“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 3, 15-16. 21-22)
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Đấng Kitô không? Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa”.
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Phép Rửa Khiêm Nhường ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Có Chăng Một Hiển Linh Trong Phép Rửa ? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Chiên Gánh Tội Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Cửa Trời Mở Ra Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Đẹp Lòng Hạt Nắng Trg 8
Nguồn Suối Thánh Linh Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 9
Giao Ước Tình Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 10
Bài Học Vào Đời Nắng Sài Gòn Trg 11
Tình Sám Hối A.P Mặc Trầm Cung Trg 12
———————————————–
Phép Rửa Khiêm Nhường
Sông Giođăng, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Giođăng phát nguồn từ ngọn núi Hécmon ở độ cao 520m. suốt 220km đường dài dòng sông không ngừng đi xuống. Thoạt tiên sông chảy vào hồ Hu-lê chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu thường qua lại, và các tông đồ thường chài lưới. Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam, đổ vào Biển Chết. Ở đây độ sâu là 394m dưới mức nước biển. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.
Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Giođăng để chịu phép rửa, Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội. Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa tội, Chúa Giêsu đã hoà mình vào dòng thác người tội lỗi, cần thống hối ăn năn. Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu không cho mình quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ. Không ai nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.
Trong đêm Giáng Sinh, ta được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người. Làm một người bé nhỏ nghèo hèn như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi.
Hôm nay, bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Người bắt đầu xuất hiện để rao giảng Tin Mừng. Trước khi tiến ra gặp gỡ quần chúng, Chúa Giêsu đã tới gìm mình trong dòng sông Giođăng. Để chuẩn bị ra gặp loài người Chúa Giêsu cảm thấy cần phải thanh tẩy. Mặc lấy xác phàm, Chúa Giêsu chưa cảm thấy mình gần với nhân loại cho đủ. Người còn hạ mình xuống làm một người tội lỗi. Người gìm mình xuống lòng sông Giođăng, dường như muốn mượn làn nước trong xanh tẩy sạch đi tất cả dáng vẻ cao quý của Thiên Chúa còn vương vấn nơi thân xác nhân loại của Người. Tẩy sạch đi tất cả những gì ngăn cách, để Người được thực sự là một người anh em của mọi người.
Dòng nước sông Giođăng có trong xanh đến mấy cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Khiêm nhường là một phép rửa. Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết đi một chút. Dìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Cái chết chính là phép rửa như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy còn phải chịu một phép rửa, và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,50). Người còn hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi hai ông này đến xin được ngồi bên tả, bên hữu trong nước Người: “Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?” (Mc 10,38). Khi nói thế Chúa Giêsu có ý nói đến cái chết Người sẽ phải chịu.
Một câu châm ngôn nói; Không ai thấy được tình yêu. Người ta chỉ thấy được những bằng chứng của tình yêu. Bằng chứng tình yêu của Chúa Giêsu đối với ta đó là sự hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt. Đó là sự khiêm nhường hoà mình vào đoàn lũ những tội nhân tới gìm mình trong dòng sông Giođăng. Tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng nước sám hối xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.
Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi ta. Nếu ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa. Nếu ta cảm thấy mình cần được thanh tẩy. Đừng ngần ngại thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa của Chúa Giêsu để trở nên gần gũi với Người. Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Chúa Giêsu, ta vẫn có thể được thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung. Như lời vua Đavit nói: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát dày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50)
Khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để ta đón nhận Phúc Âm. Khiêm nhường sám hối là quay trở về nhà Cha, sống trọn tâm tình của người con thảo hiếu. Khi khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ ta. Người sẽ nói về ta như nói về Chúa Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con”.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết đến với Chúa và đến với anh em bằng sự khiêm nhường sám hối. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Chúa Giêsu không ngừng đi xuống. Còn bạn, bạn có tự hạ, hay là lúc nào bạn cũng muốn dìm người khác xuống?
