SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 820, CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – C, 30/10/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 19, 1-10).

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”.
Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Ánh Mắt Yêu Thương ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Người Này Cũng Là Con Cháu Tổ Phục Abraham Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Nhận Ra Tội Và Đền Bù Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Khơi Lên Mầm Tốt Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7

THƠ TIN MỪNG

Nắng Chiều Hạt Nắng Trg 9
Lặng Lẽ Tình Son Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Ánh Mắt Bên Vệ Đường M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Xuân Tâm Hồn A.P. Mặc Trầm Cung Trg 12

—————————————

 

Ánh Mắt Yêu Thương

Mỗi khi đọc câu chuyện ông Giakêu, tôi ngỡ ngàng trước ánh mắt của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn lên ông Giakêu trên cây sung. Ánh mắt ấy có sức mạnh kỳ lạ. Ánh mắt ấy chất chứa bao tâm tình. Chỉ trong một ánh mắt cuộc đời Giakêu hoàn toàn biến đổi.

Đó là ánh mắt quan tâm. Chúa Giêsu vào thành Giêricô. Giêricô là một thành phố rộng lớn, người đông đúc, buôn bán sầm uất. Một đám đông lớn đi theo Chúa Giêsu. Trong khi đó ông Giakêu thật bé nhỏ. Nên ông phải leo lên cây sung để nhìn Chúa. Thật lạ lùng. Giữa đám đông mênh mông ấy, Chúa vẫn nhìn thấy ông Giakêu, dù ông thấp lùn. Giữa muôn người, Chúa chỉ tìm Giakêu. Lại còn biết rõ tên ông. Điều đó chứng tỏ Chúa quan tâm tới Giakêu, dù ông bé nhỏ trong một đám đông hỗn độn. Giakêu chắc chắn cảm thấy ấm lòng vì ánh mắt quan tâm của Chúa.

Đó là ánh mắt khiêm nhường. Hãy tưởng tượng cảnh Chúa ngước lên nhìn Giakêu. Chúa nhìn lên. Giakêu nhìn xuống. Thật là một cảnh tượng phi thường. Người có tầm vóc cao lớn phải ngước nhìn lên mới gặp ánh mắt người thấp bé. Thiên Chúa phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được phàm nhân. Đấng vô cùng thánh thiện phải ngước mắt nhìn lên mới gặp kẻ tội lỗi tầy trời. Tạo hóa phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được thụ tạo. Đấng Cứu Độ phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được kẻ cần được cứu. Đấng tha tội phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được kẻ cần được thứ tha. Thật là một sự khiêm nhường thẳm sâu. Giakêu chắc chắn phải choáng váng vì ánh mắt khiêm nhường của Chúa.

Đó là ánh mắt tha thứ. Nguyên một việc quan tâm tìm kiếm cũng đã chứng tỏ Chúa tha thứ cho ông rồi. Huống hồ Chúa còn khiêm tốn ngước nhìn lên. Hơn thế nữa Chúa còn ngỏ lời muốn đến thăm nhà ông. Giakêu chưa tìm Chúa thì Chúa đã tìm Giakêu. Giakêu chưa gọi Chúa thì Chúa đã gọi Giakêu. Giakêu chưa mời thì Chúa đã ngỏ ý đến nhà. Giakêu chưa xin lỗi thì Chúa đã tha thứ. Ánh mắt tha thứ mới khoan dung độ lượng và ấm áp làm sao. Giakêu chắc chắn tràn đầy niềm hối cải khi nhìn vào ánh mắt tha thứ của Chúa.

Đó là ánh mắt tin tưởng. Chúa Giêsu nhìn Giakêu bằng ánh mắt tin tưởng. Tin tưởng nên không nhìn về quá khứ mà chỉ hướng về tương lai. Chúa quên hết tội lỗi của ông. Hơn thế nữa Chúa tin rằng ông sẽ nên người tốt. Chúa tin rằng ông sẽ làm lại cuộc đời. Chúa tin vào tương lai của ông. Nên Chúa đã nhìn ông. Nên Chúa tha thứ cho ông. Nên Chúa kết thân với ông. Trước ánh mắt tin tưởng của Chúa, chắc chắn Giakêu sẽ cương quyết làm lại cuộc đời.

