“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 10, 26 – 33)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Biết Sợ ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Sợ Đấng Có Thể Tiêu Diệt Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Anh Em Đừng Sợ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Hãy Phó Thác Đời Minh Cho Chúa Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Đương Đầu A.P. Mặc Trầm Cung Trg 9
—————————-
Biết Sợ
Có những người quá nhát sợ. Gặp con dán hay con chuột cũng co rúm người, mặt cắt không còn giọt máu. Có những người, trái lại, chẳng biết sợ là gì. Coi mạng sống nhẹ như tơ. Lên xe là phóng như bay. Liều lĩnh thường thiệt mạng. Nhút nhát quá đâm hỏng việc. Một đàng bất cập, một đàng thái quá. Vì thế vấn đề không phải là sợ hay không sợ. Vấn đề là phải biết phân định. Biết những gì nên sợ và những gì không nên sợ. Hôm nay Chúa Giêsu giúp ta phân định để biết sợ và không biết sợ.
Trước hết, Người dạy ta biết phân định giá trị. Sự sống là quí giá ta phải trân trọng. Mất sự sống là mất tất cả. Tuy nhiên sự sống có nhiều cấp độ. Có sự sống thân xác nhưng cũng có sự sống linh hồn. Có sự sống đời này nhưng không có sự sống đời sau. Sự sống đời này là chóng qua. Sự sống đời sau vĩnh cửu. Sự sống thân xác mau tàn. Sự sống linh hồn bất diệt. Ta phải yêu quí cả hai sự sống. Nhưng khi không thể giữ gìn vẹn toàn cả hai thì phải biết chọn sự sống cao quí, vĩnh cửu, đó là linh hồn, là sự sống đời sau.
Người cũng dạy ta phân định thời cơ. Thời cơ chỉ đến một lần. Lỡ thời sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Lỡ thời có thể hỏng cả cuộc đời. Có thời cơ để rao giảng Lời Chúa. Hiện nay, Lời Chúa bị che giấu, chỉ thì thầm bên tai, còn nhiều người chưa biết. Ta được cơ hội đóng góp phần mình vào việc rao truyền Lời Chúa. Nhưng sẽ đến ngày mọi sự kín đáo sẽ tỏ lộ. Lời Chúa sẽ được mọi người nhận biết. Bấy giờ cơ hội sẽ hết. Có thời cơ tuyên xưng danh Chúa. Khi còn ở trần gian, giữa những người chưa biết Chúa, giữa những thế lực thù địch, trong cơn gian nan, chính là cơ hội cho ta tuyên xưng danh Chúa. Khi cuộc đời trần gian chấm dứt, cơ hội đó sẽ không còn.
Và sau cùng là phân định nguyên lý. Thiên Chúa là chủ mọi loài. Thiên Chúa nắm quyền sinh tử. Thiên Chúa an bài mọi sự. Con người chỉ là quản lý của Chúa trong một thời gian, trong một vài lĩnh vực. Khi thời gian chấm dứt, chính Thiên Chúa xét xử và thưởng công, trừng phạt.
Khi đã có những phân định rõ ràng ta sẽ biết sợ và biết không sợ.
– Biết sợ Chúa là Chủ tể mọi loài, mọi sự. Không những làm chủ thân xác mà còn làm chủ cả linh hồn. Không những làm chủ đời này mà còn làm chủ cả cuộc đời sau.
– Biết sợ mất linh hồn. Linh hồn là món quà cao quí nhất Thiên Chúa tặng cho con người. Sự sống của linh hồn là sự sống Thiên Chúa ban, hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa. Mất linh hồn là mất tất cả. Như Chúa Giêsu vẫn nhắc nhở: “Được lời lãi cả thế gian mà phải mất linh hồn thì nào được ích gì?”.
