“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 14, 23 – 29)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Trong Và Ngoài Tình Yêu ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Tại Sao Lại Tỏ Mình Ra Cho Con ? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Bình An Trong Chúa Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Được Chúa Ở Cùng Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Phúc Bình An Hạt Nắng Trg 8
Bước Đi Trong Tình Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 9
Tặng Phẩm Tình Yêu A.P. Mặc Trầm Cung Trg 10
——————————————-
Trong Và Ngoài Tình Yêu
Trong những năm qua, nước ta phải trải qua hai thiên tai khốc liệt. Thiên tai gây nên những thiệt hại trầm trọng về vật chất và tinh thần. Nhưng cũng chính trong thiên tai đã xuất hiện những nét đẹp của tình người.
Qua báo đài, tôi đã thấy nhiều Đức Giám mục, Linh mục mặc quần soọc áo may-ô chèo thuyền đi thăm viếng, khích lệ các nạn nhân. Nhiều cao tăng hoà thượng vận động tín đồ Phật tử tham gia công tác cứu trợ. Nhiều nữ tu đứng ra tổ chức công việc cứu trợ có khoa học và hiệu quả. Nhiều nhà thờ, nhà chùa, tu viện trở thành nơi tiếp đón các gia đình lâm nạn. Biết bao bộ đội, công an xả thân, liều lĩnh vượt qua sóng to gió lớn để cứu hộ các nạn nhân. Cả nước hướng về những nơi hoạn nạn đã đành. Cả những anh chị em ở nước ngoài cũng đau đớn khi khúc ruột trong nước đau đớn. Nên Việt kiều ở nước ngoài cũng đã vận động quyên góp, tổ chức những đoàn cứu trợ về thăm viếng và uỷ lạo các nạn nhân bão lụt. Nhiều cơ quan thiện nguyện nước ngoài cũng nhập cuộc. Tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, màu da, ngôn ngữ, khuynh hướng chính trị, giai cấp đang quy tụ lại để khắc phục thảm hoạ. Toàn cầu hoá với sự bùng nổ thông tin đang làm cho các nước xích lại gần nhau. Gần gũi không chỉ về không gian, nhưng nhất là về tấm lòng. Mọi người liên đới với nhau trong việc chống lại cái ác và cùng nhau đề cao sự thiện, lòng nhân ái. Đó là dấu chỉ cho thấy Lời Chúa đang được thực hiện.
Tuần trước khi Chúa Giêsu nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau”, Người đã cấp thẻ quốc tịch cho những kẻ thuộc về Người. Căn tính của những kẻ thuộc về Người không phải là mầu da, ngôn ngữ hay phong tục tập quán, nhưng là trái tim. Người ta nhận ra thần dân của Người không phải bằng chiều cao, sức nặng, nhưng bằng tình yêu.
Hôm nay, khi nói: “Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy. Và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”, Chúa Giêsu đang vẽ nên biên cương Nước Chúa. Biên cương này không xác định bằng rừng núi, sông biển, nhưng bằng tấm lòng. Chúa Giêsu không giới hạn Nước Chúa trong 4 bức tường nhà thờ vì Nước Chúa là Tình Yêu. Vì thế, điều quan trọng không phải là ở trong hay ngoài nhà thờ, nhưng là ở trong hay ở ngoài tình yêu. Ai ở ngoài nhà thờ mà ở trong Tình Yêu thì người ấy đã ở trong Nước Chúa. Trái lại, những ai ở trong nhà thờ mà không có Tình Yêu, thì người ấy vẫn còn ở ngoài Nước Chúa.
Rồi xã hội sẽ chẳng còn phân biệt hữu thần với vô thần. Nhưng sẽ chỉ có một phân biệt duy nhất: hữu tâm và vô tâm. Người hữu tâm là người có trái tim rộng mở, biết chạnh lòng thương xót, biết chia sẻ, phục vụ. Người vô tâm là người lòng chai dạ đá, trái tim khép chặt, chỉ biết trau chuốt bản thân. Người vô thần mà có trái tim nhân ái thì đã thuộc về Chúa. Hữu thần mà tâm hồn tàn nhẫn độc ác thì đã bị loại trừ ra khỏi Nước Chúa rồi.
