“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 16, 1-13)
Đức Giêsu còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa! Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!
“Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.
“Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?
“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Người Quản Lý Khôn Ngoan Và Trung Thành ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Của Cải Bất Chính vs Của Cải Chân Thật Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Người Quản Lý Khôn Ngoan Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Sắm Sẵn Chỗ Ở Trên Quê Trời Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Tôi Trung Một Chủ Hạt Nắng Trg 9
Khôn Ngoan Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Có Một Thời M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Dự Án Tương Lai A.P. Mặc Trầm Cung Trg 12
———————————————-
Người Quản Lý Khôn Ngoan Và Trung Thành
Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Nguyên hỏi: “Ngài có muốn mua gì không?”. Mạnh Thường Quân trả lời: “Ngươi xem thứ gì nhà chưa có thì mua”. Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”. Rồi chẳng tính vốn lời, đem văn tự ra đốt sạch. Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân: “Nhà ngài không thiếu gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài”. Về sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đấy nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên: “Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước”.
Nghe chuyện này, có lẽ mọi người đều đồng ý với Mạnh Thường Quân rằng Phùng Nguyên thực là người quản lý trung thành và khôn ngoan. Trung thành vì ông đã biết cách làm lợi cho chủ. Khôn ngoan vì ông biết nhìn xa trông rộng, đầu tư vào những chương trình có ích lợi lâu dài. Nhờ sự khôn ngoan của Phùng Nguyên, Mạnh Thường Quân đã vượt qua được những khó khăn gian khổ.
Người quản lý trong bài Phúc Âm hôm nay khôn ngoan nhưng không trung thành. Khôn ngoan nhanh nhẹn, trong một thời gian ngắn đã tìm ra phương thế chuẩn bị cho tương lai. Nhưng ông ta đã không trung thành vì ông đã phung phí, làm hại tài sản của chủ.
Khi khen người quản lý này khôn khéo, Chúa Giêsu không khen ngợi tính gian giảo, thiếu trung thực của ông. Người chỉ khen ngợi sự thông minh nhạy bén của ông. Người ước mong con cái sự sáng cũng biết thông minh nhạy bén trong việc tìm kiếm Nước Trời.
Quả thực chúng ta là những người quản lý của Chúa. Tất cả những gì ta có đều là của Chúa. Sự sống, sức khỏe, tài năng, tiền bạc… đều không phải của ta. Ta chỉ quản lý chúng.
Hai đức tính quý ở người quản lý là trung thành và khôn ngoan.
Người quản lý trung thành gìn giữ nguyên vẹn tài sản của chủ. Không phung phí, không làm mất mát hao hụt. Người quản lý khôn ngoan sẽ tìm cách sinh lợi cho chủ, làm cho tài sản ngày càng gia tăng. Tiền bạc có thể sinh lợi ở ba góc độ khác nhau.
– Mức độ bình thường nhất là: tiền đẻ ra tiền. Dùng tiền gởi ngân hàng để lấy tiền lời. Dùng tiền đầu tư vào công việc thương mại, kinh doanh để kiếm được nhiều tiền hơn nữa.
– Mức độ thứ hai cao hơn là: dùng tiền đầu tư vào chất xám, vào giáo dục, vào nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước đầu tư rất nhiều vào giáo dục. Vì thế họ đã đào tạo được một đội ngũ trí thức đông đảo có kiến thức, có khoa học kỹ thuật. Nhờ thế, không những họ làm cho đất nước giàu mạnh mau chóng, mà còn nâng cuộc sống nhân dân lên cao hơn, giàu có sung túc về của cải vật chất và nhất là cao đẹp vì có văn hóa, đạo đức.
– Mức độ thứ ba, cũng là mức độ cao nhất là: dùng tiền mua hạnh phúc vĩnh cửu. Biến tiền của hay hư nát ở đời này thành gia sản vĩnh viễn ở trên trời. Để làm được việc này, ta phải vượt qua sự khôn ngoan, nhạy bén đầy tính toán của người đời để đạt tới sự khôn ngoan nhạy bén đầy quảng đại theo tinh thần Phúc Âm.
Tạo lập gia sản trên trời khác với tạo lập gia sản nơi trần gian.
