“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 17, 5 – 10)
Khi ấy, các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển’, nó liền vâng lời các con.
“Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, liền bảo nó rằng: ‘Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa’, mà trái lại không bảo nó rằng: ‘Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống’. Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng: Không. Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'”.
Đó là lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 1, 26 – 38)
Khi ấy, Thiên thần Gáp-ri-en được Chúa sai đến một thành xứ Ga-li-lê-a, tên là Na-gia-rét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đa-vít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đa-vít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Gia-cóp và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Maria thưa với Thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”. Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Đấng Bà sinh ra, sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, I-sa-ve chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên thần cáo biệt Bà.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Maria – Người Nữ Thánh Thể & Hành Trình Đức Tin Của Đức Maria ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 3
Việc Ấy Sẽ Xảy Ra Cách Nào? & Sức Mạnh Và Phi Lý Của Niềm Tin Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 7
Ngân Hàng Kinh Mân Côi Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 11
Thành Quả Tuyệt Vời Của Niềm Tin Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 13
THƠ TIN MỪNG
Chuỗi Ngọc Hạt Nắng Trg 15
Sống Đức Tin Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 16
Tin Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 17
Sức Mạnh Đức Tin & Chuỗi Ngọc Mân Côi A.P. Mặc Trầm Cung Trg 19
———————————————
Maria – Người Nữ Thánh Thể
Bài Tin Mừng tường thuật cuộc truyền tin kết thúc bằng hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ. Với hai tiếng “Xin Vâng”, cuộc đời Đức Mẹ hoàn toàn thay đổi. Từ nay Mẹ không còn sống cho mình nhưng hoàn toàn sống cho Thiên Chúa. Mẹ kết hiệp chặt chẽ với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu. Và vì thế, Mẹ trở thành gương mẫu của lòng tôn sùng và thực hành bí tích Thánh Thể.
Thật vậy, với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ là gương mẫu trong việc đón nhận Thánh Thể. Khi đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa vào lòng, Mẹ hoàn toàn tin tưởng thịt máu của bào thai Mẹ được diễm phúc cưu mang trong lòng chính là Thiên Chúa. Như thế, Mẹ khuyên dạy ta khi đón nhận Mình Thánh Chúa, hãy tin vững vàng ta đã đón nhận Thịt Máu của Chúa Giêsu.
Với hai tiếng “Xin Vâng”, tâm hồn Mẹ trở nên ngôi nhà chầu đầu tiên được đón tiếp, cất giữ Chúa Giêsu Thánh Thể. Đây chính là ngôi nhà chầu xinh đẹp nhất vì cung lòng thanh khiết của Mẹ là một đền thờ nguy nga lộng lẫy. Hơn nữa việc luôn ghi nhớ và suy niệm những điều thiên thần nói, giúp Mẹ luôn hướng về Chúa Giêsu trong lòng, biến Mẹ thành một người chầu Mình Thánh liên tục. Như thế Mẹ khuyên dạy ta hãy năng chầu Mình Thánh Chúa.
Sau khi thưa “Xin Vâng”, Mẹ vội và lên đường đi viếng bà thánh Elizabeth. Đây chính là cuộc rước kiệu Thánh Thể đầu tiên. Cuộc rước kiệu thật đơn sơ, không kèn trống, không đông đảo, nhưng đầy sốt sắng, đầy cung kính nên đã đem lại lợi ích phi thường: đem ơn cứu độ đến cho ông thánh Gioan Baotixita còn trong lòng mẹ, làm cho mọi người tràn đầy niềm vui. Như thế Mẹ nhắn nhủ ta kiệu Thánh Thể sốt sắng sẽ đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng.
Nhưng cũng với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ luôn hướng về Chúa Giêsu. Từ khi còn trong bào thai cho đến khi sinh ra trong hang đá Bêlem. Từ khi ấu thơ cho đến khi hoạt động công khai. Việc Mẹ tất tả đi tìm Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem nói lên sự gắn bó mật thiết. Mẹ coi Chúa Giêsu là lẽ sống. Mẹ không thể sống nếu thiếu vắng Chúa. Với lòng tha thiết tìm kiếm Chúa, Mẹ khuyên dạy ta hãy yêu mến đến khao khát Chúa. Vì Thánh Thể Chúa chính là nguồn sự sống của ta.
Với hai tiếng “Xin Vâng”, không những Mẹ vâng lời Thiên Chúa hoàn toàn, mà còn dạy mọi người biết vâng lời Chúa. Nên tại tiệc cưới Cana, Mẹ khuyên nhủ gia nhân: “Người bảo gì các con hãy cứ làm theo” (Ga 2,5). Thái độ hoàn toàn vâng phục đã được Chúa thưởng công bằng phép lạ “nước lã hóa thành rượu ngon”. Hôm nay Mẹ cũng nhắc nhủ ta: Nếu Chúa đã dặn dò: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22-19), thì hãy vâng lời Chúa, siêng năng tham dự thánh lễ, chầu Mình Thánh Chúa, chịu lễ, chắc chắn Chúa sẽ làm phép lạ đổi mới đời các con như biến nước lã thành rượu ngon.
Với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ hoàn toàn kết hiệp với Chúa Giêsu, theo Chúa trên đường lên Núi Sọ và đứng dưới chân thánh giá để nên một với Chúa Giêsu trong việc dâng hiến chính bản thân mình, dâng những đau đớn khổ cực làm của lễ đền tội cho nhân loại. Ở đây Mẹ đã sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm tự hiến mình cho nhân loại. Như Chúa Giêsu, tấm lòng tan nát của Mẹ đã trở thành tấm bánh bẻ ra ban cho nhân loại sự sống mới. Như thế Mẹ dạy ta phải biết hiến thân chịu mọi đau đớn, vất vả trong đời sống để nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể. Việc kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể để hiến dâng thân mình sẽ đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.
