SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 851, CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN – A, CHÚA BA NGÔI, 04/06/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 3, 16-18)

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Thiên Chúa Tình Yêu ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Thiên Chúa Yêu Thế Gian Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Ba Ngôi Nên Một Tình Yêu Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Trao Ban Cả Mạng Sống Mình Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Huyền Nhiệm Hạt Nắng Trg 9
Huyền Nhiệm Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Huyền Nhiệm Tình Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Gương Hiệp Nhất A.P. Mặc Trầm Cung Trg 12

 

Thiên Chúa Tình Yêu

Một bạn trẻ hỏi tôi: “Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây chùa thì chọn những nơi rừng núi thâm u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây nhà thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?” Tôi trả lời: “Bạn quả là có con mắt nhận xét. Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực ra, phát xuất từ quan niệm nền tảng của đạo. Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Phật vì thấy những cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm môt con đường mong giải thoát chính mình và nhân loại khỏi cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa. Trái lại đạo Công Giáo là đạo nhập thế. Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương, đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh. Chúa Giêsu xuống trần không chỉ là nhập thế, mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa, đó là nhập thể. Có thể nói đạo Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.

Thiên Chúa đi tìm con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Không yêu thương thì chẳng việc gì phải đi tìm. Đi tìm tức là có quan tâm. Xa vắng thì nhớ. Thấy khổ vì thương. Vì thương, vì yêu nên phải cất bước đi tìm.
Không phải Thiên Chúa chỉ yêu thương khi con người gặp đau khổ. Thực ra Thiên Chúa đã yêu thương con người từ trước, từ khi chưa có con người. Vì Thiên Chúa là tình yêu thương.

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu thì không thể sống đơn độc nên phải có Ba Ngôi. Vì yêu thương không chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh. Muốn cho đi, phải có đối tượng để nhận lãnh. Muốn nhận lãnh cũng đòi phải có người sẵn sàng cho đi. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa là Ba Ngôi để có thể cho đi và nhận lãnh.

Thiên Chúa là tình yêu tuyệt hảo nên sự cho đi và nhận lãnh ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa cũng đạt đến mức tuyệt hảo. Thiên Chúa Cha trao ban cho Chúa Con tất cả những gì mình có, nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, đến nỗi Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy, Thầy và Cha là một”. Vì yêu, Chúa con dâng lại cho Chúa tất cả những gì mình nhận lãnh. Việc hiến dâng này ta thấy rõ trong thái độ khiêm tốn, tự hạ, vâng phục vô biên của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Chúa Giêsu đã quả quyết: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu”. Và Người đã vì Chúa Cha mà hiến mạng sống.

Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối. Tình yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân mình. Cũng không chỉ dừng lại ở một đối tượng hạn hẹp. Nhưng vượt mọi ranh giới, lan toả đến mọi góc biển chân trời. Ba Ngôi Thiên Chúa là một bầu trời tình yêu hạnh phúc. Nhưng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan toả đến khắp vũ trụ, ấp ủ cả thế giới, nâng niu cả sinh linh vạn vật. Ba Ngôi là một lò lửa tình yêu. Lò lửa tinh luyện tình yêu càng ngày càng phong phú, là nguồn mạch của mọi tình yêu trên đời.
Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như thế không xa vời. Trái lại rất gần gũi, thiết thân với đời sống chúng ta, là nguồn mạch sự sống của ta, là khuôn mẫu ta phải noi theo, là cùng đích ta phải đạt tới.

Ta ra đời là do tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói nhân loại là kết tinh của tình yêu Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta”. Thiên Chúa là tình yêu. Con người giống Thiên Chúa vì có trái tim biết yêu thương. Cây cỏ không có trái tim biết yêu thương. Cầm thú không có khả năng yêu thương. Chỉ có con người mới có khả năng yêu thương vì con người giống Thiên Chúa.
Nhưng tình yêu ở nơi con người chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét. Vì thế con người còn phải thanh luyện cho tình yêu ngày càng thêm tinh tuyền, thêm quảng đại, thêm phong phú. Càng yêu thương con người càng nên giống Thiên Chúa. Càng quảng đại con người càng gần với trái tim Thiên Chúa. Càng quên mình con người càng tham dự vào sự sống Thiên Chúa.

