SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 812, CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – C, 04/09/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 14, 25–33)

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. “Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: ‘Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi’.
“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Làm Môn Đệ Của Chúa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Từ Bỏ Hết Là Từ Bỏ Cái gì? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Tập Buông Bỏ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Từ Bỏ Là Quy Luật Sinh Tồn Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7

THƠ TIN MỪNG

Khúc Tình Si Hạt Nắng Trg 9
Tình Gọi Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Gia Nghiệp Đời Con M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Hoan Ca Đường Thập Giá A.P. Mặc Trầm Cung Trg 12

——————————————-

 

Làm Môn Đệ Của Chúa

Ai trong chúng ta cũng mong ước được làm môn đệ của Chúa. Ai cũng muốn theo chân Chúa. Nhưng ta có thực sự hiểu làm môn đệ Chúa là như thế nào không? Hôm nay Chúa chỉ cho ta thấy rõ điều đó.

Làm môn đệ là một việc làm nghiêm túc. Đây không phải là một cảm tính bồng bột nhất thời. Nhưng là một việc lâu dài. Chúa Giêsu ví việc làm môn đệ theo Chúa với việc “xây dựng một cây tháp” và việc “chiến đấu với kẻ thù”. Xây dựng cây tháp là một việc làm lớn lao. Chiến đấu với kẻ thù là việc làm nghiêm trọng. Vì thế cần phải ngồi xuống suy tính cho cẩn trọng, chi li. Cũng thế việc làm môn đệ của Chúa là một việc làm nghiêm túc, vừa lớn lao như sự nghiệp cả đời, vừa nghiêm trọng vì ảnh hưởng tới cả định mệnh. Vì thế phải ngồi xuống suy tính cho kỹ lưỡng để có thể theo Chúa đến cùng. Phải suy tính kỹ lưỡng vì làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng.

Làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng. Môn đệ không phải là kẻ hiếu kỳ cưỡi ngựa xem hoa. Môn đệ không phải là kẻ tài tử nay làm mai không. Môn đệ là người đi theo thầy suốt đời, sống như thầy trong mọi sự. Chính vì thế mà phải coi thầy là thần tượng duy nhất. Chính vì thế mà phải từ bỏ tất cả, không chỉ người thân mà từ bỏ cả chính bản thân với những ý nghĩ riêng tư. Để không những đi theo thầy, sống như thầy mà con ăn nói như thầy, suy nghĩ như thầy nữa. Kitô hữu là người mang Chúa Kitô trong mình. Muốn có Chúa Kitô trong mình, ta phải loại bỏ tất cả những gì không phải Chúa ra khỏi mình. Điều này chắc chắn không dễ dàng. Nhưng ta an tâm, vì Chúa Giêsu không chỉ đòi hỏi ta. Người đã đòi hỏi chính mình trước. Chúa Giêsu không chỉ đòi ta vác thánh giá. Chính Người đã vác thánh giá trước. Ta sẻ cảm thấy dễ dàng vì chỉ việc làm như Chúa Giêsu.

Làm môn đệ là làm như Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu đòi hỏi ta từ bỏ, chính Người đã từ bỏ trước. Người đã từ bỏ trời cao để xuống đất thấp. Người đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người. Sự từ bỏ được thấy rõ qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của loài người và tự nguyện chết thay loài người. Khốc liệt nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha. Cuộc chiến đấu khốc liệt đã thấy trong vườn Giêtsimani, khi nhìn thấy trước cái chết đau đớn tủi nhục sắp tới, Người run sợ muốn lẩn tránh bỏ cuộc, nên đã tha thiết cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén đắng này”. Nhưng cuối cùng, Chúa đã từ bỏ ý riêng, vâng theo ý Cha, sẵn sàng ra đi chịu chết: “Nhưng đừng theo ý con, xin vâng ý Cha mà thôi”.