Đó là ánh mắt yêu thương. Tất cả sẽ không thể giải thích được nếu không có tình yêu. Chúa quan tâm tới Giakêu vì Chúa yêu thương ông, như người mục tử tốt lành đi tìm con chiên lạc. Chúa khiêm nhường vì Chúa yêu thương ông, như người cha cõng con trên vai. Chúa tha thứ vì Chúa yêu thương ông, như người cha sẵn sàng chờ đón đứa con hoang đàng. Chúa tin tưởng vì Chúa yêu thương ông, như người mẹ không khi nào nói rằng con mình xấu, dù nó phạm tội trăm lần. Chúa nhìn ông bằng ánh mắt yêu thương. Ngập tràn trong yêu thương, trái tim Giakêu bừng lên ngọn lửa yêu thương. Đời ông được đốt cháy trong yêu thương. Nên ông đã đáp lại tình yêu thương của Chúa. Vì yêu mến Chúa mà ông yêu thương đồng loại. Yêu thương nên đền bù thiệt hại. Yêu thương nên chia sẻ chân thành.

Lạy Chúa, Chúa luôn nhìn con bằng ánh mắt yêu thương. Xin cho con biết nhìn vào mắt Chúa, nhận ra tình yêu thương của Chúa và biến đổi cuộc đời như ông Giakêu.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Chúa nhìn Giakêu bằng ánh mắt thế nào?
2) Giakêu đã đáp lại ánh mắt của Chúa ra sao?
3) Bạn có bao giờ nhìn thấy ánh mắt Chúa nhìn bạn chưa?
4) Bạn có muốn nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

—————————————————

 

Người Này Cũng Là Con Cháu Tổ Phụ Abraham

Việc chủ động xin vào trọ trong nhà ông Dakêu, một thủ lãnh nhóm thu thuế, một lần nữa lại cho thấy, đời Đức Giêsu luôn gắn liền với các người tội lỗi… Có thể Kitô hữu chúng ta đã dần quen và xem thường hình ảnh này, nhưng không phải vậy đối với các Biệt Phái và đám quần chúng Do Thái; “Mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Lý do duy nhất Đức Giêsu đưa ra để biện minh cho quyết định táo bạo này là: “Bởi vì người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”, cho dầu ông ta có tội lỗi bất xứng tới đâu.

“Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”! Bằng nhiều cách nói khác nhau, Đức Giêsu đã không ngừng xác định sứ mệnh của Người khi đến trần gian là: để cứu vớt. Đó là mục tiêu chính và lẽ sống của Người! Do đó, tin và chấp nhận Đức Kitô sẽ không là gì khác hơn: chân thành nhìn nhận rằng mình đáng bị hư mất. Ai không nhìn nhận như thế sẽ không thể là Kitô hữu, đơn giản vì họ cho là mình không có lý do gì để đón nhận ơn cứu độ Người mang đến. Nhưng để giải thích được điều rất mới mẻ này, tối hậu Đức Giêsu chỉ trưng ra được có một lý giải duy nhất; Người long trọng tuyên bố: “người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Câu nói này mang tính cách mạng ghê gớm! vì trong đầu óc và ngôn ngữ Do Thái thì câu này cũng tương tự như nói với người Công Giáo về một người phạm trọng tội đáng bị rút phép thông công rằng: “vì người tội lỗi này cũng đang là con cái Thiên Chúa!”

