“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6, 51-58)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Tấm Bánh Tình Yêu ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Làm Sao Ăn Thịt Ông Ta Được? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Tình Yêu Tạo Nên Phép Lạ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Qùa Tặng Cao Quý Nhất Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Thần Lương Hạt Nắng Trg 9
Thần Lương Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Thần Lương M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Huyền Nhiệm A.P. Mặc Trầm Cung Trg 12
————————————
Tấm Bánh Tình Yêu
Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, tôi không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ. Đơn sơ như hình ảnh tấm bánh.
Tấm bánh, tình yêu gần gũi.
Sao Chúa không hoá thân làm viên kim cương quý giá mà lại làm một tấm bánh? Tấm bánh bình thường, quen thuộc quá. Từ khi kinh tế phát triển, bánh càng ngày càng xuống giá, bớt được quý trọng.
Tuy bình thường, nhưng bánh vẫn là lương thực cần thiết cho con người. Cũng như khí trời, như nước, bánh đi vào sinh hoạt hằng ngày của con người. Bình thường lắm nhưng không có không được.
Chúa trở thành tấm bánh để gần gũi với loài người, để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh vừa tầm tay mọi người. Chỉ là một tấm bánh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Thật khiêm nhường mà đầy ý nhị. Thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu xa vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến.
Tấm bánh, tình yêu tự hiến.
Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.
Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu chết cho ta được sống. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi cho ta được lớn mạnh.
Tấm bánh bị tiêu hoá để thực hiện một tình yêu hiệp thông.
Tấm bánh, tình yêu hiệp thông.
Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp thông. Người không ngừng mời gọi con người đến sống thân mật với Người. Người tự nhận mình là cây nho và mời gọi mọi người hãy trở thành cành nho gắn kết với cây nho.
Hôm nay, Người còn chủ động trở thành tấm bánh để hoà vào từng giòng máu, từng thớ thịt của con người trong một kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa.
Tấm bánh gợi lên một bàn tiệc tại đó anh em quây quần trong tình thương, chia sẻ lương thực và chia sẻ tâm tình. Không còn gì đẹp hơn. Chính Chúa Kitô tự hiến mình để quy tụ chúng ta. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết.
Với những gợi ý như thế, Chúa hướng dẫn tôi trong tình yêu mến, trong cử hành và trong cách sống Bí tích Thánh Thể.
Yêu mến Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn?
Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em?
Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ với những người sống quanh ta, trong mọi môi trường cuộc sống?
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Khi dâng lễ, tấm bánh có gợi lên cho bạn điều gì về tình yêu của Đức Giêsu không?
2) Khi bạn rước lễ, bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa không?
3) Phép Thánh Thể thôi thúc bạn làm gì?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
—————————————
Làm Sao Ăn Thịt Ông Ta Được?
Cứ thử tưởng tượng giữa đời thường mà tai mình được nghe có ai đó mời gọi: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây!” Phản ứng của ta lúc đó chắc hẳn sẽ không khác những người Do Thái xưa là bao; ‘Họ liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”’ Đối với các thính giả Do Thái, bánh bởi trời hay bánh hằng sống có thể là những hạn từ khá quen thuộc, như hình ảnh manna trong sách Xuất Hành, nhưng ‘ăn thịt ông ta’ mới thực là điều gây cho họ phản ứng, phản ứng tiêu cực từ chối chấp nhận lời mời. Và quả thật họ có lý, vì tâm điểm lời mời không nhằm tin ông Giêsu là bánh bởi trời hay bánh hằng sống, mà chủ yếu ăn thịt và uống máu Con Người: “Thật tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người các ông không có sự sống nơi mình…”. Trong suy luận cụ thể và tự nhiên đời thường, ‘ăn thịt người’ là điều ghê tởm, dứt khoát không thể chấp nhận, thì trong tôn giáo Giao Ước nó lại càng vô lý gấp bội.
Thế còn trong tư cách Kitô hữu, tôi sẽ phản ứng ra sao?
Cho tới nay, có lẽ do ảnh hưởng của tranh luận thần học một thời về Bí tích Thánh Thể, mà vấn đề ‘trans-substantio’, tức ‘bánh hóa thành thịt, rượu hóa thành máu’ Chúa trở thành trọng tâm. Thần học Công Giáo lo chứng minh sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể hơn là nhấn mạnh trên lời mời gọi ‘ăn thịt và uống máu Con Người’. Họ quan tâm tới việc thờ lạy suy tôn Thánh Thể còn hơn cả khiêm tốn lên Rước Lễ. Thử một lần ta nghiêm túc đặt vấn đề cho chính mình: “Làm sao ông này có thể cho tôi ăn thịt ông ta được?”