– Biết sợ lỡ thời cơ. Hãy biết làm việc khi còn ban ngày, khi trời còn sáng, khi ta còn sống. Thời cơ chỉ đến một lần, nếu ta không tận dụng sẽ lỡ cả một đời. Như những cô trinh nữ khờ dại chỉ còn đứng ngoài cửa Thiên đàng mà than khóc. Như người đầy tớ lười biếng chôn giấu nén bạc phải khóc lóc nghiến răng.
Khi đã biết sợ như thế, ta sẽ không sợ người đời, vì người đời chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Ta sẽ không sợ mất mạng sống, vì sự sống thân xác nay còn mai mất, chẳng tồn tại lâu dài. Ta sẽ không sợ hình khổ hạ thân xác, vì khổ hình rồi cũng sẽ qua.
Nói không sợ cũng không đúng hẳn. Đau đớn khổ cực ai mà không sợ. Nhưng như Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, dù sợ vẫn cứ bước vào cuộc khổ nạn, Người môn đệ vẫn can đảm tuyên xưng danh Chúa, vẫn kiên trì rao giảng Lời Chúa, chấp nhận tất cả những khó khăn hiểm nguy đe doạ, rình rập, chấp nhận những đau đớn thua thiệt chóng qua đời này, với niềm tin vững chắc rằng chính Thiên Chúa là Cha nhân lành an bài mọi sự, Người sẽ ban thưởng cho ta phần thưởng không gì so sánh được, đó là hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Amen.
– Gợi ý chia sẻ:
1) Bạn đã từng bị những nỗi sợ nào đè nặng. Những nỗi sợ đó có chính đáng không?
2) Sống đạo là chấp nhận thiệt thòi. Bạn có dám chấp nhận thiệt thòi vì Chúa không?
3) Muốn trung thành với Chúa, bạn làm cách nào để tránh được những nỗi sợ do người đời đem đến?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
——————————-
Sợ Đấng Có Thể Tiêu Diệt
Chúng ta là những kẻ hay sợ sệt, mà Đức Giêsu thì biết rất rõ điều đó. Trong cuộc sống, ai trong chúng ta mà không từng trải qua những giây phút sợ hãi, còn nguyên nhân của các nỗi sợ đó thì nhiều vô kể; trong số đó, nỗi sợ ám ảnh ta nhất chính là: bị coi thường, bị đánh giá thấp, bị chê bai hoặc bị loại bỏ. Hầu như tất cả mọi hành vi, mọi sinh hoạt của ta đều bị chi phối bởi điều này: người ta sẽ đánh giá tôi thế nào đây? Trong một chừng mực nào đó nỗi sợ này là tích cực, bởi vì nó tập cho ta ý thức tự trọng; tuy nhiên rất thường khi nó lại là rào cản không cho phép ta sống tự do và thoải mái, vươn lên và rộng mở.
Để giải quyết vấn đề lớn và phổ thông này, Tin Mừng hôm nay trao vào tay chúng ta chìa khóa của lời giải đáp.
Trước hết Lời Chúa cống hiến cho ta một giải pháp hợp lý những mang tính tiêu cực. Nếu sợ hãi là điều thực sự không thể tránh, thì ta cần xác định chủ thể đe dọa mình là ai cái đã; nếu mối đe dọa tới từ người phàm thì sợ hãi đó cũng chỉ là tương đối thôi! Có một thời, nhất là trong một xã hội định canh định cư, khi mà mỗi cá nhân đều sống trong một môi trường khép kín (sau lũy tre làng), thì sự đánh giá của bà con chòm xóm là cả một mối bận tâm lớn; ‘ăn mặc như thế, nói năng như thế thì người ta sẽ đánh giá mình thế nào đây?’ Ngày nay, khi mà nhiều người sống và làm việc trong một xã hội luôn chuyển động, thì sự kiểm tỏa này hầu như bắt đầu sụp đổ; giữa những người xa lạ, họ thấy mình ít bị kiểm tỏa hơn, không mấy ai quan tâm tới cách ăn mặc, nói năng của mình…, do đó họ ít giữ gìn hơn trong lời ăn tiếng nói, sống tự do thoải mái hơn, thâm chí có khuynh hướng buông thả. Dầu thế nào đi nữa thì nỗi sợ xã hội “sợ những kẻ giết thân xác” này chắc chắn sẽ ngày càng suy yếu; và đó chính là thời điểm thuận lợi để ta xây dựng cho mình một nỗi sợ mới, căn cơ và vững chãi hơn; “anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”.