Và với hai tiếng “Xin Vâng”, một lần cuối cùng Mẹ vâng lời Chúa, nhận thánh Gioan làm con. Nhận thánh Gioan là nhận cả nhân loại làm con. Vì thế Mẹ đã sống mầu nhiệm Thánh Thể khi hiệp nhất với tất cả mọi người, nhận tất cả nhân loại vào gia đình mình, đón tiếp mọi người vào đồng bàn trong bữa tiệc Thánh Thể, và trong bữa tiệc Nước Trời. Hôm nay, Mẹ nhắn nhủ ta khi chịu lễ rồi hãy biết yêu thương đoàn kết vì tất cả chúng ta được đồng bàn với Chúa, cùng ăn một bánh, cùng uống một chén với nhau. Và tất cả chúng ta đều là các chi thể trong thân thể của Chúa. Tuy năm Thánh Thể đã kết thúc, nhưng việc yêu mến sùng kính và nhất là việc sống bí tích Thánh Thể vẫn tiếp diễn. Đặc biệt trong tháng Mân Côi, nếu ta yêu mến Đức Mẹ, ta càng phải yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, vì Mẹ chính là mẫu gương yêu mến Thánh Thể, đến nỗi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi Mẹ là “Người Nữ Thánh Thể”. Nếu chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, chắc chắn Đức Mẹ sẽ hướng dẫn ta đến yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, vì tất cả các mầu nhiệm trong kinh Mân Côi đều hướng về Chúa Giêsu. Và mầu nhiệm 5 Sự Sáng đưa ta trực tiếp tới bí tích Thánh Thể. Thật là đẹp khi ta lần hạt trước Thánh Thể. Vì như Đức Mẹ đã khấn cầu cho tiệc cưới Cana được ơn phúc thế nào, hôm nay, trước Thánh Thể, Đức Mẹ cũng khẩn cầu ơn phúc cho chúng ta như vậy.
Lạy Mẹ Mân Côi, xin dạy con biết yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và xin Mẹ khẩn cầu cho con bên tòa Chúa. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Lời “Xin Vâng” của Đức Mẹ biểu lộ niềm tin. Bạn có giữ vững được niềm tin trong những lúc gặp thử thách để thưa “Xin Vâng” với Chúa trong đau khổ không?.
2. Gia nhân đã vâng lời Đức Mẹ “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” nên đã múc nước lã mà không hiểu gì. Bạn có sẵn sàng vâng lời Chúa làm những việc mà bạn không hiểu?
3. Khi hiện ra ở Fatima, Đức Mẹ đã mời gọi ta thực hiện 3 điều. Bạn có sẵn sàng “Xin Vâng” để thực hiện không?
Hành Trình Đức Tin Của Đức Maria
Khi nhìn ngắm các tượng ảnh Đức Mẹ, ta dễ có cảm tưởng rằng Đức Mẹ đã sống một đời bình an thư thái. Vì các nghệ nhân thường tạo ra những hình ảnh về Đức Mẹ đẹp đẽ, hiền từ, dường như siêu thoát mọi cảnh khổ đau ở trần gian. Khi ngợi ca Đức Mẹ là tuyệt mỹ, đầy ơn phúc, vô nhiễm nguyên tội, ta thường nghĩ rằng: Đức Mẹ đã được tạo dựng đặc biệt, hoàn hảo ngay từ đầu, thánh thiện từ khi sinh ra và mãi mãi là như thế, không tiến, không lùi, đẹp như một pho tượng đúc sẵn.
Nhưng nếu đọc Phúc Âm kỹ lưỡng, ta sẽ thấy hành trình đức tin của Mẹ không phải luôn luôn bằng phẳng, êm xuôi, dễ dàng. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã thanh luyện Mẹ, uốn nắn Mẹ. Và vì thế đã để Mẹ trải qua những kinh nghiệm đớn đau khi tin nhận và bước theo Chúa.
Cuộc thanh luyện thứ nhất: Thiên Chúa mời gọi Mẹ bỏ chương trình riêng để sống theo chương trình của Thiên Chúa. Maria, một thôn nữ bình dị sống thầm lặng trong một làng quê nhỏ bé. Cô muốn cuộc đời mãi mãi bình thản êm xuôi như thế. Nhưng Thiên Chúa đã đến khuấy động đời cô. Khi đề nghị Maria làm mẹ, Thiên Chúa đã mở ra trước mặt cô một lý tưởng cao đẹp, nhưng cũng đầy gian khổ chông gai. Maria đã ngoan ngoãn thưa “Xin vâng”. Lời thưa ‘xin vâng’ của Maria làm ta nhớ đến tổ phụ Abraham. Như Abraham đã từ bỏ quê hương, gia đình đi vào một tương lai bấp bênh theo tiếng Chúa mời gọi, Maria cũng đã từ bỏ chương trình riêng trong nếp sống bình dị, để đi vào chương trình của Thiên Chúa trong một tương lai bất ổn, hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa.
Cuộc thanh luyện thứ hai: Thiên Chúa gửi đến cho Đức Mẹ nhiều đau khổ. Vì nhận lời làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria phải gánh chịu nhiều đau khổ.
– Đau khổ thứ nhất là bị Giuse nghi ngờ. Làm sao giải thích cho Giuse hiểu. Làm sao tránh được búa rìu dư luận. Không những bị nghi ngờ, mà còn nguy hiểm đến tính mạng nữa. Thời ấy, những cô gái chửa hoang sẽ bị ném đá cho đến chết. Nhưng vững tin vào Thiên Chúa, Đức Maria đã để mặc Thiên Chúa lo liệu dàn xếp mọi chuyện. Ngài chỉ biết cúi đầu, thinh lặng vâng phục và phó thác.
– Đau khổ thứ hai là Đức Maria đã sinh hạ Chúa Giêsu trong cảnh cơ bần: không nhà cửa, không giường chiếu, không mùng mền. Thiếu thốn mọi phương tiện. Chung số phận với súc vật.
– Đau khổ thứ ba là bị vua Hêrôđê tìm giết nên phải trốn sang Ai Cập. Con trẻ sơ sinh yếu ớt. Sản phụ chưa được nghỉ ngơi lại sức đã phải đi lên đường trốn chạy. Tuy nhiên, nỗi cực nhọc phần xác không sánh được với nỗi đau đớn trong tâm hồn: Tại sao lại mang lấy thân phận tội đồ? Tại sao lại bị người đời thù ghét, săn đuổi?
Đối diện với những đau đớn ấy, chắc chắn niềm tin của Đức Maria phải lung lay, nghi hoặc: Con Thiên Chúa mà phải chịu nghèo khổ, khốn cùng đến thế sao? Tuy có chao đảo, nhưng Đức Maria vẫn phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa.
