“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 21, 1-11)
Khi các ngài đến gần Giêrusalem, vào địa hạt Bếtphaghê, giáp núi Cây Dầu, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, sẽ gặp ngay một con lừa mẹ cột ở đó với con lừa con. Các con hãy mở dây, dẫn về đây cho Thầy; và nếu có ai bảo các con điều gì, thì hãy nói: Chúa cần đến chúng, và Ngài sẽ gởi trả lại ngay”. Mọi việc này xảy ra để ứng nghiệm lời tiên tri đã phán:
“Các ngươi hãy bảo thiếu nữ Sion rằng: Kìa vua ngươi nhân ái đến cùng ngươi, ngồi trên lừa mẹ và lừa con, là con của con vật chở đồ”.
Các môn đệ ra đi và làm theo lời Chúa Giêsu dạy bảo. Hai môn đệ dẫn lừa mẹ và lừa con về, trải áo lên mình chúng và đặt Chúa ngồi lên trên. Phần đông dân chúng trải áo xuống đường, kẻ khác thì chặt nhành cây trải lối đi. Dân chúng kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: “Hoan hô con vua Đavit! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời!”
Khi Ngài vào thành Giêrusalem, thì cả thành phố náo động và nói rằng: “Người đó là ai vậy?” Dân chúng trả lời rằng: “Người ấy là Tiên tri Giêsu, xuất thân từ Nadarét, xứ Galilêa”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Con Đường Chúa Đi & Tình Yêu Đáp Lại Hận Thù ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
ThiênChúa Mang DiệnMạo MộtThủLãnh HiềnHòa Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 5
Đấu Tố Thời Internet! Lm. Jos Tạ Duy TuyềnTrg 7
Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 9
THƠ TIN MỪNG
Thánh Lộ Hạt Nắng Trg 11
Đường Thập Giá Trổ Hoa Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 12
Đường Tình Cho Con Đi M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Hành Trình Yêu Thương & Philatô – Mẫu Gương Hèn Nhát & Đức Giêsu – Mẫu Gương Vâng Phục A.P. Mặc Trầm Cung Trg 14
Con Đường Chúa Đi
Lễ Lá có một khởi đầu vui nhưng lại có một kết cục buồn. Khởi đầu Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêsusalem. Kết cục, Chúa Giêsu chịu kết án, chịu khổ hình và chết trên thập giá. Con đường vào thành của Người là con đường vinh quang vương giả. Nhưng con đường lên Núi Sọ lại là con đường của kẻ tội đồ.
Đám rước tưng bừng ngày Lễ Lá gọi ta cùng tiến bước theo Chúa.
Tiến bước theo Chúa để hiểu rằng hành trình không kết thúc tại cổng thành Giêrusalem với đám đông ngưỡng mộ, với cành lá và quần áo trải thảm đường đi, nhưng kết thúc trên Núi Sọ với thập giá, với những lời nhục mạ, với hai tội nhân đồng hành. Chúa Giêsu không xưng vương trước đám đông cuồng nhiệt nghênh đón, nhưng lại xưng vương trước mặt Philatô, khi tay đã bị trói, khi thân thể đã tan nát không còn hình tượng con người, khi đã mất hết uy tín, đứng trước vành móng ngựa như một phạm nhân. Danh hiệu là Vua chỉ được chính thức ghi bằng chữ viết khi Người bị treo trên thập giá.
Hành trình của Chúa là một hành trình gian khổ. Đích điểm chỉ đạt tới sau khi đã từ bỏ tất cả, không phải chỉ là nhà cửa, y phục mà cả những người thân, cả thành công, cả danh dự, cả mạng sống.
Tiến bước theo Chúa để chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của lòng người.
– Cũng đám đông ấy, hôm trước vừa vung tay chân hoan hô Chúa, hôm sau đã vội vung tay vung chân kết án Chúa.
– Cũng đám đông ấy hôm trước vừa reo hò chúc tụng Chúa, hôm sau cũng vẫn reo hò, nhưng để buộc tội Chúa.
– Cũng đám đông ấy, hôm trước vừa chen lấn nhau để nghênh đón Chúa, hôm sau đã xúm đông xúm đỏ để hành hạ Chúa.