Gia sản nơi trần gian được tạo lập bằng tích lũy. Gia sản trên trời được tạo lập bằng cho đi. Để tích lũy tài sản nơi trần gian, ta phải tằn tiện, chắt bóp, nghĩ đến lợi nhuận của bản thân hơn đến người khác. Để tích lũy gia sản trên trời, ta phải rộng rãi, hào phóng nghĩ đến người khác hơn bản thân mình. Càng cho đi ở đời này, ta càng giàu có ở trên trời. Người nghèo là Chúa Giêsu hóa trang. Khi ta giúp đỡ người nghèo là ta chuyển tiền về thiên quốc. Qua trung gian người nghèo, đồng tiền trần gian hay hư nát sẽ biến thành tài sản vĩnh cửu trên trời.
Chúng ta là con cái sự sáng. Hãy biết sống theo con đường sự sáng của Phúc Âm. Hãy xin Chúa ban cho ta sự khôn ngoan của Phúc Âm. Hãy rèn luyện cho ta có sự nhạy bén đối với những thực tại vĩnh cửu trên trời. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. Bạn nghĩ gì về câu này?
2) Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được. Bạn đã coi thường chủ nào và đã yêu mến chủ nào hơn?
3) Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Bạn hiểu câu này thế nào? Bạn đã thực hành chưa?
4) Làm sao để trở thành người quản lý trung thành và khôn ngoan của Chúa?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
————————————————-
Tiền Của Bất Chính vs Của Cải Chân Thật
Theo thói đời, cách cư xử của viên quản gia trong bài Tin Mừng, cho dầu đầy vẻ trục lợi và không trong sáng chút nào, nhưng ai ai cũng đều phải công nhận: hắn ta quả là người khôn khéo và thông minh. Vấn đề ở đây là: khi kể câu chuyện dụ ngôn này Đức Giêsu thật sự muốn nói với chúng ta điều gì? Người đang dạy chúng ta áp dụng thói đời mánh mung để sống Tin Mừng hay sao? Hay là dùng của cải tiền bạc bất luận từ nguồn nào để lập công nghiệp cho bằng được, hầu bảo đảm cho đời sau hay mua chuộc Nước Trời? Thú thật: đã từ lâu lắm rồi, tôi vẫn luôn có cảm giác ngắc ngứ với đoạn Tin Mừng này; rồi khi đọc diễn giải của một số tác giả, tôi có cảm tưởng rằng, ít nhiều họ cũng ngắc ngứ như tôi. Nói chung, cách diễn giải phổ thông vẫn cho là Đức Giêsu dạy chúng ta sử dụng tiền bạc của cải trần thế (của chóng qua, dầu chính đáng hay bất chính tới mấy) để chiếm hữu cho bằng được Thiên Đàng. Giải thích kiểu này, tuy có dễ hiểu thật đấy, nhưng không đủ sức thuyết phục! Đức Giêsu không thể khuyên các môn đệ hãy cố kinh doanh để có dư giả tiền của mà làm từ thiện, vì Nước Trời là gì mà có thể bị mua chuộc bằng tiền của, dầu có dưới dạng làm việc lành phước đức?
Riêng về chuyện tiền bạc và của cải vật chất thì: Đức Giêsu luôn coi nó, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đều là ‘tiền của bất chính, của cải của người khác’. Điều này được học thuyết kinh doanh ngày nay thẳng thắn đề cập tới không hề dấu diếm: xét về mặt luân lý xã hội thì tiền của luôn tiềm tàng vấn đề công bằng xã hội, vì nó được điều hành dựa trên một hệ thống xã hội không công bằng. Tuy nhiên tôi không hề nghĩ: ở đây Đức Giêsu muốn nêu lên một vấn đề luân lý xã hội nóng bỏng cần giải quyết. Điều Người muốn nói phải liên quan tới việc chấp nhận và sống Tin Mừng Người đang rao giảng đó là: làm sao để con người có thể đón nhận lòng nhân ái của một Thiên Chúa đầy lòng xót thương, trong bối cảnh cụ thể của cuộc sống trần gian này?
