“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 20, 19 – 31)
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”.
Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Xem Tận Mắt – Bắt Tận Tay ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Nền Công Lý Phục Sinh Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Chúa Giầu Lòng Xót Thương Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Con Mắt Thứ Ba Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Biển Tình Hạt Nắng Trg 10
Cảm Nghiệm Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Vết Đinh Cuộc Đời M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Hoan Ca Phục Sinh Nắng Sài Gòn Trg 13
Bừng Sáng Niềm Tin A.P. Mặc Trầm Cung Trg 14
———————————————–
Xem Tận Mắt – Bắt Tận Tay
Mỗi khi nói đến Tông đồ Tôma, người ta thường kèm theo biệt hiệu “Cứng lòng tin”. Thật ra Tôma không cứng lòng tin hơn các Tông đồ khác. Khi Chúa đã chết rồi, các ngài hoang mang sợ hãi. Khi nghe tin Chúa sống lại, các ngài bàng hoàng bỡ ngỡ nhưng nửa tin nửa ngờ. Vì thế hai môn đệ đi đường Emmau vẫn còn buồn bã. Dù đã nghe các phụ nữ tường thuật việc Chúa sống lại, các ngài vẫn không tin, nên muốn bỏ về làng cũ. Vì thế, Chúa phải hiện ra nhiều lần. Và mỗi lần hiện ra, Người phải trấn an các ngài, cho các ngài xem các vết thương, cùng ăn uống để các người tin tưởng.
Tuy các môn đệ chưa hoàn toàn tin nhưng không ai trong các ngài phát biểu câu nào. Chỉ có Tôma nói một câu quyết liệt: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Chính vì câu nói mạnh mẽ này mà ông bị mang biệt danh “Cứng lòng tin”.
Tôma đại diện cho những người thời nay, cái gì cũng muốn xem tận mắt, bắt tận tay. Chỉ tin những gì thấy được. Chỉ chấp nhận những gì sờ được. Đòi kiểm nghiệm tất cả. Đòi tự mình chứng nghiệm tất cả. Không chỉ tin vào lời nói suông. Nhưng ta phải cám ơn thánh Tôma, vì nhờ Ngài mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người. Vì nhờ ngài mà Đức Giêsu lại hiện ra một lần nữa. Và nhất là nhờ ngài mà ta được nghe mối phúc cuối cùng Chúa hứa cho ta: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Việc thánh Tôma đòi xem vết thương ở tay chân và cạnh sườn Chúa đặt ra cho ta những tiêu chí mới cho việc truyền giáo hôm nay.
Người thời nay không còn tin vào những lý thuyết đẹp, những lời nói hay, những hứa hẹn xa vời thực tế. Những lý thuyết đẹp phải được kiểm nghiệm bằng những kết quả đẹp. Những lời nói hay chỉ có giá trị khi đi đôi với những việc làm tốt. Vì thế, muốn làm chứng cho Chúa, người tín hữu phải có một đời sống đạo gương mẫu. Đời sống đạo gương mẫu không phải chỉ là siêng năng đi đọc kinh, đi lễ. Nhưng nhất là phải gương mẫu trong cách ăn nết ở.
Làm sao người ngoài đạo mến đạo nếu những người trong đạo cũng chia rẽ bất hoà? Làm sao đạo có sức thuyết phục khi người theo đạo vẫn còn ham hố danh vọng chức quyền đến nỗi bán rẻ cả lương tâm của mình và tìm cách chà đạp bôi nhọ người khác? Làm sao làm chứng được đạo là tốt trong khi những người tin đạo vẫn còn bất công, gian tham của cải không phải là của mình.