Nhờ hoàn toàn từ bỏ ý riêng, vác thánh giá đi đến cùng, Chúa Giêsu đã hoàn thành công việc của Chúa Cha trao phó, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Người môn đệ, khi hoàn toàn từ bỏ chính mình, sẽ nên một với Chúa Kitô, cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Làm môn đệ là gì?
2. Chúa Giêsu đã nêu gương từ bỏ thế nào?
3. Tại sao ta phải từ bỏ tất cả?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

——————————————-

 

Từ Bỏ Hết Là Từ Bỏ Cái Gì?

Tôi vẫn biết: Đức Giêsu đòi những ai theo Người phải từ bỏ nhiều, và từ bỏ tới độ khắt khe tuyệt đối…, tuy nhiên thú thực, riêng câu nói ‘từ bỏ hết những gì mình có’ thì thật cho tới giờ phút này tôi vẫn chưa hoàn toàn hiểu nổi: thế nào là ‘bỏ hết những gì mình có’, Người chỉ khoanh vùng lãnh vực của cải vật chất như vẫn thường được hiểu, hay cả các lãnh vực khác nữa?
Thói thường thì, khi làm bất cứ việc gì dầu to hay nhỏ, thế nào thì ta cũng phải sẵn sàng từ bỏ, khước từ một điều gì đó tương xứng: việc càng lớn, càng cao đẹp thì càng đòi hỏi nhiều từ bỏ, nhiều hy sinh. Đức Phật cũng đã chẳng từng từ bỏ ngai vàng, cung đình giầu sang, vợ đẹp con khôn… để đi tìm chính đạo, tìm con đường giác ngộ đó là gì? Thế thì việc Đức Giêsu đòi các môn đệ xin theo Người phải chấp nhận từ bỏ một số điều nào đó thì cũng là chuyện bình thường thôi. Ta biết: học thuyết hay lý tưởng càng cao xa bao nhiêu thì điều kiện càng phải triệt để bấy nhiêu; thậm chí trong một số trường hợp, ngay ‘dứt bỏ… cả mạng sống mình nữa’ cũng không có gì là quá đáng. Nhiều người theo lý tưởng cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc… cũng đã chẳng làm như thế là gì? Tuy nhiên khi Đức Giêsu đòi, phải ‘từ bỏ hết những gì mình có’ thì thú thực, tôi chưa hẳn đã chắc nó chứa đựng nội dung gì; có khắt khe hơn cả ‘hy sinh mạng sống mình’ hay không?

Vấn nạn chính là: thế nào là từ bỏ ‘hết những gì mình có’, và những gì tôi có thực chất là gì? Các câu hỏi trên không dễ gì có giải đáp rốt ráo, vì thật ra khái niệm về ‘những gì mình có’ cũng rất mơ hồ, không gì rõ ràng hết. Thiết tưởng để hiểu được điều này, lý luận sẽ không mấy thuyết phục, chi bằng chúng ta hãy quan sát một trường hợp cụ thể là chính Đức Giêsu: để rao giảng Tin Mừng, Người đã phải ‘bỏ’ điều gì? cụ thể Người đã sống ra sao? Và tại sao Người lại làm tới mức như thế?
Tôi thiết nghĩ: Phaolô là người đầu tiên đã khám phá ra điều này khi chiêm ngắm Đức Kitô chịu chết treo trên thập giá. Đoạn thư gửi tín hữu Philipphê chương 2 câu 6-8 có lẽ là mạc khải cao siêu nhất trong toàn bộ Kinh Thánh, một mạc khải không tưởng đối với bất kỳ một suy tư tôn giáo nào: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Người lại còn hạ mình, vâng lời cho tới nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” Qua đoạn văn trên Phaolô cho thấy một Giêsu nguyên vẹn, trong cả bản tính Thiên Chúa lẫn loài người, đúng là đã ‘từ bỏ hết những gì mình có’; và Người làm điều này cách rất ý thức và hoàn toàn tự nguyện. Chính sự ‘từ bỏ hết’ này mới giải thích và biện minh được cho việc nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, cho việc Người chết treo trên cây thập tự, cho thái độ cũng như thực hành vâng phục hủy diệt, khó nghèo trần trụi và thanh khiết cô đơn của Người. ‘Từ bỏ hết’ mà Đức Giêsu đã thể hiện không đơn thuần là một thực hành của tu đức hay khổ chế. Đây quả thực là một mạc khải thâm sâu và độc đáo nhất về Thiên Chúa của Tân Ước. Nếu Đức Chúa Giavê của Cựu Ước là cao cả và sung mãn bao nhiêu, thì chính Thiên Chúa của Kitô Giêsu Thập Giá trong Tân Ước lại trần trụi, lại tự hủy, lại ‘bỏ hết’, lại hèn hạ bấy nhiêu. Tôi dám khẳng định điều trên là vì chính Đức Giêsu đã công bố: “Tôi và Cha tôi là một!” (Ga 10:30 và Ga 17:21)

Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là: nếu Đức Kitô đã ‘bỏ hết’, thì Người làm điều này vì mục đích gì? Đức Giêsu đã không làm tất cả các điều trên (=bỏ hết) vì mong đợi một vinh quang, một phần thưởng! Trong đoạn văn kế tiếp, Phaolô đã coi việc siêu tôn Người là hoàn toàn do Thiên Chúa Cha chủ động: “Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu…” Lý do duy nhất giải thích được việc ‘từ bỏ hết những gì mình có’ của Đức Giêsu là: để Người có thể trọn vẹn ném mình vào lòng thương xót vô biên của Cha, để sống và thể hiện vương quốc tình yêu bao la ấy. Thật vậy, lời cuối cùng Đức Giêsu đã thốt ra trên Thập Giá công bố mục tiêu tối hậu của cuộc sống Người nơi trần gian: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Xin lưu ý: ‘hồn = anima’ có nghĩa là cả hồn, xác và toàn bộ cuộc sống (kể cả những gì ta cho là cao quí, là cao thượng nhất) để hoàn toàn trần trụi, ném mình vào vòng tay nhân ái của Cha.

Như vậy khi đòi những ai ‘cùng đi đường’ với mình phải ‘dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa’, cũng như phải ‘vác thập giá mình mà đi theo tôi’, Đức Giêsu không chỉ nêu lên một đòi hỏi tu đức, một tu thân khắc kỷ. Người đang chỉ cho thấy một chuẩn bị cần thiết, một thái độ căn bản để đi vào trong tương quan với Chúa Cha nhân ái; ai không chuẩn bị để trọn vẹn ném mình vào cõi lòng từ nhân xót thương của Thiên Chúa, người đó không thể ‘đi cùng đường’ với Đức Giêsu. Do đó ‘vác hay đóng đinh mình vào Thập Giá’, như thư gửi tín hữu Do Thái đề cập tới (Dt 4:14-16; 5:7-9), phải hiểu là phó mình trọn vẹn cho lòng nhân ái Chúa Cha mà người môn đệ nào cũng phải thể hiện. Bao lâu người môn đệ còn dính bén (chưa dứt bỏ hết) với bất cứ tạo vật nào (kể cả những gì vẫn được người đời coi là cao đẹp về mặt tinh thần hay thiêng liêng), bấy lâu họ vẫn chưa thể trọn vẹn ném mình vào vòng tay nhân ái của Cha, họ chưa thể coi là ‘đi cùng đường’ với Đức Giêsu, để rồi cùng Người tiến về mục tiêu duy nhất là đón nhận Tin Mừng cứu độ.

Nếu như thế thì phó thác trọn vẹn cho lòng nhân ái của Chúa Cha đâu phải là chuyện nhỏ! Ngay cả việc xây tháp hay giao chiến cũng chẳng là gì so với việc ‘chấp nhận tự hủy’ của Thập Giá! Chuyện này có thể nhiều người cao trọng, khôn ngoan thông thái không kham nổi, nhưng lại quá dễ dàng vả tự nhiên đối với trẻ thơ và những người đơn sơ hèn mọn. Phaolô là vị thánh đã hiểu ra rằng: chấp nhận Thập Giá trong nội dung này quả là việc lớn hơn hết thảy mọi sự: ‘tôi không biết một Đức Kitô nào khác ngoài Đấng chịu đóng đinh’ (1 Cr 2:2). Phải, niềm tin đích thực của mọi Kitô hữu là chấp nhận để mình chịu đóng đinh vào Thập Giá với Đức Kitô Giêsu, vì đó là sự khôn ngoan tuyệt đỉnh chứa đựng trong điều mà người đời luôn cho là ô nhục, là điên rồ (1 Cr 1:17-31). Họ chấp nhận ‘bỏ hết’, bỏ không chỉ sang giầu, không chỉ tài năng thông thái, mà cả tới nhân đức thiêng liêng, tức không bấu víu vào bất cứ cái gì trong những điều đó, chỉ để có được tình yêu nhân ái của Thiên Chúa làm gia nghiệp mà thôi!

