“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 23, 35-43)
Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “NGƯỜI NÀY LÀ VUA DÂN DO THÁI”.
Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Đối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Vương Quốc Đức Kitô ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Người Công Dân ĐầuTiên Trong Vươn Quốc Vua Kitô Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Giải Pháp Cho Nền Hoà Bình Thế Giới Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chọn Vua Nào? Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Vương Quốc Tình Yêu Hạt Nắng Trg 10
Vương Quốc Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Tình Long Lanh M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Vua Tình Yêu A.P. Mặc Trầm Cung Trg 13
——————————————-
Vương Quốc Đức Kitô
Nghe bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ nhiều người thắc mắc: Giáo Hội có nhầm không? Ngày lễ Chúa làm Vua mà lại đọc bài tường thuật cái chết tủi nhục của Chúa. Thật khó hiểu.
Ta không hiểu, vì trí ta luôn vẽ ra hình ảnh một ông Vua theo kiểu trần gian. Trong khi Chúa Giêsu đã cho biết: “Nước tôi không thuộc trần gian này” (Ga 18,36). Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy ba tính cách của Vương quốc Đức Kitô.
Đó là Vương quốc của lòng hiếu thảo. Thiên Chúa muốn thiết lập Vương quốc này ngay từ buổi sơ khai. Nhưng ma quỷ phá hoại bằng cách xúi giục con người chống lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu xuống thế để tái lập mối liên hệ Cha-Con giữa Thiên Chúa với loài người. Người đã sống như một người Con Hiếu Thảo của Đức Chúa Cha. Sống kết hiệp với Đức Chúa Cha. Trong Phúc Âm, lời đầu tiên Người nói là nói về Đức Chúa Cha: “Cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con ư?” (Lc 2,49). Lời cuối cùng của Người cũng hướng về Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Trọn cuộc đời Người luôn thi hành thánh ý Cha, cho dù có những lúc phải đổ mồ hôi máu mới bỏ được ý riêng mình. Người đã sống đến cùng tâm tình của người con hiếu thảo. Trên thập giá, Người đã hoàn tất việc thiết lập Vương quốc ban đầu theo ý định của Thiên Chúa; quy tụ những người con hiếu thảo trong nhà Cha trên trời.
Đó là Vương quốc của sự tự do. Con người rời xa Thiên Chúa rơi vào vòng tay ma quỷ. Ma quỷ trói buộc con người bằng những sợi dây nô lệ: nô lệ cho danh vọng, nô lệ cho tiền bạc, nô lệ cho thú tính. Đức Giêsu xuống trần gian để giải thoát con người khỏi ách nô lệ ma quỷ. Người cứu con người khỏi mọi thứ sợ hãi. Người giải phóng ta khỏi mọi áp lực, mọi mặc cảm. Trọn đời Người nêu gương một đời sống tự do. Thoát khỏi sự ràng buộc của của cải vật chất, Người sống như một người nghèo: “Con chim có tổ, con chồn có hang, nhưng Con Người không có hòn đá gối đầu” (Mt 8,20). Người đã chống lại những cơn cám dỗ về quyền lực từ ngày đầu tiên trong sa mạc cho đến phút cuối đời trên thập giá: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy biến đá thành bánh mà ăn” (Mt 4,3). “Nếu Ông là Đức Kitô, hãy xuống khỏi thập giá, chúng tôi sẽ tin”. Rất tự do, Người đã đi vào cái chết. Chính khi bị treo trên thập giá, thân trần trụi, mất hết mọi uy tín, danh dự, Người đã phá tung hết mọi thứ xiềng xích nô lệ, khai mạc một triều đại tự do cho con người.