Thỉnh thoảng tôi có dịp gặp một ông trùm xứ Long Châu. Long Châu là một giáo xứ thuộc giáo phận Nam ninh. Trước đây, chỉ có gia đình ông tin Chúa. Gia đình ông tích cực rao giảng Lời Chúa. Kết quả là sau 20 năm hầu như cả làng gần 500 khẩu đã tin theo Chúa. Cứ mỗi dịp lễ Phục Sinh và Giáng Sinh có khoảng 20 người xin rửa tội. Tôi hỏi ông nhờ bí quyết nào mà việc truyền giáo của ông có kết quả tốt đẹp như thế. Ngẫm nghĩ một lát, ông trả lời: “Nhờ đời sống gia đình”. Bên Trung quốc, đời sống gia đình trong thời đại mới đang gặp khủng hoảng. Vợ chồng bất hoà với nhau. Con cái không vâng lời cha mẹ, có khi còn hành hung cả cha mẹ. Số gia đình tan vỡ ngày càng tăng lên. Trong khi đó gia đình ông trùm vẫn trên thuận dưới hoà, vợ chồng thương yêu kính trọng nhau, con cái vâng lời cha mẹ, anh chị em thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Thấy thế, người trong làng bảo nhau: “Đây là đạo tốt vì có thể gìn giữ được hạnh phúc gia đình”. Nhờ tấm gương sống đạo của gia đình ông trùm mà mọi người trong làng tin theo Chúa.
Những anh em ngoài Công giáo cũng nhìn vào đời sống của chúng ta. Nếu người Công giáo thật sự sống tốt thì không cần rao giảng mọi người cũng tin. Đời sống công bình bác ái, khiêm nhường nhịn nhục, đoàn kết yêu thương có sức thuyết phục hơn tất cả mọi lời nói hay đẹp.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Chứng kiến cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, niềm tin của các Tông đồ bị chao đảo. Đời bạn cũng đã gặp nhiều thử thách, niềm tin của bạn có bị chao đảo không?
2. Lời nói hay và việc làm tốt, đàng nào có sức thuyết phục hơn?
3. Trong mùa Phục Sinh này, bạn quyết định làm gì để góp phần vào việc truyền giáo?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
———————————————-
Nền Công Lý Phục Sinh
Gioan thật nhẹ nhàng khi mô tả 04 lần đức Giêsu hiện hình sau khi ra khỏi mồ: lần một với Maria Mađalena, 02 lần sau với các môn đệ tụ họp trong nhà, và lần cuối với một số môn đệ trên bờ hồ Tibêria. Chẳng có gì hoành tráng cả, không hào quang chói lọi, không uy nghi rực rỡ…, rất là đời thường, có luôn cả cảnh ăn uống bình dị nữa. Thế nhưng hình như có một điều gì đó hết sức phi thường trong cái tầm thường, một sức sống hoàn toàn mới bừng lên trong bầu không khí lạnh lẽo của thương tích và chết chóc.
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh nói về hai lần Chúa hiện hình với các môn đệ đang tụ họp trong nhà. Hình như ngay từ thời xa xưa đoạn văn này đã có một tầm quan trọng đặc biệt đối với đức tin của các Kitô hữu tiên khởi. Niềm tin của các môn đệ, đặc biệt của Tôma là đề tài của hai lần hiện hình này. Các môn đệ, sau khi được xem các dấu đinh nơi tay và cạnh sườn Đấng Phục Sinh, đã tin thật rằng Thầy Giêsu từng chết nhuốc khổ trên cây thập tự và được tẩm liệm mai táng trong nấm mồ đá, nay đã sống lại thật rồi. Tông đồ Tôma còn được Đấng Phục Sinh mời gọi đích danh: “đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy.”
