“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 20, 27-38)
Có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ? “
Đức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham,Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacop. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Sống Lại ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Đối Với Thiên Chúa TấtCảMọiNgườiĐềuĐang Sống Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Dòng Sông Và Dòng Đời Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chết Là Biến Đổi Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Hoài Vọng Hạt Nắng Trg 9
Mầu Nhiệm Sự Sống Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Chẳng Phải Đợi Ngày Mai M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Vững Một Niềm Tin A.P. Mặc Trầm Cung Trg 12
Sống Lại
Trong chương trình “Những điều bạn có thể chưa biết” của đài VTV3 có tường thuật một trường hợp lạ lùng: Một phụ nữ bị nhồi máu cơ tim. Chị tắt thở. Chị đã chết. Nhưng nhiều giờ sau, chị tỉnh lại. Các bác sĩ hỏi chị đã thấy gì trong thời gian ấy. Chị trả lời: chị thấy mình như bay bổng lên cao, và từ trên cao chị nhìn xuống thấy các bác sĩ, các y tá đang chăm sóc cho mình, nhìn thấy thân xác mình nằm bất động, nhìn thấy thuốc men, dụng cụ y tế. Chị cũng nhìn thấy một chiếc giày tennis cũ màu xanh da trời, đế giày bị mòn ở mép trong bàn chân, giây giày màu trắng, đầu một sợi dây thòng xuống dưới đáy giày. Nghe lời tả rất chi tiết của chị, vị bác sĩ chuyên điều tra băn khoăn để ý tìm kiếm. Một hôm vị bác sĩ đi qua tòa nhà đối diện nhìn sang bệnh viện, bà giật mình kinh hãi vì thấy ở tầng ba của tòa nhà, trên một gờ xi măng rất cheo leo, có một chiếc giày tennis cũ ai đã đặt ở đó tự hồi nào. Vị bác sĩ quan sát kỹ lưỡng và thấy chiếc giày giống từng chi tiết với chiếc giày mà người chết kể lại: chiếc giày vải cũ màu xanh, đế giày mòn ở mép trong, dây giày màu trắng, đầu một dây thòng xuống nằm ở dưới đáy giày.
Đó là một trong 1370 trường hợp trở về từ cõi chết mà các bác sĩ Đức và Mỹ đã điều tra. Theo những người có kinh nghiệm về cái chết này thuật lại thì: Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này. Và sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc, danh vọng, lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. Tất nhiên đây chưa phải là bằng chứng chắc chắn về việc người chết sống lại. Nhưng nó rất gần với mặc khải của Lời Chúa hôm nay. Và kinh nghiệm hiếm có của họ rất có thể hữu ích cho ta. Kinh nghiệm của họ nói với ta hai điều:
1) Có cuộc sống khác ở bên kia cái chết. Kinh nghiệm của họ phù hợp với niềm tin dân gian, nhất là của người Việt Nam vẫn tin rằng: thác là phế thách, còn là tinh anh. Vì tin có sự sống ở bên kia cái chết mà chúng ta mới thờ kính tổ tiên, cúng quảy, giỗ chạp.
Niềm tin ấy phù hợp với giáo lý của Chúa. Khi Môsê thấy Chúa hiện ra trong bụi gai cháy đỏ. Ông hỏi Chúa là ai. Chúa trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaác, Giacóp”. Vào thời của Môsê, Abraham đã qua đời được 5, 6 trăm năm. Vậy mà Chúa vẫn tự giới thiệu là Thiên Chúa Abraham, tức là Abraham vẫn sống, đang sống bên Chúa. Vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc đến cuộc sống sau cái chết như dụ ngôn người giàu có và Lagiarô, trong dụ ngôn về ngày phán xét, dụ ngôn lúa đồng và cỏ dại.
Theo thánh Phaolô, cuộc sống đời sau mới là đích điểm mà mọi tạo vật nhắm tới. Trong thư Rôma, Ngài viết: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt phải chịu vậy. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến nay, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-23)
Chúng ta rên siết vì cuộc sống hiện tại đầy khổ ải. Chúng ta mong chờ cuộc sống đích thực ở mai sau. Đời sống này là thời kỳ thai nghén. Ta phải chịu đau đớn để sinh vào đời sau.