Cuộc thanh luyện thứ ba: Đức Maria bị dứt lìa khỏi Chúa Giêsu. Niềm vui và hạnh phúc của người mẹ là đứa con, nhất là con một. Con là tất cả của mẹ. Con quý giá hơn chính mạng sống của mẹ. Tách con ra khỏi mẹ khác nào lấy gươm đâm vào tim mẹ. Thế mà Chúa Giêsu đã tách lìa Đức Maria rất sớm. Phúc Âm ghi lại hai lần Chúa Giêsu từ chối Đức Mẹ.
– Lần thứ nhất: Khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, cả nhà đi lên Giêrusalem dự lễ. Tan lễ, Chúa Giêsu đã tự tiện ở lại, để thánh Giuse và Đức Maria đi tìm mất ba ngày. Trong ba ngày đó, Đức Maria đã trải qua biết bao lo âu, sợ hãi, đau đớn, cực nhọc. Vậy mà khi gặp cha mẹ, Chúa Giêsu đã nói: “Cha mẹ tìm con làm gì. Cha mẹ không biết con phải lo việc cho Cha con ư?”. Lời này khiến cho Đức Maria buồn phiền không ít vì thấy đứa con từ nay thoát khỏi vòng tay của Mẹ.
– Lần thứ hai: Khi Chúa Giêsu đi rao giảng, Đức Maria và mấy người bà con đến tìm Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu không ra tiếp, lại còn nói những lời như chối từ liên hệ huyết thống: “Kẻ nghe lời Cha ta và thực hành, người ấy là anh chị em và là Mẹ ta”.
Những lời nói và thái độ của Chúa Giêsu như thế chắc chắn khiến cho Đức Maria buồn phiền. Nhưng những lời nói và thái độ ấy cũng giúp thanh luyện Đức Maria khỏi những tình cảm riêng tư, những liên hệ sinh học tự nhiên để bước vào tình yêu rộng lớn của Thiên Chúa và tạo lập những dây liên hệ siêu nhiên với Ngài.
Cuộc thanh luyện cuối cùng: Đức Maria phải chứng kiến cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá. Còn gì buồn hơn khi mẹ mất con. Còn gì đau đớn hơn khi mẹ thấy con chết đau đớn, tủi nhục giữa tuổi thanh xuân. Ở đây ta cũng nhớ lại tổ phụ Abraham. Để thử thách ông, Thiên Chúa đã truyền cho ông sát tế Isaác, đứa con trai duy nhất. Đức Maria cũng được mời gọi hy sinh người con duy nhất của mình. Đau đớn hơn tổ phụ Abraham vì Đức Maria phải chứng kiến hy lễ đó hoàn tất. Khi mọi người trốn chạy, chối bỏ Chúa Giêsu, Đức Maria vẫn ở lại dưới chân cây thập giá đau nỗi đau của Chúa Giêsu, nhục nỗi nhục của Chúa Giêsu. Và khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng thì Đức Maria như bị mất tất cả, bị tước đoạt tất cả những gì yêu quý nhất. Đứng dưới chân thánh giá, Đức Maria trở nên một người nghèo nhất. Mẹ chẳng còn gì cho riêng mình. Chẳng còn điểm tựa nào để bám víu, Mẹ chỉ còn biết phó thác trông cậy vào Thiên Chúa.
Như vậy Thiên Chúa đã dẫn đưa Đức Maria từ bỏ chương trình riêng tư, từ bỏ chính mình, từ bỏ những gì thân thiết nhất của mình, để đi vào chương trình của Thiên Chúa, để trọn vẹn phó thác cho Thiên Chúa.
Ngày nay khi lần chuỗi Mân Côi là ta ôn lại hành trình đức tin của Mẹ. Hành trình đầy thử thách gian khổ nhưng cũng đầy chiến thắng vinh quang.
Xưa kia lễ Mân Côi được mừng để kỷ niệm cuộc thắng trận ở Lepante. Ngày nay, khi mừng lễ Mân Côi ta mừng Đức Mẹ Maria đã chiến thắng chính bản thân, đã vượt qua hết những thử thách và đạt tới đích điểm của hành trình đức tin.
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết noi gương Mẹ, biết từ bỏ ý riêng mình để thực hiện ý Thiên Chúa. Xin giúp con can đảm vượt qua mọi thử thách và giữ vững niềm tin tưởng phó thác trong tay Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Hãy kể ra những cuộc thanh luyện của Đức Mẹ.
2) Tại sao con người phải chịu thanh luyện? Có phải vì Chúa muốn hành hạ con người không?
3) Thanh luyện hệ tại điều gì? Chịu khổ sở hay từ bỏ mình, điều nào quan trọng hơn?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
———————————————–
Việc Ấy Sẽ Xảy Ra Cách Nào?
Bài Tin Mừng được chọn đọc trong ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi đề cập tới biến cố Truyền Tin; thế nhưng cá nhân tôi như thấy thiếu thiếu một điều gì, vì thật ra Truyền Tin chỉ là ‘mầu nhiệm’ thứ nhất trong số những 20 ‘mầu nhiệm Mân Côi’ được đem ra suy gẫm khi lần hạt? Phụng vụ muốn nói gì khi chọn đoạn Tin Mừng này, đặc biệt cho giáo dân Việt Nam khi mà Hội Đồng Giám Mục trong khóa họp tháng 4 năm 1991 đã quyết định cho phép mừng trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi (vốn chỉ là ‘lễ nhớ’) được rời qua ngày Chúa Nhật? Đặt vấn nạn như thế đã có nghĩa là xác định nội dung đích thực của việc lần hạt Mân Côi: một việc đạo đức được Đức Mẹ ưa thích, hay còn là một con đường sống Tin Mừng bình dân nhưng hữu hiệu và sâu sắc, như từng được nhiều người khảng định.