Được sinh ra trong tình yêu nên con người phải sống bằng tình yêu. Như thế con người mới sống trọn định mệnh đời mình. Như thế con người mới đạt được cùng đích đời mình là sống hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn mạch tình yêu, là sự sống sung mãn, là thiên đàng hạnh phúc, con đã được sinh ra trong tình yêu của Chúa. Xin cho con biết sống tình yêu hy sinh theo gương Chúa Giêsu Kitô, để con được kết hợp với Chúa, sống chan hoà hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ
1) Thiên Chúa là tình yêu. Bạn cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa thế nào?
2) Bạn có là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa chưa?
3) Bạn làm gì để sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

————————————

 

Thiên Chúa Yêu Thế Gian

Gõ vào Google chữ Holy Trinity tôi tìm thấy cả một rừng giải thích về Chúa Ba Ngôi nhưng hầu hết chỉ là lịch sử hình thành tín điều, vài công thức và suy tư thần học. Lời Chúa trong Ga 3,16-18 trình bày Chúa Ba Ngôi cách sinh động hơn nhiều, có cả một nội dung của cái mà người ta quen gọi là tính hiện sinh (existentiality), vì nó chạm tới hiện hữu sống động của từng con người nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…”

Trong những ngày này, tôi đang đọc và dịch cuốn “Heart Speaks to Heart” của tác già Windy M. Wright về linh đạo Salê. Tôi rất tâm đắc với trình bày của thánh Phanxicô Salê về ‘viễn ảnh một thế giới của các con tim’, đặc biệt lối diễn tả của ngài về nguồn gốc của cái thế giới đó, tuy đậm nét thần học về Chúa Ba Ngôi nhưng lại rất sinh động và đầy tính thuyết phục.

“Cho dầu trong bản chất Thiên Chúa vượt xa những gì con người có thể hình dung, ta vẫn có thể nói một cách biểu tượng rằng Ngài có một Con Tim là nguồn mạch mọi thứ tình yêu. Con Tim Thiên Chúa trao ban sự sống. Đó là cõi lòng. là mạch nước, là sinh lực sôi sục, nóng bỏng. Con Tim đó thở, đập nhịp và co thắt. Con Tim Thiên Chúa là Ba Ngôi vì được cấu thành bởi tình yêu hỗ tương trao ban cho nhau giữa Chúa Cha và Chúa Con ‘được thực hiện trong cùng một khát vọng duy nhất là trao hiến tình yêu cho nhau… khát vọng duy nhất đó không gì hơn là chính Thần Khí cùng được phóng ra do hai hơi thở đồng xuất ra một lúc’. Đặc tính Thiên Chúa tự bản chất được mường tượng như một mối tương quan rất năng động. Trong sự sung mãn vô biên, Ba Ngôi tự bùng nổ và tuôn trào. Thực tế thì tạo vật chẳng qua chỉ là kết quả của năng lượng nội tại của Tình Yêu tuôn trào và trao ban chính mình cách dư dật. Hơn thế nữa, Con Tim thần linh đó tiềm tàng trong tạo vật còn hành động theo cách tương quan sinh động. Trong hiến dâng, Tình Yêu cũng muốn lãnh nhận và lôi cuốn về mình tất cả mọi điều Ngài đã dựng nên. Do đó, ta có thể nói Con Tim Thiên Chúa say mê, yêu mến con tim nhân loại, và hằng mong được kết hiệp với nó”.

