SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 819, CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – C, CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO, 23/10/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 18, 9 -14).

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’.

Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Xin Thương Xót Con & Chúa Sai Tôi Đi ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Dối Với Đức Giê Ai Mới Thực Là Công Chính? & Truyền Giáo Hay Rao Giảng Tin Mừng? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 5
Chê Nhau Được Gì? Truyền Giáo là Giăng Câu Lưới Người Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 9
Người Khiêm Nhường Sẽ Được Quý Mến Yêu Thương & Đừng Trở Thành Chi Thể Bất Động Trong Thân Thể Chúa. Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 12

THƠ TIN MỪNG

Thống Hối Hạt Nắng Trg 15
Hồi Sinh Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 16
Khúc Hát Tri Ân M. Madalena Hoa Ngâu Trg 17
Loan Báo Tin Vui A.P. Mặc Trầm Cung Trg 18

——————————————

 

Xin Thương Xót Con

Hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện. Nhưng kết quả thật bất ngờ. Người mà ai cũng kính trọng thì lại không được nhận lời. Người mà ai cũng khinh miệt thì lại được Chúa nhận lời và được công chính hóa. Qua dụ ngôn này, Chúa cho thấy lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa phải là lời cầu nguyện khiêm nhường.

Khiêm nhường không tự mãn.
Người biệt phái tự mãn vì những việc tốt mình làm được. Làm được việc tốt thật đáng khen. Nhưng cần phải nhận biết nguồn gốc việc tốt của mình. Biết nguồn gốc việc tốt phải khởi đi từ nhận biết nguồn gốc bản thân mình. Tôi có mặt ở đời là ơn Chúa ban. Tôi thừa hưởng một sức khỏe, một gia đình, một nền giáo dục, một nề nếp đạo đức, đó là ơn Chúa ban. Vì thế tôi làm được việc tốt cũng là ơn lành Chúa ban. Nếu tôi rơi vào một hoàn cảnh xấu, tôi có làm được việc tốt không? Rất khó. Vì thế đừng tự mãn khi làm được việc tốt.

Khiêm nhường không khinh người.
Người khiêm nhường nhận biết thân phận mình sẽ không dám khinh người. Tôi làm được việc tốt vì tôi có hoàn cảnh tốt. Người kia làm việc xấu vì họ không có hoàn cảnh tốt như tôi. Vì thế không nên khinh người. Hơn nữa, trong tinh thần bác ái huynh đệ, thấy người hèn kém tôi càng phải yêu thương, nâng đỡ. Thấy người tội lỗi yếu đuối tôi càng phải tế nhị kính trọng. Chúa Giêsu vẫn làm gương trân trọng người tội lỗi như đối với người phụ nữ ngoại tình, đối với Giakêu và cả đối với Giuđa nữa.

Khiêm nhường nhận biết thân phận tội lỗi.
Con người đâu có ai hoàn hảo. Huống hồ có những nết xấu đeo đẳng ta mãi không thể dứt ra được. Ta đã ngã đi ngã lại nhiều lần. Biết bao quyết tâm. Biết bao ơn Chúa. Biết bao lời cầu nguyện. Nhưng “một cái dằm” cứ nằm mãi trong thịt khiến ta đau nhức khôn nguôi. Ta không thể nào thoát khỏi tội lỗi. Vì thế tâm tình xứng hợp là khiêm nhường nhận biết thân phận tội lỗi của mình. Khiêm nhường nhận trước mặt Chúa. Khiêm nhường nhận trước mặt anh em. Đó là thái độ trung thực và đúng đắn.

Khiêm nhường xin Chúa ban ơn cứu độ.
Vì không thể tự mình thoát khỏi tội lỗi, không thể đạt tới ơn cứu độ, nên ta cần ơn Chúa. Không thể tự giải thoát, nên ta cần Chúa giải thoát ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Thân phận ta thật khốn cùng. Sức lực ta thật yếu đuối. Nên lời cầu nguyện đúng nhất là: “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Tương truyền đó là lời cầu nguyện liên lỉ suốt đời của thánh Phêrô, vị Tông đồ trưởng, vị Giáo Hoàng tiên khởi.

Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết mình không thể sống công chính tự sức riêng, nhưng chỉ được “công chính hóa” nhờ ơn Chúa. Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết ta được ơn Chúa không phải vì ta xứng đáng nhưng vì được Chúa thương yêu. Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết rằng lời cầu nguyện khiêm nhường là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa.
“Lạy Chúa, xin thương xót con”

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Tôi có hay tự mãn vì mình sống tốt hơn người khác không? Thái độ này có đúng không?
2) Tôi có hay khinh miệt, lên án người khác không? Thái độ này có đúng không?
3) Tại sao tôi phải khiêm nhường khi cầu nguyện?
4) Tôi có một nết xấu thường phạm. Tôi đã xưng tội nhiều lần và quyết tâm chừa cải. Nhưng chứng nào tật ấy. Bạn có cảm nghiệm được điều này nơi bản thân không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

———————————————-

 

Chúa Sai Tôi Đi

Ta thường nghĩ rằng: Việc truyền giáo là dành cho các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ. Giáo dân không được học hỏi gì nhiều làm sao có thể truyền giáo được? Truyền giáo phải có nhiều phương tiện vật chất. Thiếu phương tiện không có thể làm gì được. Đó là những quan niệm sai lầm mà Chúa vạch cho ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu cho ta thấy truyền giáo là công việc của mọi người khi Người sai 72 môn đệ lên đường. Mười hai Tông đồ có tên tuổi rõ ràng. Đó là thành phần ưu tuyển. Đó là các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ. Còn 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng. Đó là một đám đông không xác định. Đó là tất cả mọi người giáo dân. Khi sai 72 môn đệ, Chúa Giêsu muốn huy động tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần tham gia vào việc truyền giáo.

Giáo dân tham gia vào việc truyền giáo bằng cách nào?