Người Công Giáo chúng ta vẫn biết rằng: giá trị của việc lần hạt Mân Côi hệ tại ở suy gẫm các sự kiện hay biến cố đã xảy ra trong cuộc đời Đức Giêsu và Mẹ Maria hầu giúp ta nhận ra ngày càng sâu sắc hơn hồng ân cứu độ. Tuy nhiên sự nhận biết này nhiều khi cũng chỉ dừng lại ở suy tư, ở cảm thức chung chung mang tính lý thuyết. Hoặc giả hồng ân cứu độ đó được coi là điều thuộc quá khứ, điều mà ta đã nhận lãnh một lần ngày rửa tội xa xưa. Biến cố Truyền Tin nói riêng, và mọi biến cố liên quan tới Đức Maria nói chung như tác giả Luca trình bày, cho thấy một khía cạnh khác nữa của lối sống Hồng Ân cứu độ đó là: các sự kiện thường ngày cần phải được đưa vào quĩ đạo của ơn cứu độ Đức Kitô Giêsu đã thực hiện, nhất là khi chúng xem ra rất khó hiểu và xa lạ với kế hoạch từ nhân của Thiên Chúa. Đứng trước nhiều biến cố liên quan tới mình, tới tha nhân và tới xã hội loài người nói chung, trong tư cách Kitô hữu biết bao lần tôi đã phải tự hỏi: “việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” câu hỏi này không nhằm lý giải cách hợp lý từng sự kiện, nhưng để Kitô hữu trong niềm tin, lờ mờ nhận ra lòng từ bi thương xót của Chúa đang được thực hiện qua các biến cố đó. Khi lần hạt Mân Côi, cùng với Đức Maria, tôi giáp mặt với cuộc sống thường ngày chứa đựng những niềm vui, những biến cố trang trọng mang nhiều ý nghĩa, cũng như các nỗi buồn bâng quơ, những chuyện vụn vặt vu vơ, những thành công hay thất bại, những kỳ vọng hay hoài bão, thậm chí cả các điều phi lý… Đối với một Kitô hữu: tất cả mọi biến cố bất luận đều có giá trị nếu được nhìn nhận và đưa vào tình yêu nhân ái của Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Đối với Kitô hữu: sẽ không chỉ có vấn đề ‘thánh hóa hay làm phép’ các biến cố hàng ngày, dâng lên cho Thiên Chúa chỉ vì chúng thuộc lãnh vực phàm tục. Điều mà Kitô hữu cần làm là: dìm mọi biến cố của cuộc sống hàng ngày ngập sâu trong hồng ân cứu độ.
Truyền tin, cũng như nhiều biến cố khác nữa đã được Đức Ma-ri-a sống như thế đó: Mẹ đã ‘ghi nhớ tất cả các điều ấy… và suy đi nghĩ lại trong lòng’ (Lc 2:19.51). Ma-ri-a đã không lần hạt, nhưng là Mẹ Mân Côi vì đã không ngừng khám phá và sống từng biến cố đời mình trong hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.
Dành thời giờ mỗi ngày để dùng trí tuệ suy gẫm các ‘mầu nhiệm phép Mân Côi’ là điều tốt, nhưng rồi cũng có lúc trở thành nhàm chán xa xôi; chung qui đó vẫn còn là công việc nặng phần trí tuệ trừu tượng. Tuy nhiên việc lần hạt Mân Côi sẽ trở nên sống động hơn, hiện sinh hơn nếu qua đó, cùng với Mẹ ta nhìn nhận lòng từ ái của Thiên Chúa đang từng bước được thực hiện trong các biến cố của cuộc sống mình; mà các biến cố đời thường thì luôn thực tế, thiết thực và biến đổi không ngừng. Qua ‘xét mình’ ta phân loại các biến cố thành hai phần tốt / xấu theo tiêu chuẩn luân lý. Qua khuynh hướng lấy mình làm trung tâm, ta lại phân loại chúng thành: hên / xui, thành công / thất bại, vui / buồn. Thế nhưng dưới ánh sáng hồng ân cứu độ của Thiên Chúa từ nhân thì các biến cố đó chỉ là một thực thể ân sủng thống nhất; chính vì thế khi lần hạt tôi không chỉ suy gẫm các mầu nhiệm cách rời rạc, đúng hơn tôi đang thống nhất đời sống mình. Tôi đang sống Mân Côi mỗi ngày, hay đúng hơn tôi đang đưa từng biến cố đời sống vào hộng ân cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa. Sống phép Mân Côi như thế sẽ rất thiết thực đưa tôi đạt tới một cuộc sống Kitô ngày càng Tin Mừng hơn, hiểu theo nghĩa cho phép tôi ngày càng khám phá ra Thiên Chúa là Đấng nhân ái giầu lòng xót thương trong mọi tình huống cuộc đời. Và điều này chắc chắn sẽ mau mắn biến đổi đời tôi, không theo nghĩa ngày càng trở nên tốt lành thánh thiện hơn, nhưng chắc chắn ngày càng thâm tín sâu xa hơn rằng: tình yêu cứu độ của Chúa đang đổ xuống trên tôi, cũng như trên toàn thể nhân loại là vững chắc và bất tận, là không bao giời cạn kiệt, bất chấp tất cả những yếu đuối vô hình vạn trạng của con người. Một điều khác chắc chắn phải gia tăng nơi tôi qua việc lần hạt, đó là niềm vui cảm tạ trong tâm tình Magnificat của Mẹ Maria!
Sứ điệp Fatima về lần hạt Mân Côi sẽ không bao giờ mất đi cái ý nghĩa thâm sâu của nó là: hoán cải Tin Mừng các Kitô hữu chứ không chỉ là hoán cải luân lý. Sứ điệp này đã vang vọng từ thời Thánh Đaminh trong việc đưa bè rối Anbigen trở về với Tin Mừng cứu độ, và sẽ còn tiếp tục vang vọng mãi qua mọi thời đại: “Hãy năng lần Mân Côi!” và tin vào Tin Mừng!
Lạy Mẹ Mân Côi! Cùng với Mẹ, con muốn sống mầu nhiệm Mân Côi hàng ngày. Qua việc lần hạt, xin cho con luôn tìm được giải đáp Tin Mừng thỏa đáng cho mọi tình huống và biến cố trong đời qua câu khẳng định mà sứ thần Gabriel khi xưa đã nhắc nhở Mẹ: “Vì đối với Thiên Chúa (nhân lành) không có gì là không thể làm được’. Cùng với Mẹ, con mong rằng việc lần hạt Mân Côi hàng ngày cũng sẽ trở thành con đường Tin Mừng đích thực cho con, hầu giúp con nhận ra Chúa từ nhân không ngừng hiện diện trong cuộc đời con bất chấp mọi nghịch cảnh. Amen
Sức Mạnh Và Phi Lý Của Niềm Tin?
