SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 822, CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN – C, LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, 13/11/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng và sẽ đánh đạp anh em torng các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải ói gì, vì trong giờ đó Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.
Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Những kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

Đó là lời Chúa.

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên – C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca ( Lc 21, 5-19).
Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”. Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?” Người phán: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: ‘Chính ta đây và thời giờ đã gần đến’. Các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu”.
Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng, là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Sống Chứng Nhân Tin Mừng ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 3
Bách Hại Vì Sống Công Chính & Tín Thác Trong Ngày Thế Tận Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 5
“Hận Thù Tín Ngưỡng” Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 9
Cuộc Bách Hại Đạo Hôm Nay Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 10
THƠ TIN MỪNG
Phong Nhiêu Hạt Nắng Trg 12
Hạt Giống Đức Tin Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 13
Hoa Đá Đơm Bông & Điểm Tựa Đời Con M. Madalena Hoa Ngâu Trg 14
Hạt Mầm Tử Đạo & Chờ Đợi Ngày Chúa Đến A.P. Mặc Trầm Cung Trg 16

 

Sống Chứng Nhân Tin Mừng

Hôm nay Giáo Hội Việt Nam hân hoan và hãnh diện mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam vì 3 lý do:
– Hân hoan và hãnh diện vì các thánh là người Việt Nam, không gì vui mừng và hãnh diện, tự hào hơn, khi đất nước ta có những vị thánh góp mặt với Giáo Hội toàn cầu.
– Hân hoan và hãnh diện vì số lượng đông đảo các Thánh Việt Nam. Với 117 vị Thánh. Giáo Hội Việt Nam được xếp nhất nhì trong Giáo Hội hoàn vũ về số lượng các Thánh.
– Hân hoan và hãnh diện vì các Ngài là những chứng nhân anh hùng quả cảm.
Đọc lại tiểu sử các Ngài ta không khỏi cảm phục đức tin kiên cường của các Ngài. Vì trung thành với Chúa, các Ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng và nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, chịu mất mạng sống vì đức tin.
Có những vị như thánh Hồ Đình Hy, làm quan lớn trong triều đình. Quan Án Phạm trọng Khảm, là những vị có chức có quyền trong xã hội đã thà mất chức quyền, mất danh vọng hơn mất đức tin. Vì Chúa, các Ngài không những đã sẵn sàng từ bỏ mọi quyền lợi trong xã hội mà còn sẵn sàng chịu mất mạng sống. Có những vị như thánh Lê Thị Thành, thân phận phụ nữ yếu ớt, gánh nặng gia đình, nhưng cũng đã sẵn sàng chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô. Có những vị đầu xanh tuổi trẻ như Tôma Thiện, Phaolô Bột, mười mấy tuổi đầu, tương lai còn dài, đường đời còn nhiều hứa hẹn. Nhưng các Ngài đã cương quyết khước từ tất cả, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đức tin chân chính.

Là người Công Giáo Việt Nam. Chắc chắn mỗi khi đọc lại tiểu sử các Ngài, ta cảm thấy một dòng máu hào hùng trào dâng trong huyết quản. Bị cuốn hút bởi cuộc sống và cái chết cao đẹp, anh dũng của các Ngài, có lẽ ta cũng có đôi lần ao ước được như các Ngài: Sống cao đẹp, chết anh dũng. Làm sao ta có thể có được cái chết cao đẹp như các Ngài. Ngày nay đâu còn cảnh cấm đạo, bắt đạo, giết người có đạo như thời vua quan ngày xưa. Ngày nay ta không còn hy vọng chết vì đạo. Ta chỉ còn một cách bắt chước, noi gương các vị tiền nhân anh hùng, đó là sống vì đạo.

Ngày nay, ta ít gặp những khốn khó như bị bắt bớ giam cầm, giết chết vì đạo. Nhưng để sống đạo trong xã hội hôm nay, ta gặp không ít khó khăn. Xin kể 2 khó khăn tiêu biểu.
Khó khăn thứ nhất đó là chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển. Ai cũng muốn thăng tiến bản thân và gia đình của mình. Ai cũng lo làm ăn. Học hành, xây dựng cho bản thân. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những nhu cầu của bản thân ngày càng nhiều. Rõ ràng là ngày nay người ta kiếm được nhiều tiền hơn trước, có nhiều tiện nghi hơn trước, xe cộ tốt hơn, nhà cửa đẹp hơn. Nhưng chưa bao giờ người ta thấy thỏa mãn, đầy đủ. Vì thế càng ngày người ta càng đóng kín vào bản thân, không có thời giờ nghĩ đến người khác. Trong khi đó những người nghèo thì càng nghèo hơn, những người yếu càng mệt hơn, những người bệnh càng khổ hơn. Họ không đủ sức chạy theo cuộc tranh đua quyết liệt của chủ nghĩa cá nhân. Họ bị đẩy lùi ra phía sau. Họ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Để lựa chọn sống theo Phúc Âm, để trung thành với Lời Chúa dạy, ta phải bỏ quên một phần thân mình, gia đình mình để nghĩ đến, giúp đỡ, vực dậy những anh em kém may mắn. Đó là điều không dễ.

Khó khăn thứ hai là kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Đồng tiền đang trở thành một thước đo gía trị con người. Đồng tiền đang trở thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người. Ai cũng muốn có nhiều tiền, và để có nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối một phương cách nào: lường gạt, lừa đảo, làm hàng gỉa, buôn thuốc phiện, tham nhũng, hối lộ. Tiền bạc quả là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo thế giới, tàn phá những giá trị, biến chất con người.