Tuy nhiên đó mới là thay đổi đối tượng sợ hãi của ta, và làm cho nỗi sợ trường kỳ của chúng ta đánh trúng mục tiêu hơn mà thôi! Tin Mừng không chỉ cống hiến có thế, nó phải có khả năng phá tan mọi nỗi sợ hãi to nhỏ trong ta, vượt xa nỗi sự của dân chúng trong thời Cựu Ước. Tin Mừng cho ta nhận ra giá trị rất đặc sắc và trường tồn của mình mà không ai có thể cướp mất được, kể cả khi ta đáng bị người đời nguyền rủa và lên án. Khả năng này trước hết hệ tại ở việc hiểu biết chính xác về chính “Đấng có thể tiêu diệt” là ai, qua lăng kính của Thập Giá.
Đấng ‘có thể tiêu diệt’ đó khi đánh giá tôi thì Người sẽ đánh giá như thế nào; nếu người đời thường khi tỏ ra rất khắt khe xét nét, bắt bẻ từng li từng tí, thì Đấng đó sẽ xét tôi ra sao; đó quả là một vấn nạn nghiêm trọng! Câu trả lời Đức Giêsu đưa ra làm tất cả chúng ta té ngửa vì ngỡ ngàng: ‘Đấng đó không những không xét nét, mà còn đánh giá ta rất cao trước cả khi (đúng hơn: bất chấp) ta làm hay nói điều gì. Đức Giêsu trưng ra hai hình ảnh rất đời thường để minh họa cho xác quyết này: “hai chim sẻ chỉ bán được một hào rơi xuống đất” và “tóc trên đầu rụng” là những chuyện quá tầm phào ít ai quan tâm tới…, thế mà Cha Trên Trời quan tâm tới giá trị của chúng để rồi, “không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em… ngay cả tóc trên đầu anh em Người cũng đếm cả rồi”. Cuối cùng Người đi tới kết luận đầy an ủi: “anh em còn quí giá hơn muôn vàn chim sẻ”. Nếu “Đấng có thể tiêu diệt” sẽ đánh giá tôi như thế, cho dầu tôi có là tật nguyền, thiểu năng, ngu dốt, bệnh hoạn hay nghèo hèn, thậm chí cả khi tôi đầy những khiếm khuyết, lầm lỡ hay tội lỗi. Đấng coi tôi là có giá trị lớn như thế lẽ nào lại đang tâm xét nét, kết án và ‘tiêu diệt’ tôi?
Riêng đối với Kitô hữu chúng ta, các nỗi sợ hãi lẽ ra đã phải bị tiêu diệt từ lâu rồi – từ ngày lãnh phép Thanh Tẩy, không những vì nhận ra mình có giá trị quá cao quí như thế, mà còn vì Đức Giêsu hầu như cương quyết bảo đảm: không để một ai trong những kẻ thuộc về Người phải rơi rụng; “Không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay cha tôi” (Ga 10:28-29). Và rồi Người còn cam kết với Cha: “Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất!” (Ga 17:12). Sau những xác quyết và cam kết vững chãi như thế, lẽ nào ta có thể tiếp tục sợ hãi được nhỉ, kể cả sợ tội, sợ có thể ‘bị tiêu diệt trong hỏa ngục đời đời’! Tôi thiết nghĩ: Kitô hữu chúng ta, bất luận là ai, phải là những người được “hưởng niềm vui trọn vẹn” nhất (Ga 17:13).