Rõ ràng là Đức Giêsu đang đề cập tới sức mạnh của niềm tin. “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. Tôi không biết tường tận ẩn dụ cây dâu là như thế nào trong văn chương Do Thái, nhưng rõ ràng Đức Giêsu đang muốn diễn tả niềm tin như một sức mạnh gì đó ghê gớm lắm, đồng thời cũng có thể là một gì đó phi lý kì cục lắm, tựa như ‘cây dâu xuống biển mà mọc’.
Niềm tin đưa một người đi vào tương quan với Thiên Chúa; và như mọi mối tương quan bất kì, nó có khả năng làm thay đổi vị thế và quyền lực nơi người đó. Trong Cựu Ước những ai đi vào tương quan với một Đức Chúa Giavê hùng mạnh và thánh thiện vô song chắc chắn cũng được tham dự phần nào vào vinh quang thánh thiện đó. Môsê từ trên núi Sinai đi xuống với khuôn mặt sáng chói tới độ dân không dám ngước nhìn. Sau khi Êlia được Đức Chúa đưa về trời trên cỗ xe bằng lửa, chỉ một chiếc áo choàng ông ném lại đã đủ để Êlisê có quyền năng rẽ nước sông Giorđan… Trong cái ngôn ngữ Cựu Ước đang rất phổ thông thời bấy giờ, hình như Đức Giêsu cũng muốn xác quyết cho các Tông Đồ rằng, nếu các ông có được một chút niềm tin như thế, các ông cũng sẽ nhận được một quyền năng nào đó mà Đức Chúa sẽ ban cho.
Thế nhưng các Tông Đồ lại đang là môn đệ của một Giêsu Nazareth, và lòng tin Thầy Giêsu đề cập tới ở đây không thể chỉ là tin vào Đức Chúa Giavê hùng mạnh. Tin vào Thiên Chúa của Đức Kitô chắc phải có một điều gì khác xa lắm, và hình như Đức Giêsu đã không hề dấu diếm điều này.
Trước hết Người khẳng định môn đệ mình không được chờ đợi nơi lòng tin bất cứ một đền đáp nào, thăng quan tiến chức hay được phục dịch hưởng thụ. Hình ảnh người đầy tớ làm lụng vất vả ngoài đồng về nhà vẫn còn phải tiếp tục phục dịch ông chủ mà không được quyền đòi hỏi công lênh quả là rất minh họa quá dễ hiểu đối với mọi người. “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?” Việc một số tổ phụ và ngôn sứ được chia sẻ quyền năng Giavê thì cũng chỉ là vì kế hoạch của Thiên Chúa chứ không hề muốn nói lên công nghiệp hay ân thưởng. Nếu Cựu Ước đã thế, thì khi người môn đệ của Tân Ước đi vào tương quan với một Đấng… “Đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45) thì sao? Nếu chính Ông Chủ đó lại đang là người ‘thắt lưng hầu bàn’ thì sao? Người môn đệ, hay là người đặt lòng tin vào một Thiên Chúa như thế liệu có dám đòi hỏi được phục dịch hay được trả công vì các công nghiệp mình cất công thu tích được hay không?
Nhìn vấn đề như thế, ta mới thấy lòng tin đặt nơi Đức Giêsu là không hề đơn giản chút nào. Rời bỏ cái quan niệm cố hữu và rất phổ biến là giữ đạo để được phần thưởng thiên đàng, làm việc thiện hay tập tành các nhân đức để thu tích công nghiệp trước mặt Chúa, quả là một thách thức vô cùng lớn lao. Điều này thậm chí còn có vẻ phi lý hơn cả việc khiến cho ‘cây dâu… bật rễ lên… xuống biển mà mọc’. Nếu hình ảnh này tự nó là rất bất hợp lý, đồng thời cũng là một điều rất khó thực hiện, thì lòng tin vào Thiên Chúa từ nhân của Tân Ước, như Đức Giêsu trình bày, cũng tương tự như thế. Nó đòi phải có, hay phải tạo nên, cả một đảo lộn, một hoán cải tận căn. Sau khi phải chịu đựng bao nỗi vất vả nhọc mệt, bao nhiêu từ bỏ khổ chế, bao nhiêu cố gắng hy sinh, thế mà Kitô hữu (nhất là tu sĩ, linh mục) vẫn phải mở miệng công bố: ‘ơn cứu độ tôi nhận được hoàn toàn là hồng ân nhưng không Chúa ban’ thì quả là khó lắm đấy. “Chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” là một câu nói nghe hợp lý, nhưng đồng thời cũng khó nuốt trôi.
Chẳng trách gì đã từng có những lời càm ràm: “Chúng tôi là những người phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt… còn mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ… thế mà ông lại coi họ ngang bằng với chúng tôi” (Mt 20, 1-16), những thái độ bất mãn: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh… Còn thằng con của cha đó… nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng” (Lc 15).
Tự nhiên thì lòng tin vào một Thiên Chúa ban thưởng sẽ dễ dàng khích lệ để tín hữu trung thành giữ cặn kẽ các lề luật và giới răn. Tin rằng các khó nhọc vất vả hiện tại chỉ là nhất thời, trong khi hạnh phúc vĩnh cửu mới đáng mơ ước, quả là một nâng đỡ tâm lý – tinh thần rất hợp lý. Nó logic như đem cây dâu trồng nơi đất tốt để có được hoa trái xum xuê; điều chẳng có gì khác thường, cũng như chẳng cần tới một phép lạ cả thể. Thế nhưng ngược lại mới là điều đáng nói. Tin vào một Thiên Chúa nhân ái thứ tha, hiến mình cho tội nhân cách nhưng không, và không mong đền đáp, để rồi tới lượt tôi, tôi cũng phải hiến mình phục vụ tha nhân không tính toán được thua, cả trước mặt Thiên Chúa lẫn người đời, mới thật là điều khó tới độ gần như phi lý.
Tuy nhiên một lòng tin như thế mới được Đức Giêsu mô tả như có khả năng “bảo cây dâu này: hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc!”. Lòng tin của Kitô hữu là thế đó. Nó có một đặc điểm để biện phân không thể nhầm lẫn. Thiếu nét độc đáo đó, nó sẽ trở thành tầm thường tới độ… “cả những người tội lỗi cũng làm như thế” (Lc 6,27-38).
