“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 24, 37-44)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.
“Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Sẵn Sàng Đón Chúa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Kẻ Trộm Sẽ Đến Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Chết Bất Thình Lình Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Sống Xứng Đấng Với Phẩm Giá Kitô Hữu Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Khát Vọng Hạt Nắng Trg 8
Lên Thuyền Giáo Hội Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 9
Thao Thức M. Madalena Hoa Ngâu Trg 10
Thao Thức Đợi Chờ A.P. Mặc Trầm Cung Trg 11
————————————–
Sẵn Sàng Đón Chúa
Hôm nay cung thánh đượm vẻ u buồn. Bàn thờ đạm bạc không hương hoa. Lễ phục mang màu tím. Màu tím của lặng lẽ hy sinh. Màu tím của âm thầm cầu nguyện. Màu tím của tha thiết đợi chờ. Màu tím ấy nhắc cho ta biết: hôm nay ta đã bước vào mùa Vọng.
Mùa Vọng là mùa đợi chờ. Đợi chờ Chúa đến cứu độ ta. Cuộc đời ta quá nhiều đau khổ, quá nhiều tội lỗi, quá nhiều bế tắc. Chỉ có Chúa mới có thể thay đổi đời ta, giải thoát ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, đưa ta vào tình trạng thánh thiện của con cái Chúa.
Như thế mùa Vọng cũng là mùa hy vọng. Đợi chờ chính là hy vọng. Như thế trong màu tím buồn chờ đợi đã thấy thấp thoáng màu xanh hy vọng vui tươi. Nhưng làm sao để màu tím biến thành màu xanh? Làm sao nắm bắt được niềm hy vọng? Làm sao gặp được Chúa khi Người ngự đến? Lời Chúa sẽ hướng dẫn ta sống tinh thần Mùa Vọng này.
Trong tuần thứ nhất Mùa Vọng, Chúa Giêsu khuyên ta noi gương tổ phụ No-e. Tổ phụ No-e đã được cứu thoát khỏi nạn hồng thủy nhờ thái độ sống tích cực trước lời hứa của Chúa. Thái độ tích cực đó gồm hai điểm hỗ tương.
1) Chiếu ánh sáng hy vọng tương lai vào cuộc đời tối tăm hiện tại
Người ta sống nhờ hy vọng. Không có hy vọng, không ai sống nổi ở đời. Cuộc đời phù du mau qua. Cuộc đời tràn ngập đau khổ. Cuộc đời quá nhiều thử thách. Nhờ hy vọng con người mới có thể tiếp tục sống, làm việc, thăng tiến.
– Chính vì hy vọng một mùa gặt bội thu mà người nông dân không ngại dầm sương dãi nắng, thức khuya dậy sớm, cần cù cày bừa, gieo vãi và vun tưới.
– Chính vì hy vọng đậu đạt mà học sinh, sinh viên không ngại vất vả, ăn uống đơn sơ, giảm bớt vui chơi, đêm đêm chong đèn đọc sách.
– Chính niềm hy vọng được cứu thoát đã giúp tổ phụ No-e có đủ can đảm và kiên nhẫn, đầu tư thời giờ và công sức để đóng một con tàu lớn như thế. Niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng lời hứa của Chúa. Tin tưởng vững vàng vào Lời Chúa, tổ phụ No-e sống tràn đầy niềm hy vọng vào tương lai. Niềm hy vọng đó giúp Ngài vượt qua những khó khăn hiện tại.
2) Sống tích cực giây phút hiện tại để chuẩn bị cho tương lai.
Niềm hy vọng vào tương lai giúp ta thêm can đảm. Nhưng nó không cho phép ta thoát khỏi cuộc sống hiện tại. Niềm hy vọng tách rời khỏi thực tế sẽ trở thành ảo vọng. Vì thế muốn đạt tới niềm hy vọng tương lai, ta phải tích cực sống phút giây hiện tại. Phải tích cực làm việc cho tương lai.
– Người học trò muốn có tương lai tươi sáng không thể chỉ ngồi đó chờ đợi, nhưng phải ngày đêm chăm lo học hành.
– Người nông phu muốn có mùa gặt bội thu không thể khoán trắng công việc đồng áng cho trời đất. Nhưng phải cần cù chăm chỉ dầm mưa dãi nắng.
– Tổ phụ No-e không ngồi khoanh tay chờ Chúa đến cứu, nhưng đã bắt tay vào việc. Ngài làm việc cật lực, bất chấp những lời dèm pha, dị nghị của những người chung quanh.
Tục ngữ Pháp có câu: Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp. Tổ phụ No-e đã thực hiện đúng như thế. Ngài đã dồn hết công sức vào việc chuẩn bị tương lai. Và Chúa đã cứu Ngài như lời đã hứa.
Đời sống ta là một Mùa Vọng kéo dài. Mùa Vọng trần gian muốn phủ ta trong màu tím buồn của những gian nan thử thách, những thất bại, những chán nản, lo âu, nghi ngờ, mệt mỏi. Ta hãy noi gương tổ phụ No-e, tin tưởng vững chắc vào lời Chúa hứa. Lời Chúa sẽ chiếu ánh sáng hy vọng tương lai vào những tăm tối u buồn hiện tại. Như tổ phụ No-e, ta không ngồi khoanh tay chờ đợi, nhưng tích cực làm việc bổn phận trong hiện tại. Làm mọi việc thường ngày với lòng tin tưởng vững chắc. Làm những việc nhỏ mọn với tình mến Chúa yêu người tha thiết. Đó chính là cách ta sẵn sàng chờ đón Chúa đến. Đó chính là ta tỉnh thức không bị lỡ cơ hội khi Chúa đến.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến. Amen.
GỢI Ý SUY NIỆM
1) Có nhiều người chỉ quan tâm tới đời sau mà không chịu làm việc hiện tại. Có nhiều người lại chỉ lo làm ăn sinh sống mà không nghĩ đến đời sau. Bạn nghĩ sao về hai thái độ đó?
2) Ta phải sống thế nào để chu toàn nhiệm vụ hiện tại với bản thân, với gia đình mà không quên Chúa, không quên phần linh hồn của mình?
3) Tuần này, bạn sẽ làm gì để chuẩn bị đón Chúa đến?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
——————————————
Kẻ Trộm Sẽ Đến…
Một năm phụng vụ mới lại vừa khai mở, một chu kỳ mới của sứ điệp Tin Mừng đầy an ủi và hy vọng lại được triển khai, ấy thế mà tiếng kêu gọi của Hội Thánh trong những ngày đầu năm này, qua phần Lời Chúa, lại hình như muốn gióng lên tiếng báo động để cảnh tỉnh: phải canh thức và sẵn sàng. “Cho nên anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Từ lâu tôi đã thực sự tò mò muốn giải mã cái sứ điệp rất ‘chéo cẳng ngỗng’ này. Nếu coi đó là lời cảnh báo đe loi của một ngày thế tận ‘dies irae dies illa’ đầy khủng khiếp kinh hoàng thì thật dễ hiểu và hiển nhiên…, nhưng như thế thì làm sao có thể gọi được là lời kêu mời chuẩn bị đón nhận Tin Mừng của cậy trông và hy vọng? Đặt lời cảnh báo này trong bối cảnh của việc khai mở một Tin Vui thì rõ ràng là một nghịch lý, một lạc đề. Ngay cả các chi tiết của hình ảnh được chính Đức Giê-su đưa ra: “Anh em hãy biết điều này; nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó vách khoét nhà mình đâu” cũng cần phải được giải mã nữa. Vì lý do gì mà Đức Giê-su lại chọn một hình ảnh quá tiêu cực đến như thế để kêu mời mọi người sẵn sàng đón nhận sự kiện cứu độ quá trọng đại và tích cực như vậy? Vì lý do gì mà Người đã tự so sánh mình với kẻ trộm, so sánh sự việc cứu độ vinh quang với hành vi lén lút đào ngạch khoét vách để ăn trộm?
Tôi thiết tưởng có thể ‘mất để được’ chính là điều Đức Giêsu muốn nhấn, khi sử dụng hình ảnh rất quen thuộc trong Cựu Ước: trận Đại Hồng Thủy. Trong biến cố này người Do Thái có một hình ảnh rất rõ nét về một xã hội phồn vinh thịnh đạt “thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ, lấy chồng…” mà ai cũng muốn duy trì cho lâu cho dài… “mãi cho đến ngày ông Nô-e vào tầu”. Rồi nạn hồng thủy ập tới như một mất mát ‘cuốn phăng đi hết thảy’… Mất trong trường hợp này là một hình phạt hay mất để được? Con người cần phải rũ bỏ để được nhẹ nhõm trở về với Đức Chúa! Người duy nhất tỉnh chức để chuẩn bị cho cuộc mất mát vĩ đại đã cứu được sinh mạng mình là ông Nô-e vào tầu… Những ai được ‘được đem đi’ đều chấp nhận mối bất hạnh mất tất cả, còn ai bị ‘bị bỏ lại’ đều là những người ‘may mắn’ chẳng mất mát gì hết. “Bấy giờ hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, người kia bị bỏ lại…” Ta đã từng nghe có những cuộc tranh luận ai là người ‘bị’ và ai là người ‘được’. Thế thì sẵn sàng và tỉnh thức đây không phải là để khư khư giữ lại tất cả, mà là để sẵn sàng mất đi tất cả. “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến”.
Tự nhiên thì ai cũng muốn giữ của, vì ai cũng có khuynh hướng cho mình là chủ nhà cả. Điều thật sự không may là nếu sống trong thái độ chủ nhân ông đó thì dầu Đấng Cứu Độ có đến cũng sẽ bị người ta liệt vào hạng kẻ trộm đến khoét vách nhà mình. Điển hình những người thuộc nhóm Biệt Phái, Sa-đốc, và Hê-rốt với đầy đủ quyền hành và của cải, chủ nhân của xã hội thời đó, đâu có muốn mất đi những thứ họ đang có; họ muốn giữ lại tất cả, muốn duy trì…; và vì thế họ muốn tiêu diệt tên Giêsu như tiêu diệt một tên gian phi trộm cướp. Chỉ có một số người liều mình mất tất cả, những người nghèo khó của Giavê (anawim) mới sẵn sàng. “Thưa thầy, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo thầy!” Phêrô đại diện các môn đệ đã tuyên bố như thế. Và Đức Giêsu kết luận: “Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy săn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
‘Hãy sẵn sàng’ là sứ điệp gởi tới mọi tín hữu, để khi Đức Giêsu đến làm mất tất cả, mất trắng tay, Kitô hữu sẽ không như dân ngoại coi đó là đại họa; ngược lại, họ sẽ coi đó mới chính là hồng ân giải thoát. Ai cũng biết rằng hình ảnh ngày tận thế xa lắc xa lơ kia chẳng qua chỉ là tiêu biểu cho một điều rất cụ thể mà mỗi người, không trừ một ai đều phải trải qua, đó là giờ chết, lúc mà mọi người đều phải ra đi trắng tay. Tỉnh thức và sẵn sàng là để cái giờ phút phải bỏ lại tất cả đó không tới bất chợt, có nghĩa là vào chính lúc người ta vẫn cứ khư khư như mấy ông chủ chỉ lo canh giữ cho bằng được của cải mình đang sở hữu. Đức Giêsu khích lệ các mộn đệ Người hãy như Nô-e, hay như người đầy tớ trung tín (Mt 24, 45-51), mau mắn mở cửa đón lấy Con Người duy nhất có thể mang lại cho mình ơn cứu rỗi. Mỗi mất mát hàng ngày của người tín hữu (không lãnh vực này thì cũng lãnh vực khác) luôn là dịp mời gọi họ tỉnh thức và sẵn sàng, biết chấp nhận để rộng mở đón lấy hồng ân cứu độ. Chỉ như thế trọn cuộc sống Kitô hữu mới là một mùa vọng liên tục, một cuộc tỉnh thức trường kỳ. Điều này không chỉ hàm chứa một nội dung luân lý tu đức đầy cảnh giác, mà chính là cốt lõi sâu xa nhất của Tin Mừng: biết chấp nhận mọi đổ vỡ, mất mát, kể cả các sa ngã phạm tội, để không ngừng đón lấy lòng thương xót cứu độ được Thiên Chúa tặng ban cho trong Đức Kitô Giêsu.
Trong tư cách Kitô hữu, ngay cả một linh mục như tôi, tôi sẽ chuẩn bị thế nào cho giờ đón nhận ơn cứu độ, trong sợ hãi vì còn muốn thu giữ, nhất là trong những điều tôi cho là tốt lành nhất của mình kể cả trong lãnh vực tinh thần và thiêng liêng, hay là trong hy vọng vì sẵn sàng mất mát từ bỏ tất cả? Hãy nhớ rằng cả tôi nữa cũng sẽ phải giáp mặt ‘Kẻ Trộm sẽ đến’ lấy đi tất cả đấy, vậy thì niềm hy vọng đích thực của tôi phải được đặt ở đâu, ở các giá trị tôi sở đắc hay nơi lòng thương xót từ nhân của Thiên Chúa?
Lạy Thiên Chúa chí công, con không xin Chúa cứu con khỏi phải chết bất ngờ, nhưng hãy giúp con luôn biết luôn tỉnh thức đón nhận lòng thương xót cứu độ của Chúa trong mọi tình huống cuộc đời, nhất là khi sự mất mát vĩ đại nhất trong đời xảy đến, nghĩa là trong giờ phút lâm chung. Xin cho con chính lúc đó biết mau mắn đón lấy Thiên Chúa từ nhân như gia nghiệp duy nhất dành cho mình. Xin cho con biết giáp mặt giờ chết trong thái độ sẵn sàng mất đi tất cả, cả điều tốt lẫn điều xấu, để chỉ chiếm hữu một mình Chúa từ ái làm phần phúc đời đời của con. A-men.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
—————————————-
Chết Bất Thình Lình
Người xưa, có câu CHẾT BẤT ĐẮC KỲ TỬ. Nghĩa là chết sững sờ, chết ngỡ ngàng, chết giật mình, chết bất ngờ, chết đột ngột, chết tươi, chết trẻ, đêm ngủ sáng dậy đã chết, khỏe vẫn chết.
Ngày nay, qua thông tin FACEBOOK, ngày nào cũng có tin người chết. Chết bệnh, chết tai nạn. Chết trẻ, chết già. Đẹp chết, xấu chết. Giám mục chết, Linh mục chết. Ông Cha chết, bà sơ chết. 1 tháng tuổi chết, 1 tuổi chết, 10 tuổi chết, 20 tuổi chết, 30 tuổi chết, 60, 70, 100 tuổi chết… Nhiều. Nhiều lắm. Nhiều vô kể.
Không biết những cái chết đó có làm ta giật mình nghĩ lại xem ta đã sống tốt xấu, thiện ác ra sao?
Không biết những cái chết đó có làm bài học cho ta, giúp ta tỉnh thức và sẵn sàng chờ ngày Chúa gọi?
Không biết những cái chết đó có làm ta luôn nhớ về mong manh phận người, phù vân trần thế?
Không biết những cái chết đó có giúp ta buông bỏ những đam mê dục vọng, tham lam vật chất, say mê của cải, kiêu hãnh tài sản, sung sướng lạc thú không?
Không biết những cái chết đó có làm ta luôn nhớ xét mình sám hối ăn năn, sống chân thật, sống khiêm nhường, yêu thương và tha thứ hay không?
Sự khôn ngoan luôn nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức. Tỉnh thức bằng cả một đời sống theo thánh ý Chúa. Tỉnh thức không để lòng mình buông theo những cám dỗ thế gian, những ước muốn tầm thường. Tỉnh thức để sống ngay thẳng không theo đường lối gian tà. Chúa Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và noi gương Ông Noe. Ông Noe không ngồi khoanh tay chờ đợi, nhưng tích cực làm việc bổn phận trong hiện tại. Làm mọi việc thường ngày với lòng tin tưởng vững chắc. Làm những việc nhỏ mọn với tình mến Chúa yêu người tha thiết. Đó chính là cách ta sẵn sàng chờ đón Chúa đến. Đó chính là ta tỉnh thức không bị lỡ cơ hội khi Chúa đến.
Thế nhưng, con người chúng ta thường “nước tới chân mới nhảy”. Chẳng ai lo xa. Và càng không ai nghĩ đến ngày chết của mình, nên vẫn thản nhiên sống mà chẳng cần đi vào con đường hẹp. Tệ hơn là còn nuông chiều theo tính xác thịt để dễ dãi với bản thân, sống xa rời chân lý. Có những người nghĩ rằng còn lâu mình mới chết nên vẫn chè chén say sưa, vẫn “trốn chúa lộn chồng”, vẫn khát máu với danh lợi thú trần gian. Một cuộc sống không nghĩ đến ngày mai không chỉ khiến họ xa rời Thiên Chúa mà còn là gánh nặng cho gia đình khi thiếu bổn phận trách nhiệm với gia đình. Đây cũng là lý do mà Chúa bảo giữa hai người cùng làm một công việc, nhưng một người được mang đi còn người kia ở lại. Sở dĩ như vậy là vì: một người thì luôn tỉnh thức, còn một người thì không chuẩn bị hành trang thích hợp khi tân lang tới.
Ước gì chúng ta hãy tân dụng mùa vọng để chuẩn bị cho mình hành trang cần thiết cho cuộc hội ngộ với Đức Lang Quân. Xin đừng vì những mải mê thế gian mà đánh mất cơ hội dự tiệc vui muôn đời. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
———————————————
Sống Xứng Đáng Với Phẩm Giá Kitô Hữu
Dưới góc nhìn tự nhiên, chúng ta thấy bản thân mình chẳng có gì đặc biệt, không có gì cao quý.
Một số người khác nhận định rằng con người chỉ là một loài sinh vật tiến hóa cao, có tư duy, có lý trí.
Thế nhưng, theo nhãn quan đức tin, Hội Thánh dạy chúng ta biết rằng Kitô hữu là người rất đáng trân trọng. Chúng ta hãy lắng nghe thánh Lêô Cả giáo hoàng nói về giá trị của Kitô hữu như sau:
“Hỡi các Kitô hữu, hãy ý thức về phẩm giá của bạn.
Giờ đây bạn đã được thông phần bản tính Thiên Chúa, đừng để mình bị thoái hóa qua việc trở lại với lối sống bất xứng đã qua.
Bạn hãy nhớ Chúa Giêsu là Đầu của bạn và bạn là chi thể của Ngài.
Hãy nhớ rằng bạn đã được cứu thoát khỏi quyền lực tối tăm, đã được đưa vào trong ánh sáng và Nước Thiên Chúa.
Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, bạn đã trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần (…..) được cứu chuộc bằng Máu Đức Kitô.” (Trích bài giảng của Thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng).
Thật lạ lùng! Chúng ta là người phàm, mang thân phận bụi tro mà được Thiên Chúa nâng lên cao và ban cho những diễm phúc tuyệt vời như thế thì hạnh phúc biết bao!
Đây là hồng ân trên cả tuyệt vời!
Vì thế, những ân huệ cao quý nầy cần được bảo vệ, canh phòng cẩn thận, như lời thánh Phao-lô dạy: “Anh em chứa đựng những kho tàng đó trong những bình sành” (2 Cor 4, 7). Bình sành đó là thân xác rất mỏng giòn yếu đuối của chúng ta. Sống trong một xã hội xô bồ, có nhiều cám dỗ, va chạm, giằng co… thì việc bảo vệ phẩm chất cao đẹp của mình không tan vỡ là điều rất khó.
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy làm như người chủ khôn ngoan, canh phòng cẩn mật, không để cho kẻ trộm đào ngạch khoét vách, lấy đi kho báu thiêng liêng là hồng ân cao cả Chúa ban cho mình.
Và trong bài trích thư gửi tín hữu Rôma được chọn đọc hôm nay, thánh Phaolô cũng thức tỉnh chúng ta đừng mê ngủ, đừng để những đam mê thế tục cướp mất phẩm chất cao đẹp của mình. Ngài nói: “Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,12-14).
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng từ thân phận phàm nhân tội lỗi, chúng con đã được Chúa nâng lên, được thông phần bản tính Thiên Chúa, được trở nên chi thể trong Thân mình Chúa, được trở nên đền thờ cao trọng của Chúa Thánh Thần…
Xin giúp chúng con biết sống xứng đáng với ân huệ Chúa ban, cụ thể là làm theo lời dạy của thánh Phaolô: loại bỏ những việc làm đen tối, ăn ở cho đứng đắn, đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng… để khỏi làm tan vỡ phẩm giá cao quý của mình. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
—————————————
Khát Vọng
CN 1MV.A (Mt 24, 37 – 44)
Mầu tím vương sầu thương nhớ ai
Chờ mong khắc khoải năm canh dài
Gian nan thử thách luôn trung tín
Khốn khổ rèn lòng chẳng nhạt phai
Tỉnh thức kinh cầu dù bão tố
Hân hoan chúc tụng dẫu thiên tai
Kìa Ai đã đến nơi đầu ngõ
Thỏa chí tao phùng phúc thái lai
Hạt Nắng
—————————————–
Lên Thuyền Giáo Hội
CN 1MV.A (Mt 24, 37 – 44)
Đời lao nhọc mưu sinh cuộc sống,
bao khó khăn dao động tâm hồn.
Gian nan nặng gánh bồn chồn,
tiền tài trĩu nặng dập dồn lo toan.
Say men say chỉ toàn phù phiếm,
kiếp u mê xâm chiếm hồn con.
Lời Ai vang vọng đầu non,
gọi mời tỉnh thức sắt son bền lòng.
Niềm hy vọng đợi trông Chúa đến,
lời nguyện cầu yêu mến, cậy trông.
Đường đời dẫu gặp bão giông,
con thuyền Giáo Hội bềnh bồng nương theo.
Không nản chí tay chèo con lái,
dẫu cuồng phong hăng hái vượt qua.
Lời Chúa ôm ấp thiết tha,
sáng màu hy vọng phôi pha nỗi sầu.
Ngày Chúa đến đèn dầu con sáng,
đi đón Ngài rạng rỡ niềm vui.
Khổ đau oan ức đẩy lùi,
ngập tràn hạnh phúc bùi ngùi, hân hoan.
Lên thuyền thư thái bình an …
Bâng Khuâng Chiều Tím
—————————————–
Thao Thức
CN 1MV.A (Mt 24. 37 – 44)
Giữa vòng xoay cuộc đời,
hồn chao đảo chơi vơi.
Trong men say trần thế,
con mệt mỏi rã rời.
Một mầu tím không gian,
bao phủ khắp đại ngàn.
Đời lang thang cô quạnh,
Xâu xé buồn tâm can.
Tiếng vọng của tình yêu,
âm vang trong nắng chiều.
Rọi hồn con bừng tỉnh,
sưởi ấm hồn hoang liêu.
Nguyện cầu dâng hy sinh,
lặng lẽ tỏ ân tình.
Sáng soi niềm hy vọng,
thấp thoáng trời quang minh.
Vó ngựa từ đàng xa,
kìa Ai vượt ngân hà.
Đến trao lời hẹn ước,
cho tình con thiết tha.
Thao thức một niềm tin,
son sắt cuộc hành trình.
Đón Người trong tỉnh thức,
dâng mối tình trung trinh.
M. Madalena Hoa Ngâu
——————————————
Thao Thức Đợi Chờ
CN 1MV.A (Mt 24. 37 – 44)
Lạy Chúa!
Con còn mãi ngủ mê trong tội lỗi,
kiếp phù du, trụy lạc chẳng quay về.
Say rượu chè, phù phiếm thú đam mê,
không nhận thức đêm sắp tàn, ngày gần đến.
Lời Chúa vọng cho con niềm cảm mến,
hãy giã từ bóng tối kiếp u mê.
Đừng làm ngơ giả điếc mau trở về,
Chúa sắp đến, hồn ơi! mau tỉnh thức.
Ngày Chúa đến niềm an bình nô nức,
những tâm hồn chờ đón Chúa vinh quang.
Luôn luôn thao thức mọi lúc sẵn sàng,
chờ Chúa đến viếng thăm hồn rộng mở.
Những bận bịu đời thường bao trăn trở,
dù lo toan vất vả kiếp mưu sinh.
Dù gian nan trĩu nặng nỗi oan tình,
luôn tỉnh thức trong tinh thần cầu nguyện.
Lời cảnh báo làm hồn con xao xuyến,
bước nhanh lên tàu Giáo Hội đang chờ.
Kẻo đắm chìm trong tội lỗi bợn nhơ,
cơn đại lụt đang dâng tràn muôn lối.
Hội Thánh Chúa chính là Tàu Cứu Rỗi,
giải cứu con thoát khỏi cảnh cuồng phong.
Được sống trong tình yêu Chúa quan phòng,
nguồn ân sủng ngập tràn trong Bí tích.
Như Noê cứu gia đình thân thích,
thoát khỏi cơn Đại Hồng Thủy dâng cao.
Biết vâng theo Lời Chúa dạy hôm nào,
tàu đã đóng bước vào được cứu sống.
Ngày Chúa đến tâm hồn con trông ngóng,
lòng nhủ lòng chờ đợi Chúa viếng thăm.
Được đem đi hưởng hạnh phúc vĩnh hằng,
nhờ ánh sáng đức tin, con nhận ra Tình Chúa.
Ân sủng Chúa ngọt ngào như mật, sữa,
dưỡng nuôi con kết hiệp mối thân tình.
Sống trong Ngài cuộc sống được hồi sinh,
cùng với Chúa bước lên Tàu Hy Vọng.
Cùng với Mẹ Maria Đấng quyền uy cao trọng,
nguồn cậy trông nâng đỡ kẻ khiêm nhu.
Xin giúp con chiến đấu với ác thù,
vâng phục Hội Thánh đợi chờ ngày Chúa đến.
AP. Mặc Trầm Cung