SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 801, CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN – C, MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ, 19/06/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 9:11b-17)

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: “Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa.”
Nhưng Người nói với các ông: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Các ông trả lời: “Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông nầy. Số đàn ông độ năm ngàn”. Người nói với các môn đệ rằng: “Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người”. Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Thán Lễ TrongNhàThờ Và ThánhLễ NgoàiCuộc Đời ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
PhépLạ Là HóaBán RaNhiềuHay BẻBánhRaVàTrao ? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Ở Lại Trong Chúa Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Hy Tế của Đức Kitô Còn Tiếp Diễn Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7

THƠ TIN MỪNG

Dâng Hiến Hạt Nắng Trg 9
Lễ Dâng M. Madalena Hoa Ngâu Trg 10
Thần Lương Huyền Nhiệm A.P. Mặc Trầm Cung Trg 11

—————————————————

 

Thánh Lễ Trong Nhà Thờ
Và Thánh Lễ Ngoài Cuộc Đời

Đức Hồng Y Hellder Camara về ban phép Thêm sức cho trẻ em trong một xứ đạo. Khi đến nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối lăn lộn trên đất, đấm ngực khóc lóc than van như trong cơn đại hoạ. Đêm trước, trong khi mọi người mê mải chuẩn bị đón Đức Hồng Y, kẻ trộm đã lẻn vào nhà thờ ăn trộm những bình đựng Mình Thánh. Kẻ trộm đổ Mình Thánh Chúa ra vườn, lấy đi những bình mà họ tưởng làm bằng vàng. Thật là một sự phạm thánh ghê gớm.
Thế nhưng trong bài giảng hôm ấy, Đức Hồng Y đã làm cho mọi người kinh ngạc khi Ngài nói: Tại sao hôm nay anh chị em mới than khóc. Hằng ngày biết bao lần Chúa Giêsu bị nhục mạ, bị hành hạ, bị chà đạp, bị giết chết trong những anh chị em nghèo khổ, vô gia cư, trong các trẻ em không cha mẹ, không gia đình, sao chẳng thấy ai than khóc? Anh chị em không biết sao, những anh chị em ấy chính là Chúa Giêsu, là Thân Mình Chúa Giêsu, là Thánh Thể Chúa.
Nói như thế, Đức Hồng Y không có ý coi thường phép Mình Thánh Chúa. Nhưng Ngài có ý nhắc cho ta một khía cạnh thường hay bị lãng quên trong khi cử hành bí tích. Đó phải là cử hành bí tích không chỉ trong nhà thờ mà còn phải cử hành cả ngoài cuộc đời nữa.

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta hãy lưu ý hai điểm:
1- Diễn tiến phép lạ hoá bánh ra nhiều giống hệt như diễn biến một Thánh Lễ. Nếu Thánh Lễ gồm hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phục vụ Thánh Thể thì trong bài tường thuật hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã giảng dạy dân chúng trước rồi mới ban bánh sau. Dân chúng được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa trước khi được nuôi dưỡng bằng bánh đã được chúc phúc. Đây quả là một Thánh Lễ cử hành giữa đời thường. Một Thánh Lễ không có nhà thờ, chẳng có bàn thờ.
2- Cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu khi hoá bánh ra nhiều, khi lập phép Mình Thánh Chúa và khi dùng bữa với các môn đệ làng Emmau giống y như nhau. Cả 3 đoạn văn trên đều tả Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ.

Tại sao có sự trùng hợp thế? Thưa vì Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu rằng: Bí tích không chỉ là một nghi lễ, nhưng là một sự thực. Sự thực ấy phải đâm rễ sâu nơi cuộc đời, phản chiếu đời sống và đem lại lợi ích cho đời sống.

– Nếu trong Thánh Lễ Chúa Giêsu ban phát lương thực nuôi linh hồn, thì ngoài cuộc đời, Người đã ban lương thực nuôi thân xác.
– Nếu Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ, thì trong sa mạc hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã tổ chức một bữa tiệc long trọng, mỗi bàn ăn gồm 50 người để họ chia sẻ với nhau không chỉ cơm bánh mà còn tâm tư tình cảm nữa.
– Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dâng mình cho Đức Chúa Cha dưới hình bánh rượu, thì ngoài cuộc đời, Chúa Giêsu đã tự hiến mình trên thánh giá.
– Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dưới hình bánh bị bẻ ra để phân phát, thì ngoài cuộc đời, thân xác Người cũng đã bị bẻ ra trong những sỉ nhúc, đòn vọt, đóng đinh.