Lạy Chúa, hôm nay con cũng muốn cầu nguyện cùng Chúa: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con!” Con xin được thứ lòng tin bằng hạt cải mà Chúa đòi các môn đệ phải có, không phải để làm phép lạ này nọ, nhưng là để thực hiện được một chút thôi điều phi lý của Tin Mừng: nhận biết Chúa yêu con vô điều kiện, để rồi sau khi đặt lòng tin vào Thiên Chúa yêu thương như thế, con cũng có một chút khả năng mở cõi lòng yêu mến tha nhân mà không tính toán công nghiệp. Và đối với con đó đã là thực hiện được phép lạ ‘bắt cây dâu xuống mọc dưới biển” rồi đấy. Amen
Lm. Gioan Nguyễn văn Ty. SDB
——————————————-
Ngân Hàng Kinh Mân Côi
Tháng 10 hằng năm chúng ta vẫn được mời gọi đọc kinh Mân Côi với những cách gọi như là “phong trào đọc kinh Mân Côi” (phong trào nghĩa là hoạt động lôi cuốn được đông đảo người tham gia). Rồi gần đây một vài nơi dùng từ “chiến dịch đọc kinh Mân Côi” (chiến dịch là lên một kế hoạch, tiến hành trong một thời gian ngắn).
Hôm nay tôi muốn mời gọi mọi người hãy gửi vào Ngân Hàng Kinh Mân Côi của Mẹ Maria những là lời kinh có thể dẫn chúng ta vào thiên đàng. Đây là tài khoản mà chúng ta cần tích lũy để dự phòng cho phần rỗi linh hồn của mình hôm nay và trong giờ lâm tử. Từng tràng chuỗi Mân Côi là những sổ tiết kiệm chúng ta gửi vào ngân hàng Nước Trời. Thế nên, đọc kinh Mân côi là lời cầu nguyện liên lỉ và không phải là một phong trào hay chiến dịch có khởi đầu và có kết thúc. Xét về hiệu quả của Kinh Mân côi thì càng trao gửi kinh Mân Côi vào Mẹ Maria thì ta càng được bảo đảm cho cuộc sống bình an đời này và phần rỗi linh hồn ở đời sau.
Đức Mẹ cũng mạc khải qua Chân Phước Alano điều đó: “Mẹ hứa sẽ bảo vệ cách riêng cho tất cả những ai lần chuỗi Mân Côi. Kinh Mân Côi là khí giới mạnh nhất để chống lại hỏa ngục, phá tan tật xấu, xóa bỏ tội lỗi. Kẻ nào gởi gấm lời cầu nguyện qua kinh Mân Côi thì sẽ không bị trầm luân đời đời”.
Sở dĩ lời kinh Mân côi trở thành lời kinh đầy uy lực có thể dẹp tan sự dữ và mang lại bình an cho nhân thế, là vì lời kinh ấy tái diễn lại toàn bộ hành trình cứu độ của Chúa Giê-su, Con Mẹ, và Mẹ được cộng tác vào chương trình ấy. Mỗi chục kinh Mân Côi lại được nối kết bằng một mầu nhiệm trong đó Con Mẹ và Mẹ đã đi qua trong những vui, mừng, sầu khổ, và ánh sáng.
Tháng Mân Côi, Giáo Hội mời gọi các tín hữu hãy cầm vũ khí trên tay chính là tràng hạt Mân Côi như áo giáo bảo vệ chúng ta và bảo vệ thế giới được bình an thoát khỏi sự tấn công của ma quỷ.
Giáo Hội không ngừng cổ động, kêu gọi con cái hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Đức Giáo hoàng Piô IX nói: “Chúng con muốn được sự bình an trong tâm hồn, bình an trong gia đình và trong xứ sở… thì hãy hợp nhau ban tối để cùng nhau lần hạt Mân Côi”.
Đức Giáo hoàng Lêô XIII nói : “Cha mạnh dạn quả quyết rằng: Gia đình nào có truyền thống lần hạt Mân Côi hằng ngày, sẽ không bao giờ mất đức tin”.
Đức Giáo hoàng Piô XII rất tin tưởng vào phép mầu của tràng chuỗi Mân Côi, nên đã tuyên bố: “Không có một phương cách nào linh diệu hơn để tiếp nhận nhiều ơn lành của Chúa xuống cho gia đình, cho bằng lần hạt Mân Côi”.
Không chỉ bằng những lời khuyến khích suông, Giáo Hội còn ban nhiều ân xá cho những ai sốt sắng lần hạt Mân Côi, đặc biệt là:
– Ai lần chuỗi 50 trước Mình Thánh Chúa trong nhà thờ, nhà nguyện, bất cứ đọc một mình hay đọc chung với người khác, được hưởng nhờ một ơn đại xá.
– Lần chuỗi chung với nhau trong gia đình, hay trong các cộng đoàn, dù không phải trước Mình Thánh Chúa, cũng được hưởng một ơn đại xá.
Ngày nay rất nhiều các gia đình đang bế tắc trong khủng hoảng của tình yêu, của việc làm, của bệnh tật, đói nghèo. . . dẫn đến bầu khi mất hạnh phúc và bình yên.
Vậy tai sao chúng ta không mở một tài khoản kinh Mân Côi vào ngân hàng Nước Trời. Đây là phương pháp dự phòng. Đây là phương thức cứu vãn cho các gia đình nhờ lời khẩn cầu của Mẹ để lãnh nhân nguồn ơn thiêng từ Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin cho con yêu mến Mẹ bằng tràng chuỗi Mân Côi, để cảm nhận được rằng: ngày nào không suy niệm kinh Mân Côi, ngày đó thiếu vắng sự hiện diện của Mẹ nơi gia đình con, ngày đó gia đình con mất đi nguồn sinh lực vô biên từ ơn thánh Chúa qua lời khẩn cầu của Mẹ. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————-
Thành Quả Tuyệt Vời Của Niềm Tin
Trong cuộc sống đời thường, niềm tin là một năng lực thần kỳ có thể giúp con người vượt qua mọi trở lực và đạt được những thành quả phi thường.
Đối với người không có niềm tin vào bản thân thì việc dễ hóa thành khó, vì thế họ gặp thất bại triền miên; Còn đối với người vững tin thì việc dù khó mấy cũng hóa nên dễ dàng, nên họ dễ đạt được nhiều thành công trong cuộc đời.
Rất nhiều sự việc tưởng như không thể làm được, là chuyện trong mơ… đã trở thành hiện thực, nếu được thực hiện với niềm tin.