Đối với quần chúng Do Thái, nhất là các luật sĩ và nhóm Biệt Phái, thì các người thu thuế nói riêng, và mọi kẻ tội lỗi nói chung, không còn là con cháu tổ phụ Abraham nữa: họ đã phản bội Giao Ước, họ phải bị khai trừ, họ đáng bị khinh miệt và ghét bỏ, họ sẽ bị coi như người dân ngoại. Mọi người Do Thái chân chính đáng danh con cháu tổ phụ Abraham buộc phải xa tránh họ và nếu có thể…, tiêu diệt họ bằng cách ném đá cho chết. Do đó bất cứ ai tiếp xúc với họ (huống hồ tới trú ngụ trong nhà họ) đều bị coi là đã ‘mắc ô uế’. Lối suy nghĩ tương tự như thế là hoàn toàn hợp lý, và rất phổ biến trong bất kỳ tập thể xã hội hay tổ chức nào dựa trên luật lệ, kể cả xã hội Kitô giáo chúng ta hôm nay xét theo diện một tổ chức (thử nghĩ tới thái độ đối với các bè rối với những vạ tuyệt thông…). Vậy mà Đức Giêsu đã xác định ngược lại: thu thuế hay tôi lỗi tới đâu cũng vẫn là con cháu tổ phụ Abraham, và vì thế cần phải đi tìm và cứu vớt họ. Câu hỏi được đặt ra là: dựa trên tiêu chuẩn nào mà Người lại đòi hỏi như thế?

Suy nghĩ thông thường vẫn là: anh sai phạm thì anh phải cải tà qui chính để may ra được chúng tôi thứ tha và được nhận trở lại chăng; nếu anh thành tâm sám hối và sửa lỗi mình thì anh mới được tha, và được cho hội nhập trở lại. Rất thường khi, sự tha thứ này còn kèm theo nhiều điều kiện hoặc thử thách khắc nghiệt khác nữa. Trường hợp của Dakêu cho ta thấy một tiến trình trái ngược: Đức Giêsu chủ động xin tới với ông ta trước, Người vào nhà chia sẻ cuộc sống với ông; điều này xảy ra trước cả khi ông hứa sẽ đền bù thỏa đáng những lầm lỗi của mình. Đối với Người, trình tự này là hoàn toàn hợp lý với lời giải thích: “hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi vì người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham!”. Nếu sau đó ông Dakêu có thưa với Người: “Đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” thì đó vẫn không phải là lý do tại sao Đức Giêsu quyết định vào nhà ông; đó chẳng qua chỉ là hậu quả của việc Người chủ động xin đến trú ngụ mà thôi.

Nếu vậy thì ta phải đi tới kết luận: khi Đức Kitô có quyết định đến với bất cứ tội nhân nào thì không phải là vì họ đã có công trạng gì trước, kể cả có lòng thống hối chân thành. Người cứu chuộc chúng ta chỉ vì Người là Con Thiên Chúa từ nhân, và muôn đời Người sẽ còn tiếp tục hành sử với chúng ta như thế. Cho dầu tội lỗi đầy mình tới mấy, chúng ta vẫn luôn mãi là con cái của Thiên Chúa, là con cái của tình yêu tha thứ xót thương. Đối với Người, con chiên dầu có đi lạc thì vẫn là chiên của chủ chăn, đồng bạc dầu có bị mất thì cũng vẫn là đồng bạc của bà chủ, và đứa con có đi hoang thì vẫn luôn là con của ‘cha già’. Vì như Người khẳng định: “Con Người đến để tìm và cứu những gì (Người) đã mất”.

Một trong các tư tưởng căn bản của nền thần học Kitô giáo là: ơn cứu độ của Thiên Chúa hoàn toàn là một quà tặng biếu không (gratuitous). Chúng ta chỉ có thể khiêm tốn đón nhận với lòng tri ân sâu xa chứ không bao giờ xứng với nó. Nếu có ai cho rằng mình xứng đáng được hưởng ơn cứu độ, hoặc vì lắm công nhiều nghiệp, hoặc vì đầy dẫy các nhân đức, thánh thiện, trung thành tới mức tử đạo, hoặc tối thiểu, vì đã chân thành thống hối ăn năn, thì, trong tiêu chuẩn của Đức Giêsu, người đó đã mắc sai lầm cực kì nghiêm trọng. Ngay cả Mẹ Têrêxa Calcutta, vị nữ tu cả đời chỉ làm toàn việc thiện và bác ái, được người đương thời bất luận thuộc tôn giáo nào tán dương như một vị đại thánh, một vĩ nhân, cũng vẫn phải chân thành nhìn nhận: “Thiên Chúa yêu thương tôi không phải vì tôi tốt lành, nhưng tôi cố gắng trở nên tốt lành, vì biết rằng Chúa thương yêu tôi”. Thế đấy, khi nói lên các việc đền bù mình sẽ làm, Dakêu cũng đang cố gắng trở nên tốt hơn, chỉ vì nhận thức ra rằng: Thầy Giêsu đã chủ động yêu thương và tha thứ cho mình trước.

