“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 3, 1-12
Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”. Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.
Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan.
Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: “Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Đấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Đấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Các Sứ Điệp Của Goan Tiền Hô ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Sứ Điệp Của Gioan Có Giá Trị Nào ? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Sửa Đường Chúa Đến? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Sám Hối Để Khỏi Bị Huỷ Diệt Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Vào Sa Mạc Hạt Nắng Trg 9
Sám Hối Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Sa Mạc Bình An M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Sám Hối A.P. Mặc Trầm Cung Trg 12
Các Sứ Điệp Của Gioan Tiền Hô
Các nước đang phát triển có hướng đô thị hóa rất mạnh. Dân quê bỏ đồng ruộng ra thành thị. Chính phủ lo đô thị hóa nông thôn. Càng phát triển, người ta càng có khuynh hướng tiêu thụ rất mạnh: ăn sang, mặc đẹp. Vậy mà Phúc Âm hôm nay đưa ra hình ảnh thánh Gioan Tiền Hô, một người sống trong sa mạc, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo da thú. Phải chăng là Phúc Âm đã lỗi thời, đi ngược với đà tiến hóa của nhân loại?
Để trả lời cho vấn nạn này, trước hết ta hãy cùng nhau đào sâu những sứ điệp Phúc Âm được nhắn gửi qua đời sống của thánh Gioan Tiền Hô. Thánh Gioan Tiền Hô tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Đây không phải là một tiếng kêu vô hồn vô nghĩa. Nhưng là tiếng kêu có nội dung, là những sứ điệp gửi đến loài người.
1) Sứ điệp thứ nhất mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy vào sa mạc.
Vào sa mạc là sống với thiên nhiên, sống hòa hợp với đất trời, bảo vệ cây cỏ, dã thú. Trong nền văn minh tiêu thụ hiện nay, người ta khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không nghĩ đến tái tạo. Thiên nhiên đang bị hủy diệt, rừng xanh đang lâm nguy, súc vật đang kêu cứu. Trong bối cảnh ấy, sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô có giá trị như một thức tỉnh con người trước sức tàn phá của nền văn minh tiêu thụ.
Vào sa mạc là tìm nơi yên tĩnh mà nghỉ ngơi. Vì các đô thị lớn đã hoàn toàn bị ô nhiễm: ô nhiễm vì tiếng động, ô nhiễm vì khói xăng, ô nhiễm vì rác rưởi, ô nhiễm vì bụi bặm.
Thế nhưng sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô vượt lên trên những nhu cầu của xã hội, của sức khỏe để nhắm vào đời sống tâm linh con người. Nhịp sinh hoạt trong xã hội công nghiệp càng ngày càng tăng tốc độ. Con người luôn luôn vội vã đuổi theo công việc. Vì thế dễ rơi vào tình trạng sống hời hợt bề mặt. Không có thời giờ lắng xuống bề sâu. Vào sa mạc tâm linh, tức là tạo cho mình một thời gian và một không gian yên tĩnh. Dứt lìa những bận bịu lo toan trong cuộc sống để trở về với mình, đối diện với lòng mình.
Sa mạc không có đường đi. Nên người đi vào sa mạc sẽ đi theo con đường Chúa chỉ dẫn. Như xưa dân Do Thái lang thang 40 năm trong sa mạc, không biết đường đi, chỉ biết đi theo áng mây cột lửa nên đã tìm thấy đường đi về với Chúa, đã gặp được Chúa, đã thành dân của Chúa. Như tiên tri Êlia chạy trốn trong sa mạc đã chẳng tìm được đường thoát thân. Nhưng đã được Chúa chỉ cho con đường hy vọng. Như Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày, nên đã tìm thấy con đường của Chúa Cha là hy sinh, khiêm nhường, sống trọn tình con thảo.
Cũng vậy, người vào sa mạc tâm linh sẽ gặp mình và trong sâu thẳm lòng mình sẽ gặp được Chúa. Vì Chúa còn thân thiết với ta hơn chính bản thân ta. Vì Chúa còn sâu xa hơn chính nội tâm ta.
2) Sứ điệp thứ hai mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sống khổ hạnh.
Ta tưởng sống khổ hạnh đã đi vào quá khứ. Thực ra các nước văn minh đang đi vào con đường của thánh Gioan Tiền Hô. Một trong các vấn đề lớn của người phương tây hiện nay là giữ sao cho khỏi lên cân, để khỏi bị cholesterol, để khỏi bị chứng bệnh xơ cứng động mạch, để ngăn chặn bệnh tiểu đường, để khỏi bị mỡ bao tim, người ta đã phải kiêng ăn, bớt uống.
Ăn uống đơn sơ đạm bạc không những có lợi cho sức khỏe mà còn giúp ta tiết kiệm để chia sớt với những vùng thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng vượt lên trên tất cả sức khỏe thân xác lẫn đạo đức liên đới xã hội, nếp sống khổ hạnh trước hết và trên hết nhắm phục vụ đời sống tâm linh. Ăn uống là nhu cầu căn bản của con người. Nó thuộc về bản năng sinh tồn. Ăn uống đứng đầu các khoái lạc. Khi làm chủ được ăn uống, người khổ hạnh cũng dễ tiến tới làm chủ được bản thân. Chế ngự được bản năng ăn uống, ta sẽ dễ chế ngự được tham, sân, si khác trong con người. Đó là bước khởi đầu trên con đường đức hạnh dẫn ta đến gặp Chúa và trở nên thân thiết với Chúa.
3) Sứ điệp thứ ba mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sám hối.
Phải sám hối vì con người là lầm lỗi, là xa lạc. Các thánh chính là những vị không ngừng sám hối để đổi mới bản thân cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng.
Phải sám hối vì đó là điều kiện tiên quyết để đón nhận Tin Mừng, để được vào Nước Trời.
Có hai đặc tính giúp xác định một sám hối đúng nghĩa:
Đặc tính thứ nhất là triệt để. Sám hối không phải là ngồi đó mà than khóc. Nhưng là thay đổi đời sống. Không phải thay đổi một phần mà thay đổi trọn vẹn. Là đổi mới hoàn toàn. Sám hối phải triệt để như dân thành Ninivê, bỏ hết việc ăn chơi, bỏ đàn hát, đọc kinh cầu nguyện, xức tro, mặc áo nhặm. Sám hối phải triệt để như Phaolô, bỏ hẳn ngựa, gươm, bỏ hẳn nếp sống cũ, bỏ hẳn con đường cũ, để tin nhận Đức Kitô, sống một nếp sống hoàn toàn mới. Sám hối phải triệt để như Giakêu, bán hết gia tài, đền bồi gấp bốn, chia sẻ với người nghèo…
Đặc tính thứ hai là cấp bách. Không từ từ do dự vì thời giờ đã tới hồi cấp bách. Cái rìu đã đặt sẵn ở gốc cây. Cái sàng đã đặt sẵn ở sân lúa. Cây không sinh trái sẽ bị đốn ngay. Trấu sẽ bị sàng lọc ra ngoài.
Như vậy, con người và sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô không hề lỗi thời. Những sứ điệp sa mạc, sứ điệp khổ hạnh và sứ điệp sám hối vẫn luôn hiện thực. Những sứ điệp ấy soi sáng con đường ta đi, phải tu sửa để gặp được Thiên Chúa Cứu Độ. Cuộc đời gương mẫu của thánh nhân là sức nóng vừa lôi cuốn vừa thúc giục ta. Vì thế Chúa Giêsu đã khen Ngài là “ngọn đèn chiếu sáng và tỏa nóng”. Ánh sáng của Ngài báo hiệu một bình minh chói lọi huy hoàng. Sức nóng của Ngài dẫn ta đến tận nguồn lò lửa. Lò lửa ấy sẽ chiếu sáng, sẽ đốt cháy mọi trái tim trong tình yêu và sẽ thanh luyện ta nên tinh tuyền. Bình minh ấy, lò lửa ấy chính là Mặt Trời Công Chính, là Chúa Giêsu mà chúng ta đang chờ mong trong đêm tối cuộc đời này. Amen.
ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
———————————————–
Sứ Điệp Của Gioan Có Giá Trị Nào?
Hình ảnh Gioan, vị tiền hô của đấng Thiên Sai, được Matthêu phác họa thật quá ấn tượng; và cũng ấn tượng không kém là những lời kêu gọi thống hối của ông. Có lẽ tác gỉả đã dày công viết lên đoạn Phúc Âm này với chủ đích làn sao cho độc giả là những người Do Thái chịu tìm hiểu về Giêsu Nazareth, là vị Gioan có nhiệm vụ loan báo. Nếu vị tiền hô đã hấp dẫn được ‘người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông’, thì nhân vật phải đến sau sẽ là như thế nào? Tất nhiên điều quan trọng chính là không ai được nhầm lẫn người dọn đường với vị phải đến, vị tiền hô với đấng Thiên Sai, và nhất là sứ điệp của Gioan với Tin Mừng của Đức Giêsu.
Matthêu phác họa một Gioan tiên tri ‘mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn’, in đậm nét một nhà tu hành khắc kỷ. Tác giả muốn chứng minh cho thấy Gioan ‘chính là người được ngôn sứ Isaia nói tới: có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn săn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi’ (Is 40,3…). Còn chính vị Thiên Sai sắp tới sẽ mang diện mạo nào…? Sách Tin Mừng ông viết sẽ dần dần phác họa lên diện mạo độc đáo đó, có điều ngay từ lúc này tác giả cho thấy chắc chắn nó sẽ khác xa với diện mạo Gioan, vị tiền hô, đang trình bày.
Sứ điệp Gioan rao giảng có phần mạnh mẽ, cứng rắn và khẩn trương: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Nội dung sứ điệp tập trung vào việc kêu gọi mọi người ‘thú tội’ tức là nhìn nhận tội lỗi mình phạm. Đồng thời sứ điệp đó phải được tất cả mọi người, không trừ một ai, đón nhận: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: chúng ta đã có tổ phụ Abraham!”. Đón nhận nhân vật vĩ đại sẽ đến sau, Đấng mà Gioan có nhiệm vụ dọn đường, tất nhiên là điều rất khẩn trương đối với hết thảy mọi người. ‘Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa’, khi sử dụng lối hành văn khải huyền vốn rất quen thuộc đối với người Do Thái, Gioan giới thiệu vị Thiên Sai như nhân vật phải đến để thanh lọc và tẩy rửa trong ngày thế tận ‘Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi’.
Có điều là Gioan đã không có một khái niệm gì về nhân vật sẽ đến sau mình, ngoại trừ xác tín rằng giữa ông và Ngài có một khoảng cách vô biên. “Đấng đến sau thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người”. Cũng vậy, giữa phép rửa sám hối ông làm và phép rửa Ngài sẽ thực hiện không hề có gì tương đồng: “Tôi dìm (làm phép rửa cho) các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối… Còn Người sẽ dìm các anh trong Thánh Thần và lửa”. Thậm chí ông còn không hình dung nổi nội dung thiên sai của Đức Giêsu sẽ hệ tại ở điều gì: trừng phạt hay tha thứ? Đức Giêsu nói cho các môn đệ được Gioan đang bị giam tù sai tới để tìm hiểu về Người: hãy về thuật lại cho ông các hành động xót thương lúc đó Người đang thực hiện: ‘người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11, 2-6). Đức Giêsu không phủ nhận việc khắc kỷ tu thân, công minh chính trực của Gioan là điều cao trọng. Người lên tiếng ca ngợi ông là người có cuộc sống đi đôi với lời rao giảng. Người hết lời đề cao sự vĩ đại của ông: “trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả”(xem Mt 11, 7-11). Thế nhưng Người cũng thẳng thắn cho biết, những điều trên không ăn nhằm gì tới Tin Mừng mà Người đang rao giảng, đó là tin và đón nhận lòng từ bi nhân hậu vô biên của Thiên Chúa. Đây mới đích thực là điều cao cả hơn hết, vì “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,11).
Như vậy thì nội dung mùa vọng, hay việc chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế, đã lộ rõ: không cốt yếu hệ tại ở việc cải tà qui chính hay chấn chỉnh đời sống, cho dầu những việc đó có tốt đẹp đến đâu. Mùa vọng chính là thời gian mời gọi ta đón lấy hồng ân cứu độ, đón nhận lòng thương xót bao la của Thiên Chúa. Đó là thời gian vui mừng tột độ khi các Kitô hữu biết rằng: Hài Nhi Giêsu giáng sinh chính là bảo chứng tình yêu nhân hậu vô biên mà Thiên Chúa đang muốn thực hiện. Nếu có lắng nghe sứ điệp sám hối của Gioan thì cũng chỉ là để mau mắn đón lấy lòng xót thương của Thiên Chúa, và ký gửi niềm tin tuyệt đối vào Hài Nhi giáng trần mà thôi.
Có như thế Mùa Vọng mới đáng gọi là thời gian của hy vọng và cậy trông chứ!
Lạy Hài Nhi giáng trần, xin mau đến, mau đến chính vì sự yếu hèn tội lỗi của chúng con! Chúng con quả thật đang cần tới lòng xót thương vô biên của Chúa. Chúng con sẽ không thấy mạc cảm hay sợ hãi gì khi nhận ra thân phận tội lỗi của mình; ngược lại, càng khiêm tốn nhận ra thân phận thấp hèn, chúng con càng vui mừng biết rằng, chính qua Hài Nhi giáng sinh tại Bê-lem mà con người được dạy cho biết mình được Thiên Chúa yêu thương đến chừng nào. Chúng con xin sấp mình thờ lạy mầu nhiệm tình yêu giáng thế. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
——————————————–
Sửa Đường Chúa Đến?
Có anh bạn mới nói với tôi rằng: “đạo tại tâm” nên đâu cần đi lễ hay đọc kinh? Tôi nói rằng: quan trọng là Tâm anh có Chúa hay có Ma?
Đạo là đường dẫn chúng ta tới với Chúa. Không đi theo Đạo chỉ dẫn làm sao có Chúa trong lòng? Người ta nói đường và chân là đôi bạn. Đường không có dấu chân người, sẽ phủ kín bằng cỏ dại hoang vu. Đôi chân bước đi mới làm thành lối mòn cho con đường. Người có đạo phải sống đạo và phải thể hiện niềm tin ấy qua đời sống thực hành điều Chúa dạy.
Một người tâm có Chúa thì luôn hoán cải, luôn canh tân để hoàn thiện con người của mình nên tốt hơn. Đạo không dừng lại ở tâm hay lời nói mà cần thể hiện qua cách sống biết thức tỉnh để luôn sống theo lề luật của Đạo.
Thế nên, một người tâm không có Chúa thì luôn chiều theo tính xác thịt, sống lười biếng, thiếu trách nhiệm nhưng lại hay thích nói đạo lý để dối lòng mình và lừa gạt mọi người. Một người tâm có Chúa thì luôn hóan cải và canh tân.
Mùa Vọng cũng là dịp để chúng ta nhìn lại mình đã đi theo chính đạo hay chưa? Nếu tâm chúng ta còn chất đầy những tội lỗi, những đam mê thì chúng ta đã lầm đường lạc lối. Nếu tâm chúng ta còn mang nặng tính kiêu căng, tự phụ và thiếu yêu thương anh em là chúng ta đang để cái tôi mình lớn lên và bỏ xa luật Chúa.
Hôm nay giữa sa mạc hoang vu, Gioan mời gọi mọi người hãy chỉnh đốn lại con đường mình đi. Chỉnh cho ngay, chỉnh cho bằng phẳng. Điều quan trọng là đường là phải tới với tha nhân. Đường không có nơi hoang địa. Do đó, hãy phá tan hoang địa hoang địa lòng mình để mở lòng đến với tha nhân. Hãy mở lối cho con người đến với nhau trong hòa bình và thân ái. Đường của yêu thương xóa bỏ ngăn cách hận thù. Đường của thứ tha để xây dựng tình bằng hữu của anh em bốn bể một nhà. Đường của bác ái để xây dựng hạnh phúc cho tha nhân. Con đường của Nước Trời còn hướng cho mọi người biết nhìn về trời cao để sống thanh thoát khỏi những bon chen trần gian, sống vượt lên trên những tham sân si để sống vui tươi và hạnh phúc.
Vâng thưa anh chị em, cuộc đời rất cần những con đường, nhưng đừng bao giờ mở đường để gây đau khổ cho nhau bằng chiến tranh, bằng hận thù. Và cũng đừng mở đường để tìm tư lợi riêng, nhưng mở đường để tạo tình liên đới giữa con người với nhau được gần gũi hơn. Và mở đường phải nhắm đến phục vụ cho nhu cầu con người chứ không phải cho một nhóm người hay một giai cấp nào.
Lời ngôn sứ Gioan vẫn đang mời gọi chúng ta mở lối đường cho Chúa ngự trị. Gioan vẫn thiết tha mời gọi chúng ta hãn san bằng núi đồi của kiêu căng. Hãy lấp đầy thung lũng của đam mê tật xấu. Hãy nắn cho ngay thẳng tính gian dối hại người. Hãy sống một cuộc đời cho xứng với lòng sám hối ăn năn để cho Con Chúa Trời giáng trần nơi cung lòng mỗi người chúng ta. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
—————————————
Sám Hối Để Khỏi Bị Hủy Diệt
“Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”
Đến khi Chúa Giêsu khởi sự rao giảng, sứ điệp đầu tiên Ngài gởi đến nhân loại cũng là lời mời gọi sám hối. Ngài nói: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17).
Và suốt trong ba năm rao giảng, Chúa Giêsu thường xuyên thúc giục mọi người hãy ăn năn sám hối qua nhiều dịp khác nhau.
Sau cùng, trước khi từ giã các môn đệ để lên trời, Chúa Giêsu cũng căn dặn các ông: “Hãy đi rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội…” (Lc 24,47)
Như thế, sám hối là lời kêu gọi và là lệnh truyền rất quan trọng mà Chúa Giêsu gửi đến cho nhân loại qua mọi thời, rất đáng cho mọi người quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây là chuyện nhỏ, chẳng đáng lưu tâm và không muốn đem ra thực hành, vì người ta cho rằng: Sám hối làm chi cho mệt; sám hối thì phải mất công chừa bỏ tội lỗi và thói hư… chi bằng cứ thoải mái, nếu có mắc tội thì đi xưng tội là xong, thế là nhẹ nhàng, khỏe khoắn…
Vì thế, cuộc đời đạo của họ như quả lắc đồng hồ, đong đưa từ phạm tội đến xưng tội, rồi từ xưng tội đến phạm tội và chu kỳ nầy cứ lặp đi lặp lại không ngừng, rốt cuộc thói hư tật xấu vẫn còn y nguyên, đời sống đạo chẳng khá lên chút nào!
Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận luận điệu trên. Chúa Giêsu tỏ cho thấy sám hối là việc tối cần và số phận người không ăn năn sửa mình, không quyết tâm chừa tội thật là bi đát.
Không sám hối thì sẽ phải chết
Nhân sự kiện có một số người Galilê bị Philatô tàn sát cách man rợ, Chúa Giêsu cảnh báo: “Nếu các ngươi không sám hối, thì tất cả các ngươi cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13, 3).
Rồi, Chúa Giêsu cũng nêu lên trường hợp mười tám người bị tháp Silôê đổ xuống đè chết thình lình, để cảnh báo: “Nếu các ngươi không sám hối, thì tất cả các ngươi cũng sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13, 5).
Qua bài Tin Mừng được trích đọc hôm nay, thánh Gioan tẩy giả cảnh báo rằng:
– Ai không ăn năn hối cải thì bị xem như một thứ cây xấu, sẽ bị chặt bỏ đi và bị ném vào lửa. Ngài nói: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 10).
Ngài cảnh báo tiếp:
– Ai không ăn năn hối cải thì bị xem như lúa lép sẽ bị thiêu đốt trong lửa không hề tắt. Ngài nói: Thiên Chúa sẽ cầm nia và “rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3, 12).
Chúa Giêsu cũng răn đe những người không ăn năn hối cải, không cải thiện cuộc đời bằng nhiều dụ ngôn khác.
– Họ bị xem như cỏ lùng trong ruộng lúa, khi cuối mùa, sẽ bị đốt đi như lời Chúa nói: “Cứ để cả lúa và cỏ lùng cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” ( Mt 13, 30).
– Họ sẽ bị xếp vào thành phần bị chúc dữ và bị Chúa Giêsu lên án: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó…” (Mt 25,41).
Lạy Chúa Giêsu. Mọi người sinh ra trên đời đều có tội nhưng ai biết sám hối chừa tội sẽ được Chúa thương xót thứ tha, còn những ai không ăn năn hối cải sẽ phải mang lấy hậu quả đau thương nặng nề.
Xin cho chúng con quyết tâm thực hành lời Chúa truyền dạy, sám hối, tu thân sửa mình để thoát khỏi hậu quả của tội và được hưởng phúc đời đời với Chúa. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
———————————–
Vào Sa Mạc
Chúa Nhật 2MV-A (Mt 3, 1 – 12)
Tĩnh lặng tâm hồn nơi hoang vu
Xa lánh trần gian bao mây mù
Đơn sơ, khổ hạnh thân kìm chế
Khiêm tốn, nghèo hèn xác chỉnh tu
Sám hối quay về nhìn hiện tại
Ăn năn bước tới hướng thiên thu
Tâm hồn thanh luyện nên nguồn sáng
Đón Chúa trong tim thoát ngục tù.
Hạt Nắng
—————————————-
Sám Hối
Chúa Nhật 2MV-A (Mt 3, 1 – 12)
Vùng sa mạc đất trời giăng màu tím,
tím tâm hồn ngọt lịm dấu ăn năn.
Thuyền đời con bao phen sóng chòng chành,
đầy giông tố nhục nhằn bao lầm lỗi.
Tình lặng thầm con dâng niềm sám hối,
đã bao ngày con lạc lối tình Cha.
Thú đam mê cuồng si trót sa đà,
càng vùng vẫy càng lún sâu, ra điên dại.
Mùa Vọng đến, mùa hồng ân hoán cải,
mùa phục hồi được sống lại tâm linh.
Mùa hy vọng, mùa gột rửa đời mình,
lời đoạn tuyệt những đắm chìm tăm tối.
Ánh bình minh sáng soi đường mở lối,
sáng tâm hồn biến đổi sống đức tin.
Chống bất công nêu cao đức công bình,
lòng ganh tị thay bằng tình bác ái.
Về với Chúa đời không còn hoang dại,
ấm áp con tim thư thái một tình yêu.
Ánh lửa hồng soi sáng ý huyền siêu,
cùng chiêm ngắm Ánh Mặt Trời Công Chính.
Thờ lạy Chúa tâm hồn con cung kính,
đón mừng Ngài trong niềm sám hối lẫn tri ân.
Bâng Khuâng Chiều Tím
—————————————-
Sa Mạc Bình An
Chúa Nhật 2MV-A – (Mt 3, 1 – 12)
Lao xao chiều nắng vàng,
Kiếp chiên hoang lạc đàn.
Ngơ ngác giữa rừng già,
khóc một thời đi hoang.
Xôn xao một chút tình,
ánh sáng soi hành trình.
Sa mạc vùng linh thánh,
ru hồn con quang minh.
Con về đây Chúa ơi! Giữa sa mạc cuộc đời,
tim sầu buồn, băng giá, sám hối dòng lệ rơi.
Nguyện cầu ơn tha thứ phủ lấp tâm hồn con,
hương tình yêu Thiên Chúa tỏa sáng tình muôn nơi.
Hân hoan chiều nắng vàng,
Chúa đến ơn ngập tràn.
Cho hồn con vui hát,
khúc hát nguồn bình an.
M. Madalena Hoa Ngâu
—————————————-
Sám Hối…
Chúa Nhật 2MV-A – (Mt 3, 1 – 12)
Lặng lẽ đêm trường con lắng nghe,
tiếng lòng khắc khoải lúc đêm về.
Ngổn ngang chướng ngại sầu giăng lối,
kiêu căng, tự mãn tấm màn che.
Xin Chúa hãy đến với lòng con,
soi sáng hồn con đã mỏi mòn.
Bao năm đắm chìm trong tội lỗi,
uốn thẳng cuộc đời, bạt núi non.
Sa mạc cuộc đời, con quì đây !
tĩnh lặng, gẫm suy kiếp đọa đày.
Mong được lắng nghe Lời Chúa phán,
biến đổi tâm hồn, sống thẳng ngay.
Sám hối chân thành con khấn xin,
đoái thương tha thứ mọi tội tình.
Như nai khát nước mong tìm Chúa,
tăng sức linh hồn sống đức tin.
Khấn lạy Thần Linh Chúa sáng soi,
trí khôn thông hiểu những sự đời.
Khôn ngoan phân biệt điều gian dối,
công bình, chính trực gương sáng tươi.
Hoán cải tâm hồn, hỡi người ơi !
Tin Mừng cứu độ đã gọi mời.
Quan niệm sai lầm cần chỉnh đốn,
sưởi ấm tình người khắp muôn nơi.
Thiên Chúa là nguồn mạch tình thương,
cán cân công lý sẽ đo lường.
Xót thương, quảng đại, ơn tha thứ,
khiêm tốn, khẩn cầu, thoát tai ương.
Lạy Mẹ Thiên Đàng, con cậy trông,
uốn nắn hồn con những bất đồng.
Giả dối, quanh co cần san lấp,
trong sáng tâm hồn sống hiệp thông.
Trái tim con muốn cất lời ca,
ca tụng Tình Yêu Chúa an hòa.
Thôi thúc dọn lòng con tươi sáng,
đón Chúa thăm nhà vui hoan ca.
Tham gia vào sứ mạng tiền hô,
tiếp bước theo chân các tông đồ.
Dẫn đường chỉ lối cho nhân thế,
gặp gỡ Ngôi Lời trọn ước mơ.
AP. Mặc Trầm Cung