Cách đây 30 năm, chuyện hạ cánh xuống Sao Hỏa, cách Trái Đất 225 triệu Km, là chuyện hoang đường, là điều không tưởng… Thế nhưng nhờ niềm tin vào khả năng của mình, các khoa học gia đã được thực hiện được dự án nầy từ năm 2018.
Chúa Giêsu cũng xác nhận niềm tin mang lại nhiều thành quả lớn lao. Ngài nói: “Đối với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được” (Mc 9, 23).
Và qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng: “Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, (là thứ hạt rất nhỏ bé) thì dù các con có bảo cây dâu nầy (là cây đại thụ to lớn): “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời các con” (Lc 17, 6).
Niềm tin mang lại ơn chữa lành
Qua các trình thuật của Tin Mừng, chúng ta thấy nhiều bệnh nhân được chữa lành cách lạ lùng nhờ lòng tin, cụ thể là:
– Một phụ nữ bị băng huyết suốt 12 năm, vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, bà tin rằng chỉ cần đụng đến áo Chúa Giêsu là được chữa lành, nên đã tìm cách tiếp cận Chúa và khi vừa đụng đến áo Ngài, căn bệnh nan y của bà liền biến mất (Mc 5,34).
– Hôm ấy, ông Giairô là trưởng hội đường đến gặp Chúa Giêsu, nài xin Ngài cứu chữa con gái ông sắp chết. Sau đó, gia nhân đến báo cho ông biết là con gái ông chết rồi, hết hy vọng rồi, đừng làm phiền Chúa nữa. Tuy vậy, Chúa Giêsu dạy ông cứ vững tin thì nó sẽ được cứu sống và ông vững tin vào lời Chúa nói. Nhờ đó, đứa bé chết rồi được cứu sống (Mc 5, 22- 42).
– Ông đại đội trưởng người Rôma đến gặp Chúa Giêsu tại Caphácnaum, nài xin Ngài chữa lành tôi tớ ông đau nặng đang nằm liệt giường. Đặc biệt, ông tin rằng Chúa Giêsu không cần phải đến tận nhà, chỉ cần đứng tại chỗ, phán một lời là tôi tớ ông sẽ được chữa lành. Thế là nhờ niềm tin đó, người tôi tớ được khỏi bệnh (Mt 8, 5-13).
– Anh Batimê là người mù thành Giêrikhô nhờ lòng tin vào quyền năng Chúa Giêsu nên được thoát khỏi cảnh mù lòa (Mc 10, 46-52).
Và rất nhiều lần khác, Chúa Giêsu xác nhận rằng chính nhờ lòng tin mà các bệnh nhân được lành bệnh. Ngài nói với họ rằng: “Lòng tin của con đã cứu chữa con.”
Lòng tin mang lại sự sống đời đời
Một thành quả tuyệt vời của lòng tin là những ai tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ thì sẽ được lãnh nhận sự sống đời đời. Chúa Giêsu xác nhận điều nầy khi Ngài phán:
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).
Như vậy, niềm tin là báu vật thiêng liêng đáng trân quý nhất trên đời mà mỗi người phải cố công thủ đắc cho bằng được.
Lạy Chúa Giêsu. Niềm tin là yếu tố cần thiết nhất giúp chúng con vượt qua mọi gian nan thách thức trong cuộc sống cũng như đạt được thành công trong cuộc đời nầy. Đặc biệt niềm tin vào Chúa là chìa khóa giúp chúng con đạt được sự sống đời đời trên thiên quốc.
Vì thế, hiệp ý với các Tông đồ, chúng con tha thiết cầu xin: “Lạy Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
————————————–
Chuỗi Ngọc
Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Mân côi chuỗi ngọc Mẹ thương trao
Thắp sáng niềm tin chốn ba đào
Tội lỗi nhận chìm thân lữ khách
Hồng ân cứu độ phận lao đao
Thuẫn che bảo trợ hồn khiêm hạ
Khí giới diệt thù dạ thanh cao
Hương sắc Hoa Hồng thơm chánh điện
Hiệp công cứu chuộc chí anh hào.
Hạt Nắng
—————————————
Sống Đức Tin
CN 27TNC (Lc 17, 5 – 10)
Con tin Chúa, nhưng hay nản chí ,
tin chỉ trên lý thuyết, bờ môi.
Trước cơn giông tố cuộc đời,
hành trình thập giá tức thời lung lay.
Sống xa cách đường ngay nẻo chính,
sống lặng im khép kín, vô tâm.
Nói suông, nhát đảm, ngấm ngầm,
vinh thân, vụ lợi thăng trầm đức tin.
Trong cầu nguyện chỉ xin vật chất,
xin tiền tài, chức thật cao sang.
Đời sống thải mái, dễ dàng,
ung dung tự tại rộng đàng công danh.
Hoa thiếu nước, rời cành hoa héo,
cành lìa cây, xiêu vẹo cành khô.
Tín – nghi, cuộc sống mơ hồ,
con xa tình Chúa, xây mồ đức tin.
Sống đức tin, tín trung thập giá,
là ơn thiêng cao cả Chúa ban.
Nguyện xin ơn Chúa cao quang,
ban nguồn sinh lực ngập tràn trong tim.
***
Đức tin sống động trung trinh,
sống đời công chính, quên mình, dấn thân.
Vâng theo Thánh Ý muôn phần …
Bâng Khuâng Chiếu Tím
——————————————-
Tin – Yêu
CN 27TNC – (Lc 17, 5 – 10)
Nhỏ bé quá Chúa ơi!
đức tin của con bé nhỏ.
Như hạt cát giữa sa mạc,
như giọt nước giữa đại dương,
như hạt bụi giữa dặm trường.
Trên bước đường,
kiếm tìm Tình Yêu và Chân Lý.
Hồn nản chí, dạ bất trung, hành vi ích kỷ,
con nhát đảm, ươn hèn, buông trôi trách nhiệm.
Hổ thẹn, tránh xa,
chẳng dám công khai hiện diện,
Hư đốn, sa đà,
ngại thánh hóa bản thân.
đức tin hâm hẩm, nóng lạnh, bần thần.
Bán tín, bán nghi,
như trò đùa nhuộm màu mê tín.
Tình yêu bao la, Chúa gọi con trở về,
bước theo đường Công Chính.
Phó thác, tin – yêu,
vâng theo Thánh Ý Ngài.
Vui bước hành trình,
chấp nhận mọi chông gai.