Quả thật Chúa Giêsu đã dâng Thánh Lễ không chỉ trong nhà thờ, mà Người còn dâng Thánh Lễ ngoài cuộc đời. Người không chỉ dâng một lễ vật nào đó, nhưng đã dâng chính bản thân mình. Người chỉ cử hành một bí tích, nhưng chính bản thân Người đã trở thành bí tích. Người không chỉ bẻ ra một tấm bánh mà còn bẻ chính thân mình ra để ban phát cho mọi người. Chính vì thế mà lễ dâng của Người có giá trị. Thái độ của Chúa Giêsu khiến ta phải suy nghĩ.

Làm sao ta có thể gọi Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ nếu ta vẫn còn giữ trong lòng những thù hận ghen ghét? Làm sao ta có thể đi dự tiệc Thánh Lễ nếu chung quanh ta còn biết bao anh em đói khổ, thiếu thốn? Làm sao ta có thể dâng Thánh Lễ nếu trong cuộc đời ta không hiến mình cho anh em?

Khi truyền lệnh: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu không chỉ truyền cho ta cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Người còn muốn cho ta dâng Thánh Lễ cả ngoài cuộc đời. Nghĩa là phải chia sẻ, chịu mọi đau khổ, biết khiêm nhường nhịn nhục, biết sống đoàn kết yêu thương, biết hiến mình vì anh em.

Việc cử hành Thánh Lễ ngoài cuộc đời cũng quan trọng như việc cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Hơn nữa, nếu thiếu việc cử hành ngoài cuộc đời, những nghi lễ trong nhà thờ sẽ trở thành bùa chú, giả dối và phản chứng.

Xin cho Bí tích Thánh Thể trở thành một sự thực trong đời sống. Xin cho chúng ta biết thờ lạy Chúa Giêsu không phải chỉ trong hình bánh mà còn nơi những anh em bé mọn trong cuộc đời. Xin cho chính đời sống ta trở thành một bí tích, chịu bẻ ra để đem lại lợi ích cho anh em. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Theo bạn, thế nào là tích cực tham dự Thánh Lễ?
2. Rước lễ đem lại những ơn ích nào cho đời sống thiêng liêng của bạn?
3. Bạn đã dâng Thánh Lễ trong cuộc đời chưa?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

————————————————–

 

Phép Lạ Là Hóa Bánh Ra Nhiều
Hay Bẻ Bánh Ra Và Trao?

Trong các phép lạ được ghi lại, hóa bánh ra nhiều là phổ thông nhất: cả bốn sách Tin Mừng đều kể lại, thậm chí Matthêu và Marcô còn đề cập tới một vụ khác nữa ít hoành tráng hơn. Tại sao vậy? Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho là ‘vì đây là phép lạ chứng tỏ rõ ràng nhất quyền uy tuyệt đối của Chúa Giêsu trên các định luật tự nhiên’ (xem chú giải Lc 9,12 trong ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ của nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Tôi xin mạn phép được suy nghĩ khác đi một chút.

Căn cứ vào Phúc Âm Gioan chương 6, ý nghĩa chính của sự kiện lạ này không mấy hệ tại ở việc ‘hóa bánh ra nhiều’, cho bằng ở việc ‘bẻ bánh ra và trao’. Hầu như cả sáu trình thuật đều đề cao hành vi xem ra khá tiểu tiết này. Hơn nữa, khi đọc đoạn Tin Mừng được Giáo hội trích dẫn trong ngày Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm C, tôi càng thêm xác tín về suy nghĩ của mình. Đúng là ‘hóa bánh ra nhiều’ chỉ là ‘bao bì’ để thu hút khách hàng đón nhận một ‘sản phẩm’ tuyệt vời là tình yêu ‘bẻ ra và trao tặng’ gói đựng bên trong. Và có thể vì đã nắm được nội dung nòng cốt của sự kiện này nên các Kitô hữu ngay từ thời đầu đã dành cho phép lạ ‘bánh hóa nhiều’ một trân trọng đặc biệt đến thế. Phép lạ mang tính vật lý này thực ra chỉ là tiền đề đưa ta tới cử chỉ ‘bẻ ra và trao tặng’ đầy ý nghĩa và rất độc đáo của một Thiên Chúa nhân ái, được thực hiện trong hiến tế thập giá của Đức Giêsu Kitô. Sau này, khi việc hóa bánh ra nhiều không còn là quan trọng nữa, thì hành vi ‘bẻ bánh và trao cho’ lại luôn được môn đệ nhận ra đó là dấu hiệu không thể nhầm lẫn để nhận ra Thầy chí thánh, như trường hợp hai môn đệ trên được đi Emmau sau khi Chúa phục sinh (xem Lc 24, 30-31).