– Trước hết phải ý thức sự cấp thiết của việc truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Lúa đã chín vàng, phải nhanh chóng gặt về không được chậm trễ, nếu không lúa sẽ hư hỏng. Biết bao anh em đang chờ đợi được nghe Lời Chúa. Biết bao anh em đang tìm kiếm Chúa. Biết bao tâm hồn đang mở cửa đón Chúa. Ta phải mau mắn để khỏi lở mất cơ hội.

– Thứ đến ta phải cầu nguyện. Sau khi đã chỉ cho thấy đồng lúa chín vàng, Chúa Giêsu không bảo lên đường ngay, nhưng Người dạy phải cầu nguyện trước. Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo. Vì truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên chúa. Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban. Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa. Ta hãy noi gươngThánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu. Vị Thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong 4 bức tường Dòng Kín. Thế mà nhờ lời cầu nguyện, Thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Lời Chúa.

– Khi đi truyền giáo, hãy trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chúa dạy ta: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” để ta biết sống khó nghèo. Để ta đừng cậy dựa vào tài sức riêng mình. Để ta đừng cậy dựa vào những phương tiện vật chất. Biết mình nghèo hèn yếu kém, biết những phương tiện vật chất chỉ có giá trị tương đối, ta sẽ biết trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chính Chúa sẽ làm cho việc truyền giáo có kết quả.

– Sau cùng, truyền giáo là đem bình an đến cho mọi người. Niềm bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với những người chung quanh. Niềm bình an đến từ sự hiệp thông, có cho đi, có nhận lãnh. Và nhất là, niềm bình an vì được làm con cái Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa.

Như thế việc truyền giáo hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi người giáo dân. Mọi người đều có thể ý thức việc truyền giáo. Mọi người đều có thể cầu nguyện. Mọi người đều có thể trông cậy vào Thiên chúa. Và mọi người đều có khả năng cho đi, nhận lãnh, sống chan hoà với người khác

Như thế mọi người, từ người già tới em bé, từ người bình dân ít học đến những bậc trí thức tài cao học rộng, từ người khoẻ mạnh đến những người đau yếu bệnh tật, tất cả đều có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa muốn.

Hôm nay, Chúa đang than thở với mọi người chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy bắt chước tiên tri Isaia thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi”.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn có thấy việc truyền giáo là cấp thiết không?
2. Theo ý bạn, muốn truyền giáo thành công trong vùng này, người tông đồ cần có những đức tính nào?
3. Bạn có bao giờ cầu nguyện cho việc truyền giáo, cho người làm việc truyền giáo, cho những người chưa biết Chúa ở chung quanh bạn không? Bạn đã bao giờ tham gia vào việc truyền giáo trong Giáo xứ, trong Giáo phận chưa?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

———————————————

Đối Với Đức Giêsu,
Ai Mới Thực Là Công Chính?

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đang vẽ lên hai diện mạo đối chọi nhau hoàn toàn: ‘một người thuộc nhóm Biệt Phái / người kia làm nghề thu thuế’. Cả hai diện mạo này đều rất gần gũi và điển hình trong xã hội Do Thái thời bấy giờ: một thật tích cực đáng trọng và một thật tiêu cực đáng khinh. Nhưng chính kết luận của Người mới thực sự gậy kinh ngạc vì nó ngược hẳn với lối suy nghĩ thông thường vẫn được mọi người chấp nhận; và nếu như thế thì bài học Người muốn chuyển tải chắc hẳn phải quan trọng lắm đối với Tin Mừng mà Người đang ra công quảng bá. Và quả đúng như thế, vì nó liên quan tới khái niệm ‘công chính’, một khái niệm nền tảng của tất cả mọi trật tự xã hội và tôn giáo mọi thời.

Tất cả mọi xã hội loài người, kể cả các xã hội bán khai hơn hết đều đề ra các tiêu chuẩn ‘công chính’ cho mình, thường thì các tiêu chuẩn này dựa trên nền luân lý và luật pháp được xã hội đó chấp nhận. Bất cứ ai giữ luân lý và luật pháp, hay duy trì trật tự mà xã hội đó đề ra, đều được coi là công chính, là lương thiện, là mẫu mực; còn ngược lại thì bị coi là thành phần bất lương, phản động, gây gương mù gương xấu. Ngay cả trong các tập thể tôn giáo, các cộng đoàn tu trì thì định luật trên vẫn cứ được áp dụng cách triệt để! Bất cứ xã hội nào thì cũng phân chia các phần tử của mình thành hai hạng: ‘công chính’ và ‘bất chính’, dựa theo tiêu chuẩn luật pháp. Đây quả là một phân biệt rất cần thiết cho mọi trật tự, cũng như cho sự tồn vong của xã hội đó!

Theo tiêu chuẩn này, xã hội Do Thái thời Đức Giêsu cũng có sự phân định rõ: hai hạng người được nêu lên đúng là tiêu biểu: Biệt Phái là những người, theo tiêu chuẩn luân lý và luật pháp Môsê, phải được coi là công chính nhất; còn bọn ‘thu thuế’, dựa trên cùng một tiêu chuẩn đó, rõ ràng là bất lương nhất. Như vậy người Biệt Phái, trong cái xã hội ông đang sống, tự coi mình – hay được người khác suy tôn – là công chính thì cũng chẳng có gì sai; và nếu ông có cho mình là hơn kẻ kia thì cũng hoàn toàn hợp lý thôi; “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác”. Ngay giữa các người có đạo hay tu sĩ cũng chẳng như thế là gì! Trong Giáo Hội người ta coi người này là đạo đức, kẻ kia là tội lỗi, tùy thuộc vào người đó có giữ các phép đạo hay không. Trong cộng đoàn tu sĩ cũng thế, người ta phân biệt: tu sĩ tốt và tu sĩ xấu, từ đó điều chỉnh cách cư xử khen / chê, giữ thái độ trên / dưới, phản ứng trọng / khinh, thì cũng là điều đương nhiên thôi.

