SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 796, CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – C, 15/05/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 13, 31-33a.34– 35)

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.

“Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Yêu Người Như Chúa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Yêu Thương Như Thầy Đã Yêu Thương Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Xin Hãy Yêu Thương Nhau Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Môn Đệ Thật Của Chúa Giêsu Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7

THƠ TIN MỪNG

Dấu Chỉ Tình Yêu Hạt Nắng Trg 9
Mầu Nhiệm Yêu Thương M. Madalena Hoa Ngâu Trg 10
Lời Giải Tình Yêu A.P. Mặc Trầm Cung Trg 11

—————————————-

 

Yêu Người Như Chúa

Bề trên một tu viện Công giáo đến tìm vị ẩn sĩ trên vùng núi Hi mã lạp sơn để trình bày về tình trạng bi đát của tu viện. Trước kia tu viện này là một trung tâm sầm uất. Khách hành hương tấp nập. Nhà thờ lúc nào cũng vang lừng tiếng hát ca cầu nguyện. Tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu. Vậy mà giờ đây tu viện chẳng khác một ngôi nhà hoang phế. Nhà thờ vắng lặng. Tu sĩ thưa thớt già nua. Cuộc sống buồn tẻ. Cha Bề trên hỏi vị ẩn sĩ nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã khiến tu viện rơi vào tình trạng suy sụp như hiện nay.

Vị ẩn sĩ ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Ông giải thích thêm: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Người”.

Nhận được lời giải đáp, Cha Bề Trên hớn hở ra về. Cha tập họp các tu sĩ lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang ẩn mình giữa cộng đoàn. Nghe nói thế, mọi người mở to mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang? Nhưng chắc chắn nếu Đấng Cứu Thế đã cải trang thì chẳng ai có thể nhận ra Người. Mỗi người sống chung với ta đều có thể là Đấng Cứu Thế.

Từ ngày ấy mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Mọi người kính trọng nhau. Mọi người quan tâm chăm sóc nhau. Mọi người phục vụ nhau. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sự sống và niềm vui lại trở lại với tu viện. Khách hành hương bốn phương lại tấp nập tuốn về. Lời kinh tiếng hát lại vang lừng trong tu viện. Bị cuốn hút bởi bầu khí vui tươi thánh thiện, nhiều thanh niên đến xin gia nhập cộng đoàn.

Trước kia tu viện mất hết sức sống vì mọi người không thực hành Lời Chúa dạy. Sống cá nhân chủ nghĩa, thờ ơ lãnh đạm với nhau. Nay tu viện tràn đầy niềm vui và sức sống nhờ mọi người biết quan tâm đến nhau, yêu mến và phục vụ nhau.

Trước kia khách hành hương không muốn đến tu viện, các bạn trẻ không muốn vào tu viện vì tu viện không là dấu chỉ môn đệ của Chúa. Không sống theo Lời Chúa, các tu sĩ trở thành những hình ảnh mờ nhạt, không phản chiếu được nét đẹp của Thiên Chúa. Nay khách hành hương nườm nượp kéo đến, các bạn trẻ xếp hàng xin nhập tu, vì họ đã thấy nơi các tu sĩ có dấu chỉ của người môn đệ Đức Kitô, có lòng yêu thương nhau.

Lòng yêu thương đã khiến các tu sĩ trở nên hình ảnh của rõ nét của Thiên Chúa, chiếu toả sự sống của Thiên Chúa, loan báo hạnh phúc Thiên đàng. Lòng yêu thương ấy có sức hấp dẫn, có sức thuyết phục, có sức mời gọi mãnh liệt vì qua đó, mọi người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.

Yêu thương nhau đó là giới răn của Chúa. Nhưng không phải yêu thương theo kiểu phàm trần. Người đời thường chỉ yêu những ai yêu mình, có lợi cho mình, theo bản tính ích kỷ của mình. Thiên Chúa muốn các môn đệ của Người phải yêu như như Thiên Chúa đã yêu.

Yêu như Thiên Chúa nghĩa là phải hy sinh quên mình, hạ mình phục vụ anh em. Yêu như Thiên Chúa nghĩa là phải yêu những người bé nhỏ nghèo hèn. Yêu như Thiên Chúa là phải yêu thương cả những người ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa. Yêu như Thiên Chúa là phải không ngừng tha thứ, làm hoà với nhau.

Yêu như Thiên Chúa đó là sự sống của Giáo Hội. Yêu như Thiên Chúa làm nên nét đẹp của đạo. Nét đẹp ấy phản ánh dung nhan Thiên Chúa. Nét đẹp ấy có sức hấp dẫn mọi người đến cùng Chúa.

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến anh em như Chúa đã yêu thương con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Theo bạn, thế nào là một tập thể có tình yêu thương?
2. Bạn đã có tình yêu thương đoàn kết với những anh chị em trong giáo xứ chưa?
3. Yêu thương như Chúa là yêu thương theo cảm tính hay theo lý trí? Tuần này, bạn sẽ làm gì để thực hiện điều răn mới của Chúa?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

————————————————-

 

Yêu Thương Như Thầy Đã Yêu Thương

Bài Tin Mừng hôm nay là lời cáo biệt Đức Giêsu nói cho các môn đệ thân yêu trước khi Người ra đi chịu chết, đồng thời cũng là những lời trăn trối thâm tình nhất. Chính trong bối cảnh cụ thể và lịch sử đó mà ‘điều răn mới’ trở thành đặc biệt quan trọng và sâu sắc.

Không hiểu sao: mãi cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa hết dị ứng với chữ ‘giới răn’ (commandments). Một từ vựng khác là ‘thập điều’ (Decalogue) xem ra nhẹ nhàng hơn nếu xét theo nguyên ngữ. Đối với người công giáo, cũng không biết từ bao giờ, từ ngữ ‘giới răn’ đã trở thành phổ biến và quen tai. “Điều răn’ có nghĩa là: một qui đinh, một điều buộc phải làm hay cấm không được làm, phát xuất từ một thẩm quyền tối thượng. Đã là điều răn, thì mọi người ai đều ‘phải’ tuân giữ. Người Việt Nam quen với khái niệm: ‘lời răn bảo’ (nên, hãy), với nội dung nhẹ nhàng và khích lệ hơn. Tôi thiết nghĩ là con người đương đại (đặc biệt giới trẻ hôm nay) cũng chuộng nhẹ nhàng khuyên nhủ hơn là răn đe. Hơn nữa, trong các ‘điều răn’ thì, luật buộc phải yêu thương lại có vẻ bất hợp lý hơn hết! Tình yêu không thể bó buộc! vì nó dựa trên tự do và nhận thức; không một ai, kể cả Thiên Chúa, có thể bắt buộc người khác phải yêu mình. Là chúa tể, Ngài chỉ có quyền bắt mọi tạo vật phải thờ lạy, phải kính sợ mình mà thôi! Thế thì ta phải hiểu câu nói của Đức Giêsu thế nào đây: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”.

