“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1, 39-45).
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Niềm Vui Trong Thánh Thần ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Tại Sao Phải Nhảy Mừng? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Dịch Làm “Tăng Giá Trị Con Tim” Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Hiện Diện Bên Nhau Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Mở Đường Hạt Nắng Trg 9
Ngôn Sứ Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Noi Gương Mẹ M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Vầng Trăng Yêu Thương Nắng Sài Gòn Trg 12
Tình Yêu Vẫy Gọi A.P Mặc Trầm Cung Trg 13
——————————————-
Niềm Vui Trong Thánh Thần
Bài Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui. Bà Elizabeth vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương. Thánh Gioan Baotixita vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Những niềm vui ấy hoà chung, biến buổi gặp gỡ thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. Nguồn gốc của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc. Ta thấy được ơn Chúa Thánh Thần qua những dấu hiệu sau đây.
Dấu hiệu thứ nhất: ơn khiêm nhường.
Tâm hồn có Chúa Thánh Thần sẽ trở nên khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết thân phận mình hèn yếu, bé nhỏ, tội lỗi. Khiêm nhường vì biết tất cả những ơn nhận được không phải do công trạng của mình nhưng là do lòng thương xót của Chúa. Vì thế, khi nhận được tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã xưng mình là “nữ tỳ của Thiên Chúa”. Bà Elizabeth khiêm nhường tự hỏi: “Bởi đâu tôi được phúc đón tiếp Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. Và Đức Maria đã trả lời bằng một bài ca khiêm nhường ngợi khen Thiên Chúa vì tình yêu thương đã đoái thương đến phận hèn nữ tỳ của Chúa.
Dấu hiệu thứ hai: ơn bác ái.
Thánh Thần là tình yêu. Đến đâu là đốt lên lửa bác ái ở đấy, Ngài đã rợp bóng trên Đức Maria và lập tức Đức Maria được tràn đầy lòng bác ái, đã nghĩ đến bà chị họ. Đức Maria không nghĩ phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và chuẩn bị cho bản thân trong thời kỳ sinh nở sắp tới, nhưng đã nghĩ phải ra đi giúp bà chị họ neo đơn, yếu mệt. Đây là một lòng bác ái mạnh mẽ, nên Đức Maria vội vã lên đường ngay, không chần chừ, không tính toán. Lòng bác ái không chỉ hướng về những người thân trong gia tộc mà còn mở rộng ra cho cả dân tộc, cả đồng loại. Nên trong bài Magnificat, Đức Maria đã nhớ đến công ơn tổ tiên và nhớ đến cả dân tộc.
Dấu hiệu thứ ba: ơn quên mình.
Được ơn Chúa Thánh Thần tác động, tâm hồn sẽ quên bản thân mình. Trước hết quên mình để hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria đã hoàn toàn quên mình khi thưa với thiên thần: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền”. Không những quên mình cho thánh ý Chúa, Đức Maria còn quên mình vì tha nhân. Ngài quên mình cũng đang mang thai, cần được nghỉ ngơi, cần được chuẩn bị, chỉ nghĩ đến bà chị họ thai nghén ốm yếu, nên đã bỏ nhà ra đi thăm viếng. Ngài quên mình là khách mời trong tiệc cưới Cana, nên đã xuống bếp giúp đỡ việc bếp núc, và hoà vào cả nỗi lo của chủ nhà thiếu rượu. Ngài quên mình nên đã theo Đức Giêsu và can đảm đứng dưới chân thập giá, cùng chịu đau đớn nhục nhã với Con.
Dấu hiệu thứ tư: ơn phục vụ.
Lòng bác ái, sự khiêm nhường và sự quên mình được kết tinh ở cao điểm phục vụ. Tâm hồn được Chúa Thánh Thần tác động sẽ tìm phục vụ như tìm niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì thế Đức Maria không quản thân phận là Mẹ Thiên Chúa đã đến phục vụ cho bà Elizabeth. Đức Maria cũng không nề hà mình đang thời kỳ thai nghén đã vui vẻ phục vụ người họ hàng cần sự giúp đỡ. Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã tự nguyện trở nên tôi tớ để phục vụ con người. Đó chính là kết tinh của ơn Chúa Thánh Thần.
