SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 829, THÁNH MARIA – MẸ THIÊN CHÚA, 01/01/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 2, 16-21)

Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Nhân Loại Mới ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Tại Sao Lại ‘Mẹ Thiên Chúa’? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Đời Làm Mướn Khổ Lắm Mẹ Ơi! Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chọn Chỗ Rốt Hèn Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Maria-NữTrinhDiễmPhúc & Maria-TamTòngTứ Đức A.P. Mặc Trầm Cung Trg 10

 

Nhân Loại Mới

Ngày đầu năm mới là một ngày thiêng liêng. Ai cũng mong ước năm mới mọi sự sẽ đổi mới. Sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong cuộc sống. Nhất là được sống bình an. Các bài Sách Thánh đặc biệt bài Tin mừng hôm nay mời gọi ta hãy tìm đổi mới trong Chúa Giêsu. Chính Người sinh ra một nhân loại mới. Đó là nhân loại được chúc phúc, được cứu độ và sống trong an bình.

Đó là một nhân loại được chúc phúc. Khi Chúa Giêsu ra đời nhân loại được chúc phúc. Có nhiều dấu hiệu loan báo phúc lành của Chúa. Một làn ánh sáng từ trời soi sáng cánh đồng Bêlem. Xuất hiện muôn vàn thiên sứ hát mừng trên trời cao. Chúa Giêsu đem phúc lành của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Chúa Giêsu chính là phúc lành tuyệt hảo của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là món quà cao quí nhất Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Mang lấy bản tính nhân loại, Chúa Giêsu làm cho nhân loại được chúc phúc bằng những phúc lành phong phú nhất của Thiên Chúa.

Đó là một nhân loại được cứu độ. Con trẻ được đặt tên là Giêsu. Tên Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu. Chúa Giêsu đi vào tận những tù ngục giam hãm để giải cứu con người. Người sinh ra làm một trẻ thơ để nâng đỡ những con người bé nhỏ. Người sinh trong cảnh thiếu thốn để nâng lên những ai nghèo hèn. Người bị bạo vương Hêrôđê săn đuổi để đứng về phía những người bị áp bức. Người sinh ra trong chuồng súc vật tăm tối để trân trọng những ai bị loại trừ. Người là Con Thiên Chúa xuống thế làm người để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Thật là một cuộc đổi mới không ai có thể ngờ tới.

Đó là một nhân loại sống trong hòa bình. Đêm Chúa Giáng Sinh trời đất giao hòa. Trời Bêlem sáng lên. Thiên nhiên trở nên xinh đẹp. Các thiên thần làm đầy không gian bằng những bài ca tuyệt diệu của cõi thiên đàng. Các mục đồng vui tươi hớn hở loan truyền tin vui. Cả một bầu khí hòa bình tỏa ra chung quanh Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đến tái lập trật tự. Trật tự đó là con người và vạn vật vâng phục Thiên Chúa. Luật lệ phát xuất từ con người luôn gây ra tranh chấp. Vì con người chỉ nghĩ đến tư lợi hạn hẹp của riêng mình. Mọi luật lệ muốn công bằng và lâu bền phải qui về Thiên Chúa. Thiên Chúa ban hòa bình thực sự. Hòa bình trong công lý. Công lý là những người bé nhỏ, yếu ớt phải được tôn trọng. Chúa Giêsu tự nguyện làm trẻ nhỏ sơ sinh chính là một nền hòa bình trong vâng phục Thiên Chúa và là công lý kêu gọi kính trọng bảo vệ những kẻ yếu hèn.

Hòa bình như thế không phải là một trật tự im lìm. Trật tự im lìm chỉ có trong nghĩa địa hay nhà tù. Đó là trật tự chết chóc, tàn lụi. Trái lại hòa bình là một năng động, là một sức sống, là sự phấn đấu không ngừng.