Nếu hiểu ‘làm sao’ hàm ý ‘bằng cách nào?’ thì câu trả lời tương đối đơn giản: dưới hình bánh và rượu (cho dầu luận lý triết – thần học về ‘bản thể – substantia’ có phần phức tạp hơn nhiều). Câu giải đáp của Đức Giêsu cho thấy Người hiểu thắc mắc ‘làm sao’ theo nghĩa ‘tại sao’: “Ai ăn thịt và uống máu Con Người… sẽ có sự sống nơi mình… sẽ được sống lại vào ngày sau hết… sẽ ở lại trong tôi và tôi ở trong người ấy… sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy… sẽ được sống muôn đời”. Lời giải đáp như thế lẽ ra đã đầy đủ và mang tính thuyết phục cao rồi, đủ để các thính giả mau mắn đáp lại lời mời ‘ăn thịt và uống máu Con Người’. Thế nhưng lý lẽ Người đưa ra là nhìn từ góc độ ‘người cho’, giải thích lý do tại sao Người lại phải trao ban chính mình. Còn từ góc độ của người tiếp nhận, Kitô hữu chúng ta, ngoài việc chấp nhận các lý lẽ mời gọi trên do Đức Giêsu đưa ra, còn cần thuyết phục mình về cái ‘tại sao’, từ chính tình trạng hiện sinh mình đang sống: Làm sao và tại sao tôi lại cần phải ‘ăn thịt và uống máu Con Người’? Có lẽ chất lượng niềm tin của ta sẽ lệ thuộc rất nhiều vào nỗ lực trả lời câu hỏi đó.
Thế nhưng để trả lời được vấn nạn trên ta còn cần vượt qua một khó khăn lý luận khác nữa: ‘làm sao Thiên Chúa lại dám biến mình trở thành của ăn thức uống nuôi tôi; tại sao có thể thế được, khi mà một thụ tạo hèn yếu và tội lỗi lại được chính Thiên Chúa nuôi dưỡng bằng máu thịt Ngài?’ Giải đáp đã được Kinh Thánh hé mở, nhưng hiểu nó tới mức nào còn tùy thuộc vào sự trưởng thành và chiều sâu đức tin của mỗi người: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3, 16). Cựu Ước đã từng so sánh tình yêu Đức Chúa Giavê đối với dân riêng như bà mẹ nuôi nấng con thơ. Và còn hơn thế nữa, cho dầu bà mẹ có bỏ rơi đứa con mình đẻ ra, Đức Chúa vẫn sẽ không bao giờ bỏ rơi dân riêng Ngài. Hình ảnh bà mẹ yêu thương tới độ hiến thân hiến sức cho đứa con mình mang nặng đẻ đau thì ai cũng hiểu được; hành vi bà mẹ nuôi con bằng sữa mình tuy tự nhiên thật đấy, nhưng lại rất cao cả và phi thường. Phi thường vì bà hiến dâng một phần sức sống của mình cho người con trong thương mến. Con người chỉ có khả năng yêu thương đến thế, hoặc tương tự như thế, là cùng. Nhưng nếu vì ngỗ nghịch hư đốn mà đứa con bị bà mẹ đang tâm bỏ rơi thì việc đó cũng chẳng hề làm mấy ai ngạc nhiên. Nếu Thiên Chúa không có tình thương mến vượt trội hơn hẳn tình yêu bao dung của bà mẹ trần gian thì chắc hẳn Thập Giá sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Để hiểu được sự độc đáo của lời kêu mời: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” ta cần thâm tín “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”. Đây mới chính là điều mà không ít người trong chúng ta có thể cho là: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Ta chỉ thực sự thấy cần ‘ăn thịt và uống máu Con Người’ khi nhận ra rằng mình đã chết trong tội, và Thiên Chúa đã thề trả lại cho mình sức sống bằng dòng sữa mẹ của ‘mình và máu’ Ngài. ‘Ăn thịt và uống máu Con Người’ chỉ thực sự trở thành một nhu cầu khi ta hiểu được lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa còn vượt xa hơn cả tội lỗi yếu hèn của con người, và nơi Ngài ước muốn trả lại sự sống cho ta còn mạnh hơn cả ngàn lần cái chết của Con Ngài! Do đó Kitô hữu chúng ta sẽ vui mừng tiến lên rước lễ với niềm tri ân sâu xa nhất, không phải vì cảm thấy mình xứng đáng dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng luôn với tâm tình khiêm cung sâu xa nhất… chỉ vì ‘ăn thịt và uống máu Con Người’ chính là khám phá lớn nhất về tình yêu nhân ái cứu độ của Thiên Chúa dành cho những con người thấp hèn tội lỗi!