Hành động của người quản gia bất chính, dầu không xuất phát chút nào từ lòng nhân đích thực, nhưng vẫn được các con nợ coi là hành vi nhân lành đối với họ; hành động của ông tuy bất chính, nhưng vì mang cái vỏ từ nhân, nên vẫn có thể tránh cho ông một tương lai mù mịt. Đức Giêsu xem ra muốn tô đậm cái nét rất dễ gây tranh cãi này: “Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào ở nơi vĩnh cửu”. Nói như thế vì Người cho rằng: bất cứ ai dù đầy dẫy những bất chính và tội lỗi, vẫn có thể được coi là công chính trước Tin Mừng chỉ vì họ hướng tới, đón nhận và thi thố lòng nhân từ xót thương, dầu là nhỏ mọn nhất. Ngược lại, dầu có công chính tới mấy, vẫn có thể bị coi là bất lương: “Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn”. Hầu như Người muốn khẳng định rằng: đối với Tin Mừng của một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, thì trung tín chính là đón nhận, là thực thi lòng thương xót. Nếu trung tín (= sống xót thương) trong việc nhỏ, tức là ngay trong đời thường, thì mới có thể trung tín trong việc lớn, tức là đón nhận lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa trong giờ chết, và trong cõi vĩnh hằng. Nếu đã ‘Bất lương trong việc nhỏ’, tức là không biết đón nhận và thực thi lòng từ ái của Thiên Chúa trong đời thường, thì cũng sẽ ‘bất lương trong việc lớn’, tức là không có khả năng đón nhận lòng thương xót Chúa đến muôn đời.
Và cũng trong nội dung Tin Mừng cứu độ đó, Đức Giêsu còn xác định thêm một điều khác nữa vô cùng quan trọng đối với các Kitô hữu chúng ta: ‘của cải chân thật’, ‘của cải dành riêng cho anh em’ chỉ có thể là lòng từ ái vô biên của Thiên Chúa mà các môn đệ là những người duy nhất được hồng phúc biết tới và mở lòng đón nhận. Đây mới chính là ‘của cải’ mà mọi Kitô hữu phải sở hữu cho bằng được, ngay trong cuộc sống hiện tại của một xã hội chưa hoàn chỉnh còn đầy dẫy những bất công xảo trá! Trong bất cứ một cơ cấu xã hội nào, dầu được cho là tốt đẹp lý tưởng hay áp bức bóc lột (thường vẫn được biện minh bằng các lý lẽ cao thượng), người Kitô hữu vẫn không ngừng xây dựng và vun đắp lòng xót thương là tâm điểm niềm tin của họ, trước cả khi tìm cách cải tạo xã hội đó cho hoàn thiện hơn. Nói tóm lại, công tác tiên quyết của Kitô hữu không phải nhằm kiến tạo một xã hội hoàn hảo, mà là xây dựng ngay từ thực tế xã hội họ đang sinh sống, ngay từ cõi lòng họ, điều mà, trong niềm tin vào Tin Mừng, họ cho là ‘của cải chân thật’ nhất, ‘của cải dành riêng’ nhất cho người môn đệ. Phải chăng đó chính là điều Đức Giêsu đang muốn khuyên cáo các môn đệ của Người: “Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em”?
Như vậy thì: trong niềm tin của Tin Mừng, Thiên Chúa từ nhân và hay thương xót sẽ quả là tuyệt đối, không gì có thể sánh ngang bằng; và tiền của (trong cả nội dung nghĩa bóng của nó) dầu chính đáng hay bất chính, sẽ lộ rõ hơn bao giờ hết bản chất phù phiếm đích thực của nó một khi giáp mặt Con Người xót thương. Giữa một Lòng Thương Xót luôn trao ban và phân phát, với một tiền của có khuynh hướng khuynh đảo dưới mọi hình thức, người Kitô hữu ngay từ đầu đã phải có một chọn lựa đúng đắn và dứt khoát không thể đảo ngược; “không ai có thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài”. ‘Của cải dành riêng’ cho Kitô hữu chính là: nhận biết lòng nhân ái của Thiên Chúa và sống lòng nhân ái này ngay trong đời sống thường ngày.
Tin Mừng hôm nay quả là một bài học căn bản nhất, phải không bạn?
Lạy Chúa là Đấng giầu lòng xót thương, xin cho con nhận thức được rằng: ‘của cải chân thật’ ‘của cải dành riêng cho con’ không thể là gì khác hơn lòng nhân từ của Chúa. Xin cho con ngay từ trong cuộc sống trần gian đầy tham lam và gian dối này, nhờ Tin Mừng cứu độ, biết mở rộng cõi lòng để đón nhận lòng thương xót vô biên Chúa, thông qua các hành vi nhân từ và bác ái cụ thể, trong giới hạn của đời sống con. Xin cho con không bao giờ đánh mất ‘của cải chân thực’ này, nhưng hằng biết chiếm hữu và thu quén nó cho cuộc sống trường sinh trong lòng nhân ái Chúa. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
———————————————-
Người Quản Lý Khôn Ngoan
Tục ngữ xưa có câu: “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà – Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy”. Lời này muốn nói: Sự ngay thẳng, trung thực sẽ tạo được niềm tin của người đời. Còn khôn ngoan đến độ… khôn lỏi, lọc lõi khó tránh khỏi những hiểm họa do mình gây ra.