Do đó ta có thể kết luận: nỗ lực sửa mình và cố gắng vươn lên không phải là điều kiện để được Chúa tha thứ và thương mến, nhưng chỉ là hiệu quả của niềm tin đó mà thôi; và đương nhiên việc vươn lên đó còn tùy thuôc rất nhiều vào mức độ ta nhận biết mình được Thiên Chúa yêu thương đến đâu. Hình như có một tỷ lệ thuận nào đó giữa hai vế, nhưng thứ tự lại ngược hẳn với lối suy nghĩ thông thường: không phải ‘ai yêu nhiều thì được tha nhiều’, nhưng là “Ai được tha nhiều (và nhận thức rõ điều đó) thì yêu nhiều hơn” (Lc 7:47 trong Christian Community Bible) .

Ôi sức mạnh của việc nhận biết lòng thương xót Chúa: vừa rất êm dịu, lại vừa mãnh liệt xiết bao!

Lạy Thiên Chúa từ nhân, xin cho con không ngừng nhận biết lòng Chúa xót thương, nhất là trong các dịp xét mình hay đi xưng tội. Ngay cả trước khi bước vào tòa giải tội để xưng thú tội lỗi, trước cả khi giục lòng thống hối ăn năn và quyết tâm sửa mình, con biết Chúa đã tha thứ cho con vô điều kiện rồi. Với niềm thâm tín này, xin cho các nỗ lực vươn lên của con luôn xuất phát từ niềm tin vào tình yêu tha thứ của Chúa, để ngay cả những lúc thấy mình tội lỗi và thấp hèn nhất, niềm tin của con vẫn luôn hòa quyện trong tâm tình tri ân cảm tạ sâu xa. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

————————————————

 

Nhận Ra Tội Và Đền Bù

TAND Cấp cao tại TP HCM mới mở phiên tòa xét xử ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM) cùng các đồng phạm trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ông Tất Thành Cang đã nhận trách nhiệm cá nhân và cho rằng nếu có thiệt hại, bị cáo và gia đình sẽ tự nguyện nộp tiền để khắc phục hậu quả.

Dầu ông Tất Thành Cang đền bù thiệt hai bao nhiêu thì tòa án vẫn bắt ông phải ngồi tù để sám hối và ăn năn. Vì việc đền bù của ông không phải là tự nguyện mà đền trả để mong được giảm án ngồi tù. Đây là việc làm theo lẽ công bằng là những gì không phải của mình mà chiếm được đều phải đền trả mà người xưa bảo rằng: “của Thiên trả Địa”.

Ông Tất Thành Cang và nhiều quan chức bị bắt vì tham nhũng dầu phải ngồi tù và đền bù thiệt hại nhưng có lẽ nơi tâm hồn họ chưa thanh thoát bình an. Bởi vì họ chưa nhìn nhận tội lỗi tham lam của mình đã đẩy biết bao người vào nghèo đói nhà cửa, ruộng vườn đều mất. Chưa nhìn nhận tội lỗi, chưa sám hối thì dù có trả hết tài sản thì lòng họ vẫn chưa bình an. Con người chỉ bình an khi biết sám hối và can đảm cắt đứt mọi xiềng xích tham lam đang trói buộc lòng mình thì mới mong có sự giải thoát cho tâm hồn.

Năm xưa, khi Chúa Giêsu bước vào nhà ông Giakêu đã nói rằng: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham” (Lc 19:9). Lời Chúa nói có nghĩa là tội lỗi ông đã được tha thứ. Như vậy ta thấy việc Chúa gọi ông Giakêu không những giải thoát ông khỏi tội lỗi, nhưng còn khiến ông cắt đứt xiềng xích tham lam trói buộc ông lại.