Thế nhưng, trong câu chuyện được kể, Đức Giêsu đã không đặt hai hạng người này trên bình diện xã hội, mà là trên diện Tin Mừng, tức là trước lối nhìn của Thiên Chúa; ‘Có hai người lên đền thờ cầu nguyện…’. Cái sai của người Biệt Phái là ở chỗ: đứng trước Thiên Chúa mà ông vẫn cứ tiếp tục giữ thái độ xã hội. Còn người thu thuế thì khác; chính địa vị xã hội hèn kém (‘Người thu thuế thì đứng ở đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời’) đã là cơ sở để ông có được tư thế ‘công chính’ trước mặt Thiên Chúa. Tư thế ‘công chính’ đối với Tin Mừng chính là một người có thể kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!” Hình như Đức Giêsu muốn khẳng định rằng: bất luận tình trạng công chính xã hội của một người có là thế nào đi nữa, thì người đó vẫn có thể trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, một khi biết nhìn nhận sự yếu hèn của mình và khiêm tốn khẩn cầu (hay tin tưởng vào) lòng thương xót Chúa, còn ai cứ khư khư tự tôn tự mãn về sự công chính xã hội của mình, để không cầu khẩn – đón nhận lòng thương xót, thì sẽ trở thành bất chính trước mặt Thiên Chúa; “Tôi nói cho các ông biết, người này, khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.” Khi nói câu này Đức Giêsu hầu như muốn khẳng định: sự công chính theo luật pháp của con người không có mấy giá trị trước mặt Thiên Chúa; nắm giữ một nền luân lý cao đẹp tới đâu đi nữa, sẽ không bao giờ có thể là mục tiêu tối hậu của niềm tin Kitô hữu.

Công chính đích thực trước mặt Thiên Chúa nhân ái lại rất đơn giản: chỉ cần khiêm tốn đón nhận tình yêu cứu độ. Điều này là một đòi hỏi chung cho tất cả mọi người, cho bất kỳ ai, kể cả các bậc thánh hiền đạo đức nhất. Vì trước mặt Thiên Chúa ngay cả các thánh cũng có thể lỗi phạm tới bẩy lần một ngày! Bình đẳng tuyệt đối của con người trước Thiên Chúa chính là ở đây: sang / hèn, cao / thấp (về chức tước hay sự kính nể của người đời), tốt / xấu, lương thiện / bất lương (trước mặt xã hội) đều không mấy quan trọng. Phương thế tối cần để đạt được sự công chính của Nước Trời chỉ là: khiêm hạ (con là kẻ tội lỗi, xin dủ lòng thương xót con!). Ai khiêm hạ cầu khẩn lòng thương xót, người đó sẽ được tình yêu Thiên Chúa nâng lên cao, được nên công chính; ngược lại kẻ tự tôn tự đại, cho dẫu có đạo đức thánh thiện (trước mặt con người) tới mấy, cũng sẽ không bao giờ được coi là công chính trước mặt Thiên Chúa. Quả thế: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

Trong tư cách linh mục, có thể tôi là: đáng kính đáng nể trước mặt xã hội, nhưng trong tư cách Kitô hữu, làm sao tôi trở thành ‘công chính’ trước mặt Chúa đây? Thật là thiếu yếu việc tôi phải tìm ra đáp án cho vấn nạn này và sống nó cách trung thực.

Lạy Chúa, con cảm tạ ơn Chúa đã cho một Phêrô, một Madalena, một Matthêu, một tên gian phi thống hối, được trở nên công chính! Con cũng hằng được Chúa mời gọi chiêm ngưỡng sự công chính cao cả của Đức Maria nơi cõi lòng khiêm cung sâu thẳm của người; xin hãy giúp con để, mỗi khi vì bất hạnh rơi vào vòng tội lỗi, con vẫn biết như thánh Âu-tinh coi đó là dịp hồng phúc để con trở nên công chính hơn trước mặt Chúa; chính vì nhờ đó con mới có thể khám phá sâu hơn lòng thương xót vô biên của Chúa. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

—————————————–

 

Truyền Giáo Hay Rao Giảng Tin Mừng?

Dầu đã được trực tiếp tham gia vào công tác ‘truyền giáo’ trong thời gian hơn 2 năm tại Mongolia, nhưng khi được nhiều bạn gửi ‘mail’ khuyến khích viết bài suy niệm nhân Khánh Nhật Truyền Giáo, tôi vẫn cảm thấy ngại ngùng. Lý do là vì suy nghĩ của tôi sau thời gian ‘truyền giáo’ trở về đã bị thay đổi nhiều quá; tôi cảm thấy lạc lõng và cô đơn trong suy tư, cũng như hụt hẫng trong truyền đạt về đề tài này. Cuối cùng thì sáng nay trong thánh lễ, sau khi lắng nghe lời chia sẻ của các bạn tập sinh, tôi đã quyết định viết, nhưng không phải cho ai khác mà là cho chính mình.

Tôi nhớ là: vào năm 2003 sau khi kết thúc nhiệm kỳ giám tỉnh cuối cùng, tôi vẫn chưa có một định hướng rõ rệt nào cho tương lai phục vụ của mình. Vì Bề Trên trung ương rộng phép cho tôi được hưởng một năm bồi dưỡng tại bất cứ đâu, nên tôi quyết định xin có được một năm trau dồi thêm kiến thức về tu đức, và nghiên cứu các tôn giáo thế giới tại đại học Berkeley – California (Hoa Kỳ); chính trong thời gian này mà tôi đã đi tới quyết định, xin bề trên cho phép đi truyền giáo tại Mongolia (Mông Cổ), nơi mà tôi đã lui tới nhiều lần trong thời gian – trong tư cách giám tỉnh – tôi thành lập các cơ sở giáo dục và truyền giáo cho anh em tỉnh dòng Don Bosco Việt Nam. Hơn nữa, trước khi lên đường đi Mongolia, tôi còn được tham dự một khóa học ba tháng chuyên đề về truyền giáo học tại đại học Universitá Pontificia Salesiana – Roma… Ấy thế mà khi thực sự tới làm việc trực tiếp tại một nơi truyền giáo ‘Ad Gentes’ thứ thiệt như Mongolia (chưa có ai được rửa tội), cái kinh nghiệm ‘truyền giáo’ tuy còn rất nông cạn và bé nhỏ mà tôi đã thủ đắc được trong thời gian ngằn ngủi này đã đủ để làm đảo lộn (upside down) mọi suy nghĩ trước đó của tôi về lãnh vực này.