2) Cuộc sống ở bên kia rất khác với cuộc sống hiện tại. Khi Chúa Giêsu trả lời người Sadducêô, Chúa Giêsu đã mặc khải ba chân lý.
Chân lý thứ nhất: Chỉ những ai được tuyển chọn mới được vào Nước Chúa. Sự sống đời sau có đó. Nhưng không phải ai cũng vào được. Chỉ có những người được xét là xứng đáng mới được vào. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa đã nói tới việc tuyển chọn này. Chúa sẽ loại chiên ra khỏi dê, lúa tốt ra khỏi cỏ dại, cá tốt ra khỏi cá xấu. Tiêu chuẩn để chọn lựa là Tám mối phúc, nhất là giới răn bác ái yêu thương.
Chân lý thứ hai: Người ta sẽ giống như thiên thần. Đời sống trên trời sẽ không có gì giống với đời sống dưới đất. Sẽ không còn đói khát nên sẽ không cần ăn uống. Sẽ chẳng có lấy vợ lấy chồng, sẽ chẳng cần sinh con để nối dõi vì người ta không bao giờ chết nữa. Nếu vậy, trên trời ta có còn là ta nữa không hay ta trở thành một người khác, một kiếp khác? Thưa, tuy có khác nhưng ta vẫn là ta. Đứa bé bụ bẫm hôm nay chẳng có gì giống với cái bào thai ngọ nguậy trong bụng mẹ hôm qua. Nhưng cả hai chỉ là một. Bà cụ 90 tuổi hôm nay chẳng còn gì giống với cô thiếu nữ mà bà đã là cách nay 70 năm. Nhưng cả hai vẫn là một. Chú bướm xinh đẹp nhởn nhơ bay lượn trên khóm hoa hôm nay chẳng có gì giống với gã sâu xấu xí lê la trên đất hôm qua. Nhưng cả hai vẫn chỉ là một.
Trên trời, ta sống một cuộc sống khác, không ăn uống, không lấy vợ lấy chồng. Nhưng ta vẫn là ta. Có khác biệt nhưng vẫn có liên tục.
Chân lý thứ ba: Ta sẽ trở thành con Thiên Chúa. Sống lại rồi, ta như đứa con bấy lâu phiêu bạt xa quê nay được trở lại nhà cha mẹ. Tâm hồn luôn bị dằn vặt vì niềm khao khát vô biên, nay mới được no thỏa: Thiên Chúa chính là hạnh phúc lấp đầy được vực thẳm khao khát vô biên của ta. Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên lòng con mãi khắc khoải băn khoăn cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Là con Thiên Chúa, hạnh phúc lớn nhất của ta là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là cội nguồn hạnh phúc, nên thánh Phaolô đã nói: “Những đau khổ ta chịu bây giờ không thấm gì so với hạnh phúc sau này ta sẽ được. Và mọi tạo vật mong tới ngày được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, để được cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,22). Vì hạnh phúc ấy mà tám mẹ con trong bài đọc thứ nhất đã cam chịu mọi khổ hình.
Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta bao niềm hy vọng. Chúa cho ta biết, đời ta sẽ không đi trong bất định, lạc vào hư vô, nhưng đời ta có một cùng đích, đó là trở về với Thiên Chúa là cội nguồn của ta. Đời ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ, nhưng sẽ vươn lên hạnh phúc, hạnh phúc làm con Thiên Chúa, hạnh phúc chia sẻ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đời ta như vậy sẽ không đi vào mạt kiếp lụi tàn, nhưng sẽ triển nở trong vinh quang tự do. Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,43-44)
Lạy Chúa, xin cho con biết sống ở đời này theo đúng Lời Chúa dạy, để mai sau con xứng đáng được trở nên con của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Cái chết là một thành phần của đời sống. Bạn chuẩn bị và đón nhận cái chết thế nào?
