“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu ( Mt 5, 38-48)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.
“Các con cũng đã nghe dạy rằng: ‘Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Hoàn Thiện Và Công Chính Của Tin Mừng Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 2
Sống Bao Dung Như Chúa Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 4
Nhu Thắng Cương Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 5
THƠ TIN MỪNG
Giáo Huấn Tình Thương Hạt Nắng Trg 7
Luật Thiện Hảo Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 8
Bài Học Yêu Thương M. Madalena Hoa Ngâu Trg 9
Tình Yêu Tuyệt Hảo A.P. Mặc Trầm Cung Trg 10
Hoàn Thiện Và Công Chính Của Tin Mừng
‘Thiên Chúa là đấng trọn lành, thánh thiện’, điều này thật hiển nhiên và mọi người chúng ta đều sẵn sàng công nhận. Tuy nhiên nội dung của trọn lành và hoàn thiện này là gì thì có thể mỗi người mỗi nghĩ khác nhau. Hoàn thiện thông thường được hiểu là không có một khuyết điểm nào, mọi cái đều cao đẹp, hoàn hảo… Cách hiểu này được áp dụng cho Thiên Chúa đặc biệt phát xuất từ phía con người khi nhận thấy nơi mình đầy dẫy các khiếm khuyết… ‘Nhân vô thập toàn’. Nó tương tự như việc gán cho Thiên Chúa nhiều yếu tính khác mà con người không thể có: toàn năng, thông minh vô cùng, ở khắp mọi nơi… Riêng về sự trọn lành và hoàn thiện của Thiên Chúa, trước Đức Giêsu, người ta đã chỉ có thể mường tượng chứ không thể xác định nó chính yếu hệ tại ở điều gì. Trong bài Tin Mừng hôm nay, có vẻ như Đức Giêsu muốn xác định cho chúng ta biết, nhìn từ phía Thiên Chúa, hoàn thiện chính xác là điều gì. “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là đấng hoàn thiện”.
Trước đó Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ của Người “ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu” (Mt 5,20) nếu muốn được vào Nước Trời. Nếu hoàn thiện có nghĩa là nên trọn lành thánh thiện, đầy đủ các nhân đức… như chính Thiên Chúa thì đòi hỏi này không một ai có thể chu toàn nổi. Và bất cứ đòi hỏi nào, cho dầu có cao đẹp tới mấy nhưng hoàn toàn bất khả thi, thì cũng trở thành vô nghĩa. Cũng vậy nếu ‘công chính’ hệ tại ở việc căn kẽ nắm giữ lề luật, thì đòi các môn đệ là những người bình dân phải công chính hơn cả các kinh sư và người Pharisêu là điều vô vọng, tương tự như ngày nay bắt giáo dân đời thường phải ‘thánh thiện’ hơn các tu sĩ trong việc đạo đức, giờ giấc hay kiêng giữ. Cũng may là cuộc sống của Đức Giêsu rất nhất quán và cụ thể, cũng vậy các lời rao giảng và đòi hỏi của Người không bao giờ quá tầm với.
Trọn cuộc sống Người, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết trên thập giá, chỉ là để làm sao cho chúng ta biết về Thiên Chúa dưới một nét chính yếu: Thiên Chúa là Đấng cứu độ và từ nhân, hay thứ tha và giầu lòng xót thương. Mạc khải lớn nhất về Thiên Chúa chỉ có thể tìm thấy nơi chính con người Đức Giêsu, trước cả những lời Người giảng dạy. “Không ai đã lên trời (để biết về Thiên Chúa)…, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Do đó sự hoàn thiện của Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã dùng chính cuộc sống mình để minh chứng, chính là “Thiên Chúa yêu thế gian (tội lỗi) tới nỗi đã ban Con Một”. Theo Người, đón nhận ‘sự hoàn thiện’ của Thiên Chúa trước hết và trên hết là ‘tin vào Con của Người’ – Đấng đã đến xóa bỏ tội lỗi trần gian (Ga 3,16).
Và tất cả những ai tin vào ‘Người Con’ ấy, Đức Giêsu khẳng định, cũng sẽ sống sự hoàn thiện độc đáo của chính Thiên Chúa cách rất cụ thể: không trả thù, yêu thương kẻ thù nghịch. Và lý do Người đưa ra thật đơn giản: Thiên Chúa hoàn thiện vì Ngài nhân từ, do đó bất cứ ai tin vào Thiên Chúa đó cũng phải nên hoàn thiện theo cùng cách thức. Tương tự, qua yêu cầu: “anh em hãy thương yêu nhau như chính Thầy yêu thương anh em”, Đức Giêsu trưng ra sự hoàn thiện của Cha Người như một tấm gương mà mọi Kitô hữu phải học đòi: “anh em hãy nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Như vậy ‘hoàn thiện như Thiên Chúa’ hay ‘công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu’, mà Đức Giêsu đòi các môn đệ Người phải có, trở nên rõ ràng, rất mới mẻ và đậm nét Tin Mừng. Trong nội dung đó, tôi thiết nghĩ, khi yêu cầu ‘nên hoàn thiện như Cha trên trời’ Đức Giêsu đã không đưa ra một yêu sách mà con người không thể thực hiện được, nhất là đối với các Kitô hữu khi niềm tin của họ hoàn toàn dựa trên ý thức và khiêm tốn nhìn nhận rằng tự bản chất mình là con người tội lỗi và bất toàn. Thậm chí thánh Gioan còn dám khẳng định: “Ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4,20). Yêu hết mọi người, yêu cả kẻ thù đúng là giới răn hoàn thiện (chứ không chỉ một lời khuyên hay khích lệ) dành cho hết thảy mọi Kitô hữu.
Nếu tôi thật sự tin Thiên Chúa đã yêu thương và chết cho tôi, thì tôi cũng sẽ có khả năng tha thứ và yêu thương kẻ thù; và như vậy tôi đúng là đã trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện; còn nếu như tôi không chấp nhận tha thứ và yêu thương dầu chỉ một người thù nào đó, thì chính niềm tin vào Đức Giêsu thập giá của tôi có vấn đề nghiêm trọng. Lúc đó, cho dầu có đạt được tới độ siêu việt mọi thứ nhân đức trên đời, tôi cũng vẫn không thể xác quyết được rằng mình đã tới gần được sự hoàn thiện của Thiên Chúa, Đấng trong Đức Kitô đã tha thứ và hiến mình cho các tội nhân như tôi.
Lạy Thiên Chúa trọn lành và thánh thiện vô cùng, khi đòi con phải trở nên hoàn thiện như Cha, Cha đã cho con một gương hoàn thiện mà con hằng phải chiêm ngắm là Đức Giêsu chết treo trên thập giá; đồng thời Cha cũng gieo vào lòng con nguồn mạch của sự hoàn thiện là Thần Khí Cha. Xin cho con luôn biết lắng nghe Thần Khí tình yêu nhắc nhở, nhất là mỗi khi gặp trái ý, thù nghịch, để con biết rộng mở cho tha thứ và yêu thương như Cha, nhờ đó con có thể trở nên hoàn thiện như Cha trên trời. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
—————————————-
Sống Bao Dung Như Chúa
Là người ai mà chẳng có những lầm lỗi, thiếu sót, thế nên, để sống với nhau cần có lòng bao dung. Bao dung để biết tha thứ những lỗi lầm của người khác với mình; bao dung là bỏ qua những sai phạm, là cho họ một cơ hội để sửa sai; bao dung không chỉ đối với người khác, mà bao dung còn đối với chính bản thân mình. Vì bao dung tha thứ sẽ làm cho tâm hồn chúng ta bình an.
Có câu chuyện kể rằng: một buổi tối, một ông bố đi dạo trong sân nhà, chợt trông thấy một chiếc ghế dựng sát chân tường nơi góc khuất. Đoán ngay cậu con trai đã vượt tường trốn ra ngoài chơi. Ông liền lặng lẽ đi đến, bỏ chiếc ghế ra rồi quỳ xuống đúng chỗ đó. Một lúc sau, người con trai trèo tường về, đặt chân xuống, nhưng thay vì chiếc ghế lại là vai của ông bố. Cậu đứng im chờ nhận được những lời trách cứ và cả hình phạt nặng nề. Không ngờ ông bố lại chỉ ôn tồn nói: “Đêm khuya sương lạnh, con mau về thay áo đi”. Suốt cuộc đời cậu con trai không bao giờ quên được bài học từ buổi tối hôm đó.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có lòng bao dung với nhau. Lòng bao dung không chỉ dành cho kẻ lầm lỡ và còn dành cho cả kẻ thù. Vì chính Chúa đã chọn chết để xin ơn tha thứ cho kẻ tội lỗi lầm lạc. Chúa còn bảo chúng ta nếu không có tình yêu bao dung thì chúng ta không xứng đáng là môn đệ của Chúa.
Chúa nhắc nhở chúng ta đừng lấy áo báo oán theo kiểu “mắt đền mắt, răng đề răng” mà hãy sống nhẫn nhịn thứ tha. Cho dù người ta có tát má hay đoạt áo cũng đừng “ăn miếng trả miếng” mà hãy sống trọn lành như Chúa Cha là Đấng trọn lành cho mưa thuận gió hòa trên kẻ lành người dữ.
Đây là bài học mà Chúa đã dạy chúng ta bằng cả cuộc sống của Ngài. Chính Chúa đã sống một cuộc đời yêu thương. Yêu thương đến nỗi cho đi cả tính mạng của mình. Tình yêu thương đó Chúa trải rộng trên người lành kẻ dữ. Chúa không kết án tội của Lêvi, tội của người phụ nữbị bắt đang phạm tội ngoại tình. Chúa còn cầu xin cho người xúc phạm đến mình khi Chúa thưa với Chúa Cha: “Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Chúa đã nêu gương yêu thương đến quên cả chính mình, và Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy vì Chúa mà yêu tha nhân. Hãy vì Chúa mà đối xử tốt với nhau. Hãy vì Chúa mà quên đi cái tôi để sống vị tha và nhân ái với nhau.
Cuộc đời sẽ bình yên biết bao khi chúng ta có sự tha thứ và lòng bao dung với nhau. Có lòng bao dung chúng ta mới mong đi hết trọn vẹn yêu thương, để nối lại những điều còn dang dở, để hoàn thiện ngôi nhà hạnh phúc yêu thương … Bao dung để vợ chồng đi hết đoạn đường trăm năm. Bao dung để anh em có cơ hội nối lại tình huynh đệ. Bao dung để người trong một nước, một xứ đạo, một gia đình cùng hoàn thiện những công việc còn dang dở.
Ước gì chúng ta luôn biết học nơi Chúa Giêsu luôn nhân từ, chậm bất bình và rất mực yêu thương. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
———————————–
Nhu Thắng Cương
Qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy : “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.”
Thoạt nghe lời dạy nầy, nhiều người tỏ ra khó chịu và cho rằng hành xử như thế là nhu nhược, hèn nhát, không thể chấp nhận…
Thế mà ông Mahatma Gandhi, là một vị anh hùng vĩ đại của dân tộc Ấn Độ, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Ấn chống lại sự cai trị của Đế quốc Anh, bằng phương thức ôn hòa bất bạo động nầy và đã giành độc lập cho Ấn Độ vào năm 1947.
“Gandhi nói rằng ông chịu ảnh hưởng lớn bởi giáo lý bất kháng cự và “đưa má thứ hai” ra (khi bị đánh một bên má) của Chúa Giêsu và ông nói là nếu Thiên Chúa giáo được áp dụng như trong Bài giảng trên núi thì ông là một tín đồ Thiên Chúa giáo. ”
Khoảng 10 năm sau, mục sư Martin Luther King, một người Mỹ da đen, cũng đã áp dụng phương thức đấu tranh ôn hòa bất bạo động nầy để đòi quyền bình đẳng cho người Mỹ da đen đối với người da trắng và đã thành công tốt đẹp.
Nhu thắng cương
Khi người ta quai búa tạ vào tảng đá cứng, đá sẽ dùng sự cứng rắn của mình để kháng cự lại búa, hậu quả là đá sẽ nứt vỡ ra. Thế là đá thua!
Nhưng khi người ta quai búa giáng mạnh xuống hồ nước, nước sẽ dùng sự mềm mại của mình để vô hiệu hoá sức mạnh của búa. Nước không hề hấn gì nhưng búa thì sẽ bị chìm lĩm xuống tận đáy hồ. Thế là nước thắng!
Khi gặp bão táp cuồng phong, những cây cổ thụ cao lớn cứng cáp dùng sự cứng rắn mạnh mẽ của mình để kháng cự lại bão tố. Hậu quả là chúng bị gãy cành, trốc gốc. Trong khi đó, những rặng tre, những cây lau sậy không hề kháng cự lại bão tố, nhưng dùng sự mềm dẻo của mình để uốn theo chiều gió nên chúng được an toàn.
Hiểu được quy luật nầy nên Lão tử đã dạy môn sinh từ mấy ngàn năm trước: “Nhu thắng cương, nhược thắng cường.” Và vị sư tổ của môn phái Judo của Nhật cũng đã dựa vào quy luật nầy để sáng lập nên môn võ thuật lấy mềm dẻo để chiến thắng tính hung bạo cứng rắn.
Tha thứ đem lại bình an cho tâm hồn
Khi oán ghét, giận hờn, căm thù người khác, ta cảm thấy tâm hồn mình như một mặt hồ đang yên bình bỗng nhiên nổi sóng. Ta cảm thấy bực bội, cay cú và muốn phát khùng. Thế là ta đánh mất sự bình an trong tâm hồn: ăn không ngon, ngủ không yên, huyết áp lên cao, bệnh tật phát sinh và nếu cứ lặp lại tình trạng nầy nhiều lần thì tổn thọ.
Như thế, khi nuôi lòng giận ghét căm hờn người khác là ta tự phạt mình, tự hành hạ và gây thêm bệnh tật cho mình. Làm như thế thì chẳng phải là thiếu khôn ngoan sao!
Vậy ta hãy thôi đày đoạ và tự làm khổ mình bằng cách tha thứ, xoá bỏ và quên đi lầm lỗi của người khác. Bằng cách nầy, ta sẽ tìm lại được bình an cho tâm hồn, tìm được hạnh phúc cho cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu. Hình ảnh đẹp nhất, cao cả nhất trên đời là hình ảnh của Chúa năm xưa trên đồi Canvê, dù đang bị đám đông bạo ngược phỉ báng, hành hạ, đóng đinh vào thập giá mà vẫn tha thiết cầu xin Thiên Chúa Cha thứ tha cho bao kẻ xúc phạm đến Ngài.
Xin ban cho chúng con lòng yêu thương, bao dung để sẵn sàng tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng con và cầu nguyện cho họ như Chúa đã nêu gương.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————–
Giáo Huấn Tình Thương
CN 7 TNA – (Mt 5, 38 – 48)
Bình an có được bằng yêu thương
Oán hận gây thêm cảnh đoạn trường
Tha thứ giao hòa nguồn hạnh phúc
Trả thù gây hấn rắc tai ương
Triệt tiêu sự ác, chim vui hót
Xây dựng điều lành, hoa ngát hương
Giáo huấn Tình Thương lời Chúa dạy
Mặt Trời Công Chính tỏa muôn phương.
Hạt Nắng
———————————–
Luật Thiện Hảo
CN 7 TNA – (Mt 5, 38 – 48)
Nhiệm mầu sức mạnh của tình thương,
như hoa tươi thắm tỏa thơm hương.
Hận thù biến đổi thành nhân nghĩa,
xóa bỏ oan khiên bước chung đường.
Oán thù gieo rắc bao khổ đau,
con tim héo hắt nỗi u sầu.
Răng đòi đền răng thù chồng chất,
mắt lại đền mắt hận thêm sâu.
Giao hòa phẩm vật đẹp tươi xinh,
của lễ hy sinh thắm ân tình.
Đẹp lòng Thiên Chúa thương khứng nhận,
tuôn đổ ơn Trời hưởng phúc vinh.
Tha thứ mở đường sống yêu thương,
sức mạnh tỏa lan rất phi thường.
Sự thiện lên ngôi, bừng chân lý,
sự ác lụi tàn dứt tai ương.
Bình minh chiếu tỏa khắp nhân gian,
mưa tưới đồng hoang khắp đại ngàn.
Bao dung Tình Chúa lòng nhân ái,
ôm trọn khối tình tuôn phúc ân.
Bâng Khuâng Chiều Tím
—————————–
Bài Học Yêu Thương
CN 7 TNA – (Mt 5, 38 – 48)
Như cành hoa cánh tàn nhụy héo,
như dòng sông mất nguồn nước trong veo.
Hồn chơi vơi cõi lòng tê tái,
đường đời chông chênh giữa ghềnh thác cheo leo.
Chúa trao ban tình yêu sự sống,
như mưa nguồn tưới gội mát hồn con.
Như hừng đông nắng hồng sưởi ấm,
Ngài dạy cho con hát điệp khúc tình nồng.
Hãy yêu thương nhau dẹp tan mọi bất hòa,
hãy khoan dung cho nhau bằng tình yêu tha thứ.
Nắng trên cao Cha ban trên người lành, kẻ dữ,
mưa ân phúc thượng nguồn cho tình người nở hoa.
Trên đồi cao xác thân làm của lễ,
bài học “Yêu” Chúa dạy con thứ tha.
Gương hy sinh máu hồng hiến tế,
hãy nên trọn lành như chính Tình Yêu Cha.
M. Madalena Hoa Ngâu
——————————-
Tình Yêu Tuyệt Hảo
CN 7 TN- A –(Mt 5, 38 – 48)
Đường trọn lành lời Cha mời gọi,
đường tình yêu mở lối thiện toàn.
Tình người trăm mối ngổn ngang,
yêu thương tha thứ bình an tâm hồn.
Mắt đền mắt chất chồng thù oán,
răng đền răng đoạn tuyệt tình thân.
Bi thương tiếp nối tăng dần,
tham tàn gian ác góp phần khổ đau.
Lòng tha thứ nhiệm mầu sức sống,
mở con đường sống động yêu thương.
Hoa lòng tươi nở tỏa hương,
hòa bình hiển trị muôn phương an hòa.
Như mặt trời tỏa lan ánh sáng,
mưa tuôn tràn ban tặng nhân sinh.
Dầu ai gây hấn sự sinh,
biến thù thành bạn thắm tình anh em.
Con cái Chúa như men nồng muối đất,
sống tình yêu chân thật bao dung.
Như Cha nơi chốn cửu trùng…
AP. Mặc Trầm Cung