Với tất cả những đặc điểm của ơn Chúa Thánh Thần, cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Thánh Gioan Baotixita còn trong bào thai đã trở thành cuộc gặp gỡ của niềm vui: niềm vui ơn cứu độ. Nhờ những chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, hai người mẹ và hai bào thai đã họp thành cộng đoàn biết đón nhận và trao tặng ơn cứu độ. Đã tập họp thành Nước Thiên Chúa, đã là cộng đoàn đầu tiên đón nhận được ơn cứu độ, tiên báo cho Giáo Hội và Nước Thiên Chúa.
Chỉ còn vỏn vẹn mấy ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, ta hãy noi gương Đức Maria, nài xin Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn ta nên xứng đáng đón nhận Chúa Cứu Thế. Ta hãy xin Đức Maria dạy ta biết sống theo ơn Chúa Thánh Thần trong khiêm nhường, bác ái, quên mình và phục vụ, để ta được niềm vui đón nhận ơn cứu độ.
Gợi ý chia sẻ:
1. Có những dấu chỉ nào cho thấy ơn Chúa Thánh Thần?
2. Nhờ đâu cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth tràn đầy niềm vui?
3. Những cuộc viếng thăm gặp gỡ của bạn có đem lại niềm vui cho người khác và cho chính bạn không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
———————————————
Tại Sao Lại Nhảy Mừng?
Ai cũng biết lễ Giáng Sinh là lễ của vui tươi, của rạng rỡ: đó chính là lễ hội của các ngày lễ hội; nói theo cách người Việt thì là Tết của các ngày tết. Chẳng thế mà ngay cả trong một xã hội vô thần không thiết gì tới việc Thiên Chúa giáng trần, người ta vẫn cứ trang hoàng mua sắm và ăn mừng. Chắc chắn là tôi và bạn cũng sẽ hòa mình vào niềm vui chung đó, vì điều này cũng tự nhiên thôi. Tuy nhiên với tư cách là Kitô hữu, chúng ta thuộc số ít những người biết rõ nguồn gốc của niềm vui này. Nó có xuất sứ từ một Hài Nhi, một con người cụ thể, và khi Hài Nhi – Con Người đó xuất hiện thì đã đem lại niềm vui cho toàn thể nhân loại, làm cho mọi người đều nhảy mừng. Nhưng ‘biết’ thế thôi thỉ chưa đủ. Có thật Kitô hữu chúng ta, sau khi đã biết và tin vào rằng Hài Nhi đã đến viếng thăm mình, sẽ thực sự nhảy mừng như Gio-an ngay từ trong dạ mẹ hay không? “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy mừng lên”.
Bên Mông Cổ dân chúng theo một thứ tôn giáo tự nhiên của nhóm người du mục Trung Á gọi là đạo Shaman. Trong tôn giáo đó, tương tự như Cựu Ước, thầy Shaman đóng vai ngôn sứ sẽ chỉ cho dân biết các nơi thần thánh ngự trị, và sẽ dạy cho dân biết cách làm cho các ngài không nổi cơn thịnh nộ ra tay vật chết hay làm hại được mình. Tới gần các ngài, hoặc nơi các ngài ngự trị, thường là một tảng đá hay một gốc cây nào đó, mọi người đều phải kính cẩn đi quanh ba vòng. Như nhiều tôn giáo cổ xưa, Shaman quả thực là một tôn giáo của sợ hãi. Chính vì thế mà khi dạy giáo lý cho các sinh viên Mông Cổ, tôi đã cố gắng trình bày đạo Công giáo như một tôn giáo của tình thương, tôn giáo đem lại vui mừng và hy vọng. Tưởng là làm một công việc dễ dàng, nhưng càng dạy, tôi càng nghiệm thấy vẫn còn phảng phất đâu đó, ngay trong ‘Tin Mừng’ mà tôi đang rao giảng, một nỗi sợ hãi bàng bạc (đôi khi được biện minh bằng từ ‘kính sợ Thiên Chúa?). Lúc đó tôi mới nhận ra yếu tính thực sự của Tin Mừng phải là vui mừng trọn vẹn. Tin Mừng không đội trời chung với sợ hãi dưới bất cứ hình thức nào. Bao lâu còn vương vấn sợ hãi, dầu là nhỏ nhất, bấy lâu vẫn chưa thực sự hiện diện một Tin Mừng chân chính. Từ cửa miệng Đức Giêsu, không biết bao nhiêu lần, đã liên tục vang lên điệp khúc: “Đừng sợ!” để chấn an các môn đệ là gì?
Nhưng làm sao mà không sợ cho được? Nếu đã phạm tội thì phải sợ hình phạt hỏa ngục chứ… Không sợ hãi thì sẽ phạm tội bừa phứa mất thôi! Sợ hãi dựa trên thưởng phạt được coi là yếu tính của mọi tôn giáo, nền tảng của mọi nền luân lý và đạo đức xã hội. Nhân quả là một định luật căn bản tuyệt đối của trời đất và con người. Đã có nhân thì phải có quả, có thưởng thì phải có phạt, như vậy mới thật công bằng, mới giúp làm lành lánh dữ chứ!
Hài Nhi mà bà Maria mang trong dạ chắc phải có một khả năng gì đặc biệt lắm: khả năng làm cho mọi người đều có thể nhảy mừng, chấm dứt vĩnh viễn mọi mối sợ hãi. Phải chăng đó là khả năng đạp đổ định luật nhân quả cho tới lúc đó vẫn thống trị thế giới cách tuyệt đối? Sau này khi lên đường rao giảng ‘học thuyết’ của mình, Giêsu sẽ đặt cho khả năng đó cái tên là ‘Tin Mừng – Tin Mừng cứu độ’. Tin Mừng này hệ tại ở việc tin và đón nhận vô điều kiện tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Chính lòng thương xót và từ ái Chúa, được thể hiện nơi thập giá đức Kitô Giêsu, sẽ trở thành định luật mới, đối kháng với luật nhân quả ngàn đời.“Ai tin vào Người Con ấy thì không bị kết án… và không bị luận phạt…”(Ga 3,18).
Kể từ khi xuất hiện Hài Nhi, nhân loại sẽ được chia thành hai phe, không phải là tốt và xấu, nhưng là một bên những người tiếp tục sống dưới luật nhân quả, chấp nhận thưởng phạt như một định luật bất di bất dịch, kèm theo mối sợ hãi thúc đẩy họ làm lành lánh dữ, bên kia là những ai tin và chấp nhận lòng từ nhân và tha thứ nhiệm mầu của Thiên Chúa mà Hài Nhi Giêsu đã khai mở. Phe thứ hai này sẽ sống không như đầy tớ trong sợ hãi, nhưng trong tinh thần nghĩa tử của con cái, tuy vẫn biết bản thân mình còn vương đầy bất toàn và tội lỗi (xem Gl 4,7).
Gioan là một trong các nhân vật đầu tiên được ghi danh vào nhóm thứ hai này, và vì thế đã nhẩy mừng ngay từ lúc khởi đầu kiếp sống làm người của mình. Ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội, mỗi Kitô hữu chúng ta trong lòng Hội Thánh mừng vui, cũng đã ghi tên mình vào nhóm hai này để vui mừng đón nhận tình yêu tha thứ, là thứ Tin Mừng không vương chút sợ hãi. Dưới góc cạnh này, Truyền giáo – ‘Tân Phúc Âm hóa’ sẽ được hiểu như một cuộc chinh phục phe nhân loại còn nằm trong sợ hãi của luật nhân quả, để đưa vào niềm ‘vui mừng và hy vọng’ của Tin Mừng Đức Kitô Giêsu.
Lạy Mẹ Maria hớn hở mừng vui, xin hãy mang Hài Nhi đến viếng thăm con và làm cho con cũng được nhảy mừng. Xin cất khỏi lòng con mọi nỗi sợ hãi, như Mẹ đã từng cất tiếng ca ngợi Thiên Chúa ‘Magnificat’:“tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, đấng cứu độ tôi; phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới…; đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót…” Và trong tâm tình đó con sẽ lên đường rao giảng Tin Mừng, là loan truyền cho mọi người niềm vui bất tận vì biết rằng mình đã được Thiên Chúa yêu thương cứu độ. Amen.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
———————————————-
Dịch Làm “Tăng Giá Trị Con Tim”
Trên một trang facebook của ai đó viết rằng:
“Nghe đâu đó do dịch bệnh…nhiều nơi kinh doanh lợi dụng tăng giá các mặt hàng thiết yếu với lời lẽ biện minh đủ lý do…
Nơi tôi đang sống…do bị phong tỏa, cách ly nên xứ đạo của chúng tôi cũng “Tăng giá” nhưng không phải Tăng Giá trị vật chất bằng tiền bạc. Nhưng là “Tăng giá trị Con Tim. Của Lòng Mến của Yêu thương – Chia sẻ – Giúp đỡ lẫn nhau”.