– Cũng đám đông ấy, hôm trước vừa cởi áo, chặt cành lá lót đường Chúa đi, hôm sau đã lột áo Chúa, chặt cành gai cuốn lên đầu Chúa.
Tiến bước theo Chúa để dứt khoát lựa chọn cho mình một con đường.
Đường vào Giêrusalem chỉ có một và rộng thênh thang. Mọi người đều tụ tập và cùng chung lối bước. Nhưng đường lên Núi Sọ chật hẹp và chia ra muôn ngả. Mỗi người đi theo con đường của mình.
Đường Giêrusalem đông vui và phấn khởi vì mọi người ca hát tưng bừng. Nhưng đường lên Núi Sọ thật buồn thảm, chỉ có tiếng roi vọt, tiếng than khóc, tiếng chửi rủa.
Đường vào Giêrusalem mọi người đều theo Chúa, mọi người đều là môn đệ Chúa. Nhưng đường lên Núi Sọ chỉ còn ít người theo Chúa. Có những người đã phản bội. Có những người đã trốn chạy. Có những người đã chối bỏ Thầy.
Đường vào Giêrusalem có con lừa chở Chúa. Nhưng đường lên Núi Sọ Chúa phải vác thánh giá.
Đi theo Chúa trên đường vào Giêrusalem thì dễ dàng và vui vẻ. Nhưng theo Chúa trên con đường Núi Sọ mới thật chông gai.
Nếu tôi có mặt ở đó, tôi sẽ dễ dàng hoà nhập vào đoàn người cầm cành lá đón rước Chúa. Nhưng khi Chúa đi lên Núi Sọ, tôi sẽ rẽ sang đường nào? Tôi sẽ rẽ sang con đường phản bội của Giuđa? Tôi sẽ rẽ sang con đường chối Chúa của Phêrô? Tôi sẽ rẽ sang những con đường hẻm in dấu chân trốn chạy của các môn đệ? Tôi sẽ phụ họa với đám đông kết án Chúa? Hay tôi cũng theo quân lính đánh đập Chúa? Trước sau gì tôi cũng phải lựa chọn một con đường.
Lạy Chúa, xin cho con luôn tiến bước theo Chúa trên mọi nẻo đường Chúa đi. Xin thêm sức cho con để con kiên trì theo Chúa trên đường lên Núi Sọ. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Hãy so sánh đường vào thành Giêrusalem và đường lên Núi Sọ.
2) Nếu bạn có mặt ở Giêrusalem hôm ấy bạn sẽ làm gì?
3) Bạn dám có lập trường riêng hay bạn chỉ biết làm theo đám đông?
Tình Yêu Đáp Lại Hận Thù
Ngày Lễ Lá cho ta chứng kiến những đổi thay bất ngờ của cuộc đời và của lòng người. Dân chúng vừa mới hân hoan cầm cành lá đón tiếp Chúa đã lập tức quay lại la ó kết án Chúa. Chúa Giêsu vừa mới long trọng vào thành như một ông vua nay đã phải đứng trước toà Philatô như một tử tội. Giuđa vừa ăn chung một bánh, uống chung một chén với Thầy đã vội vàng ra đi nộp Thầy. Các môn đệ vừa mới ngồi đồng bạn với Thầy nay đã bỏ trốn. Phêrô vừa mới hăng hái thề sống chết bên Thầy đã mau chóng hèn nhát chối Thầy.
Những biến cố dồn dập, những đợt sóng thù hận giận dữ dâng cao đến tột đỉnh như muốn nghiền nát Chúa Giêsu. Nhưng Người vẫn luôn giữ được tâm hồn bình an thanh thản, thái độ quan tâm ân cần và trái tim chan chứa yêu thương.
Trước hết ta thấy Người thanh thản và chủ động bước vào cuộc Thương khó khi Người nói với các môn đệ: “Thầy ước ao dự bữa tiệc Vượt qua với các con”. Trước cái chết ai cũng run sợ. Nếu chết là hết thì cái chết thật là đáng sợ. Nhưng với Chúa Giêsu, chết là về cùng Chúa Cha. Người yêu mến Chúa Cha, khao khát kết hiệp với Chúa Cha, nên Người thanh thản bước vào cuộc khổ nạn để được về cùng Cha.
Quân lính hung hãn đến bắt Chúa Giêsu, nhưng Người vẫn hiền hoà không kháng cự.
Bị vây bọc trong bầu khí sát máu, Người vẫn cư xử với lòng nhân hậu khoan dung. Không lo cho an nguy của bản thân, giữa lúc khó khăn khốn đốn vẫn mở rộng bàn tay nhân ái chữa lành vành tai bị đứt của người đày tớ vị thượng tế.
Khi Giuđa đến hôn mặt Chúa Giêsu, Người vẫn đối xử một cách lịch sự, tế nhị. Đối lại tội phản nghịch tày trời, Người chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở, hy vọng đánh thức lương tâm người học trò mê tiền mà đi đến phản bội.
Lúc đang xét xử, dù phải chịu nhục nhã cay đắng, Người vẫn quan tâm đưa mắt nhìn Phêrô. Vị đại diện các môn đệ, sau khi chối Thầy, đã nhận được ánh mắt âm thầm của Thầy. Ánh mắt hiền dịu mà đau khổ. Ánh mắt trách móc thì ít mà tha thiết van xin thì nhiều. Ánh mắt nhân từ tha thứ đã khiến Phêrô ray rứt khôn nguôi.
Trên đường lên Núi Sọ, dù vai phải mang cây thánh giá nặng nề, dù bản thân yếu mệt và tủi nhục, Người vẫn còn đứng lại an ủi những người phụ nữ khóc lóc, an ủi đám dân đã tố cáo, đã kết án Người.
Trên thập giá, lúc đớn đau đã thấm vào đến tận xương tuỷ, lúc sức lực đã cạn mòn, Người vẫn còn quan tâm lắng nghe người trộm lành.
Còn hơn thế nữa, Người tha thứ cho những sĩ quan, những binh lính đã hành hạ. Người không chỉ tha thứ mà còn cầu nguyện xin Chúa Cha tha cho tất cả mọi người có dính líu vào việc xử án Người.
Tình yêu thương của Người là làn ánh sáng xé tan bóng đêm thù hận, chiếu soi cả những người ghét ghen. Tình yêu thương của Người giống như loài gỗ quý nhuốm cả hương thơm vào lưỡi búa đã đốn ngã nó (Fulton Sheen). Tình yêu của Người như đoá hoa sen. Bùn lầy có dậy lên cũng không nhiễm được vào đoá hoa tinh khiết thánh thiện. Tình yêu của Người là tình yêu nguyên tuyền không vẩn một chút oán hờn giận ghét, vượt lên trên tất cả những hận thù, nhỏ nhen, hèn nhát, phản bội. Giữa những hung hãn tàn bạo, Người vẫn yêu thương. Giữa những phản bội, Người vẫn tha thứ. Tình yêu của Người đã thắng.
Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Thiên Chúa Mang Diện Mạo
Một Thủ Lãnh Hiền Hòa
Sự kiện Đức Giêsu long trọng tiến vào Giêrusalem được các Phúc Âm nhất lãm, kể cả Phúc Âm Gioan, đồng loạt thuật lại; và sự kiện này luôn được phụng vụ gắn liền với cuộc tử nạn mà Người sẽ phải chịu tại đó. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà kinh thánh học, thì các chi tiết của cuộc đón rước Chúa vào thành thánh, như được mô tả, lại phù hợp với lễ Lều cử hành vào tháng 09 dương lịch, hơn là những ngày trước lễ Vượt Qua (xem bình giải Mt 21 trong Lời Chúa cho mọi người). Điều này cho thấy, đối với các tác giả sách Tin Mừng, diện mạo Đức Giêsu trong sự kiện này có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc thương khó và cái chết mà Người sẽ phải chịu sau này.
“Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ”. Tôi không rõ, trong văn hóa Do Thái, hình ảnh một thủ lãnh cưỡi trên lưng lừa con nói lên điều gì đặc biệt. Căn cứ vào trích đoạn từ ngôn sứ Dacaria (Dcr 9, 9-10), thì rõ ràng hai thuộc tính hiền hậu và khiêm tốn được đề cao, đối kháng với hình ảnh cao ngạo, chinh phục và thống trị của các danh tướng trên lưng chiến mã. Mỗi khi đọc các bài tường thuật thương khó, tôi vẫn thấy khó chịu khi Philatô diễu cợt cái diện mạo nực cười của phạm nhân ‘vua’ đứng trước mặt ông: “Vậy ông là vua sao?.. Đây là vua các người… Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các ngươi sao?.. tấm bảng đó ghi: ‘Giêsu Nazareth, vua dân Do Thái” (Ga 18,37; 19,14.15.19). Đối với một quan chức Rôma đầy quyền lực như ông thì suy nghĩ như vậy cũng phải thôi: đã là vua thì phải khác, không thể chấp nhận cái diện mạo kỳ cục này: thủ lãnh cưỡi lừa! Trước những người Do Thái hay cao ngạo về diện mạo Đấng Kitô vẻ vang mà họ mong đợi, quan tổng trấn không ngừng hạ nhục: “Các ngươi muốn ta phóng thích ai cho các người đây: Baraba hay Giêsu, cũng gọi là Kitô? (Mt 27,17.22) Thế nhưng xem ra cái hình ảnh ‘thủ lãnh cưỡi lừa’ này lại thích hợp với câu tung hô ‘Hôsanna!’ theo nghĩa ‘hãy cứu chúng tôi!’ hơn (xem bình giải: idem): đương nhiên ‘cứu chúng tôi’ có thể bằng quyền lực thống trị như bất kỳ lãnh tụ nào khác, hay ‘cứu chúng tôi’ bằng lòng từ bi và thương xót của “Đức Vua đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa”.
Quyền lực của thập giá chính là quyền lực của lòng từ bi thương xót! Nếu ai ai cũng đều, tự nguyện hay bị ép buộc, cúi rạp trước quyền lực thống trị và tung hô “Hôsanna” (vạn vạn tuế), thì chỉ Kitô hữu mới biết nhảy mừng hô vang “Hôsanna” (hãy cứu chúng tôi) trước thập giá cứu độ. Đối với họ, Đấng cưỡi trên ‘lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ” chắc chắn còn vẻ vang hơn các anh hùng cái thế chễm chệ cưỡi trên lưng chiến mã bách chiến bách thắng, là vì chỉ mình Ngài mới là niềm vui mừng và hy vọng cho thân phận yếu hèn triền miên của họ. Căn bản là vì Thiên Chúa họ tôn thờ, bây giờ và mãi mãi, vẫn luôn là vị Thiên Chúa của từ nhân và xót thương, một Thiên Chúa cứu độ gánh lấy tội lỗi của gian trần.
Người Do Thái thời đó, kể cả các môn đệ thâm tín nhất của Đức Giêsu, khi đối diện với cuộc khổ nạn Người chịu, đã không thể đứng vững (chứ chưa nói là tiếp tục hò reo mừng rỡ) vì sự hiền hậu quá mực khiêm hạ của khổ nạn và thập giá Người chịu. Tín hữu mọi thời cũng sẽ như thế thôi nếu chỉ tung hô “hôsanna – vạn vạn tuế!” mà không biết đến “hôsanna – hãy cứu chúng tôi!” phát đi từ đáy lòng, trong ý thức con người tội lỗi và yếu hèn tột cùng của mình. Tự bản thân, Phêrô đã phải học biết “Hôsanna” qua nhận thức đó; chính ông, bất chấp bao nhiệt tình và thiện chí, cũng vẫn chỉ là một người mỏng giòn dễ sa ngã. Ngược lại Giuđa thì không, anh không thể chấp nhận tội lỗi của mình nên đã ‘ném số bạc vào đền thờ và ra đi thắt cổ’ (Mt 27,5).
Từ suy tư trên, tôi nghiệm ra một điều thật quan trọng; trong suốt mùa chay, Hội Thánh kêu gọi Kitô hữu chúng ta nhìn vào thân phận tro bụi của mình (cả về thể chất lẫn tinh thần) là hoàn toàn có lý. Tình trạng sa ngã và phạm tội, mà ta đã phát hiện ra cách rất cụ thể nơi mình trong suốt thời gian này, không được làm ta ngắt tiếng hò reo “Hôsanna – hãy cứu chúng tôi!”, nhưng phải giúp ta phát hiện ra nội dung Tin Mừng hơn của lời tung hô ấy trong vui sướng nhảy mừng. Chỉ lúc đó, phải, chỉ khi ấy đối với mỗi chúng ta Đức Giêsu quả thực là “Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa”, một Thiên Chúa đầy thương xót và cứu độ. Chính hôm nay ta phải nghe được lời giới thiệu: “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ” thật tràn trề hy vọng và an ủi biết bao!
Lạy Thiên Chúa từ nhân, xin cho cặp mắt con không ngừng chiêm ngưỡng diện mạo ‘Con Người hiền hậu ngồi trên lưng lừa’. Xin cho cuộc sống Kitô hữu – tu sĩ – linh mục của con, nhất là trong những ngày tháng còn lại, sẽ chỉ là một nhảy mừng hy vọng với lời hô vang ‘Hôsanna – cứu chúng con!’ kéo dài. Xin cho các lỗi lầm con đã phạm trong suốt quá khứ cuộc đời càng thúc giục con đi đón Người cách phấn khởi và hân hoan hơn. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Đấu Tố Thời Internet!
Nếu Nguyễn Du sống ở thời đại này thì ông cũng ngao ngắn mà than rằng:
“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Dầu đây là thời đại của văn minh, của tiến bộ loài người, nhưng con người lại hành xử theo kiểu “vô pháp vô thiên”. Họ có thể nhân danh công lý để thay Trời hành đạo khi thấy những việc “chướng tai gai mắt” liền ra tay nghĩa hiệp, nhưng đã đi quá giới hạn, trở thành những kẻ vi phạm pháp luật, khi tự cho mình quyền kẻ cả để phán xét, xỉ vả, kết án anh em mình.
Mạng xã hội phát triển để con người gần nhau hơn, nhưng nhiều người lại tùy tiện mở những công đường trên không gian mạng và dẫn dắt cộng đồng theo ý họ để vu khống, bôi nhọ thanh danh người khác vô căn cứ. Ngay cả các tôn giáo cũng bị một số thành phần cực đoan dẫn dắt lèo lái để chia rẽ, mâu thuẫn với nhau. Thay vì cùng nhau thanh lọc những cái xấu thì lại theo ma quỷ để bưng bít bảo vệ cái xấu. Câu trước họ nói việc này cần phải cầu nguyện nhưng câu sau thì họ chửi và kết án những ai có tư tưởng không giống họ.
Khi con người tùy tiện hành xử theo ý mình mà ngồi trên lề luật thì xã hội sẽ tràn lan sự dữ và chắc chắn sẽ có rất nhiều những dân oan, những người công chính lại bị mang đi đóng đinh bởi những người nhân danh đạo đức, nhân danh tôn giáo để che đậy sự kiêu ngạo và lòng thù hận của mình. Thế lực sự dữ ngày càng manh động hơn, dẫn đến tình trạng mại thánh, rồi linh mục giả hay giả linh mục cũng tràn lan nhưng chẳng ai được phép lên tiếng, vì lên tiếng phơi bày sự xấu là “vạch áo cho người xem lưng”, là phản Tin Mừng, là phá giáo hội…
Thực ra những câu chuyện đấu tố ấy vẫn xảy ra từ thời các ngôn sứ. Giêrêmia cũng bị người ta bàn mưu tính kế giết hại. Vì ông đã nói sự thật về hiện tình dân tộc. Từ các mục tử đến người dân đã quên lời giao ước với Thiên Chúa. Ông khuyên mọi người để phòng tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng làm ơn mắc oán! Họ không nghe mà còn tìm cách để giết tiên tri.
Đức Giêsu sau ba năm rao giảng đầy thành công và được người dân yêu mến, lại trở thành cái gai trong mắt của những luật sĩ và biệt phái. Ngài hoàn toàn vô tội, nhưng bị đấu tố cách hung hãn và bị giết cách dữ dằn bất nhân bởi những người nhân danh tôn giáo. Nhưng Đức Giêsu vẫn vắt hết chút sức tàn trong hơi thở cuối cùng trên thập giá để thống thiết kêu xin Chúa Cha “tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm”!
Phụng vụ Tuần Thánh đưa chúng ta đi vào việc cử hành cuộc đấu tố và cái chết của Chúa Giêsu, cũng là đến gần để chiêm ngắm nỗi cô đơn tận cùng của Người… Xin Chúa cho chúng ta biết đồng cảm với Chúa, cũng chính là đồng cảm với những con người tử tế bị đấu tố và bách hại do ác tâm của những kẻ “không biết việc họ làm” hôm nay.
Chúa Giêsu chỉ có một nguồn trợ lực duy nhất của Chúa Cha để nhờ đó mà Ngài chiến thắng sự cô đơn, chiến thắng đau đớn khổ hình. Chúng ta cũng hãy cầu xin ơn trợ giúp từ Thiên Chúa để chiến thắng những nghịch cảnh xảy ra trong cuộc đời chúng ta.
Hãy yên tâm vì có Chúa luôn ở cùng chúng ta. Cuộc đời chúng ta sống cho Chúa nên những khốn khó vì Tin Mừng sẽ là những cành vạn tuế cho chúng ta cầm trong cuộc rước vào thành thánh Giêrusalem trên trời.
Lạy Cha, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Giờ Chiến Thắng Vinh Quang
Trước mắt người đời, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại não nề, là tấn thảm kịch đau thương khốn khổ nhất; thế nhưng, đối với Chúa Giêsu, đó lúc Ngài được tôn vinh , là thời điểm giành lấy chiến thắng.
Giờ đây, chúng ta cùng chiêm ngắm chiến thắng của Chúa Giêsu thông qua cuộc khổ nạn đau thương của Ngài.
Chúa Giêsu chiến thắng hận thù bằng lòng bao dung.
Bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu bị lùng bắt giữa đêm đen như một tên gian phi rồi bị đưa ra xét xử như một người gian ác và sau đó là một chuỗi đau thương trút xuống thân Ngài: Ngài bị phỉ báng, chế giễu, nhạo cười, bị đánh đòn hung tợn rách cả thịt da, phải đội vòng gai trên đầu, vác thập giá nặng nề và chịu treo thân trần trụi trên thập giá…
Thông thường, các tội nhân bị án đóng đinh thời ấy thường trút hết căm thù lên đầu những người kết án mình và tuôn ra những lời nguyền rủa độc địa dành cho kẻ nào gây đau khổ cho họ.
Thế mà khi chịu hành hình, Chúa Giêsu vẫn không mảy may oán hận! Ngài chiến thắng sự hận thù bằng lòng bao dung vô bờ bến. Ngài nhìn những kẻ gây khổ đau cho mình với ánh mắt thương xót, Ngài yêu mến họ bằng lòng nhân ái bao la… Và vì sợ Chúa Cha đánh phạt họ vì tội lỗi ngất trời của chúng, Ngài tha thiết cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ gây đau khổ và kết án tử cho Ngài. Ngài tha thiết cầu xin: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm ”
Thật lạ lùng! Không ai trên đời có tấm lòng bao dung, cao thượng tuyệt vời như Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu chiến thắng tính khiếp nhược và lòng tham sinh uý tử bằng sự dũng cảm phi thường
Là người ai cũng sợ chết. Chính Chúa Giêsu cũng đã trải qua những giờ phút kinh hoàng trước viễn ảnh cái chết đau thương sắp đến khi cầu nguyện trong vườn Dầu, thế nhưng Ngài không bị khuất phục vì sợ chết. Ngài chỗi dậy, dũng cảm đương đầu với nó. Ngài chấp nhận chết cách can trường và huỷ diệt sự chết để sống lại vinh quang.
Chúa Giêsu chiến thắng đau đớn thể xác và đau khổ tinh thần
Là người ai cũng sợ khổ và tìm mọi cách lánh thoát khổ đau. Thế nhưng Chúa Giêsu đã đón nhận những cực hình đau thương khủng khiếp nhất cách can đảm phi thường. Qua thập giá, Ngài đã hoàn toàn chiến thắng tính khiếp nhược của phận người.
Trong cuộc khổ nạn, không một thách thức nào làm cho Chúa Giêsu lùi bước; không một đe doạ nào làm cho Ngài khiếp sợ; không một sỉ nhục nào làm cho Ngài nổi giận hay mất bình an; không hận thù nào tiêu huỷ được lòng bao dung vô bờ bến của Ngài …
Ngài thắng được bản năng tham sinh úy tử; Ngài vượt lên trên nỗi sợ mọi thứ khổ đau; Ngài thắng được lòng hận thù… Tóm lại, Chúa Giêsu đã hoàn toàn chiến thắng mọi nghịch cảnh, vượt qua các thách thức từ mọi phía để hoàn thành mỹ mãn sứ mạng Chúa Cha đã trao ban.
Nhờ đó, Ngài làm cho thập giá trở thành nguồn phát sinh ơn cứu độ cho muôn dân.
Lạy Chúa Giêsu. Qua khổ nạn, Chúa chiến thắng tội lỗi và sự chết, mang ơn cứu độ cho trần gian. Xin giúp chúng con noi gương Chúa, anh dũng chiến đấu chống lại tội lỗi và diệt trừ thói hư tật xấu mỗi ngày, để được cùng Chúa sống lại vinh quang. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Thánh Lộ
Chúa Nhật Lễ Lá.
Hành trình tiến bước trái tim yêu
Đau khổ gian truân dễ đổ xiêu
Phấn khởi Sa-lem đường hiểm trở
Trung kiên Núi Sọ lộ tiêu điều
Tung hô tán tụng trò mưa nắng
Đả đảo khinh chê chuyện sớm chiều
Có Chúa đồng hành thêm sức mạnh
Lòng thành kính tiến lễ toàn thiêu.
Hạt Nắng
Đường Thập Giá Trổ Hoa
Chúa Nhật Lễ Lá.
Đường trần gian gọi mời hấp hẫn,
đường công danh quyện lẫn đam mê.
Thênh thang nhịp bước lối về,
tiền tài, danh vọng tràn trề niềm vui.
Nhưng dối gian chôn vùi chân lý,
tính hẹp hòi, ghen tỵ, tham lam.
Nỗi buồn nặng trĩu tâm can,
con tim héo hắt lụi tàn hương yêu.
Đường Chúa đi nắng chiều vương đổ,
bước hành trình gian khổ, hy sinh.
Vì yêu Chúa hiến thân mình,
Salem nhịp bước tôn vinh Chúa Trời.
Đường Canvê lệ rơi, máu đổ,
đường gập ghềnh loang lổ khổ đau.
Đắng cay, sỉ nhục, tủi sầu,
ý Cha nên trọn gục đầu “Xin Vâng”.
Chúa tự nguyện hiến dâng mạng sống,
qua khổ hình, sự sống phục sinh.
Nên nguồn cứu độ anh minh,
nhân loại giải thoát, sống tình con Cha.
Đường thập giá trổ muôn hoa …
Bâng Khuâng Chiều Tím
Đường Tình Cho Con Đi
Chúa Nhật Lễ Lá
Đường nào cho con đi, Chúa ơi!
giữa gian trần đầy cám dỗ,
bạc tiền lẫn lợi danh,
cho con lưu luyến, say mê.
Đường nào cho con đi,
những đêm trời giông tố,
gục đầu, con ăn năn,
giữa vũng lầy u mê.
Từng đoàn người hân hoan, Chúa ơi!
tung hô mừng Ngài vạn tuế,
mà hồn con mênh mang,
lưu linh kiếp sống chiên hoang.
Một đời con lang thang,
vắng xa tình yêu Chúa,
gục đầu, con van xin,
xin Ngài tha thứ lỗi lầm.
Đường Ngài đi qua, con đường tự hiến thân mình,
đường tình Can-vê, đưa con về nẻo đường công chính.
Đường Ngài đi qua, khổ đau, nhục nhã ê chề,
để hồn con reo vang, khúc hát mừng Phục Sinh.
Đường tình cho con đi, Chúa ơi!
Can-vê chiều nắng tắt,
vương miện quấn vòng gai,
con tim máu – nước tuôn rơi.
Gọi mời con vươn lên,
vươn lên giã từ dĩ vãng,
đường tình cho con đi,
đi làm nhân chứng Nước Trời.
M. Madalena Hoa Ngâu
Hành Trình Yêu Thương
Chúa Nhật Lễ Lá – Năm A – (Mt 21, 1 – 11)
Tiếng reo hò tung hô vang dội,
đón Con Vua Đavit hồi cung.
Nôn nao trong dạ vui mừng,
xiêm y, trang điểm thiếp cùng cung nghinh.
Nữ Sion kính cung hồ hởi,
áo choàng ngoài trải lối Chàng qua.
Cầm nhành vạn tuế reo ca,
chúc danh Thiên Chúa vọng vang đất trời.
Đấng Cứu Độ tới thăm nô lệ,
đấng Chiên Con nhân thế tôn thờ.
Lừa con Chàng cưỡi đơn sơ,
nhân từ, hiền hậu mong chờ lên ngai.
Ngai Chàng ngự lâu đài thập giá,
bước hành trình, khiêm hạ, trung trinh.
Rửa chân cho các môn sinh,
trái tim rộng mở ân hình yêu thương.
Chàng là Vua không dương quyền bính,
không độc tài ban lịnh ra oai.
Lòng Chàng khắc khoải u hoài,
con đường cứu độ chông gai giăng đầy.
Can-vê Chàng ngắm trời mây …
AP. Mặc Trầm Cung
Philatô – Mẫu Người Hèn Nhát
Chúa Nhật Lễ Lá – Năm A –Bài Thương Khó (Mt 27, 11 – 54)
Đấng vô tội bị đem đấu tố
vua muôn vua điệu chốn pháp đình
Chiên Con lặng lẽ hy sinh
cúi đầu nhẫn nhục hiến mình toàn thiêu
Philatô hiểu thông phép tắc
Đức Giêsu chẳng mắc tội gì
Muốn tha chẳng dám thực thi
tâm địa hèn nhát chỉ vì ghế cao
Các Thượng tế tự hào, phách lối
tìm chứng gian buộc tội tử hình
Pháp quyền công lý bất minh
ghét ghen, bảo thủ, giả hình nghĩa nhân
Bởi hèn nhát thông phần đường lối
đổ máu người vô tội hàm oan
Đẩy xô trách nhiệm cầu toàn
đồng lõa tội ác tội càng bạch minh.
Trước Nhan Chúa, sấp mình cung kính
đấm ngực con nhận lỗi của mình
Bao năm con đã lặng thinh
trước bao nỗi khổ nhân tình lầm than
Người thấp cổ kêu oan, uất ức
đang gánh gồng, áp lực bất công
Vì yêu con quyết một lòng
bênh vực công lý hiệp thông nguyện cầu.
Đời ngôn sứ, nhiệm mầu, dũng khí,
đòi buộc con chân lý truyền rao.
Yêu thương, công lý đề cao,
can đảm, thẳng thắn tự hào con Cha.
AP. Mặc Trầm Cung
Đức Giêsu – Mẫu Gương Vâng Phục
Chúa Nhật Lễ Lá – Năm A – ( Bài đọc 2: Pl 2,6-11)
Tình yêu Chúa, tình yêu cao vời vợi,
tự hạ mình, phàm nhân chốn trần gian.
Đã trút bỏ vinh quang được đồng hàng,
Ngôi vị Thiên Chúa để sống đời vâng phục.
Tự nguyện nhận thương đau không phải do uy lực,
do thổn thức lòng yêu đối với tha nhân.
Mạnh dạn tiếng xin vâng đại diện cho nhân trần,
uống cạn chén đắng tình yêu Cha trao tặng.
Tình yêu Chúa thâm sâu và trầm lắng,
ngọn lửa tình bừng sáng cháy trong tim.
Chịu đựng đớn đau, bạo lực, nhục hình,
hy sinh mạng sống,
để chương trình của Cha nên trọn hảo.
Giao hòa với Cha trong tâm tình con thảo,
xé toạc bức màn ngăn cách Thiên Chúa với tha nhân.
Để từ nay nhân loại được thông phần,
gọi Thiên Chúa là Cha…
dù quyền lực thần chết cũng không phá nổi.
Trái tim Chúa, một tình yêu tuyệt đối,
lưỡi đòng nào lạnh lẽo đã đâm thâu.
Tiếng xin vâng hoàn tất,
lời tín thác, gục đầu,
Abba! Abba! Thánh Ý Cha là tất cả.
Lạy Chúa! Con đây ….
con tùng phục, con cúi đầu.
Mạnh mẽ tuyên xưng:
“Đức Giêsu Kitô – Ngài chính là Đức Chúa”
AP. Mặc Trầm Cung