Đứng trước nhu cầu và ham mê tiền bạc, người Công Giáo muốn trung thành với Phúc Âm, muốn sống trọn vẹn đức tin, bắt buộc phải có sự lựa chọn. Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền phi nhân bất nghĩa. Thà cam chịu thiếu thốn còn hơn đánh mất đức tin. Thà lao động cực khổ để kiếm miếng cơm manh áo chân chính hơn là chạy theo những đồng tiền dễ dãi để chối từ Phúc Âm và Luật Chúa.

Quả thực xã hội mới, đang tạo ra những cơn bắt bớ mới. Để trung thành với Chúa, với Phúc Âm ta cũng phải lực chọn quyết liệt. Những chọn lựa đó làm cho chúng ta đau đớn không kém gì những khổ hình. Những hy sinh vì Phúc Âm đó cũng khiến lòng ta rỉ máu không kém gì chịu tử hình. Các Thánh tử đạo chỉ chọn lựa một lần. Còn chúng ta chết mòn mỏi mỗi ngày trong những chiến đấu, những từ bỏ đớn đau. Sống Phúc Âm trong thời đại mới đúng là một cuộc tử đạo liên tục. Sống vì đạo như thế cũng cao đẹp và anh hùng không kém gì chết vì đạo. Sống vì đạo như thế, ta cũng góp phần làm chứng nhân cho Chúa, cho Phúc Âm không kém gì chết vì đạo.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa các Ngài đã anh dũng hy sinh cuộc đời, dâng hiến máu đào làm chứng cho Phúc Âm. Xin giúp chúng con hôm nay cũng biết can đảm, hy sinh sống theo Phúc Âm để làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

————————————-

 

Bách Hại Vì Sống Công Chính

Một trong các bài Tin Mừng được chọn đọc trong ngày lễ kính các Thánh Tử Đạo là phần đầu của bài giảng trên núi mà chúng ta quen gọi là ‘Tám Mối Phúc’. Mối phúc cuối cùng trong danh sách là: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ’. Trong sách Tin Mừng Luca chương 06, dầu chỉ đề cập tới có 04 mối phúc, nhưng mối phúc sau chót cũng vẫn nói tới cùng một điều này là “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như người xấu xa. Ngày đó anh em hãy vui mừng nhảy múa vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Lc 6, 22) Phải chăng đó là lý do tại sao các Kitô hữu từ thời xa xưa đã dành cho các vị anh hùng tử đạo một sự mừng kính đặc biệt trân trọng. Họ gán cho các ngài danh hiệu cao quý là Chứng Nhân Tin Mừng (Martyr). Ngày nay trong tư cách con cháu của các Anh Hùng Tử Đạo, chúng ta muốn thực sự tìm hiểu các vị tử đạo nói chung, và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nói riêng, đã là chứng nhân Tin Mừng như thế nào? Khi tiến ra pháp trường để bị trảm quyết, các ngài đã thật sự trung kiên bảo vệ điều gì? Và ở điểm nào các ngài thực sự liên quan tới người Công Giáo Việt Nam chúng ta đang sống trong xã hội hôm nay?

Trong tiếng Việt, chữ ‘đạo’ thường được chúng ta sử dụng để nói tới một đạo giáo, một tôn giáo, như Đạo Phật, Đạo Hồi, Đạo Lão, Đạo Ông Bà, Đạo Thiên Chúa… Thế nhưng theo nguyên ngữ hán-nôm, ‘đạo’ là con đường, là lẽ sống, là học thuyết… dẫn tới mục đích tối hậu của cuộc sống, chẳng hạn đạo Khổng, đạo hiếu, đạo làm người. Đức Giêsu đã tự giới thiếu mình “là đường, là sự thật và là sự sống”. Và nếu nói theo từ vựng hán nôm Ngài sẽ phải tuyên bố mình là ‘đạo, chân, sinh’. Vậy thì, trong cả phúc âm Matthêu lẫn Luca, khi đề cập tới mối phúc chót này, Đức Giêsu chắc chắn không hề có ý muốn tuyên bố ‘phúc thay’ những ai dám chết cho một đạo giáo hay tôn giáo, nhất là hiểu dưới khía cạnh cơ cấu tổ chức của tôn giáo đó. Điều mà Đức Giêsu muốn biểu dương là tất cả mọi hình thức ‘bị bách hại’, ‘bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như người xấu xa…’ đều là ‘phúc’ vì một yếu tố duy nhất, đó là ‘vì sống công chính’, hay rõ hơn: ‘vì Con Người’.

Tới đây tôi gợi nhớ lại tư tưởng bài suy niệm về đoạn Tin Mừng Lc 18, 9-14 của Chúa Nhật XXX thường niên năm C: ‘Đối với Đức Giêsu, ai mới là công chính?’ Nếu đã có một nền công chính của Cựu Ước tóm gọn trong luật Môsê để bẩy anh em nhà Macabê, vị bô lão Êlêada, và Gioan Tiền Hô, vì trung thành với nó, đã buộc phải gánh lấy cái chết… và ‘các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế’, thì riêng với Kitô hữu sẽ có một thứ công chính mới được chính Đức Giêsu công bố. Nói đúng ra chính Người là hiện thân của nền công chính đó, sự công chính của Thiên Chúa từ nhân, công chính của tình yêu tha thứ và cứu độ; ‘Vì Con Người’, Người đã khảng định. Ai đón nhận và sống Tin Mừng này để rồi ‘bị bách hại’, hay chịu thua thiệt dưới bất cứ hình thức nào, đều là những người được Đức Giêsu biểu dương. Còn nếu có ai đó bị giết chết vì nền công chính mới này thì phải được chính Đức Kitô và toàn Nhiệm Thể Ngài tuyên dương, phong thánh. Chính vì thế mà Giáo Hội, ngay từ thời sơ khai và qua mọi thời đại, đã có thói quen phong thánh cho các vị anh hùng ‘tử vì đạo’. Giáo Hội luôn muốn tuyên bố rằng các anh chị em tín hữu này là chứng nhân cho Tin Mừng tình yêu vì đã dám chấp nhận thua thiệt lớn hơn hết là mất cả mạng sống mình. Với việc phong thánh như thế Giáo Hội đồng thời cũng muốn khảng định bất cứ thua thiệt nào các Kitô hữu phải hứng chịu trong cuộc sống thường ngày vì ‘sống công chính mới’ đều có giá trị vô song.