Lạy Đức Kitô đã hiến thịt và máu Người là của ăn thức uống nuôi sống con, con sẽ không thể dửng dưng hay ghê tởm trước lời mời gọi của Chúa. Hơn nữa vì là linh mục, con còn được diễm phúc cử hành và tiếp lời mời gọi các tín hữu mạnh dạn đón nhận của ăn thần linh. Xin cho con luôn coi việc cử hành nhiệm mầu này là hành vi vĩ đại nhất con làm được trong cuộc sống, và mời gọi tín hữu ‘ăn thịt và uống máu Con Người’ là trách vụ hàng đầu trong sứ vụ linh mục của mình. Xin Thần Khí hãy biến con trở thành linh mục của Thánh Thể Chúa. Amen
Lm. Gioan Nguyến Văn Ty. SDB
————————————
Tình Yêu Tạo Nên Phép Lạ
Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu. Tình yêu thì luôn trao ban, luôn hiến thân, luôn tự hủy vì người mình yêu. Vì thế, khi Chúa Giêsu cầm bánh bẻ ra vào trao cho các môn đệ và nói: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”. Ngài đã tự hủy chính mình để hiến thân vì con người. Đây là tình yêu tự hủy, một tình yêu quên mình để cho thế gian được sống và sống dồi dào.
Vâng, Chúa Giêsu đã bẻ tấm bánh đời mình để trao hiến cho chúng ta, để dạy chúng ta một khi đã nên một với Chúa qua Bí tích Thánh Thể thì cũng biết sẵn lòng bẻ tấm bánh đời mình để trao tặng cho mọi người. Tấm bánh được cho đi luôn luôn có hương vị thơm ngon hơn tấm bánh giữ lại cho riêng mình. Chính tình yêu sẽ làm nên những “phép nhân” kỳ lạ trong cuộc sống. Bởi vì “Con tim cho đi mới là con tim giàu có”.
Năm xưa trên hành trình về Đất Hứa, Chúa đã nuôi dân Chúa bằng bánh Manna từ trời. Manna là lương thực từ Trời ban. Manna là quà tặng của Thiên Chúa để nâng đỡ dân riêng trên hành trình đầy khó khăn gian khổ. Manna không là phép lạ, nhưng chính tình yêu Thiên Chúa đã tạo nên phép lạ cho Manna như sương sa từ trời rơi xuống cho dân.
Phép lạ bởi tình yêu vẫn được Chúa Giêsu thực hiện trong những năm rao giảng Tin Mừng. Phúc âm kể rằng: khi thấy đám đông đi theo Người, Người chạnh lòng thương. Ngài dạy dỗ họ. Ngài làm nhiều phép lạ chữa lành để củng cố cho lời giảng dạy của mình. Và với 5 chiếc bánh và 2 con cá, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi 5.000 người ăn no nê. Tình yêu thật kỳ diệu. Tình yêu có thể những điều vĩ đại lớn lao là thế!
Phúc âm cũng nói rằng: chỉ vì thiếu tình yêu nên các tông đồ muốn giải tán đám đông để họ tự lo cho bản thân. Nhưng Chúa Giêsu đã dạy các ông cách kiến tạo phép lạ khi đi gom tình yêu lòng quảng đại của mọi người. Họ đã đi gom. Dầu chỉ được 5 chiếc bánh và 2 con cá, thế nhưng, khi bánh và cá được trao vào tay Chúa thì đã được nhân lên đến nỗi mọi người ăn no nê mà vẫn dư 12 thúng đầy.
Con người hôm nay vẫn mong cầu phép lạ để cho thế giới được bình an, được thịnh vượng và hết đói nghèo. Nhưng phép lạ đã không xảy ra. Bởi người đi gom tình yêu thì ít mà gom hận thù chia rẽ thì nhiều. Các quốc gia, các đảng phái, các tổ chức tôn giáo luôn dè chừng hoặc có khi còn nói xấu, khích bác lẫn nhau. Thế giới thiếu tình yêu mà lại đong đầy đố kỵ và hiềm khích làm sao có phép lạ của no ấm thịnh vượng?