2. Con người sinh ra không phải để chết nhưng để sống. Bạn hiểu câu này thế nào?
3. Đời sau ta sẽ sống với Chúa. Ngay từ bây giờ bạn phải làm gì để chuẩn bị cho cuộc sống với Chúa?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
—————————————
Đối Với Thiên Chúa
Tất Cả Mọi Người Đều Đang Sống
Cách đặt vấn đề ‘kẻ chết sống lại’ của nhóm Xađốc quả là rất ấn tượng, nhưng cũng ấn tượng không kém là lời giải đáp Đức Giêsu đưa ra! Chúng ta rất dễ bị cuốn hút vào một cuộc tranh luận mang tính triết lý như thế: ‘có hay không có sự sống lại từ cõi chết?’ Thật ra trong câu trả lời, Đức Giêsu không chỉ giới hạn trong việc chứng minh tính lôgích của sự sống lại, Người còn đi xa hơn thế nhiều khi khảng định: sự sống và ‘sự sống lại’ liên quan trực tiếp tới bản chất hay yếu tính của Thiên Chúa. Vấn đề ‘sống lại từ cõi chết’ thường được chúng ta đặt ra như sau: Con người có thật sẽ sống lại không… tại sao lại cần phải có sự sống lại…, do quyền năng nào mà ta được sống lại? Thiết nghĩ các vấn nạn tương tự cũng được anh em Phật Giáo đặt ra khi thuyết pháp về kiếp luân hồi; và anh em cũng trưng ra những giải thích hết sức hợp lý dựa trên một số định đề được Phật Giáo công nhận, mà không cần đề cập gì tới sự hiện hữu của Thiên Chúa. Để trả lời thắc mắc của nhóm Xađốc là những người Do Thái chính hiệu, Đức Giêsu chỉ cần viện dẫn quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa thì đã quá đủ sức thuyết phục; tuy nhiên khi đưa ra lời giải đáp được ghi nhận, Đức Giêsu thực tình muốn đưa các thính giả tới một khám phá rất Tin Mừng về Thiên Chúa. Nhân vấn đề ‘kẻ chết sống lại’, Người mời gọi họ tiến sâu hơn trong một hiểu biết về bản tính đích thực của Thiên Chúa: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”.
Qua lời khẳng định đầy uy lực trên, trước hết Người cho ra một định nghĩa về Thiên Chúa trong tương quan trực tiếp tới từng người chúng ta! Trong tương quan này, Thiên Chúa không những là sự sống qua việc tạo dựng loài người và ban cho họ sự sống qua việc thổi hơi trên họ, nhưng Người còn là sự sống lại của họ… vì tất cả, phải tất cả mọi người đều đã chết trong tội. Khi đề cập tới những kẻ được cứu rỗi, Người gọi: “họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại”! Nói như thế hầu như Đức Giêsu muốn khẳng định rằng: đối với mỗi con người tội lỗi, cũng như toàn thể nhân loại hư hỏng, thì Thiên Chúa không những là sự sống trong tạo dựng, mà còn là sự sống lại nữa trong thực tế hiện sinh của kiếp người. Sẽ không tìm thấy bất cứ một người lành hay thánh thiện nào trên thiên quốc, nếu không phải là những kẻ được sống lại từ cõi chết tội lỗi. Quả vậy, sách Khải Huyền đã xác định rõ điều này qua hình ảnh: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? …Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:13-14).