Đó là Vương quốc của tình yêu. Chúa Giêsu xuống trần để làm chứng về tình yêu. Rao giảng, thi ân, tha thứ. Tình yêu lên đến cực điểm trong những giây phút cuối đời khi Người quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, khi Người chữa lành tai cho kẻ đến bắt Người, khi Người tha thứ cho kẻ phản bội, và nhất là khi Người cầu xin Đức Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Người. Thật là một tình yêu nguyên tuyền không hề vương chút hận thù. Một tình yêu bao la lan tới mọi góc biển chân trời. Một tình yêu cao cả đáp lại hận thù. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho Đức Chúa Cha. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Thánh giá diễn tả tình yêu tha thứ Chúa Giêsu dành cho những kẻ thù ghét Người.
Cái chết trên thập giá là một cuộc chiến thắng. Chiến thắng của tâm tình hiếu thảo. Chiến thắng của sự tự do nội tâm. Chiến thắng của tình yêu. Chính trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã lên ngôi vua. Chính khi hứa cho người trộm lành vào thiên đàng, Chúa Giêsu đã khai mạc vương quốc của Người.
Vương quốc Đức Kitô đã rộng mở chào đón tất cả mọi người. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con hiếu thảo hoàn toàn vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha, hãy sống tự do, dứt bỏ mọi ràng buộc của danh, lợi, thú, hãy mở rộng trái tim yêu thương. Như thế ta mới xứng đáng trở thành công dân trong Nước Chúa.
Lạy Chúa Giêsu là Vua của tâm hồn con, xin nhận con vào Vương quốc của Người. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Đã bao giờ bạn cảm nghiệm được sự tự do hoàn toàn, không còn ham hố tiền tài, danh vọng, lạc thú chưa? Nếu có, bạn cảm thấy thế nào?
2) Hình ảnh về Vua Giêsu nghèo hèn, khiêm nhường, chịu thiệt thòi, luôn tha thứ gợi lên trong bạn tâm tình nào?
3) Tuần này bạn sẽ làm gì để Vương quốc Chúa Giêsu lan rộng tới những người chung quanh?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
—————————————–
Người Công Dân Đầu Tiên
Trong Vương Quốc Vua Kitô
Trên thập giá, ngay trước khi tắt thở, Đức Giêsu đã hé mở cho thấy một điều vĩ đại vượt quá sức hiểu biết của tất cả mọi người: thiên đàng là vương quốc không chỉ dành riêng cho các kẻ đạo đức thánh thiện, mà trước hết là gia nghiệp biếu không cho tất cả các tội nhân cầu mong được xót thương tha thứ; điều này có thể làm nhiều người chúng ta ngạc nhiên, ngạc nhiên tới độ cảm thấy bị sốc, bị xúc phạm. Ta vẫn thường nghĩ: công dân thiên đàng phải là các bậc đạo đức thánh thiện, nếu không xuất chúng trổi vượt như các bậc đại thánh được tuyên phong thì chí ít cũng phải là lương thiện tốt lành tới một mức độ nào đó. Ấy vậy mà công dân đầu tiên và tiêu biểu của vương quốc Vua Kitô, công dân được chính Vua Kitô long trọng kết nạp ngay trên thập giá, lại là một tên đại gian đại ác tới độ xã hội loài người phải tìm cách loại bỏ bằng cách lên án tử.