Và dường như ai trong chúng ta cũng chưa thực sự được bình an vì ai cũng đang bị những xiềng xích trói buộc. Có thể là tính tham lam, ích kỷ, kiêu ngạo, ghen tương, hận thù, danh lợi, thú vui hoặc nghiện ngập đang trói buộc mình lại không? Ðể được tự do thật, người ta phải cắt bỏ xiềng xích ràng buộc, làm cản trở mối liên hệ với Chúa. Đồng thời cũng phải biết noi gương ông Giakêu dám đền bù tội lỗi bằng cách trả lại gấp bốn lần cho người mà ông đã làm thiệt hại.

Ông Giakêu đã trở thành gương mẫu cho những người đón nhận ơn tha thứ bằng việc thực hành ăn năn sám hối; bằng việc xưng thú tội lỗi của mình và bằng việc quyết tâm đền bù những lầm lỗi đó. Ông là gương mẫu cho chúng ta mỗi lần đi xưng tội. Vì muốn xưng tội nên, muốn được tha tội, chúng ta phải xét mình, ăn năn, dốc lòng, xưng tội và đền tội. Bí tích Giải tội là một hồng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta, là phương thế giao hòa chúng ta với Chúa, với Giáo hội và với anh em; ban lại cho chúng ta sự bình an tâm hồn và thêm sức mạnh cho tương lai.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thể hiện một cách cụ thể sự hoán cải của mình, là thành tâm sám hối và đền bù lỗi lầm. Xin Chúa thêm ơn trợ giúp để chúng ta can đảm từ bỏ lòng tham mà quay trở về nẻo chính đường ngay. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

———————————————

 

Khơi Lên Mầm Tốt

Khi đi lên miền đồi núi, thỉnh thoảng chúng ta gặp thấy một vài cây nhỏ bị kẹt giữa hai tảng đá lớn hai bên. Vì bị chèn ép như vậy nên thân cây èo uột, khẳng khiu, còi cọc, không thể vươn lên cao lớn mạnh mẽ như những cây khác chung quanh.

Nhưng nếu có ai đó lật hai khối đá đang chèn ép ra, để cho cây được thong dong thì nó sẽ vươn lên cao lớn không thua kém những cổ thụ chung quanh.

Con người chúng ta cũng có thể lâm vào hoàn cảnh tương tự. Khi gặp phải những áp lực của lòng tham, của ích kỷ, lạc thú và nhiều thứ đam mê xấu xa khác đè nặng lên cuộc đời mình, tựa như những khối đá chèn ép những cây non, chúng ta sẽ bị “lùn” về nhân cách, chậm phát triển về đạo đức, rất khó vươn lên thành người cao cả.

Nếu có sự trợ giúp nào đó, tháo gỡ những áp lực xấu chèn ép, đè nén đời mình, người ta sẽ vươn lên thành người cao đẹp.

Trường hợp Giakêu cũng thế. Lòng ham mê tiền bạc, địa vị, sự giàu sang phú quý tạo nên những áp lực đè nặng lên đời ông, dìm ông xuống, làm cho ông bị “lùn” về nhân cách, trở nên thấp kém trước mặt người đời.

Thế rồi, một biến cố bất ngờ xảy đến làm xoay chuyển cuộc đời ông.

Hôm ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua Giêrikhô, Giakêu tìm cách tiếp cận Ngài, nhìn Ngài tận mắt. Vì thấp lùn mà dân chúng bao quanh Chúa thì đông, nên ông chạy lên phía trước, leo lên một cây sung bên đường, vì Chúa Giêsu sắp đi ngang qua đó, để có thể nhìn thấy Ngài cách tường tận.

Thế rồi, khi Chúa Giêsu đi ngang, Ngài giơ tay vẫy chào Giakêu cách thân mật và ngỏ ý đến trọ nhà ông. Giakêu vô cùng vui sướng. Ông vội vàng tụt xuống, hăm hở đón tiếp Chúa tại nhà mình.