Kể từ ngày trở thành Kitô hữu, lẽ ra nỗi sợ hãi duy nhất chúng ta chỉ phải là: đánh mất niềm tin tưởng phó thác tuyệt đối nơi Chúa Cha nhân từ, và nơi Con của Người là Đấng đã cứu độ và tha thứ bằng Thập Giá Người?
Lạy Chúa là Cha từ nhân, không hiểu sao, một khi đã tin Cha là Đấng yêu con tới độ đã cho Con mình xuống thế để chết cho con, thế mà trong con vẫn còn mãi vấn vương sợ hãi. Tất cả là vì con vẫn chưa tin vững chắc rằng: Cha thật từ ái vô biên! con vẫn còn coi Cha là… ‘Đấng có thể tiêu diệt’ con trong hỏa ngục. Xin Cha cho con nhận thức và xác tín, khi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô rằng: con có một giá trị vô song trước mặt Cha, giá trị còn hơn cả máu châu báu Con Cha…, và Cha không bao giờ muốn con ‘bị tiêu diệt’. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
————————————
Anh Em Đừng Sợ
Jim Caviezel, người đã thủ vai Chúa Giêsu trong bộ phim “The Passion of the Christ” đã tâm sự rằng: khi anh được chọn đóng vai Chúa Giêsu thì nhiều người cảnh báo là không nên nhận vai Chúa Giêsu vì nó sẽ hủy hoại sự nghiệp của anh.
Và trong quá trình quay phim “The Passion of the Christ”, Jim Caviezel bị sụt 45 pound, bị sét đánh, bị roi hai lần vô tình đánh để lại vết sẹo 14 inch, bị trật khớp vai, và bị viêm phổi và hạ thân nhiệt. Cơ thể của anh quá căng thẳng và kiệt sức vì nhập vai đến nỗi anh ấy đã phải phẫu thuật tim 2 lần! Chỉ riêng cảnh đóng đinh đã mất 5 tuần trong thời gian quay 2 tháng.
“The Passion of the Christ” sau đó trở thành bộ phim xếp hạng R có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Mỹ, với $ 370,8 triệu! Trên toàn thế giới, nó đã thu về 611 triệu đô la. Quan trọng nhất, nó đã đến được với nhiều linh hồn trên khắp thế giới.
Khi hoàn thành bộ phim anh nói: tôi tự hào vì được tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô giữa sự vô thần của Hollywood.
Quả thực, Jim Caviezel đã vượt qua mọi sợ hãi, mọi gian khổ để có thể giới thiệu một Đức Kitô bằng xương bằng thịt cho nhân loại. Một Đức Kitô đã chịu mọi đớn đau thân xác chỉ vì yêu nhân loại. Một Đức Kitô đã dám chết cho người mình yêu.
“Đừng sợ” khi làm chứng về Đức Kitô. Lý do đừng sợ là bởi vì Cha trên trời đã lưu ý đến cả những con chim chẳng đáng giá gì, cả từng sợi tóc trên đầu từng người, huống chi là con người là hoạ ảnh của Chúa. Đừng sợ gian khó, hay sự bách hại của thế gian, vì Chúa đã chiến thắng thế gian và Ngài còn hứa ban thưởng cho những ai dám tuyên xưng Ngài ra trước mặt thiên hạ.
Lời mời gọi “Anh em đừng sợ” ấy như vẫn đang nói với con người hôm nay. Hãy sống lạc quan trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài sẽ gìn giữ và canh chừng chúng ta cho dầu sự dữ vẫn bủa vây chung quanh. Vì “ngay cả đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn qúy giá hơn muôn vàn chim sẻ ngòai đồng” (Mt 10,30-31).