Suy nghĩ như thế tôi mới thấy có một liên hệ mật thiết giữa các chứng nhân ‘tử vì đạo’ với mỗi Kitô hữu chúng ta. Các ngài không phải là những trường hợp biệt lệ để các tín hữu có ‘may mắn’ được sống trong thời đại an bình nhìn vào mà thán phục mà ca ngợi, với mơ ước rằng: nếu chẳng may lâm vào cơn cấm cách, mình cũng sẽ trung thành. Đức Giêsu đã chẳng gọi tất cả mọi Kitô hữu là ‘ánh sáng’, là ‘muối men’ của trần gian, là chứng nhân Tin Mừng là gì? Chứng nhân tích cực rao giảng Tin Mừng thì ít, nhưng chứng nhân vì buộc phải chấp nhận các thua thiệt, khó khăn vì nền công chính Tin Mừng trong đời sống thường ngày thì nhiều. Vì thế thật là chí lý: các ‘Thánh Tử Đạo’ được coi như tấm gương, như cột sống của Kitô hữu qua mọi thời đại, thời buổi bị bắt bớ thử thách cũng như khi được sống an bình sung túc.

Là người Công Giáo Việt Nam, chúng ta luôn tự hào vì Giáo Hội Việt Nam đã có hàng trăm ngàn các chứng nhân Tin Mừng như thế, trong số đó 117 vị đã được toàn Nhiệm Thể Đức Kitô phong thánh. Vấn đề được đặt ra là: phải chăng các ngài đơn thuần chỉ tạo nên nơi chúng ta một niềm kiêu hãnh mang tính lịch sử, hay đã trở thành cột sống, thành cơ bắp thúc đẩy chúng ta sống công chính Tin Mừng cách cụ thể trong đời sống thường ngày? Thua thiệt vì Tin Mừng thì thời đại nào cũng có, kể cả trong các xã hội được coi là phồn vinh dễ dãi và tự do. Thế thì các ‘Thánh Tử Đạo Việt Nam’ đã đóng góp được gì cho người Công Giáo Việt Nam chúng ta trong xã hội được cho là ‘dễ dãi hơn’ hôm nay? Phải chăng chỉ là một khích lệ trung kiên nào đó sẵn sàng chiến đấu chống lại mọi thế lực thù nghịch khi cần, hay để kiên trì ‘sống công chính’ khi ‘bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như người xấu xa…’ ngay trong xã hội hôm nay? Ngày mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay sẽ không mấy ý nghĩa nếu mỗi người không tìm ra được câu trả lời cho vấn nạn này.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các ngài đã chịu bách hại vì dám chấp nhận ‘sống công chính’ tới độ anh hùng. Nếu Hội Thánh đã tuyên phong cái chết của các ngài thì đồng thời cũng tuyên phong vô vàn những tủi hổ, thiệt thòi của biết bao tín hữu anh hùng vô danh khác. Tất cả các điều này không nằm ngoài mục đích thôi thúc mỗi người Công Giáo Việt Nam chúng con sẵn sàng hơn trong việc cùng với Đức Kitô thập giá tha thứ và yêu thương trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống đời thường, ngay trong lòng xã hội hôm nay. Xin các ngài tiếp tục trở nên chứng nhân Tin Mừng cho chúng con về một tình yêu tha thứ tuyệt đối. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

———————————————-

 

Tín Thác Trong Ngày Thế Tận…
(Chúa Nhật XXXIII TN.C – Lc 21:5-19)

Đối với nhiều người Do Thái, cũng như với một số lớn người Công Giáo chúng ta hôm nay, tận thế luôn là một đề tài nóng bỏng. Đức Giêsu đã đề cập tới đề tài này với các thính giả Do Thái nhân một cuộc trao đổi liên quan tới đền thờ Giêrusalem; Người đề cập tới sự tàn phá kinh hoàng sẽ xảy ra cho ngôi đền thờ kiên cố đang sừng sững nguy nga xuất hiện phía bên kia thung lũng Siđon, ngôi đền mà mọi người Do Thái đều thấy tự hào hãnh diện. Lời tiên báo gây sốc đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của đám thính giả, nhân đó Đức Giêsu đề cập tới một đề tài còn nóng bỏng hơn: ‘ngày thế tận’. Người tiên báo: ‘ngày tận thế’ sẽ như một sụp đổ toàn diện của thế giới trần gian, về mặt thiên nhiên vật chất cũng như mặt trật tự xã hội…, đặc biệt là trong tương quan giữa người với người, kể cả giữa những kẻ thân thiết nhất. Vấn đề được đặt ra ở đây là: Người dự báo như thế để làm gì; chủ đích của Người là gì khi nói lên điều đó? Người đâu có ý giới thiệu mình cho đám thính giả Do Thái rằng: mình tới trần gian để răn đe, hay để tái thiết một trật tự xã hội đang suy đồi. Chưa bao giờ Người có trong đầu ý muốn, được dân chúng chấp nhận như một nhà cải cách trong lãnh vực xã hội, khoa học hay tâm lý; Người lại càng không thể muốn gieo rắc sợ hãi kinh hoàng, vốn trái nghịch hoàn toàn với Tin Mừng đang được rao giảng. Vậy đâu là lý do và nội dung đích thực của những lời tiên báo khủng khiếp kia?