Ta hãy chiêm ngắm tấm gương của các mục đồng. Các mục đồng đã biết lắng nghe sứ điệp hòa bình dù giữa đêm hôm mùa đông đang say ngủ. Nghe biết sứ điệp hòa bình rồi, các mục đồng vội vã đi tìm Chúa Giêsu là nguồn mạch hòa bình, dù phải bỏ giấc ngủ, dù phải đi ngoài trời lạnh giá. Sau khi gặp Chúa, các mục đồng ra đi loan truyền sứ địêp hòa bình cho mọi người. Đó chính là những phấn đấu không ngừng cho hòa bình.

Chúng ta đặt năm mới này vào tay Đức Mẹ. Xưa Đức Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Thế mở đầu một nhân loại mới, nay xin Đức Mẹ cũng cho năm mới này được chúc phúc, được cứu độ và được hòa bình. Chúng ta cũng cầu nguyện cho mọi người biết noi gương mục đồng, luôn lắng nghe sứ điệp hòa bình, luôn phấn đấu đi tìm đến nguồn mạch hòa bình và luôn phấn khởi loan tin mừng hòa bình.

Lạy Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn có mơ ước một thế giới mới không? Thế giới đó phải bắt đầu từ đâu trước? Từ chính bạn hay từ người khác?
2. Thế giới của Đức Mẹ có gì khác thế giới của bà Evà?
3. Đầu năm mới này, bạn dự tính làm gì để đổi mới thế giới chung quanh bạn?

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

—————————–

 

Tại Sao Lại ‘Mẹ Thiên Chúa’?

Đặt ra câu hỏi này cho chính mình, tôi không có ý đi vào cuộc tranh luận thần học hay tín lý đâu, đơn giản là vì tôi luôn bị ám ảnh bởi câu khảng định của Đức Giêsu khi có người lên tiếng ca ngợi địa vị dành cho kẻ được diễm phúc làm mẹ của Người: “Đúng ra phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 27-28). Và tôi vẫn hay tự hỏi: tại sao lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa lại quan trọng còn hơn cả thiên chức làm mẹ Thiên Chúa? Giữa hai điều này có gì liên quan với nhau, hay chẳng qua chỉ là lối nói cho văn vẻ vậy thôi?

Lời Chúa trong bài Tin Mừng mời gọi tôi chiêm ngắm trở lại cảnh hang Bêlem, quá đơn sơ nghèo nàn nhưng có điều gì đó cần được suy gẫm sâu sắc hơn. Mẹ Maria đã chẳng, trong suốt những ngày này, chỉ suy đi nghĩ lại trong lòng về những điều đang xảy ra xem nó có ý nghĩa gì: “Đến nơi, các mục đồng gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ”. Chính trong công việc này tôi nhận ra cái diễm phúc lớn hơn hết của người mẹ đã được đặc ân cưu mang trong dạ chín tháng, sinh hạ, rồi ôm ẵm trên tay, cho bú mớm và nuôi dưỡng Hài Nhi bé nhỏ. Đó chính là người được điễm phúc gần gũi, được chạm tới, được chiêm ngắm sát sao hơn ai hết một Thiên Chúa làm người để cứu độ, một Thiên Chúa đang tỏ hiện lòng từ bi thương xót cách quá cụ thể và độc đáo. Không trách gì Maria đã “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.

Khi đề cập tới ‘nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa’, Đức Giêsu thật sự muốn nói tới điều gì, đặc biệt qua hạn từ ‘lời Thiên Chúa’? Phải chăng đó là nghe và tuân giữ các điều Người giảng dạy hay giới luật Người ban như luật yêu thương rất cao đẹp chẳng hạn? Không hẳn thế! Lời Thiên Chúa chính là toàn bộ sự hiện diện của Giêsu nơi trần thế, từ Bêlem trong hình hài trẻ sơ sinh cho đến cái chết nhuốc khổ trên thập giá. Và toàn bộ Lời đó chỉ nói lên có một điều duy nhất: Thiên Chúa xót thương và cứu chuộc con người. Rõ ràng Maria ngay từ đầu đã để tâm ‘lắng nghe’ điều này, trước trong và sau các diễn biến lúc đó đang xảy ra tại Bêlem, và còn tiếp tục mãi cho tới chân thập giá. Người đã lắng nghe và đón nhận cách chăm chú, với tâm hồn bén nhạy của một phụ nữ, với phong cách của một người mẹ; nghe với trọn cả tâm trí tới độ có thể cất lên khi có dịp: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa , Đấng cứu độ tôi… Người đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn…” (Lc 1, 46-4) Maria đồng thời cũng ‘tuân giữ lời’ qua việc đón nhận cách trọn vẹn và tham gia cách tích cực vào việc Thiên Chúa thực hiện lòng thương xót cứu độ của Ngài.