2. Làm thế nào để trở nên “Con yêu dấu” của Đức Chúa Cha?
3. Hằng ngày, bạn có cảm thấy cần phải chịu phép rửa khiêm nhường của Chúa Giêsu không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
——————————————–
Có Chăng Một Hiển Linh Trong Phép Rửa?
Biến cố Đức Giêsu hòa nhập cùng đám đông dân chúng bước xuống sông Gio-đan để được Gioan rửa, theo nghi thức sám hối đang thịnh hành thời bấy giờ, đã được cả ba Phúc âm Nhất lãm cùng tường thuật. Chắc chắn sự kiện này phải có ý nghĩa gì quan trọng lắm, nhất là đối với sứ điệp Người bắt đầu công khai rao giảng: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” Tầm quan trọng này càng được nhấn mạnh hơn khi Chúa Cha đã cho xuất hiện các dấu ấn siêu nhiên để làm bắng chứng: ‘trời mở ra… Thần Khí ngự xuống… tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.
Đối với Gioan cũng như dân chúng thời đó thì nghi thức tắm rửa chỉ đơn thuần là một dấu hiệu của thống hối lỗi lầm, của cải tà qui chính. Đối với người Do Thái nói chung thì việc này không chỉ mang nội dung luân lý – xã hội mà còn tôn giáo nữa; nó tái lập lòng trung thành với giao ước Gia-vê. Thế còn đối với Đức Giêsu khi dìm mình trong dòng sông Gio-đan thì sao? Với Người, việc này không đơn thuần chỉ là một hành vi tự hạ mà còn hàm chứa một ý thức gì lớn lao lắm. Sau này chính Ngài đã chất vấn hai môn đệ Giacôbê và Gio-an “các anh có chịu nổi phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10, 38)
Phép rửa đối với Đức Giêsu, và cũng đối với tất cả những ai tin theo Người, trước hết phải là hành vi đón nhận trọn vẹn tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, là đưa lòng thương xót vô biên của Người vào sâu trong thân phận thấp hèn của con người tội lỗi. Tuy không vướng vòng tội lỗi, nhưng một khi đã mặc lấy thân phận con người, Đức Giêsu cũng phải thực hiện nơi mình điều mà chính Người sẽ luôn rao giảng: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Qua phép rửa tại sông Gio-đan, Giêsu là con người đầu tiên đã trọn vẹn ném mình vào lòng thương xót nhân ái của Chúa Cha hầu đón lấy ơn cứu độ. Phép rửa của Người sẽ đạt tới cao điểm và thể hiện cách hoàn hảo trên thập giá, lúc mà, trong tư cách người phàm, Người trọn vẹn phó mình cho lòng thương xót từ bi của Cha, “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Hành vi phó thác này chính là tâm điểm của Tin Mừng, nên nó là hoa quả tốt đẹp nhất của Thần Khí, ‘Thần Khí ngự xuống’; nó có khả năng mở rộng cửa trời, ‘Trời mở ra’; và nó biến con người tội lỗi thấp hèn thành ‘con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con’. Đức Giêsu Kitô, trưởng tử trong các anh em sống kiếp con người, đã bước xuống dìm mình trong dòng nước sông Gio-đan để nói lên sự hoàn toàn chấp nhận lòng nhân ái tha thứ của Cha
Kitô hữu cũng lãnh nhận cùng một phép rửa này ngày họ lãnh nhận bí tích thánh tẩy. “Phép rửa Thầy sắp chịu anh em cũng sẽ chịu”. Đó là phép rửa của giao ước mới, được Đức Giêsu – Ađam Mới thể hiện trước nhất, rồi sau đó bất cứ ai tin và đón nhận Tin Mừng tình yêu đều phải tự mình thực hiện. Kể từ đây, việc đón nhận Tin Mừng cứu độ sẽ được đồng hóa với việc lãnh nhận ‘Phép Rửa’ như một biểu tượng bên ngoài: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Hành vi ‘thanh tẩy’ từ đó trở thành một bí tích của giao ước mới do Đức Kitô Giêsu thiết lập. Kể từ giây phút lãnh bí tích ‘Thánh Tẩy’, Kitô hữu bắt đầu đi vào giao ước với Thiên Chúa nhân lành qua việc tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô Giêsu. Và giao ước này cũng sẽ thành toàn cách trọn vẹn và vĩnh viễn trong cái ngày mà họ, cùng với Đức Giêsu hấp hối trên thập giá, mở miệng tuyên xưng lần cuối trên trần gian này: “con phó linh hồn con trong tay Cha”.
Như vậy biến cố Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio-đan quả là đáng ghi nhớ như một sự kiện hiển linh vẻ vang nhất, không hiển linh thần tính với huy hoàng rực rỡ như nhiều người muốn giải thích, mà là trong tư cách khiêm cung của một người tin và đón nhận ơn cứu độ. Ước gì bí tích rửa tội mà Kitô chúng ta đã lãnh nhận cũng là khởi đầu của việc đón nhận lòng thương xót vĩ đại, để rồi như Giêsu, chúng ta cũng có thể đưa điều này tới thành toàn trong giờ phút quyết liệt nhất, giờ phút đi vào vĩnh cửu. Nói như thế thì bí tích rửa tội và cái chết của mỗi Kitô hữu chúng ta cũng được, cùng với Đức Giêsu Kitô, đi vào sự hiển linh này đấy!
Lạy Chúa, xin cho con biết dìm mình trong lòng từ bi thương xót vô biên của Chúa, qua việc thành tâm sám hối, tức là chân thành nhìn nhận sự yếu hèn tột độ của con. Nếu từ ngày được rửa tội cho tới nay con đã không làm điều này cho đủ, thì trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời, con xin dành trọn để đón nhận và tri ân lòng thương xót Chúa. Xin cho con nhận được hồng ân vô giá là, trong giờ lâm tử biết phó thác mình trọn vẹn trong bàn tay nhân hậu đầy yêu thương của Cha. Amen.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
——————————————
Chiên Gánh Tội
Khi Đại dịch Covid bùng phát tại Việt Nam thì dường như bộ Y tế là cơ quan quyết định mọi sự. Từ trang thiết bị đến chích ngừa vaccin đều thông qua bộ y tế. Rồi cách điều trị và công bố về tình hình Covid, về số ca bị nhiễm hay tử vong cũng chỉ từ nguồn bộ y tế. Nếu ai đó tự nói hay phản ánh điều gì không giống như bộ y tế thì dễ bị phiền nhiễu nhẹ thì phạt, nặng thì khởi tố
Điều này cũng đúng, rất đúng. Vì ngăn chặn dịch bệnh cần được thống nhất, cần thực hành đồng bộ thì hiệu quả hơn.
Nhưng hôm nay bộ công an đang khởi tố về vụ độc quyền phân phối kit thử Covid thì chưa thấy bộ Y tế nói mình là người đầu tiên chịu trách nhiệm? Rồi ai sẽ cúi đầu nhận trách nhiệm về mình mà công ty Việt Á này đã làm điên đảo thị trường?
Ở đời cần nhận sai thì mới có thể sửa cho tốt hơn. Không nhận sai để sữa thì bản thân mãi mãi là người xấu và còn gây nên bao oan trái, khổ đau cho biết bao nhiêu người. Dẫu biết rằng con người sinh ra vốn không ai hoàn hảo, và mỗi người chúng ta thường tự chất vấn bản thân mình không biết bao nhiêu lần trong đời về những điểm yếu của bản thân. Nhưng liệu có bao nhiêu người trong chúng ta dám thẳng thắn thừa nhận điểm yếu của mình, sau đó khắc phục chúng mà vươn lên trong cuộc sống?
Hôm nay lễ kỷ niệm việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giodan, ta thấy một hình ảnh thật khiêm tốn của Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đấng vô tội nhưng Ngài tự nguyện gánh lấy tội trần gian. Ngài là Thiên Chúa, là Đấng thánh thiện vô cùng đã mặc lấy thân xác con người. Ngài tự nhận mình là tội nhân khi hòa mình vào dòng người tới nhận phép rửa của Gioan. Hành vi này như muốn dạy con người chúng ta hãy biết liên đới trách nhiệm với tha nhân. Liên đới để giúp nhau thăng tiến. Liên đới để sống cảm thông chia sẻ với nhau. Tình liên đới sẽ giúp con người chung sống hòa bình với nhau và cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Cuộc sống con người luôn mang tính xã hội. Không ai là một hòn đảo. Cuộc sống của chúng ta dù ít hay nhiều vẫn luôn có tác động vào cuộc sống chung. Gương tốt hay xấu của bề trên luôn ảnh hưởng tới bề dưới. Cha mẹ tốt sẽ làm cho con cái tốt. Cha mẹ xấu sẽ làm cho gia đình có nguy cơ tan vỡ. Lãnh đạo tốt sẽ đưa đất nước, hay tổ chức của mình phát triển. Lãnh đạo xấu sẽ mang lại biết bao oan trái thị phi .
Nếu lời nói và việc làm của chúng ta luôn có ảnh hưởng trên người khác thì cũng đòi hỏi chúng ta phải liên đới với nhau trong vui buồn, trong thành công và thất bại. Vâng, nếu chúng ta sống có tình liên đới thì cuộc đời đẹp biết bao! Người ta sẽ “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng”. . . Nếu chúng ta sống có trách nhiệm với nhau sẽ biết sám hối về những điều mình làm mà gây đau khổ cho anh em. Nếu chúng ta ai cũng ý thức mình là tội nhân cần được tha thứ thì con người sẽ thăng tiến và cuộc đời mới văn minh hơn.
Ước gì cuộc đời chúng ta cũng được hiến tế cho anh em. Một cuộc hiến tế không bằng máu mà bằng hy sinh từ bỏ thói hư tật xấu, hy sinh hãm dẹp tính xác thịt, hy sinh để sống làm gương sáng cho tha nhân. Ước gì tình liên đới của con người luôn là mối dây hiệp nhất yêu thương để tình người mãi gắn kết và cùng nhau xây dựng một xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Cửa Trời Mở Ra
Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài là Đấng cao cả, vô cùng tốt lành và thánh thiện, chẳng hề vương chút tội tình… thế mà Ngài lại đến với thánh Gioan, như một người tội lỗi, hòa mình với đám đông những người thu thuế, những người đàng điếm, những tên côn đồ đạo tặc, cướp của giết người và với bao nhiêu người tội lỗi khác… chăm chú nghe Gioan rao giảng và để chờ đến phiên, bước xuống dòng sông Giođan, nhờ thánh Gioan làm phép rửa cho mình.
1. Tại sao Chúa Giêsu vô tội mà lại chịu phép rửa?
Chắc chắn Chúa Giêsu đến chịu phép rửa không phải vì Ngài có tội, nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Ngài đã mang vào thân. Cũng thế, Chúa Giêsu chịu khổ hình thập giá không phải vì tội của Ngài mà vì tội lỗi của thế gian mà Ngài đã gánh lấy. Chính vì thế, Gioan tẩy giả đã từng giới thiệu cho các môn đệ biết Chúa Giêsu là con “Chiên Thiên Chúa” (Gioan 1, 29) được sai xuống trần để gánh tội trần gian. Một khi đã gánh tội trần gian thì Chúa Giêsu chấp nhận chịu thanh tẩy cũng như chịu chết vì tội lỗi thế gian…
Thế rồi khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa xong, “và đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài… ”
2. Tại sao các tầng trời mở ra?
Từ ngày Ađam và Evà phạm tội, Thiên Chúa xua đuổi ông bà ra khỏi địa đàng và cho thiên thần cầm gươm lửa để ngăn không cho ông bà quay trở lại… (St 3,24). Thế là từ đây, tương quan giữa loài người tội lỗi và Thiên Chúa thánh thiện tốt lành bị cắt đứt. Từ đó, loài người phải ngụp lặn trong bùn nhơ tội lỗi và đắm chìm trong cõi chết…
Để cứu loài người khỏi vòng oan nghiệt đó, Chúa Con đã vâng theo ý Chúa Cha, hạ mình xuống thế làm người, gánh lấy tội lỗi muôn người và Ngài đã bước xuống dòng sông Giođan chịu thanh tẩy vì tội lỗi con người… Chính vào thời điểm đáng nhớ này, “cửa trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài.”
Đây là thời khắc lịch sử hết sức trọng đại: Cửa thiên cung từ ngàn xưa đã đóng lại vì tội bất phục tùng của Ađam-cũ, cắt đứt mọi tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, thì trong giờ phút này, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của Ađam-mới là Chúa Giêsu, cửa trời được mở ra… mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại, tương quan giữa Thiên Chúa và con người được nối lại, trời giao hoà với đất, Thiên Chúa giao hoà với con người, con người được trở về với Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa là Đấng vô cùng tốt lành thánh thiện đã mang tội lỗi chúng con vào thân, đã hòa mình với các tội nhân bên bờ sông Giođan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa vì chúng con; Trong khi đó, chúng con là những người đầy tội lỗi nhưng chẳng biết nhìn nhận tội mình để ăn năn sám hối, thì thật đáng trách.
Xin giúp chúng con khiêm tốn nhận mình là người tội lỗi và thực lòng ăn năn sám hối, nhờ đó, cửa trời cũng sẽ mở ra để đón nhận chúng con vào chốn hồng phúc đời đời. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————————-
Đẹp Lòng
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.
Đấng Thánh hòa mình với chúng sinh
Dòng sông thanh tẩy xuống dìm mình
Đồng hàng số phận người lầm lỗi
Bình đẳng danh thân kẻ tội tình
Rửa sạch vết nhơ đời thánh hóa
Canh tân trong sáng sống quang minh
Thành tâm sám hối lòng khiêm tốn
Mãn nguyện Tình Cha phủ Thánh Linh.
Hạt Nắng
——————————————
Nguồn Suối Thánh Linh
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.
Con Thiên Chúa, sống kiếp người khiêm hạ,
đứng đồng hàng với tất cả tội nhân.
Dòng sông Gordan xin thanh tẩy bụi trần,
hòa nhập cuộc sống cùng thông phần sám hối.
Nguồn gốc thần linh lại nhận mình tội lỗi,
nơi chốn tận cùng xã hội kiếp nhân sinh.
Gần gũi tha nhân chia sẻ ân tình,
xóa bỏ khoảng cách đến dìm mình trong nước.
“Cửa trời mở ra” Thần Khí tuôn tràn ơn phước,
lời CHA xác minh CON từng bước trung thành.
Tự hạ, quên mình hương tỏa khắp trời xanh,
CHA mãn nguyện CON thi hành Thánh ý.
Nhận phép rửa khởi đầu cho bước đường thiên lý,
xuât hiện công khai lời Chân Lý truyền rao.
Sứ mạng cứu đời đã đạt đến đỉnh cao,
trọn vẹn dâng hiến từng giọt máu đào trên thập giá.
Lòng Chúa xót thương! Ôi! Tình yêu cao cả,
thế nhân được dìm mình trong Phép Rửa Thánh Linh.
Thanh tẩy tội nguyên xóa hết mọi tội tình,
ký giao ước mới tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa.
Xin ơn Thần Khí đốt lên trong con ánh lửa,
sám hối chân thành tu sửa lại đời con.
Thành tâm tri ân tin yêu giữ vuông tròn,
Cậy trông, phó thác vào Lòng Thương Xót,
của Đấng Thiện Toàn Hằng Sống.
“Phép Rửa Tái Sinh”, trái tim Ngài mở rộng,
cho con đắm mình trong sự sống thần linh.
Bâng Khuâng Chiều Tím
——————————————–
Giao Ước Tình Yêu
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
Dòng sông sám hối tắm nước trong xanh Gordan,
là Chiên Thiên Chúa, hối nhân Chúa đứng đồng hàng.
Dìm mình trong nước, chia sớt đau thương tha nhân,
gánh hết tội khiên, từ đồi cao máu đào Ngài dâng hiến.
Nhờ giao ước mới trong Đức Kitô Giêsu,
nhờ giao ước mới, thế nhân thoát ách ngục tù.
Tình yêu Thiên Chúa, thương xót yêu thương nhân gian,
thánh ân tuôn tràn, nguồn bình an dòng suối tình chứa chan.
Ôi! Giao ước Tình Yêu,
Chúa đã kiện toàn trên đồi cao thập giá.
Dòng suối trường sinh con được dìm mình,
xóa hết tội tình nhờ dòng máu Chúa hy sinh.
Ôi! Giao ước Tình Yêu,
con bước vào đời tham dự hy lễ mới.
Của lễ đời con tâm hồn khiêm nhường,
chén đắng đời thường, chân thành xin Chúa dủ thương.
Thành tâm sám hối theo Chúa noi gương khiêm nhu,
nhận giao ước mới, Thánh Linh – Phép Rửa kiện toàn .
Hồng ân vô giá trong trái tim yêu Giêsu,
xóa tan mây mù, niềm tin yêu tình Chúa nguồn ủi an.
M. Madalena Hoa Ngâu
———————————————
Bài Học Vào Đời
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
Chúa đến bên con dìu con từng bước đường trần,
phủ nắng hồng ân khi đường đời con gục ngã.
Ngài dắt con qua đưa về dòng sông sám hối,
giũ sạch bụi đời trong nguồn suối thánh ân.
Thương xót tha nhân bên sông Ngài đứng đồng hàng,
dòng nước Gordan dìm mình thanh tẩy tội lỗi.
Nhờ nước cuốn trôi bức tường màn đêm ngăn cách,
Chúa mang xác phàm hòa đồng kiếp sống nhân gian.
Chúa đã dạy con bài học vào đời,
Chúa đã nêu gương sống kiếp làm người.
Bài học khiêm nhu chân thành sám hối,
hòa nhịp dòng đời dẫu suối lệ rơi.
Chúa đã vì yêu ôm nặng tình người,
cái chết đồi cao gánh lấy tội đời.
Tẩy sạch oan khiên máu hồng dâng hiến,
Phép Rửa kiện toàn ban tặng dòng suối bình an.
Tắm suối trường sinh cho con sức sống từng ngày,
giao ước tình yêu con vào đời, tim bừng cháy.
Ngài dắt con đi loan truyền hồng ân cứu rỗi,
hiến dâng cuộc đời cùng Ngài sánh bước ra khơi.
Nắng Sài Gòn
—————————————-
Tình Sám Hối
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
Chúa Giêsu tâm hồn cao thượng,
chẳng tội tình chẳng vướng bợn nhơ.
Bên dòng sông đứng đợi chờ,
nhận mình có tội nương nhờ thứ tha.
Thương trần thế sa đà băng hoại,
hòa nhập cùng nhân loại khổ đau.
Thành tâm sám hối nguyện câu,
mong người tội lỗi quay đầu ăn năn.
Cùng sánh bước đồng hành thương cảm,
thương đời chiên ảm đạm ngậm ngùi.
Sẻ chia cuộc sống buồn vui,
giúp chiên đổi mới ngọt bùi thương yêu.
Ơn biến đổi Giakêu nao nức,
lòng Lêvi thao thức đợi trông.
Madalene quyết một lòng,
giã từ quá khứ thong dong theo Ngài.
Trái tim Chúa tràn đầy ân phước,
thương chiên non lạc bước phong trần.
Tình Ngài khắc khoải, phân vân,
tìm con giữa chốn bụi trần long đong.
Tình yêu Chúa, dòng sông sám hối,
thanh tẩy con tội lỗi u mê.
Rửa sạch nhục nhã ê chề,
chỉ cho con biết lối về nhà Cha.
Trời hoan ca, đất hoan ca,
hiệp thông sự sống Tình Cha thắm nồng.
Thánh Thần ban tặng nhưng không…
A.P Mặc Trầm Cung