng cách triệt để.

Thế nhưng, khi Đức Giêsu đem áp dụng cùng một định luật đó vào trường hợp Tin Mừng thì bắt đầu xuất hiện một điều gì đó không ổn: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Trước hết ta đặt câu hỏi: ‘anh em’ đây là những ai? – Thưa, họ có thể là các tông đồ, là các môn đệ… là các người tin vào Đức Kitô Giêsu, họ là những người đã có lúc Đức Giêsu gọi là “đoàn chiên nhỏ bé” (Lc 12:32); tóm lại, họ bị đồng hóa với những ‘kẻ bé nhỏ’ nhất (Mt 11:42). Vậy thì làm sao tiếp đón những kẻ nhỏ bé như họ, mà lại là đón tiếp chính Đức Kitô hiển vinh, thậm chí còn đón tiếp chính Thiên Chúa quyền uy, ‘Đấng đã sai Thầy’? Và ‘đón tiếp’ mà Người đang đề cập tới đây đâu phải là ban phát một ân huệ gì lớn lao để đáng được phần thưởng trọng hậu, mà lại rất đơn giản và tầm thường như… cho uống ‘dù chỉ một chén nước lã thôi’. Theo lối suy luận thông thường, thì điều này không cách nào có thể lý giải nổi! Ta chỉ bắt đầu thấy hợp lý đôi chút, một khi hiểu rằng: Đức Giêsu chính là ‘kẻ bé nhỏ’. Người là ‘kẻ bé nhỏ’ không theo nghĩa ‘tạm ẩn mình trong kẻ bé nhỏ’, như nhiều người vẫn thường giải thích, mà Người thực sự ‘bé nhỏ’, trở nên rất bé nhỏ nữa là đàng khác, thậm chí hạ thấp mình xuống để ra như không (Pl 2:5-11). Chỉ có hiểu theo cách đó thôi, ta mới thấy “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy” bắt đầu có vẻ hợp lý hơn. Điều này càng rõ ràng hơn khi, song song với lý luận, “đón tiếp ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ… đón tiếp người công chính vì người ấy là người công chính”, Đức Giêsu cũng xác định, “… vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy”.

Như vậy ta tạm thời có thể đúc kết khảng định của Đức Giêsu như sau: ‘ai đón tiếp anh em – những kẻ bé nhỏ vì là môn đệ của Thầy, chính là đón tiếp Thầy Giêsu đã trở nên nhỏ bé, và như thế là đón tiếp Đấng đã sai Thầy tự hủy để trở nên bé nhỏ xuống trần gian’.

Còn một điều nữa cần đào sâu, đó là: “người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”, vậy phần thưởng đó là phần thưởng gì? Nếu đã khẳng định “lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ… lãnh phần thường dành cho bậc công chính”, thì khi đón tiếp anh em nhỏ bé là môn đệ của Thầy, thì cũng sẽ ‘lãnh phần thưởng dành cho kẻ nhỏ bé’, là lôgích nhất.

Câu kết luận hầu như bị Đức Giêsu cố tình bỏ lửng; Người chỉ lấp lửng: “không mất phần thưởng đâu”. Ngày nay Kitô hữu chúng ta đã có đủ điều kiện đề hình dung ra, phần thưởng đó là phần thưởng gì. Người bình dân sẽ nghĩ cách đơn sơ, đó là phần thưởng thiên đàng vinh phúc, tuy nhiên đó không phải là cách hiểu của Thánh Phaolô (Gl 2:20; Rm 13:14; Pl 2:5-9). Phần thưởng nào thì phải xứng với bậc của nó, phần thưởng dành cho kẻ đón tiếp anh em nhỏ bé, môn đệ của Đức Kitô thì chắc chắn phải là xứng bậc nhỏ bé như Đức Kitô bé nhỏ, xứng bậc nghèo hèn như Đức Kitô nghèo hèn, xứng bậc tự hủy như Đức Kitô tự hủy mà thôi. Các sách Phúc Âm đầy dẫy những khẳng định theo nội dung này (Ga 15:4-5; Mt 11:29; đặc biệt Mt 16:24).

Tôi tự hỏi: khi làm một việc thiện, nếu biết phần thưởng sẽ dành cho mình là trở nên một môn đệ đích thực của Đức Kitô nghèo hèn và tự hủy, liệu tôi có còn can đảm tiếp tục nữa hay không? Không may là: rất có thể tôi sẽ do dự để suy tính hồi lâu đấy! Thế mới biết câu nói “ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy” của Đức Giêsu, và những hệ lụy của nó là không đơn giản chút nào.