Lạy Chúa từ nhân, con sẵn sàng đánh đổi tất cả để chiếm được lòng thương xót đầy từ ái của Chúa. Tình cảm của người thân như cha mẹ, vợ con, anh em, chị em là quí giá, nhưng lòng thương xót của Cha trên trời còn vĩ đại bao la hơn nhiều. Con cần tình yêu của người trần thế, nhưng con sẽ mất tất cả nếu thiếu vắng lòng thương xót của Cha. Con cần thủ đắc được rất nhiều điều cao quí cho cuộc sống, nhưng còn cần ‘từ bỏ hết mọi sự’ hơn nữa để đón nhận Tin Mừng cứu rỗi. Xin cho con biết cùng Giêsu Thập Giá tự hủy để có thể phó trọn hồn con trong vòng tay nhân ái Cha. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

———————————————–

 

Tập Buông Bỏ

Con người chúng ta thường đau khổ là bởi vì trong lòng có quá nhiều gánh nặng, quá nhiều ưu tư, quá nhiều nỗi buồn,… Có nỗi buồn của quá khứ. Có nỗi buồn vì tương lai còn tăm tối. Đôi khi chỉ cần buông bỏ thì tâm hồn sẽ bình an và hạnh phúc hơn.
Có chiếc xe chở hàng khá cao, khi đi qua cầu, chiếc xe bị kẹt ở đó vì chiều cao nhất của hàng cũng vừa với độ cao của cầu ở vị trí đó. Anh tài xế loay hoay mãi mà không tới, không lui được.
Nhiều người xúm lại góp ý: Có người cho rằng phải đào đường cho thấp xuống xe mới qua được, người khác lại tính cắt bớt mui xe… nhưng cách nào cũng không ổn.
Bất ngờ một cậu bé hét lớn: “Bác tài hãy xì bớt hơi mấy bánh xe đi”.
Ðám đông cười ồ lên. Hóa ra tình huống quá đơn giản mà không ai nghĩ ra.
Đừng vội cười về người tài xế hay là gợi ý của em bé, có đôi khi chính chúng ta cũng không khác gì chiếc xe kia đang kẹt vì tham vọng, thất bại, nghèo đói, bệnh tật, thử thách…. Và khi ta chỉ cần buông bỏ những bận tâm ấy lại giúp cho tâm hồn chúng ta vui tươi và bình an. Người khôn ngoan là đừng để cho tâm hồn ta bị mắc kẹt vì những tham vọng vượt quá khả năng.
Cho nên, nếu chúng ta biết buông bỏ trong đời sống hiện tại, buông đi những danh lợi, những hận thù tranh chấp, những “Tham – Sân – Si” thì niềm an vui và thanh thản sẽ đến trong tâm hồn.
Buông bỏ cũng là cách chúng ta chữa trị tâm hồn khỏi lắng lo muộn phiền như có ai đó viết rằng:
“Bận lòng chi nắm bắt
Trăm năm nữa không còn
Xin về làm mây trắng
Nhẹ nhàng trôi thong dong”.

Chỉ có buông bỏ hết tất cả thì lòng ta mới rộng mở, mới có thể thấy được những điều tốt đẹp ở phía trước. Đau khổ là bởi vì chúng ta cầu mà không được. Hạnh phúc chính là vui với phận mình và bằng lòng với những gì mình đang có.
Lời Chúa hôm nay mời gọi những ai là môn đệ Chúa cần phải biết buông bỏ. Buông bỏ những quyến luyến, thích thú hay đam mê. Buông bỏ những cái mình yêu thật là khó. Từ bỏ những cái mình gắn bó lâu dài càng khó hơn. Thế nhưng, vì Chúa chúng ta sẵn lòng. Vì Chúa chúng ta hy sinh. Vì Chúa chúng ta sống vâng theo thánh ý Chúa. Từ bỏ như thế gọi là thập giá. Thập giá vì lòng yêu mến Chúa sẽ trở thành thánh giá vinh quang.
Khi từ bỏ danh lợi thú thì tâm hồn ta sẽ thanh thoát, sẽ an nhiên vì không còn lệ thuộc bởi những phù du chóng qua. Khi buông bỏ mọi bám víu của trần gian thì lúc đó ta chỉ còn bám vào Chúa và đi theo Chúa. Khi bám vào Chúa thì đường đi sẽ hết âu lo, và cuộc đời sẽ rất an vui vì Chúa sẽ an bài mọi sự cho chúng ta.
Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta hãy để Chúa dẫn dắt chúng ta. Hãy để Chúa dìu chúng ta qua những cám dỗ trần thế, còn chúng ta cứ vững bước theo Thầy. Có Chúa chúng ta sẽ không còn sợ nghi nan. Có Chúa dẫn đường sẽ dẫn đưa chúng ta đến bến bờ hạnh phúc. Thế nên, chúng ta hãy buông bỏ mọi sự để bước đi theo Chúa trong niềm tín thác trng kiên. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

—————————————————-

Từ Bỏ Là Quy Luật Sinh Tồn

Phấn đấu để tăng thêm thu nhập, để vơ vét thật nhiều, để có thêm địa vị, công danh… là những quan tâm hàng đầu của nhiều người trong xã hội.

Thế mà qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi những ai theo Ngài, thay vì tìm mọi cách thu vào như bao người khác, thì hãy bỏ ra, hãy từ bỏ những gì mình có để dấn thân phục vụ. Ngài dạy: “Ai theo tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26-27).

Lời Chúa xem ra ngược đời, rất khó chấp nhận. Tại sao Chúa Giêsu lại yêu cầu như thế?

Chúng ta cùng tìm hiểu xem.
Mùa thu về, cây trút hết lá; mùa xuân đến, cây đơm lộc xanh tươi. Cây cối cần phải từ bỏ lá già, lá cũ để khoác lá mới; nhờ thế, cây được lớn lên.

Cây nho phải chịu cắt bỏ nhiều cành nhánh tốt tươi, mới có thể nẩy ra nhiều lộc non và sinh hoa kết trái. Loài rắn cũng phải từ bỏ bộ da cũ để thay da mới; có vậy rắn mới trưởng thành. Loài tôm cũng phải lột vỏ nhiều lần theo đà tăng trưởng để lớn lên…

Nói chung, từ bỏ là quy luật sinh tồn, là điều kiện tối cần để cho muôn vật muôn loài được sống còn và tăng trưởng.

Con người là một sinh vật như bao nhiêu loài vật khác, nên muốn tăng trưởng và tồn tại, con người cũng không thoát ra ngoài quy luật đó.

Hằng ngày cơ thể ta loại bỏ hàng tỉ tế bào cũ để thay vào đó những tế bào mới, nhờ đó cơ thể được lớn lên và mạnh khoẻ. Nếu các tế bào cũ không chịu chết đi để nhường chỗ cho những tế bào mới, thì khối u sẽ xuất hiện và có nguy cơ dẫn đến ung thư và cái chết đau thương!

Trong mọi lãnh vực, muốn đạt tới những thành công tốt đẹp thì người ta cần phải từ bỏ không ngừng: Người lao động phải đổ nhiều mồ hôi, phải bỏ ra nhiều công sức, trí tuệ mới kiếm đủ tiền cấp dưỡng cho bản thân và gia đình. Người lính chiến phải chấp nhận hy sinh thân mình mới bảo vệ được quê hương. Học sinh phải từ bỏ nhiều giờ vui chơi giải trí, giảm bớt giờ ngủ nghỉ để miệt mài đèn sách thì mới có cơ may bước vào đại học. Các nhà khoa học phải bỏ ra nhiều năm nghiên cứu kiên trì mới có cơ may phát minh và sáng chế…

Muốn làm ăn lên, phải đầu tư bỏ vốn; muốn thu vào, phải phát ra. Ai không phát ra, không từ bỏ, thì không thể thu vào được điều gì đáng giá. Đó là quy luật của cuộc đời.

Hôm nay, Chúa Giêsu kêu mời chúng ta từ bỏ những gì?
Hiện nay, Chúa Giêsu chưa kêu mời số đông trong chúng ta từ bỏ cha mẹ, vợ con, họ hàng vì Chúa và vì Nước Trời đâu, Ngài chỉ mời chúng ta từ bỏ những điều nho nhỏ trước.

Khi có người đau yếu, Chúa mời chúng ta từ bỏ công ăn việc làm để viếng thăm, chăm sóc, chúng ta có đáp ứng không?

Khi có người lâm cơn túng thiếu, hoạn nạn, Chúa kêu mời chúng ta chia sớt tiền bạc và hy sinh thời giờ, công sức để cứu giúp, chúng ta có chấp nhận không?

Khi có người làm buồn lòng ta, làm tổn thương tự ái của ta, Chúa kêu mời chúng ta từ bỏ oán hận để cảm thông tha thứ, chúng ta có sẵn sàng không?

Thông thường hơn, mỗi tối, Chúa mời chúng ta từ bỏ giờ xem phim hay nghe ca nhạc trên các kênh truyền hình để dành ra mươi phút đọc kinh gia đình, thờ phượng, tạ ơn Chúa, chúng ta có từ bỏ được không?

Nếu chúng ta chưa từ bỏ mình để thực hành những điều tương tự như trên, chúng ta không xứng đáng là môn đệ Chúa.

Lạy Chúa Giêsu. Chúa phán rằng: “Ai nâng niu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ giữ được mạng sống” (Mt 10, 39).
Xin cho chúng con chấp nhận hy sinh thời giờ, tiền của, công sức, khả năng… Chúa ban để cứu giúp người hoạn nạn, cứu chữa người đau yếu, đem lại an vui và hạnh phúc cho những người đang sống chung quanh, nhờ đó, chúng con được Chúa nhìn nhận là người môn đệ chính danh của Ngài. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

———————————————-

 

Khúc Tình Si
CN 23TN.C – (Lc 14, 25 – 33)

Tiếng Chúa gọi mời con bước theo

Hy sinh chấp nhận sống đơn nghèo

Tình thân quí trọng hồn khai điệu

Mến Chúa tôn thờ dạ khúc reo

Từ bỏ ý riêng dù vượt dốc

Vâng theo Thánh ý dẫu băng đèo

Sóng đời giăng lối hồn trung tín

Đối diện phong ba vững mái chèo

Hạt Nắng

———————————————-

 

Tình Gọi
CN 23TN.C – (Lc 14, 25 – 33)

Lòng dạt dào hân hoan theo Chúa,
vui ngắm nhìn đồng lúa phong nhiêu.
Tình yêu đáp lại tình yêu,
con đường thập giá tiếng “Yêu” gọi mời.

Trong thử thách đáp lời trung tín,
trong gian nan công chính hiến dâng.
Phong ba bão tố xoay vần,
đức tin kiên vững xin vâng theo Ngài.

Không chú trọng tiền tài danh vọng,
không chạy theo chức trọng quyền cao.
Cuộc đời tín thác dâng trao,
chấp nhận gian khổ máu đào chứng minh.

Chiều Can-vê ân tình thổ lộ,
Con Chúa Trời thi thố tình yêu.
Trút bỏ địa vị cao siêu,
mặc thân nô lệ quyết yêu đến cùng.

Bỏ ý riêng phục tùng Thánh ý,
sống trung thành ý chí kiên trung.
Nương nhờ Tình Chúa bao dung,
hy sinh tự nguyện thủy chung vẹn toàn.

Hoàng hôn chiều đổ nắng vàng,
suối tình thập giá tuôn tràn yêu thương.
Vì yêu Con Chúa mở đường…

Bâng Khuâng Chiều Tím.

———————————————–

 

Gia Nghiệp Đời Con
CN 23TN.C – (Lc 14, 25 – 33)

Bao tháng ngày con sống trong giả dối,
vờ yêu thương đưa đẩy mắt vấn vương.
Lả lơi, buông thả, giả dối yêu đương,
con tim chai sạn ngập chìm trong tăm tối

Kiếp u mê sống lầm đường lạc lối
vật chất, bạc tiền trói buộc kiếp mong manh.
Danh vọng, cao sang như cơn sóng chòng chành,
cậy dựa vào nhân thế,
nỗi ê chề,
dày xéo tâm tư từng đêm vắng.

Phận mỏng dòn vỡ tan cơn ác mộng,
Chúa ngậm ngùi chờ con giữa bão giông.
Chiếc thuyền nan giữa sóng gió bềnh bồng,
lòng thương xót của Chúa nâng đời con đứng dậy.
Ra khỏi vũng lầy thoát nọc độc mê say,
bước theo Chúa xin giã từ vinh hoa trần thế.

Ơn Khôn Ngoan sáng soi đường cứu thế,
can đảm giã từ một kiếp sống dối gian.
Lòng Chúa bao dung ban ân sủng ngập tràn,
giã từ quá khứ,
đắm mình trong dòng sông thanh tẩy.

Ngọn lửa tình yêu đốt trong con bừng cháy,
Yêu Chúa hết lòng,
trước hết mọi người,
trên hết mọi sự,
xin chọn Chúa là gia nghiệp của đời con.

M. Madalena Hoa Ngâu

———————————————-

 

Hoan Ca Đường Thập Giá
CN XXIII TN.C – (Lc 14, 25 – 33)

Con đường thập giá Chúa đã đi,
con đường khiêm hạ sống nhu mì.
Con đường vâng phục luôn tín thác,
ý Cha nên trọn quyết thực thi.

Chúa đã nêu gương thân phận hèn,
mỏng dòn yếu đuối ngã bao phen.
Kiếp Người Tôi Tớ luôn trung tín,
dâng hiến thân mình phận muối – men.

Nay Chúa gọi con bước theo Ngài,
con đường gian khó lắm chông gai.
Con đường mạo hiểm đi theo Chúa,
thập giá hằng ngày vác trên vai.

Lời Chúa gọi con thật ngỡ ngàng,
đồng hình cùng Chúa sống hiên ngang.
Mạnh mẽ tuyên xưng niềm xác tín,
tình yêu tuyệt đối Chúa cao quang.

Con quyết theo Ngài chẳng vấn vương,
dầu cho trần thế lắm đoạn trường.
Tình thân huyết nhục luôn trân quý,
tình Chúa cao vời thơm ngát hương.

Con đường từ bỏ lắm nhiêu khê,
con đường thập giá quá ê chề.
Con đường đau khổ gieo nước mắt,
gặt giữa tiếng cười khúc say mê.

Tình yêu của Chúa vẫn bên con,
nâng đỡ hồn con lúc mỏi mòn.
Tăng sức tinh thần luôn bền chí,
thập giá trong đời vững lòng son.

Chúa đã cùng con bước đồng hành,
niềm vui dâng hiến mãi tươi xanh.
Đau khổ hiến dâng thành hy lễ,
yêu thương, phục vụ chí hùng anh.

Tình yêu đòi hỏi biết hy sinh,
Chúa đã nêu gương hiến thân mình.
Từ bỏ trời cao vui trần thế,
dâng mình giá chuộc cứu nhân sinh.

Nhìn lên Thánh giá, Chúa yêu ơi!
Tình Chúa bao la vút tận trời.
Thân hèn, phận mọn xin dâng Chúa,
yêu Chúa hết lòng chẳng hề vơi.

AP. Mặc Trầm Cung