Ấn tượng chung nhất trước các lời tiên báo khủng khiếp đó là nỗi bất an, một cảm giác bất an tột cùng. Người ta cảm thấy bất an vì chiến tranh loạn lạc, bất an vì thiên tai khủng khiếp có thể ập tới bất cứ lúc nào, bất an hơn cả là không còn chỗ để mà cậy dựa. Riêng về mặt tôn giáo, cụ thể đối với các thính giả Do Thái đang nghe Người, mối bất an được cụ thể hóa bằng hình ảnh đền thánh Giêrusalem, biểu tượng trung tâm của niềm tin họ, bị phá hủy. Trong cái bất an tột độ đó, người ta sẽ cố tìm cho ra một chỗ dựa nơi những kẻ thân người thích… Nhưng bất hạnh thay, cả họ cũng sẽ quay mặt chống đối và muốn ăn tươi nuốt sống mình. Hỏi rằng: lúc đó ai mà không hoảng loạn và đôn đáo tìm cho bằng được một chỗ dựa vững chắc? Các người Do Thái sẽ nghĩ ngay đến một đấng Mêsia cứu tinh, đấng Kitô là niềm hy vọng duy nhất mà họ vẫn thường được nhắc nhở: “Bấy giờ nếu có ai bảo anh em: ‘Này, đấng Kitô ở đây! Kìa, đấng Kitô ở đó!’ anh em đừng có tin. Thật vậy, sẽ có những kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện” (Mc 13: 21-22). ‘Tận thế’, chung cho toàn vũ trụ, hay riêng cho từng người trong giờ chết, luôn là thời điểm khi mà niềm tin, chính xác hơn là niềm cậy trông, có thể bị thử thách nặng nề nhất. Trong lo sợ, người ta sẽ dễ dàng truyền bá cho nhau, hay chạy theo bất cứ đấng cứu tinh nào mà họ nghĩ là đáng được họ đặt trọn niềm tin tưởng phó thác. Đó có thể là một đấng Mêsia cách mạng để tái lập công bằng xã hội, hoặc một đấng Mêsia khoa học có thể giải thích vạn vật và sắp xếp lại trật tự thiên nhiên, hoặc một đấng Mêsia của tự do dân chủ giúp con người khảng định được chính mình… “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘chính ta đây và thời kỳ đã đến gần’, anh em chớ có theo họ!” (Lc 21:8) Tựu trung tất cả các giải pháp đặt nơi con người chỉ là vô vọng, giải pháp của Tin Mừng phải là: đặt trọn niềm tin vào Đấng Kitô – Cứu Chúa duy nhất.

Đức Giêsu mời gọi những ai tin vào Người, trong chính giờ phút căng thẳng đó, hãy bộc lộ cách dứt khoát niềm cậy trông phó thác vào Tin Mừng Người rao giảng; “Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan…” Trên hết, Người kêu mời mọi Kitô hữu: hãy tín thác trọn vẹn cho tình yêu nhân ái của Cha hơn bất cứ lúc nào khác. Là tín hữu, nên hơn ai hết họ phải biết rõ rằng: Thiên Chúa là người Cha nhân ái hằng chăm sóc con cái Người trong bất kỳ tình huống nào; “Dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu… chúng đã được đếm cả rồi” (Mt 10:30). Như thế, chủ đích của đề tài ‘tận thế’ mà Đức Giêsu muốn trình bày mới dần hiện rõ: Người đang kêu gọi chúng ta hãy trung kiên đặt niềm tin tuyết đối nơi Thiên Chúa từ nhân. Thử thách có thể là rất lớn, có thể dồn con người tới hố tuyệt vọng; thế nhưng xét cho cùng, chúng chỉ là những thách đố, những dịp tốt để niềm hy vọng phó thác vào lòng Cha Nhân ái được kiện định và tỏa sáng; “Có kiên trì anh em mới giữ được mạng sống mình”.

Đức Giêsu đã cụ thể cho chúng ta thấy: điều này xẩy ra trong dịp ‘tận thế’ của riêng Người, tức là trong cái chết thập giá nhuốc khổ. Tâm hồn Người khi đó đã chẳng từng bị xao xuyến, tinh thần Người đã chẳng từng buồn phiền, và chính Người đã chẳng từng hãi sợ cầu xin Cha cất khỏi chén đắng…là gì? Trong giờ phút kinh hoàng của sự chết, Người cũng đã chẳng muốn tìm một nơi nương tựa trước sự cô đơn tột cùng là gì? “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46) Nhưng cậy trông phó thác lúc đó mới thực sự dâng cao và chói sáng: “Xin vâng theo ý Cha…”, “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46); như thế Người đã chấp nhận cái chết như bằng chứng của tin tưởng phó thác tuyệt đối nơi Chúa Cha từ nhân. Sau này, chính việc Người được chỗi dậy từ cõi chết đã minh chứng rằng: giải pháp này là tối ưu, thái độ này là vững chắc nhất. Qua đó Người mời gọi các môn đệ cũng hãy vững vàng bước vào con đường của hy vọng và cậy trông, trong ngày ‘cánh chung’ của cá nhân mỗi người, cũng như ngày ‘tận thế’ của toàn thể nhân loại.

