“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 5, 1 – 11)
Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Đức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.
Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Đào Tạo Tông Đồ ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Xin Tránh Xa Con Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Tin Tưởng Vào Chúa Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Hãy Chèo Ra Chỗ Nước Sâu Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Huấn Luyện Chứng Nhân Hạt Nắng Trg 10
Tấm Lưới Đời Con Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Ngài Vẫn Chọn Con Sao? M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Tình Ca Ra Khơi Nắng Sài Gòn Trg 13
Đáp Tình A.P Mặc Trầm Cung Trg 14
———————————————
Đào Tạo Tông Đồ
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về mẻ cá lạ lùng mà Phêrô và các bạn được chứng kiến. Đây khám phá chỉ đơn thuần là một phép lạ lớn lao cho ta ngưỡng phục quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng qua dấu lạ này, Chúa Giêsu còn muốn mời gọi ta ra khơi truyền giáo. Và qua tiến trình của phép lạ, Chúa Giêsu đã áp dụng một chương trình đào tạo các môn đệ, đặc biệt là Phêrô, người đứng đầu các môn đệ. Chương trình đào tạo này gồm 4 điểm.
Điểm thứ nhất: cảm nghiệm về sự nghèo nàn của bản thân. Phêrô và các bạn đang giặt lưới. Các ông mệt mỏi sau một đêm thức trắng vật lộn với biển khơi. Tâm trạng các ông chán nản sau thất bại chua cay não nề. Thế mà giờ đây, Chúa Giêsu lại bảo các ông ra khơi. Ra tận chỗ nước sâu. Nước sâu là chỗ nguy hiểm. Nước sâu là chỗ Phêrô gặp thất bại. Chúa Giêsu muốn Phêrô trở lại chỗ nước sâu để nhận thức rõ sự vô tài bất lực của bản thân. Chúa Giêsu muốn Phêrô nhìn rõ những thất bại để ông biết khiêm nhường. Khiêm nhường là bài học đầu tiên Chúa Giêsu muốn gửi đến các môn đệ của Người.
Điểm thứ hai: cảm nghiệm về sự cao cả của Thiên Chúa. Người tông đồ phải làm chứng về Thiên Chúa. Muốn làm chứng phải có kinh nghiệm. Ai chưa từng gặp được Thiên Chúa, chưa từng tiếp xúc với Người thì không thể làm chứng về Người. Trong những trường hợp đặc biệt, Thiên Chúa thường chủ động tỏ mình ra. Chúa tỏ mình cho Môsê trong bụi gai cháy đỏ. Chúa tỏ mình ra cho thánh Phaolô qua làn ánh sáng chói lọi trên đường đi Đa mát. Hôm nay Chúa tỏ mình ra cho Phêrô qua mẻ lưới lạ lùng. Lập tức Phêrô nhận biết sự cao cả, sự thánh thiện của Chúa. Sợ hãi vì thấy mình tội lỗi, Phêrô vội quỳ xuống xin Chúa rời xa. Phêrô đã sống bên cạnh Chúa. Ông đã được tiếp xúc với Chúa. Ông đã cảm nghiệm được sự thánh thiện cao cả của Chúa. Sau này ông đi rao giảng chỉ là để kể lại những gì ông đã mắt thấy tai nghe.
Điểm thứ ba trong chương trình đào tạo môn đệ của Chúa đó là sự vâng lời tuyệt đối. Phêrô hẳn là rất ngạc nhiên khi Chúa Giêsu bảo ông ra khơi đánh cá, lại còn chỉ rõ nơi thả lưới. Không ngạc nhiên sao được khi Phêrô là người miền biển trong khi Chúa Giêsu là người miền núi. Phêrô làm nghề chài lưới lâu năm kinh nghiệm trong khi Chúa Giêsu chỉ làm nghề thợ mộc. Thế mà khi Chúa Giêsu bảo ông thả lưới bên phải thuyền, ông đã tăm tắp làm theo. Phêrô đã vâng lời tuyệt đối. Phêrô đã học được thái độ vâng lời của người môn đệ. Ông đã thành công. Ông đã thấy kết quả rõ ràng. Và Chúa đã đặt ông làm tông đồ trưởng.
Điểm sau cùng mà Chúa muốn người môn đệ phải có đó là sẵn sàng ra đi. Ra đi là một thái độ liều lĩnh. Vì vượt qua những khoảng không gian vật lý cheo leo. Ra khơi là chấp nhận đối đầu với phong ba bão táp.
Vượt qua những khoảng không gian vật lý đã khó. Vượt qua những khoảng không gian tâm lý còn khó hơn. Ra đi là bỏ nơi an toàn để đến nơi bấp bênh. Ra đi là bỏ nơi quen biết để đến nơi xa lạ. Lên đường truyền giáo là bỏ lại tất cả: gia đình, thuyền bè, chài lưới. Bỏ cả nghề nghiệp cũ đã thành thạo để bắt tay vào nghề mới còn chập chững. Bỏ lưới cá để chài người.
Nhưng khó nhất chính là ra khỏi chính mình. Dù có đi xa ngàn dặm nhưng vẫn giữ được những thói tật xưa cũ thì người ta vẫn còn ở khởi điểm. Muốn lên đường người môn đệ phải ra khỏi tính tự ái tự mãn của mình. Ra khỏi những quan niệm xưa cũ hẹp hòi. Ra khỏi những ảo tưởng viễn vông. Ra khỏi những ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân.
Khi đã từ bỏ tất cả, người môn đệ sẽ trở nên hoàn toàn nghèo nàn. Gia tài chỉ có niềm cậy tin phó thác hoàn toàn vào Đấng kêu gọi ta. Vũ khí chỉ có lòng vâng phục tuyệt đối vào Đấng sai ta.
Mỗi người được Chúa huấn luyện. Bao lâu ta chưa cảm nghiệm được sự hèn kém của bản thân, chưa cảm nghiệm được sự thánh thiện cao cả cũng như tình yêu của Thiên Chúa, chưa có niềm vâng phục tuyệt đối, chưa ra đi trong tự do và khó nghèo, ta vẫn chưa thực sự trở thành môn đệ của Chúa. Chưa được đào tạo kỹ lưỡng mà đã làm việc thì phần thành công chắc chắn sẽ ít hơn phần thất bại.
Lạy Chúa, xin hãy dạy bảo con theo đường lối của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn có tuyệt đối vâng lời Chúa trong mọi hoàn cảnh không?
2. Bạn có cảm nghiệm về sự vô tài bất lực của mình không?
3. Bạn đã ra đi khỏi chính mình chưa?
4. Bạn có cảm thấy Chúa có chương trình đào tạo mình không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
————————————————
Xin Tránh Xa Con
Chúa gọi bốn môn đệ đầu tiên, rồi sau này Người tuyển lựa nhóm mười hai và nhiều môn đồ khác nữa; tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là: Người tuyển chọn dựa trên tiêu chuẩn nào? Thoạt tiên hình như Người chẳng theo tiêu chuẩn nào hết trọi! Trong việc này, Người tỏ ra hoàn toàn tự do: muốn gọi ai thì gọi. Sau này người ta giải thích rằng: mọi ơn gọi, kể cả ơn gọi Kitô hữu, đều là nhưng không, vô điều kiện. Tuy nhiên bài Tin Mừng hôm nay thoáng cho thấy: có một tiêu chuẩn hay điều kiện nào đó thì phải, và điều kiện này thì hết thảy mọi người được gọi ai cũng đều có được và phải có. Thú thực: khi phát hiện ra điều này, chính tôi còn cảm thấy giật mình.
Giật mình là phải, vì đã hơn 50 năm tu sĩ và 40 năm linh mục, tôi luôn được dạy và cũng luôn thâm tín rằng: mình phải sống xứng đáng với ơn gọi quí giá nhận được. Tôi đã chẳng ‘được tuyển chọn’ để trở thành tu sĩ hay linh mục qua một tiến trình đào luyện và sàng lọc hết sức căn kẽ là gì? Nhiều bạn bè tôi đã từng ‘bị loại’ hoặc rơi rụng…, và kết quả đương nhiên của thực tế này là tôi cảm tạ Chúa vì đã thương chọn tôi. Tôi thấy mình ‘cao trọng’ và ‘có phước’ hơn nhiều người: “Chúa chọn con như sét chọn ngọn cao đặc biệt”, có thời tôi đã từng hát như thế. Suốt thời gian tu luyện, tôi vẫn luôn cố gắng vươn tới một nếp sống sao cho xứng đáng với ân huệ nhận được. Nhưng rồi tôi phát hiện ra: lối suy nghĩ thông thường này không chỉnh cho lắm, không ổn tí nào!
Không nói ra, nhưng qua đoạn Tin Mừng Luca hôm nay, Đức Giêsu đã hé mở cho thấy Người gọi Phêrô, và cả ba môn đệ khác nữa, vì họ đã sấp mình xưng thú: “Lạy Ngài, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Đức Giêsu đã không hề nhắc nhở ông về các tội lỗi đã phạm, thế nhưng, chính mẻ cá lạ đã làm cho ông và các bạn nhận ra sự thấp hèn, tội lỗi của mình! Hình như có một nghịch lý: Phêrô càng nhận thấy mình phải tránh xa Người bao nhiêu, thì Người lại càng muốn ông gần gũi mình bấy nhiêu, gần tới độ, sẽ cùng Người lên đường thu phục người ta. Sau này, khi phạm lỗi nặng nề vì ba lần chối bỏ Thầy, Phêrô lại được cất nhắc lên ‘địa vị’ còn cao trọng hơn, ‘chăm sóc các cừu mẹ của Thầy’. Có lẽ chính Phêrô đã nhận thức được điều này cách thâm sâu nhất: càng lỗi phạm nặng nề bao nhiêu…, thì Thầy lại càng xót thương mình bằng một tình yêu mãnh liệt bấy nhiêu: “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21:17). Nên nhớ: lần tuyên xưng cuối cùng cũng lại sau một mẻ cá lạ; phải chăng là để gợi cho ông nhớ về lần xưng thú trước, lúc khởi đầu ơn gọi làm môn đệ.?
Như thế, một điều kiện đang dần hiện rõ đó là: mọi ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu Kitô (Kitô hữu giáo dân, hay tu sĩ linh mục, hay giám mục giáo hoàng, hay gì gì đi nữa…) thì cũng đều phải có một điều kiện xuyên suốt, từ khởi đầu và qua từng giai đoạn triển khai và mãi cho tới lúc hoàn thành…, đó là: xưng thú tội lỗi, là nhận ra sự bất xứng để khám phá ra lòng Chúa xót thương, đồng thời tiếp tục sống trong tình yêu thương vô hạn đó. Mất đi yếu tố căn bản này, người môn đệ rất có thể đã phản bội, hay ít nhất đã đánh lạc mất nền tảng của ơn gọi mình đó là: chính mình cần đón nhận ơn cứu độ. Luôn mãi, đặc biệt vào các cột mốc quan trọng nhất của một ơn gọi (chẳng hạn như 50 năm khấn dòng và 40 năm linh mục của tôi vào năm 2011), thay vì tâm tình cảm tạ Chúa vì đã được tuyển chọn, đã bền đỗ, đã vươn lên tiến bộ…, Kitô hữu chúng ta cần khai thác sâu hơn nhận thức tội lỗi và thấp hèn của mình. Nhận thức này do đó ngày càng phải trở thành nền tảng cho đời sống thiêng liêng của họ qua việc nhìn nhận không chút mặc cảm: ‘tôi đã lỗi phạm’. Và sự khiêm tốn nhìn nhận này sẽ trở thành bệ phóng tâm linh giúp họ bay bổng vào không gian vô tận của Lòng Chúa xót thương. Rồi cũng chính trong cái không gian vô tận đó, họ du hành một cuộc hành trình ‘thu phục người ta’ qua việc tông đồ và bác ái hoàn toàn vô điều kiện. Cuộc thu phục này không nhắm tới mục tiêu nào khác hơn: làm cho nhiều người minh định được điều căn bản: “Phận tôi tớ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1:48).
Cao cả như Mẹ Maria, uy hùng như Phêrô, mà cũng trọn đời không ngừng hướng tới mục tiêu cốt lõi duy nhất này, thế thì Kitô hữu hay linh mục chúng ta, bất luận là ai, ta sẽ không thể làm gì khác hơn được!
Lạy Chúa, có nhiều lúc con bị cám dỗ muốn đo lường sự tiến bộ đạo đức thánh thiện của mình; kết quả là tầm nhìn lại hướng về bản thân con thay vì hướng tới tình yêu thương xót của Chúa. Trong năm 2010 khi con chuẩn bị kỷ niệm 50 năm khấn dòng và 40 năm linh mục, Chúa đã cho con gia tốc được điều quan trọng là: đi sâu hơn, xa hơn vào sự chân nhận những yếu hèn và lỗi lầm mình đã phạm. Con đã thấm thía, và tự đáy lòng đã cùng với Mẹ Maria cất lên bài ca “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nô bộc hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới…” Vâng, xin Chúa cho con dành trọn phần còn lại của đời sống ơn gọi con để sấp mặt xuống và khẩn khoản van xin:“Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”, vì biết rằng nói lên được điều đó, con chắc chắn sẽ được Chúa đón nhận. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
————————————————-
Tin Tưởng Vào Chúa
Nhà bác học Archimède đã từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất này lên”. Kinh nghiệm cho thấy: cho dù phiến đá đồ sộ to lớn mấy chăng nữa! nếu đòn bẩy có điểm tựa sẽ dễ dàng lăn tảng đá rời khỏi vị trí. Archimède đã dựa vào kinh nghiệm rất đời thường để xác tín điều đó.
Ở đời cũng vậy, có nhiều việc tưởng chừng như sẽ bỏ dở dang, thế nhưng nhờ sự can thiệp siêu nhiên nào đó mà công việc đã tiếp diễn thật tốt đẹp, ngoài sức tưởng tượng. Và đôi khi cũng có nhiều ngừơi xem ra bất tài vô dụng nhưng họ vẫn thành công khiến chúng ta sững sờ ngạc nhiên. Sự thành công đến với họ không do tài trí của họ mà do ân ban bởi Trời. Và đối với người Kitô hữu đó chính là ơn ban của Chúa dành cho những ai biết tin tưởng cậy trông vào Chúa.
Và qua 2 năm đại dịch thì lúc này gia đình nào còn đầy đủ, còn bình an là hạnh phúc lắm rồi. Đúng là chỉ có Trời cứu chúng ta, chỉ có nhờ ơn Chúa mà gia đình chúng ta đi qua đại dịch được bình an.
Đây cũng là điều mà cụ Nguyễn Du đã nói:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
Quả thực, “Trời còn để có hôm nay” để sống, để nhìn thấy nhau, là ân ban bởi Trời. Mỗi ngày là một tặng phẩm của đất trời. Dầu không biết ngày mai sẽ ra sao nhưng vẫn phải trân quý giây phút hiện tại để cám tạ ơn Trời đã ban cho chúng ta được đoàn viên hôm nay. Dẫu rằng có những lúc “Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”, thế nhưng sau những rủi ro, cùng cực, khổ đau, thao thức, ba đào… Trời vẫn cho chúng ta có ngày hôm nay để có thể sum vầy bên nhau.
Phêrô và các bạn chài năm xưa đã thấy quyền năng Chúa nhờ biết khiêm nhường. Khiêm nhường để vâng lời Thầy mà chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Họ đã được một mẻ cá quá lớn, lớn đến nỗi một thuyền không mang về hết mà phải nhờ đến các bạn đồng nghiệp.
Từ ngày Phêrô vâng lời Thầy Giêsu chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá xem ra đã thay đổi mọi suy nghĩ của Phêrô. Phêrô từ đó đã đi theo Chúa. Phêrô từ đó càng hiểu hơn về giá trị của vâng lời. Vâng lời Thầy là tin tưởng hoàn toàn vào Thầy. Vâng lời là nhìn nhận sự yếu kém bất toàn của mình để làm theo lời Thầy chí thánh mà có lần ông đã tuyên xưng: “Thầy là Con Thiên Chúa”. Vâng lời Thầy là làm tất cả những gì Thầy muốn Phêrô làm.
Cuộc đời luôn đưa đến biết bao khó khăn thử thách. Hãy tin tưởng phó thác vào Chúa. Hãy bước đi trong niềm tín thác nơi Chúa. Chính Chúa sẽ trợ giúp chúng ta. Chính Chúa sẽ dẫn chúng ta đến chỗ thành toàn. Nơi Thiên Chúa không gì mà Ngài không làm được. Ngài có đủ quyền năng để hoàn tất chương trình của chúng ta.
Ước gì mỗi người chúng ta dầu trong hoàn cảnh nào, cũng không bỏ cuộc, nhưng luôn tin tưởng vào ơn trợ giúp của Chúa sẽ dẫn chúng ta đi qua những thăng trầm của cuộc đời. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết chạy đến với Chúa và kêu cầu Chúa trong những lúc nguy nan. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————————-
Hãy Chèo Ra Chỗ Nước Sâu
Tại sao Chúa Giêsu chọn bốn môn đệ đầu tiên trong hàng ngũ những người đánh cá? Đâu là dụng ý của Ngài? Phải chăng tiêu chí đầu tiên cần cứu xét để tuyển chọn vào đời sống tông đồ là phải dạn dày sương gió, phải sẵn sàng xông xáo giữa biển đời đầy bão tố cuồng phong?
Có lẽ chính vì đã quen chịu nhọc nhằn trên biển cả, nhiều phen đối đầu với bão táp, thách thức với cuồng phong mà Simon và các bạn chài của anh đã “lọt vào mắt xanh” của Chúa Giêsu.
Nhưng trước khi kêu gọi Phêrô và các bạn chài dấn bước vào công cuộc loan báo Tin Mừng đầy gian khổ, Chúa Giêsu muốn dạy cho các anh bài học vỡ lòng. Ngài truyền cho các anh “hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” cho dù các anh đang ở trong tâm trạng mệt mỏi chán chường vì phải lao nhọc suốt cả đêm qua mà chẳng bắt được con cá nào.
Dù vậy, Phêrô và các bạn chài vẫn vâng lời ra khơi buông lưới. Kéo lưới lên, các anh kinh ngạc đến sững sờ: Cá nhiều đến nỗi gần rách cả lưới! Thế là các anh đã học được bài học đầu tiên: Muốn bắt được nhiều “cá”, thì hãy vâng lời Chúa chèo thuyền ra khơi. Về sau nầy, nhờ liên tục “ra khơi” đương đầu với nhiều sóng gió, các tông đồ đã mở rộng Hội Thánh Chúa trên nhiều nước nhiều miền.
Cuộc ra khơi của Chúa Giêsu
Ngự trên ngai trời mà cứu thế, mà phán dạy loài người, hay ít ra, dùng các ngôn sứ mà phán dạy, thì ‘đỡ khổ’ hơn nhiều, nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã không làm như thế. Ngài đã rời bỏ bờ bến an toàn chốn thiên cung, bỏ hết mọi sự lại đằng sau để ra khơi. “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ…” (Philíp 2, 6-7)
Khi xuống trần, thay vì yên vị trong Đền Thờ Giêrusalem mà giảng dạy hoặc ngồi giảng trong các hội đường vào các ngày sa-bát như các Rápbi Do Thái, Chúa Giêsu đã xông xáo vào khắp hang cùng ngõ hẻm để loan Tin Mừng: trên triền núi, giữa đồng hoang, bên bờ giếng, trong các thôn làng hay phố thị, bên bờ biển, bờ hồ…
Ngài đã mạo hiểm đến chỗ nước sâu nhất: sinh ra trong máng cỏ thấp hèn, đến ngụ nhờ nhà người tội lỗi, hoà mình với những người tội lỗi để xin nhận phép rửa bên bờ sông Giođan, chịu chết đau thương tủi nhục giữa những tên gian phi trên thập giá, chịu mai táng trong mồ…
Ngài chấp nhận “ra khơi” như thế nhằm cứu độ tất cả mọi người.
Hội Thánh mời gọi ra khơi
Trong tông thư “Tiến về thiên niên kỷ mới”, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẩn thiết kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa trên khắp thế giới hãy “chèo ra chỗ sâu” (Lc 5, 4) để thả lưới, vì “một thiên niên kỷ mới đang mở ra trước mặt Hội Thánh như là một biển cả mà chúng ta sẽ mạo hiểm trong đó…” (số 58)
Trong dịp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam triều yết Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II nhân chuyến đi viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô ngày 22-1-2002, vị Cha chung của Hội Thánh cũng mời gọi Giáo Hội Việt Nam hãy ra khơi, Ngài nói: “Giáo Hội Việt Nam được mời gọi ra khơi: Tôi muốn khích lệ anh em hãy hết sức quan tâm rao giảng Tin Mừng và truyền giáo…”
Còn Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Thông điệp “Niềm Vui Tin Mừng” thôi thúc chúng ta: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô… Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục.” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 49)
Lạy Chúa Giêsu,
Con xin thú lỗi với Chúa là con chỉ muốn bám chặt đất bằng cho yên ổn và chẳng hề muốn ra khơi, vì ra khơi thì quá nhọc nhằn, đòi hỏi nhiều hy sinh cố gắng mà đời sống lại rất đỗi bấp bênh và dẫy đầy nguy hiểm.
Chúng con cũng không muốn “đi ra… vì sợ bầm dập, thương tích và nhơ nhuốc…”
Xin ban Thần Khí của Chúa cho chúng con như đã ban cho các tông đồ xưa trong Lễ Ngũ Tuần, để chúng con anh dũng nối gót các ngài, hiến dâng cuộc đời còn lại loan báo Tin Mừng và tích cực chia sẻ hồng ân cứu độ cho anh chị em chung quanh.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————————
Huấn Luyện Chứng Nhân
CN V TN-C – (Lc 5, 1 – 11)
Lòng nhân hậu Chúa thật bao la
Nhân loại lỗi lầm chẳng tránh xa
Gần gũi đời thường gieo cảm mến
Thân tình cách sống tạo ôn hòa
Lạ lùng mẻ lưới khoang đầy cá
Huyền nhiệm Tin Mừng vườn thắm hoa
Đào tạo tay chèo vui lướt sóng
Ra khơi thả lưới khúc hoan ca.
Hạt Nắng
—————————————-
Tấm Lưới Đời Con
CN V TN-C – (Lc 5, 1 – 11)
Hồn mệt mỏi sau nhiều phen thất bại,
nỗi chán chường con ngần ngại vươn lên.
Thức trắng bao đêm gậm nhấm nỗi ưu phiền,
kém tài, kém đức không thắm duyên truyền giáo.
Chén đắng cuộc đời làm hồn con điên đảo,
bất lực buông xuôi mặc “con tạo” xoay vần.
Chợt nhận ra mình cậy dựa sức lực bản thân,
thiếu lòng trông cậy vào hồng ân Thiên Chúa.
Thiếu lòng khiêm nhượng biết mình cần tu sửa,
bỏ thói kiêu căng còn chất chứa lợi, danh.
Phục vụ, dấn thân còn ham hố quyền hành,
công – tư, tội – phúc cứ chòng chành khuấy đục.
Tấm lưới đời con rách theo tình thế tục,
ảo tưởng, viễn vông theo nhạc khúc phù vân.
Chưa biết quên mình quyền lợi muốn đong cân,
tiện nghi cuộc sống thích giành phần ưu đãi.
Lòng Chúa xót thương khoan dung đầy quảng đại ,
âu yếm nhìn con, lỡ trót dại một thời.
Tha thứ lỗi lầm mời con tiếp tục ra khơi,
vá lại tấm lưới bằng niềm tin vào Lời Chúa.
Thanh tẩy đời con bằng tình yêu rực lửa,
nơi Trái Tim Ngài luôn chan chứa yêu thương.
Phục vụ, hy sinh con biết sống khiêm nhường,
vâng phục Thánh ý trên bước đường nhân chứng.
Sẵn sàng ra khơi tay chèo con thêm vững,
tung lưới giữa biển đời trúng mẻ cá đầy khoang.
Bâng Khuâng Chiều Tím
——————————————–
Ngài Vẫn Chọn Con Sao?
CN V TN-C – (Lc 5, 1 – 11)
Ngài vẫn chọn con sao!
khi hồn con mệt mỏi chán chường?
Ánh mắt đầy yêu thương,
chữa lành hồn con bằng mẻ lưới tình yêu.
Giữa dòng đời cô liêu,
nỗi nhục nhằn làm thuyền con mất hướng.
Lênh đênh đời phong sương,
tiếng Ngài thì thầm trong gió lao xao.
Ngài vẫn chọn con sao!
khi đời con hèn kém bất tài?
Nhút nhát sợ chông gai,
sức mạnh Ngài ban, LỜI thắp sáng niềm tin.
Giữa dòng đời điêu linh,
ân tình Ngài dìu thuyền con lướt sóng.
Ra khơi lòng cậy trông,
nước sâu biển rộng tung lưới giữa đời.
Chúa ơi! Tình yêu Ngài thật quá bao la,
đời con lạc đường theo nhịp sống bôn ba.
Tội lỗi thấp hèn mà Ngài không tránh xa,
bước chân thăng trầm lặng thầm Ngài sánh bước.
Ngài ơi! Con là gì Ngài vẫn quan tâm,
đam mê bụi trần theo lạc thú hư danh.
Vô dụng, bất tài tình Ngài ban thánh ân,
cho con dự phần hiệp thông tình chứng nhân.
Thuyền sẵn sàng buông neo,
theo Ngài đi vào chốn hiểm nghèo.
Vượt thác ghềnh cheo leo,
sức mạnh Thần Linh LỬA thắp sắng tình yêu.
Giữa biển đời hoang liêu,
đem Tin Mừng vâng lời con thả lưới.
Kiên trung thuyền ra khơi,
hiến dâng cuộc đời theo Chúa không rời.
M. Madalena Hoa Ngâu
—————————————————
Tình Ca Ra Khơi
CN V TN-C – (Lc 5, 1 – 11)
Ngài gọi con ra khơi tung lưới giữa biển đời,
mang hơi ấm tình người loan Tin Mừng cứu rỗi.
Ngài gọi con tin yêu một tình yêu phong nhiêu,
giữa bão giông tiêu điều trái tim nồng dâng hiến.
Ngài gọi con trung kiên trong gian khó ưu phiền,
chuyện cơm áo gạo tiền giữa dòng đời vạn biến.
Ngài gọi con buông neo vượt ghềnh thác cheo leo,
noi gương sống khó nghèo bước theo Ngài hiến dâng.
Ra khơi lướt sóng vào đời,
xin vâng tiếng Chúa gọi mời.
Con đâu là gì mà Chúa quan tâm,
thân con mọn hèn tình Chúa đỡ nâng,
bao nhiêu lỗi lầm Ngài hằng luôn tha thứ.
Ra khơi đến với mọi người,
yêu thương nhân chứng giữa đời.
Thân con vô tài Ngài xuống ơn thiêng,
xua tan muộn phiền mạnh sức vươn lên,
tin yêu, khiêm nhường trong tình Chúa xót thương.
Ngài gọi con ra đi vui tiếp bước hành trình,
đi ra khỏi lòng mình dẹp tan mọi toan tính.
Ngài gọi con hy sinh phục vụ giữa tha nhân,
không vương vấn bụi trần quyết theo Ngài dấn thân.
Nắng Sài Gòn
——————————————
Đáp Tình
CN V TN-C – Lc 5, 1 – 11)
Bước lặng thầm chiều nghiêng nắng đổ,
nếm gian nan giông tố cuộc đời.
Ngậm ngùi kiếp sống chơi vơi,
lênh đênh, vất vả, rã rời, chông chênh.
Thuyền đời con gập ghềnh gợn sóng,
bao bất toàn cuộc sống lầm than.
Mỏng dòn, yếu đuối, hoang mang,
mà Chúa vẫn gọi lên đàng dấn thân.
Chúa cao quang từ nhân thánh thiện,
con ươn hèn xao xuyến u mê.
Thương con hèn kém trăm bề,
ban ơn thánh hóa quay về bến yêu.
Ôi! Tình Chúa huyền siêu ấm áp,
con sấp mình lời đáp xin vâng.
Ra khơi tung lưới “hiến dâng”,
giã từ lối cũ hiến thân cho đời.
Đường truyền giáo gọi mời tiến bước,
vùng biển xa phía trước thật sâu.
Lòng Chúa Thương Xót Nhiệm Mầu,
cùng con sánh bước qua cầu trung kiên.
Kìa ai đang đứng ngoài hiên,
chờ con đáp trả tình duyên với Người.
Nhìn nhau tươi nở nụ cười…
A.P Mặc Trầm Cung