Trước hết hãy nhớ rằng: các thính giả của Đức Giêsu trong cái giờ phút biệt ly đó là các môn đệ; mà các ông đều là những người Do Thái gốc (Ga 1:47). Các Pharisêu vẫn thường nói tới ‘điều răn’ (Mt 22: 34-40), vậy thì việc Đức Giêsu đề cập tới một ‘điều răn mới’ là hoàn toàn hữu hiệu để lôi cuốn đám thính giả Do Thái lắng nghe Người. Chắc hẳn các môn đệ đã khá quen thuộc với các đoạn chương 20, câu 2-17 trong sách Xuất Hành, hoặc chương 5 câu 6-21 sách Đệ Nhị Luật. Các đoạn văn này đều đặt ‘10 giới răn ’ dựa trên thẩm quyền tối thượng của Đức Chúa Giavê, Đấng đã giải thoát dân khỏi ách nô lệ bên Ai-Cập và dẫn đưa họ vào đất hứa. Mười điều răn hay thập giới có thể được coi như các điều khoản của giao ước dân Do Thái ký kết với Gia-vê, Đấng giải phóng họ. Tự nó, thập giới là những qui luật rất nhân bản và hợp lý, kể cả ba khoản đầu trực tiếp liên quan tới Đức Chúa, tuy nhiên ta không thể khảng định thập giới đích thực là luật yêu thương! Đúng hơn, đó là luật công bằng, luật sòng phẳng, luật ràng buộc do cam kết của một khế ước giữa hai bên ký kết với nhau. Ngay cả ‘yêu tha nhân như yêu chính mình’ cũng chỉ xuất phát từ đòi hỏi công bằng của Cựu ước: “Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22:40); chính Đức Giêsu đã khảng định như vậy.

Trong bối cảnh đó thì “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” mới là ‘điều răn’ hoàn toàn mới mẻ, vì nó vượt xa những đòi hỏi công bằng sòng phẳng của một giao kèo xã hội. Nền tảng và nguyên lý của ‘hãy yêu thương này’ chính là con người Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình chịu chết trên thập giá… để thực hiện cuộc giải phóng và lập một vương quốc thứ tha. Đó chính là ‘điều răn’ căn bản của giao ước mới, nói theo lối diễn tả của của người Do Thái. Nó phát xuất từ sự khám phá ra, hay nhận thức được: sự trung thành tuyệt đối của một Thiên Chúa cứu độ, nhân ái và giầu lòng xót thương, để rồi tự đáy lòng mỗi người nẩy sinh và phát triển một tình yêu đáp trả quảng đại. Chính vì điều này mà, và trong tâm tình sâu đậm nhất của cuộc tiễn biệt, Đức Giêsu mới chính thức công bố ‘điều răn’ này! Sắp tới đây, các môn đệ sẽ tận mắt chứng kiến tình yêu này bắt đầu trở thành hiện thực: các ông sẽ được chứng kiến một Thiên Chúa yêu đến cùng, yêu tới độ “sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” trên Thập Giá (1 Ga 4:10).

Nếu thế thì đây không còn phải là một ‘điều răn’ chính hiệu nữa, có nghĩa là không phải là một điều gì áp đặt từ bên ngoài. Tình yêu mời gọi tình yêu! Những ai đã chứng kiến tình yêu Thập Giá, đã cảm nghiệm thấy “tình yêu đó là như thế này…” (1 Ga 4:8-11) thì việc ‘buộc’ hay ‘phải’ yêu thương anh em mình chỉ còn là một cách nói. Thực ra chẳng có buộc gì cả: nếu anh biết Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô hiến mình trên thập giá cho anh và biết cách thâm sâu, thì việc yêu người anh em lỗi phạm sẽ là một đòi hỏi nội tại, một công việc của cõi lòng. Ngược lại, nếu anh thấy mình chưa thể yêu thương người anh em, thì đơn giản là vì anh chưa thật sự thấu hiểu Thập Giá, nơi Thiên Chúa đã yêu và hiến mình cho anh bất chấp con người anh đầy tội lỗi. Gioan đã muốn diễn tả như thế trong các chương 4 và 5 của lá thư thứ nhất: hoặc biết về tình yêu xót thương của Thiên Chúa hoặc không thể yêu tha nhân: vì nếu thấu hiểu được lòng Chúa nhân ái xót thương, thì chúng ta ‘phải’, như một định luật hoàn toàn lô-gích hay đúng hơn một chuyển động tất nhiên của cõi lòng, yêu mọi người anh em của mình thôi, cho dầu họ có bất toàn tới mấy. Yêu thương tha thứ cho kẻ thù nghịch sẽ mãi mãi là điều không thể, là một nghịch lý của niềm tin, bao lâu Thập Giá chưa được chúng ta giương cao trong đời sống.