Thật là một lối diễn tả tuyệt vời! Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu sinh động sung mãn. Và ta có thể hình dung điều gì sinh động hơn là một quả tim rung động vì yêu thương, từ đó vọt ra một sức yêu mãnh liệt, chan hòa và bất tận… để rồi lại muốn thu hút, thâu tóm về mình tất cả những gì mang nét yêu thương cho dầu nhỏ mọn nhất? Tạ ơn Chúa đã dựng nên con người trên cõi đời này, cho dầu thể lý hay tinh thần họ có là thế nào đi nữa, vì tất cả họ đều được xuất phát từ Con Tim yêu thương! Và còn đáng tạ ơn hơn nữa khi Ngài cho phép chúng ta xoay quanh quĩ đạo của hành tinh Mặt Trời Tình Yêu chói lọi bằng chính sự yếu hèn của mình, vì nhờ đó chúng ta có khả năng đón nhận lực hấp dẫn của lòng nhân ái xót thương mạnh mẽ hơn. Mạc khải vĩ đại nhất, chân lý toàn vẹn nhất chính là nhận biết điều kỳ diệu này, không phải bằng trí óc hiểu biết hay suy luận… như hình ảnh ‘múc cạn nước đại dương đổ vào lỗ cát’ trong câu chuyện truyền thuyết về thánh Âu Tinh, nhưng bằng con tim và cõi lòng mà mọi người chúng ta, bất kỳ ai, cũng đều có. Quả thực Chúa Ba Ngôi là chân lý sống động mà bất cứ con người nào cũng đều có thể nắm bắt ít nhiều bằng chính con tim nhân loại của mình; tuy nhiên để thật sự khai thác thành sức sống sung mãn thì cách duy nhất là đi vào trong tác động của Thần Chân Lý và Tình Yêu; “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Phải chăng đây mới chính là sự thật toàn vẹn mà Đức Giêsu đang đề cập tới: Ba Ngôi Tình Yêu là sự thật toàn vẹn vì chân lý này mang lại cho mọi người chúng ta sức sống mãnh liệt và sung mãn nhất? Chính qua và nhờ các mảnh vụn tình yêu bé nhỏ mà Thánh Thần còn tìm thấy trong tôi giữa cả một rừng những yếu đuối và tội lỗi, mà tôi được đưa vào mầu nhiệm cao quí này cách sung mãn và dồi dào nhất, được thăng hoa tới Con Tim – Lò Lửa tình yêu vĩ đại nhất là Chúa Ba Ngôi.

Như thế Kitô hữu chúng ta rất đáng tự hào về ‘mầu nhiệm’ cao cả Thiên Chúa Ba Ngôi (cho dầu bản thân tôi khi sử dụng từ ‘mầu nhiệm – mystery’ vẫn thấy không ổn chút nào, vì có cảm giác mung lung theo ý nghĩa thường được giải thích: mầu nhiệm là điều không thể hiểu được!). Kitô hữu chúng ta quá hãnh diện về mạc khải lớn lao và quan trọng bậc nhất này, vì chúng ta khởi sự và sống niềm tin của mình luôn trong “nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Và còn hơn thế nữa, ta có quyền vui mừng khôn xiết vì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thực sự trọn vẹn bao phủ sự hiện hữu, tiếp hơi ấm cho đời, ban cho ta niềm vui và cậy trông không hề tàn lụi giữa kiếp sống thường khi phủ kín mây đen, và tiếp cho ta sức mạnh vô địch khi thân xác và tinh thần tàn rữa và yếu đuối. Chỉ khi nào Ba Ngôi Thiên Chúa trở thành tất cả cho mình và cho đời mình, tôi mới có thể quả quyết được rằng tôi đang tuyên xưng mầu nhiệm cao cả này như một Kitô hữu đích thực: “Tôi tin kính một Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha toàn năng….”.

Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay phải là ngày chúng ta cảm nhận được điều này cách sinh động hơn bao giờ hết!

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, con tôn thờ tình yêu vĩ đại; con ca ngợi và cảm tạ Chúa vì ơn gọi Kitô hữu đã cho con khả năng nhận biết Con Tim Thiên Chúa đầy yêu thương. Con ước muốn làm sao cho mọi người được cùng con cất lời cảm tạ và tôn thờ sức sống tuyệt diệu và sung mãn này. Xin cho con luôn đáp lại mệnh lệnh khẩn thiết: “Hãy đi và… làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”; nhưng trước hết xin cho con được trọn vẹn hòa tan trong Con Tim rực lửa yêu của Ba Ngôi nhiệm mầu trong chính sự hèn yếu của con. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

————————————-

 