Mong rằng: một khi đã tìm hiểu, đã đào sâu về phần thưởng này, tôi sẽ vui mừng nghiệm ra một khích lệ lớn lao hơn cả phần thưởng thiên đàng: phần thưởng đó là được tham gia vào chính yếu tính từ nhân và tự hủy của Đức Kitô… để rồi tôi tiếp tục cống hiến phục vụ như một kẻ bé mọn!

Lạy Chúa Giêsu nhỏ bé và nghèo hèn, con muốn thực sự trở nên môn đệ của Chúa; có điều, như các tông đồ xưa, khi nghĩ tới trở thành môn đệ là con lại mơ ước ngay một chỗ cao sang trên trời. Xin cho con sáng suốt để nhận ra rằng, phần thưởng Chúa hứa dành cho con quả thật là lớn lao không gì sánh bằng, vì là một Kitô hữu, chỉ khi nào con được ‘đồng hình đồng dạng’ với Đức Kitô, một Đức Kitô nhỏ bé và khiêm hạ; phải – chỉ khi đó, con mới đạt được cùng đích đời mình mà thôi. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

———————————–

 

Định Danh Tình Yêu

Trong tình yêu nói thì dễ nhưng làm mới chứng minh điều mình nói. Có người nói nhiều mà làm chẳng bao nhiêu. Có người nói rất hay nhưng lại xa rời thực tế. Có những đôi thề non hẹn biển sống chết cùng nhau nhưng chỉ một hoạn nạn nhỏ họ cũng quên lời đoan hứa.

Có đôi trai tài gái sắc du ngoạn trên sông nước. Ngồi trên thuyền cô gái hỏi:
Nếu em là thuyền thì anh là gi?
Anh sẽ là dòng sông để em bơi lội
Nếu em là dãy núi thì sao?
Anh sẽ là cây xanh bao phủ bốn mùa.

Gặp nhà sư đi qua, cô gái hỏi:
Nếu em đi tu thì sao?
Anh sẽ là chú tiểu sớm tối bên em.

Thấy một con cá sấu, cô gái hỏi:
Nếu em bị cá sấu cắn chết thì sao?
Anh sẽ làm đám ma thật to cho em.

Cô gái bảo: thôi mình chia tay sớm thôi. Anh nói thế tức là nếu em chết thì anh vui mừng lắm phải không?

Người xưa nói “yêu là chết trong lòng một ít”. Cái “chết” ở đây là hy sinh cho người mình yêu, là từ bỏ cái tôi để sống vì người mình yêu. Điểm chung của tình yêu là sự hy sinh. Không có hy sinh thì mọi lời nói yêu thương chỉ là gian dối.

Chúa Giêsu luôn đòi hỏi người môn đệ Chúa phải thể hiện tình yêu bằng việc làm. Việc làm tạo nên nét đẹp của con người là biết sống cho tình yêu. Tình yêu với Chúa và tình yêu với đồng loại. Với Chúa là phải yêu hết mình, hết sức và hết cả trí khôn. Với tha nhân là phải yêu người như chính mình, nghĩa là luôn bao bọc, chăm sóc, chia sẻ và giúp nhau thăng tiến.

Nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu hình như Ngài chỉ sống cho 1 chữ Yêu. Tình yêu của Ngài có tên gọi là chân thành, là hết mình và trở nên đồng hình đồng dạng với người mình yêu. Vì yêu mà Ngài gánh lấy thập giá và hiến dâng của mạng sống mình cho người mình yêu.

Khởi đầu của tình yêu là ra khỏi chính mình bằng việc từ bỏ. Chính Chúa đã từ bỏ địa vị Thiên Chúa để mang lấy thân phận con người chúng ta. Ngài từ bỏ ngai trời để đến cư ngụ trên trái đất này. Ngài ra khỏi chính mình để thi ân đến mọi phận người. Đặc biệt là người ốm đau, bệnh hoạn, nghèo khó, tội lỗi . . . Ai cũng được Ngài yêu thương. Ai cũng được Ngài săn sóc. Ai cũng được Ngài quý mến. Thế nên, ai cũng hạnh phúc khi được tiếp xúc với Ngài.

Chúa Giêsu còn muốn người môn đệ phải từ bỏ cả cái tôi của mình để sống hoà hợp và yêu thương mọi người. Chúa muốn chúng ta phải đón tiếp mọi phận người. Không phân biệt sang hèn. Không phân biệt giai cấp. Chúa còn đồng hóa mình với mọi phận người để rồi đón tiếp họ là đón tiếp chính Chúa. Thi ân cho họ là thi ân cho Chúa. Giúp đỡ họ là giúp đỡ chính Chúa và sẽ không thiếu phần thưởng vô biên trên trời.