Trước hết, tôi thấy mình dị ứng ghê gớm với cái từ ‘truyền giáo’ thông dụng, vì thấy nó quá mập mời dễ gây hiểu lầm. Nếu truyền giáo hàm ý làm cho một người ‘không có đạo’ được rửa tội để gia nhập đạo Công giáo theo nghĩa ‘cải đạo’ (proselytism), thì rõ ràng là ta đã hiểu sai ẩn ý của Đức Kitô mất rồi. May mắn thay nội dung này đã chính thức bị Công Đồng Vatican II phế bỏ! ‘Missio’ phải được hiểu là sứ vụ được sai đi (‘thừa sai’) để ‘rao giảng Tin Mừng’ (evangelisare), để loan báo Tin Mừng cứu độ, và để loan truyền tình yêu thương xót của Thiên Chúa đã từng được Đức Kitô Giêsu thực hiện trong cuộc sống của Người, đặc biệt qua cái chết thập giá. Quan niệm cho rằng: ai đó phải gia nhập đạo, phải được rửa tội thì mới được hưởng nhờ lòng nhân ái cứu độ của Thiên Chúa là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Lòng thương xót và ơn cứu độ đã được Chúa ban cho hết thảy mọi người cách vô điều kiện (thư Rôma chương 5). Như thế ‘Loan báo Tin Mừng’ không là gì khác hơn: mở mắt cho người ta nhận biết rằng: họ đã được hưởng ơn cứu độ và lòng thương xót, nhờ vào cái chết và phục sinh của Đức Kitô Giêsu Và một khi tin nhận điều đó, họ được mời gọi gia nhập cộng đoàn tín hữu để cùng chúng ta dâng lời cảm tạ tri ân lên Thiên Chúa về hồng ân vĩ đại này.

Một suy nghĩ khác mà tôi cảm thấy rất ‘dội’ đó là: nếu không có ai đi truyền giáo thì các dân ngoại sẽ mất linh hồn hết…, rằng: nhà truyền giáo là những người mang ơn cứu độ tới cho kẻ ngoại…, rằng: ơn cứu độ lệ thuộc vào một lối sống được xây dựng trên nền ‘luân lý Kitô giáo’ mà ta sẽ mở mắt cho họ được biết, để rồi nhờ nắm giữ cặn kẽ các qui định luật lệ đó, họ sẽ được vào hưởng nước thiên đàng. Thiết tưởng, khi Đức Kitô sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng Người đâu có ám chỉ điều này: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Ngay câu nói: ‘Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” đâu có nghĩa là, chính phép rửa sẽ ban ơn cứu độ! Nhìn vào chính Đức Giêsu ta sẽ thấy: Tin Mừng của lòng thương xót cứu độ vẫn có thể được rao giảng và mời gọi ngay cả một người nữ Samari đang sống chung chạ sau năm đời chồng… Khi còn ở Mongolia, cha sở nhà thờ chính tòa Ulaanbataar, một nhà truyền giáo người Camơrun thuộc Hội Dòng CICM, xin tôi dạy giáo lý cho một nhóm sinh viên. Ngài muốn tôi dạy theo chương trình giáo lý tân tòng mà ngài đã soạn sẵn, khởi đầu bằng nội dung thập giới của Chúa và lục giới của Hội Thánh… Ngài căn dặn: đó là các điều kiện tiên quyết để gia nhập đạo hầu được rỗi linh hồn… Tôi đã quyết định không áp dụng chương trình đó, xác tín rằng ‘truyền giáo’ tiên quyết phải là rao giảng Tin Mừng, mà Tin Mừng chính là làm cho người ta nhận biết Thiên Chúa xót thương và cứu độ toàn thể nhân loại. Tôi dọn một chương trình riêng, trong đó tôi phân tích cho các sinh viên Mongolia hiểu ra rằng: Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô yêu thương họ, không như các thần linh đạo Shaman của người du mục, luôn gieo rắc sợ hãi kinh hoàng khắp nơi. Thế đấy, cái kinh nghiệm rất cụ thể của tôi về sự khác biệt quá lớn giữa ‘truyền giáo’ và ‘loan báo Tin Mừng’ đại loại là như thế.

Từ cái kinh nghiệm ‘thừa sai’ còn rất thô thiển tại Mongolia tôi đã học được một bài học cơ bản: Thiên Chúa không biết từ thuở nào, đã yêu mến và cứu chuộc các người Mông Cổ du mục sinh sống trên vùng thảo nguyên lạnh giá mênh mông tại Trung Á. Cuộc sống du mục nay đây mai đó của họ, với văn hóa và các truyền thống từ bao đời, cho dầu có nhiều điểm khác với nền ‘luân lý Kitô giáo’ mang tính định canh định cư của cựu lục địa, vẫn không hề tách họ ra khỏi lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa đã và đang chủ động thực hiện nơi họ nhờ Đức Kitô Giêsu. Công việc của một ‘thừa sai’ như tôi đích thị phải là rao giảng Tin Mừng, là loan báo cho họ biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ trong chính lối sống và văn hóa của họ…, đồng thời mời gọi họ tin vào Đức Kitô Giêsu Cứu Chúa…, mời gọi họ lãnh nhận phép thánh tẩy… và gia nhập vào Hội Thánh, là cộng đoàn những người nhận biết Thiên Chúa từ ái và yêu thương, để không ngừng cất cao lời cảm tạ. Và cũng từ đó tôi nghiệm ra một điều còn quan trọng hơn nữa là: một ‘người loan báo Tin Mừng’ trước hết phải chính mình có cảm nghiệm sâu sắc về lòng thương xót cứu độ của Chúa. Cảm nghiệm này chính là nền tảng của việc được sai đi, là sức mạnh trong khiêm tốn phục vụ, là hy vọng không hề suy chuyển trước các khác biệt và thách đố, và là chương trình và hành động trong sứ vụ thừa sai.