Ở nơi nhiều gia đình vẫn là hỏa ngục vì nơi đó thiếu vắng tình yêu. Không có tình yêu. Không cùng nhau xây dựng gia đình thì làm sao có một gia đình hạnh phúc an khang.
Ở nơi nhiều xứ đạo, nhiều hội đoàn, nói tốt về nhau thì ít mà nói xấu nhau lại nhiều. Nhiều linh mục lại mượn tòa giảng để kết án ông A, bà B và để tôn vinh mình nhiều hơn là để cho Tin Mừng yêu thương của Chúa đến với cộng đoàn.
Ước gì mỗi khi chúng ta ăn thịt và uống máu Chúa Kitô thì chúng ta cũng trở nên giống như Ngài khi biết sống yêu thương. Yêu thương để chia sẻ với người bên cạnh. Yêu thương chấp nhận tự hủy cái tôi của mình để sống vì tha nhân. Yêu thương đong đầy để phép lạ của bánh và cá tiếp tục được nhân rộng trong thế giới hôm nay. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
————————————
Quà Tặng Cao Quý Nhất
Hôm xưa, vua Salômôn lên Ghípôn là nơi cao trọng để tế lễ Thiên Chúa. Ban đêm Chúa hiện ra báo mộng cho vua rằng: Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho ngươi bất cứ điều gì ngươi xin . Nhà vua lên tiếng cầu xin và Chúa đã đáp ứng lời vua kêu cầu.
Nếu hôm nay, Chúa lại hiện ra với bạn trong đêm tối như với Salômôn và hứa ban cho bạn một trong các ân huệ sau đây, thì bạn sẽ chọn thứ nào?
Hoặc được giàu sang phú quý? Hay là được chức trọng quyền cao? Được hưởng nhiều lạc thú đời nầy? Hoặc là đời sau được hưởng sự sống đời đời trên thiên quốc… thì bạn chọn gì?
Biết rằng mai đây bất cứ ai sống trên đời cũng đều phải chết. Bấy giờ, giàu sang phú quý, chức trọng quyền cao và các lạc thú đời nầy đều vô nghĩa… Chỉ có phúc được sống đời đời trên thiên quốc là điều vô cùng đáng quý và rất đáng ước mơ.
Thế là tất cả những người khôn ngoan, nhìn xa trông rộng đều chọn được phúc sống đời đời trên thiên quốc hơn mọi thứ khác trên đời.
Chúa Giêsu thông ban sự sống đời đời cho chúng ta.
Vì yêu thương con người là tạo vật ưu việt và cũng là con chí ái của mình, Thiên Chúa ban cho họ món quà quý báu nhất là sự sống, không chỉ là sự sống tự nhiên mà thôi, nhưng còn là Sự Sống của chính Ngài.
Thiên Chúa là Đấng toàn năng, là nguồn mạch của sự sống nên chỉ có Ngài có thể truyền thông Sự Sống của chính Ngài cho tôi, cho bạn, cho mỗi người chúng ta.
Bằng cách nào?
Muốn cho cành nho tiếp nhận được sự sống của thân nho, thì nó phải được tháp nối nên một với thân nho. Không tháp nối với thân thì không có sự sống.
Muốn cho một bàn tay lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể. Không được tháp nối nên một với thân thể thì không thể nhận được sự sống.
Vậy muốn cho loài người tiếp nhận Sự Sống của Chúa Giêsu thì phải làm cho họ kết hợp nên một với Ngài.
Để thực hiện việc nầy, Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu của Ngài, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để những ai xứng đáng lãnh nhận Mình Máu thánh Ngài thì được nên một với Ngài, được ở lại trong Ngài như lời Ngài phán:“Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56).
Và ai được nên một với Chúa, thì Sự Sống của Chúa cũng sẽ được thông truyền cho người đó.
Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giêsu thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Ngài, không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.
Chúa Giêsu khẳng định điều này: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con cảm tạ Chúa đã ban chính Mình Máu thánh Chúa cho chúng con để chúng con được nên một với Chúa, được đón nhận Sự Sống của Chúa, nhờ đó, được sống hạnh phúc muôn đời.
Đây là quà tặng quá đỗi tuyệt vời, là hồng ân vô cùng cao quý, không gì sánh được.
Xin cho chúng con đừng thờ ơ, hờ hững với món quà vô giá nầy nhưng biết sốt sắng lãnh nhận với tâm tình cảm tạ sâu xa.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
———————————
Thần Lương
Lễ Mình và Máu Thánh Chúa – A
Lương thực thần linh đến bởi trời
Nuôi đàn con dại khắp muôn nơi
Dịu dàng tấm bánh trao nhân thế
Nồng thắm rượu nho hiến tặng đời
Hy tễ đồi cao Cha khứng nhận
Lễ dâng Tiệc Thánh Chúa nghe lời
Tình yêu Thánh Thể nguồn ân phúc
Thịt Máu Chiên Con vẫn gọi mời.
Hạt Nắng
——————————–
Thần Lương
Lễ Mình và Máu Thánh Chúa – A
Trên đồi cao nắng chiều vương đổ,
Con Chúa Trời tỏ lộ tình yêu.
Máu rơi, thân xác tiêu điều,
tuôn nguồn ân sủng phong nhiêu cho đời.
Ban sự sống cho người lạc bước,
ban thần lương ân phước dồi dào.
Hy sinh từng giọt máu đào,
ép nên rượu mới ngọt ngào hiến dâng.
Thịt xương tan, xác thân hiến tế,
nguyện trao ban dâng lễ đền bồi.
Tình yêu vị ngọt đầu môi,
bánh trường sinh tặng cho người yêu thương.
Trái nho tươi khiêm nhường, nghiền nát,
nên rượu thơm dào dạt niềm vui.
Hạt lúa chấp nhận chôn vùi,
nên bánh sự sống ngọt bùi trao ban.
Tiệc Thánh Thể tuôn tràn ân phúc,
thương nhân trần thôi thúc tim Cha.
Gọi mời con cái gần xa,
quay về đón nhận Tình Cha nồng nàn.
Thần lương nguồn phúc bình an …
Bâng Khuâng Chiều Tím
————————————
Thần Lương
Lễ Mình và Máu Thánh Chúa – A
Dũng lực đời con tựa nương tình yêu Chúa.
sức mạnh của con tựa bóng cánh tay Ngài.
Dòng đời ngược xuôi tim con bừng ánh lửa,
thần lương Cha ban giúp con trên vững bước đường dài.
Lương thực đời con lời Cha là nguồn lẽ sống,
lương thực đời con là chính Máu Thịt Ngài.
Dẫu ngàn hiểm nguy không sờn lòng lui bước,
Ngài ở trong con và con sống trong Ngài.
Lương thực thần linh, Chúa ơi! Tình Chúa cao vời,
ban cho cuộc đời, trần gian còn nhiều yếu đuối.
Lương thực thần linh, Chúa luôn khao khát gọi mời,
manna bởi trời, trao tặng người vượt sóng trùng khơi.
Sức mạnh tình yêu của Cha hằng nâng đỡ,
lối bước con đi nguồn ánh sáng soi đường.
Chúa là thần lương tặng ban nguồn sức sống,
tình Chúa mênh mông, tươi mát, cuộc đời nên thơ.
M. Madalena Hoa Ngâu
————————————–
Huyền Nhiệm
Lễ Mình và Máu Thánh Chúa – A
***
Bánh Thánh Thể. Tình yêu huyền nhiệm,
tình cao vời nhưng tình rất đơn sơ.
Gần gũi con cho thỏa nỗi mong chờ,
hóa thân thành tấm bánh,
một tình yêu tự hiến.
Chúa yêu con, chịu nát nghiền, tan biến,
chịu đớn đau, chịu hủy hoại thân mình.
Trái tim nồng rung nhịp đập hy sinh,
chịu nghiền nát,
để chữa lành vết thương lòng con đầy dấu tích.
Tình tràn đầy, tình sâu xa, khăng khít,
chịu hòa tan thành thịt máu trong con.
Tình hiệp thông, tình kết hiệp vuông tròn,
Tình thân mật như cành nho,
gắn kết cùng thân nho hiệp nhất.
Chiêm ngắm Thánh Thể, tâm hồn con ngây ngất,
chúc tụng, ngợi khen,
cảm tạ tình yêu Chúa vô biên.
Bài học Chúa dạy con,
trở nên khiêm nhu, nhỏ bé, dịu hiền,
biết quên mình, chịu thiệt thòi,
vì Chúa, vì tha nhân trong tình mến.
Tình gọi tình, nhạc lòng con rung tiếng,
Giêsu ơi! Con muốn thuộc về Ngài.
Nên giống Ngài, trở thành bánh thơm ngon,
trở nên lương thực,
chia sẻ kiếp nghèo,
xây tình huynh đệ.
Huyền nhiệm quá!
Tình yêu Ngài trong con cùng dâng hiến.
AP. Mặc Trầm Cung