Nhìn như thế, Nước Chúa thực là rộng lắm. Những người thuộc về Nước Chúa thực là đông đảo. Những người có trái tim yêu thương tạo nên thành Giêrusalem mới như ta nghe trong bài đọc thứ I hôm nay. Thành Giêrusalem mới có cửa mở ra 4 phương tám hướng để đón nhận mọi người từ khắp nơi tuốn về. Thành không có Đền Thờ vì thành được xây bằng yêu thương. Mà ở đâu có yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa ngự trị. Thành không cần đèn đuốc vì Thiên Chúa tình yêu là ánh sáng cho thành. Gạch xây thành là những trái tim chan chứa yêu thương nên thành trở nên một khối pha lê trong suốt, như một viên ngọc quý toả ánh sáng tới khắp muôn dân.
Trong số những người có trái tim, xây dựng nên thành Giêrusalem mới ấy, tôi thấy có nhiều người trong anh chị em. Trong những năm qua số người tham gia công tác từ thiện bác ái ngày càng đông. Người âm thầm, kẻ công khai. Người góp của, kẻ dâng công. Tôi thấy rõ là anh chị em đang phấn đấu để ở trong tình yêu. Tôi thấy rõ là anh chị em đang rèn luyện để trở nên người hữu tâm.
Xin tình yêu Chúa thanh luyện trái tim ta không ngừng, để mỗi trái tim chúng ta trở thành một viên gạch trong suốt như pha lê, góp phần xây dựng thành Giêrusalem mới cho tình yêu Thiên Chúa ngự trị. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Chỉ đi lễ, đi đọc kinh thôi, đã đủ làm công dân trong Nước Trời chưa? Bạn có quan tâm giúp đỡ những người kém may mắn chung quanh bạn không?
2. Bạn có phấn đấu để hãm dẹp tính ích kỷ, chia rẽ và phát triển tình yêu thương tha thứ trong tâm hồn bạn không?
3. Bạn nghĩ gì về những người ngoại đạo tốt? Họ có phải là con Chúa không?
4. Trong và ngoài Giáo Hội. Trong và ngoài tinh thần. Bạn quan tâm tới điều nào hơn?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
————————————————–
Tại Sao Lại Tỏ Mình Ra Cho Con?
Trong bài diễn từ tiễn biệt rất dài (từ cuối chương 13 cho tới hết chương 17 của Phúc âm Gioan) Đức Giêsu đã mất nhiều công sức để trấn an các môn đệ Người; chắc hẳn lúc đó các ông đang trong rơi vào tình trạng rất bồn chồn lo lắng, tương tự như một nhóm học sinh gần tới ngày ra trường phải ôn thi: các ông mong ghi nhớ hết mọi lời Thầy dạy, nhớ tới từng chi tiết, nhưng lại có nguy cơ quên mất điểu hệ trọng chính yếu nhất; và điều chính yếu đó không phải là những bài học từ chương về các điều Thầy dạy dỗ, nhưng là bộc lộ bản chất đích thực của Thầy Giêsu – Lời tối hậu của Thiên Chúa. Việc bộc lộ này rõ ràng chỉ dành cho các môn đệ là những người thâm tín đã theo Thầy suốt bằng ấy năm: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Nếu nắm bắt được nội dung lời trăn trối này, chúng ta sẽ có cơ may thấu hiểu được cái cỗi lõi của niềm tin Kitô hữu chăng?