Nếu truyền thống Kitô giáo, qua các thời đại, luôn liên kết phép lạ này với Thánh Thể, thì chính là vì đã nhận ra việc ‘bẻ ra và trao ban’ là điều đã được thực hiện cách trọn vẹn trong hiến tế thập giá của Đức Giêsu. Trong bữa tiệc Vượt Qua ly biệt, Đức Giêsu đã chẳng tự ‘bẻ ra và trao ban’ là gì’? Bánh bẻ ra là ‘bí tích’ (dấu bên ngoài) của Mình Thầy hiến tế, rượu trao ban là ‘bí tích’ của Máu Thầy đổ ra cứu chuộc. Tự nó việc xác định ‘bánh là Mình Thầy và rượu là Máu Thầy’ sẽ hầu như trở nên vô nghĩa, nếu chỉ dừng lại ở sự biến thể kỳ lạ (transubstantiation). Đức Giêsu chỉ biến thể để có thể thực hiện việc tự ‘bẻ ra và trao tặng’ tới từng người chúng ta. Như thế Thánh Thể trước hết phải là một hành động, một hành động tự hiến, biểu lộ rõ nét nhất yếu tính nền tảng của Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã hé mở cho thấy: một Thiên Chúa hiến dâng và trao tặng cho nhân loại, trong chính lúc họ tội lỗi và bất xứng nhất.

Như vậy Mình và Máu Thánh Chúa sẽ không chỉ đơn thuần là hiện diện của Giêsu – Thiên Chúa, để chúng ta ‘phục bái tôn thờ’; nhưng luôn là dâng hiến của một Giêsu ‘bẻ ra – trao ban’ để ta đón nhận và phân phát. Thánh Thể sẽ không chỉ đòi nơi ta một lòng sùng kính ‘tĩnh’, nhưng phải đưa ta đến một đón nhận và tham gia ‘động’ vào huyền nhiệm Giêsu hiến mình trên thập giá. Thánh Thể thôi thúc mỗi môn đệ chúng ta “chính anh em hãy cho họ ăn”, khác hẳn với thái độ hưởng thụ và no nê cho thỏa chí thỏa lòng của đám quần chúng.

Suy niệm này giúp ta hiểu được phần nào các đòi hỏi của việc cử hành Thánh Thể. Truyền phép để bánh trở thành Mình-Chúa-bẻ-ra và rượu trở thành Máu-Chúa-đổ-ra là một cử hành (celebration) thực sự, chứ không chỉ là một công thức (formula) nhiệm mầu tạo nên sự biến thể. Và Chúa muốn mỗi chúng ta “anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”, chứ không chỉ diễn lại hay lập lại như một tấn tuồng tưởng niệm. Càng trong tư cách linh mục, chính tôi trước hết, và qua tôi cả các anh chị em tín hữu khác nữa, trong mỗi Thánh lễ sẽ phải làm việc cử hành này cách sinh động nhất; đó là vào sâu trong niềm tin vào một Thiên Chúa hiến mình và trao ban, để rồi chính mình cũng sẽ khởi đầu cuộc hiến mình và trao ban trong Giêsu.