‘Lắng nghe’ nào sâu cho bằng để cả tâm trí và cõi lòng mình nhảy mừng khi tình yêu cứu độ xuất hiện, và ‘tuân giữ’ nào trọn vẹn cho bằng để lòng dạ mình cưu mang và trọn đời cộng tác vào chương trình xót thương cứu độ cho tới tận chân thập giá? Maria đã thi hành được điều này và làm cách xuất sắc hơn hết thảy mọi người. Chính vì thế khi nhắc nhở: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? – Đó là những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3, 31-35), Đức Giêsu chắc hẳn muốn ám chỉ điều này chứ không phải điều gì khác.

Theo lối suy nghĩ tự nhiên, được làm Mẹ Thiên Chúa quả là một địa vị, một đặc ân vĩ đại; nhưng riêng với Đức Giêsu, thì tư thế của một người trước Tin Mừng cứu độ mới là điều có giá trị thực sự. Và hình như qua khảng định đó, Người cũng muốn mở rộng lời mời gọi tới từng Kitô hữu hãy tham gia vào cái ‘vinh dự cao cả’ làm mẹ đó thì phải. Như Maria, sự thánh thiện và vĩ đại nhất đòi nơi Kitô hữu thật quá đơn giản: chỉ cần biết ‘nghe và tuân giữ’ Lời Cứu Độ của lòng thương xót, và đem đời mình dìm sâu vào trong tình yêu cứu độ đó mà thôi. Phải chăng đó cũng đồng thời là ‘ý đồ’ của Đức Giêsu khi Người khi trao Gioan – môn đệ Người yêu cho Maria đang đắm chìm trong hiến tế của thập giá cứu độ. “Thưa bà, đây là con của bà… Đây là mẹ của anh!” (Ga 19, 26-27)?

Các hội viên của Dòng Don Bosco chúng tôi luôn có tham vọng là muốn biến mình trở thành ‘dấu chỉ và người mang tình thương của Chúa đến cho thanh thiếu niên’. Rõ ràng nhà dòng muốn họ trở nên ‘mẹ’ của các trẻ bị bỏ rơi, đồng thời cũng trở thành mẹ của Thiên Chúa nữa theo cùng nội dung ‘mẹ’ mà Đức Giêsu nói tới. Có lẽ vì vậy mà nhà dòng muốn họ được Maria cùng đồng hành trong ơn gọi chăng, không những chỉ vì các trợ giúp đỡ nâng bên trong cũng như bên ngoài, mà nhất là trong nội dung của chính ơn gọi Kitô hữu cũng như Salêdiêng của họ. Hãy trở thành cha, thành mẹ của các tâm hồn!

Lạy Maria Mẹ Thiên Chúa, xin hãy giúp con, như Mẹ, biết ‘nghe và tuân giữ’ Lời Cứu Độ đầy từ nhân. Xin cho con, khi mừng kính Mẹ dưới danh hiệu ‘Mẹ Thiên Chúa’ cao đẹp này, cũng được tham gia vào nghĩa vụ trở thành ‘mẹ của Đức Kitô’ cho những người chưa được biết tới tình yêu cứu cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa. Cũng xin Mẹ Thiên Chúa giúp con luôn trung thành với ơn gọi Kitô hữu rất cao quí mà Mẹ là người đầu tiên đã thực thi được cách trọn vẹn nhất. Chính vì điều này mà con chạy đến với Mẹ và tôn sùng yêu mến Mẹ, ôi Mẹ Thiên Chúa. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

————————————-

 

Đời Làm Mướn Khổ Lắm Mẹ Ơi!

Ở đời người ta chỉ chấp nhận để con cái đi làm mướn khi qúa cơ cực, không lối thoát. Bởi vì, đời làm mướn có sướng gì đâu như bài hát “Kiếp nghèo” đã diễn tả:
“Có sướng gì đâu đời đi làm mướn
Có sướng gì đâu kiếp đời làm thuê
Cơm đã chưa no lấy đâu lo mặc ấm
Cơm đã chưa no lấy đâu lo cái đẹp
Nhiều đêm trở trời nằm co ro buồn tủi”

Nhưng nghe đâu trong Đại hội Đoàn thanh niên Việt Nam cuối năm 2022 người ta lại đặt chỉ tiêu đưa nửa triệu thanh niên đi xuất khẩu lao động. Nửa triệu năm nay tiếp nối nửa triệu năm sau nối đuôi nhau sống tha hương cầu thực là một bức tranh thật đáng buồn cho người Việt và cho người Mẹ Việt Nam!

Bởi vì đã có biết bao thảm cảnh xảy ra cho những nam thanh nữ tú đi làm mướn ở xứ người. Có những bạn trẻ bị chết ngạt trong tủ đông trên đường sang Anh trồng cỏ. Có hàng vạn cô gái lấy chồng Hàn, chồng Đài như một nô lệ tình dục vì bất đồng ngôn ngữ. Và hàng triệu, hàng triệu người nối đuôi nhau sang nước người làm những công việc nặng nhọc và bị hành hạ đến mức không ra con người. Họ chỉ còn sự an ủi khi có người cùng cảnh ngộ với mình:
Tôi với anh hai người xa lạ
Gặp gỡ nhau chung cảnh làm thuê
Anh gắn bó đã bao mùa lá
Còn tôi…chập chững bước vào nghề.

Có lẽ đời làm mướn cơ cực nhưng còn có lối thoát nghèo nên họ mới rời bỏ quê hương để ra đi. Nếu ở lại thì cái nghèo cứ bám lấy kiếp người biết bao giờ mới sống ấm no. Nhất là sau đại dịch thì công ăn việc làm để kiếm tiền càng khó khăn thêm?

Hôm nay ngày đầu năm Dương Lịch chúng ta cùng dâng thánh lễ cầu bình an cho một năm mới. Bình an chỉ có thực sự khi cuộc sống ổn định. Ổn định về công ăn việc làm. Ôn định về những khoản chi tiêu đủ cho cuộc sống. Ổn định về an ninh, về sức khỏe,…

Nhưng những “điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Tất cả đều bấp bênh, đều đi vào những khúc quanh đầy khó khăn.

Giữa những thăng trầm cuộc đời đầy khó khăn ấy, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy ngắm nhìn một chàng trai Giêsu khỏe mạnh.

Một chàng trai con bác thợ mộc. Lớn lên lại mồ côi cha nên ngày ngày xách đồ nghề đi làm mướn. Nghề mộc thì cứ làm nhà này qua nhà kia, hết làng mình rồi qua làng bên.

Đời làm mướn dầu cơ cực, nhưng chàng trai Giêsu dưới cái nhìn người đời là người luôn sống trong ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người.

chúng ta. Ngài đang có mặt nơi đây. Ngài đang mời gọi “tất cả những ai mệt nhọc gồng gánh nặng nề hãy đến, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Ngài đã sống nêu gương cho chúng ta qua đời sống luôn lạc quan tin tưởng vào Chúa Cha. Ngài luôn cầu nguyện và phó thác theo ý Chúa Cha. Bởi Ngài biết, Chúa Cha sẽ luôn có những con đường tốt nhất cho từng người chúng ta.

Thật hạnh phúc cho kiếp người khổ đau của chúng ta, vì Thiên Chúa đã làm người và ở cùng.

Chúa Cha cũng ban cho Chúa Giêsu một người Mẹ. Một người mẹ đi hết cuộc đời với con. Một người Mẹ luôn hiện diện, chia sẻ cùng con trong mọi vui buồn, nhất là trên chặng đường thương khó.

Thế nên, hôm nay Giáo hội mừng lễ Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của nhân loại chúng ta.

Giáo hội phó thác con cái mình cho Mẹ Maria. Xin Mẹ xưa đã hiểu được những cơ cực của con Mẹ khi phải làm mướn ở làng Nazareth, hãy đoái thương đến con cái Mẹ hôm nay cũng đang tha phương cầu thực. Xin Mẹ Maria xưa đã đồng hành với Chúa Giêsu trên đường khổ giá, thì hôm nay cũng hiện diện chia sẻ trong những thăng trầm của từng cuộc đời con cái Mẹ nơi dương thế. Xin Mẹ khẩn cầu cùng Thiên Chúa Cha chúc lành cho mọi công việc, mọi dự định của chúng ta được thành toàn.

Xin trao vào tay Chúa và Mẹ Maria những cơ cực lầm than của kiếp người để nhờ đó mỗi người chúng con tìm được sự nâng đỡ phù hộ và bình an trong cuộc sống hôm nay. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

————————————

 

Chọn Chỗ Rốt Hèn

Những người chăn chiên đêm hôm ấy tại Bêlem hết sức kinh hoàng khi chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng như thể trong mơ. Có một vầng sáng lớn đột nhiên xuất hiện giữa đêm đen bao trùm lấy họ và có tiếng vang vọng từ thinh không rằng: “Hôm nay, một Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu nầy mà nhận ra Người: anh em sẽ thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ…” (Lc 2,11-12).

Bấy giờ các người chăn chiên bàng hoàng tự hỏi: Thật lạ lùng! Một Đấng cứu độ mà lại là trẻ thơ bọc tã, nằm trong máng cỏ hay sao?

Thế rồi họ bảo nhau phải đến tận nơi để nhìn xem cho tường tận.

Một nghịch lý trong cuộc đời.
Bất cứ ai sống trên đời đều muốn tỏ ra mình là người quan trọng, trỗi vượt người khác, tốt đẹp hơn người, không thua kém ai. Nếu bị thua kém người khác, ai cũng cảm thấy buồn phiền.

Các bậc vua chúa chức trọng quyền cao luôn tỏ ra mình là người uy dũng, oai phong lẫm liệt, giàu sang phú quý.

Trong khi đó, thật là điều nghịch lý khi Thiên Chúa Ngôi Hai là vua trời cao cả quyền năng phép tắc đến với nhân loại trong hình hài một trẻ sơ sinh.

Giờ đây, ngược dòng thời gian, chúng ta cùng với các người chăn chiên ở Bêlem năm xưa, đến nhìn ngắm Đấng Cứu độ nhân loại tại nơi Ngài giáng sinh.

Không ai trên đời bần cùng như Ngài: không nhà cửa, không lều trại, đến độ phải náu thân trong chuồng súc vật giữa đồng hoang.

Không ai hèn kém như Ngài: Không giường không nệm, không được nằm nôi tươm tất, ấm áp như bao trẻ thơ khác, Ngài nằm trong máng ăn của súc vật, được lót một lớp mỏng cỏ khô do trâu bò ăn còn sót lại. Không có chăn ấm phủ người, Ngài chỉ được bọc trong chiếc tã mong manh, nằm run rẩy giữa trời đêm lạnh giá.

Thay vì cung điện kiêu sa, Ngài ngự trong một chuồng bò xiêu vẹo, bốn bề trống trải, chơ vơ giữa đồng.

Thay vì quan quân hầu hạ, chỉ có mấy con bò nằm cạnh, tròn mắt ngơ ngác ngắm nhìn.

Cũng không ai trên đời yếu ớt như bé Giêsu: khi chưa đủ ngày đầy tháng, đã phải cậy nhờ Cha nuôi Giuse và Mẹ Maria bồng ẵm, vội vã trốn lánh ra nước ngoài, tận Ai Cập xa lắc xa lơ, để thoát khỏi lưỡi gươm oan nghiệt của bạo chúa Hêrôđê.
Và thế rồi, suốt 33 năm hoạt động trên dương gian, Chúa Giêsu luôn sống khiêm tốn đến tận cùng và kết thúc bằng cái chết khổ nhục, treo thân trần trụi trên thập giá.

Thế là khi đến trần gian, Ngài đã sống trong cảnh rốt hèn, kể từ lúc sinh ra cho đến chết.

Sứ điệp của Chúa Giêsu.
Đời sống khiêm hạ tột bậc Chúa Giêsu gửi đến mỗi người chúng ta một sứ điệp quan trọng, là phải sống đời khiêm tốn.

Sự cao cả của con người không tùy vào chức quyền, công danh, địa vị, cũng không tùy vào tài sản kếch sù hay tiền bạc đầy dư.

Sự thánh thiện của con người không tùy vào dáng vẻ bên ngoài, nhưng là nội tâm khiêm nhu hiền hậu. Ngài thường mời gọi chúng ta: “Hãy học cùng Ta vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng.”

Và người đời cũng thường nhắc bảo ta: “Lúa chín thì cúi đầu.” Những người thật sự vĩ đại thì luôn khiêm tốn “cúi mình xuống” như bông lúa chắc; còn người rỗng tuếch thì vươn cao đầu như bông lúa lép.

Lạy Chúa Giêsu. Người đời thích khoe mẽ, phô trương, mặc dù họ chẳng đáng là gì. Còn Chúa là Đấng vinh hiển, quyền năng nhưng luôn tỏ ra là người bé mọn, chọn chỗ rốt hèn và hết sức khiêm tốn.

Xin cho chúng con biết học khiêm nhường với Chúa để ngày càng nên giống Chúa hơn. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

———————————————

 

Maria – Nữ Trinh Diễm Phúc
Lễ Thánh Maria – Mẹ Thiên Chúa.A – (Lc 2, 16 – 21)

Vinh phúc thay! Dạ cưu mang Thầy,
dòng sữa ngọt, đong đầy yêu thương.
Lời ru tiếng hát đêm trường,
thiết tha lòng Mẹ gió sương nặng tình.

Maria hành trình dâng hiến,
khấn trọn đời bất biến khiết trinh.
Cưu mang Thiên Tử uy linh,
hạ sinh ra Vị Cứu Tinh nhân trần.

Các mục đồng nhanh chân chiêm ngắm,
tìm đến nơi sưởi ấm Hài Nhi.
Tôn vinh Thiên Chúa quyền uy,
Mẹ hằng ghi khắc gẫm suy lòng thành.

Mẹ diễm phúc Thánh danh cao trọng,
Mẹ Chúa Trời, sự sống Ngôi Hai.
Yêu Con từ lúc hoài thai,
hạ sinh, dưỡng dục, hình hài luyến thương.

Dẫu gian khổ dặm trường vạn biến,
Mẹ vững lòng hai tiếng “Xin Vâng”.
Yêu Lời Chúa, mến tha nhân,
chu toàn Thánh ý, chứng nhân trung thành.

Tung hô Mẹ, Thánh danh huyền diệu
Mẹ Thiên Chúa, tước hiệu cao quang.
Nữ Vương trần thế – thiên đàng,
đoái thương con mọn trần gian khẩn cầu.

Xin phụ trợ, cầu bầu, nâng đỡ,
chốn hồng trần, cám dỗ, phù du
Noi gương Mẹ sống khiêm nhu,
lương tâm trong sáng chỉnh tu xác hồn.

Dẫu vất vả, dập dồn khổ lụy,
Lời Chúa là vũ khí đời con.
Cho dù chuyển động núi non,
dưới tà áo Mẹ con còn sợ chi.

Noi gương Mẹ, từ bi, chính trực
tâm hồn con trung thực, sáng trong.
Dù lận đận, kiếp long đong,
tình Chúa hiện diện giữa lòng trần gian.

Hoàng Thái Hậu hào quang tươi sáng,
nghe Thánh Danh Chư Thánh khấu đầu.
Ma vương, quỷ sứ trốn sâu,
Nữ Trinh toàn thắng đạp đầu Satan.

Maria – Tam Tòng Tứ Đức
Lễ Thánh Maria – Mẹ Thiên Chúa. A – (Lc 2, 16 – 21)

Diễm phúc cao sang Mẹ Chúa Trời,
nhân đức rạng ngời hoa thắm tươi.
Ngắm nhìn nhan Mẹ, hồn ao ước,
nâng bước con đi giữa cuộc đời

Mẹ đẹp tuyệt vời nét Á – Đông,
lung linh trong sáng cả vườn hồng.
Tứ Đức, Tam Tòng luôn hoàn hảo,
hương trinh thơm mát tỏa mênh mông.

Tại Gia Tòng Phụ, đức vâng lời,
ngoan hiền con thảo tuổi thơ chơi.
Gioakim thân phụ – Anna thân mẫu,
tuổi hồng vui khúc hát xuân tươi.

Ba tuổi dâng mình trong thánh cung,
chỉ mong tình Chúa được ở cùng.
Tùng phục nghĩa phụ, lời hôn ước
nhân duyên ấn định phận tôi trung.

Xuất Giá Tòng Phu vẹn nghĩa tình,
có chồng vẫn giữ trọn chữ Trinh.
Đáp lời Thiên Sứ vâng Thánh ý,
Giuse kết bạn duyên thắm xinh.

Một lòng tuân phục đấng phu quân,
Ai Cập đường xa chẳng ngại ngần.
Sẵn lòng trở về quê yêu dấu,
cùng chàng xây dựng nghĩa gia ân.

Thân phận nữ nhi trọn chữ Tòng,
Phu Tử Tòng Tử thật sáng trong.
Trên đường rao giảng Mẹ dõi bước,
vạn nẻo đường dài dẫu long đong.

Trên đường thập giá kiếp phong sương,
lặng lẽ hiệp thông nỗi đoạn trường.
Theo Con từng bước chiều xưa ấy,
Can-vê điểm hẹn Lễ Tình Thương .

Tứ Đức tuyệt vời phận nữ nhi,
Công – Dung – Ngôn – Hạnh ai sánh bì.
Vun xén vuông tròn nơi Thánh thất,
mái ấm chan hòa khúc tình si.

May vá thêu thùa đẹp chữ Công,
Từng bữa cơm ngon phục vụ chồng.
Chiếc áo Mẹ đan cho quý tử,
quân lính không đành xé uổng công.

Mẹ chẳng tô son chẳng phấn hồng,
chữ Dung Mẹ tựa ánh trăng trong.
Rực rỡ như mặt trời hừng sáng,
tháp ngà trinh bạch tuyết mùa đông.

Ngọc thốt dịu dàng đẹp chữ Ngôn,
lắng nghe Ý Chúa rọi tâm hồn.
Chỉ luôn ca tụng, ngợi khen Chúa,
vui – buồn, sướng – khổ vững suy tôn.

Chữ Hạnh sáng ngời thật đáng yêu,
Chúa Cha tuyển chọn Mẹ diễm kiều.
Sứ Thần chào Mẹ “Đầy ơn phúc”,
Thánh Tử Ngôi Lời gọi Mẹ yêu.

Tình Mẹ tuôn tràn thật phong nhiêu,
lòng con thủ thỉ Mẹ bao điều.
Xin Mẹ chở che và giáng phúc,
Gia đình nhân loại thắm hương yêu.

AP. Mặc Trầm Cung