Nắm giữ Lời là điều tối quan trọng trong việc duy trì tương quan với Thầy Giêsu, kể cả khi Người đã ra đi: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy…Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy”. Lời đó chắc chắn không chỉ đơn thuần là các bài thuyết giảng mà Người đã từng tuyên giáo trên khắp các nẻo đường xứ Galilê và Giuđê trong ròng rã ba năm trời; trong số đó có những bài thật ý nhị và độc đáo, chẳng hạn bài bàn về các mối phúc hay các câu chuyện dụ ngôn…; thế nhưng, cho dầu có tuân giữ được mọi lời Ráp-bi Giêsu giảng dạy đi nữa, thì điều đó cũng đâu có thể làm cho “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Lời đây hẳn là một điều gì rất đặc biệt mà Người đã từng khẳng định: “không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. Lời mà Người nhân danh Chúa Cha đến trần gian để nói lên cho bằng được, và chỉ có thể nói cho các môn đệ thâm tín nhất là những kẻ đã tin theo Người mà thôi.
Tuy nhiên Lời này sẽ không hề dễ hiểu, ngay cả đối với các môn đệ! Hồi đó, cho tới lúc Thầy Giêsu sắp ra đi, các môn đệ vẫn luôn cảm thấy khó chấp nhận bài học này: mỗi lần Thầy Giêsu đề cập tới sự tự hiến Thập Giá và đau khổ mà Người sẽ phải chịu tại Giêrusalem, không một ai trong số họ không lớn tiếng phản đối, can ngăn. Nhất là khi Người khẳng định: ai nhìn thấy Thầy tự hiến là nhìn thấy Chúa Cha, nhìn thấy vinh quang đích thực của Cha… thì không một môn đệ nào có thể hiểu nổi (Ga 14:8-11). Đức Giêsu biết rất rõ điều đó; cần phải có một can thiệp đặc biệt, can thiệp của Thần Khí; các môn đệ cần tới một đấng Bảo Trợ, Đấng “sẽ được sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”. Phải, để hiểu được Lời của Giêsu Thập Giá, hiểu được Tình Yêu tự hiến và cứu độ của Thiên Chúa, dứt khoát cần tới sự can thiệp của Thánh Thần. Người thường thì chỉ có thể hiểu được các lời khuyên dạy, các câu chuyện dụ ngôn, các lời dạy dỗ đầy khôn ngoan từ miệng Rápbi Giêsu phán ra, nhưng để hiểu chính con người và hành động của Giêsu Kitô là Lời của Thiên Chúa, nhất là khi Lời đó được vang lên, không phải trên bục giảng mà là trên Thập Giá, thì trí khôn con người, cho dầu có xuất chúng tới mấy đi nữa (kể cả bộ óc kỳ tài như Albert Einstein chẳng hạn), cũng không thể nào nắm bắt được.
Ồ, thật vậy sao? Ngay cả một Linh mục lớn tuổi như tôi mà vẫn cứ đinh ninh rằng: để hiểu và giữ lời Chúa thì chỉ cần một chút thông minh, một chút thiện chí; và thông minh – thiện chí cũng là điều tôi vẫn thường lớn tiếng đòi kêu gọi anh chị em tín hữu phải có. Có lẽ chính vì thế mà, cho tới giờ này, tôi có thấu hiểu gì về Lời Tình Yêu – Thập Giá đâu… và các giáo hữu nghe tôi giảng có lẽ cũng chẳng hiểu được gì hơn! Tôi chăm chú suy tư, lo dọn bài giảng hơn là dành thời giờ cầu nguyện, lo trình bày cho khôn khéo hơn là tin tưởng vào tác động của Đấng Bảo Trợ đang ngự trong tâm hồn các tín hữu; trên tòa giảng, tôi lo tạo ấn tượng trên các thính giả của mình, hơn là tìm cách đóng trên họ dấu ấn của Thần Khí.
Và dấu ấn của Lời đó trong Thần Khí thì thật rõ ràng: “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi… Thầy để lại bình an cho anh em… Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Lời Thầy Giêsu – Lời Thiên Chúa xót thương không bao giờ là lời đe dọa; Lời đó không tạo áp lực ép buộc, cũng chẳng tạo căng thẳng lo âu! Lời Thầy Giêsu sẽ luôn lan tỏa an bình, thư thái cho cả những tâm hồn đã phạm phải những tội tầy trời nhất; “Ta không kết án, hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa!” Nếu vậy, tôi – một linh mục của Đức Kitô có thật sự mang Lời bình an này tới tâm hồn mọi tín hữu, nhất là những tâm hồn chìm đắm trong tội lỗi đang rất cần tới Lời an ủi hơn bất cứ điều gì khác? Và để làm được điều đó: không một ai khác có thể giúp tôi, hơn là Thánh Thần, Đấng ủi an.
Lạy Chúa Giêsu là Lời đích thực của Thiên Chúa Cha giầu lòng xót thương, xin đổ Thần Khí xuống trên con, để con hiểu được Lời Tình Yêu, nhất là mỗi khi con cử hành Thánh Lễ. Nếu chính con chưa một lần hiểu và giữ được Lời Tình Yêu đích thực, nhất là qua biểu lộ của Thánh Thể – Thập Giá, thì làm sao con có thể mở miệng loan truyền Lời Chúa cho anh chị em tín hữu? Có thể con đã giảng lời Giêsu quá nhiều, nhưng đã giảng Lời-Chúa quá ít. Xin chỉnh đốn tình trạng thiếu xót trầm trọng này nơi con! Xin đổ tràn ngập tâm hồn con thứ bình an độc đáo của Chúa, phát xuất từ cảm nghiệm bản thân về lòng Chúa Xót Thương, để con – linh mục của Chúa cũng có thể loan báo và thông truyền Tin Mừng đầy an ủi này cho mọi người, nhất là cho các tội nhân bất hạnh và bị đọa đầy. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
———————————————–
Bình An Trong Chúa
Bình an luôn là mong cầu của mọi người. Người đi xa mong cầu cho người ở nhà luôn bình an. Người ở nhà luôn cầu chúc cho kẻ đi xa thượng lộ bình an. Nhưng có mấy ai hiểu được làm sao có bình an?
Ở đời người ta thường mải mê kiếm tìm hạnh phúc và bình an trong vật chất, mà quên mất rằng đôi khi hạnh phúc và bình an lại phụ thuộc vào chính tâm hồn và trái tim của mình. Thế nên, có ai đó nói rằng: Bình an không phải là đứng giữa một khoảng trời không giông tố, mà là khi ở giữa giông bão ta vẫn thấy lòng bình an. Bình an không tùy thuộc vào giông bão bên ngoài mà nó là hệ quả từ những lời nói, việc làm của mình gây nên những giông bão cho anh em. Vì vậy, muốn tìm kiếm bình an thì chẳng cần đâu xa đến ngàn vạn dặm đường, mà quan yếu là phải giữ cho tâm hồn và trái tim mình luôn luôn hướng về sự thiện, luôn sống hài hòa với mọi người và một khi tâm thiện thì tâm hồn sẽ có bình an.
Chúa Giêsu đã để lại bình an cho các tông đồ ngay trong bữa tiệc ly khi ngoài kia đang bao trùm bóng tối sự dữ. Trong bữa tiệc ấy Ngài đã nói: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an cho các con không theo kiểu thế gian. Lòng các con đừng xao xuyến, các con đừng sợ hãi.” Có người cho rằng: đây là một thời điểm không thích hợp để nói về bình an, vì khi ấy hoàn cảnh bên ngoài rất là xáo trộn. Không, trái lại rất thích hợp. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đang hiệp thông mật thiết với Chúa Cha nên Ngài vẫn có thể nói về bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết Ngài. Bình an là sống theo thánh ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã có bình an khi đón nhận thánh ý Chúa Cha trong vâng phục. Ngài đón nhận thập giá trong vâng phục chứ không nổi loạn, trong tha thứ để xóa bỏ hận thù.
Như vậy, bình an không phải giống như yên ổn, vì yên ổn là ở bên ngoài còn bình an thì ở bên trong. Bình an là tình trạng của một tâm hồn đang có tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha nhân. Thành tố quan trọng của bình an là sự công chính. Bởi thế, không có bình an cho kẻ dữ. Kẻ dữ tức là người luôn gây nên những sự dữ cho anh em bởi đời sống đam mê tội lỗi, sống thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Và điều quan yếu nhất của bình an chính là nhờ vào lòng trông cậy nơi Chúa. Đây là điều giúp ta có bình an ngay giữa những xáo trộn, xung đột và đầy sóng gió chung quanh. Đây cũng chính là thứ bình an mà thế gian không thể ban tặng được. Chỉ trong Thiên Chúa con người mới được nghỉ ngơi yên lành mà thôi.
Các tông đồ năm xưa chỉ có được sự bình an khi nhận ra Đấng Phục Sinh vẫn hằng ở bên họ, nên họ chẳng còn sợ hãi trước những đe dọa và bách hại. Họ lướt thắng mọi khó khăn, và nhất là có thể làm được những việc phi thường khi nhân danh Đấng Phục Sinh đang đồng hành cùng các ngài.
Hôm nay Chúa Giêsu đề nghị một phương án xây dựng thế giới an lành thịnh vượng. Phương án này khởi đi từ việc “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” để được nên một trong Chúa. Đây là điều Chúa Giêsu cũng mạc khải cho thánh nữ Faustina rằng: “Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi chúng quay về Suối Nguồn Tình Thương của Cha” (NK 699). Và mọi thụ tạo đều phát sinh từ những vực sâu thẳm của lòng thương xót rất mực dịu dàng của Cha. Những linh hồn mật thiết với Cha sẽ suy niệm tình yêu và lòng thương xót Cha đến muôn đời. Xin cho chúng ta biết đắm mình trong đại dương Lòng Thương Xót Chúa để được phục hồi, chữa lành, gìn giữ và ban bình an qua Lòng Thương Xót Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Được Chúa Ở Cùng
Thiên Chúa dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ bao la vô biên vô tận nầy. Ngài là Chúa tể thống trị muôn loài trên trời dưới đất. Vì thế, không có đền đài hay cung điện nào trên đời, cũng chẳng có ngai tòa nào trên khắp thế giới xứng đáng cho Ngài ngự trị… Thế thì thân xác và tâm hồn mỗi người chúng ta chẳng đáng là gì để Chúa ngự đến viếng thăm và ở lại với chúng ta.
Vậy mà Thiên Chúa quý mến con người cách đặc biệt và ưa thích ngự trị trong tâm hồn các tín hữu như trong đền thờ của Ngài.
Chúa Giêsu khẳng định rằng không chỉ riêng Chúa Cha mà còn cả chính Ngài cũng như Chúa Thánh Thần, là Đấng luôn kết hợp với Chúa Cha và Chúa Con, sẽ ngự đến và ở lại với những người xứng hợp.
Nhưng những ai được xem là xứng hợp?
Đó là những người yêu mến và vâng giữ lời Chúa Giêsu dạy, như lời Ngài phán: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).
Có lẽ chúng ta chưa bao giờ ước mơ có ngày được tiếp đón Đức thánh Cha hay những vị hồng y cao cả trong Hội Thánh đến ngụ tại nhà mình, vì cảm thấy mình bất xứng; thế mà chúng ta lại được vinh dự vạn lần hơn khi được cả Ba Ngôi Thiên Chúa đến ở lại với mình. Hạnh phúc biết bao!
Diễm phúc tuyệt vời nhất
Hôm xưa, khi đến truyền tin cho Đức trinh nữ Maria, sứ thần Gabriel cất tiếng chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng!”
Vì sao trinh nữ Maria được gọi là người đầy ân sủng thì sứ thần cho biết lý do: “Vì được Thiên Chúa ở cùng.”
Được Thiên Chúa ở cùng là diễm phúc tuyệt vời nhất trên thế gian. Muốn đạt được diễm phúc đó thì phải thực hiện hai điều Chúa Giêsu dạy: một là yêu mến Chúa, hai là tuân giữ lời Ngài. Việc nầy nằm trong khả năng, trong tầm tay mỗi người.
Tiếc thay, nhiều người ước mơ những phúc lộc phù du đời nầy và dồn hết công sức để chiếm hữu chúng, mà lãng quên hồng phúc lớn lao là được Chúa ở cùng.
Những phúc lộc đời nầy sẽ tiêu tan như khói như mây nên chẳng đáng cho ta đầu tư công sức để chiếm hữu, chỉ có những ai được Chúa ở cùng mới đạt được hạnh phúc đích thực và trường cửu mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu. Mặc dù chúng con bất xứng nhưng Chúa vẫn ưa thích ngự đến và ở lại với chúng con.
Xin cho chúng con đừng để tâm hồn bị ô nhiễm vì tội lỗi và những thói hư tật xấu, nhưng luôn gìn giữ tâm hồn trong sạch và tô điểm tâm hồn bằng các nhân đức, để xứng đáng làm nơi Chúa ngự. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
————————————————
Phúc Bình An
Chúa Nhật 6PS – C (Ga 14, 23 – 29)
Ân tình trao tặng phút chia tay
Bịn rịn phân ly nghĩa nồng nàn
Lưu luyến lặng thinh lưu luyến nhớ
Bồi hồi dao động bồi hồi than
Bình an để lại an bình quí
Hạnh phúc trao ban phúc hạnh tràn
Yêu mến thi hành lời di chúc
Ba Ngôi Chí Thánh ngự tâm can.
Hạt Nắng
——————————————–
Bước Đi Trong Tình Yêu
Chúa Nhật 6PSC (Ga 14, 23 – 29)
Con bước đi trong Tình Yêu,
dù cuộc đời còn bồng bềnh sóng gió
Con bước đi trong Bình An,
vì Tình Ngài luôn hằng ở bên con.
Thương Chúa nát thân hao mòn,
trên đồi cao lộng gió hiến mình.
Giang tay nguyện cầu dâng lời hiến tế,
giữa đất trời nồng nàn lễ hy sinh.
Ngài cho con Bình An,
để con bước đi giữa lòng thế giới,
để con hăng say loan báo Tin Vui,
để con sớt chia hơi ấm tình người,
nắm tay mọi người hòa khúc hát Tình Yêu.
Con bước đi trong Tình Yêu,
giữa cuộc đời sẻ chia tình nhân ái.
Con biết trao nhau bình an,
cho mọi người như Ngài ban cho con.
Con bước đi trong ân tình,
Lời Ngài gieo rắc bước hành trình.
Vượt ngàn chông gai, vượt mọi biên giới,
hoan ca giữa trời khúc hát Tình Yêu.
M. Madalena Hoa Ngâu
—————————————-
Tặng Phẩm Tình Yêu
CN VI PS.C (Ga 14, 23 – 29)
Dâng lên Chúa tâm hồn con cảm mến,
lời tâm tình của Chúa lúc chia ly.
Con băn khoăn trong giây phút phân kỳ,
Thầy từ giã về cùng Cha yêu dấu.
Tình thắm thiết nào ai suy cho thấu,
Thầy dặn dò con luôn nhớ khắc ghi.
Sống tin yêu bác ái nhớ thực thi,
lời răn dạy là Lời Cha Chí Thánh.
Luôn yêu mến, lắng nghe, đừng lẩn tránh,
giữ trung trinh tình vẹn nghĩa sắt son.
Để Tình Cha hằng tuôn đổ trên con,
tim bé nhỏ là Đền Thờ Thiên Chúa ngự.
Bình an của Chúa là bình an đích thực,
bắt nguồn từ sự công chính trong tim.
Lòng cậy trông vào ơn Chúa chân tình,
đẹp lòng Chúa điều lòng con ao ước.
Bình an của Chúa giúp con thêm vững bước,
hoa trái đầy cành dẫu nghịch cảnh gian nguy.
Sống bao dung, quảng đại biết gẫm suy,
Thực thi Lời Chúa sống yêu thương phục vụ.
Xin Chúa hãy dùng con làm khí cụ,
đem bình an của Chúa đến tha nhân.
Như mùa xuân hoa nở rộ hồng ân,
hoa nhân ái đem cho đời hạnh phúc.
Bình an của Chúa chính là nguồn ân đức,
Tặng phẩm Tình Yêu tăng dũng lực đời con”.
AP. Mặc Trầm Cung