Đây cũng là kiểu nói của người ngày nay: “khôn mà không ngoan”. Khôn nói về trí tuệ. Ngoan nói về tính lương thiện của con người. Người có trí tuệ nhưng tâm không trong sáng, không lương thiện thì cũng gặp hiểm họa khôn lường.
Điển hình như hàng loạt các quan chức chính quyền thời gian qua thi nhau vào tù là một kiểu người khôn mà không ngoan. Họ làm chức vụ rất cao, công việc rất sang trọng thế mà lại tham nhũng đến nỗi phải vào tù. Có người học vị học hàm rất cao thế mà lại đi “đạo văn” người khác đến nỗi phải tước bằng (dĩ nhiên là ngoại lệ, hiếm hoi). Thế thì những người này có thể là có “khôn ngoan” nhưng lại không thật thà! Hoặc khôn mà chẳng ngoan chút nào?
Con người là vậy, đôi khi cũng chỉ vì tham cái lợi nhỏ mà đánh mất cái lợi lớn. Họ đã sống theo kiểu của Xuân Diệu:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.
Lời Chúa hôm nay, phải là lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta: “Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng tiền bạc bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu” (Lc 16, 9). Sự khôn ngoan của người quản lý của Thiên Chúa là biết dùng của cải đời này để mua lấy phần phúc mai sau. Vì con người chúng ta có hồn và xác nên cuộc sống cũng phải lo cho hồn và xác an lành. Con người cần biết làm giầu có gia sản trên trời và gia sản dưới đất. Gia sản nơi trần gian được tạo lập bằng tích lũy. Gia sản trên trời được tạo lập bằng cho đi. Để tích lũy tài sản nơi trần gian, ta phải tiện tặt, chắt bóp, nghĩ đến lợi nhuận của bản thân hơn đến người khác. Để tích lũy gia sản trên trời, ta phải rộng rãi, hào phóng nghĩ đến người khác hơn bản thân mình. Càng cho đi ở đời này, ta càng giàu có ở trên trời.
Nhưng thật đáng tiếc, vì nhiều người hôm nay vẫn mải mê tìm kiếm của cải trần gian mà không lo làm giầu trước mặt Chúa. Bởi vì vẫn còn đó những kẻ lợi dụng sự khó khăn túng thiếu của người khác để chèn ép, tước đoạt, để cho vay nặng lãi và làm giàu. Vẫn còn đó những kẻ bỏ lễ, bỏ đạo để làm tôi cho ma qủy, mong được hưởng những bổng lộc trần gian mau qua. Vẫn còn đó những kẻ chuyên gian dối, lọc lừa, đổi giá, tráo hàng để thu lợi. Vẫn còn đó những kẻ buôn thần bán thánh nhân danh nhân nghĩa để biển thủ tư lợi riêng. Đồng tiền đã và đang làm cho xã hội điêu đứng, cho tình con người trở thành thứ yếu vì “tiền là trên hết”.
Xin Chúa giúp chúng ta biết khôn ngoan chọn lựa thiên đàng vĩnh cửu hơn là những vinh hoa phú quý mau qua, và xin cho chúng ta biết khôn ngoan tích lũy kho tàng trên trời qua đời sống bác ái , quảng đại chia sẻ với mọi phận người khổ đau. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————————-
Sắm Sẵn Chỗ Ở Trên Quê Trời
Bài Tin Mừng hôm nay cho biết: Khi chủ nhà sắp sa thải người quản gia vì những hành vi mờ ám trong việc quản lý tiền bạc, anh vô cùng lo lắng vì mai đây, anh không còn nơi nương tựa, không còn cơm ăn áo mặc như lâu nay. Sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, anh tìm được cách xử trí khôn ngoan.
Anh khôn khéo gọi các con nợ của chủ đến, dùng quyền hạn chủ trao cho mình, tha bớt phần nợ cho họ. Khi làm như thế, anh hy vọng mai đây, khi bị đuổi việc, những con nợ nầy sẽ đền ơn và sẽ đón rước anh vào nhà họ.
Mỗi người chúng ta cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự như người quản gia nầy. Hôm nay, Chúa trao cho ta quản lý tài sản của Ngài và mai đây, Ngài đòi ta tính sổ.