Tới đây, tự nhiên tôi liên tưởng tới Đầy Tớ Chúa Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong những năm thử thách tù đầy: hoàn cảnh dầu có tuyệt vọng đến đâu cũng không thể nào dập tắt được niềm hy vọng nơi một người đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa từ nhân. Phải, chính vì là một Kitô hữu trong niềm cậy trông sâu xa nhất của mình mà, trong tình thế tuyệt vọng đó ngài mới có thể có được thái độ không giống ai – ‘Hy Vọng’ – thái độ mà ngày nay toàn thể Giáo Hội phải lên tiếng ca tụng. Thái độ đó đã được Đức Giêsu coi như phải được chia sẻ cho tất cả mọi Kitô hữu khi Người nói: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”! (Lc 21:28)
Câu nói được áp dụng cho tổ phụ Abraham “Contra spem, in spe credidit” (nghịch với hy vọng, ngài đã tin trong hy vọng) quả là một Tin Mừng vĩ đại! Trong thử thách gian nan, cũng như vào ngày kết thúc cuộc đời của cá nhân từng Kitô hữu, và trên hết, vào ngày tận thế của toàn thế giới, niềm tin vào Thiên Chúa từ nhân sẽ có dịp chói sáng hơn bao giờ hết.
Ước chi lúc đó tôi và bạn vẫn luôn duy trì được niềm hy vọng Tin Mừng cao quí này!

Lạy Thiên Chúa từ nhân, xin cho con đặt trọn niềm hy vọng và cậy trông nơi lòng từ bi vô hạn của Chúa. Giả như Chúa có để con gặp bất kỳ gian nan thử thách nào trong ngày cùng tận của kiếp sống riêng con, thì con chỉ xin Chúa có một điều duy nhất là: hãy củng cố niềm cậy trông nơi con, để không bao giờ con mất đi niềm tín thác nơi lòng thương xót vô bờ bến của Chúa. Chớ gì toàn thể Hội Thánh và nhân loại cũng chuẩn bị giáp mặt ‘ngày tận thế’ trong niềm hy vọng và tin tưởng như thế! Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

———————————————-

“Hận Thù Tín Ngưỡng”

Người Việt vẫn nổi tiếng là dân tộc chủ trương sống “dĩ hòa vi quý” , luôn sống hòa thuận vì “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, nhưng tại sao lại có những cuộc tàn sát đồng bào mình chỉ vì khác tôn giáo?
Thưa chỉ vì cái tôi của những người lãnh đạo. Nhất là các vua chúa vẫn coi mình là thiên tử nên mọi người phải theo, phải phụng thờ mình như con Trời.
Chính vì thế khi Thiên Chúa giáo xuất hiện thì sự độc tôn của vua chúa suy gỉam và nhất là những luân lý không do vua tùy tiện mà do lương tâm và lề luật của Thiên Chúa dẫn dắt. Đó là lý do chính quyền thời đó ra mặt chống đối bài bác bắt bớ Thiên Chúa Giáo, hành quyết những vị Thừa sai ngoại quốc hay linh mục, giáo dân bản xứ và tìm cách tiêu diệt đạo Chúa, nói theo danh từ chuyên môn, là vì “hận thù tín ngưỡng: odium fidei”. Tín ngưỡng nói đây là niềm xác tín sâu xa vào Thiên Chúa, sự tôn thờ Ngài là đấng Tạo dựng muôn loài, là vị Cứu tinh nhân loại và là Thẩm phán tối cao.

Từ sự hận thù tín ngưỡng đã dẫn đến những cuộc bách hại đạo khắc nghiệt đầy dã mãn, đến nỗi người chết được ví như sung rụng trải dài từ Nam- Trung- Bắc. Người ta ước lượng: dưới thời các chúa Trịnh, Nguyễn, và Tây Sơn, chừng 30,000 giáo dân bị giết; dưới thời ba vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, chừng 40,000 tín hữu bị xử tử hay chết trong lao tù; nhưng dưới thời Văn Thân có tới trên dưới 60,000 người dân Công Giáo bị sát hại. Tất cả bị giết chết chỉ vì tin thờ Một Thiên Chúa duy nhất.
Tự Ðức là vua sau cùng đã bách hại đạo Công Giáo, ý muốn của nhà vua là tiêu diệt tận gốc, nhưng nhà vua, cũng như các người bách hại đạo Công Giáo trên thế giới, đâu có ý thức được rằng: đạo Thiên Chúa xây đắp không phải trong ranh giới thời gian, trong lãnh vực địa dư quốc gia, nhưng là được củng cố trong lương tâm, trong tâm hồn nhân loại, làm sao mà tiêu diệt nổi? Ðạo Thiên Chúa được mở rộng biên cương, được phát triển không phải bằng những phương tiện kinh tế, vật chất, binh đao, nhưng bằng một luật tiến triển siêu nhiên: “Hạt giống gieo xuống đất mà không mục nát sẽ không sinh hoa trái, nhưng nếu mục nát đi nó sẽ sinh nhiều hạt khác” (Gio. 12,24-25).
Các thánh tử đạo đã can trường đón nhận cái chết đau thương là nhờ sức mạnh từ Thập giá Chúa Kitô. Nhìn lên thập giá ta thấy một ánh sáng thiêng liêng sẽ nâng đỡ và giúp các ngài cùng đi qua thập giá với Chúa Kitô. Thử hỏi trong loài người ai đã thánh thiện bằng Chúa Kitô, ai đã thi ân cho nhân loại bằng Ngài: qua giáo lý Ngài công bố, qua phép lạ Ngài làm, qua đời sống trong sáng Ngài nêu cho cả thế giới? Nhưng rồi ai đã phải chết đau khổ bằng Ngài và như Ngài? Chính Chúa Giêsu hồi xưa đã tiên báo: “Thầy phải đi Giêrusalem, ở đó sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sẽ phải tử nạn và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Matt. 16,21). Sở dĩ Chúa đi chịu chết (và sau có phục sinh) là để: “Nhân danh Ngài sự ăn năn thống hối và ơn tha tội sẽ được lan truyền khắp nơi bắt đầu từ Giêrusalem” và từ đó muôn dân cùng ca tụng Thiên Chúa.

Xin nhờ lời cầu bầu của các thánh Tử đạo tại Việt Nam và nhất là sức mạnh của Thánh Thể, giúpcho mỗi người chúng ta biết sống đạo yêu thương để làm chứng cho Chúa, nhất là biết phụng thờ Chúa trên hết mọi sự. Xin Chúa là Đấng đã từng nói: “hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” cũng ban cho chúng ta một ngôi nhà trên trời vì đã chọn Ngài ở trần gian. Amen

Lm..Jos Tạ Duy Tuyền

———————————————-

Cuộc Bách Hại Đạo Hôm Nay

Bách hại đạo không phải là chuyện ngày xưa nhưng bất cứ thời nào, những người con Chúa cũng bị thôi thúc, bị lôi kéo, bị ép buộc bỏ đạo.
Hôm xưa, các thánh tử đạo tại Việt Nam đã bị vua quan bắt bớ, xiềng xích, tống giam vào tù ngục, buộc phải bỏ đạo. Dầu vậy, các ngài vẫn kiên trung, anh dũng chấp nhận tù đày, chết chóc chứ không bỏ đạo, không chối Chúa.
Hôm nay, chúng ta cũng bị những quyền lực mạnh mẽ thúc đẩy từ bên trong, xô đẩy chúng ta từ bỏ Đạo yêu thương.

Trước hết, cần nhớ rằng Đạo Chúa là đạo yêu thương.
Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì thể hiện tình yêu thương là cốt lõi của Đạo Chúa.
Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì yêu thương là điều luật quan trọng nhất, là quy luật trung tâm của mọi lề luật, như Thánh Phaolô dạy: “Ai yêu thương là chu toàn mọi điều luật dạy” (Rm 13, 8).

Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì mục tiêu hàng đầu của đạo là xây dựng thế giới nầy trở thành thế giới yêu thương, huynh đệ, mọi người yêu thương đùm bọc nhau như anh chị em một nhà.

Và hơn hết, Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì chỉ có ai có lòng yêu thương mới là môn đệ Chúa, ai không yêu thương thì tự loại trừ mình ra khỏi hàng ngũ những người môn đệ, như lời Chúa Giêsu dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, đó là anh em yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

Chúng ta vừa đề cập đến chuyện hiện nay có nhiều quyền lực hết sức mạnh mẽ lôi cuốn, xô đẩy chúng ta từ bỏ Đạo yêu thương. Vậy đó là những quyền lực nào?

Đó là những thế lực nằm ngay trong lòng ta, thống trị tâm hồn và cuộc sống của ta, hằng thôi thúc ta bỏ đạo: chủ yếu là bệnh vô cảm, lòng giận ghét, tham lam…

1. Vô cảm: Người vô cảm thờ ơ, dửng dưng, không quan tâm đến những người chung quanh, không cảm thông với những nỗi đau thương, bất hạnh của người khác…
Khi ta vô cảm, không thương xót người hoạn nạn, đau khổ… là đã từ bỏ điều cốt lõi của Đạo yêu thương…

2. Lòng giận ghét: Lòng giận ghét sôi sục trong lòng người, làm chủ hành vi lời nói của họ, xui khiến họ chửi mắng, đánh đập, nói hành nói xấu, gây thiệt hại cho người khác…
Nếu để lòng giận ghét làm chủ tâm hồn là ta tự loại trừ mình ra khỏi hàng ngũ những người môn đệ Chúa.

3. Tham lam: Lòng tham lam thái quá đã thúc đẩy rất nhiều người gây ra tội ác, như tham ô, cướp của, giết người… gây ra vô vàn thiệt hại cho đất nước, cho đồng bào, cho cả những người ruột thịt thân yêu trong gia đình dòng họ.
Ngoài ra, còn rất nhiều quyền lực khác, tuy vô hình, nhưng có sức mạnh lớn lao, đã hoặc đang xâm chiếm tâm hồn ta, làm chủ cuộc sống ta, luôn tìm cách lôi kéo, xô đẩy ta ra khỏi Đạo yêu thương của Chúa.

Đây là những cơn bách hại lâu dài, mạnh mẽ… còn tiếp tục kéo dài suốt cuộc đời ta và suốt dòng lịch sử nhân loại. Nếu không quyết tâm chiến đấu chống lại, chúng ta phải thua trận và trở thành người bỏ Đạo yêu thương lúc nào không hay biết.

Hậu quả khủng khiếp mà người bỏ Đạo yêu thương phải gánh lấy, là đến ngày phán xét, sẽ bị Chúa Giêsu lên án: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”… vì ngươi không có lòng yêu thương, cứu giúp những người chung quanh (xem Mt 25, 34. 41).

Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn chiêm ngưỡng tấm gương kiên trung anh dũng của các thánh tử đạo tại Việt Nam.
Các ngài thà chết chứ không thà dẫm đạp lên thập tự giá và không chối bỏ đạo Chúa.
Xin cho chúng con biết noi gương các ngài, thà chấp nhận thua thiệt và đau khổ chứ không chà đạp lên tình người, lên danh dự người khác, không làm thiệt hại ai… vì làm như thế là chúng con đã chối bỏ Đạo yêu thương và đánh mất hạnh phúc thiên đàng. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

——————————————-

 

Phong Nhiêu
Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Máu hồng minh chứng thật huyền siêu

Thấm đất quê hương ước vọng nhiều

Xử trảm, đầu rơi không nhụt chí

Lao tù, máu đổ chẳng tàn tiêu

Cha ông vững chí gương anh dũng

Con cháu bền lòng đức mến yêu

Hạt giống Tin Mừng nay kết trái

Đầy cành trĩu quả tỏa phong nhiêu.

Hạt Nắng

———————————————-

 

Hạt Giống Đức Tin
Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Gương tiền nhân rạng ngời Đất Việt,
chí hào hùng, oanh liệt, oai phong.
Tình yêu son sắt một lòng,
tôi trung một chủ máu hồng chứng minh.

Hôn Thánh giá dâng tình hiến tế,
yêu Phúc âm dâng lễ cuộc đời.
Dù cho máu đổ, đầu rơi,
cực hình chịu đựng rạng ngời chữ “Trung”.

Dù lâm cảnh khốn cùng tra khảo,
không sờn lòng chao đảo đức tin.
Sẵn sàng chấp nhận hy sinh,
nên nguồn nhân chứng anh linh Nước Trời.

Dẫu phú quí gọi mời tính kế,
dù vinh hoa trần thế tặng ban.
Không ham chức tước, bạc vàng,
hướng lòng về chốn vĩnh hằng mai sau.

Hoa thơm ngát muôn màu Đất Việt,
hương tình yêu thanh khiết tỏa lan.
Hiệp lòng con cháu ca vang,
chúc mừng Chư Thánh thiên đàng hưởng vinh.

Nguyện xin Chư Thánh dủ tình,
ban cho Đất Việt an bình muôn nơi.
Đức tin hạt giống đâm chồi …

Bâng Khuâng Chiều Tím

———————————————

 

Hoa Đá Đơm Bông
Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Hạt giống đức tin, Chúa đã gieo xuống trần gian,
hạt giống tình yêu, Ngài đã trồng trên đồi thập giá.
Tình Ngài bao la, mặn nồng thiết tha,
rất mực từ bi và nhân hậu,
lưỡi đòng đâm thâu, con tim mở rộng, hồng ân tuôn tràn.

Lòng Mẹ khiết trinh, tiếng “Xin Vâng” Mẹ đáp tình,
hạt giống niềm tin, đức khiêm nhường, nữ tỳ vun tưới.
Nụ hồng xinh tươi, dặm trường nổi trôi,
vẫn trọn tình yêu, lòng trung thành,
sóng đời gian nan, con tim nồng nàn, hai tiếng “Xin vâng”.

Xin Tạ ơn Ngài, muôn đời chúc tụng,
Chiên Con gánh tội hồng phúc.
Giao hòa đất trời, gieo mầm khát vọng,
gieo tin yêu, nhân thế đợi mong.
Xin Tạ ơn Mẹ, cho đời hy vọng,
khiêm cung “Vâng Phục” Thánh ý.
Xin tạ ơn người, anh hùng Đất Việt,
máu trung kiên tưới hạt mầm đức tin.

Hạt giống đức tin, máu tiền nhân thấm Đất Việt,
Hạt đã trổ bông, hoa Lạc Hồng tươi mầu thanh khiết.
Tình nồng hiến dâng, biển đời bão giông,
nghĩa đệ tình huynh cùng khát vọng,
vững niềm cậy trông, anh em một nhà, trong trái tim Cha.

M. Madalena Hoa Ngâu

—————————————–

 

Điểm Tựa Đời Con
CN 33 TN.C – ( Lc 21, 5-19)

Tiếng loa văng vẳng đầu thôn,
Báo giờ Chúa đến đón con về trời.
***
Trước nguy biến đất trời loạn lạc,
Cảnh chiến tranh tàn ác, thiên tai.
Nhân loại khủng hoảng lạc loài,
Hoang mang kiếp sống tương lai mịt mờ.

Sống bất an, nương nhờ điểm tựa,
Cứu tinh giả lừa gạt nhân sinh.
Chỉ mong tìm chút an bình,
Bao người lạc bước hành trình đức tin.

Lời cảnh báo thắm tình cứu độ,
Đời chóng qua, hoa nở ngoài đồng.
Trước cơn thử thách bão giông,
Niềm tin nơi Chúa, cậy trông vững bền.

Chúa đã đến bên thềm, trước ngõ,
Đợi chờ con chứng tỏ tình yêu.
Trước bao nghịch cảnh tiêu điều,
Tâm hồn trung tín mỹ miều cung nghinh.

Lòng nhân ái Chúa anh minh…

M. Madalena Hoa Ngâu

———————————————

 

Hạt Mầm Tử Đạo
Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Hân hoan Đất Việt phút vinh thăng,
mừng kính tiền nhân cõi vĩnh hằng.
Hoàn vũ hòa lời ca cung tiến,
máu hồng nhuộm đất trổ hoa đăng.