Ngay cả Giêsu đang bị bị đóng đinh trên thập giá cũng bị thiên hạ bên dưới bêu rếu nhạo cười: nhạo cười vì chính tước hiệu ‘Vua’ mà ông đã tự gán cho mình; ‘Phía trên đầu Người có bản án viết: “Đây là vua người Do Thái”. Do Thái lúc đó đồng nghĩa với một dân tộc nhược tiểu, bị trị… và quan tổng chấn Philatô, khi cho viết, đã hàm ý đó; thậm chí cả các người Do Thái cũng cảm thấy bị nhục mạ vì cách nhạo cười bêu rếu này…, nên họ đã cực lực phản đối. Thế nhưng, người duy nhất đã nghiêm túc xác nhận lời bêu rếu trên là chính đáng, lại là chính người đang bị nhạo cười; ‘Philatô hỏi Người: “Ông là vua dân Do Thái sao?” Người trả lời: “Chính ngài nói đó!” Thế thì quả thật Đức Giêsu đã khẳng định cách công khai: Người là Vua, và cùng với lời tuyên bố đó, một Vương Quốc mới đã bắt đầu lộ diện, một Dân Riêng mới, một Do Thái mới. Tuy nhiên vấn nạn được đặt ra là: vương quốc đó thực tế là gì, và sẽ dành cho những ai? ai mới xứng đáng được gia nhập vương quốc của vị Vua bị đóng đinh này? Chắc chắn đó là những câu hỏi cần tìm được lời giải đáp! Trong vương quốc Do Thái của Cựu Ước, công dân là những người như tổ phụ Abraham, đặt trọn niềm tin vào lời hứa của Đức Chúa; và họ cụ thể hóa niềm tin đó bằng việc nắm giữ trọn vẹn các lề luật do Môsê để lại. Vậy thì, nếu công dân vương quốc cũ đã phải là như thế thì công dân của vương quốc Do Thái Mới sẽ phải làm gì đây, đồng thời họ phải hội đủ các điều kiện nào để được gia nhập? để giải đáp vấn nạn này ta chỉ cần nhìn vào người công dân đầu tiên và tiêu biểu của Vương Quốc ấy là đã hiểu ra ngay, cả về bản chất lẫn điều kiện để được gia nhập.
Trong trình thuật thương khó của Phúc Âm Luca, diện mạo người công dân đó đã được phác họa cách rõ nét: Luca mô tả tên gian phi cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu trên thập giá là công dân đầu tiên của vương quốc mới thiết lập. Sẽ không ai gọi hắn là ‘lành’ vì cả đời tên này đã sống gian hùng và từng phạm nhiều trọng tội tới độ xã hội phải tuyên án tử. Một tên đại gian đại ác như thế mà lại được chính Đức Giêsu trực tiếp công bố rằng: anh được kể như người thứ nhất được nhận vào Vương Quốc mình thiết lập: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Ta thắc mắc: tại sao lại như thế, hắn đã làm được gì? – thưa, điều duy nhất mà tên gian phi này đã may mắn làm được trước khi chết là kêu nài tới lòng xót thương của Tân Vương: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông xin nhớ đến tôi!” Đơn giản chỉ có thế, và thế là anh ta đã được nhận vào Vương Quốc, được trở thành công dân đầu tiên của Nước Trời!
Tín hữu của mọi tôn giáo đều có chung một tư duy: ‘thiên đàng hay thiên cung’ là nơi chỉ dành cho những con người tốt lành thánh thiện. Riêng Tin Mừng của Đức Giêsu mới cho thấy điều ngược lại: trên thiên đàng của Cha Người xuất hiện một hạng người ‘lành thánh mới’, phù hợp hơn với Vương Quốc được Thập Giá tình yêu cứu độ thiết lập. Nếu ‘lành thánh cổ điển’ là tu thân tích đức, là đạo đức khôn ngoan…, chí ít cũng phải ăn ngay ở lành, thì ‘lành thánh mới’ chỉ đơn giản là đón lấy lòng thương xót vô biên mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho mọi người trong Đức Kitô Giêsu. Nếu tên trộm trở nên ‘lành’, hay tên tướng cướp trở nên ‘thánh’ thì cũng chỉ vì hắn đã nại tới lòng nhân ái cứu độ của Thiên Chúa.