Như vậy, nếu chúng ta vẫn còn sợ nghĩa là đức tin chúng ta còn yếu kém. Chúng ta còn sợ nghĩa là chúng ta chưa tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa. Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể làm ra mọi sự thì Ngài cũng có đủ sự khôn ngoan, sức mạnh để hướng dẫn mọi sự theo ý muốn của Ngài. Vì thế, chúng ta hãy mạnh dạn phó thác đường đời cho Chúa. Chính Người sẽ hướng dẫn và bảo vệ cuộc đời chúng ta trong tình yêu quan phòng của Ngài.
Cuộc sống hôm nay vẫn còn đó những người sợ khi làm chứng cho Tin Mừng. Họ sẽ bị thế gian ghét bỏ, vu khống, loại trừ. Họ sợ mất chức, mất việc, mất ghế ngồi sang trọng trong công đường. Họ đã để cho Tin Mừng bị bóp nghẹt khi im lặng trước cái xấu. Có khi chính những môn đệ của Chúa lại ngăn cản anh em mình làm chứng cho công lý và sự thật.
Cuộc sống hôm nay vẫn còn đó những người sợ khi làm chứng cho Tin Mừng. Họ sẽ bị thế gian ghét bỏ, vu khống, loại trừ. Họ sợ mất chức, mất việc, mất ghế ngồi sang trọng trong công đường. Họ đã để cho Tin Mừng bị bóp nghẹt khi im lặng trước cái xấu. Có khi chính những môn đệ của Chúa lại ngăn cản anh em mình làm chứng cho công lý và sự thật.
Nhưng cám ơn Chúa vì trong dòng đời đầy mưu toan của ma quỷ vẫn còn đó những sứ giả trung kiên nói về Chúa và nói về những sai lầm của thế gian. Dù cuộc đời của họ có thể bị loại trừ hay cắt hết mọi chức vụ, nhưng đức tin của họ luôn toả sáng giữa bóng tối bất công thù hận hôm nay.
Xin Chúa hãy gìn giữ những sứ giả của Chúa. Xin Chúa thêm sức để chính chúng con cũng vượt qua mọi sợ hãi để làm chứng cho Tin Mừng. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
————————————
Hãy Phó Thác Đời Mình Cho Chúa
Ngày 30 tháng 8 năm 2005, ngay tại thủ đô Baghdad, đang lúc có cả triệu người Hồi giáo Irắc đi hành hương, chen chúc nhau băng qua cây cầu lớn bắc qua sông Tigris để tiến về ngôi đền Al-Kadhimiya bên kia sông, bỗng có người la hoảng lên: “Có người sắp đánh bom tự sát!”
Thế là cả triệu người hành hương hoảng loạn xô lấn chà đạp nhau nhằm thoát ra khỏi cây cầu, khiến thành cầu gãy đổ làm cho rất nhiều người rơi xuống sông chết đuối; một số khác bị chết ngạt do đám đông đè lên. Con số tử vong lên đến cả 1.000 người. Một tổn thất nhân mạng lớn lao khủng khiếp chỉ vì sợ hãi!
Người ta tạo ra muôn vàn nỗi sợ để tự gây đau khổ cho mình
Những người Irắc trên đây không chết vì bom nổ nhưng chết vì nỗi sợ bom. Chính nỗi sợ không đáng có nầy giết hại nhiều người cách đau thương như thế.
Điều đáng tiếc là trong cuộc sống hằng ngày, người ta còn tưởng tượng ra nhiều nguy cơ không có thật hoặc không xảy đến, để rồi tự gây khổ cho mình, làm cho mình phải lo âu xao xuyến; chẳng hạn như người đang khỏe mạnh thì sợ những chứng bệnh nguy hiểm đe dọa mạng sống mình có thể xảy đến trong tương lai; người đang có việc làm hẳn hoi thì sợ có ngày mất việc và túng thiếu; người đang còn trẻ thì sợ khi già yếu không ai chăm sóc; người đang yên ổn sống trong tiện nghi thì sợ mai đây khi thất cơ lỡ vận, không còn được thoải mái như hiện giờ…
Thế là con người tưởng tượng ra vô vàn nỗi sợ rồi để tự khủng bố mình, làm cho bản thân mình bất an, lo lắng.