Do đó, nếu tôi chưa thấy mình có thể yêu mến hoặc tha thức cho cận nhân, thì tôi biết đâu là nguyên nhân rồi đó!

Lạy Chúa từ nhân, nếu con chưa thể yêu các anh em con, thì đơn giản là vì con chưa hiểu thấu và cảm nghiệm được: ‘Chúa yêu thương và hiến mình vì con’ tới mức độ nào. Xin cho con biết chiêm ngắm Thập Giá, nhất là khi cử hành Thánh Lễ, để con ngày càng vào sâu hơn trong tình yêu xót thương của Chúa. Chỉ qua cách đó, phải, qua cách duy nhất đó, con mới có thể trở nên một Linh Mục đích thực, biết yêu mến và tự hiến cho đoàn chiên và các anh em con ‘như Chúa đã yêu thương’. Xin hãy giúp con đạt được điều này trong công tác mục vụ hàng ngày của con. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

————————————————-

 

Xin Hãy Yêu Thương Nhau

Nhân loại ai cũng mong cho thế giới được hiệp nhất và bình an. Ai cũng mong cho con người biết sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Thế nhưng ước mơ tưởng chừng như nhỏ bé ấy vẫn là hoài bão từ bao đời nay. Thế giới vẫn còn chiến tranh, hận thù. Lòng người vẫn còn oán trách, tị hiềm lẫn nhau.

Sở dĩ con người chưa xây dựng được thế giới hiệp nhất yêu thương là bởi vì con người chưa dẹp được cái tôi của mình. Cái tôi luôn muốn hơn người khác. Cái tôi luôn muốn chiếm đoạt về cho mình. Nói tóm lại, cái tôi thường tham lam và ích kỷ. Khi con người không thắng được lòng tham nghĩa là con người đã hết yêu thương, lúc này người ta bất chấp chấp tất cả để được điều mình muốn. Nhưng lòng tham được ví như một cái thùng không đáy, có bao nhiêu cũng không đủ. Khi không có thì muốn có, khi có rồi, lại muốn có nhiều hơn. Do đó con người ta phải cả đời làm lụng nhọc nhằn, vất vả để được sung sướng để thỏa mãn lòng tham muốn. Nhưng vì lòng tham là vô tận, người không biết dừng thì không bao giờ thấy đủ, do vậy cả đời là khổ, nhiều khi gây vạ vào thân.

Cũng chính vì lòng tham khi không kiểm sóat được mà dẫn đến những tranh quyền đoạt vị, những lừa đảo chiếm đoạt, những ganh ghét dèm pha, những hạ bệ và loại trừ lẫn nhau. Cuộc sống chung với nhau yêu thương thì ít đấu đá nhau thì nhiều. Chia sẻ thì ít, tranh dành nhau thì nhiều. Nhường nhịn thì ít xô đẩy nhau thì nhiều.

Người Công Giáo sống giữa thế gian lắm thị phi được mời gọi sống chứng nhân cho tình yêu. Yêu thương thì phải chia sẻ, phải đùm bọc lẫn nhau nên cần loại bỏ tính tham lam , ghen ghét và đố kị. Vì chính Chúa Giêsu đã nói giới răn quan trọng nhất chính là “hãy yêu thương nhau”. Tình yêu thương sẽ giúp chúng ta vui với người vui và khóc với người khóc. Tình yêu thương sẽ giúp chúng ta biết sống công bằng bác ái với nhau. Không vì cái thích của mình để rồi lỗi công bằng với tha nhân.

Theo sách Tông đồ công vụ, Giáo hội sơ khai được toàn dân thương mến vì họ sống tình yêu thương và hiệp thông với nhau. Hiệp thông trong cầu nguyện và yêu thương trong sự đùm bọc lẫn nhau để không ai bị đói, bị khổ, bị cô đơn ngay giữa anh em mình. Chính vì tình yêu thương và hiệp nhất mà họ đã làm nên một cộng đoàn duy nhất để loan truyền tin mừng cho thế gian.

Ước mong lời di chúc của Chúa được thể hiện nơi mỗi người chúng ta khi biết từ bỏ cái tôi của mình để hòa hợp chia sẻ với nhau. Và xin hãy yêu thương nhau , vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu để tình yêu được tỏa sáng giữa thế giới hôm nay. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

——————————————

 

Môn Đệ Thật Của Chúa Giêsu

Mỗi đoàn viên của các đoàn thể trong xã hội, mỗi quân nhân thuộc các binh chủng trong quân đội… đều có phù hiệu riêng. Nhìn vào phù hiệu hoặc trang phục, người ta biết ngay người đó thuộc đoàn thể hoặc binh chủng nào.

Các môn đệ Chúa Giêsu cũng có phù hiệu riêng, nhìn vào phù hiệu hay dấu hiệu nầy, người ta sẽ nhận ra họ là môn đệ thật của Ngài.

Phù hiệu đó thế nào?
Chúa Giêsu cho ta câu trả lời chính xác nhất: Phù hiệu đó là lòng yêu mến. Ngài nói: “Căn cứ vào dấu hiệu nầy mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Như thế, nếu kẻ nào không thương mến tha nhân thực lòng, người đó chưa phải là môn đệ thật của Chúa Giêsu.

Người môn đệ giả
Có người nằm mơ thấy mình lìa bỏ đời nầy sang thế giới bên kia. Được biết thánh Phêrô giữ cửa thiên đàng rất nghiêm ngặt, xét hỏi kỹ càng trước khi cho vào, nên anh ta mang theo đầy đủ giấy tờ cần thiết.

Vừa gặp thánh Phêrô, anh liền xuất trình đủ thứ giấy tờ để chứng minh mình là người công giáo, từ chứng thư rửa tội, thêm sức cho đến hôn phối… Anh hy vọng với những chứng từ nầy, thánh Phêrô sẽ mở cửa thiên đàng cho anh ngay. Nào ngờ, thánh nhân lại lắc đầu từ chối.

Anh ngạc nhiên hỏi: “Thưa Ngài, con còn thiếu gì nữa chăng? Con cũng xin thưa là ngày nào con cũng đọc kinh lần hạt; con không bỏ lễ Chúa nhật bao giờ, không gian tham trộm cắp, không rượu chè bài bạc… Bấy nhiêu không đủ để được vào thiên đàng sao?”

– Thánh Phêrô trả lời:
“Thiên đàng chỉ đón nhận những môn đệ thật của Chúa Giêsu. Ai không mang phù hiệu người môn đệ Chúa Giêsu thì không được vào.”
– Người ấy hỏi: “Phù hiệu nào vậy, thưa Ngài?”
– Thánh Phêrô đáp: “Thế con không nhớ lời Chúa dạy sao: “Căn cứ vào dấu hiệu nầy mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35). Nếu chưa có lòng thương mến nhau thì con chưa phải là người môn đệ thật của Chúa.”

“Ngoài ra, qua dụ ngôn phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu cũng khẳng định điều nầy: Ai có lòng yêu thương giúp đỡ người khác, kẻ ấy là người được Chúa Cha chúc phúc và được mời gọi vào hưởng phúc thiên đàng. Trái lại, ai không có lòng yêu thương, không quan tâm giúp đỡ người khác… sẽ bị lên án là quân bị nguyền rủa và phải mang án phạt đời đời trong hỏa ngục” (xem Mt 25, 34-46).

Lạy Chúa Giêsu. Trước khi lìa xa các môn đệ để nộp mình chịu chết, Chúa trăn trối lại những lời tâm huyết: “Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau.”

Xin giúp chúng con ghi sâu vào lòng điều răn yêu thương Chúa dạy và quyết tâm thực hiện mỗi ngày, nhờ đó, chúng con thật sự trở nên môn đệ của Chúa và đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc đời đời. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

———————————————

 

Dấu Chỉ Tình Yêu
Chúa Nhật 5PS-C (Ga 13, 31 – 35)

Bồi hồi xúc động nghĩa yêu thương

Lưu luyến chia tay khúc đoạn trường

Bài học Thầy trao lòng ghi nhớ

Lời vàng con nhận dạ tơ vương

Tình yêu dâng hiến, tình son sắt

Chí khí trung kiên, chí dũng cường.

Dấu chỉ yêu thương đời sứ giả

Y phục Nước Trời ngát thơm hương.

Hạt Nắng

———————————————

 

Nhiệm Mầu Yêu Thương
Chúa Nhật 5PS (Ga 13, 31 – 35)

Tình thương!
Nhiệm mầu hai tiếng tình thương,
tình thương của Chúa đã đưa con trở về.
Giã từ ngày tháng u mê
Nhà Cha ấm áp tràn trề yêu thương.

Đời con!
Bao ngày thiếu vắng tình thương,
mây đen bão tố, lệ sầu vương kinh cầu.
Đời cho cay đắng buồn đau,
Tình Cha dìu dắt nhiệm mầu yêu thương.

Chúa trao ban một giới răn tuyệt vời.
Chúa cho con một tình yêu rạng ngời.
Gương yêu thương ngàn năm còn vang mãi,
giữa cuộc đời, con cùng Chúa ra khơi.

Tình yêu!
Nồng nàn hai tiếng tình yêu,
tình yêu dâng hiến, lễ toàn thiêu can trường.
Đường đời nặng gánh sầu thương,
quên mình phục vụ là đường yêu thương.

M. Madalena Hoa Ngâu

——————————————————

 

Lời Giải Tình Yêu
Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm C – (Ga 13, 31 – 35)

Thân lạy Chúa! Lòng con bối rối,
khi thực hành đường lối “Yêu thương”.
Chữ yêu đâu biết mà lường,
sớm mai vui vẻ khinh thường chiều hôm.

Phút chia tay ôn tồn nhắn nhủ,
con khắc ghi ấp ủ trong lòng.
Chữ yêu phải thật tinh trong,
tình yêu phải giống như lòng Thầy yêu.

Yêu chân chính tình yêu khiêm hạ,
biết cúi mình hầu hạ anh em.
Vì yêu chấp nhận phận hèn,
nâng cao tình bạn, hát khen tình trời.

Để thiên hạ cất lời ca tụng,
danh Chúa Trời tán tụng muôn nơi.
Tình yêu Thiên Chúa cao vời,
yêu thương trần thế, yêu đời hy sinh.

Cúi lạy Chúa! Thương tình phận mọn,
con đã không sống trọn chữ yêu.
Chữ yêu con nói quá nhiều,
trao ban thì ít gieo nhiều thị phi.

Con chỉ yêu những gì đúng ý,
chỉ yêu người hợp lý với con.
Ai cùng chí hướng vuông tròn,
sẵn sàng đáp trả tình son với người.

Còn những kẻ châm ngòi công kích,
con đùng đùng khiêu khích nổ tung.
Ai không kết nghĩa tao phùng,
con đây chẳng tiếc thẳng thừng tuyệt giao.

Sống hẹp hòi biết bao lầm lẫn,
con chỉ yêu chính bản thân mình.
Yêu người chẳng dám hy sinh,
tình yêu vị kỷ là tình dối gian.

Nay sấp mình trước nhan thánh Chúa,
cúi xin Thần Khí Chúa ban ơn.
Giúp con biến đổi tâm hồn,
yêu thương chân thật xứng ngôn sứ Ngài.

Nắng vàng chiếu rọi ban mai,
giọt sương lấp lánh vườn Lài ngát hương.
Yến, Oanh hòa khúc yêu thương…

AP. Mặc Trầm Cung