“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 6, 27 – 38)
“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.
Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có ân nghĩa gì đâu? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.
Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Yêu Người Như Chúa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Cha Anh Em Là Đấng Nhân Từ, Cho Nên Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Bài Học Tha Thứ Từ Chúa Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Xoá Bỏ Hận Thù Bằng Tình Yêu Thương Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
—————————————
Yêu Người Như Chúa
Bài đọc I và bài Tin mừng hôm nay đều nói về sự tha thứ. Nhưng ở mức độ khác nhau.
Bài đọc I tường thuật sự tha thứ của Đa-vít. Đa-vít làm ơn mà mắc oán. Sau khi chiến thắng Gô-li-át, giải phóng dân Do thái khỏi tay người Phi-li-stinh, ông được dân chúng ca ngợi. Sự ngưỡng mộ của dân chúng đối với Đa-vít khiến vua Sa-un ghen tỵ. Sa-un tìm bắt Đa-vít để giết đi. Hôm nay, sau một cuộc săn lùng mệt mỏi, Sa-un ngủ thiếp đi trong hang đá. Đa-vít đến mà không ai hay biết. Có thể giết Sa-un, nhưng Đa-vít đã không làm. Trong Đa-vít có cái mà ta gọi là bao dung, độ lượng, cao thượng. Tuy nhiên sự tha thứ của Đa-vít vẫn chưa hoàn toàn tự phát. Ông không dám giết Sa-un một phần vì sợ xúc phạm đến “người được Thiên chúa xức dầu”.
Trong quan hệ giữa người với người, nếu tha thứ bạn sẽ được tiếng là độ lượng, còn người được tha thứ bị coi là thua kém bạn. Bạn được lợi còn người kia bị thiệt.
Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải vượt qua cái thường tình. Người muốn môn đệ vươn đến sự tha thứ hoàn hảo. Sự tha thứ hoàn hảo của Tin mừng phải biểu lộ bằng hành động cụ thể: “Ai vả anh em má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh em, thì cũng đừng cản họ lấy áo trong. Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh em, thì đừng đòi lại”.
Không chỉ dừng lại ở hành động bên ngoài, sự tha thứ hoàn hảo phải thấm sâu vào lý trí, không lấy ác báo ác, nhưng cũng không nghĩ xấu về người khác: “Anh em đừng xét đoán, thì sẽ khỏi bị Thiên chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ khỏi bị Thiên chúa lên án”.
Thấm vào lý trí đã là một bước tiến dài nhưng vẫn chưa đủ, sự tha thứ còn phải lan đến tận trái tim là trung tâm của tình yêu. Khi đã chiếm lĩnh được trái tim, sự tha thứ trở nên một sức mạnh kỳ diệu dẫn đến những hành động tích cực, lấy đức báo oán, đem yêu thương xoá bỏ hận thù. Khi ấy ta mới có thể thực hành Lời Chúa dạy: “Anh em phải yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét mình, phải chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ nhục mạ mình”.
Với những lời dạy dỗ trên, Đức Giêsu muốn cho môn đệ của Người tha thứ và yêu thương không phải như người thường nhưng như Thiên Chúa “Người nhân hậu cả với những phường vô ân, với những quân độc ác”. Người muốn cho các môn đệ của Người “từ bi như Cha trên trời là Đấng từ bi”.
Với những lời dạy dỗ trên, Đức Giêsu muốn thanh tẩy thế giới sạch mọi oán thù. Không phải chỉ sạch oán thù ngoài mặt nhưng sạch từ trong thâm tâm mỗi người. Không phải chỉ bằng mặt mà còn phải bằng lòng. Sào huyệt vững chắc nhất của oán thù không phải ở nơi người khác nhưng ở trong lòng ta. Muốn thế giới hết oán thù, chính bản thân ta phải từ bỏ oán thù trước. Muốn thế giới sống trong yêu thương, chính ta phải yêu thương trước. Yêu thương giống như ngọn lửa thắp lên rồi sẽ cháy lan mạnh mẽ. Yêu thương giống như bầu khí toả ra sẽ lan tới từng buồng phổi, sẽ thấm vào từng mạch máu. Yêu thương chính là sức mạnh biến đổi thế giới sâu xa nhất. Yêu thương là cuộc cách mạng bền vững nhất.
Đức Giêsu không chỉ nói suông. Chính Người đã thực hành những điều Người nhắn nhủ các môn đệ. Người để cho quân lính bắt đi như con chiên hiền lành đứng trước người thợ xén lông. Người chữa lành tai cho kẻ đến bắt Người. Người không nói một lời nào trách móc những kẻ làm điều ác cho Người. Sau cùng, lúc bị treo trên thánh giá, Người còn cầu nguyện cho những kẻ giết Người. Người đã minh chứng một tình yêu nguyên tuyền không bợn chút oán thù. Người đã minh chứng một tình yêu mãnh liệt vượt qua mọi ghen ghét.
Hạt giống yêu thương Người đã gieo xuống. Người mong ta tiếp tục vun tưới cho cây yêu thương kết trái đơm hoa. Ngọn lửa yêu thương Người đã thắp lên. Người mong ta hãy đem lửa ấy chiếu soi khắp thế giới.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ
1- Khi có người xúc phạm đến bạn, bạn thường tìm cách báo thù hay tìm cách tha thứ?
2- Mỗi khi mang mối oán thù trong lòng, bạn cảm thấy thế nào? Thanh thản hay bứt rứt?
3- Bạn đã tha thứ cho ai bao giờ chưa? Bạn cảm thấy thế nào sau khi đã tha thứ?
4- Bạn đã được tha thứ nhiều. Bạn cảm thấy thế nào mỗi khi lầm lỗi mà được tha thứ?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
————————————————
Cha Anh Em Là Đấng Nhân Từ, Cho Nên…
Bất cứ ai thoạt nhìn vào điều quen gọi là ‘giới luật yêu thương’ ràng buộc mọi Kitô hữu, thì ấn tượng đầu tiên là nhận ra tính bất khả thi của nó. “Yêu kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét anh em, cầu phúc cho kẻ nguyền rủa, cầu nguyện cho kẻ vu khống” thì đơn giản không ai có thể làm được. Thế nhưng đó lại điều đã được chính Đức Giê-su khẳng định như đặc điểm độc đáo nhất tạo nên khác biệt không thể nhầm lẫn giữa môn đệ của Người với những kẻ khác: “Nếu chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi… dân ngoại cũng yêu thương kẻ yêu thương họ…”
Rất may là Đức Giêsu chưa hề gọi yêu cầu trên là ‘giới luật’, Người chỉ đơn giản: “Hãy yêu thương kẻ thù… Ai vả anh má bên này thì hãy giơ cả má bên kia nữa…” Dựa vào đó, nhiều người đưa ra giải thích rằng: giới luật yêu thương của Kitô hữu thực ra phải là ‘… yêu cận nhân như yêu chính mình’, còn yêu kẻ thù chỉ là lời khuyên mà thôi. Nói như thế tức là ta lộ rõ lối suy nghĩ quá Cựu Ước, đầu óc duy luật pháp đặt nền tảng đời mình trên nền móng giữ các giới răn hay luật điều hợp lý. Ta không nên quên rằng: khi xác định “Yêu Thiên Chúa hết lòng hết sức… và yêu cận nhân như yêu chính mình” là giới luật quan trọng hơn hết, thì Đức Giêsu còn thêm giải thích: “Tất cả lề luật Mô-sê và các sách ngôn sứ (tức toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước) đều tùy thuộc vào hai điều răn này” (xem Mt 22:34-40). Do đó Đức Giê-su đã không coi ‘yêu kẻ thù’ như một luật phải giữ, cũng như không xác định ‘yêu cận nhân’ là giới luật của Người, Người đơn giản mong ước: ‘yêu kẻ thù’ là biểu lộ chân chính nhất của những kẻ tin vào Người.