Tôi vẫn thường tự hỏi: nội dung câu tuyên xưng đức tin của tông đồ Tôma “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” thực sự mang nội dung gì? Ông muốn tuyên xưng rằng: Thầy Giêsu quả đã sống lại, hay Giêsu là Thiên Chúa quyền uy thống trị, hay một điều gì khác? Hơn nữa việc Chúa Phục Sinh cho các môn đệ xem, và mời gọi Tôma cách đặc biệt chạm tay vào các lỗ đinh và vào vết thương cạnh sườn Người là có chủ đích gì? Nếu chỉ là để xác nhận thực Đấng đã chết nay lại sống lại, thì hẳn niềm tin này sẽ làm cho các môn đệ hết sức kinh hãi; các ông đã chẳng người bán, kẻ chối, kẻ khác thì trốn chạy trước cái chết của Người là gì? Có thể phần nào là như vậy chăng vì trong lần hiện hình nào Người cũng khởi đầu bằng câu chào: “Bình an cho anh em”? Còn nếu để minh định Người là Đức Chúa quyền uy theo kiểu Cựu Ước thì thực tế cho thấy các biểu hiện của những lần hiện hình này không có nét gì là vinh quang hết. Đàng này tác giả Gioan lại cho biết: ‘các môn đệ vui mừng vì được xem thấy Chúa’. Hình như trong các lần hiện hình này Đức Giêsu đang muốn xây dựng nơi các ông một niềm tin mang nội dung bình an nhưng sâu sắc hơn nhiều: niềm tin tuyệt đối vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Quả thực, để cụ thể hóa niềm tin rất mới mẻ và thiết yếu đó, Người không những đã muốn các ông chạm vào các dấu đinh – bằng chứng của tình yêu cứu độ – mà còn trao vào tay các ông một sứ mệnh mới, rồi sai các ông ra đi loan truyền nó.
Sức sống của niềm tin vào tình yêu tha thứ được xác định là Thánh Thần. Chính Thần Khí này đã đưa Giêsu vào trần gian và đã hướng dẫn toàn bộ bước đường đời của Người, đã dẫn đưa Giêsu tới hiến tế thập giá đồng thời cũng làm cho Giê-su phục sinh. Cũng Thánh Thần này từ nay sẽ được ban cho các môn đệ và tất cả mọi kẻ tin: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: “anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” Thế là từ nay, trong niềm tin vào Giêsu Kitô phục sinh, tất cả các môn đệ đều nhận được một sức sống mới và một sứ mệnh mới. Họ trở thành những con người mới, không chỉ vì họ sẽ sống vẹn sạch tinh tuyền, nhưng chính là vì từ nay họ được thông phần sâu xa vào tình yêu cứu độ của Đức Giêsu, Đấng đã chết và phục sinh. Cùng với sức sống mới này, họ được trao cho một sứ mệnh quan trọng: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Nếu trước đây khi nói cùng câu này cho tông đồ Phêrô (Mt 16,19) Đức Giêsu có thể ngụ ý về một quyền bính nào đó, thì bây giờ khi quyền này được ban cho hết mọi môn đệ và mọi tín hữu thì ý nghĩa của nó đã trở nên rõ ràng hơn: sau khi nhận lãnh Thánh Thần tình yêu, sứ mệnh của môn đệ phải là tha và cầm giữ như chính Đức Kitô đã từng làm. Điều này có nghĩa là từ nay sứ mệnh đích thực của các ông là mang đến cho trần gian một nền công lý mới: công lý của nhân từ và tha thứ như chính Đức Kitô thập giá và phục sinh đã tha, và của cầm giữ xét xử như chính Đấng cứu độ đã cầm giữ. Tắt một lời, đó là nền công lý của lòng từ bi nhân ái xót thương, thứ công lý không thể chối cãi của Thập giá và Phục sinh, thứ công lý mà chỉ những ai đón nhận Thánh Thần tình yêu mới có thể có. Các môn đệ của Đức Kitô Phục Sinh và mọi Kitô hữu, là những người duy nhật trên trần được trao vào tay thứ công lý đó, để từ nay cùng với Người họ thi hành việc xét xử trần gian.
Lúc này tôi chân thành muốn chúc mừng các anh chị em tân tòng. Ngoài việc nhờ Bí tích Rửa Tội được thanh tẩy nên tinh trắng, anh chị em đã nhận được Thánh Thần tình yêu, đã được ban cho một thứ quyền uy vượt lên trên mọi uy quyền, đó là quyền uy của lòng thương xót và nhân ái của Đấng Phục Sinh. Giữa thế trần tội lỗi và lầm lạc, kể từ khi gia nhập vào cộng đoàn Hội Thánh là đoàn thể gồm những người được Đấng đã chết và sống lại cứu rỗi, anh chị em được trao cho quyền cầm cân nảy mực xét xử nhân loại, không với sự công minh nghiêm khắc nhưng với lòng nhân ái xót thương. Chúa Nhật Áo Trắng hôm nay, ngày của anh chị em tân tòng, được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đặt làm ngày của Lòng Thương Xót Chúa thật chí lý lắm thay! Nếu Thập giá và Phục sinh chúng ta vừa cử hành là biểu hiện rõ ràng nhất của lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa, thì những ai tuyên xưng niềm tin này qua phép rửa tội cũng đương nhiên phải trở thành con cái của lòng từ bi nhân hậu đó.
Lạy Chúa Phục Sinh, xin thổi hơi Thánh Thần tình yêu vào con, để con cũng có quyền tha và cầm giữ như Chúa – Đấng Cứu Độ. Hơn nữa, là linh mục của Hội Thánh Chúa, xin cho con biết luôn trở thành tiếng nói cho mọi người trần thế, nhất là những người tội lỗi nhất, về thứ công lý mới này của Thập giá và Phục sinh. Xin cho con trong mọi hoàn cảnh luôn trở thành dấu chỉ và người mang đến cho nhân loại thứ quyền lực và công lý mới của Thập giá: quyền lực và công lý của lòng thương xót vô biên của Chúa. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
————————————————
Chúa Giầu Lòng Xót Thương
Có một người bạn bác sĩ phẫu thuật nói rằng: Tôi đã thấy nhiều người đối phó với cơn đau một cách rất khác nhau. Một số người tức giận xa lánh Thượng Đế, trong khi những người khác để cho nỗi đau đớn của họ mang họ đến gần Thượng Đế hơn.
Thực ra, không có nỗi đau nào mà chúng ta phải chịu đựng hay trải qua đều vô ích cả. Những điều này rèn luyện chúng ta những đức tính như tính kiên nhẫn, đức tin, sức dũng cảm chịu đựng và lòng khiêm nhường…
Đối với người Công Giáo thì đây còn là cơ hội nhận ra sự nhỏ bé của chính mình mà biết bám vào Thiên Chúa đầy quyền năng và giầu lòng thương xót. Trong suốt 3 năm rao giảng Tin Mừng , Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh như các bác sĩ hay lương y, nghĩa là loại bỏ bệnh tật, ma quỉ ra khỏi con người, nhưng còn mang vào mình, hay nói đúng hơn, Người chữa lành bằng cách mang vào mình mọi bệnh hoạn tật nguyền của con người. Thật vậy, khi chiêm ngắm thân thể nát tan của Ngài trên Thập Giá, chúng ta hiểu được mầu nhiệm “mang vác” này của Đức Giêsu.“Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17).
Từ nay bệnh tật không còn là một hình phạt nữa, nhưng là sự cứu chuộc. Bệnh tật liên kết chúng ta nên một với Người; bệnh tật thánh hóa, thanh luyện tâm hồn, chuẩn bị cho chúng ta đón nhận một ngày mà Thiên Chúa sẽ lau khô mọi nước mắt và lúc đó sẽ không còn bệnh tật, khóc than và đau khổ nữa. Và như vậy, nơi Thập Giá, Ngài mang vào mình các thứ bệnh và cả cái chết do hệ lụy của tội Adam nữa, để từ Thập Giá một nguồn ân sủng tuôn trào thành Đại Dương Lòng Thương Xót chữa lành mọi bệnh tật hồn xác cho con người.
Chúa Nhật 2 Mùa Phục Sinh là ngày Đại lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa. Chúa Giêsu đã mặc khải cho thánh nữ Faustina về Thánh Tâm Nhân Lành Chúa Giêsu và chọn gọi thánh nữ trở thành một khí cụ của Lòng Thương Xót chữa lành của Chúa. Ngài đã phán với Thánh nữ: “Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha (x. NK 588). Và vào ngày Đại lễ của Cha, ngày lễ kính Lòng Thương Xót Cha, con hãy rảo khắp thế giới và đem các linh hồn đang lả mệt về với suối nguồn thương xót của Cha. Cha sẽ chữa lành và bổ túc cho họ (NK 206).
Như vậy, lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa là lễ của niềm vui vì được nhận ra tình thương của Chúa vẫn ấp ủ và theo sát chúng ta trên mọi nẻo đường. Vì Ngài biết rõ ràng và tường tận nỗi đau đớn của từng người chúng ta đang gánh chịu. Ngài sẽ mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến với lòng thương xót Chúa, hầu nhận lãnh những ân phúc thiêng liêng từ ân sủng Lòng Thương Xót Chúa tuôn trào từ cạnh sườn nương long Chúa. Hãy dìm mình trong đại dương ân sủng Chúa để được bảo vệ và chữa lành.
Và với lòng tin yêu phó thác chúng ta cùng mượn tâm tình của bài hát:”Chúa giầu lòng xót thương” để ca tụng tôn vinh và cầu xin cùng Lòng thương xót Chúa.
Lạy Chúa Giêsu con tin tưởng nơi Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.
Vì ngoài lòng Chúa xót thương, không còn nguồn hy vọng nào.
Chúng con đặt vào Chúa lòng tín thác của mỗi chúng con.
1.Nhân loại hôm nay đang trải qua bao là sự dữ.
Con người hôm nay đang sống trong tuyệt vọng lo âu.
Chúng con đến kêu cầu Chúa giàu lòng xót thương.
Ngài mở ra con đường, đưa đến tận nguồn suối yêu thương.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
——————————————–
Con Mắt Thứ Ba
Cách xử sự của Tôma cũng là cách xử sự thông thường của nhiều người. Người ta chỉ chấp nhận là có thật những gì mà người ta có thể xem bằng mắt, bắt bằng tay. Còn những gì người ta không thấy, bị xem như là không có. Khi một số người được hỏi tại sao không tin Thiên Chúa, không tin có linh hồn, không tin có sự sống đời sau… họ trả lời thật đơn giản: “Có thấy đâu mà tin!”
Thế nhưng, có vô số điều chúng ta không thấy nhưng chúng ta vẫn phải nhận là chúng hiện hữu. Người ta không thể nhìn thấy tình mẫu tử nơi người mẹ, không nhìn thấy ý chí kiên cường nơi bậc anh hùng, không nhìn thấy trí khôn tuyệt vời của nhà khoa học, nhưng không ai dám phủ nhận rằng những thực tại nầy không có.
Với đôi mắt trần nầy, tầm nhìn của người ta rất hạn hẹp, như “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.”
Với đôi mắt trần nầy, chúng ta chỉ nhận thấy một ít sự vật phù du mà thôi. Còn những điều quan trọng, những điều chính yếu thì không thể nhận thấy, đúng như nhận định của Saint-Exupéry: “Những thực tại thiết yếu thì mắt trần không thấy được” (L’essentiel est invisible pour les yeux).
Do đó, nhân loại cần đến những con mắt khác, những con mắt thứ ba để nhận thức những thực tại cao siêu. Con mắt nầy giúp người ta nhìn xa, nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn thấy điều thiết yếu, nhìn thấy chân lý.
– Con mắt thứ ba của các nhà vi trùng học là ống kính hiển vi, nhờ nó, các nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy cả những siêu vi.
– Con mắt thứ ba của các nhà thiên văn là ống kính thiên văn, nhờ đó các nhà khoa học có thể thấy được những ngôi sao cách mặt đất đến mười tỉ năm ánh sáng.
– Con mắt thứ ba của các nhà quân sự là màn ảnh ra-đa, là vệ tinh quan sát… Chúng giúp các nhà quân sự phát hiện máy bay địch từ xa, nắm rõ địa hình cũng như các bí mật quân sự của đối phương nhằm đạt tới chiến thắng.
Đối với Đức Giêsu, con mắt thứ ba mà Ngài mong muốn các môn đệ Ngài phải có là Đức tin. Nhờ Đức tin, nhân loại có thể nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương, nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu độ, nhận ra mình có hồn thiêng bất tử, biết mình có cuộc sống mai sau, có thiên đàng hoả ngục…
Tông đồ Tôma chưa có con mắt thứ ba. Anh chỉ tiếp cận với thế giới qua đôi mắt trần. Anh chủ trương chỉ những gì được xem thấy tận mắt, được sờ tận tay, mới là điều có thực. Chính vì thế, khi nghe các môn đệ bảo anh: “Nầy Tôma, Thầy đã sống lại và đã hiện ra với chúng tôi”, Tôma cho là chuyện đùa.
Cho dù Tôma có thấy Chúa tận mắt đi nữa, chắc gì anh đã tin, vì biết đâu đó chỉ là bóng ma của Chúa Giêsu hiện về. Anh đòi phải kiểm chứng bằng cách xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa thì anh mới chịu.
Chúa Giêsu không hài lòng với quan điểm đó. Ngài nói: “Tôma, vì anh đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin.” Như thế, phúc cho những ai không dùng đôi mắt trần, nhưng dùng con mắt thứ ba, con mắt Đức tin để nhận ra Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa luôn tuyên dương những ai có Đức tin vì đó là con mắt tối cần giúp thấy được những thực tại siêu hình và đạt tới ơn cứu độ;
Chúa luôn khiển trách các môn đệ khi các ông yếu lòng tin;
Chúa buồn phiền vì dân chúng thiếu lòng tin;
Chúa khiển trách Tôma là kẻ cứng lòng tin;
Xin khai mở cho chúng con con mắt thứ ba, con mắt Đức Tin, để nhận biết Thiên Chúa Cha là Cha yêu thương, nhận biết Chúa là Đấng cứu độ nhân loại và nhận biết Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá mọi người. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
————————————————-
Biển Tình
Chúa Nhật II PS – (Ga 20, 19 – 31)
Kính Lòng Thương Xót Chúa.
Lòng Thương Xót Chúa quá bao la
Giải phóng đời con thoát ách tà
Tội lỗi đam mê thần trói buộc
Ăn năn sám hối Chúa dung tha
Trái tim mở rộng thầm thì gọi
Máu – Nước tuôn trào réo rắt xa
Tán tụng ân tình Ơn Cứu Chuộc
Ngàn năm vang vọng khúc hoan ca.
Hạt Nắng
———————————————–
Cảm Nghiệm Tình Yêu
Chúa Nhật II PS – (Ga 20, 19 – 31)
Kính Lòng Thương Xót Chúa
Tính hoài nghi mong đòi thực nghiệm,
Chúa Phục Sinh hiện diện bên con.
Bao năm theo Chúa mỏi mòn,
u sầu thất vọng vẫn còn nghi nan.
Lòng chai đá mê man trần thế,
đời phù du dâu bể đắng cay.
Con tim tham vọng lấp đầy,
ngủ trong tội lỗi tháng ngày truân chuyên.
Đời lạc lõng như thuyền mất hướng,
mắt đức tin vương vấn bụi trần.
Nào đâu nghiệm được hồng ân,
Ngài đang sánh bước rất gần bên con.
Đây dấu đinh máu son còn thẫm,
đây cạnh sườn thấm đậm tình yêu.
Hai Dòng Suối chảy phong nhiêu,
giúp con gội sạch mọi điều bợn nhơ.
Con sấp mình tôn thờ Thiên Chúa,
Lòng Xót Thương cứu chữa tội nhân.
Làm sao đền đáp cho cân
nguyện xin dâng Chúa tấm thân mọn hèn.
Trọn đời cất tiếng ngợi khen,
Bước theo chân Chúa làm men giữa đời.
Tin Mừng loan báo mọi nơi …
Bâng Khuâng Chiều Tím
——————————————-
Vết Đinh Cuộc Đời
Chúa Nhật II PS – (Ga 20, 19 – 31)
Kính Lòng Thương Xót của Chúa
Đã bao tháng ngày con lạc xa tình Chúa,
đã bao tháng ngày con lạc chốn u mê,
Bước chân lang thang hồn nặng trĩu não nề,
bước chân bơ vơ ngập chìm trong đêm tối.
Bước chân âm thầm lao đao lòng thống hối,
bước chân quay về quì bên Chúa Tình yêu,
Giã từ nghi nan, giã từ kiếp hoang đàng,
giã từ hoang mang, chiêm ngắm vết đinh cuộc đời.
Con tin Chúa ơi! Ngài là Đấng con tôn thờ,
vết đinh ngày nào Ngài đã chết cho con.
Vết đinh ngày nào vẫn còn đang rỉ máu,
vết đinh cuộc đời Ngài vẫn chịu thương đau.
Con tin Chúa ơi! Ngài là Đấng con tôn thờ,
vết đinh cuộc đời lặng lẽ suốt đêm thâu.
Vết đinh cuộc đời thương con Ngài nhận lấy,
xóa tan nhục nhằn cho con cả trời mơ.
Sống trong ân tình con đi làm nhân chứng,
loan báo Tin Mừng vết đòng đã đâm thâu,
Nỗi đau hằn sâu trong trái tim nhiệm mầu,
vết đinh cuộc đời Tình Ngài vẫn đậm sâu.
M. Madalena Hoa Ngâu
—————————————————-
Hoan Ca Phục Sinh
Chúa Nhật II PS-B – (Ga 20, 19 – 31)
Kính Lòng Thương Xót của Chúa
Cô đơn, chán chường bầu trời nhuộm áng đau thương,
tâm tư tuyệt vọng đường đời bơ vơ mất hướng.
Cuộc đời còn có nghĩa gì đâu?
Mộ buồn chôn kín ân sâu,
Thầy ra đi niềm đau nào ai thấu?
Hân hoan, ngỡ ngàng lời Thầy chúc phúc bình an,
tâm tư muộn phiền chợt bừng tươi nguồn sức sống.
Cuộc đời bừng sáng hết hoang mang,
phục hồi con tim nát tan,
niềm tin yêu hạnh phúc ngập tràn.
Tin Mừng rọi chiếu Chúa đã phục sinh,
cho con niềm tin bước trên đường công chính.
Vết thương hành hình dấu đinh trên mình,
minh chứng một tình yêu thật cao vời khôn ví.
Ngập tràn Thần Khí Chúa thổi tặng ban,
xua tan nghi nan, xua tan niềm bối rối.
Trái tim yếu hèn trở nên kiên cường,
ngây ngất tình yêu thương vui khúc hát lên đường.
Như Cha sai Thầy, giờ Thầy trao phó các con,
đi loan Tin Mừng hành trình vui đời nhân chứng.
Loài người nhận biết Đấng Tin Yêu,
cuộc đời tìm thấy yêu thương,
Thầy bên con vạn nẻo dặm trường.
Nắng Sài Gòn
——————————————
Bừng Sáng Niềm Tin
Chúa Nhật II PS – (Ga 20, 19 – 31)
Kính Lòng Thương Xót của Chúa
Trong lo sợ chán chường sầu khổ,
cả bầu trời sụp đổ dưới chân.
Con tim nguội lạnh chết dần,
u buồn tuyệt vọng thâm quầng mắt con.
Mất thần tượng hao mòn chí khí,
lạc công danh ý chí lụi tàn.
Cuộc đời bế tắc bất an,
giữa đường lạc hướng hoang mang tủi sầu.
Như làn gió nhiệm mầu xuất hiện,
Chúa đồng hành hiện diện ủi an.
Chiếu soi tâm trí nghi nan,
thổi hơi Thần Khí bình an chúc lành.
Mắt vui cười long lanh rạng rỡ,
cuộc đời con khai mở từ đây.
Niềm vui chất ngất mê say,
ý nghĩa cuộc sống vun đầy tương lai.
Nhận sứ vụ thừa sai chứng tá,
đem Tin Mừng Chúa đã Phục Sinh.
Đến người đói khát tâm linh,
chia sẻ Tình Chúa hồi sinh cuộc đời.
Không còn bối rối, chơi vơi,
hồn con bừng sáng rạng ngời niềm tin.
Hân hoan tiếp tục hành trình…
A.P Mặc Trầm Cung