Quan trọng hơn nữa: chúng ta không được coi người công dân đầu tiên này chỉ như một biệt lệ, một luật trừ hiếm hoi. Đúng hơn: anh ta phải được nhìn nhận như một nguyên mẫu (prototype) của mọi công dân trong Vương Quốc mới của Vua Kitô. Điều này đã được chứng minh qua thị kiến tông đồ Gioan ghi lại trong sách Khải Huyền: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy?” “Họ là những người… giặt sạch và tẩy áo mình trong máu Con Chiên… Và Thiên Chúa lau sạch nước mắt họ” (Kh 7:13-14. 17). Thiên đàng mới hầu như gồm toàn những con người như thế cả, nói cách khác: mọi công dân Nước Trời đều phải là như thế. Vương quốc của Vua Kitô không phải là một thiêng đàng đầy khoái lạc được dùng để ân thưởng cho những thần dân trung tín tốt lành; Vương Quốc của Vua Kitô Giêsu Thập Giá chan hòa tình yêu tha thứ và cứu độ của Thiên Chúa. Vương quốc này sẽ đón nhận hết thảy mọi người, kể cả những kẻ gian hùng tội lỗi nhất, miễn là họ biết khiêm tốn đưa tay ra lãnh lấy tấm thẻ công dân được lòng thương xót Chúa ban tặng cho cách nhưng không. Đúng hơn, càng những ai nhận biết thân phận bất xứng tội lỗi của mình, thì lại càng dễ dàng mau mắn đưa tay ra đón nhận hơn. Như thế công việc và điều kiện duy nhất cần chu toàn để gia nhập Vương Quốc của Vua Kitô chỉ có thể là: khiêm tốn đón lấy ơn cứu độ đầy xót thương mà Thiên Chúa không ngừng trao ban!
Chúng ta được Hội Thánh nói cho biết: trong Vương Quốc ấy có một công dân rất tiêu biểu và uy tín: công dân Maria, người nữ đã từng khiêm tốn thốt lên tự đáy lòng mình: “Thiên Chúa đấng cứu độ tôi, đã đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn này!” (Lc 1:48) Chính vì khiêm tốn tột độ chân nhận Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ của mình, mà Maria mới thật sự xứng đáng trở thành Nữ Hoàng trong Vương Quốc của Vua Giêsu Kitô nhân ái.
Ngay cả một linh mục như tôi cũng không có cách nào khác để trở thành công dân Nước Trời! hơn nữa, nếu muốn trở thành công dân cao cấp hơn trong Vương Quốc đó, tôi sẽ phải nỗ lực trong diện nào hơn hết? Nếu trả lời được các vấn nạn trên, thời con đường ‘thánh thiện – công chính’ của tôi sẽ rộng mở hơn bao giờ hết; và rồi thì công tác mục vụ tôi đảm trách sẽ minh bạch và trực diện hơn nhiều!
Lạy Vua Kitô của vương quốc tình yêu cứu độ, xin hãy tiếp nhận con vào vương quốc của Người; xin cũng hãy nói với con như Chúa đã từng công bố với tên gian phi: “ngay hôm nay con sẽ ở với Cha trong vương quốc”. Xin hãy ban cho con ơn trọng đại nhất: là khi giờ chết đến, con biết ném mình vào lòng nhân hậu vô biên của Chúa. Xin cho con sở đắc vĩnh viễn được cái cảm giác tuyệt vời mà đã một lần con được nếm cảm trong giờ chết lâm sàng…, là được tan biến trong vòng tay nhân ái thứ tha, và được vòng tay này ôm ấp đến muôn đời. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
————————————————–
Giải Pháp Cho Nền Hoà Bình Thế Giới
Vạn vật đều diễn tiến theo quy trình của tạo hóa xếp đặt. Chúng nương tựa và bổ túc cho nhau. Cùng liên đới để cùng nhau tồn tại. Như bài thơ ai đó đã viết:
Tôi hỏi đất:
– Đất sống với đất như thế nào?
– Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước:
– Nước sống với nước như thế nào?
– Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ:
– Cỏ sống với cỏ như thế nào?
– Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người:
– Người sống với người như thế nào?
Nhưng con người lại không sống theo chân lý ấy. Con người dường như chẳng ai chịu nhường nhịn ai. Không tôn kính nhau lại con dìm nhau xuống. Không làm đầy cho nhau mà tìm cách lợi dụng và bòn rút của nhau. Không liên đới san sẻ cho nhau mà còn kèn cựa để loại trừ nhau.
Cuộc đời sẽ đẹp biết bao khi con người biết sống bồi đắp cho nhau, biết sống làm đầy cho nhau những nghĩa cử yêu thương, của sự san sẻ đùm bọc lẫn nhau. Nhưng xem ra bức tranh về thế giới vẫn có những loang lỗ được tạo nên từ lối sống ích kỷ, hẹp hòi và đầy tham lam. Nước lớn luôn tìm cách thôn tính nước bé. “Cá lớn nuốt cá bé”. Người ta liên đới với nhau chỉ nhằm mục đích tạo dựng phe cánh để loại trừ kẻ đối lập. Thế nên, thế giới vẫn chiến tranh tàn khốc. Con người vẫn rèn vũ khí để loại trừ nhau. Cuộc sống vẫn đong đầy khổ đau và chết chóc.
Hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo hội tuyên xưng Chúa Giêsu là Vua. Ngài là vua muôn vua. Vương niệm của Ngài là vòng gai. Ngai vàng của Ngài là Thập giá. Ngài cho nhập cảnh vào vương quốc của Ngài là những ai tin nhận chân lý, biết nhận sai và quy phục quyền năng của Ngài. Ngài đã nói với người trộm lành trên thập giá rằng: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
Thực vậy, trên đồi Golgotha năm ấy có hai tử tội cùng chịu đóng đinh bên Chúa Giêsu. Một người vẫn muốn sống, muốn thoát tội và không nhìn thấy tội của mình đáng chịu hình phạt. Một người chấp nhận bản án, chấp nhận chịu hình phạt chỉ mong được ở trong Vương Quốc của Thiên Chúa. Dù anh đang bị đóng đinh, đang đau đớn nhưng anh vẫn lên tiếng bảo vệ cho lẽ phải cho sự thật khi anh nói: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?”.
Quả thật Chúa Giêsu đã không chết vì tội của mình mà vì Ngài chấp nhận liên đới với tội nhân để đền thay cho tội nhân. Người trộm lành được vào thiên quốc của Thiên Chúa vì anh dám liên đới với Đức Giêsu chịu đóng đinh. Sự liên đới mà Chúa Giêsu muốn mang đến cho nhân loại không phải là liên đới theo kiểu bè phái mà là dạy cho nhân loại cách thức liên đới với nhau dựa trên tình yêu và lòng bao dung. Ngài là Thiên Chúa đầy quyền năng có thể tự cứu mình, nhưng Ngài không dùng quyền để cai trị. Ngài tỏ ra mình là vị vua khi bị giang tay trên thập giá và phía trên đầu của Ngài có ghi dòng chữ: “Người Này Là Vua Dân Do Thái”.
Như vậy một giải pháp cho hòa bình là con người cần sống tình liên đới với nhau. Sự liên đới giữa người với người muốn tồn tại lâu dài phải có lòng bao dung để tha thứ và để yêu và yêu cho đến cùng như Đức Giêsu. Sự liên đới dài lâu còn phải biết nhìn nhận uy quyền của Thiên Chúa để sống trong sự dẫn dắt của Ngài. Sự liên đới cũng đòi hỏi phải sống theo chân lý để bảo vệ lẽ phải như người trộm lành năm xưa.
Ước gì mỗi người chúng ta biết sống tình liên đới với nhau. Hãy ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình để đến với tha nhân. Con người sống là sống với ai đó để tồn tại thì hãy sống liên đới, san sẻ và yêu thương nhau.
Xin Chúa giúp chúng ta biết sống bao dung và yêu thương như Chúa để Nước Chúa được hiển trị ngay trong trần thế này. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————————
Chọn Vua Nào?
Ngày hôm ấy, toàn thể nhân loại được tập họp lại trước ngai tòa của hai vị vua đầy quyền thế: Một bên là vua Tiền, còn được gọi là thần Tài, đang chễm chệ trên ngai cao nạm ngọc dát vàng hết sức lộng lẫy; Còn bên kia là vua Giêsu, cũng được gọi là vua Tình Yêu, đang bị treo thân trên thập giá, trên đầu Ngài có tấm biển ghi rõ danh hiệu của Ngài, đó là dòng chữ INRI, nghĩa là Giêsu Nazareth Vua Israel.
Mọi ánh mắt ngưỡng mộ đều đổ dồn về vua Tiền, tức thần Tài đang uy nghi trên ngai vàng lộng lẫy mà ít ai hướng nhìn về vua Giêsu đang bị treo trên thập giá.
Thế rồi, thời khắc chọn lựa bắt đầu. Mọi người chuẩn bị. Vua Giêsu lên tiếng mời gọi trước:
“Ta là vua Tình Yêu. Ai theo Ta thì hãy từ bỏ mình đi, hãy yêu thương người khác như chính mình và hy sinh phục vụ mọi người như Ta đã nêu gương. Người đó sẽ được hoan lạc hạnh phúc vĩnh cửu đời sau trên thiên đàng.”
Thế rồi, mọi người chìm vào trong yên lặng nặng nề, không ai nhúc nhích. Sau chừng 10 phút chờ đợi, có một ít người rời khỏi đám đông tiến về thập giá để theo vua Giêsu.
Đến lượt vua Tiền, ông ta huênh hoang mời gọi, dõng dạc và đầy tự tin:
“Ta là vua Tiền, là thần Tài đây! Ai theo ta thì ngay ở đời này, sẽ được giàu sang phú quý và tha hồ vui hưởng lạc thú trần gian!”
Tiếng vua Tiền vừa dứt, cả đám đông xôn xao náo động, hối hả đua nhau chạy đến với ông ta.
Thế là trong cuộc tranh đua mời gọi thần dân về với mình, vua Tiền thắng lớn, còn vua Giêsu xem ra thất bại nặng nề.
Giờ đây, chúng ta hãy nhìn xem chính sách, đường lối của hai vị vua này ra sao.
Vua Tiền hô hào, thúc giục thần dân làm gì?
Đây là bản tuyên ngôn của ông ta:
– Mọi người phải tôn vua Tiền lên ngôi cao, phải xem “tiền là tiên, là phật”, xem tiền là thần, là thánh, là thần tượng số một của đời mình.
– Mọi người phải cậy dựa vào sức mạnh vạn năng của vua Tiền.
Người có lắm tiền trong tay có thể mua đủ mọi thứ trên đời, thậm chí có thể mua chức mua quyền, mua lạc thú, có thể mua được cả hoa hậu, hoa khôi, người mẫu làm vợ, có thể bẻ cong cán cân công lý cách dễ dàng…
– Mọi người hãy để cho vua Tiền thống trị và sai khiến.
Thực tế cho ta thấy rằng: Vua Tiền xô đẩy người ta phạm đủ thứ tội ác: Vì tiền mà tham ô, vì tiền mà cướp của giết người, thậm chí giết luôn cả ông bà cha mẹ để chiếm đoạt tài sản… xô đẩy các nhà cầm quyền châm ngòi nổ chiến tranh để xâm chiếm tài nguyên, lãnh thổ của các nước khác…
Còn vua Giêsu kêu gọi thần dân làm gì?
Vua Giêsu là vua Tình Yêu. Ngài chủ trương lấy tình yêu xóa bỏ hận thù. Ngài truyền cho thần dân hãy tuân giữ điều răn mới: “Thầy truyền cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13, 34).
Tuyên ngôn của vua Giêsu là yêu thương. “Người ta căn cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, đó là các con có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Mục tiêu của vua Giêsu là xây dựng thế giới này thành trời mới đất mới, nơi công lý, hòa bình và yêu thương ngự trị.
Chọn theo ai?
Nếu hôm nay, vua Tiền và vua Giêsu tập trung chúng ta lại như đoàn dân trong câu chuyện trên đây và cất lời kêu gọi, chúng ta quyết định thế nào?
Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình và trả lời cho thật: Tôi sẽ bước theo ai? Thật là khó khăn khi phải từ giã vua Tiền và những lôi cuốn hấp dẫn của ông ta để theo vua Giêsu.
Theo vua Tiền thì có thể được chút hạnh phúc chóng qua đời này nhưng phải trầm luân đau khổ đời đời mai sau. Theo vua Giêsu thì được hạnh phúc hoan lạc vĩnh cửu đời sau nhưng phải chấp nhận thiệt thòi, hy sinh, mất mát ở đời này. Cần phải biết chọn lựa thế nào cho khôn ngoan sáng suốt.
Lạy Chúa Giêsu. Thế giới chỉ được hòa bình, nhân loại chỉ được hạnh phúc, ghen ghét hận thù chỉ bị đẩy lùi… khi mọi người biết tôn Chúa làm vua của mình và lấy luật yêu thương của Ngài làm kim chỉ nam cho cuộc sống.
Xin ban ơn phù trợ để chúng con đủ sức theo Chúa, thờ Chúa và sống theo luật yêu thương Chúa truyền dạy, nhờ đó, chúng con sẽ được hưởng phúc muôn đời với Chúa. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————————–
Vương Quốc Tình Yêu
CN 34TN.C – (Lc 25, 35 – 43)
Lên ngôi giữa lúc thật tang thương
Thập giá khổ đau nếm đoạn trường
Chế diễu, chê cười quân nhạo báng
Khinh thường, nhục mạ kẻ vô lương
Tim nồng rộng mở, tim nồng cháy
Vương quốc khai màn, vương quốc hương
Thiên miện vòng gai tuôn máu đổ
Tình yêu thắm nở khắp muôn phương.
Hạt Nắng
——————————————
Vương Quốc Tình Yêu
CN 34TN.C – (Lc 25, 35 – 43)
Con bất xứng cuộc đời con bất xứng,
bởi chạy theo phù phiếm kiếm lợi danh.
Mê bạc tiền sống đốp chát đua tranh,
ham địa vị sống luồn sau cúi trước.
Lo thu góp những gì con kiếm được,
bị buộc ràng bởi vật chất hư vô.
Sống vô tâm cũng bởi quá tôn thờ,
xem vật chất thế quyền là cứu cánh.
Sống xa Chúa đời rơi vào bất hạnh,
mất tự do bị xiềng xích cùm gông.
Dạ mê lầm sống ích kỷ bất công,
nô lệ chức quyền,
lệ thuộc bóng đêm,
hồn rên xiết trong vòng trầm luân tội lỗi.
Chúa đã chết đem lại nguồn cứu rỗi,
cho đời con được sống lại vui tươi.
Được đổi thay, được hồi sinh kiếp người,
được làm con Chúa,
nhờ Ánh Sáng Phục Sinh ban tặng.
Trên thập giá Chúa giương cao chiến thắng,
bước lên ngôi trong giông bão cuộc đời.
Mở cửa Nước Trời giới thiệu khắp muôn nơi,
Vương Quốc Tình Yêu nơi không còn sự chết.
Chúa là Vua! Vua Tình Yêu bất diệt,
Vua của mọi tâm hồn sống trọn vẹn chữ “Yêu”.
Được hưởng nhờ một sự sống phong nhiêu,
nhân loại tuyên xưng,
Chúa là Vua Vũ Trụ.
***
Thật hạnh phúc, Chúa ơi!
tâm hồn con no đủ.
Chúa là gia nghiệp muôn đời,
là Vua của cõi lòng con.
Bâng Khuâng Chiều Tím
——————————————
Tình Long Lanh
CN 34TN.C – (Lc 25, 35 – 43)
Con tìm Chúa giữa đêm đen cuộc đời,
con gọi Ngài trong tiếng nấc lệ rơi.
Như chim lạc bầy chơi vơi buồn tê tái,
hồn lặng thầm cất tiếng gọi Chúa ơi!
Bao giọt đắng trong đam mê dục tình,
Bao nhục nhằn trong ánh mắt rẻ khinh.
Ăn năn gục đầu van xin lòng thống hối,
Chúa lặng thầm giải thoát hồn hồi sinh.
Chúa là Tình Yêu, là Ánh Sáng đời con,
Chúa là Vua ngự trị giữa cõi lòng con.
Con tôn vinh,
con kính tin,
con tôn thờ,
Đức Vua đầy nhân ái.
Chúa là Vua trên khắp cõi trời xanh,
Chúa vì yêu, Ngài đã chết cho trần gian.
Đem yêu thương,
cho nhân gian,
ơn Cứu Độ,
chan chứa tình khoan dung.
Bên lòng Chúa, con hân hoan đồng hành,
con vào đời ôm ấp kiếp mong manh.
Nhân sinh khổ sầu tha phương hồn cay đắng,
yêu thương người, mến Chúa tình long lanh.
M. Madalena Hoa Ngâu
———————————————
Vua Tình Yêu
CN 34 TN.C – (Lc 25, 35 – 43)
Có một vị vua rất khiêm nhu,
yêu thương nhân thế kiếp ngục tù.
Trút bỏ vinh quang, hồn tự hạ,
bằng lòng chịu chết tình thiên thu.
Thập tự đồi cao một buổi chiều,
lặng thầm gánh chịu bước chân xiêu.
Vâng phục hiến thân làm hy tế,
tâm tình của lễ trái tim yêu.
Phục vụ mọi người trong yêu thương,
tình yêu dâng hiến thật khiêm nhường.
Chính lúc được treo trên thập giá,
Chúa Cha khứng nhận được tôn vương.
Trong cảnh âu sầu thật thê lương,
cơn đau giằng xé vẫn kiên cường.
Trộm lành can đảm lời bênh vực,
Ngài có tội gì chịu đau thương?
Nhìn nhận ra Ngài một Quân Vương,
lời anh mạnh mẽ rất tỏ tường.
Nước Ngài hiển trị xin nhớ đến,
một kẻ tội đồ chút tình thương.
Tình yêu gặp gỡ một tình yêu,
Chúa ngước nhìn anh xót thương nhiều.
Chấp nhận lời anh vừa xác tín,
ân tình rộng mở ngát hương yêu.
Chúa tỏ vương quyền thật bao dung,
hôm nay anh sẽ được ở cùng.
Hạnh phúc cùng Ngài trên thiên quốc,
phần thưởng muôn đời các tôi trung.
Nước Ngài chẳng thuộc cõi trần gian,
Vương Quốc Tình Yêu sống yên hàn.
Thần dân của Ngài lòng thiện chí,
yêu thương giới luật khắc tâm can.
Chúa đã tỏ mình Đấng Minh Quân,
ngay trên thập giá với nhân trần.
Mở rộng tim nồng khai ơn phước
suối tình thánh sủng nguồn phúc ân
Trọn đời suy tôn Chúa tình thương,
thương xót đời con lắm đoạn trường.
Thứ tha lầm lỗi con sa ngã,
giũ sạch bụi đời kiếp tha phương.
Sấp mình con thờ lạy tôn vinh,
chúc tụng ngợi khen khúc ân tình.
Vua của tình yêu – Vua vũ trụ,
thống trị vương quyền – Vua Uy Linh.
AP. Mặc Trầm Cung