Để đáp lời mời gọi sống vì yêu như Thầy đã yêu, từ nay tôi sẽ quyết tâm:
Con đường tôi đi, là con đường tình yêu.
Phương pháp tôi thực hiện, là cách sống chân thành.
Kỹ năng tôi phải luôn rèn luyện là yêu hết mình.
Và đích đến cuối cùng mà tôi hướng tới, là được ở trong Nhà Chúa sau một đời sống Mến Chúa – Yêu Người như Chúa truyền dạy. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

————————————

 

Chia Sẻ Gánh Nặng Với Chúa Giêsu

Sau mấy ngày về miền quê thăm người em thân thiết, ông Năm và đứa con gái lớn trở về nhà mang theo những thứ “cây nhà lá vườn” do người em trao tặng.

Khi xe về đến bến, hai cha con xuống xe cuốc bộ về nhà. Người cha tuổi đã già, gầy gò ốm yếu, chịu khó mang bị xoài bên vai phải, khoác bị khoai bên vai trái, còn đôi tay gầy guộc thì xách mấy nải chuối bằng tay này và giỏ áo quần bằng tay kia. Trong khi đứa con gái cưng song hành bên cạnh thì chỉ đeo một túi xách nho nhỏ, xinh xắn trên vai, đi tênh tênh bên bố mà chẳng để ý đến lưng bố đang còng xuống vì sức nặng của hành trang, chẳng thấy mồ hôi bố lấm tấm trên khuôn mặt nhăn nheo, y như cô chủ giàu sang đi bên cạnh tên nô lệ khốn cùng.

Người cha già chịu còng lưng mang nặng những món quà đó về nhà cho ai hưởng? Cho người mẹ, cho các em ở nhà và cho chính cô. Chính cô cũng được hưởng phần trong đó!
Thế mà cô cứ để mặc cha già còng lưng mang nặng mà chẳng động lòng thương xót, chẳng đụng vào một ngón tay.
Thật là con bất hiếu khi thấy cha vác nặng mà chẳng mó tay vào.

Thế nhưng, lắm lúc chúng ta cũng xử sự như cô gái kiêu sa, vô cảm này.

Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục chịu thương khó trong thân mình Ngài là Hội Thánh để cứu độ chúng ta và Ngài không ngừng kêu gọi chúng ta vác thập giá theo Ngài, nhưng ta cứ làm ngơ như không nghe, không thấy; cứ đi tênh tênh trên con đường lạc thú của mình mà chẳng động lòng trắc ẩn đối với Chúa là Đấng đang tiếp tục chịu khổ nạn để đền tội cho mỗi người chúng ta.

Thật là người môn đệ bất xứng khi Chúa vác thập giá đền tội cho ta, còn chúng ta thì cố tìm kiếm lạc thú trần gian mà chẳng kê vai vác cùng với Chúa.
Chính vì thế, Chúa mới cảnh báo rằng: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38).

Nhưng vác thập giá với Chúa thế nào đây?
Chúa Giêsu dạy chúng ta vác thập giá với Ngài qua 2 câu nói tiếp theo:
Thứ nhất: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất” có nghĩa là kẻ nào chỉ biết chăm lo cho bản thân mình, chẳng thiết gì đến Chúa và anh chị em chung quanh đang gặp khốn khó, thì sẽ không được hưởng phúc đời sau;
Và câu thứ hai: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được ” có nghĩa là ai từ bỏ nếp sống vị kỷ để sống vị tha, quên mình đi để hy sinh phục vụ Chúa và tha nhân thì sẽ được sống đời đời trên thiên quốc.

Lạy Chúa Giêsu. Người con để mặc người cha gánh nặng một mình mà không kê vai gánh giúp là con bất hiếu; người môn đệ của Chúa để mặc Thầy chịu khổ nạn, chịu vác thánh giá nặng nề mà không vác cùng thì không xứng đáng là môn đệ trung thành.

Hôm nay Chúa vẫn còn tiếp tục chịu khổ nạn, chịu vác thập giá cách nhiệm mầu trong Thân mình Ngài là Hội thánh để cứu độ chúng con, lẽ nào chúng con để mặc Chúa gánh vác một mình mà không chia sẻ gánh nặng của Chúa.

Xin cho chúng con sẵn sàng cống hiến thời giờ, công sức… của mình để chăm sóc, phục vụ người khác. Làm như thế là cùng vác thập giá với Chúa; làm như thế thì mới xứng đáng là môn đệ của Chúa và mới được hưởng phúc thiên đàng.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà