“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 5, 17-37
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri; Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời. Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. “Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án’. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ‘ngốc’, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là ‘khùng’, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục.
Ta bảo thật các ngươi biết: Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng. “Các con đã nghe nói với người xưa rằng: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi. Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. “Cũng có lời dạy rằng: ‘Ai ly dị vợ mình, thì hãy trao cho vợ tờ ly dị’. Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai ly dị vợ mình, trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình. “Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng: ‘Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa’. Còn Ta, Ta bảo các con: Đừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả. Cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được. Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Luật Lệ: Giữ Trọn Hay Làm Nên Trọn? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 3
Lỗi Tại Tôi Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 5
Lưỡi Không Xương Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 6
THƠ TIN MỪNG
Thiên Pháp Hạt Nắng Trg 7
Đường Thiện Hảo Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 8
Luật Pháp Chúa M. Madalena Hoa Ngâu Trg 9
Luật Thiện Hảo A.P. Mặc Trầm Cung Trg 10
Luật Lệ: Giữ Trọn Hay Làm Nên Trọn?
Đối với người Do Thái, Lề luật có tầm quan trọng số một. Thái độ trước lề luật chính là khuôn vàng thước ngọc để đánh giá một con người. Đức Giêsu cũng được các đồng bào Người đánh giá và chấp nhận dựa trên tiên chuẩn này; vì thế mà Người lên tiếng tuyên bố: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” lề luật.
Không ai có quyền bãi bỏ luật lệ, trừ chính vị ra luật hay nhà lập luật. Trong Israel, chỉ mình Đức Chúa Giavê có quyền này; ngay cả Môsê cũng không, vì ông chỉ là người truyền đạt cho dầu luật có mang tên ông. Luật này cũng không cần được ai kiện toàn vì nó đã hoàn hảo; có chăng chỉ là giải thích và đó là bổn phận dành riêng cho các luật sĩ. Hiểu như thế thì lời công bố của Đức Giêsu có thể bị coi là lộng ngôn, vì không ai có quyền bãi bỏ cũng như không ai được phép ‘kiện toàn’ – sửa chữa bộ luật Môsê đã truyền lại.
Thông thường thì người ta sẽ coi như phá luật những kẻ không cặn kẽ tuân giữ lề luật. Rõ ràng nhóm Biệt Phái và luật sĩ đã nhận xét Đức Giêsu là như thế, do đó đã liệt Người vào hạng tội lỗi, vì cho rằng Người có thái độ coi thường, bất tuân luật thánh, cụ thể trong việc giữ ngày Sabát và các nghi thức tẩy rửa.
Về phần Đức Giêsu, Người luôn khẳng định việc căn kẽ giữ luật là cần thiết “một chấm một phết trong lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. Các môn đệ hiểu rõ điều đó cho nên sau này, kể cả khi Đức Giêsu đã về trời, họ vẫn tuân giữ căn kẽ mọi lề luật Môsê. Các tông đồ còn muốn mọi tín hữu (nhất là các người gốc Do Thái giáo) phải tiếp tục giữ trọn luật pháp theo lời Chúa dạy: “Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời”. Tuy nhiên, sứ mạng đích thực của Đức Giêsu không nhằm kêu gọi dân chúng giữ luật. Điều này đã được các Pharisêu, các luật sĩ… và Gioan Tiền hô làm bằng nhiều cách. Người khẳng định: “Thầy đến… để kiện toàn luật Môsê!” Và không chỉ Người, mà bất cứ kẻ nào tin vào Người cũng phải kiện toàn lề luật như thế: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vài Nước Trời”. Tác giả Matthêu thẳng thắn muốn các tín hữu gốc Do Thái (đối tượng chính của sách Tin Mừng ông viết) phải hiểu rằng: Đức Giêsu và các lời Người dạy tuy không chống lại nhưng cao trọng hơn luật Môsê rất nhiều, “Luật xưa dạy rằng…. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” Thế thì ta phải hiểu điều các khẳng định này theo ý nghĩa nào?
Trước hết ở đây ta không được hiểu Đức Giêsu tự giới thiệu mình là một nhà lập pháp mới (legislator novus), theo nghĩa giao ước mới thì đòi phải tuân giữ luật mới, cũng như giao ước cũ phải tuân giữ luật cũ của Môsê. Không! Đức Giêsu không phải là người làm luật, nhưng là người làm cho mọi luật được nên trọn. Không có Người, luật lệ cho dầu có thể là rất tốt, rất hoàn chỉnh, vẫn chưa có thể được coi là trọn; và duy nhất chỉ một mình Người mới làm được điều đó. Ai tin vào Đức Giêsu, đặc biệt qua biến cố tử nạn và phục sinh của Người, đều có khả năng kiện toàn, hay làm cho nên trọn bất kỳ luật lệ nào họ nắm giữ (dầu là luật dân sự bất toàn hay luật tôn giáo thánh thiện). Lòng thương xót, từ ái cứu độ của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu mạc khải, mới là nền tảng duy nhất để canh tân và kiện toàn mọi thứ luật lệ. Chỉ cần nhìn vào các trường hợp được nêu trong bài Tin Mừng: không giết người, không ngoại tình, ly dị, thề gian dối… ta mới thấy chỉ Tin Mừng tình yêu Thiên Chúa mới có thể kiện toàn và làm cho chúng được nên trọn tới thế. Sự nên trọn này chắc chắn không hệ tại ở luật pháp hoàn hảo hơn hay kém, nhưng hệ tại ở thái độ bình an và tự do ta có khi nắm giữ các lề luật đó, trong tư thế của một người con được Chúa Cha yêu thương. Không tin tuyệt đối vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô Giêsu, ta sẽ không bao giờ có được thái độ này, và đương nhiên sẽ thấy khó có thể chấp nhận các đòi hỏi của luật pháp, kể cả những lề luật hoàn thiện và cao đẹp nhất.
Phaolô biết rõ hơn ai hết sự cao đẹp của luật Môsê, nhưng cũng chính vì thế mà ông càng xác tín hơn ai hết về giới hạn của nó so với Tin Mừng. Trong chương 3 thư gởi giáo đoàn Galát ông lấy hình ảnh người giám hộ để chỉ luật Môsê rất thánh thiện (và bất cứ luật lệ nào khác, kể cả luật Hội Thánh), và hình ảnh con cái tự do để chỉ sự ‘kiện toàn – nên trọn’ của niềm tin vào Đức Kitô Giêsu. Tôi thiết nghĩ ông quả đã nắm bắt rõ vấn đề: “Khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa… vì tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa…” (Gl 3,25-26)
Ôi, niềm tin Kitô hữu vào tình yêu Thiên Chúa nhân ái thứ tha có khả năng nâng chúng ta lên cao biết mấy, vượt xa sự kiểm tỏa của luật pháp, cũng như mọi lo lắng sợ hãi của thưởng phạt nghiêm minh!
Trong tư cách là công dân Việt Nam, là Kitô hữu, là tu sĩ – linh mục… con phải khoác lên mình biết bao nhiêu thứ luật lệ. Con thâm tín một điều rằng không một luật lệ nào trong số đó tự nó có thể cứu thoát được con. Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con được như Phaolô xác tín rằng: chỉ có niềm tin vào Chúa cứu độ và từ nhân mới giúp con làm cho các luật trên được nên trọn, đồng thời biến con thành con cái tự do đích thực của Cha trên trời. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
——————————————
Lỗi Tại Tôi
Mỗi khi bắt đầu thánh lễ, chúng ta đều được mời gọi thú nhận tội lỗi cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em một cách công khai. Lời thú nhận cùng với sự hối tiếc đau đớn khi đấm ngực 3 lần và nói: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Vì nếu chỉ là tội vô tình thì ta chỉ cần nói với nhau “xin lỗi” là xong, nhưng nếu điều ta xúc phạm tới nhau gây hậu quả nghiêm trọng khiến chúng ta phải xin lỗi nhiều lần và nhiều cách khác nhau như: “tôi xin lỗi, tôi thực sự hối tiếc vì làm điều đó, hãy tha lỗi cho tôi . ..”
Chúng ta sám hối không chỉ về lời nói, việc làm mà còn về tư tưởng đã nghĩ, đã nung nấu, đã toan tính dẫn đến nẩy sinh những điều bất chính như : tham lam, dâm ô, lừa dối . . . Suy cho cùng, mọi tội lỗi đều phát sinh từ tâm suy tưởng. Tâm làm chủ là nguyên nhân gây nên những lời nói, việc làm sai trái.
Điều đáng tiếc là chúng ta thường dễ dàng đấm ngực khi đọc kinh, nhưng có mấy ai dám công khai xin lỗi về những điều mà chúng ta gây đau khổ, thất thoát cho nhau. Trong đời tôi, chỉ duy nhất một lần nhìn thấy một vị giám mục đến trước phòng một cha xứ và xin lỗi cha ấy về một chuyện nào đó, khiến cha xứ ấy ngạc nhiên và hoảng sợ vì lời xin lỗi của bề trên.
Có ai đó nói rằng:”lầm lỗi là của con người, nhận lỗi, sửa lỗi là của thánh nhân”. Dẫu biết vậy, nhưng có mấy ai đã dám nhận sai và sửa sai? Ngay cả cha mẹ cũng mấy ai dám xin lỗi con cái về những lời nói, việc làm của mình đã làm tổn thương hoặc gương mù cho con cái? Có mấy vị lãnh đạo đã đủ khiêm tốn để nhận trách nhiệm về quyết định của mình mà gây đau khổ, phiền hà cho cộng đồng và xã hội.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống theo tinh thần Phúc Âm. Tinh thần phúc âm được thể hiện qua việc tôn trọng sự sống là chớ giết người và còn biết kiểm soát lời nói trong tinh thần bác ái yêu thương. Đi sâu vào các mối tội đầu đều khởi nguồn từ tư tưởng bất chính mới nảy sinh hành động. Thế nên, lời Chúa còn mời gọi chúng ta phải loại ra khỏi lòng mình những tư tưởng bất chính dầu chỉ là những ước ao phạm tội cũng là lỗi với giới răn Chúa.
Điều quan trọng nhất để có thể cải thiện cái ác, cái xấu thành điều thiện lành, chúng ta phải luôn kiểm soát tư tưởng để kịp thời ngăn chặn, loại bỏ những tư tưởng bất chính, những toan tính tội lỗi để tâm trong sáng, hướng thiện thì lòng mới thanh thoát, bình an.
Như vậy, sự hoàn thiện mình theo giáo huấn của Chúa phải khởi đi từ tư tưởng luôn nghĩ những điều tích cực và loại bỏ những điều tiêu cực để tâm trong sáng thì lời nói và việc làm mới mang lại bình an cho bản thân và những người đang sống với chúng ta.
Xin Chúa giúp chúng ta biết thống hối ăn năn một cách chân thành để lời thú tội “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng” của chúng ta không phải là một công thức máy móc mà là lời van lơn đầy nuối tiếc về những tư tưởng , lời nói, việc làm gây tổn thương cho tha nhân. Nguyện xin Chúa là Đấng nhân từ xin tha thứ cho những yếu đuối của chúng ta, và xin Ngài giúp chúng ta cũng biết sống tha thứ và hoà giải với nhau. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
——————————————
Lưỡi Không Xương
Ngụ ngôn Êdốp kể rằng: Một hôm, chủ sai Êdốp ra chợ chọn mua món gì sang quý nhất để thiết đãi bạn quý đến nhà. Êdốp tìm mua đủ thứ lưỡi của gia súc đem về khiến ông bực bội và hỏi tại sao thì Êdốp đáp: “Thưa ông, ông truyền cho con mua thứ gì sang quý nhất đãi bạn và con nghĩ rằng trên đời nầy không gì quý bằng lưỡi. Nhờ lưỡi, người ta có thể nói năng và truyền đạt những điều khôn ngoan; nhờ lưỡi người ta ca tụng tình yêu, thắt chặt tình huynh đệ, mang lại hòa thuận, an vui, hạnh phúc cho mọi người…”
Thế rồi, lần khác, chủ nhà sai Êdốp ra chợ mua thứ gì tồi tệ nhất để đãi những người khách xấu nết không mời mà đến. Êdốp cũng lại mua về toàn là lưỡi. Chủ nhà bực tức, quát hỏi: Tại sao mầy không mua món gì tồi tệ về cho tao? Êdốp trả lời: “Con thiết nghĩ: trên đời chẳng có gì tồi tệ như lưỡi: Lưỡi gây nên bất hòa bất thuận, lưỡi phun ra những lời cay đắng độc địa, lưỡi tạo nên hận thù ghen ghét chiến tranh…
Đúng là “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.” Lưỡi có thể là một bộ phận tốt đẹp để xây dựng hòa bình nhưng cũng lắm người sử dụng lưỡi để gây chiến tranh, đau thương khốn khổ cho người khác.
Lời nói phát xuất từ miệng lưỡi con người có thể gây nhiều tổn thương cho người khác nặng nề hơn cả việc dùng tay chân để đấm đá, đâm chém.
Người ta dùng lời để chê bai, nói xấu, gièm pha, phỉ báng, chửi mắng… gây đau buồn, tổn thương cho người khác rất nhiều. Ngày nay, người ta còn dùng cả mạng xã hội để tha hồ chửi bới, bôi bác nhau cho cả triệu người khắp nơi được nghe biết! Thật là chuyện hết sức đau lòng.
Thánh vịnh 64 nói về hạng người nầy như sau: “Chúng mài lưỡi như mài gươm sắc, lời thâm độc tựa tên lắp vào cung, bắn trộm người vô tội, bắn thình lình mà chẳng sợ chi… ”.
Để ngăn ngừa thói xấu tệ hại nầy, qua bài Tin Mừng được trích đọc hôm nay, Chúa Giêsu răn dạy chúng ta đừng sử dụng miệng lưỡi để gây tổn thương cho người khác. Ngài nói: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng hội đồng; còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt” (Mt 5,22).
Còn đối với những người hay “nổ” hoặc dối trá, Chúa Giêsu dạy phải nói lời chân thật. Ngài nói: “Hễ có thì phải nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ mà ra. ”
Lạy Chúa Giêsu. Nếu miệng lưỡi chúng con thốt lên những lời xây dựng sinh ích cho người khác thì đó là phương tiện giúp chúng con đạt tới hạnh phúc thiên đàng. Trái lại, nếu dùng miệng lưỡi để gieo rắc đau khổ và thiệt hại cho người khác thì đó là duyên cớ đưa xuống hỏa ngục.
Xin cho chúng con biết khôn ngoan sử dụng miệng lưỡi mình theo đúng ý Chúa. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————————
Thiên Pháp
CN 6 TNA – (Mt 5, 17 – 37)
Luật pháp kiện toàn Chúa rộng ban
Yêu thương, thanh khiết chẳng tà gian
Điều không nói có, loài ma quỷ
Chuyện bé xé to, thuộc ác thần
Lòng dạ thẳng ngay đường chính trực
Tâm hồn trong trắng lộ bình an
Tuân hành luật lệ hồn vui thỏa
Công lý, hòa bình phúc tỏa lan.
Hạt Nắng
———————————–
Đường Thiện Hảo
CN 6 TNA – (Mt 5, 17 – 37)
Đường lối thế trần sao dối gian,
tham lam, ích kỷ lắm bạo tàn.
U tối lương tâm mong tiến chức,
chà đạp nhân quyền, thích cầu an.
Thỏa mãn dục tình, nát gia trang,
chồng chung vợ chạ, sống lăng loàn.
Mua vui mây gió, đùa thân xác,
nhân phẩm lụi tàn, trí hoang mang.
Chính trực lu mờ, tối lương tâm,
lời gian, lời dối, thỏa thuận ngầm.
Đổi không thành có, gây mâu thuẫn,
ma quỷ gieo mầm, nát tình thâm.
Luật pháp công minh Chúa kiện toàn,
bao dung nhân hậu, diệt mưu toan.
Cảm thông, tha thứ, tình hòa giải,
tay bắt, mặt mừng vui hân hoan.
Quí trọng tâm hồn, thân xác ta,
đề cao nhân phẩm, sống thật thà.
Gìn giữ trung trinh, hồn thanh sạch,
đền thờ Chúa ngự ngát hương hoa.
Đường lối Chúa Trời, sống yêu thương,
luật pháp Tình Yêu, giữ kiên cường.
Kỷ cương tuân giữ, gieo nhân ái,
hoa lòng tươi nở khắp muôn phương.
Bâng Khuâng Chiều Tím
—————————————–
Luật Pháp Chúa
CN 6 TNA – (Mt 5, 17 – 37)
Lạc bước cuộc đời, con sa vòng tội lỗi,
cuộc sống bon chen, tâm hồn phủ mây đen.
Giận dỗi, ghét ghen, bao toan tính thấp hèn,
phỉ báng, đua tranh,
tìm kiếm chút hư danh.
Tình Chúa yêu thương, sáng soi đường công chính,
hạnh phúc, bao dung, giao hòa với anh em.
Của lễ con dâng, đơn sơ thắm ân tình,
trong sáng tâm hồn,
đẹp lòng Đấng Chí Tôn.
Luật pháp Chúa! Công minh.
Luật pháp Chúa! Bao dung.
Luật pháp Chúa! Thanh cao.
sáng soi đường công chính.
Luật pháp Chúa! Thứ tha.
Luật pháp Chúa! Yêu thương.
Luật pháp Chúa! Cao quang,
cho cuộc đời nở hoa.
Nhịp bước hân hoan, vâng theo đường lối Chúa,
đời sống tươi vui, tình Chúa sống trong con.
Từ giã u mê, tránh xa mọi lối mòn,
thánh hóa tâm hồn,
tôn thờ Đấng Chí Tôn.
M. Madalena Hoa Ngâu
————————————-
Luật Thiện Hảo
CN 6TNA –(Mt 5, 17 – 37)
Lề luật Chúa cao minh chính trực,
dạy con đường đích thực yêu thương.
Bao dung, nhân hậu, khiêm nhường,
giao hòa, tha thứ tình thương nồng nàn.
Không ghen ghét, vu oan, chì chiết,
không giận hờn, mắng nhiếc, rẻ khinh.
Anh em nhân nghĩa chân tình,
tôn trọng sự sống, sinh linh kiếp người.
Hồn thanh khiết, vui tươi, cẩn mật,
biết giữ gìn nhân phẩm thanh cao.
Không ham hoa dại mời chào,
trân quí khiết tịnh ngạt ngào hương thơm.
Lòng ngay thẳng ươm mầm công chính,
không đặt điều, mưu tính gian ngoa.
Lời ăn tiếng nói thật thà,
thêm thêm bớt bớt quỷ ma chiếm lòng.
Đường ánh sáng thong dong ta bước,
luật Chúa truyền ân phước đời ta.
Lòng ngay chính, thắng gian tà,
lề luật thiện hảo đậm đà tình yêu.
Chim vui bay dưới nắng chiều,
đời con có Chúa phong nhiêu ân tình.
Luật pháp Chúa giữ trung trinh…
AP. Mặc Trầm Cung