Thế rồi nhờ tác động của Chúa Giêsu, những “khối đá nặng nề” đè bẹp cuộc đời Giakêu được lật ra. Giakêu như cây còi cọc lâu ngày vì lòng ham mê tiền bạc, chức quyền địa vị… được Chúa Giêsu giải thoát và được thong dong, nên mầm mống tốt trong ông có điều kiện vươn lên mạnh mẽ.

Ông thưa cùng Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi hiến cho người nghèo!”

Dám đem phân nửa gia tài trao ban cho người khác là một nghĩa cử rất cao đẹp.

Giakêu tiếp: “và nếu tôi có làm thiệt hại ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn.”

Đây thật là một hành động tuyệt vời!

Thế là từ một Giakêu tham lam, ky cóp, ích kỷ… giờ đây ông trở thành một người có phẩm chất tốt lành, cao đẹp.

Trong mỗi con người, dù bên ngoài xem ra xấu xa, tội lỗi đến đâu đi nữa, cũng có nhiều mầm mống tốt tiềm ẩn bên trong. Sở dĩ những mầm mống ấy không phát triển mạnh mẽ như nơi những người tốt lành thánh thiện được, là vì nó đang bị đè bẹp, chèn ép bởi những đam mê tội lỗi, bởi thói hư tật xấu.

Vậy thì điều quan trọng là chúng ta cần rà soát nội tâm, xem những “tảng đá” nào, những áp lực nào đang chèn ép, đang đè nặng lên đời mình, khiến cho chúng ta trở nên “lùn” về nhân cách, thấp kém về mặt đạo đức?

Rồi, chúng ta hãy tìm cách tháo gỡ những áp lực đó nơi bản thân mình, như Chúa Giêsu đã làm cho Giakêu, để giúp cho những mầm mống tốt đẹp trong tâm hồn chúng ta được phát triển tốt đẹp.

Lạy Chúa Giêsu. Chúa yêu thương người có tội và tìm mọi cách giải thoát họ khỏi gông cùm tội lỗi. Xin giúp chúng con rà soát tâm hồn mỗi ngày, để thấy rõ những áp lực nào đang khống chế cuộc đời khiến chúng con không thể sống đẹp lòng Chúa và giúp chúng con tháo gỡ những áp lực đó để đời sống đạo đức và nhân phẩm của chúng con được lớn lên. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

——————————————-

 

Nắng Chiều
CN 31 TN.C – (Lc 19, 1 – 10)

Lưu luyến vơi đầy hồn phách siêu

Thương ai ánh mắt nhìn đăm chiêu

Cô đơn lạc lõng, cô đơn nhớ

Ấm áp tương phùng, ấm áp yêu

Ánh mắt trao tình tâm tĩnh lặng

Trái tim rộng mở trí phong nhiêu

Tràn đầy thánh sủng ơn ban tặng

Dẫn bước con về ngập nắng chiều.

Hạt Nắng

———————————————-

 

Lặng Lẽ Tình Son
CN 31 TN.C (Lc 19, 1- 10)

Đi về đâu! Chúa ơi! Hồn bi lụy,
bước lang thang giữa phố thị đông người.
Tâm hồn con vẫn lạc lõng chơi vơi,
những ánh mắt miệt khinh tình đời xa lánh.

Đi về đâu, Chúa ơi! Tìm chút nắng,
sưởi ấm cõi lòng bớt hiu quạnh đơn côi.
Đắng đót trong tim, mệt mỏi, rã rời,
danh vọng,
chức quyền,
tiền tài …
đã đưa con vào mê hồn trận.

Dục vọng đam mê làm hồn con phấn chấn,
mộng mị cuồng si ngăn chặn nẻo đường về.
Tỉnh giấc đêm trường tim quặn thắt tái tê,
nhức nhối đau thương,
con rơi vào u mê, tuyệt vọng.

Lặng lẽ hồn đau, con đi tìm lẽ sống,
giữa dao động cuộc đời, giữa xáo trộn trần gian.
Giữa những âm thanh đốp chát, tranh giành,
Bỗng nghe tiếng Chúa,
đang thì thầm gọi con trong tĩnh lặng.