Đối với tất cả mọi người, không trừ một ai, bằng cách này hay cách khác, họ chỉ có thể trở thành con Thiên Chúa vì họ đã được sống lại từ cõi chết của tội lỗi. Thực thế, như Phaolô khẳng định sau này: không một ai thoát khỏi tình trạng này, không một ai có thể là luật trừ, “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5:12). Trong giai thoại về Lazarô sống lại, Đức Giêsu cũng đã tự giới thiệu: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống!” (Ga 11:25). Điều đáng lưu ý ở đây là: ‘sự sống lại’ được đặt trước cả ‘sự sống’. Hơn nữa, Người không chỉ khẳng định: Ta – hay Thiên Chúa có khả năng ‘làm’ cho sống lại, mà chính Người ‘là’ sự sống lại. Đối với Người, làm cho sống lại thể lý từ cõi chết như trường hợp Lazarô, hay sẽ xảy đến cho hết mọi người trong ngày sau hết, chỉ là sự kiện nhỏ; sự thật lớn hơn nhiều và chính yếu sẽ là: những ai đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô Giêsu, Đấng cứu độ duy nhất, thì sẽ được cho sống lại từ cõi chết của tội lỗi, vì đã tiếp nhận lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Người quả là sự sống lại, nhất là đối với những ai đã chết trong lỗi tội nặng nề! “Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống”.
Và chính vì Thiên Chúa là sự sống lại và là sự sống mà ‘đối với Người, tất cả đều đang sống’; Lòng thương xót và ơn cứu độ của Ngưởi đạt tới hết thảy mọi người, không loại trừ một ai! Con người có muốn tiếp nhận hay không tiếp nhận lòng nhân từ đó lại là chuyện khác; vì thế Người tuyên bố: Người “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống”. Phaolô gợi lại tư tưởng trên như sau: “Ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người…vì họ trở nên công chính… được sống… và được thống trị ” (Rm 5:15.17). Quả thế Đức Giêsu Kitô, trong cái chết và phục sinh của Người, đã minh chứng cách hùng hồn rằng: đối với con người tội lỗi, thì tự bản chất trước nhất của Thiên Chúa phải là sự sống lại. Đó chính là nền tảng vững chắc nhất của niềm tin và hy vọng của mọi Kitô hữu! Tin và hy vọng được sống lại, không chỉ sẽ xẩy đến về mặt thể lý trong ngày sau hết, nhưng đã và đang diễn ra liên tục trong cuộc sống đức tin, khởi đầu vào ngày người Kitô hữu chịu phép rửa, rồi mỗi khi họ, vì yếu đuối, rơi vào cái chết muôn hình vạn trạng của tội lỗi, họ được bảo đảm sẽ được chỗi dậy do sức mạnh của lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa.
Quả thật: ‘Thiên Chúa là sự sống lại và là sự sống’ của hết thảy mọi người – thánh thiện hay tội lỗi, của tôi… và của cả bạn nữa, tại bất kỳ nơi đâu và vào bất cứ lúc nào; quan trọng là: có thật chúng ta chân thành xác tín điều đó không?
Lạy Chúa Kitô – Đấng đã chết và sống lại, xin cho con biết tuyên xưng không ngừng: Chúa chính là sự sống lại và là sự sống của con. Mỗi khi tự mình, hay được người khác nhắc nhở: mình là ‘con Thiên Chúa’, xin cho con cũng xác tín vững chắc rằng: mình đã và đang không ngừng được sống lại từ cõi chết của tội lỗi…, nhờ vào lượng từ bi hải hà của Chúa mà thôi. Con muốn luôn nhắc nhở cho mình điều này, để con có thể không ngừng cất tiếng ca tụng lòng từ bi thương xót Chúa, ngay giữa những tội lỗi và yếu hèn nhất của con. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB
——————————————
Dòng Sông Và Dòng Đời
Đời người và dòng sông luôn xuôi chảy. Những gì đã trôi qua thì không thể gặp lại, vì mỗi khoảnh khắc trôi qua đều tuần hòan và không ngừng biến đổi như bờ sông đó, bến đò đó nhưng đã thay đổi bởi dòng nước khác đang tuần hoàn nên mới có câu: “không bao giờ có thể tắm hai lần trên một dòng sông” là vậy.