Trước hết môn đệ Kitô phải là người tin vào một Thiên Chúa từ nhân và hay tha thứ. Sự tha thứ của Người thật bao la; nó bao trùm tất cả, người tốt cũng như kẻ xấu, người lành cũng như kẻ dữ… Phải chăng đó là mạc khải Tin Mừng vĩ đại nhất mà nhân loại chưa từng nghe biết đến! Thậm chí, căn cứ vào các hình ảnh Đức Giêsu dùng để minh họa Thiên Chúa như cha già tìm đứa con đi hoang, như mục tử tìm con chiên lạc, như bà lão tìm đồng tiền đánh mất, hay thầy thuốc tới chữa bệnh nhân…, cùng với thái độ khoan dung nhân hậu kỳ lạ của Người đối với tội nhân, với các kẻ yếu hèn. Thái độ này Người biểu lộ xuyên suốt trong suốt thời gian rao giảng…, đặc biệt qua cái chết tự hiến trên Thập Giá; điều làm cho bất cứ người môn đệ nào cũng phải kinh ngạc ngỡ ngàng! Vì thế khi Người long trọng công bố: ‘Người và Chúa Cha là một’, thì không một môn đệ nào mà không hiểu rằng: Thiên Chúa của Đức Giêsu chính là Thiên Chúa tình yêu, đầy từ tâm và hay thương xót. Môn đệ Gioan đã hiểu ra điều này, các tông đồ khác cũng vậy, cho dù trước đó họ không thể hiểu nổi. Đúng là niềm tin vào Đức Kitô Giêsu phải luôn dính liền với niềm tin vào Thiên Chúa Cha nhân hậu, từ bi và hay tha thứ.
Chỉ riêng với các môn đệ của mình, Đức Giêsu mới có quyền đòi họ phải “Hãy yêu thương kẻ thù…” Điều này Người không có quyền, và không thể đòi hỏi nơi các biệt phái luật sĩ… nói chung nơi tất cả những ai chưa tin vào Người. Và cũng dựa trên niềm tin đó, Người xác định cho lòng nhân ái Kitô hữu một chỉ tiêu cao ngất ngưởng, tới độ thoạt nghe hầu như không ai nghĩ rằng mình có thể đạt tới được: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Phải, làm sao một người phàm, dù thiện chí có lớn tới mấy đi nữa, có thể trở nên nhân từ như Chúa Cha; cũng như không ai có thể “nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Riêng với các môn đệ Đức Kitô thì, trở nên nhân từ như Chúa Cha chắc chắn là có thể được tới một mức độ nào đó, với điều kiện họ phải không ngừng chiêm ngắm khuôn mẫu của lòng nhân từ đó được thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, nhất là nơi Thập Giá của Người.
Còn một điều khác nữa: đòi hỏi ‘trở nên hoàn thiện như Cha’ sẽ mãi mãi là bất khả thi bao lâu ta còn hiểu ‘hoàn thiện’ theo cách thức đạo lý thông thường; và lý do thì thật đơn giản, đã có ai biết Thiên Chúa hoàn thiện ra sao đâu! Nhưng nếu hiểu ‘hoàn thiện’ trong nội dung mạc khải của Đức Giêsu thì nó đồng nghĩa với ‘nhân từ’, và khi đó ‘nên hoàn thiện’ mới trở thành đich đến mà các phàm nhân như chúng ta có thể đạt tới được.
Còn vấn nạn ‘làm sao có thể chiêm ngắm không ngừng Đức Giêsu Kitô và Thập Giá của Người?’ thì mỗi người môn đệ phải tự giải quyết cho mình thôi. Hội Thánh chỉ đề ra cho các Kitô hữu những phương thế hữu hiệu như đọc / suy niệm Lời Chúa hàng ngày, cử hành / tham dự Thánh Lễ… và nhiều việc đạo đức suy tôn Thánh Giá… Phương tiện thì nhiều lắm, nhưng sử dụng chúng hay không là quyền của mỗi chúng ta!
Còn trong tư cách linh mục, tôi tự hỏi: mình đã sử dụng các phương tiện đó như thế nào, nhất là trong việc cử hành Thánh Lễ, đồng thời đã hướng dẫn cũng như giúp đỡ các giáo dân sử dụng chúng ra sao?
Lạy Thiên Chúa là Đấng nhân từ, Cha đã trao cho chúng con một hình mẫu không thể chính xác hơn, và lời mời gọi tha thiết để con trở nên ‘nhân từ như Cha’. Con biết ‘trở nên nhân từ’ sẽ tỷ lệ thuận với khả năng chiêm ngắm Con Cha, và sẽ chỉ đạt tới đỉnh điểm một khi con thành công trong việc ‘trở nên Kitô’ (becoming Christ). Chính vì nhận ra ‘Alter Christus’ là mục tiêu khó đạt, nên con khẩn khoản xin Cha dạy cho con biết luôn đồng hành cùng Đức Giêsu Thập Giá trong cuộc sống thường ngày. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
———————————————-
Bài Học Tha Thứ Từ Chúa
Trong 5 ngày tết có 2800 vụ nhập viện vì đánh nhau trong đó, 1.088 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và 9 trường hợp tử vong. Mỗi ngày lướt qua các trang mạng ta thấy rất nhiều cuộc đánh nhau, chửi nhau, thậm chí cả chém giết nhau. Ngay trong các gia đình nhiều khi không xô xát to tiếng thì cũng là giận hờn, lườm nguýt, không nhìn mặt nhau, ghét nhau và ghét cay ghét đắng.
Người ta nói rằng: cuộc sống chung thì phải có đụng nên vẫn có va chạm với nhau. Chén bát để bên nhau, vô tình vẫn có những va chạm bể nát ra huống chi con người. Nhưng con người lại hay chấp nhất với nhau nên dễ bắt bẻ nhau, xúc phạm nhau và trả đũa lẫn nhau. Muốn sống chung hạnh phúc thì con người cần phải có lòng khoan dung, có tình yêu tha thứ mới kiến tạo được một môi trường hạnh phúc bình an. Nếu con người để sự thù hận nổi loạn đến nỗi “ăn miếng trả miếng” sẽ biến môi trường sống thành nơi tranh chấp hơn thua nổi loạn như bãi chiến trường.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy yêu thương kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình. Vượt lên trên tình yêu tha thứ đó là lòng nhân từ bắt nguồn từ Thiên Chúa. Hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta. Lòng nhân từ của Thiên Chúa không xét đoán tội chúng ta như chúng ta đáng tội. Ngài đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng.
Chúa còn đòi chúng ta: anh em đã lãnh nhận sự tha thứ của Chúa, thì cũng hãy tha thứ cho nhau. Không phải là một lần hay chỉ “quá tam ba bận” mà là tha thứ mãi mãi. Như vậy, tha thứ đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên nhẫn để cho người xúc phạm đến ta có cơ hội, có thời giờ sửa đổi và làm lại cuộc đời. Đừng như ông quan độc ác kia đã đối xử quá khắt khe với những con nợ của mình. Ông đòi tính sổ với các con nợ và đòi cho đến đồng bạc cuối cùng. Đó cũng là cách đối xử chung của con người hôm nay. Người ta đòi công lý phải được báo thù. Người ta đòi mắt đền mắt răng đền răng. Người ta khó chấp nhận một sự bao dung tha thứ đối với kẻ thù của mình.
Chúa Giêsu chính là hiện thân lòng khoan dung của Thiên Chúa. Cả cuộc đời của Ngài là một chuỗi dài sự tha thứ. Ngài đã tha thứ cho lầm lỗi của người phụ nữ ngoại tình. Ngài đã tha thứ việc làm của Giakêu. Ngài đã tha thứ quá khứ tội lỗi của người trộm lành. Ngài đã đi đến tận cùng của sự tha thứ, là tha thứ cho kẻ làm nhục và giết hại Ngài.
Là con cái của Cha yêu thương và khoan dung, nguyên tắc sống của chúng ta cũng phải là yêu thương và khoan dung. Giữa một thế giới mà sự thù hận luôn đòi loại trừ nhau bằng khủng bố, bằng súng đạn, người kytô hữu phải thể hiện cho người ta thấy lòng bao dung và tha thứ vẫn còn tồn tại trên trần gian. Vì Chúa chúng ta vẫn có thể làm điều ấy. Vì Chúa chúng ta vẫn có thể tha thứ cho nhau. Tha thứ để được sự bình an tâm hồn. Vì nếu không tha thứ thì “oán báo oán, oán lại chập chùng”. Tha thứ cho nhau để được nên nghĩa tử và là môn đệ chính danh của Chúa, vì người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy là “hãy yêu thương nhau”. Một tình yêu đích thực luôn bao hàm sự bao dung và tha thứ vì “Yêu nhau củ ấu cũng tròn – Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”.
Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta luôn can đảm tha thứ cho nhau, luôn can đảm quên đi mọi hận thù, oán ghét, ghen tương để sống trong vòng tay thân ái giữa người với người và trong tình yêu tha thứ thẳm sâu của Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
————————————————-
Xóa Bỏ Hận Thù Bằng Tình Yêu Thương
Phần đông nhân loại xưa nay chủ trương ghét bỏ, loại trừ, thậm chí là tiêu diệt kẻ thù không thương tiếc.
Chỉ mới nghĩ đến kẻ thù, người ta thấy hậm hực trong lòng; vừa thoáng thấy bóng dáng kẻ thù, người ta cảm thấy bực bội, lòng căm hận sôi lên; khi đối diện với kẻ thù thì muốn nguyền rủa, xỉ vả, đánh đập… Nhiều người còn tìm cách làm hại kẻ thù cách nầy cách khác.
Và khi chưa có dịp trả thù cho hả hê, người ta nuôi oán thù dai dẳng trong lòng năm nầy qua năm khác khiến tâm hồn mất bình an, cuộc sống mất hạnh phúc. Nuôi oán thù như thế chẳng khác gì nhâm nhi thuốc độc hằng ngày, gây tác hại nghiêm trọng cho thân xác cũng như tâm hồn, tự chuốc bệnh vào thân và cắt giảm tuổi thọ. Oán hận người khác là tự hại mình cách dại dột. Tuy nhiên, xóa bỏ oán thù khỏi tâm hồn là điều rất khó.
Làm sao dập tắt oán thù?
Muốn dập tắt đám cháy lớn, người ta phải dùng đến nước; muốn dập tắt hận thù, thì phải nhờ đến tình thương. Tình thương là phương thế hiệu quả nhất để xóa bỏ hận thù. Chính vì thế, Chúa Giêsu chủ trương xóa bỏ hận thù bằng lòng yêu thương, được thể hiện cụ thể qua việc làm ơn, chúc lành, cầu nguyện cho kẻ thù. Ngài dạy: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6, 27-28).
Tha thứ cho kẻ thù đã khó; yêu kẻ thù càng khó hơn; thế mà Chúa dạy phải vươn lên một bậc cao hơn là làm ơn cho kẻ ghét ta, chúc lành cho kẻ nguyền rủa ta, cầu nguyện cho kẻ vu khống ta… Thật là những giáo huấn siêu phàm và rất tuyệt vời!
Chưa từng có danh nhân nào, bậc thánh hiền hay vị tôn sư nào… từ xưa tới nay để lại cho loài người những lời khuyên dạy cao cả, siêu phàm như thế!
Không chỉ dạy chúng ta yêu thương kẻ thù, Chúa Giêsu còn thể hiện lòng yêu thương kẻ thù nghịch cách tuyệt vời hơn hết.
Trong cuộc khổ nạn, sau khi bị lùng bắt giữa đêm khuya như một tên gian phi và bị kết án cách bất công trước tòa Philatô, Chúa Giêsu chịu một trận đòn dã man, tàn bạo… giáng xuống thân mình, rồi phải vác thập tự giá lảo đảo lên đồi Canvê. Đến nơi, Ngài chịu lột trần; chịu đau đớn khủng khiếp khi đội hành quyết đóng đinh Ngài vào thập giá; chịu treo thân trần trụi trên thập giá cho ruồi mòng chích hút, lại còn bị bao người qua lại nhiếc móc, thách thức, nhạo cười…
Dù vậy, Chúa Giêsu không thù không oán, không dùng lời lăng mạ để đáp lại lăng mạ, không xuống khỏi thập giá để tiêu diệt quân thù, không dùng quyền năng mà trừng trị những tên khốn kiếp… Trái lại, Ngài nhìn họ bằng ánh mắt xót thương. Ngài sợ Chúa Cha trừng phạt tội ác tày trời họ đã gây ra, nên trước khi tắt thở, Ngài ngước mắt lên trời, tha thiết cầu xin Cha tha thứ cho kẻ gây đau thương khốn đốn cho Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
Ôi! Tuyệt vời biết bao! Chỉ có Chúa Giêsu là đấng duy nhất trên đời đã tỏ lòng thương xót và tha thứ cho kẻ lăng nhục, hành hạ, phỉ báng và giết chết Ngài… đến mức cao vời như thế mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu. Tha thứ cho kẻ thù đã khó, yêu thương kẻ thù lại càng khó hơn, làm ơn làm phúc và cầu nguyện cho kẻ thù là điều vượt quá sức người. Xin cho chúng con biết chiêm ngắm tấm gương yêu thương, tha thứ, cầu nguyện cho kẻ thù của Chúa và vâng lời Chúa dạy để sẵn sàng tha thứ cho những kẻ thù nghịch với mình. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà