“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 6, 17.20 – 26)
Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng.
Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Nghèo Vì Nước Trời ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Tại Sao Lại ‘Phúc’, Tại Sao Lại ‘Khốn’ ? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Phúc Cho Những Ai Sống Vì Tin Mừng Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Phúc Thật Và Phúc Ảo Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
Nghèo Vì Nước Trời
Bầu khí ngày Tết vẫn chưa tan, nhất là tại miền Bắc giàu truyền thống lễ hội. Ta vẫn còn nghe những lời chúc thịnh vượng, khang ninh cho năm mới. Đầu năm mới, các nước trên thế giới đều phấn đấu để kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho toàn dân. Thế nhưng Lời Chúa hôm nay lại nói: “Hỡi anh em là những kẻ nghèo khó, anh em thật có phúc, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. Phải chăng Chúa Giêsu phản lại tiến bộ, muốn nhân loại tụt hậu?
Để thấu hiểu Lời Chúa, ta cần ghi nhận mấy điểm sau đây:
Trước hết ở đây Chúa Giêsu không nói về kinh tế, nhưng nói về hạnh phúc, nhưng vật chất tự nó chưa phải là hạnh phúc. Câu chuyện về công nương Diana là một minh hoạ rõ nét.
Mùa hè năm 1997, cả thế giới xôn xao về cái chết của công nương Diana. Công nương Diana là một phụ nữ xinh đẹp. Từ khi kết hôn với thái tử Charles, con của nữ hoàng nước Anh, công nương trở thành người có danh vọng và đồng thời cũng có nhiều tiền của vào bậc nhất trên thế giới. Có lẽ ai cũng nghĩ rằng một phụ nữ đẹp đẽ, giàu sang, phú quý như thế phải là người hạnh phúc nhất trên đời. Nhưng không đúng như thế. Công nương rất đau khổ vì cảnh gia đình thiếu tình yêu thương chân thực. Thái tử Charles vẫn lén lút quan hệ với người tình cũ. Đau khổ mà chẳng thể nói ra, vì cả gia đình bên chồng muốn giữ uy tín cho hoàng gia. Chán nản với đời sống gia đình, công nương đã tìm vui bên người bạn trai mới. Trong một chuyến đi chơi ở Paris, cả hai bị thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi. Có nhiều người cho rằng chính hoàng gia Anh đã gây ra tai nạn. Không ai nghĩ rằng cuộc đời công nương có hạnh phúc, dù bà có tất cả: sắc đẹp, tiền của, danh vọng.
Thứ đến, Chúa không lên án vật chất, nhưng chỉ lên án thái độ sử dụng vật chất. Vật chất do Chúa dựng nên để phục vụ con người. Chúa dựng nên và Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp. Nhưng con người đã làm sai chương trình của Chúa. Thay vì sử dụng vật chất như phương tiện, người ta đã biến nó thành mục đích. Thay vì sử dụng vật chất phục vụ đồng loại, người ta đã sử dụng đồng loại để phục vụ vật chất. Đó là những thái độ bị Chúa lên án. Những thái độ ấy biến vật chất thành chướng ngại ngăn cản ta đạt đến hạnh phúc Nước Trời.
Sau cùng, Chúa không khuyến khích cảnh nghèo, càng không khuyến khích những người vì lười biếng mà trở nên nghèo. Chúa chỉ khuyến khích những người vì Nước Trời mà tự nguyện sống nghèo.
Những người vì Nước Trời mà tự nguyện trở nên nghèo là những người hiểu biết giá trị thực sự của tiền bạc. Biết rõ tiền bạc chỉ là phương tiện nên họ dùng tiền bạc mà không dính bén, có tiền mà không nô lệ cho đồng tiền, nhất là biết dùng tiền vào những việc hữu ích cho đồng loại. Vì tha nhân, vì Nước Trời mà tự nguyện sống nghèo.
Những người tự nguyện sống nghèo như thế không làm cho xã hội tụt hậu, trái lại giúp phát triển xã hội, đưa nhân loại tiến lên. Không chỉ tiến lên về văn minh vật chất mà còn tiến về nền văn minh tình thương.
Những người tự nguyện sống nghèo như thế giúp nâng cao nhân phẩm con người, đem niềm vui cho người sầu khổ, gieo niềm hy vọng cho những người bị bỏ quên, đem tình thương đến cho những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Những người tự nguyện sống nghèo như thế không phải là những người lười biếng, hèn nhát, uỷ mị, bạc nhược. Trái lại đó là thái độ của những tâm hồn dũng mạnh, luôn phấn đấu với chính mình để nâng tâm hồn mình và nâng cả thế giới lên.
Tự nguyện sống nghèo như thế là một mối phúc cho thế giới, cho nhân loại. Thế giới sẽ tốt đẹp biết bao nếu có nhiều người tự nguyện như thế.
Sau đám tang của công nương Diana 1 tuần lễ, thế giới lại xôn xao về một đám tang khác: đám tang của mẹ Tesexa Cancutta. Khác hẳn với công nương Diana, mẹ Tesexa là một nữ tu già nua, sống một đời sống nghèo. Trong phòng của mẹ chỉ có một chiếc ghế và một chậu thau đựng nước. Người ta cho mẹ nhiều tiền, nhưng mẹ tự nguyện sống nghèo, dành hết tiền của để giúp những người nghèo, những trẻ mồ côi, tàn tật. Khi Đức Giáo hoàng sang thăm Ấn Độ, thấy mẹ đi lại công tác nhiều, tặng mẹ một xe hơi sang trọng. Nhưng khi Đức Giáo hoàng về, mẹ đã bán xe lấy tiền giúp người nghèo. Có 40 nguyên thủ quốc gia đến tham dự đám tang của mẹ. Và Ấn Độ, một nước không ưa gì đạo Công giáo, đã cử hành quốc tang cho mẹ. Hai mươi mốt phát súng đại bác tiễn đưa linh hồn mẹ trong khi các vị nguyên thủ quốc gia quyền uy đứng cúi đầu kính cẩn trước thi hài vị nữ tu già nua, nghèo khó. Mẹ đã thực hành Lời Chúa: “Phúc cho anh em là người nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về anh em”.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn có kinh nghiệm vui buồn gì về tiền bạc? Vì tranh chấp tiền bạc mà mất tình nghĩa? Nhờ biết nhường nhịn về tiền bạc mà thêm bạn hữu?
2. Lời Chúa hôm nay có chúc phúc và chúc dữ. Bạn thuộc diện nào? Được chúc phúc hay bị chúc dữ?
3. So sánh cuộc đời của công nương Diana và cuộc đời của mẹ Tesexa, bạn rút ra được quyết định nào cho đời bạn?
4. Tiền bạc và hạnh phúc. Bạn thấy chúng có liên hệ gì với nhau?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
——————————————————
Tại Sao Lại ‘Phúc’, Tại Sao Lại ‘Khốn’?
Phúc âm đã không dùng từ ‘Bát phúc’, tác giả Matthêu liệt kê tới 09 cái ‘phúc thay’, còn Luca thì chỉ nói tới 04 cái ‘phúc cho’ tương phản với 04 cái ‘khốn cho’. Nếu thế thì, theo tôi, tìm hiểu từng cái phúc và đếm từng cái một không phải là điều quan trọng lắm; điều cần làm là đặt câu hỏi: tại sao lại phế bỏ điều mà mọi người bình thường vẫn cho là ‘phúc’ để xác định ngược lại?
Tôi thấy cái bạo phổi hay bạo gan nhất của lời rao giảng của Đức Giêsu chính là dám thay đổi lối suy nghĩ bao đời. Thay đổi theo cách thức của Ngài.
Bất luận đông tây, cả đời người, ai cũng chỉ lúi cúi đi tìm cái mà dân gian gọi nôm na là: no thân – ấm cật, hay người cao trọng hơn gọi là ‘vinh thân – phì gia’. Từ đó không ai bảo ai, mọi người đều mong muốn: sang giầu, vui xướng, no đầy, thỏa chí, quyền hành, thống trị, v.v… Đó là nội dung của ‘phúc, lộc, thọ’, hay ‘happiness – bonheur’, hay là gì gì đi nữa. Không ai có thể kết án chúng là ‘tội’ là ‘khốn’, cùng lắm chỉ có thể cảnh giác là chúng có thể dẫn tới bất công, bạo hành. Kêu chúng là ‘khốn thay hay khốn cho’ thì có vẻ quá đáng lắm, có vẻ vơ đũa cả nắm, trừ phi cái lẽ sống đã thay đổi tận gốc rễ.
Mà quả thật sự thay đổi từ gốc rễ lối nhìn và suy nghĩ chính là điều Tin Mừng Đức Giêsu đòi hỏi. Tôi không nghĩ đó là sự thay đổi tốt xấu theo nghĩa luân lý, như vẫn thường được giải thích, vì như vậy ta không thể cắt nghĩa được tại sao ‘khóc lóc, đói khát’ lại là phúc, còn ‘sang giầu, no nê, vui cười’ lại là khốn. Nhiều lối cắt nghĩa vòng vo không thuyết phục được ai.
Nếu Tin Mừng mà Đức Giêsu rao giảng (và cả cuộc sống và cái chết của Ngài minh chứng) tiên quyết không phải là một bài học luân lý cao đẹp, mà là một mạc khải vô tiền khoáng hậu về một Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Và nếu, cũng theo Tin Mừng đó, cứu cánh của cuộc sống từ đây sẽ không còn phải là ‘vinh thân phì gia’ mà là ‘đón nhận lòng xót thương’ của Thiên Chúa, thì bất cứ điều gì dẫn tới việc đón nhận này cũng chính là con đường dẫn tới nguồn hạnh phúc. Chỉ có như thế tôi mới hiểu được tại sao nghèo khó, đói khát, khóc than, bị ghét bỏ lại được gọi là ‘phúc’ trong khi giầu có, no nê, vui cười và được khen tụng lại bị gọi là khốn. Thật đơn giản: trong khi nhóm một dễ dàng (và đôi khi còn là điều kiện) làm cho một người nhận thức được và khao khát đón nhận lòng xót thương, thì nhóm hai lại cản trở (và đôi khi còn tiêu diệt) chính cái nhu cầu tiếp nhận lòng thương xót đó. Ai có thể nghĩ rằng một người đang phú quí, sung túc, thành đạt và toại nguyện lại cần tới lòng thương xót, trong khi một người rơi vào tình cảnh đói khổ, thất vọng hay bị khinh khi, mong đợi lòng từ bi hải hà là điều đương nhiên. Cái lôgic này được Isaia và Đức Giêsu công bố: “ Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo hèn”, được thánh Âu-tinh ca tụng: “Ôi tội hồng phúc!”, được đức Maria hớn hở ca lên: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới!”, và được Phaolô xác quyết: “Chính khi tôi yếu đuối nhất là lúc sức mạnh Thiên Chúa tỏ rõ nơi tôi”.
Như một con người, tôi cũng mong muốn được những gìầu sang no đủ để được thỏa chí trong cuộc sống. Điều đó chẳng có gì là tội hay khốn. Nhưng là Kitô hữu, một người tin vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa từ nhân, mà tôi lại không có nhu cầu chạy tới lòng từ bi thương xót đó, thì thật là khốn cho tôi biết bao. Thậm chí nếu việc tu thân tích đức, việc rèn luyện nhân đức làm tôi thấy mình cao đẹp, tốt lành, và không còn cần tới lòng thương xót Chúa bao nhiêu nữa (chỉ bọn tội lỗi và trụy lạc mới cần, và vì thế tôi phải rao giảng cho chúng về lòng thương xót Chúa để chúng ăn năn sám hội), thì quả thật ‘khốn cho tôi!’.
Tôi đang đặt mình vào số những ngưởi ‘giầu có, no nê, vui cười và được mọi người ca tụng’ bị Đức Giêsu nguyền rủa.
Ôi lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đôi khi đã để con yếu đối và sa ngã. Chính những lúc đó Chúa cống hiến cho con dịp may cần thiết để thấy mình là ‘kẻ nghèo khó, đói khát, khóc lóc, đồ xấu xa’. Và một khi đã tiến được sâu hơn vào lòng thương xót Chúa, con cũng có thể chân thành ca ngợi: “Ôi tội hồng phúc!” vì đã làm cho con nhận ra ‘Chúa đoái thương nhìn đến phận hèn tội lỗi của tôi’. Amen.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
—————————————————
Phúc Cho Những Ai Sống Vì Tin Mừng
Nhìn lại “Năm Con Trâu” với hàng loạt các drama về từ thiện khiến cho những người có lòng tốt cũng bị tổn thương. Có khi dư luận đẩy lên cao trào những xì xào, ngờ vực và quy kết tội mà không cần chứng cứ hay tòa án!
Người ta nghi ngờ tất cả, mặc dầu chuyện từ thiện vốn tốt đẹp đầy ý nghĩa nhân văn. Tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau có thể xem là sức mạnh là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Tinh thần liên đới ấy đã được cha ông ta gửi gắm trong câu ca dao:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Và rồi đến phút 89 của những ngày cuối năm 2021 mới được công bố những Drama này không “ăn chặn từ thiện”! Nhưng lòng tốt bị tổn thương làm sao hàn gắn? Và liệu rằng lòng tin về người làm từ thiện có dễ dàng quay trở lại như xưa?
Ở đời thường lạ vậy. Những người sống vì công chúng lại dễ bị làm tổn thương vì bị nghi ngờ về lòng tốt. Những người sống bảo vệ công lý và làm chứng cho sự thật càng dễ bị tổn thương do bị chụp mũ , bị quy kết tội , bị vu khống . ..
Ngày 29/01/2022 dường như khắp các trang mạng xã hội đều đau xót khi cha Giuse Trần Ngọc Thanh OP bị sát hại ngay lúc đang ngồi giải tội. Cái chết của ca Giuse gây bàng hoàng cho mọi người và là nỗi hoang mang cho những ngôn sứ của Chúa.
Theo Fides, một cơ quan truyền thông thuộc bộ Truyền bá và Phúc Âm hóa các Dân tộc cho biết, trong năm 2021 vừa qua có 22 nhà truyền giáo đã bị giết trên toàn thế giới, nhiều hơn 2 người so với năm 2020 và một nửa trong số đó là các linh mục.
Bài phúc âm hôm nay Chúa Giêsu nói nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, phúc cho anh em là những kẻ đói khát”? . “Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời”.
Thánh Luca ghi rõ: “Đức Giêsu ngước mắt nhìn các môn đệ và nói…”. Vậy thì đây là những lời Đức Giêsu trực tiếp nói với các môn đệ và đối tượng đầu tiên của các mối phúc nầy chính là những môn đệ của Chúa Giêsu.
Nghèo khó, đói khát, bị bách hại là những thứ tai hoạ mà người đời tìm cách vượt qua hết sức có thể. Nhưng đối với những ai sống vì Tin Mừng thì những điều này lại là một mối phúc.
“Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. Như các môn đệ Phêrô, Anrê, Gioan, Giacôbê là những những khá giả có ghe, có thuyền, có lưới… ngày ngày đánh bắt được tôm cá để nuôi sống gia đình và bản thân. Nay vì theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, các vị từ bỏ ghe thuyền, nhà cửa, nghề nghiệp, bỏ lại cả vợ con, ra đi với hai bàn tay trắng, lên đường phục vụ cho Tin Mừng. Thế nên các ngài sẽ được Chúa Giê-su trọng thưởng. Lòng quảng đại của Thiên Chúa đâu có thua lòng quảng đại của con người.
Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Nhưng hãy vui lên vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Các môn đệ của Chúa Giêsu là những người đã dốc hết cuộc đời cho Chúa Giêsu và cho việc rao giảng Tin Mừng, đến nỗi các ngài trở nên nghèo thiếu, và bị bách hại vì Chúa Giêsu, thế nên các ngài sẽ được Thiên Chúa đổ đầy hồng ân. Nước Thiên Chúa thuộc về các ngài. Hạnh phúc thiên đàng đang ở trong tầm tay.
Hôm nay Chúa vẫn đang chúc phúc cho những ai biết rộng lượng cống hiến cho Chúa khả năng, thời giờ, sức lực, trí tuệ… để làm sáng danh Chúa và loan báo Tin Mừng. Mỗi việc chúng ta làm cho Chúa đều được Chúa trả công bội hậu cho chúng ta ngay ở đời này và nhất là được thừa hưởng Nước Trời mai sai.
Xin Chúa giúp chúng ta biết sống vì Tin Mừng. Xin Chúa ban thêm ơn khôn ngoan và can đảm để chúng ta vượt qua tính sợ hãi và ích kỷ để sống và làm chứng cho Tin Mừng cho dẫu bị thiệt thòi ở đời này, có khi bị hàm oan, bị bách hại . . . Nhưng luôn vui tươi hân hoan vì chúng ta hiến dâng cho Chúa một, Chúa sẽ ban thưởng gấp trăm gấp ngàn lần ở đời này và cả đời sau. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————————
Phúc Thật Và Phúc Ảo
Có những điều người đời cho là phúc nhưng cũng là mầm mống sinh ra tai họa. Đó không phải là phúc thật mà là phúc ảo.
Nhiều người khao khát tiền bạc, tài sản, của cải trần gian… và tìm mọi cách chiếm hữu cho bằng được, càng nhiều càng tốt. Người ta hy vọng khi chiếm hữu được nhiều tiền bạc, trở nên phú quý giàu sang thì họ sẽ được hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, tiền bạc cũng gây ra nhiều tai họa cho con người; như ta thấy sau đây:
– Thứ nhất, đồng tiền cuốn hút rất nhiều người vào con đường tội lỗi như cướp của giết người, tham ô, chiếm đoạt, làm đủ điều xấu xa và tàn ác để thu lợi cho mình; hậu quả là nhiều người vô tội trở thành nạn nhân của họ và bản thân họ phải chịu tù tội, chịu án phạt đời nầy và đời sau.
– Thứ hai, người sở hữu nhiều tiền bạc dễ bị người đời ganh ghét, gièm pha, trở thành đối tượng cho trộm cướp rình rập và nếu không chia sẻ tài sản mình cho người nghèo thiếu thì mai sau sẽ bị án phạt nặng nề.
Chính vì thế, Chúa Giêsu nói: “Khốn cho các ngươi là những người giàu có…”
Ngược lại, có những thứ người đời cho là họa như nghèo túng, đói khát… thì Chúa Giêsu cho rằng đó là hồng phúc. Ngài nói:
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” Tại sao như thế?
Khi tuyên bố những lời này, Chúa Giêsu vừa ngước mắt nhìn các môn đệ vừa nói. Vậy thì đây là những lời Chúa Giêsu nói trực tiếp với các môn đệ. Các môn đệ là đối tượng của những lời chúc phúc nầy.
Trước đây, trong số các môn đệ của Chúa có người làm nghề chài lưới, có thuyền có lưới, có thu nhập hằng ngày ổn định; cũng có người làm nghề thu thuế như Lêvi, cuộc sống sung túc chẳng thiếu thốn gì…
Thế rồi, khi lên đường theo Chúa, các ngài bỏ hết thuyền bè, nhà cửa, công việc làm ăn… nên trở thành những người nghèo thiếu… Nghèo khó vì từ bỏ mọi sự để đi loan báo Tin Mừng như thế thì sẽ được nhiều hồng phúc, chứ không phải bất cứ ai nghèo khó đều có phúc.
Rồi Chúa Giêsu nói tiếp với các môn đệ:
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang đói vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.”
Với nghề chài lưới trên biển hồ nhiều tôm cá hoặc nghề thu thuế như Lêvi đã làm… các môn đệ chưa biết đói khát là gì. Vậy mà từ ngày theo Chúa Giêsu, lang bạt từ làng quê lên phố thị, từ bờ biển đến nơi hoang địa… các ngài phải chịu đói khát; thậm chí có ngày đi qua đồng lúa, các ông đã bứt những gié lúa, vò xát trong tay rồi ăn để dằn cơn đói… Đói khát vì ra đi xây dựng Nước Trời như các môn đệ ắt sẽ được Thiên Chúa ban nhiều hồng phúc lớn lao.
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy hạnh phúc do tiền bạc, của cải và sự giàu sang đời nầy mang lại không phải là hạnh phúc thật vì có thể mang lại tai họa và án phạt đau thương. Đồng thời, Ngài cũng cho chúng ta thấy rằng “nghèo khó” vì Tin Mừng, chịu “đói” vì chia sẻ cơm áo cho nhau, chịu buồn phiền “khóc lóc” vì đạo Chúa, chịu “oán ghét, khai trừ, sỉ vả” vì Nước Trời là phúc thật vì mang lại hạnh phúc đời đời.
Lạy Chúa Giêsu. Xin dạy chúng con nhớ rằng: Của cải đời này chỉ là phù du, mau tan biến như sương mai, như làn khói, chỉ có hạnh phúc thiên đàng mới vĩnh viễn thiên thu.
Xin giúp chúng con biết phấn đấu đạt cho được Nước Trời dù phải hy sinh thời giờ, công sức, tiền bạc và chấp nhận gian lao khó nhọc… để góp phần loan báo Tin Mừng và phục vụ anh chị em chung quanh, nhờ đó chúng con đạt được những mối phúc mà Chúa công bố trong Tin Mừng hôm nay.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà