“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 12, 49-53).
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Ánh Sáng Và Bóng Tối ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Nhìn Lên Trời Để Biết Cuộc Đời Trần Thế GM. Gioan.B. Bùi Tuần Trg 4
Ném Lửa Vào Trái Đất & Maria Có Phúc Vì Đã Tin Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 6
“Hãy Cháy Lên” & Trên Con Đường Về Quê Mà Có Bóng Mẹ. Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 10
Phép Rửa Của Chúa Giêsu & Bí Quyết Để Được Yêu Thương Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 14
THƠ TIN MỪNG
Dáng Ngọc Hồi Cung Hạt Nắng Trg 18
Mông Triệu & Dáng Ngọc Hồi Cung Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 19
Hương Sen Ê-Đen M. Madalena Hoa Ngâu Trg 22
Ngọn Lửa Tình Yêu & Nữ Vương Mông Triệu A.P. Mặc Trầm Cung Trg 23
—————————————–
Ánh Sáng và Bóng tối
Một đạo sĩ Ấn Độ hỏi các đệ tử: “Này các con, các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện không?”. Các môn đệ thi nhau trả lời. Có người hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi mà nhìn một đoàn vật từ xa người ta có thể phân biệt được con nào là con bò, con nào là con trâu không?”. Thày lắc đầu: “Không phải”. Một đệ tử khác lại hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui, là khi từ xa nhìn vào vườn cây người ta có thể phân biệt cây nào là cây xoài, cây nào là cây mít không?”. Thày vẫn lắc đầu. Không đệ tử nào trả lời được câu hỏi. Lúc đó, đạo sĩ mới từ từ nói: “Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”.
Thật kỳ lạ. Chúng ta đã biết nhiều loại ánh sáng như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ánh sáng đèn điện, đèn pin, ánh sáng đèn dầu, đèn cầy. Cả những ánh sáng tinh vi như tia hồng ngoại, tia X. Tất cả chỉ soi sáng cho thấy sự vật như nó là. Không có ánh sáng nào soi vào mặt một người xa lạ có thể biến người đó thành anh em mình cả. Thứ ánh sáng ấy ở đâu?
Mẹ Têrêxa có thể trả lời câu hỏi này. Một hôm, Mẹ ghé thăm một người đàn ông tội nghiệp. Ông sống trong một túp lều tồi tàn, lụp xụp. Bên trong lều là cả một bãi rác mênh mông. Mùng mền, chăn chiếu, quần áo hỗn độn, rách nát và hôi hám. Nhà cửa, đồ đạc phủ một lớp bụi dầy. Thế mà ông lão tự giam mình trong đống rác ấy. Ông ghét bỏ mọi người nên không lui tới với ai. Ông sống cô độc. Mẹ Têrêxa và các chị vào chào ông. Ông làm thinh không đáp. Thấy căn lều hỗn độn, bụi bặm, các chị xin phép ông dọn dẹp, ông không trả lời. Mặc kệ! Các chị cứ bắt tay vào dọn dẹp, xếp đặt, lau chùi. Thấy trong góc lều có một cây đèn, mẹ Têrêxa lấy ra lau chùi. Chùi sạch lớp bụi, mẹ kêu lên: “Ồ, cây đèn đẹp quá!”. Ông lão bỗng lên tiếng: “Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi nhân dịp đám cưới”. – Ông không thắp đèn lên sao?”. – Không, từ khi vợ tôi qua đời, tôi không bao giờ thắp đèn”. – Thế ông có muốn chúng tôi tới thăm ông mỗi ngày và thắp đèn cho ông không?”. Thấy các nữ tu tử tế, ông đồng ý. Từ đó, mỗi chiều các chị đều ghé thăm, truyện trò và thắp đèn cho ông. Dần dà, ông trở nên vui vẻ yêu đời. Ông nói chuyện cởi mở với các nữ tu. Ông đi lại thăm viếng hàng xóm. Mọi người đến với ông. Căn lều hiu quạnh trở lại ấm áp. Trước kia, căn lều tăm tối không phải vì ông không thắp đèn, nhưng vì ngọn lửa trong trái tim ông lịm tắt. Nay căn lều sáng lên niềm vui không phải vì ánh sáng ngọn đèn dầu, nhưng vì ánh sáng trong trái tim ông bừng lên. Trước kia ông thù oán, xa lánh mọi người vì ánh lửa trong trái tim tàn lụi. Nay nhờ các nữ tu nhen nhúm, ngọn lửa trong trái tim ông bừng lên và ông cảm thấy tha thiết yêu mến mọi người và mọi người cũng tha thiết yêu mến ông.
Thứ ánh sáng kỳ diệu ấy phát xuất từ trái tim. Ánh sáng ấy ta thấy thấp thoáng khắp các trang sách Tin Mừng. Khi người xứ Samaria nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho người bị nạn, ánh sáng bừng lên. Hai người xa lạ nhìn vào mặt nhau và nhận ra nhau là anh em.
Chúa Giêsu mang ánh sáng này xuống trần gian. Và Người ước mong cho ngọn lửa yêu thương cháy bừng lên soi sáng cho thế giới: “Thày đã đến ném lửa vào trái đất, và Thày những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Lời ước mong thật tha thiết nhưng có pha lẫn ngậm ngùi. Phải chi lửa ấy đã bùng lên có nghĩa là lửa ấy chưa bùng lên cao, chưa lan ra xa.
Thật vậy, nhìn vào tình hình thế giới, chiến tranh không lúc nào ngơi. Thế kỷ 20 đã biết đến hai cuộc thế chiến với biết bao thiệt hại về người về của và nhất là về tình đoàn kết. Trong thập niên 80, chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông-Tây chấm dứt, người ta tưởng rằng giấc mơ hoà bình thế là đã thành sự thật. Nhưng không, chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Rwanda, Kosovo, ở Trung Đông… ánh sáng vẫn chưa soi tới những vùng chiến tranh. Bóng tối hận thù vẫn còn vây phủ. Những người anh em vẫn còn chém giết nhau.
Nhìn vào bản thân mình, ta thấy trong ta cũng còn nhiều vùng mà ánh sáng Tin Mừng chưa soi dọi tới. Trong lòng ta vẫn còn những ngõ ngách chứa đầy bóng tối ghen ghét, hận thù. Nên ta nhìn ra chung quanh mà ít gặp được anh em mình.
Lời Chúa hôm nay tha thiết kêu gọi ta. Hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng sáng lên. Hãy đẩy lùi bóng tối chiến tranh, chia rẽ, hận thù. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận và ban phát yêu thương, xoá đi những nhỏ nhen, ích kỷ. Để mọi người nhìn nhau là anh em thực sự. Bấy giờ đêm mới tàn và ngày mới bắt đầu. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, ánh sáng rực rỡ phát xuất từ những trái tim chan hoà yêu thương.
Lạy Chúa, xin hãy nhóm lên trong trái tim con ngọn lửa yêu thương của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Bạn đang sống trong ánh sáng hay bóng tối?
2) Bạn có muốn góp phần đem ánh sáng của Chúa đi gieo rắc khắp nơi không?
3) Bạn bắt đầu chiếu sáng bằng cách nào?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
————————————————–
Nhìn Lên Trời
Để Biết Cuộc Đời Trần Thế.
1. Từ rất nhỏ, tôi đã hay nhìn lên Trời. Mẹ tôi dạy tôi hãy nhìn lên đó. Đức tin của tôi lôi kéo tôi hãy nhìn lên đó.
Nhìn lên Trời, để cầu nguyện với Chúa.
Cho đến hôm nay, việc nhìn lên Trời để cầu nguyện với Chúa, đã trở thành như hơi thở của tôi.
Tôi thở để sống thế nào, thì tôi cầu nguyện với Chúa trên trời cũng được tôi coi là cần thiết để tôi sống tốt đời tôi như thế.
2. Nhìn lên Trời để cầu nguyện, đó là một chặng đường dài của đời tôi. Trên chặng đường dài đó, tôi đã được giáo dục, được tập luyện, được dạy dỗ, được dắt dìu từng bước nhỏ. Chặng đường nào cũng có dấu ấn của Chúa Thánh Thần.
Dấu ấn của Chúa Thánh Thần trong chặng đường hôm nay nơi tôi là: Cùng với Đức Mẹ Maria, mà nhìn lên Trời.
3. Trong tinh thần hiệp thông, tôi xin được phép chia sẻ đôi chút về con đường tôi đang đi, mà trên đó tôi đang cảm nhận được sâu sắc sự bình an, vui mừng, hy vọng và hạnh phúc.
4. Trước hết, tôi nhìn lên Trời cùng với Đức Mẹ Maria. Cùng với Mẹ, nghĩa là tôi đã không chọn số đông, mà chỉ chọn số ít. Số ít mà Chúa đã chọn, là Mẹ Maria.
5. Cùng với Mẹ, để nhìn lên Trời, tôi đang làm gì? Thưa tôi ca ngợi chúc tụng Chúa, như Mẹ đã làm qua kinh “Linh hồn tôi tung hô Chúa” (Lc 1,46-55).
6. Tôi ca tụng Chúa, vì đời tôi cũng chỉ tóm gọn vào hai chữ “xin vâng”, như Đức Mẹ đã nói xưa (x. Lc 1,38).
7. Xin vâng cùng với Đức Mẹ, là tôi luôn hết lòng vâng theo ý Chúa Cha. Luôn theo ý Chúa, đừng bao giờ theo ý tôi (x. Lc 1,38).
8. Xin vâng cùng với Đức Mẹ là tôi luôn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Như cành nho với thân cây nho (Ga 15,5).
9. Xin vâng cùng với Đức Mẹ là tôi luôn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn. “Thánh Thần xuống ngự trên Bà” (Lc 1,35).
10. Xin vâng cùng với Đức Mẹ là tôi luôn cùng với Đức Maria đi làm chứng nhân cho Chúa bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào (Cv 1,8).
11. Cùng với Mẹ, tôi làm chứng cho Chúa bằng việc rao giảng Lời Chúa, thực thi công bằng bác ái.
12. Cùng với Mẹ, tôi làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống khiêm nhường, khó nghèo, phục vụ.
13. Thú thức là mấy điều tôi vừa chia sẻ trên đây đều có thể đọc được ở nhiều tài liệu đạo đức. Tôi cũng đã thấy như vậy. Nhưng chỉ khi nhìn lên trời bằng cầu nguyện, tôi mới thực sự gặp được chính Đức Mẹ, để cùng với Đức Mẹ, tôi được Chúa biến đổi tôi nên kẻ xin vâng thực sự.
14. Tôi vừa được may mắn đọc cuốn sách mới nhất của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Sách xuất bản đầu năm 2016 này. Sách mang tựa đề: “Linh hồn của cầu nguyện”.
Nội dung cuốn sách này dạy tôi rất nhiều về cầu nguyện.
Sùng kính Đức Mẹ, là hãy học với Đức Mẹ, để trở nên người cầu nguyện, và để cộng đoàn đức tin biết cầu nguyện. Đó là ý kiến của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đáng kính của chúng ta gởi cho Hội Thánh.
Ý kiến trên đây của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cho tôi thấy thao thức của Ngài hiện nay chính là sự cần thiết phải biết cầu nguyện.
15. Cuốn sách 360 trang chữ nhỏ nói về sự cầu nguyện, do Đức Thánh Cha về hưu viết đang chứng tỏ sự xác tín của Ngài về con đường cứu độ rất cần cho thời nay. Con đường đó là cầu nguyện.
Cầu nguyện là ơn Chúa ban. Nhưng cầu nguyện cũng là việc mỗi người chúng ta cần phải phấn đấu để cộng tác vào ơn Chúa.
16. Như thế, nhìn lên Trời là việc không đơn giản.
Tôi rất mừng là hiện nay, việc nhìn lên Trời, tuy không đơn giản, nhưng đang được thực hiện nơi rất nhiều tâm hồn.
Tôi có cảm tưởng họ thuộc về một đoàn chiên, mà Chúa Giêsu đã gọi là “đoàn chiên bé nhỏ”(Lc 12,32).
17. Đoàn chiên bé nhỏ này không đặt cho mình mục tiêu phải làm sao tăng số người theo đạo Chúa lên cho thực đông, nhưng hay tự hỏi mình xem phải làm gì để mình là thiểu số, mà vẫn làm chứng được cho Chúa bằng sự nghèo khó và khiêm nhường xin vâng, như Đức Mẹ. Đó là vấn đề và cũng là cơ may đặt ra cho chính tôi lúc này. Thiết tưởng cũng là vấn đề và cơ may cho Hội Thánh tại Việt Nam hôm nay.
18. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dạy:
Để cầu nguyện, con người phải biết hồi tâm, sống thinh lặng, để lắng nghe Chúa và gẫm suy Lời Chúa, nhất là phải có một tâm tình mật thiết thường xuyên hướng về Chúa và phó thác mình cho Chúa.
Lời dạy trên đây của Đức Bênêđictô XVI đang giúp tôi rất nhiều, để tôi là kẻ tội lỗi hèn mọn, biết nhìn lên Trời với niềm vui và hy vọng.
19. Riêng tôi, tôi có cảm tưởng là ở trên trời, Chúa dành cho những người đang sống dưới đất, mỗi người một cuốn sổ. Trong đó ghi tất cả lịch sử của mỗi người. Từ tư tưởng, lời nói, việc làm, thái độ và những gì là thiếu sót. Chính cuốn sổ đó sẽ phân định số phận mỗi người ở đời sau.
Khi cùng với Đức Mẹ mà nhìn lên Trời, tôi được đọc thoáng qua cuốn sổ đang viết về tôi, tôi hết lòng cảm tạ Chúa, vì tôi thấy tôi là kẻ tội lỗi đang được cùng với Mẹ và nhờ Mẹ mà về với Cha trên trời.
Giờ đây, tôi nhìn lên Trời, chính là để biết sống tốt cuộc đời trần thế của tôi đang càng ngày càng già yếu. Hôm nay của tôi đang bắt đầu cho cuộc sống vĩnh cửu đời đời vô cùng vô tận của tôi.
Long Xuyên, ngày 9.8.2016
Gm. Gioan B. Bùi Tuần
——————————————–
Ném Lửa Vào Trái Đất
Đoạn Tin Mừng này xem ra có vẻ ít tin mừng nhất, khi Đức Giêsu đề cập tới các vấn đề gai góc và nghịch lý như ‘ném lửa vào mặt đất’, ‘một phép rửa phải chịu’, ‘Thầy đến để… đem sự chia rẽ’, ấy thế mà những lời công bố trên lại rất nghiêm túc, rất đi thẳng vào trọng tâm và xác định rất rõ mục tiêu và sứ mệnh của Người nơi trần thế hơn bất cứ lời tuyên bố nào khác. Vì thế, nếu hiểu đúng ý nghĩa của ‘lửa’, ‘phép rửa’ và ‘chia rẽ’ trong bối cảnh Tin Mừng, chắc chắn ta sẽ có thể kiện cường niềm tin của mình nơi Đức Kitô Giêsu, và quảng đại dấn bước theo sát Người hơn nữa.
Trong Phúc Âm Matthêu (Mt 3:11) ta thấy: Gioan Tiền Hô khảng định sứ mạng của Đấng phải đến sẽ là: “làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa”. Thật khó có thể hình dung ra ý nghĩa đích thực của hình ảnh này! Trong kiểu cách ngôn sứ của Gioan thì, lửa đó chắc chắn phải là lửa thiêu hủy, lửa tôi luyện và thanh lọc, “Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân; thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (3:12). Tự nó phép rửa của Gioan cũng mang một nội dung tiêu cực tương tự (dìm cho tới chết trong dòng nước…) Chắc chắn cũng trong nội dung cổ điển đó người ta sẽ hiểu: sứ mệnh của đấng Mêsia, dầu tối hậu có là mang hòa bình đến cho toàn nhân loại, nhưng trước cả khi nền hòa bình đó được thiết lập, Ngài cần kinh qua một thời kỳ chinh phạt, phân rẽ bạn thù, và chiến tranh. Có lẽ trong ngôn từ và quan niệm phù hợp với các thính giả Do Thái đó, mà Đức Giêsu thuyết giảng cho các môn đệ xin theo Người (lưu ý: đoạn từ Lc 12:22 cho tới Lc 12:53 Người nói cho các môn đệ, vì trước và sau đoạn này Luca xác định Người nói cho đám đông). Đối với Gioan tiền hô, ‘Thánh Thần và lửa’ có lẽ là tương đồng, vì đều là những biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực của Đức Chúa; mà sức mạnh đó tất nhiên mang theo cả khía cạnh chinh phạt hay tiêu diệt.
Còn từ môi miệng Đức Giêsu và trong nội dung Người rao giảng về Tin Mừng cứu độ thì: Thánh Thần và lửa phải mang một ý nghĩa hoàn toàn khác; nếu Thần Khí của Đức Giêsu không giống với thần khí của Đức Chúa trong Cựu Ước thế nào, thì lửa của Người cũng không giống lửa hủy diệt như vậy. Trong cuộc trao đổi với Nicôđêmô (Ga 3:21) Đức Giêsu khảng định: Thần Khí mà môn đệ Người nhận được không phải là thần khí tiêu diệt mà là Thần Khí sự sống, không phải là thần khí kết án hủy diệt nhưng là Thần Khí cứu độ; “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần… Cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí… Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án…” (Ga 3:5 – 6:16-17). Phải chăng chính là Thần Khí và ngọn lửa đó mà Đức Giêsu tuyên bố muốn ‘ném vào mặt đất, và … những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên…”? Phải chăng ‘phép rửa phải chịu’ mà Người ‘khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất’ chính là phép rửa Thập Giá, khi mà lòng thương xót cứu độ được thể hiện trọn vẹn (consummatus est) trong tất cả sức mạnh vô địch của nó? “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng cũng chính vì giờ này mà con đã đến!” (Ga 12:27); chính khi gần tới giờ tử nạn, khi mà lo âu và sợ hãi tràn ngập tâm hồn, Đức Giêsu đã cầu nguyện cùng Cha Người như thế.
Rồi cũng trong mạch tư tưởng đó, đối với Tin Mừng Đức Kitô, hòa bình hay tĩnh lặng (pacifist) cho một trần gian tội lỗi là điều không thể chấp nhận được. “Thầy đến không phải để ban hòa bình cho trái đất… nhưng là đem sự chia rẽ”. Đứng trước ngọn lửa xót thương của Thần Khí, hoặc con người sẽ chấp nhận ‘sinh ra một lần nữa bởi ơn trên’, hoặc cứ tiếp tục ‘bởi xác thịt sinh ra là xác thịt’; kể từ đó cũng bắt đầu xuất hiện sự phân rẽ nơi thâm sâu nhất của cõi lòng, ngay giữa những người coi như gần gũi nhau nhất xét về mặt gia đình và xã hội; ‘năm người trong cùng một nhà, cha và con trai, mẹ và con gái, mẹ chồng nàng dâu…’ Quả thật ông già Simêôn trước đây đã tiên báo chính xác điều này về Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng…” (Lc 2:34). Đứng trước Tin Mừng từ nhân của một Thiên Chúa cứu độ, loài người sẽ tự tách thành hai phe: hoặc phe những người chân thành nhìn nhận sự yếu hèn của mình để đón lấy ơn thứ tha cứu độ, hoặc phe những người mong được người đời đề cao tôn trọng trong tất cả năng lực vật chất cũng như tinh thần của mình… và đương nhiên hạng người này sẽ không thấy cần tới ơn cứu rỗi. Sự giằng co giữa hai phe này xảy ra trong nội tâm mỗi người, nhưng đồng thời cũng trong cả tập thể xã hội nữa; vì ở thời đại nào thì cũng sẽ có những người đứng lên chống báng một sự cứu rỗi mà họ cho là tiêu cực, là hạ đẳng, là thụ động… như ‘thuốc phiện của quần chúng’. Tin Mừng do đó không cho phép tồn tại một sự yên ổn bình thân; Tin Mừng luôn đòi một cuộc đấu tranh và cách mạng toàn diện. Có lẽ ngay cả tu đức hay khổ chế cũng không dám đòi hỏi một cuộc đảo lộn tới tận gốc rễ như thế.
Nhưng mấy ai trong chúng ta xác tín được điều này, rằng đòi hỏi của Tin Mừng cứu độ lại tận căn và sâu sắc tới mức độ đó nhỉ?
Lạy Chúa từ nhân, xin cho con hiểu: tin theo Chúa là dấn bước trên con đường khổ giá, là đấu tranh cam go với chính mình, không phải vì để tuân giữ một nền luân lý khắt khe, nhưng là vì Tin Mừng buộc con phải cúi mình khiêm hạ xưng thú sự yếu hèn tội lỗi, điều làm con cảm thấy hãi hùng kinh tởm. Chỉ khi nào ngọn lửa Thần Khí của Thiên Chúa từ nhân bùng lên trong con, khi đó con mới làm được điều trên; cũng như chỉ khi nào con chịu phép rửa của Thập Giá, khi đó ơn cứu rỗi mới phát huy được tất cả sức mạnh nơi con. Xin cho con quyết tâm lao vào cuộc chiến này không chút ngơi nghỉ, nhất là đôi khi phải chấp nhận cả những nỗi cô đơn, hay bị người đời hiểu lầm, đàm tiếu. Amen
Maria Có Phúc Vì Đã Tin…
Bà Êlisabét đã lên tiếng ngợi khen người em họ của mình là Maria rằng: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Tôi thường vẫn tự hỏi: nội dung niềm tin mà Maria đặt nơi Lời Chúa thực chất hệ tại ở điều gì?
Qua vị sứ thần, có lẽ Maria chỉ biết cách mơ hồ rằng: Thiên Chúa đang muốn thực hiện nơi mình một điều gì đó kỳ diệu lắm. Maria chắc cũng không nắm được các chi tiết những điều kỳ diệu đó cụ thể là gì: là thụ thai mà vẫn khiết trinh, là trở thành Mẹ của Thiên Chúa, là không bị nhiễm tội nguyên tổ, hay được đưa lên trời cả hồn lẫn xác…? Qua bài ca Ngợi Khen (Magnificat) chúng ta được hé mở cho thấy rằng, đối với Maria, điều gì đó được coi là kỳ diệu chung qui chỉ tập trung vào một điểm duy nhất, đó là “lòng thương xót của Thiên Chúa thật vô biên”. Quả vậy, tư tưởng “Lòng Chúa thương xót” là điệp khúc xuyên suốt trong toàn bài ca Ngợi Khen; “Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới… Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót… Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham, và cho con cháu đến muôn đời”.
Phải! chính lòng thương xót của Chúa mới là tâm điểm để Maria lên tiếng ca ngợi Thiên Chúa đến muôn đời. Các ân huệ khác, dầu có lớn tới đâu, cũng vẫn chỉ là điều phụ mà thôi! Nhận ra mình được Chúa xót thương mới là nguyên nhân của thái độ ngợi khen mà Maria muốn diễn tả trước tất cả các hồng ân cao cả khác mà mình nhận được. Quả thực, Tin Mừng Luca đã chú tâm diễn đạt điều quan trọng nhất này.
Chúng ta vẫn thường có thói quen nhìn vào các ân huệ nhận được (to hay nhỏ) để mà cất tiếng ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa; ân huệ càng lớn, ta càng cảm tạ nhiều, và căn cứ vào đó mà đánh giá sự nhân lành của Thiên Chúa. Ngược lại, nếu không nhận được ân huệ nào, rất có thể ta sẽ coi như mình như không được Thiên Chúa xót thương, để rồi tủi hổ cho số phận hẩm hữu của mình. Có thể là như thế vì…, hiếm khi nào ta dành thời giờ để chiêm ngưỡng Thập Giá, và rồi nhận ra lòng nhân lành vô biên của Thiên Chúa, điều đã được khẳng định cách chắc chắn nơi Đức Kitô Giêsu, bất chấp các ân huệ mình đã hay sẽ nhận được là nhiều hay ít; “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 21:29) Chính vì lẽ đó mà ta rất dễ dàng so đo hơn kém các ơn huệ nhận được, nơi mình hay nơi kẻ khác. Thật không may, ngay cả khi chiêm ngắm các hồng ân Đức Mẹ nhận được chẳng hạn, như hồng ân được Chúa rước về trời cả hồn lẫn xác, ta vẫn có khuynh hướng đề cao nó như một đặc ân chỉ dành riêng cho Đức Mẹ. Xét cho cùng thì, đó cũng là thái độ rất tự nhiên và con người (thậm chí, đôi khi còn pha chút ganh tị!). Đã từng có một phụ nữ lên tiếng ca ngợi kiểu đó: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm…” (Lc 11:27-28) Không chỉ lần này mà nhiều lần khác nữa, Đức Giêsu cũng đã khẳng định rằng hồng ân được coi như là dành riêng đó, một cách nào đó, đang được chia sẻ cho hết thảy mọi người. Cũng tương tự như thế, ta có thể khẳng định về các đặc ân khác như ‘vô nhiễm nguyên tội’ hay ‘làm Mẹ Thiên Chúa’… Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Êphêxô, đã chẳng quả quyết rằng: mọi kẻ tin qua mọi thời đại đều sẽ được hưởng sự phong phú khôn lường của mầu nhiệm yêu thương sao? “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người…” (1:4), và “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô: đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là qui tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Êp 1:9-10).
Vậy thì, khi tôi cùng với toàn thể Hội Thánh ca ngợi bất cứ hồng ân nào mà Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ (hay cho một vị thánh nào đó…), chẳng hạn như hồng ân ‘hồn xác lên trời’ hôm nay, cách tốt nhất là tôi hãy hướng cặp mắt về lòng từ ái vô biên của Chúa, và tin vững chắc hơn nữa vào kế hoạch yêu thương mà Người đang thực hiện. Cùng với Mẹ, tôi dồn trọn tâm tình tri ân cảm tạ vào Thiên Chúa, vì lòng nhân hậu bao la của Người ‘trải qua đời nọ tới đời kia’; đồng thời đó cũng là thái độ tôi phải có khi nhận được bất cứ hồng ân nào (hay chứng kiến một ai khác nhận được). Niềm vui lớn nhất của Kitô hữu không hệ tại ở khối lượng ân huệ lớn nhỏ nhận được, nhưng ở niềm tin ngày càng vững chắc hơn vào lòng nhân hậu thương xót vô bờ của Thiên Chúa, điều mà Đức Giêsu Kitô đã dùng Thập Giá của Người để khẳng định cách dứt khoát đầy thuyết phục. Do đó, lời cầu chúc cho Maria “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” của bà Êlisabét cũng sẽ phải được ứng nghiệm cho cả tôi nữa…, và cho tất cả mọi Kitô hữu qua các thời đại.
Lễ Mẹ Lên Trời hôm nay phải mang lại cho tôi, phải – cho chính tôi, một niềm tin tưởng và mừng vui cao độ như thế đó!
Lạy Chúa, hôm nay con chiêm ngắm hồng ân Chúa dành cho Mẹ Maria khi được rước lên trời cả hồn lẫn xác. Con muốn được hòa với tâm tình của Mẹ để tin vững chắc hơn vào lòng thương xót vô bờ bến của Chúa. Lòng thương xót mà Chúa đã dành cho Mẹ, thì cũng dành cho cả con nữa, và cho hết mọi tín hữu trải qua muôn thế hệ. Con cũng xin Mẹ Maria dạy cho con biết trọn đời đặt trọn niềm tin vững chắc vào lòng Chúa xót thương, khi nhận được các ân huệ lớn nhỏ, cũng như khi gặp thử thách gian nan. Xin cho con được chia xẻ cái phúc lớn nhất của Mẹ, là luôn tin vững chắc rằng Lời Thập Giá Chúa nói với con sẽ chắc chắn được thực hiện. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
—————————————————-
“Hãy Cháy Lên”
Có 1 bài hát với giai điệu nhẹ nhàng nhưng như chất vấn chúng ta rằng:
“Nếu tôi không cháy lên
Nếu anh không cháy lên
Nếu chúng ta không cháy lên
Thì làm sao bóng tối trở thành ánh sáng?”
Vâng, hãy cháy lên ngọn lửa trong ta là cách tốt nhất để khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đó có thể là sự khao khát chia sẻ cơm bánh cho người nghèo đói, bênh vực cho những ai đang bị ức hiếp. Đó có thể là sự bất bình trước một xã hội bị tha hóa, đạo đức suy đồi. Mỗi người hãy trở thành ngọn lửa để thay đổi cuộc sống, xã hội, hay chỉ đơn giản là thay đổi chính con người mình, để không còn lạc bước vào những cạm bẫy của ma quỷ. Mỗi người hãy cháy sáng ngọn lửa trong tim mình thì “bóng tối” bị xua tan”, tâm sáng thì lòng mới bình an.
Người xưa còn dùng lửa để so sánh với tình yêu đôi lứa trong sáng: Đôi ta như lửa mới nhen – Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu. Và rồi khi lửa tâm hồn đã cháy sẽ làm cho mọi ước mơ được thực hiện, vì “Khi lửa cháy trong linh hồn con người, không điều gì là không thể” (La Fontaine). Ngọn lửa tinh thần ấy làm cho cuộc đời trở nên ý nghĩa, cao đẹp và tràn ngập niềm vui.
Cuộc đời vốn ngắn ngủi, hãy cháy lên hết mình khi còn có thể. Khi chúng ta dám trầm mình trong ngọn lửa, dám cháy để bảo vệ những tư tưởng hay, những giá trị đạo đức, tuy có người sẽ nói một mình bạn chẳng làm gì được, nhưng điều quan trọng của một đám lửa không phải là nó đã thiêu đốt bao nhiêu cánh rừng, mà là cách nó thay đổi cách sống con người biết bảo vệ cái hay cái đẹp.
Đức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài. Ngài đến để ném lửa trên măt đất, và Ngài ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên. Ngọn lửa Đức Giêsu muốn nhóm lên không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt, không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari. Đây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài, lửa Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm nóng hai môn đệ trên đường Emmau đang tuyệt vọng.
Chúa muốn nơi chúng ta: “Phải chi lửa ấy đã bừng lên” để chúng ta thực hiện ước mơ mà Chúa đã suốt đời ôm ấp, đó là làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn, cho con người biết sống cho nhau và vì nhau. Cho con người biết lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy. Cho công lý ngự trị và hoa bác ái nở rộ tràn lan trên mặt đất.
Khi ta thắp lên ánh lửa là đối đầu với bóng tối. Bóng tối của quyền lực sự dữ luôn mạnh mẽ và luôn hấp dẫn. Ở trong bóng tối con người dễ tìm thỏa hiệp để mưu cầu cá nhân, để thực hiện những hành vi bất chính. Thế nên, khi ta thắp lửa là ta phơi bầy sự thật trần trụi của những người đang thoả hiệp với ma quỷ. Đó là khi ta dám làm chứng cho sự thật. Dám nói sự thật có thể dẫn đến bị vùi dập, bị kết án, bị tẩy chay, nhưng chúng ta nên nhớ rằng sau đêm dài là ánh bình minh. Bóng tối sự dữ tưởng chừng đã chiến thắng sau khi Chúa được an táng trong mồ, nhưng ngọn lửa Phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen. Đó là niềm hy vọng của chúng ta sẽ nhìn thấy ánh sáng vinh quang.
Hãy cháy lên để đẩy lui bóng tối hầu kiến tạo một thế giới ngập tràn ánh sáng tình thương, để con người biết đối xử với nhau trong tin yêu chân thành và trong bác ái bao dung. Hãy cháy lên ngọn lửa trong ta, ngọn lửa trong anh để chính tâm hồn ta không còn tư tưởng ước muốn tội lỗi và đẩy lùi những cám dỗ tội lỗi ra khỏi môi trường sống của chúng ta. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
&
Trên Con Đường Về Quê Mà Có Bóng Mẹ
Ở cuộc đời này nếu mất mẹ ta sẽ thấy cuộc đời quạnh hiu, đơn độc, khổ đau một mình. Có người còn nói: nếu vắng bóng mẹ thì giấc mơ cũng không tròn. Không còn ai trông nom ta. Không còn ai canh cho ta có giấc ngủ ngon.
Thế nên, có một bạn trẻ khi nghe tin mẹ mất đã hụt hẫng viết rằng:
Mẹ đi đâu trên khúc rẽ vô thường
Con tìm mẹ giữa ngàn dâu xanh biếc
Con tìm mẹ bên dòng sông ly biệt
Nghe lạnh lùng cầu Ái Tử ngân vang.
Dẫu biết rằng cuộc đời là hợp tan, bước vào đời là đã có từ ly biệt, nhưng bước đường đời sẽ buồn lắm nếu con không còn bóng hình mẹ thân thương bên cạnh.
Từ đây con mất mẹ rồi
Hương lòng một nén nghìn đời cách xa
Người ta có mẹ có cha
Mà sao con mẹ bỗng là mồ côi.
Người Công giáo cũng rất yêu mến Mẹ Maria. Xuất phát từ tình cảm dành cho mẹ trần thế để rồi liên hệ đến Mẹ Thiên quốc. Hành trình thiên quốc hay hành trình trần thế chỉ cần có mẹ thì mọi ưu phiền, lắng lo sẽ tan biến.
Có lẽ vì thế mà bài hát “Trên con đường về quê” đã đi sâu vào tâm trí người tín hữu Việt Nam. “Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ, con biết cậy nhờ ai, biết nương nhờ ai?”. Bài hát này sau đó bị cấm vì ý nghĩa sai với tín lý Giáo Hội. Ờ sai thì sửa. Thế là bài hát lại được sửa lời cho phù hợp với thần học và cũng phù hợp với cái tình con cái dành cho Mẹ. Lời bài hát được sửa lại như sau: “Trên con đường về quê mà có bóng Mẹ, con bước đi bình an, vững tin ngày mai. Trên con đường về quê mà có bóng Mẹ, con vững thêm lòng tin, tiến lên bằng yên”.
Thật hạnh phúc cho cuộc đời chúng ta khi đường về quê trời luôn có Mẹ Maria cùng đi với chúng ta. Vì Mẹ Maria đã được Chúa đưa cả hồn và xác về trời. Mẹ Maria không chết. Tình Mẹ vẫn mãi ở với đoàn con. Niềm vui và hạnh phúc vẫn ngập tràn trong cuộc đời chúng ta khi có Mẹ cùng đi.
“Trời đêm vắng sao sương mờ
Đường xa thăm thẳm khuất bóng quê
Con băn khoăn đưa mắt trông tìm đây đó
Có ai bạn đường cùng đi khỏi lo.
Mẹ ơi bóng đêm rợn rùng
Vực sâu đang gầm dưới lá rung
Con lao đao sắp ngã trên đường nguy khốn
Đoái thương con cùng Mẹ Đấng Chí Tôn”.
Hôm nay mừng kính Mẹ hồn xác về trời, chúng ta không phải chỉ ngợi khen và chúc tụng Mẹ là Đấng đầy ân phúc, mà còn phải tìm lấy cho mình một niềm vui mừng và hy vọng. Từ nay, Mẹ đã bước vào cõi trời thì chúng ta là con cái của Mẹ cũng sẽ được theo gót chân Mẹ mà về với cõi Trời bình yên. Vì xưa, Mẹ Maria đã trở nên Mẹ của mọi người chúng ta, qua lời trăn trối của của Chúa Giêsu:
– Này là Mẹ con…và này là con Mẹ.
Với tình thương của một người mẹ, Đức Maria sẵn sàng nâng đỡ chúng ta và với uy quyền của một bậc nữ vương, Đức Maria có thể chuyển cầu cho chúng ta, vì: – Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời.
Mừng lễ Mẹ hồn xác về trời thì xin Mẹ soi dẫn cho cuộc đời chúng ta luôn bình an, và xin xin cho chúng ta cũng được theo gót Mẹ mà về với cõi trời hiển vinh. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
—————————————————-
Phép Rửa Của Chúa Giêsu
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc nầy hoàn tất!” (Lc 12,50).
Phép rửa đó thế nào mà lại khiến Chúa Giêsu phải khắc khoải âu lo?
Đây không phải là phép rửa mà Chúa Giê-su đã chịu ở sông Giođan bởi tay Gioan, vì phép rửa đó đã qua rồi.
Và khi “Hai môn đệ Giacôbê và Gioan đến gặp Chúa Giêsu và thưa với Ngài: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Đức Giêsu bảo: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? (Mc 10, 35-40).
Lần nầy, Chúa Giêsu lại nói Ngài sắp chịu một thứ phép rửa nào đó… Vậy thì phép rửa nầy là gì?
Phép Rửa được Chúa Giêsu đề cập hai lần trên đây là cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.
Phép Rửa nầy có hai giai đoạn liền kề nhau, giai đoạn thứ nhất là chịu chết trong đau thương và giai đoạn hai là sống lại trong vinh quang.
Phép Rửa nầy có khả năng mang lại ơn cứu độ cho nhân loại; vì thế, sau khi đã chịu phép Rửa xong và trước khi lên trời, Chúa Giêsu muốn ban lại cho chúng ta. Ngài truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,16).
Như vậy, Chúa Giêsu mong muốn chúng ta tin và lãnh nhận phép rửa để được cứu độ.
Chịu phép rửa với Chúa Giêsu
Như đã đề cập trên đây, Chúa Giêsu chịu phép Rửa là Ngài chấp nhận chịu chết cách đau thương để sống lại trong vinh quang. Vậy thì, nếu muốn chịu phép Rửa, chúng ta cũng phải dìm chết con người cũ tội lỗi để sống lại làm người mới tinh tuyền thánh thiện.
Thánh Phaolô dạy rằng khi chịu phép Rửa là chúng ta cùng chết với Chúa Giêsu để được sống lại với Ngài trong đời sống mới (Rm 6,3-4).
Trong tôi có một con người kiêu căng, tự cao, tự đại… Lãnh phép Rửa thì phải dìm chết con người đó đi, để sống lại thành con người mới không còn kiêu căng, tự phụ.
Trong tôi có một con người tham lam, ích kỷ, chỉ biết vun quén cho mình chẳng nghĩ đến ai. Lãnh phép rửa là dìm chết con người hư hỏng đó đi để sống quảng đại, vị tha.
Trong tôi có một con người ganh tỵ, bất nhân… Lãnh phép Rửa thì phải dìm chết con người khả ố đó đi để sống chan hòa với mọi người.
Nói khác đi, lãnh nhận phép Rửa với Chúa Giêsu là:
Hủy diệt con người cũ với những thói hư tật xấu để sống lại làm người mới, giống Chúa Giêsu phục sinh.
Lạy Chúa Giêsu. Nếu muốn được cứu độ thì chúng con phải lãnh nhận phép Rửa như Chúa, phải dìm chết con người cũ với bao nhiêu lầm lỗi của mình để sống lại làm con người mới giống như Chúa.
Nhưng đây là điều rất khó mà tự sức riêng, chúng con không thể làm được.
Xin ban ơn giúp sức để chúng con dần dần từ bỏ những lỗi phạm hằng ngày, hủy diệt tội lỗi của mình, nhờ đó, chúng con được bước vào đời sống mới vinh quang với Chúa. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
&
Bí Quyết Để Được Yêu Thương
Có một bí quyết giúp chúng ta trở nên dễ thương và được mọi người quý chuộng, đó là đừng tự cao tự đại, đừng kiêu căng tự phụ nhưng phải sống khiêm tốn với mọi người. Bí quyết đó được Chúa Giêsu tóm gọn như sau: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Mt 23,12).
Bí quyết nầy cũng được Mẹ Maria để lại cho đời, khi Mẹ viếng thăm bà Élizabeth. Bấy giờ, Mẹ cất lời cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho Mẹ diễm phúc tuyệt vời. Những lời tôn vinh nầy chứa đựng bí quyết để được Thiên Chúa và mọi người yêu thương.
Trước hết, bài ca diễn tả ý tưởng: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống” qua những câu sau đây:
“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế…” (Lc 1,51-52).
Tiếp theo, bài ca nói về việc “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” qua câu:
“Chúa nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”
Mẹ nhìn nhận rằng chính vì Mẹ sống khiêm tốn như một tôi hèn, tớ mọn của Chúa nên được Chúa đoái thương và ban cho Mẹ diễm phúc lớn lao. Mẹ nói:
“Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
khen tôi diễm phúc.”
Tóm lại, bí quyết giúp ta được Thiên Chúa và người đời yêu mến là: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” và ai khiêm nhường sẽ được mọi người yêu mến.
Rất nhiều sự kiện trên đời giúp ta hiểu rõ bài học này: Tháp cao thì dễ nghiêng, cây cao thì dễ ngả, người tự cao thì dễ bị hạ xuống chỗ thấp hèn.
Trong khu rừng có hàng triệu cây lớn nhỏ, non già đủ loại; cây càng cao thì càng bị gió lay, dễ bị sét đánh, dễ bị bão tố làm gãy cành hay bật gốc… Trong khi đó, những cây nhỏ bé mềm mại như lau sậy… thường được an toàn trước phong ba bão táp.
Trong xã hội loài người cũng thế, những người tự cao tự đại thì thường bị người đời chê ghét và tìm cách hạ bệ; còn những người khiêm tốn thì luôn được người đời mến thương.
Thế nên, để tránh cho những cây cao không đổ ngả, người ta phải liệu cho chúng đâm rễ thật sâu hay phải chặt bớt ngọn; muốn cho những toà nhà cao tầng không nghiêng đổ, người ta phải đóng móng thật sâu. Tương tự như thế, người có địa vị hay tài năng trổi vượt người khác, cần phải “đâm rễ sâu” bằng nếp sống khiêm nhường. Có như thế mới tồn tại lâu bền.
Cuộc đời của Mẹ Maria là bằng chứng đầy thuyết phục cho quy luật nầy: Mẹ sống rất khiêm tốn nên Mẹ được Thiên Chúa tôn lên cao.
Hôm nay, bài “Ngợi Khen” của Mẹ Maria đề ra cho chúng ta hai chọn lựa:
Thứ nhất:
Muốn được Thiên Chúa và mọi người thương mến, thì hãy làm như người chăm sóc bảo vệ cây dày kinh nghiệm, biết chặt bớt những ngọn cây cao, kích thích cho bộ rễ đâm sâu vào lòng đất; hoặc làm như người xây dựng lành nghề, khi thi công những ngôi nhà cao tầng, phải đóng móng thật sâu vào lòng đất… Nói chung, là biết loại bỏ tính kiêu căng và sống khiêm tốn với mọi người.
Thứ hai:
Muốn bị người đời ghét bỏ và xa lánh, thì cứ việc sống như cây cao không đâm rễ sâu, như nhà cao tầng chẳng có móng vững, nghĩa là cứ dương dương tự đắc, tự cao tự đại mà chẳng biết khiêm tốn hạ mình.
Lạy Chúa Giêsu. Không ai trên đời sống khiêm nhường và hạ mình như Chúa, nhờ đó, Chúa được tôn vinh chúc tụng đến muôn đời. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa và Đức Mẹ, để sống khiêm tốn dịu hiền, nhờ đó, chúng con sẽ được chung hưởng vinh phúc với Chúa và Mẹ trên thiên đàng vinh hiển. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
———————————————-
Dáng Ngọc Hồi Cung
(15/8 Lễ Đức Mẹ Lên Trời)
Gia Liêm Thiên Quốc nhạc hân hoan
Ái Nữ trinh thai phút khải hoàn
Thiên sứ tháp tùng vui tấu khúc
Nhân trần mừng tiễn hát ca vang
Hòm Bia Giao Ước tràn ân phúc
Dáng ngọc Bồ Câu tỏa ánh quang
Chí Thánh Ba Ngôi say sủng ái,
Nữ Vương Hoàn Vũ lộc cao sang.
Hạt Nắng
————————————————–
Mông Triệu
(15/8 Lễ Đức Mẹ Lên Trời)
Cung ngà điện ngọc Chúa Ba Ngôi
Từ giã trần gian diện kiến Trời
Thân xác tinh tuyền không mục nát
Linh hồn tuyệt mỹ chẳng tàn hơi
Chu toàn Thánh Ý lòng giữ trọn
Đáp lại Tình Trời dạ chẳng vơi
Mông Triệu cao quang nguồn tỏa phúc
“Xin Vâng” tình Mẹ vẫn kêu mời.
Bâng Khuâng Chiều Tím
–
Dáng Ngọc Hồi Cung
15/8 Mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời.
Khúc khải hoàn tấu vang mừng Trinh Nữ,
ánh hào quang bao phủ khắp châu thân.
Dáng ngọc hồi cung, kết thúc bước đường trần,
ơn cao trọng thăng thiên cả hồn xác.
Ôi! Diễm lệ nét điểm trang đài các,
mười hai ngôi sao hòa quyện mũ triều thiên.
Nâng gót son vầng trăng sáng diệu huyền,
rực rỡ y phục ánh mặt trời tỏa chiếu.
Vũ trụ lặng thinh tôn vinh hòa cung điệu,
bái gối ngợi khen Hòm Bia Đấng cửu trùng.
Ân sủng tuyệt vời ban tặng kẻ khiêm cung,
đời vâng phục sống chu toàn Thánh ý.
***
Cuộc đời Mẹ trên bước đường thiên lý,
tiếng “Xin Vâng” thầm lặng mọi nẻo đường.
Phận nữ tỳ chấp nhận cảnh phong sương,
hồn thanh khiết nên cung lòng Chúa ngự.
Hoa yêu thương nở giữa ngàn thế sự,
vượt suối băng đồi thăm viếng dẫu xa xôi.
Bài ca yêu thương vang vọng giữa núi đồi,
hy sinh phục vụ người thân yêu vượt cạn.
Cảnh nghèo khó lắm tai ương, hoạn nạn,
không sờn lòng hương sắc mãi trung trinh.
Hang Be-lem hôi hám bị rẻ khinh,
đường Ai Cập hành trình dâng tín thác.
Nazareth cuộc đời vui đạm bạc,
tần tảo nắng mưa giữa cơn sóng dòng đời.
Đường thập hình theo dấu máu Con rơi,
ôm xác Con giá lạnh đồng công tình dâng hiến.
Trái tim Mẹ một tình yêu thánh thiện,
hoàn tất chương trình Thiên Chúa đã trao ban.
Ngài thưởng ban Dáng Ngọc tỏa hào quang,
Nữ Vương toàn thắng,
E-Và mới viết lên trang sử mới.
***
Chiêm ngắm Mẹ nhạc lòng con diệu vợi,
tán tụng, tôn vinh Mẹ diễm phúc, cao quang.
Xin chúc lành, gìn giữ con cái chốn trần gian,
noi gương Mẹ biết lắng nghe và thi hành Thánh ý.
Vững niềm tin yêu giữa dòng đời khổ lụy,
kết thúc hành trình theo Mẹ về bến yên vui.
Bâng Khuâng Chiều Tím
————————————————
Hương Sen Ê-Đen
(15/8 Lễ Đức Mẹ Lên Trời)
Lặng thầm hương tỏa cánh hoa sen
Trong trắng khiêm nhu sống thấp hèn
Tĩnh lặng trời cao vui đón nhận
Lao xao trần thế chẳng đua chen
Triều thần qui tụ vui nghinh đón
Thiên sứ hợp đoàn hát chúc khen
Ái Nữ tinh tuyền vâng Thánh Ý.
Ba Ngôi mở rộng cửa Ê-Đen.
M. Madalena Hoa Ngâu
————————————————-
Ngọn Lửa Tình Yêu
Chúa Nhật XX TN-C – (Lc 12, 49 – 53)
Chúa Giêsu, Thầy dạy đàng chân lý,
Ngài chính là Hoàng Tử Bình An.
Hướng dẫn con qua đêm tối đại ngàn,
lội ngược dòng đời để tìm nguồn tươi sáng.
Ngọn lửa tình yêu Ngài ban luôn bừng sáng,
giúp con trung thành chiến đấu với bất công.
Quyết xông pha giữa chiến trận thần thông,
kiên trung chọn lựa giá trị Ngài ban tặng
Cuộc chiến cam go dù sống trong thầm lặng,
ngay giữa gia đình với cha mẹ thân yêu.
Ngay giữa anh em tình thân quyến luyến nhiều,
con chọn Chúa, Giêsu ơi, con chọn Chúa.
Thôi thúc tim con cháy bùng lên ngọn lửa,
lửa ân tình, lửa gột sạch những u mê.
Lửa đốt những bợn nhơ, những lầm lạc ê chề,
tỉnh thức hồn con những bình an giả dối.
Giá trị thế gian đôi khi con bối rối,
Khao khát lặng thầm lời Hằng Sống Chúa ban.
Soi sáng hồn con lửa Thần Khí bình an,
sức mạnh thần thiêng đưa con về chính lộ.
Lửa đỡ nâng con vuợt qua ngàn giông tố,
dấn thân không ngừng loan báo khắp trần gian.
Chúa là Đấng yêu thương nguồn ánh sáng huy hoàng,
Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Lửa Thần Linh Chúa dạt dào như gió lộng,
dìu bước con đi khắc khoải kiếp điêu linh.
Gian khó, đau thương bắt bớ hay nhục hình,
trọn niềm trung tín bước trên đường thập giá.
Lửa Tình Yêu Chúa xua tan lòng băng giá,
sưởi ấm tim hồng nung nóng sứ mạng xưa.
Phép Rửa Thánh Linh lời khấn hứa thân thưa,
đời Ngôn Sứ làm chứng nhân cho Sự Thật.
Lửa Tình Yêu Chúa ru hồn con ngây ngất,
can đảm, trung thành chân lý Chúa tặng ban.
Lửa cháy tim con nguồn mạch sống hân hoan,
con tuyên xưng,
Ngài chính là Nguồn Bình An viên mãn.
AP. Mặc Trầm Cung
–
Nữ Vương Mông Triệu
(15/8 Mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời)
Hòm giao ước vào thành Đa-vít,
Dân Ích-Diên cung kính reo vang.
Gia-Liêm thiên quốc hợp hoan,
Đón chào Trinh Nữ vinh quang khải hoàn.
Cả trần hoàn tưng bừng ánh sáng,
Nhạc thiên cung tấu khúc uy hùng.
Vua trời ngự giữa không trung,
Cùng đoàn Thiên sứ tháp tùng giáng lâm.
Kính chào Mẹ, Hòm Bia nồng ấm,
Xin cung nghinh về chốn cao quang.
Đông qua, sương giá đã tan,
Bồ Câu dời núi Li-Ban về trời.
***
Phút huy hoàng Thiên đàng hồ hởi,
Các Thiên Thần ngơ ngác hỏi nhau.
Nữ Nhân ngự giá từ đâu?
Tinh tuyền mỹ lệ thần hầu hai bên.
Cửa Thiên đàng chư thần diện kiến,
Cùng tụng ca mừng Mẹ hiển vinh.
Khởi đầu các Thánh Đồng Trinh,
Chúc tụng Mẹ đức khiết trinh tinh tuyền.
Phút tao phùng nhịp rung xao xuyến,
Thánh Hiển Tu đồng loạt tung hô.
Nữ Vương tuyệt thánh vô bờ,
Tiếp lời các Thánh Tông Đồ ca vang.
Triều thiên Mẹ hào quang tỏa sáng,
Đến khấu đầu các Thánh Tiên Tri.
Các Thánh Tử Đạo bái quỳ,
Các Thánh Tổ Phụ phục uy Mẹ hiền.
Kìa nguyên tổ Adam cung tiến,
Cả Evà chung tiếng ngợi khen.
Nhờ con khiêm hạ, thấp hèn,
Cứu nguy nhân loại thoát phen đọa đày.
Lời chúc tụng dạt dào biết mấy,
Mừng con yêu giòng lệ tuôn sa.
Gioankim cùng Thánh Anna,
Hỉ hoan, ca ngợi thiết tha ân tình.
Thánh Giuse bạn lòng công chính,
Mừng Hiền Thê tấu khúc tri ân.
Nhờ bạn tôi được thông phần,
Chương Trình Cứu Chuộc góp phần dưỡng sanh.
Tình nhiệm mầu Ba Ngôi Chí Thánh,
Chúa Cha mừng Ái Nữ dấu yêu.
Chúa Con mừng Mẹ diễm kiều,
Thánh Linh mừng Bạn Thánh yêu thắm tình.
Mẹ thánh thiện cúi mình cung kính,
Bái gối lạy Thiên Chúa uy nghi.
Khiêm cung thân phận nữ tì,
Ngất ngây lòng mến đắm chìm tri ân.
Cả thiên triều ngập tràn hưng phấn,
Chúa Ba Ngôi phong tặng Nữ Vương.
Ngai tòa Mẹ ngự tuyên dương,
Nữ Vương vũ trụ, thiên đường cao sang.
***
Tôn vinh Mẹ uy quyền tỏa sáng,
Xin đoái thương con mọn trần gian.
Khấn xin Mẹ Chúa thiên đàng,
Xót thương ban phúc vững vàng tin yêu.
AP. Mặc Trầm Cung