Thống hối đầu Thánh Lễ không chỉ mang mục đích thanh tẩy ta cho xứng với một hành vi phụng vụ, nhưng còn quan trọng hơn, cho ta ý thức đón nhận món quà đã được Thiên Chúa trao ban vô điều kiện, cách đầy nhân ái và yêu thương. Việc rước lễ không chỉ để ta đón lấy một Thiên Chúa ngự vào trong lòng, nhưng phải kết hiệp ta sâu sắc với một Đức Kitô ‘bẻ ra và trao tặng’ của thập giá, và phải thôi thúc ta làm như người đã làm trong cuộc sống hàng ngày. Thánh Lễ là trung tâm đời sống Kitô hữu không chỉ vì đó là hành vi thờ phượng Thiên Chúa cách cao quí nhất, nhưng vì nó liên kết chúng ta cách sâu xa nhất vào mầu nhiệm hiến tế là trung tâm của niềm tin cũng như cuộc sống của chúng ta. Một khi chính Thiên Chúa đã tự hiến và trao ban thì các Kitô hữu, là những kẻ tin vào Người, sẽ không thể làm gì khác hơn.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, cảm tạ Chúa đã cho con được làm linh mục để có điều kiện ‘cử hành’ Thánh Lễ tốt hơn. Xin Chúa nâng đỡ để con có thể giúp nhiều tín hữu, không những chỉ cử hành các nghi thức cách trang trọng và sốt sáng, nhưng còn biết tham dự vào hiến tế thập giá của Chúa Kitô bằng việc ‘bẻ ra và trao ban’ chính mình trong cuộc sống hàng này. Xin cho con được một lòng sùng kính mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa cách sống động, để mỗi lần tới gần Thánh Thể là con lãnh nhận được tình yêu dâng hiến Chúa dành cho con, đồng thời cũng mời gọi con tiến vào tình yêu dâng hiến phục vụ mọi người. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

——————————————-

 

Ở Lại Trong Chúa

Con người phải có niềm tin. Niềm tin cho ta hy vọng và lạc quan trong cuộc sống. Niềm tin không hẳn là tin tưởng vào khả năng nghị lực của mình. Niềm tin là tin tưởng, trông cậy vào Đấng quyền năng có thể phù hộ và dẫn dắt cuộc đời chúng ta luôn bình an và dẫn đưa ta đến sự sống đời đời. Tất cả sinh hoạt của các tôn giáo đều thể hiện niềm tin ấy. Khi an vui họ dâng lời tạ ơn Đấng tối cao. Khi khó khăn họ phó thác.

Đối với người tin theo Chúa, là đặt niềm tin của mình vào Đấng hằng sống và hằng mong được sống đời đời bên Chúa. Đây là điều Chúa Giêsu đã hứa: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ” (Ga 11,25).“Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa ” (Mt 6,33).

Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đi trên con đường công chính của Ngài luôn là điều vượt khả năng của con người. Ngay cả những vị thánh cũng có những quá khứ lầm lỗi, yếu đuối nhưng từng bước bám vào Chúa mà các ngài chiến thắng cám dỗ để hôm nay đạt được sự sống đời đời.

Đôi khi chúng ta cũng ao được được nhìn thấy Chúa, được đụng chạm vào Chúa như các thánh để được nâng đỡ hồn xác đầy yếu đuối của chúng ta. Thực ra không cần phải đi đâu xa, Chúa vẫn đang đụng chạm tới chúng ta trong từng hơi thở của nhịp sống. Chúa luôn hiện diện trong từng biến cố cuộc sống nhưng chúng ta đã không nhận ra Ngài.

Khi chúng ta lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, không những Chúa đụng chạm mà còn trở nên của ăn, của uống thấm nhập vào linh hồn và thân xác của chúng ta. Chính chúng ta được nhận lấy và đụng chạm Mình Thánh nơi lòng bàn tay, tới lưỡi, xuống cổ và vào bao tử. Chúng ta được hưởng nếm Chúa qua hình bánh và rượu. Các thừa tác viên còn được cầm giữ Mình Máu Thánh Chúa khi trao ban cho mọi người. Mấy khi chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện đích thực của Chúa nơi tâm hồn chúng ta. Chúa hiện diện trong tấm bánh nhỏ mà chúng ta rước lễ mỗi ngày hay mỗi tuần. Có sự hiện diện của cùng một Chúa Giêsu trong Bí Tích trong bất cứ nơi nào.

Được Chúa Giêsu Thánh Thể nuôi dưỡng, cũng có nghĩa chúng ta phải từ bỏ chính mình, để đặt niềm tin nơi Chúa và để cho Chúa hướng dẫn. Qua Bí tích Thánh Thể chúng ta được tháp nhập vào thân thể của Đức Giêsu và là chi thể của Ngài. Thánh Phaolô tông đồ nhắc chúng ta nhớ rằng: “Chén chúc tụng mà chúng ta dâng lên Chúa, lại chẳng phải là thông hiệp với Máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh chúng ta bẻ ra, chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể, vì tất cả chúng ta cùng thông phần vào một tấm bánh” (1Cr 10:16-17).

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn hiệp thông mật thiết với Đấng là Bánh Hằng Sống, xin Mẹ giúp chúng con biết sống thân thiết với Chúa và với anh chị em đồng loại qua việc luôn ở lại trong tình yêu Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

—————————————————-

Hy Tế Của Đức Kitô Còn Tiếp Diễn

Trong giờ giáo lý, đến bài Thánh lễ và Mình Máu thánh Chúa, giáo lý viên đề nghị học sinh so sánh giá trị của hai lễ tế sau đây:
Một là Hy tế của Đức Kitô, tức là việc Chúa Giêsu dâng hiến Thân mình Ngài trên thập giá trên đồi Canvê cách đây 2.000 năm;
Và hai là Thánh lễ được cử hành hằng ngày trong Hội Thánh;
Rồi nêu lên câu hỏi: Trong hai lễ tế nầy, lễ nào cao trọng hơn?
Các học sinh đều trả lời là hy tế của Đức Kitô trên đồi Canvê ngày xưa cao trọng hơn Thánh lễ hôm nay nhiều lần.
Giáo lý viên cho rằng trả lời như vậy là sai. Đáp án đúng là cả hai đều cao trọng như nhau.
Tại sao lại cao trọng như nhau?
Vì cả hai lễ tế nêu trên chỉ là một.

Hy tế của Chúa Giêsu trên đồi Canvê và Thánh lễ hôm nay chỉ là một
Sách Giáo lý Hội Thánh dạy rằng: Thánh lễ hôm nay “hiện tại hoá Hy tế Thập Giá của Chúa Giêsu”, có nghĩa là hy tế thập giá của Chúa Giêsu trên đồi Canvê ngày xưa đang thực sự diễn ra mỗi khi Thánh lễ được cử hành.

Nói khác đi, “Hy tế của Chúa Giêsu năm xưa và Thánh lễ hôm nay chỉ là một. Một Lễ vật duy nhất là Đức Kitô, xưa kia, chính Ngài tự dâng trên thập giá, còn nay được dâng lên nhờ linh mục.” (GLCG số 1366 và 1367).

Thế là mỗi lần Thánh lễ được cử hành, Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện giữa cộng đoàn phụng vụ và thực sự dâng hiến chính Mình Ngài làm lễ tế cho Thiên Chúa Cha, để đền tội cho muôn dân.

Vì thế, đây là lễ tế cực kỳ thiêng liêng và cao trọng, chứ không chỉ là một nghi lễ tưởng niệm mà thôi.

Vì thế, khi chúng ta tham dự Thánh lễ là đang hiệp thông vào Hy tế Thập Giá của Chúa Giêsu như Mẹ Maria, như thánh Gioan tông đồ năm xưa, nối gót Chúa Giêsu trên đường thương khó và cùng chịu đau khổ với Ngài.

Khi chúng ta tham dự Thánh lễ là cùng vác thập giá với Chúa Giêsu như ông Simôn Kyrênê đã vác trên chặng đường thương khó, để thông hiệp vào cuộc thương khó của Chúa và góp phần với Chúa để đền tội cho các linh hồn. Cao quý biết bao!

Hồng ân Thánh lễ
Hiệu quả trước tiên của Thánh lễ là mang lại ơn tha tội.
Hy tế của Chúa Giêsu trên đồi Canvê hôm xưa mang lại ơn tha tội cho muôn dân thế nào, thì Thánh lễ hôm nay, vì là một với hy tế Canvê, cũng mang lại ơn tha tội cho muôn người như thế (GLCG số1366).

Vậy thì khi chúng ta tham dự Thánh lễ cách trọn vẹn và sốt sắng, chúng ta sẽ nhận được ơn tha thứ tội lỗi từ hy tế của Chúa Giêsu.

Ngoài ra, nhờ rước lấy Mình Máu Chúa Giêsu trong Thánh lễ, chúng ta được nên một với Ngài, như giọt nước hòa trong chén rượu, như bàn tay nối liền cơ thể. Nhờ đó, sự sống đời đời của Chúa Giêsu sẽ được thông truyền cho chúng ta, châu lưu trong huyết quản chúng ta, giúp ta được sống đời đời với Chúa, như lời Ngài nói: “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,54).

Lạy Chúa Giêsu. Để tha thứ tội lỗi chúng con, để cứu chúng con khỏi trầm luân đời đời trong hỏa ngục, Chúa đã hy sinh chịu khổ nạn và chịu chết rất đau thương.

Hôm nay, Chúa còn tiếp tục dâng hiến Thân mình làm lễ tế trong mỗi Thánh lễ hằng ngày để hiến ban Mình Máu thánh Chúa cho chúng con; nhờ đó, chúng con được hiệp thông nên một với Chúa và được sống đời đời với Chúa.

Xin cho chúng con tham dự Thánh lễ thường xuyên, để tôn sùng Mình Máu Thánh Chúa và đón nhận ân sủng cao quý Chúa ban qua Bí tích cực trọng nầy. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

————————————————

 

Dâng Hiến
Lễ Mình Máu Thánh Chúa – (Lc 9, 11b – 17)

Thánh lễ cuộc đời giữa thế gian

Hy sinh trao tặng vẫn nồng nàn

Yêu thương đoàn kết trong gian khó

Đau khổ sẻ chia lúc bần hàn

Tấm Bánh tinh tuyền trao hiệp nhất

Rượu ngon hảo hạng tặng bình an

Thần lương huyền nhiệm tình dâng hiến

Phục vụ khiêm nhường nghĩa chứa chan.

Hạt Nắng

———————————————–

 

Lễ Dâng
Lễ Mình Máu Chúa (Lc 9, 11b – 17)

Bước chân buồn, lang thang giữa cuộc đời,
Con chỉ nhận, mưu mô đầy toan tính.
Con đi tìm nguồn ánh sáng tâm linh,
Con đi tìm nguồn sức sống ân tình.

Nỗi u hoài, chơi vơi giữa lòng người,
Con đón nhân rẻ khinh, người xa lánh.
Chúa đi tìm gặp con giữa u mê,
Ban Lời Thiêng, Ngài dìu bước con về.

Ôi! Giêsu. Ngài là Cứu Chúa đời con.
Ôi! Giêsu. Ngài là nguồn sống của con.
Máu – Thịt Ngài là thần lương sự sống,
Dưỡng nuôi con, vững bước trên đường đời.

Con hân hoan, theo Ngài đi khắp muôn nơi.
Con ca vang, cùng Ngài loan báo Tin Vui.
Dâng tặng đời, tình yêu và cuộc sống,
Dâng những hy sinh, nên Bánh – Rươu thơm nồng.

M. Madalena Hoa Ngâu

——————————————————

 

Thần Lương Huyền Nhiệm
Lễ Mình máu Thánh Chúa Kitô – (Lc 9, 11b – 17)

Kính Lạy Chúa Chiên Lành yêu dấu,
tình yêu Ngài mầu nhiệm cao quang.
Cứu con thoát cảnh cơ hàn,
ấm no, hạnh phúc ngập tràn niềm vui.

Vắng tình Ngài, chôn vùi ước vọng,
lê bước chân cô độc tha phương.
Hồn con mệt mỏi chán chường,
Ngài yêu ấp ủ tình thương dạt dào.

Ngài tuôn đổ mưa rào ân phúc,
bằng suối tình thánh đức yêu thương.
Bẻ đôi tấm bánh khiêm nhường,
chia cơm, sẻ áo tình thương với đời.

Sợ con dại rối bời lạc bước,
bao hiểm nguy mưu chước bủa vây.
Tình yêu Ngài hiến tặng đây,
Máu Thầy của uống, Mình Thầy của ăn.

Nguồn lương thực thơm lành sinh động,
huyền nhiệm thay sự sống miên trường.
Mời con hiệp lễ yêu thương,
cùng Thầy đi khắp nẻo đường trần gian.

Bước vào đời dẫu ngàn giông tố,
dâng tấm lòng gian khổ hy sinh.
Vì yêu vui hiến thân mình,
vỡ tan, nghiền nát nghĩa tình hiến dâng.

Dâng tấm bánh tình thân nhân ái,
sống hiệp thông, quảng đại thi ân.
Tình yêu thập giá dự phần,
hóa thành lương thực ân cần trao ban.

Thánh Thể Chúa nồng nàn ân phúc,
Ngài trở nên lương thực đời con.
Một lòng con nguyện sắt son,m
theo Ngài dâng Bánh – Rượu ngon cho đời.

AP. Mặc Trầm Cung