Tài sản Chúa trao gồm nhiều thứ: Có những thứ vô hình, tiềm ẩn trong ta như thời giờ, sức khỏe, trí tuệ, tài năng… Có thứ hữu hình bên ngoài như nhà cửa, xe cộ, các loại đồ dùng, vân vân…
Như ông chủ nói với người quản gia trong Tin Mừng: “Anh hãy tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” thì mai đây, sớm muộn gì Chúa cũng nói với mỗi người chúng ta rằng: “Hãy tính sổ đi, vì hôm nay, con phải hoàn trả lại cho ta những gì Ta trao cho con quản lý và ra khỏi thế giới nầy để sang thế giới bên kia!”
Đây thật là những lời hãi hùng, khủng khiếp!
Khi nghe những lời nầy, nhiều người sẽ rất kinh hoàng, sợ hãi. Phải rời bỏ thế giới nầy ư? Phải trả lại tất cả những gì tôi đang có, không giữ lại được chút gì hay sao?
Thưa đúng vậy, phải lìa bỏ hết, phải trả lại tất cả… Số phận mọi người trên đời đều như thế, không miễn trừ cho bất cứ ai.
Vậy thì phải tính sao đây? Đâu là cách xử trí sáng suốt và khôn ngoan?
Làm cách nào để mai đây khi phải tính sổ với Chúa và rủ bỏ mọi thứ trên đời nầy ra đi, chúng ta được đón nhận vào chốn vĩnh phúc?
Người quản gia trên đây nghĩ được một diệu kế: đó là tranh thủ quyền hạn mình đang có, để xóa bớt nợ cho những con nợ của chủ, hy vọng rằng mai đây, khi bị sa thải, những người nầy sẽ đón anh vào nhà họ.
Chúa Giêsu khen cách xử sự như thế là khôn và Ngài khuyên chúng ta hãy dùng tài sản của cải ta đang quản lý, để mua sẵn chỗ ở trên thiên đàng; Nếu ta chần chừ không dứt khoát, ngày tính sổ sẽ đến bất ngờ; bấy giờ ta sẽ trắng tay và chỗ ở trên thiên đàng cũng chẳng có! Bi thảm biết bao!
Sắm sẵn chỗ ở trên thiên đàng
Sắm sẵn chỗ ở trên thiên đàng là dùng mọi ân huệ Chúa ban như thời giờ, sức khỏe, tài năng, trí tuệ… cũng như tiền bạc, của cải để giúp đỡ người nghèo, chăm sóc người đau bệnh, phục vụ người gặp hoạn nạn, tai ương. Phải thực hiện điều nầy ngay hôm nay, đừng chờ đến ngày mai.
Những món quà được trao cho những người khốn khó không bao giờ mất đi, nhưng sẽ tồn tại mãi bên ta và là chìa khóa mở cửa cho ta vào thiên đàng.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con nhớ rằng chúng con không phải là chủ nhân của những gì mình đang có mà chỉ là người quản lý thôi và chẳng biết lúc nào Chúa đòi chúng con tính sổ. Vì thế, xin dạy chúng con biết tranh thủ thời gian còn lại, sử dụng của cải Chúa ban để mua chỗ ở trên thiên đàng. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
————————————-
Tôi Trung Một Chủ
CN 25TN.C – (Lc 16, 1 – 13)
Con đường sự sáng, sáng tâm linh
Quản lý ân ban sống chân tình
Của cải thế trần không thủ đoạn
Gia tài thiên quốc biết hy sinh
Khổ đau vạn kiếp lòng gian dối
Hạnh phúc vĩnh hằng dạ khiết trinh
Trung tín, khôn ngoan luôn tỉnh thức
Tôi trung một chủ, chủ công minh
Hạt Nắng
—————————————-
Khôn Ngoan
CN 25TN.C – (Lc 16, 1 – 13)
Chúa quảng đại yêu thương ban tặng,
nén hồng ân ánh sáng ngập tràn.
Bạc tiền, sức khỏe, thời gian,
tài năng trổi vượt muôn vàn ơn thiêng.
Chúa tin tưởng trao quyền quản lý,
biết sinh lời theo ý Ngài mong.
Yêu thương phục vụ cộng đồng,
nhiệt tình chia sẻ một lòng tín trung.
Người khôn ngoan tiêu dùng chính trực,
tạo gia tài công đức mai sau.
Càng cho đi, lại càng giàu,
con đường sự sáng nhiệm mầu an vui.
Kẻ mê muội nhuốm mùi tục lụy,
tính tham lam tích lũy cho mình.
Thích thu vào, ngại hy sinh,
làm tôi tiền của tâm linh mịt mờ.
Ngày tính sổ đợi chờ trước mặt,
kẻ bất trung héo hắt tâm can.
Khổ đau, xấu hổ, lệ tràn,
nhìn người trung tín hân hoan reo mừng.
Tạ ơn tình Chúa bao dung…
Bâng Khuâng Chiều Tím
—————————————-
Có Một Thời…
CN 25TN.C – (Lc 16, 1 – 13)
Một thời đi hoang, một thời lầm lỡ,
một kiếp lang thang, thân xác bơ phờ.
Phung phí một thời, ảo vọng trời mơ,
băng hoại tâm linh, nhận chìm nhân phẩm.
Một thời chiên hoang, sa chân lạc đàn,
dằn vặt tâm can, đau nhói bàng hoàng.
Chua xót ngậm ngùi, tài sản Cha ban,
đánh mất, tiêu tan, giữa chốn đại ngàn.
Cha ơi! Xin thương xót,
lòng nhân từ, xin Cha tha thứ.
Đời con, quản lý bất trung,
làm sao đáp đền cân xứng.
Cha ơi! Xin thương xót,
tình yêu Cha là nguồn sức sống.
Lòng Cha từ ái bao dung,
đưa con thoát cảnh khốn cùng.
Một đời ăn năn, con quay trở về,
tìm lại yêu thương, tìm lại cuộc đời.
Ân phúc ngập tràn, tài sản Cha ban,
hoa trái đại ngàn, kính tiến dâng Cha.
M. Madalena Hoa Ngâu
——————————————–
Dự Án Tương Lai
CN 25TN.C – ( Lc 15, 1 – 32)
Con sinh ra trong vòng tay trìu mến,
trong tình yêu của Thiên Chúa bao dung.
Của mẹ cha sự kết hợp tương phùng,
con hiện diện với muôn vàn ân sủng.
Bước vào đời con ngỡ ngàng lúng túng,
mơ đắp xây cuộc sống mới ngày mai.
Bằng khôn ngoan, học thức lẫn tiền tài,
hồn mê đắm vờn theo cơn lốc xoáy.
Chốn trường đời con lao đao, hí hoáy,
mãi kiếm tìm của tạm bợ phù du.
Như thiêu thân lao vào chốn ngục tù,
mau gom góp của chóng qua hư nát.
Thích lọc lừa, dù đời ai xơ xác,
thích giàu sang, thích thu lợi dối gian.
Con suy tôn tiền của lẫn bạc vàng,
làm nô lệ theo con đường bất chính.
Ngày hôm nay với bao nhiêu toan tính,
con bồi hồi nghe tiếng nói lương tri.
Bao năm qua con thu góp được gì…?
hay đã lạc bước xa đường lối Chúa..!
Con nghẹn ngào như cành hoa héo úa,
bởi đã làm tôi hai chủ Chúa ơi..!
Con lãng quên tình Chúa đã trao lời,
mê tiền của không làm tôi Chúa được.
Nay bừng tỉnh tâm hồn con ao ước,
được quay về bên lòng Chúa khoan nhân.
Được lắng nghe lời khuyên nhủ ân cần,
tình yêu Chúa thương trao lời hằng sống.
Xin chọn Chúa là nguồn ban sự sống,
đặt Chúa là cùng đích của đời con.
Tùng phục Ngài luôn một dạ sắt son,
lời Chúa phán con xin vâng đáp lại.
Nhờ ơn Chúa tâm hồn con hăng hái,
biết sẻ chia bao nỗi khổ nhọc nhằn.
Với những người đói khát thiếu của ăn,
người cơ nhỡ, tù đày hay khách lạ.
Chiếc áo ấm phủ tâm hồn băng giá,
nở nụ cười trao người sống cô liêu.
Kẻ cô đơn khi ở tuổi xế chiều,
con kết bạn với tâm tình thân thiết.
Thiên chức làm người giúp con nhận biết,
phải sống cho hợp pháp với tha nhân.
Giới răn Chúa phải thực hiện chuyên cần,
con cái Chúa phải công minh, chính trực.
Lời Chúa dạy tâm hồn con nao nức,
biết đắp xây dự án của tương lai.
Biết tính toan một cuộc sống lâu dài,
dưới ánh sáng Tin Mừng,
đón chờ nguồn vui vĩnh cửu.
AP. Mặc Trầm Cung