Những nỗi sợ do ta tự tạo nầy hòa với những nỗi sợ khách quan khác, làm cho đời người trở nên u ám, buồn phiền, tác hại đến sức khỏe và làm mất đi niềm vui sống.
Hãy phó thác đời mình cho Chúa
Chính vì nỗi sợ gây nên nhiều lo buồn cho con người như thế, nên qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta đừng sợ vì có Chúa hằng chăm sóc giữ gìn:
“Các con đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn”
“Hai con chim sẻ chỉ bán được một đồng, phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha các con, thì đối với các con cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu các con, Ngài cũng đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ, các con còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” .
Cha mẹ nào cũng yêu thương và mong điều tốt đẹp nhất cho con cái mình. Tương tự như thế, Chúa là Cha rất giàu lòng yêu thương nên Chúa luôn muốn điều tốt lành nhất cho mỗi người chúng ta. Vì thế, hãy phó thác đời mình cho Chúa chăm lo.
Lạy Thiên Chúa từ nhân. Khi con thơ nép mình bên lòng mẹ, nó cảm thấy bình an, hạnh phúc và chẳng sợ hãi gì, dù chung quanh là phong ba bão tố.
Xin cho chúng con biết phó thác mọi sự cho Ngài vì Ngài hằng chăm lo cho chúng con, muốn điều tốt đẹp nhất cho chúng con; nhờ đó, cuộc đời chúng con sẽ được bình an và hạnh phúc. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
———————————–
Đương Đầu
CN XII TN.A– (Mt 10, 26 – 33)
Sống giữa trần gian đương đầu cuộc sống,
khó nhọc kiếm tìm của mặc của nuôi thân.
Vất vả gian lao ngàn nghịch cảnh xa gần,
những thử thách,
lòng can đảm,
sống lời Chúa,
con có đủ lòng tin vươn mình vượt thắng…
Nỗi sợ hãi vây quanh ngập tràn điều cay đắng,
giặc giã, thiên tai, đói kém cứ giăng đầy.
Động đất, sóng thần vùi dập khắp đó đây,
nạn khủng bố,
lời hăm dọa,
bắt bớ người,
cảnh tù đày làm tâm hồn con sợ hãi!!!
Tình Cha bao la chính nguồn bình an thư thái,
tăng sức mạnh giúp con can đảm bước vào đời.
Như cánh chim trời Cha gìn giữ dưỡng nuôi,
“không con nào rơi xuống đất,
nếu Ý Cha không muốn”.
Tình Cha bên con giữa trăm ngàn cảnh huống,
con tín thác hiến dâng nơi Thánh Ý quan phòng.
Dẫu bị bách hại, ngược đãi, kiếp long đong,
con vẫn vui,
vác Thập giá,
trung thành sứ mạng,
“vì từng sợi tóc trên đầu con,
Cha đã đếm trong tình thương diệu vợi”.
Mầu nhiệm Thập giá nguồn vinh quang mong đợi,
ơn Cứu Độ nhân trần con can đảm tuyên xưng.
Đức Kitô Phục Sinh,
nhân loại bừng tỉnh trước Tin Mừng,
phúc âm hóa môi trường,
giới thiệu Đấng Tình Thương,
sống chứng nhân mạnh mẽ,
dù con phải đương đầu với bao giông tố.
Điều con sợ bây giờ không phải là gian khổ,
sợ lòng hèn nhát,
sợ tội lỗi ươn hèn,
sợ Đấng Công Minh,
sợ phải trầm mình trong lửa diêm sinh nơi ngục tối.
Tình Cha yêu con luôn sáng soi đường lối,
con can đảm đương đầu
“Không sợ !”
mạnh dạn lên đường đi loan báo tin vui.
AP. Mặc Trầm Cung