Mong rằng những suy nghĩ trên cũng hướng dẫn được một số người, trong khánh nhật truyền giáo hôm nay, biết cất cao lời tri ân Thiên Chúa cách đặc biệt vì ơn gọi Kitô Hữu vĩ đại của mình, rồi sau đó loan truyền tin vui đó cho bạn bè và những người sống chung quanh.
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã cho con được tham gia chút ít vào chương trình cứu độ đầy yêu thương của Chúa đối với dân tộc Mongolia. Cảm tạ Chúa đã mở lòng cho con nhận biết Chúa yêu thương họ vô cùng, trước cả khi con được sai tới với họ để nói cho họ biết điều đó. Qua tâm tình tri ân này, xin cho con tiếp tục không ngừng khao khát tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa yêu thương và cứu độ, và tìm cách làm chứng cũng như loan truyền điều đó cho mọi người con gặp gỡ và tiếp xúc. Con coi đó chính là công việc ‘truyền giáo = thừa sai’ Chúa đang dành cho con lúc này và trong điều kiện sống cụ thể hôm nay. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Chê Nhau Được Gì?

Có lần tôi về quê dự đám cưới họ hàng. Đây có thể là dịp để mình gần gũi trò chuyện với người thân. Nhưng hình như nó lại là ngày được nghe những lời chê “vô tội vạ”. Các bạn thử nghe xem:
– Ơ, cha lâu rồi không gặp, gớm kỳ này béo thế?
– Ôi mẹ ơi, giảm béo đi, béo quá rồi.
– Bao nhiêu cân rồi cụ? Trông hai má có nọng luôn rồi.
– Ăn ít thôi, ăn như lợn thì lo gì không béo!
– Hehe…

Đa số họ không phải là ghét nên chê, mà hình như chê đã thành thói quen nơi cửa miệng nhiều người. Họ chỉ biết chê mà không biết khen nên cách nói chuyện cũng tẻ nhạt là vậy. Vì:
“Khi được khen ai cũng vui tươi,
Khi bị chê ai cũng buồn chán”

Con người thì ai cũng thích được khen, nhưng lạ, là lại thích chê bai người khác cho sướng cái miệng. Nhất là các cô gái thích đăng ảnh facebook và chờ được khen, nhưng lại hay chê các cô khác. Có nhiều lần tôi nghe:
– Con bé này ngoài đời chẳng “hot” như trong hình đâu cha ơi! Rồi đến cô kia dạo này già nhanh quá!, và “Bạn B. lớp con ngày xưa, gớm tự tin thật đấy, body thế này mà chụp hình khoe suốt. Vậy mà cũng nhiều người khen xã giao ghê!”.

Khổng Tử từng dạy rằng: đừng than phiền về tuyết trên nóc nhà hàng xóm khi ngưỡng cửa nhà bạn chưa sạch. Nhiều người thường có thói quen chê bai người khác mà không tự nhìn lại bản thân mình. Họ tưởng rằng khi chê bai một ai đó thì họ trở nên giá trị hơn trong mắt những người xung quanh.

Chúa Giêsu cũng không hài lòng về kiểu nói chê bai người khác của người Pharisêu.
“Người Pharisêu đứng riêng một mình cầu nguyện rằng: Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không giống như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (lc 18.11)

Nhìn lại mình đôi khi chúng ta cũng từng tranh cãi với người khác: Tôi đúng, anh sai?
Đôi khi chúng ta cũng từng bỉu môi, lên tiếng chê bai những người mà tôi cho là xấu xa?
Đôi khi chúng ta cũng tự hào hãnh diện khi thấy mình hơn ai đó nhiều mặt đó sao?

Như vậy, chính tôi là những Pharisêu đứng thẳng trong đền thờ và khoe với Chúa công trạng của mình. Chúa chắc chẳng không cần công trạng của chúng ta. Chúa cần tấm lòng khiêm cung ăn năn sám hối của chúng ta mà thôi.

Một trong những sứ điệp nền tảng của Kitô giáo chứa đựng trong lời kêu gọi của Chúa Giêsu:”Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sự sám hối đòi phải có thái độ khiêm nhường. Chính sự khiêm nhường sẽ giúp chúng ta sống đúng với con người thật của mình. Sự khiêm nhường cũng giúp chúng ta không cậy dựa vào sức mình quá đáng nhưng biết cậy dựa vào ơn Chúa và sự trợ giúp của đồng loại để hoàn thiện mình mỗi ngày một tốt hơn.

Sự sám hối sẽ giúp ta chân thành nhận ra sự bất toàn, khuyết tật của mình để biết cảm thông với thiếu sót của tha nhân.

Xin Chúa cho chúng ta biết khiêm tốn để nhận ra mình cũng đầy những thói hư tật xấu, để hiểu và thông cảm với anh em và để có thể cất lời ngợi khen Chúa là Đấng thánh, ngàn trùng chí thánh. Xin đừng vì những thói tự cao tự đại mà trở thành kẻ lừa dối Chúa và anh em. Amen.
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

 

Truyền Giáo Là Giăng Câu Lưới Người

Giăng câu bắt cá đó là một nghề để sống và cũng là thú tiêu khiển của những người giầu, người già nhàn rỗi đi tìm sự yên tĩnh, trầm ngâm bên con suối, bờ sông với cần câu đong đưa trên nước.

Nhưng thực tế cho ta thấy giăng câu, cắm câu, để bắt được con cá cũng đâu phải dễ như nhà thơ Nguyễn Khuyến đã viết:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Người đi câu cá phải mang theo hành trang thật công phu: cần câu, mồi câu, đèn soi khi đi đêm, giỏ tre, vợt cá…. Ngoài ra còn đòi hỏi sự hiểu biết về tập tính, mùa vụ, vùng nước lặng hay nước chảy….

Thú vui của người đi câu cá thật khó tả giữa cái miên man vô định và sự bất ngờ vùng vẫy của những con cá cắn câu. Khi cá cắn câu dù to hay nhỏ cũng làm cho nhịp tim người câu rộn ràng và vui tươi hơn.

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người truyền giáo như một ngư phủ ra đi giăng lưới để mang về cho Giáo Hội những mẻ lưới người thuộc đủ mọi sắc tộc trên trần gian. Người truyền giáo cũng sẽ rất vui khi đưa ai đó về với Chúa, với con thuyền của Giáo hội. Điểm khác biệt là người truyền giáo lại ra đi không bao bị, không mang lỉnh kỉnh trang thiết bị và cũng không là công việc chỉ dành cho người giầu, người già , người nhàn rỗi mà là từng người chúng ta đều có thể trở thành những ngư phủ của Chúa.

Người truyền giáo không cần kinh nghiệm, cũng không cần trang thiết bị vì ra đi truyền giáo là núp bóng Chúa Thánh Thần chở che và dẫn đưa như lời bài hát của Đức Tổng Sài Gòn đã viết:
Địa cầu đầy Thánh Thần Chúa…
Dù đường dài đi tới đâu…
Đã có Thánh Thần ở đó trước người…
Khởi hành từ Đức Kitô…
Cuộc hành trình như vô tận…
Nhưng cuối chân trời vẫn…
rực sáng ngày mùa vui…

Quả vậy, truyền giáo là dựa vào sức mạnh và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Vì khi hiện ra ban bình an và trao sứ mạng cho các tông đồ, Đức Kitô Phục Sinh “thổi hơi vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Sau khi nhận được Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh, các tông đồ hăng say rao giảng Tin Mừng cứu độ của Người, các ngài coi việc rao giảng là một nhiệm vụ và là niềm vui “vì tôi biết rằng điều ấy sẽ giúp cho tôi đạt được ơn cứu độ, nhờ lời cầu nguyện của anh em và nhờ Thần Khí của Đức Giêsu Kitô phù trợ” (Pl 1,19).

Chúa Giêsu chính là mẫu gương truyền giáo. Chính Ngài đã vạch cho chúng ta con đường sống trọn vẹn ơn gọi làm người đó là sống cho Thiên Chúa. Sống cho Thiên Chúa là luôn tìm thấy thánh ý Chúa, là sống làm vinh danh Thiên Chúa và trở nên khí cụ mang tin mừng của Chúa đến cho mọi nơi. Tột đỉnh của tôn vinh Chúa Cha là hiến tế thập giá để cứu độ nhân loại.

Xin Chúa giúp chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu sống vâng ý Chúa Cha để danh Chúa được cả sáng và muôn nơi cùng ca tụng tôn vinh Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

—————————————–

 

Người Khiêm Nhường Sẽ Được Quý Mến Yêu Thương

Người khiêm nhường thật diễm phúc vì vừa được Thiên Chúa yêu mến vừa được mọi người quý chuộng. Vì thế, Chúa Giêsu thường dạy chúng ta phải sống khiêm nhường. Ngài nói: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.”

Để minh họa cho bài học của mình, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “Chọn chỗ cuối.” Ngài nói: Khi được mời dự tiệc cưới, khách mời đừng tự ý ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật tầm cỡ đến sau, bấy giờ chủ nhà sẽ mời người ấy nhường chỗ cho vị khách đến sau thì thật là mất mặt. Tốt hơn, khách mời nên chọn chỗ cuối và khi được chủ nhà mời lên trên thì sẽ được vinh dự trước mặt những người đồng bàn (Lc 14, 7- 11).

Ngoài ra, qua dụ ngôn “Người biệt phái và người thu thuế”, Chúa Giêsu cũng dạy ta sống khiêm nhường. Ngài đề cập đến một người biệt phái tự phụ, vênh vang, phô trương công đức của mình, tự cho mình thánh thiện, đạo đức và khinh thường người khác. Ông nói: “Xin tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác, không tham lam, không bất chính, không ngoại tình, không như tên thu thuế kia!”

Rồi ông phô trương thành tích đạo đức của mình: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.”

Quả là ông có nhiều thành tích tốt lành ít ai bì kịp. Thế nhưng ông không nhận được ơn lành của Thiên Chúa vì ông ta như chiếc bình đầy tràn, đầy kiêu căng tự phụ, nên chẳng còn chỗ cho Chúa rót ân sủng vào.

Trong khi đó, người thu thuế vốn biết thân phận tội lỗi của mình nên chỉ đứng ở đằng xa, thậm chí không dám ngước mặt lên, chỉ biết đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

Anh nầy đến với Chúa như một chiếc bình trống rỗng, nghĩa là với lòng khiêm nhường, thống hối và khao khát được Chúa tuôn đổ ơn tha thứ… nên đã được Thiên Chúa rót đầy tình yêu thương và sự thứ tha.
Với dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu ghi sâu bài học đáng nhớ nầy vào tâm khảm chúng ta: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).

Chúa hạ bệ người kiêu căng
Lời Mẹ Maria thốt lên khi viếng thăm bà Êlizabeth cho ta biết rằng Thiên Chúa sẽ hạ bệ những người kiêu căng. Mẹ nói:
“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.”
Ngoài ra, người tự cao cũng bị người đời ghét bỏ. Trong giao tế hằng ngày, người có tính tự cao, tự phụ, tỏ ra trỗi vượt người khác trong lối sống lẫn trong ứng xử, nói năng… chắc chắn sẽ bị mọi người xa lánh, chê bai…

Chúa nâng cao những kẻ khiêm nhường
Trái lại, Chúa tỏ lòng yêu mến kẻ khiêm nhường. Điều nầy được Mẹ Maria khẳng định:
“Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường…”

Và qua dụ ngôn “Người biệt phái và người thu thuế”, Chúa Giêsu cũng cho chúng ta biết mặc dù người thu thuế mang đầy tội lỗi, đáng bị lên án, nhưng nhờ có thái độ khiêm tốn và hoán cải, nên được Chúa thương xót và tha thứ.

Ngoài ra, trong đời sống thường ngày, những người biết hạ mình, khiêm nhường trong lời ăn tiếng nói, trong cách ứng xử… thì luôn được mọi người tôn trọng, quý mến.

Như thế, quả đúng như lời Chúa Giêsu dạy: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Lạy Chúa Giêsu. Qua sứ điệp Tin mừng hôm nay, Chúa trao cho chúng con bí quyết để được Thiên Chúa và mọi người yêu mến, đó là không tôn mình lên, không bao giờ tự cao tự đại nhưng biết sống khiêm tốn với mọi người.
Xin cho chúng con biết vận dụng bài học quý báu nầy vào cuộc sống để luôn được hạnh phúc an vui. Amen.

Lm Inhaxiô Trần Ngà

 

Đừng Trở Thành Chi Thể Bất Động
Trong Thân Thể Chúa

Thiên Chúa là người Cha giàu lòng yêu thương, hết sức trân quý loài người là đoàn con chí ái mà Ngài đã sinh ra và ấp ủ bằng tình yêu thương thắm thiết. Tiếc thay, hàng tỷ người trên mặt đất hiện nay không nhận ra Ngài là Cha yêu thương, chưa biết mọi người chung quanh là anh chị em ruột thịt con cùng Cha trên trời… Vì thế, họ quay lưng lại với Cha trên trời, họ sống thù nghịch với nhau, gây cho nhau vô vàn đau thương khốn khổ suốt dòng lịch sử loài người.

Trước thảm cảnh này, Thiên Chúa đau lòng vô hạn và Ngài khao khát, khao khát biết bao cho muôn dân nhận biết Ngài là Cha, nhìn nhận nhau là anh chị em một nhà, nhờ đó mới có thể chấm dứt bao cảnh huynh đệ tương tàn, để cùng nhau xây dựng cuộc sống hạnh phúc trong đại gia đình Thiên Chúa.

“Cơn khát” này đã dày vò Thiên Chúa triền miên qua bao thời đại. Để xoa dịu, để giải tỏa “cơn khát” mãnh liệt này, Thiên Chúa không ngừng thôi thúc chúng ta là những đứa con trong nhà hãy lên đường dẫn đưa các anh chị em chưa biết Cha về đoàn tụ.

Lời thôi thúc mời gọi của Thiên Chúa
Rất nhiều lần, lời mời gọi của Chúa Giêsu vang dội trong tâm hồn chúng ta:
“Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá (Lc 5,4)”…
“Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28,19)”…
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2)…

Gần đây, qua Đức thánh Cha Phanxicô, Thiên Chúa tiếp tục thúc giục chúng ta cách quyết liệt và khẩn thiết:
“Tôi thà có một Hội thánh bị bầm dập, mang thương tích và lem luốc vì phải lên đường, hơn là một Hội thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 49).

Thế nhưng những lời thôi thúc mời gọi đó vẫn chưa lay động con tim vô cảm của chúng ta, vẫn chưa khơi lên được ngọn lửa truyền giáo đã tắt ngúm trong tâm hồn chúng ta, mà chỉ như một làn gió thoảng qua rồi tan biến.

Thiên Chúa làm thế nào để đưa những đứa con chưa biết Cha về đoàn tụ?
Để đưa những đứa con chưa biết Cha về đoàn tụ, Thiên Chúa trao cho chúng ta hai nhiệm vụ sau đây:
– Thứ nhất, Ngài muốn chúng ta trở nên môi miệng Ngài để loan báo cho muôn người nhận biết họ có một Người Cha tuyệt vời là Thiên Chúa và mọi người là anh chị em ruột thịt con cùng Cha, để cùng nhau vui sống trong đoàn kết yêu thương.
– Thứ hai, Thiên Chúa muốn dùng chúng ta là những bàn tay của Ngài, phải đưa ra để dẫn dắt anh chị em lưu lạc về với Ngài.

Khi tôi khát nước khô cổ, cháy họng, tôi muốn giơ tay ra để bưng ly nước lên nhưng tay tôi bại xụi, không giơ ra được, không cầm ly nước đưa lên môi được… thì thật khốn khổ cho tôi! Khát lắm… nước sẵn đó, ngay trong tầm tay mà không với tới để uống được, buồn lắm thay!

Hôm nay, Chúa Giêsu đang khao khát đoàn con chưa nhận biết Cha quay về sum vầy đoàn tụ và Ngài muốn dùng chúng ta như đôi tay của Ngài để dẫn đưa những anh chị em này về với Chúa.

Như vậy, nếu chúng ta làm ngơ trước “cơn khát” của Chúa Giêsu. Nếu chúng ta cứ trơ trơ, im lìm, bất động… không đáp ứng nguyện vọng tha thiết của Ngài, cứ để mặc Ngài bị cơn khát hành hạ… thì vô tình, chúng ta trở thành bàn tay bại xụi của Chúa, không đáp ứng “cơn khát” của Ngài! Như thế, chúng ta có xứng đáng là chi thể của Ngài nữa không?

Tự vấn
Giờ đây, xin mời mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi mình:
– Chúa muốn dùng tôi là môi miệng Chúa để loan báo Tin Mừng, tôi đã loan Tin Mừng cho ai chưa? Và nếu chưa thì chờ đến bao giờ tôi mới bắt đầu?
– Chúa muốn dùng tôi như bàn tay của Chúa để dẫn đưa anh chị em chưa nhận biết về với Chúa, tôi đã làm chưa? Nếu chưa thì đợi đến bao giờ tôi mới khởi sự?