Chúa lặng lẽ nhìn con, ánh mắt tình sâu lắng,
gõ cửa tâm hồn, Ngài muốn ghé thăm con.
Không kết án, chẳng trách hờn,
còn trao tặng mối tình son,
bao phủ đời con bằng tình thương ơn cứu độ.

Dìu bước con đi giữa muôn vàn giông tố,
ánh sáng huy hoàng, sự sống mới,
phủ chiếu ngập hồn con.

Bâng Khuâng Chiều Tím

—————————————–

Ánh Mắt Bên Vệ Đường
CN 31 TN.C (Lc 19, 1 – 10)

Bên vệ đường trong cơn mưa,
con bơ vơ tìm chút tình thừa.
Trong đêm đen tình nghĩa dật dờ,
của người đời trong lúc say sưa.

Bên vệ đường mưa bay bay,
ai theo con từng tháng, từng ngày.
Trong thương đau không nói một lời,
ánh mắt buồn nhìn cơn mưa bay.

Ánh mắt đó đã theo con giữa chốn bụi đời,
ánh mắt đó sáng tin yêu âu yếm gọi mời.
Gọi con về sưởi ấm cô liêu,
gọi con về sống trong thương yêu.

Ánh mắt Chúa đã theo con giữa chốn đại ngàn,
Ánh mắt Chúa đã trao con chan chứa, nồng nàn.
Ngài chữa lành trái tim tan hoang,
gọi con về sống trong bình an.

Bên vệ đường nghe chuông ngân,
con hân hoan bước tiếp đường trần.
Loan tin vui đến với mọi người
Chúa là nguồn đại phúc hồng ân.

M. Madalena Hoa Ngâu

—————————————-

 

Xuân Tâm Hồn
CN 31TN.C – (Lc 19, 1 – 10)

Chúa yêu ơi! Giữa dòng đời oan nghiệt,
con lang thang chẳng biết hướng về đâu.
Tâm hồn con nặng trĩu nỗi u sầu,
bị miệt khinh, bị mọi người xa lánh.

Cuộc đời con là mùa đông giá lạnh,
nỗi cô đơn, lạnh lẽo những chiều về.
Trái tim sầu, buồn tủi lẫn tái tê,
trong đêm vắng lời nguyện cầu con vươn tới.

Dâng lên Chúa lời tâm tình thống hối,
bao năm qua con đã trót lỗi lầm.
Chạy theo tiền tài, lợi lộc, tiếng tăm,
con lỗi phạm đến Trời, đến tha nhân nhiều quá.

Như chiên lạc sống giữa trời băng giá,
đang rét run mò mẫm suốt đêm trường.
Mong nắng tình sưởi ấm chút yêu thương,
mong trời sáng tìm đường về với chủ.

Chúa đã đến tìm con vòng tay ấp ủ,
truyền lửa tình thương sức sống nơi trái tim Ngài.
Trái tim hồng đau nhức bởi ngọn gai,
vẫn rỉ máu từ khi con lạc mất.

Tình yêu Chúa làm hồn con ngây ngất,
ánh mắt Ngài đã xuyên thấu hồn con.
Lời lẽ yêu thương Ngài nắn sửa kiện toàn,
chan hòa tình mến niềm vui Ơn Cứu Rỗi.

Ngài là nắng hồng tươi soi đường lối,
mở trí con nhận ra Người Mục Tử Nhân lành.
Ngài là Đường, là cả bầu trời xanh,
Ngài là Sự Sống, là mùa xuân êm dịu.

Tình yêu Chúa thật chứa chan, kỳ diệu,
biến đổi con lòng sám hối chân thành.
Xin giã từ những chụp giựt đua tranh,
xin theo Chúa quyết canh tân đời sống.

Tình yêu Chúa cho con niềm hy vọng,
biết sẻ chia tình mến với tha nhân.
Sống liên đới, tình bác ái thấm nhuần,
biết nhìn đời bằng ánh mắt yêu thương trìu mến.

Tình yêu Chúa là mùa xuân huyền nhiệm,
ánh nắng hồng rạo rực chút tình thơ.
Trái tim Giakêu thao thức mong chờ,
reo khúc hát: Bình Minh – Xuân Cứu Độ.

AP. Mặc Trầm Cung