Đường thập giá,
đường hy sinh, dấn thân,
sẽ nở hoa, hoa tươi thắm,
được tưới bằng mồ hôi và nước mắt.
Tạ ơn Chúa,
đã tin tưởng, yêu thương, giao trọng trách,
Làm nhân chứng giữa cuộc đời,
đến với mọi người trao tặng nụ cười tươi.
Nhờ ơn Thần Khí,
thánh hóa, tăng sức mạnh.
Thay đổi lối sống,
sống bác ái, sống tiết độ,
hát vang bài ca niềm vui công chính.
Ân huệ nhưng không,
tràn ngập trái tim hồng.
Đức tin vững mạnh,
sống động, trung trinh.
Nâng bước đời con,
dẫu hành trình còn xa thăm thẳm.
Dẫu vô duyên, bất tài,
nương tựa vào Chúa,
con tiếp bước hành trình,
khúc hát TIN – YÊU.
M. Madalena Hoa Ngâu
————————————
Sức Mạnh Đức Tin
CN 27 TN.C – (Lc 17, 5 –10)
Giữa cuộc đời gian nan đầy sóng gió,
con chơi vơi trong đêm tối niềm tin.
Con hoang mang, con luống cuống đi tìm,
tìm lối thoát, tìm đâu nguồn tươi sáng?
Con lặng lẽ, hướng về nguồn ánh sáng,
hồn khẩn cầu, nguyện xin Chúa thương ban
Thêm đức tin để con sống vững vàng
trước thử thách, những đêm dài u tối
Thích hưởng thụ, con dần dần lạc lối,
chỉ quan tâm đến những của nuôi thân.
Không chăm lo những thứ linh hồn cần,
không bồi dưỡng, nguồn Thần Lương Ngài ban tặng
Trong đêm tối, ngậm ngùi, cay đắng,
con nhận ra, tình Cha rất mặn mà.
Đã ban cho tình nồng ấm thiết tha
trong đau khổ, đức tin càng kiên vững
Huấn luyện con, Ngài gọi làm nhân chứng,
tin vào Ngài như tôi tớ tín trung.
Luôn hăng say phục vụ, biết phục tùng,
vâng Thánh ý, trong tâm tình con thảo.
Sống trung thành với Lời Ngài dạy bảo,
lấy tình yêu để đáp lại tình yêu.
Dù hy sinh, dù công vụ có nhiều,
luôn khiêm hạ, phận tôi trung vô dụng.
Dâng lên Chúa, muôn ngàn lời ca tụng,
việc Chúa làm, điều cao trọng nơi con.
Ban đức tin và lòng mến sắt son,
phục vụ Chúa và tha nhân cho trọn.
Con chỉ là người tôi trung hèn mọn,
chỉ chu toàn nhiệm vụ Chúa thương trao.
Là bụi tro, con đâu dám tự hào,
chỉ đáp lại tình yêu Ngài ban tặng.
Tin vào Chúa dù sống trong thầm lặng,
như cây dâu, như hạt cải bé con.
Giữ tín trung, Tin – Cậy – Mến vuông tròn,
con thực hiện được cả điều vĩ đại
Thân Lạy Chúa, nguồn từ bi, nhân ái,
xin ban thêm sức mạnh của tình yêu.
Để hồn con luôn hướng tới cao siêu,
điều thánh thiện, không đi trong lầm lạc.
Trước Nhan Chúa, dâng tâm tình tín thác,
xin cứu con thoát khỏi những u mê.
Cho đời con luôn giữ trọn lời thề,
lời giao ước ngày lãnh ơn Thanh Tẩy.
Thần Linh Chúa, dòng suối luôn tuôn chảy,
xuống đời con, mảnh đất tốt hồi sinh.
Làm trổ sinh hạt trĩu nặng ân tình,
tiến dâng Chúa lễ vật người tôi trung hèn mọn.
Chuỗi Ngọc Mân Côi
Một thế giới đang suy đồi trầm trọng,
như đoàn tàu chạy trệch hướng đường ray.
Lao thẳng vực sâu tội lỗi, kiếp đọa đày,
khoa học tiến bộ,
phương tiện tối tân,
cuộc sống hiện đại,
đang tiếp tay hủy hoại con người trong lạc thú.
Danh vọng, tiền tài lòng tham lam tích tụ,
thác loạn trần gian, lắm kẻ rao bán linh hồn.
Tâm trí lu mờ chọn quỷ dữ suy tôn,
kiếp nô lệ, làm tay sai để ác thần thống trị.
Để thoát họa diệt vong Mẹ gọi mời liên lỉ,
Lộ Đức, Fatima, Mẹ thống thiết kêu xin.
Cứu nguy thế giới, hãy hiệp sức chân tình,
ăn năn sám hối,
tôn sùng Mẫu Tâm,
siêng năng cầu nguyện bằng lời kinh Mân Côi trìu mến.
Lời kinh Mân Côi nồng nàn con dâng tiến,
theo gót Chúa Giêsu và Mẹ,
đi vào lịch sử cứu độ trần gian.
Đưa nhân loại tối tăm, thấy ánh sáng thiên đàng,
con đường Vâng Phục Thánh Ý,
là đường ngay nẻo chính,
kéo đoàn tàu nhân loại quay về cùng Thiên Chúa.
Lời kinh Mân Côi đổ tràn đầy mật sữa,
khơi dậy trong con nguồn mạch sống đức tin.
Là khí giới tấn công, là thuẫn bảo vệ mình,
chống lại cám dỗ,
xua đuổi quỷ ma,
noi gương Mẹ, con cúi đầu tuân hành Thánh Ý.
Lời kinh Mân Côi: Bài tình ca tuyệt mỹ,
xua tan những bất hòa, hằn gắn vết thương đau.
chốn gia trang, hy sinh, sớm tối nguyện cầu,
Mẹ sẽ chiếu soi,
hạnh phúc quay về,
hồng ân Chúa tuôn trào lai láng.
Lời Kinh Mân Côi Vui – Thương – Mừng – Sáng,
chuỗi ngọc trân châu thơm ngát cả vườn hồng.
Như ánh dương nồng chiếu sáng hừng đông,
thiết tha con gọi Mẹ,
Maria – Nữ Vương Mân Côi,
kính mừng Mẹ – Nữ Vương đầy ơn phúc.
AP. Mặc Trầm Cung