Lạy Chúa Giêsu. Từ thân phận bụi đất thấp hèn, Chúa đã đoái thương nâng chúng con lên làm chi thể Chúa và cho tham dự vào vai trò ngôn sứ của Chúa để loan Tin mừng cứu độ cho muôn dân. Xin cho chúng con không bao giờ là bàn tay tê bại, nhưng luôn là bàn tay hoạt động thật nhiệt thành để Chúa sử dụng mà đưa nhiều người về đoàn tụ trong nhà Cha.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

————————————————

 

Thống Hối
CN 30TNC – (Lc 18, 9 – 14)

Cầu nguyện tâm tình dâng tiến Cha

Ăn năn bởi lối sống gian tà

Khiêm nhường khép nép vì lầm lỗi

Tự mãn khoe khoang chẳng thật thà

Tội lỗi ươn hèn mong giải thoát

Ơn thiêng vững chãi nối giao hòa

Hồng ân thánh hóa ơn công chính

Tuôn đổ ơn trời, đất nở hoa.

Hạt Nắng

—————————————–

 

Hồi Sinh
CN 30TNC – (Lc 18, 9 – 14)

Đời tội lỗi khô cằn tâm cảm,
kiếp lang thang ảm đạm hồn con.
Con tim héo hắt mỏi mòn,
tìm về bên Chúa suối nguồn ủi an.

Lòng thống hối lệ tràn đắng đót,
ham phù du đời trót lưu linh.
Quì xa đấm ngực van xin,
cúi xin ơn Chúa dủ tình xót thương.

Ách tội lỗi con đường nô lệ,
thân lụi tàn hoang phế cô liêu.
Xót xa nghe tiếng chuông chiều,
tiếng Ai vang vọng lời yêu giục lòng.

Như mạch nước trinh trong tuôn đổ,
rửa hồn con bồi bổ tâm linh.
Đời con lại được hồi sinh,
nên người công chính trong Tình Cha yêu..

Con đi giữa nắng chiều rực rỡ,
lòng Tin – Yêu tươi nở muôn hoa.
Nhạc lòng tấu khúc hoan ca,
ngợi khen hồng phúc Tình Cha nồng nàn.

Vững vàng đi giữa trần gian …

Bâng Khuâng Chiều Tím

—————————————

 

Khúc Hát Tri Ân
CN 30TNC – (Lc 18, 9 – 14)

Con quỳ đây Chúa ơi,
giữa hoang vu bóng đêm cuộc đời.
Con quỳ đây Chúa ơi,
giữa nhục nhằn, đớn đau, chơi vơi.
Con về đây Chúa ơi,
tiếng cầu kinh ấp úng vội vàng.
Con nguyện xin Chúa thương,
thứ tha lỗi lầm một kiếp chiên hoang.

Con quì đây kính dâng,
phút ăn năn thống hối tội tình.
Con thành tâm kính xin,
lòng nhân từ, xót thương Cha ban.
Dâng lời kinh thiết tha,
tiếng cầu kinh nước mắt lệ nhòa.
Con nguyện xin Chúa thương,
quên đi lỗi lầm giữa chốn phong ba.

Tạ ơn Chúa. Tình Yêu Chúa đã đưa con về.
nhờ ơn Chúa. Ngài giải thoát tháng năm ê chề.
Lòng lân tuất. Ngài ôm ấp đứa con hoang đàng.
Lòng thương xót. Ngài dìu dắt vượt ngàn sơn khê.

Con quì đây Chúa ơi,
trái tim non rướm máu tình đời.
Con thành tâm kính dâng,
suốt cuộc đời bước theo Cha thôi.
Dâng đời con Chúa ơi!
tiếng câu kinh chan chứa ân tình.
Dâng tình yêu thiết tha,
dâng khúc nhạc lòng trọn kiếp tri ân.

M. Madalena Hoa Ngâu

—————————————–

 

Loan Báo Tin Vui
(Chúa Nhật Truyền Giáo)

Con sinh ra trong vòng tay Giáo Hội,
được trở thành chi thể Đức Kitô.
Được tham gia vào sứ mạng tông đồ,
đi loan báo Ơn Tin Mừng Cứu Rỗi.

Chúa chết thay cho loài người tội lỗi,
thời đại nào Giáo Hội cũng truyền rao.
Chúa Phục Sinh ban ân phúc dồi dào,
ban sự sống, Ngài chính là Vua Hằng Sống.

Chúa gọi con hãy bước theo truyền thống,
theo con thuyền Giáo Hội hãy ra khơi.
Hãy nghe theo tiếng Thần Khí gọi mời,
giới thiệu Chúa cho mọi người nhận biết.

Là chứng nhân con chuyên cần tha thiết,
lời nguyện cầu liên kết với anh em.
Sống yêu thương, bác ái, sáng ngọn đèn,
cùng nâng đỡ sống tinh thần truyền giáo.

Chất Kitô trong gia đình có đạo,
với mẹ cha, với tình nghĩa vợ chồng.
Với họ hàng, với con cái hiệp thông,
cùng cầu nguyện nêu việc lành gương sáng.

Trong xứ đạo hoặc là nơi đồng áng,
trong công ty hay ở giữa chợ đời.
Sống hòa mình, sống thân thiện vui tươi,
chu toàn bổn phận thắm tình con cái Chúa.

Tay chung tay nâng niu từng hạt lúa,
đã chín vàng tràn ngập cánh đồng hoang.
Lòng hân hoan vui khúc hát lên đàng,
bài ca gieo giống,
theo bước chân Người Mục Tử.

Như năm xưa bước chân người lữ thứ,
bao đau thương của các Đấng Thừa Sai.
Bao hy sinh, khổ cực bước đường dài,
giòng máu đỏ thắm tươi trên Đất Việt.

Xin noi theo chí anh hùng hào kiệt,
của tiền nhân đã ngã xuống oai linh.
Xin giúp con can đảm bước hành trình,
đời truyền giáo gian nan không lùi bước.

Xin dâng Mẹ Maria nỗi niềm con ao ước,
cùng đồng hành dìu dắt bước con đi.
Đường chông gai nguy hiểm có sá gì,
cùng với Mẹ quyết nêu cao tinh thần truyền giáo.

AP. Mặc Trầm Cung