Câu nói này cũng có ý nghĩa nhắc nhở mọi người phải luôn biết trân trọng từng phút giây, khoảnh khắc mà ta đang sống. Vì mỗi khoảnh khắc qua đi là không bao giờ trở lại. Tôi với anh hôm nay là bạn hay thù thì khi kết thúc cuộc đời sẽ không bao giờ gặp nhau trên dòng đời này nữa. Tất cả sẽ để lại cho ta một nỗi nhớ hay buồn đau. Tình nghĩa vợ chồng cũng chỉ sống với nhau một đời quá lắm trăm năm, và khi qua đời thì mãi mãi không gặp lại nhau trong tình nghĩa vợ chồng như hôm nay, lúc này.
Trong tiếng Anh từ “present” là hiện tại nhưng nó cũng có nghĩa là món quà. Đây là món quà quý giá của cuộc sống ban tặng, nên ta hãy trân trọng khi đón nhận. Hãy sống hết mình với hiện tại, vì chúng ta đều không thể trải qua “hiện tại” lần thứ hai đâu!
Chúa Giêsu cũng từng khẳng định rằng: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống”. Như vậy, Thiên Chúa luôn là “present”, là hiện tại. Một nghĩa nào đó thì con người cũng chỉ sống với hiện tại, vì quá khứ đã trôi qua, và tương lai thì chưa tới. Thế nên, khi những người Sađốc hỏi về đời sau ai là chồng của người vợ đã từng lấy chồng 7 lần. Chúa Giêsu khéo léo cho chúng ta biết rằng ở đời sau vẫn là tiếp nối dòng chảy ở đời này. Nó vẫn là một dòng chảy thì không ai “tắm hai lần trên một dòng sông”.
Hơn nữa, ở đời sau con người được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa, họ là con cái của Thiên Chúa, họ đều sống trong Chúa và cho Chúa là Đấng Hằng Sống. Tuy nhiên, Thiên Chúa còn xét xem chúng ta có đáng được tham dự vào sự sống đời sau hay không? Người đáng được tham dự sự sống đời đời đó là những người biết sống đúng với nhân tính của con người là “nhân chi sơ tính bản thiện” và sống đúng luân thường đạo lý là lương tâm, là lề luật của Chúa đã khắc ghi trong tâm hồn mỗi người.
Mỗi người chỉ sống một đời người nên cần phải sống tốt cho giây phút hiện tại để cuộc đời này qua đi ta vẫn tiếp diễn với cuộc sống hạnh phúc trong nhà Cha trên trời. Nơi đó không còn những đau khổ bởi tranh chấp, ghét ghen hay tị hiềm. Nơi đó, con người luôn cảm thấy đầy đủ và trọn vẹn vì được sống trong ân lộc của Nước Chúa vĩnh hằng. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
——————————–
Chết Là Biến Đổi
Khi chết rồi, số phận con người ra sao? Đây là một vấn nạn muôn thuở của con người.
Nhiều người cho rằng chết là hết, là đi vào hư vô, chẳng còn gì. Có người tin là sau khi chết, con người sẽ đầu thai kiếp khác, vân vân…
Là người phàm, không ai có thể biết rõ số phận con người sau khi chết, chỉ có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên con người cũng như muôn vật muôn loài mới biết rõ thân phận con người sau khi lìa cõi thế.
Vì thế, muốn biết rõ điều nầy, chúng ta phải cậy nhờ vào giáo huấn của Thiên Chúa.
Nhờ ánh sáng Chúa Thánh Thần soi chiếu, thánh Phaolô dạy chúng ta biết rằng chết không phải là hết, nhưng là biến đổi nên người mới. Ngài viết:
“Chúng ta sẽ không chết, nhưng hết thảy chúng ta sẽ được biến đổi… vì chưng thân xác hư hoại nầy sẽ mặc lấy bất hoại, đồ chết dở nầy sẽ mặc lấy trường sinh bất tử” (I Cor 15, 51. 53).
Chúa Giêsu dạy có sự sống đời sau.
Khi những người thuộc phái Xađốc đến chất vấn Chúa Giêsu về cuộc sống đời sau, Chúa Giêsu khẳng định là có. Ngài dạy rằng: “Những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau … thì không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20, 36).
Trong dụ ngôn “Phán xét cuối cùng”, Chúa Giêsu dạy ta biết: đến ngày tận thế, Ngài sẽ ngự đến phán xét loài người. Kẻ dữ thì “phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng lấy sự sống muôn đời” (Mt 25, 46). Như thế, Chúa Giêsu khẳng định không những có cuộc sống đời sau mà còn cho biết cuộc sống đó sẽ kéo dài “muôn đời muôn kiếp.”
Chúa Giêsu còn tỏ cho các môn đệ cũng như chúng ta biết: Ngài về trời để dọn chỗ cho chúng ta và Ngài sẽ trở lại, đưa chúng ta về với Ngài. Ngài nói: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở… Thầy đi dọn chỗ cho anh em. … và Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 1-2).
Ngoài ra, qua cuộc tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu xé tan bức màn bí mật bao trùm sự chết.
Chúa Giêsu đã làm người như chúng ta, đã mang thân phận con người mỏng giòn, đã sống và đã chết như chúng ta nhưng Ngài đã sống lại. Sự sống lại của Ngài chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng đằng sau cái chết là một đời sống mới.
Công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu chứng tỏ có sự sống đời sau.
Để cứu con người thoát ách tội lỗi và sự chết, đưa họ vào thiên đàng hưởng phúc muôn đời, Chúa Giêsu phải trả giá bằng cuộc khổ nạn đau thương và chịu chết thê thảm trên thập giá.
Nếu không có cuộc sống đời sau, không có thiên đàng, hoả ngục; con người chết rồi là hết và sau khi chết, ai cũng chỉ còn là tro bụi như ai… thì cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là hoàn toàn vô ích; cái chết đau thương của Chúa Giêsu trên thập giá chẳng mang lại lợi ích gì cho bất cứ ai.
Chẳng lẽ Ngôi Hai Thiên Chúa lại chịu khổ nạn và chịu chết cách vô ích sao?
Đây là một bằng chứng mạnh mẽ cho biết có sự sống đời sau trên thiên đàng.
Lạy Chúa Giêsu. Niềm tin vào sự sống đời sau mang lại cho con người niềm hy vọng và hạnh phúc.
Xin cho niềm tin nầy trở thành động cơ mạnh mẽ thúc đẩy chúng con sống tốt lành thánh thiện để mai đây đáng được hưởng phúc đời đời. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————-
Hoài Vọng
CN 32TNC (Lc 20, 27 – 38)
Cuộc sống gian trần bao đắng cay
Ước mong hạnh phúc đầy vơi đầy
Thân côi lạc bến nơi đầu gió
Lữ khách xa nhà chốn chân mây
Ước vọng thường hằng tim bỏng cháy
Khát khao viên mãn trí mê say
Nước Trời chính thực nguồn ân phúc
Thỏa chí chiên hiền dạ ngất ngây.
Hạt Nắng
———————————
Huyền Nhiệm Sự Sống
CN 32TNC – (Lc 20, 27 – 38)
Còn lại gì Chúa ơi! Giữa đường đời dong duổi,
tay vẫn trắng tay, bạc trắng cả tâm hồn.
Một khối tình sầu, khi bóng ngả hoàng hôn,
con về đâu?
khi nắng chiều vàng đời con vụt tắt.
Sự sống nhiệm mầu! Sao con đành đánh mất?
giữa ảo vọng cuộc đời, giữa khát vọng u mê.
Ham tiền bạc,
trọng lợi danh,
lê những bước chân não nề.
Con còn được gì?
nếu đêm nay Chúa gọi về tính sổ.
Sự sống nhiệm mầu Chúa ban,
dẫu sống trong gian khổ,
không bất định, chẳng hư vô,
có bến đỗ đợi chờ.
Đón nhận cuộc đời, vun đắp ước mơ,
thắng vượt khổ đau,
sẽ đưa ta vươn tới bờ Hạnh Phúc.
Ân sủng thần thiêng làm hồn con nao nức,
hạnh phúc được gọi là con Thiên Chúa,
nhờ ánh sáng Phục Sinh.
Nhờ cái chết oai linh, nhờ hiến lễ ân tình,
chính Con Thiên Chúa cho con nguồn sự sống.
Con tin Chúa ơi! Một niềm tin sống động,
tin có sự sống đời đời, tin mầu nhiệm phục sinh.
Tin sự sống lại nơi chính bản thân mình,
được tham dự vào,
sự sống nhiệm mầu của Ba Ngôi Chí Ái.
Tĩnh lặng, ngất ngây, tâm hồn con ngây dại,
trước huyền nhiệm lạ lùng,
Sự Sống của Tình Yêu.
Bâng Khuâng Chiều Tím
————————————-
Chẳng Phải Đợi Ngày Mai…
CN 32TNC (Lc, 20 27 – 38)
Thầm lặng thầm Chúa đến bên con,
rửa sạch hồn con vết tích hoang đàng.
Thầm lặng thầm Chúa đến bên con,
rửa sạch đời con dấu vết ngày đi hoang.
Tình gọi tình Chúa đã trao duyên,
Ngài mời gọi con tiếp bước đường dài.
Tình gọi tình đáp lễ tri ân,
một lòng xin vâng theo dấu vết chân Ngài.
Con đã sống lại rồi. Chúa ơi!
Tôi đã sống lại rồi, người ơi!
Chẳng phải đợi ngày mai,
chẳng phải đợi ngày sau,
mà chính ngày hôm nay,
tôi đã sống lại rồi.
Con sống lại nhờ tình Chúa vô biên.
Con sống lại nhờ nguồn sáng Phục Sinh.
Lòng hiệp lòng con dâng lễ hy sinh,
hiệp cùng Con Chiên hiến lễ ân tình.
Tình hiệp tình cùng Thiên Chúa Ba Ngôi,
sự sống thần linh vui tiếp bước hành trình.
M. Madalena Hoa Ngâu
—————————————
Vững Một Niềm Tin
CN 32 TN.C – (Lc 20, 27 – 38)
Con tin Cha đã dựng nên con,
dựng cả xác thân lẫn linh hồn.
Được sống trong vòng tay Thiên Chúa,
muôn lời cảm tạ Đấng Chí Tôn.
Tổ Tông hưởng phúc Cha thương ban,
ân sủng tình yêu rất dư tràn.
Con người không phải qua cái chết,
hết kiếp gian trần hưởng Thánh Nhan.
Ông Bà Nguyên Tổ đã bất tuân,
mưu mô rắn độc, vượt quyền thân.
Đặc ân sống mãi không còn nữa,
sự chết rập rình kiếp gian truân.
Nhờ ơn cứu chuộc Chúa hy sinh,
giải thoát nhân sinh khỏi tội tình.
Nối kết giao hòa cùng Thiên Chúa,
được về trình diện Đấng Uy Linh.
Vững tin Lời Chúa con cậy trông,
các Thánh thông công hiệp một lòng.
Luyện Ngục, Thiên Đàng hay Trần Thế,
mừng ngày hoan lạc vĩnh hằng mong.
Con tin thân xác của con đây,
trở về cát bụi có một ngày.
Yên hàn giấc ngủ chờ hồng phúc,
quang lâm Chúa ngự, sống dậy ngay.
Đẹp quá anh em Macabê,
khổ hình nhục kế rất nặng nề.
Một dạ tín trung lời Thiên Chúa,
Cuộc sống vĩnh hằng Thiên Đàng Quê.
Chúa đã chứng minh cả cuộc đời,
con đường thập giá máu lệ rơi.
Mở lối con đi đường cứu rỗi,
Phục Sinh hiển trị cứu muôn người.
Lạy Chúa Nhân Lành con khấn xin,
cho con sức mạnh biết quên mình.
Yêu mến khát khao sự sống mới,
sấp mình quy phục Chúa Phục Sinh.
AP. Mặc Trầm Cung