Tuyệt đối trung kiên vững một lòng,
tình yêu đáp trả Chúa hằng mong.
Khao khát hiến dâng Ngài mạng sống,
thân xác phàm trần lễ hiệp thông.

Chấp nhận bao nhiêu nỗi cực hình,
bắt bớ, tù đày vẫn trung trinh.
Lăng trì, xử trảm không nhụt chí,
chứng tá loan truyền Đấng Phục Sinh.

Xác tín một đời sống mai sau,
sự sống hồi sinh phép nhiệm màu.
Nhờ Đức Kitô, Ngài đã chết,
Phục Sinh Cứu Chuộc nghĩa tình sâu.

Từ bỏ chính mình, sống hy sinh,
thập giá ôm hôn, trọn chữ tình.
Lửa mến nồng nàn, tin mạnh mẽ,
cậy trông bền vững, sáng lung linh.

Hạt lúa trĩu vàng khắp quê hương,
Lời Chúa rắc gieo mọi nẻo đường.
Cánh đồng truyền giáo đang chờ đón,
Bàn tay thợ gặt, lúa tình thương.

Gương sáng rạng ngời của cha ông,
gởi gấm cháu con trái tim hồng.
Thăng trầm lịch sử luôn bền chí,
đức tin tôi luyện phúc lập công.

Thập giá ngày nay đủ sắc màu,
ma quỷ tung đòn rất thâm sâu.
Khoái lạc trần gian gài sập bẫy,
tiền tài, danh vọng nhử mồi câu.

Bách đạo thời nay thật gớm ghê,
tinh vi, xảo trá đủ mọi bề.
Cản trở tâm hồn đến với Chúa,
chủ thuyết vô thần, sống u mê.

Lương tâm chai đá, thuyết vô luân,
nhồi nhét hồn ai bị thấm nhuần.
Khước từ thiên chức đồng sáng tạo,
thai nhi loại bỏ, vạ trầm luân.

Hủy hoại tâm hồn các trẻ thơ,
trò chơi vô bổ mất nhiều giờ.
Say sưa hình ảnh trên máy tính,
đạo đức suy đồi, tuổi ươm mơ.

Bách đạo ngày nay, chẳng máu đào,
tinh thần cảnh giác, tỉnh thức cao.
Vô tình không thiết tha Lời Chúa,
tình Chúa tách rời mối tương giao.

Tim Chúa âu sầu bởi ngọn gai,
nhân loại ngày nay vẫn miệt mài.
Xúc phạm đâm sâu vì hổ thẹn,
chối bỏ ân tình Đấng Thiên Sai.

Hôm nay đoàn con ngước cậy trông,
tạ ơn Thiên Chúa đã gieo trồng.
Hội Thánh Việt Nam bằng máu đỏ,
tự hào dũng khí của cha ông.

Nguyện Chúa xót thương đổ hồng ân,
nồng nàn, yêu mến Chúa muôn phần.
Tín thác, hy sinh trong đời sống,
hạt mầm tử đạo, khúc ca ngân..

AP. Mặc Trầm Cung

—————————————-

 

Đợi Chờ Ngày Chúa Đến
CN XXXIII TN.C – (Lc 21, 5 – 19)

Lạy Chúa!
Trước những sự hoang tàn đổ nát,
Do chiến tranh loạn lạc gây ra.
Do thiên tai, bao kẻ không nhà,
Dòng nước lũ, bao người khốn khổ.

Những núi lửa bỗng dưng bùng nổ,
Gây bao nhiêu cảnh tượng thương đau.
Bao sinh linh chịu cảnh âu sầu,
Cảnh đói khát triền miên cơ cực.

Biết bao người sống trong tủi nhục,
Bởi tranh giành quyền lực thế gian.
Những đòn roi, tra khảo hung tàn,
Cảnh chém giết hơn loài man rợ.

Viễn cảnh đó làm con run sợ,
Phải chăng giờ thế mạt rung chuông.
Phải chăng nhân loại đã cùng đường,
Ngày vũ trụ phải thay màu áo mới.

Tuy thế sự làm hồn con chới với,
Nhưng Chúa là niềm hy vọng, ủi an.
Dìu con đi giữa đổ nát điêu tàn,
Không ngoài sự quan phòng của Chúa.

Con tin tưởng vào lời Chúa hứa:
“Có Thầy đây, đừng sợ” hãi chi.
Thầy sẽ ban Thần Khí phù trì,
Cùng sánh bước đồng hành đời nhân chứng.

Hãy bình tĩnh chớ đừng điêu đứng,
Lời tiên tri giả dạng khắp nơi.
Lời mị dân, nịnh bợ gọi mời,
Hòng lôi kéo con người vào mê hồn trận.

Hãy khôn ngoan chu toàn bổn phận,
Kẻo bị mắc lừa, ngược đãi, ghét ghen.
Vì Danh Thầy chịu cảnh thấp hèn,
Bị bắt bớ, tù đày và bị giết.

Đây là lúc con tỏ tình yêu thắm thiết,
Cơ hội tuyên xưng làm chứng về Thầy.
Lời nguyện cầu bay lên khắp tầng mây,
Biến khổ giá thành hy lễ mới.

Tình yêu Chúa, nơi hồn con vươn tới,
Luôn khát khao yêu mến Chúa chân tình.
Luôn sẵn sàng chờ đợi phút uy linh,
Ngày Chúa đến, vinh quang Ngài hiển trị.

AP. Mặc Trầm Cung