Ba Ngôi Nên Một Tình Yêu

Tình yêu là yếu tố nền tảng làm nên một mái ấm gia đình. Vì “có được tình yêu là có tất cả”. Tình yêu là động lực để con người gắn kết và vun đắp hạnh phúc cho nhau. Thánh Augustinô từng nói “Cứ yêu đi, rồi bạn sẽ biết mình phải làm gì?”. Nhờ tình yêu mà hai người quảng đại dâng hiến trọn vẹn cho nhau qua lời thề trong nghi thức hôn nhân rằng: “Anh/em …, hứa giữ lòng chung thủy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan . . . để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời”.
Nhưng ngày nay, khi nghe tới lập gia đình nhiều người tỏ ra ngán ngẩm. Ngán ngẩm vì mất lòng tin giữa con người với nhau, về chủ nghĩa thực dụng, về giá trị gia đình, về hiện trạng ngày nay có nhiều gia đình đổ vỡ, nhiều người bị tổn thương vì gia đình,…
Nguyên nhân chính là vì người ta xây dựng gia đình trên nền tảng của đồng tiền, của địa vị và sắc đẹp. Có người nói vui rằng: tình yêu là chín mà tiền bạc là mười, nhưng của cải, địa vị sắc đẹp đều có thể thay đổi theo thời gian, nên hôn nhân dựa trên những điều phù du ấy cũng sớm chia tay, đường ai nấy đi.
Đối với đức tin Kitô giáo thì tình yêu sẽ liên kết chúng ta nên một với nhau trong Chúa. Vì “Ở đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời”, “Ở đâu có hai ba người tụ họp lại mà nhân danh Ta thì có Ta ở giữa”… Có tình yêu là có sự hiện diện của Chúa. Sự hiện diện của Chúa sẽ liên kết chúng ta nên một trong một đức tin, một đức cậy và đức mến.
Sứ điệp lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi người tín hữu hãy ra khỏi chính mình để hiệp nhất với nhau như tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì căn bản của tình yêu là ra khỏi chính mình, là cho đi, là hy sinh quên mình. Ba Ngôi Thiên Chúa đã ra khỏi chính mình để lan tỏa tình yêu đến cho nhân thế. Tình yêu của Ba Ngôi đã tỏ bày qua tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa để con người luôn sống trong sự che chở quan phòng của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chúng ta có thể hình dung về Thiên Chúa Ba Ngôi như một gia đình: Gia Đình Thiên Chúa. Gia đình tuy có ba thành phần khác nhau, song luôn luôn hiệp nhất với nhau. Yếu tố nòng cốt để có sự hiệp nhất trong gia đình chính là tình yêu, và tình yêu làm nên hạnh phúc, mà bản chất của Thiên Chúa lại là Tình yêu. Chúng ta cũng thuộc về Gia Đình Thiên Chúa khi sống yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta.
Sống yêu thương là sống ở trong Thiên Chúa; và đó là Nước Trời, vì “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Gia đình yêu thương là ở trong tình yêu tròn đầy của Thiên Chúa sẽ không vơi cạn hạnh phúc và bình an.
Thế giới hôm nay đang lạnh giá vì thiếu vắng tình yêu và sự sum vầy. Nhiều cuộc hôn nhân không có hạnh phúc vì thiếu lòng quảng đại. Nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ vì thiếu sự chia sẻ, bổ túc cho nhau, thay vào đó là sự ích kỷ và thờ ơ. Nhiều mái gia đình đã trở thành hỏa ngục khi những xung đột không được tháo gỡ bằng bao dung, cảm thông mà là những cuộc chiến để loại trừ nhau.
Thế nên, hãy ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình để sống trong sự liên đới với nhau. Và hãy ra khỏi chính mình để sống yêu thương người bên cạnh của chúng ta. Vì:
Dẫu xây chín bậc phù đồ
Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người
Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống chia sẻ với nhau như tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa và xin cho chúng ta biết gìn giữ ngọn lửa yêu thương của Thiên Chúa để toả sáng tình yêu và hy vọng cho thế gian. Amen
Lm Jos Tạ Duy Tuyền

——————————————

Trao Ban Cả Mạng Sống Mình

Có bệnh nhân nhiễm Covid nặng. Hai lá phổi bị tàn phá nặng nề, vô phương cứu chữa. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ kết luận chỉ còn liệu pháp ghép phổi mới có thể cứu sống bệnh nhân. Nhưng tìm đâu ra người hiến tạng trong lúc cấp bách nầy? Hỏi trong số người nhà bệnh nhân: “Có ai vui lòng hiến một lá phổi để cứu sống bệnh nhân nầy không”, thì mọi người đều phân vân, do dự rồi lặng im!

Còn bạn, nếu bạn là người nhà, là anh chị em của bệnh nhân, bạn có bằng lòng hiến một lá phổi khỏe mạnh của mình để cứu sống người thân không?

Và nếu bạn lâm vào tình trạng đau thương như bệnh nhân nầy, có ai thương bạn đến nỗi hiến tạng để cứu bạn không? Chắc là không.

Phải có tình yêu rất lớn lao, người ta mới chấp nhận hiến tạng cho người khác.

Hiến tặng một bộ phận trong cơ thể để cứu người khác khỏi chết là chuyện hiếm có trên đời. Vậy thì việc hy sinh toàn thân, hy sinh cả mạng sống mình cho người khác lại càng hiếm có hơn.

Thế mà vì yêu thương loài người vô hạn, Thiên Chúa Cha đã hiến ban Con Một yêu quý của mình để cứu nhân loại, đồng thời Chúa Giêsu cũng tự trao hiến mạng sống mình cho muôn người được sống.

Từ khi ông bà nguyên tổ và con cháu nối tiếp nhau sa vào tội lỗi, sự chết đã nhập vào thế gian, khiến loài người phải trầm luân muôn đời trong đau khổ.

Muốn cứu loài người thoát khỏi hậu quả khủng khiếp của tội, Thiên Chúa Cha đã trao hiến Con Một Ngài làm phương dược cứu đời. Thế là Chúa Con hạ mình xuống thế, mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân và Ngài phải chịu khổ nạn vô cùng đau thương để đền tội cho muôn người và phải chết ê chề nhục nhã để cho họ được sống đời đời.

Trao ban bản thân và sự sống mình để cứu muôn người được sống là biểu lộ cao nhất của tình yêu, là tột đỉnh của tình yêu thương.

Chính Chúa Giêsu đã bày tỏ điều nầy như sau:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ” (Gioan 3, 16-17).

Tôi tớ thấp hèn tự nguyện chết thay cho vua chúa cao sang là điều hiếm có; còn việc vua chúa cao sang hiến thân chết thay cho hàng tôi tớ thì không hề có trên đời.

Vậy mà Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa tể trời đất vô cùng cao cả, lại hiến thân chết thay cho loài người hèn mọn là hành vi cao quý trên cả tuyệt vời. Chỉ vì quá đỗi yêu thương, Thiên Chúa mới có thể hy sinh như thế.

Đền đáp hồng ân
Khi được người khác biếu tặng một món quà, ai trong chúng ta cũng đều nhớ ơn ân nhân và tìm cách đền đáp lại bằng món quà tương xứng. Người nào quên đền ơn đáp nghĩa sẽ bị xem là kẻ vô ơn, là không biết điều.

Thế thì khi được Chúa Trời ban tặng chính Con Một Ngài để cứu mạng cho chúng ta, khi được Chúa Giêsu hiến thân chịu chết để cứu ta khỏi chết muôn đời, có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc đền đáp công ơn trời biển đó chưa?

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha yêu thương chúng con đến nỗi hiến ban Người Con Một xuống thế cứu sống chúng con; Chúa Con yêu thương chúng con đến nỗi hiến dâng cả mạng sống và trao ban cho chúng con đến giọt máu cuối cùng…
Xin cho chúng con đừng thờ ơ hững hờ, vô tâm vô cảm trước tình yêu trời bể ấy nhưng biết đền đáp tình yêu Chúa bằng cách hiến dâng cuộc sống mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

—————————————-

 

Huyền Nhiệm
Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm A

Nhớ thương ấp ủ cả sinh linh

Mầu Nhiệm tim Cha sung mãn tình

Sự sống vô biên bừng ánh sáng

Lửa thiêng viên mãn tỏa quang minh

Ngôi Lời cứu chuộc đời trần thế

Thần Khí hộ phù kiếp nhân sinh

Hiệp nhất Ba Ngôi nguồn hạnh phúc

Toàn năng cao cả mãi trung trinh.

Hạt Nắng

—————————————

 

Huyền Nhiệm Tình Yêu
Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm A

Từ muôn đời Chúa tạo dựng nên con,
gọi tên con khi hoài thai trong lòng mẹ.
Đưa con vào đời, khúc tình ca ru nhẹ,
thánh hóa con nên ngôn sứ của Người (Gr 1, 5)

Giữa đất trời, tình bay bổng chơi vơi,
ham mê trần thế, con đánh rơi sứ mạng.
Quá yêu con, Cha không hề quên lãng,
lời hứa xưa, tất tả kiếm tìm con,
dẫu giông tố bão bùng, dẫu chuyển động núi non,
sai Thánh Tử xuống trần,
hiến thân, chuyển thông ơn cứu chuộc.

Tìm gặp con, ban tràn đầy ơn phước,
đưa con về, ngụp lặn trong nguồn suối trường sinh.
Sức mạnh tăng cường, nhờ lương thực thần linh,
ban Đấng Bảo Trợ đồng hành, ủi an, nâng đỡ.

Tình Yêu Thiên Chúa bao la, rộng mở,
không xa vời, nhưng rất gần gũi thân thương.
Huyền Nhiệm Tình Yêu là khúc nhạc du dương
Ba Ngôi Thiên Chúa trong mối tình hiệp nhất.

Sống trong tình yêu, con nhận ra sự thật,
sự thật đời mình, được sinh ra bởi “Tình Yêu”.
Trọn đời con phải họa lại nét phong nhiêu,
chân dung Ba Ngôi Thiên Chúa,
hạnh phúc, yêu thương, tràn đầy sung mãn.

Huyền Nhiệm Tình Yêu vượt thời gian năm tháng,
toàn năng, cao vời, ngời sáng mãi thiên thu.

Bâng Khuâng Chiều Tím

————————————–

 

Huyền Nhiệm Tình Yêu
Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm A

Từ trong hư vô, Cha gọi con vào đời,
hạnh phúc tuyệt vời trong Tình Chúa Ba Ngôi.
Cứu chuộc đời con, Ngôi Hai chịu hiến tế,
xóa vết tội tình bao ngày sống buông trôi.

Tình yêu vô biên, tình Cha rất dịu hiền,
dòng suối trong lành tuôn tràn muôn ơn thiêng.
Bảo trợ đời con, Ngôi Ba nguồn an ủi,
nâng đỡ, dắt dìu qua ngày tháng truân chuyên.

Huyền Nhiệm Tình Yêu – Ba Ngôi Thiên Chúa,
Cao Siêu – Tuyệt Vời – Thánh Đức – Toàn Năng.
Huyền Nhiệm Tình Yêu – Tình Yêu Thiên Chúa
Ba Ngôi Nhiệm Mầu – Hiệp Nhất Yêu Thương.

Lòng vui hân hoan, ra đi khắp gian trần,
loan báo Tin Mừng, trong tình nghĩa tha nhân.
Chia sẻ tình thương, ngọt bùi chia khốn khó,
chung sức chung lòng, xây dựng mối tình thân.

M. Madalena Hoa Ngâu

——————————-

 

Gương Hiệp Nhất
Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm A

Được ngụp lặn giữa đại dương ân sủng,
được trở thành con của Thiên Chúa Tình Yêu.
Hạnh phúc vô biên,
hồn thoát bước cô liêu,
con được sống trong tình yêu,
giữa cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ngôi Chúa Cha một tình yêu chan chứa,
đã trao ban Con Một để cứu đời.
Ban sự sống dồi dào, ban ánh nắng xuân tươi,
con được gọi tiếng Abba,
được sống trong mối tình Phụ Tử.

Ngôi Chúa Con đã đi vào lịch sử,
chia sẻ kiếp người, chịu máu đổ, lệ rơi.
Để nâng con lên thành con cái Nước Trời
được trở thành bạn hữu,
cùng Ngài đi rao truyền chân lý.

Chúa Ngôi Ba là Đấng ban Thần Khí,
phù trợ con trên vạn nẻo đường đời.
Thánh hóa, kiện toàn bằng lửa mến tinh khôi,
kết hợp với Giáo Hội trong tinh thần thông hiệp.

Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi,
Mầu Nhiệm Tình Yêu bất diệt.
Vượt qua mọi phạm trù trí hiểu của nhân sinh.
nhờ ánh sáng Đức Tin con thấu hiểu ân tình,
Tam Vị Nhất Thể mẫu gương cộng đoàn hiệp nhất.

AP. Mặc Trầm Cung