Nơi tôi đang sống: Không có mệnh lệnh, chỉ thị cửa quyền, của cấp trên đối với cấp dưới…mà của mệnh lệnh xuất phát từ “Con Tim và Lương Tâm” biết đùm bọc , chia sẻ và bác ái với nhau.
Thực vậy, Đại dịch Covid là một kiếp nạn của nhân loại, nhưng nhờ kiếp nạn ấy tình người được thắp sáng. Bản thân tôi mỗi lần đi phát quà cho những nơi bị phong tỏa hay trong các khu nhà trọ mình mới thấy giá trị của sự cho đi. Tôi thấy sau lớp khẩu trang đó là những nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc khi được đồng loại quan tâm trợ giúp trong lúc khó khăn. Đúng là dịch bệnh dù có hoành hành hiểm ác như thế nào chăng nữa, thì nó cũng không dập tắt được một thứ. Đó tình cảm của con người dành cho nhau.
Lời Chúa tuần 4 Mùa vọng cho chúng ta chiêm ngắm một tấm lòng đầy nhân ái nơi Mẹ Maria. Mẹ đã yêu, đã sống vì tình yêu. Một tình yêu không dừng lại ở đầu môi chóp lưỡi mà thể hiện qua tấm lòng luôn nhạy cảm trước nhu cầu tha thân. Không cần họ van xin. Không cần họ lên tiếng. Tấm lòng nhân ái nơi Mẹ đã hiểu được việc gì cần làm và nên làm. Mẹ Maria khi nghe tin chị họ mình là bà Elizabeth mang thai khi tuổi đã già. Mẹ hiểu vợ chồng già cần sự giúp đỡ. Mẹ cảm thông trước những khó khăn của gia đình Giacaria. Mẹ đã đi bước trước để đến đồng hành và giúp đỡ họ.
Vâng, Mẹ đã mang niềm vui đến cho gia đình Giacaria bằng tình yêu nhạy cảm của Mẹ. Mẹ còn mang đến cho gia đình Giacaria tròn đầy niềm vui khi mang Đấng Cứu Thế viếng thăm gia đình họ. Chính vì thế, gia đình Giacaria đã tràn đầy niềm vui. Bà Elizabeth đã bộc lộ niềm vui khi thốt lên: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm tôi”.
Chúa Giáng sinh làm người cũng đang mời gọi chúng ta hãy tăng thêm niềm tin bằng cầu nguyện để Chúa ở cùng sẽ mang lại bình an cho chúng ta. Hãy tăng thêm tình yêu để viếng thăm những mảnh đời bất hạnh lầm than, để xoa dịu những thương đau cho nhân thế. Nếu biết cuộc đời là phù vân thì đừng tăng điều gì ngoài tình yêu với Chúa và tha nhân.
Ước gì niềm vui giáng sinh của chúng ta là niềm vui “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” sẽ mang lại cho cuộc đời chúng ta trọn vẹn niềm vui khi mang Chúa đến cho tha nhân qua đời sống yêu thương và phục vụ của chúng ta. Nguyện xin cho mỗi bước chân của chúng ta luôn nở hoa bác ái và yêu thương trên mọi nẻo đường. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
————————————–
Hiện Diện Bên Nhau
Khi đang lâm bệnh ngặt nghèo, thập tử nhất sinh hay đang cơn hấp hối mà có người thân yêu ở kề bên chia sẻ cảm thông thì đó là niềm an ủi lớn lao không gì sánh được.
Khi gặp cô đơn sầu não không kẻ đoái hoài mà có một người bạn chân tình hiện diện bên cạnh thì không gì quý báu hơn.
Trong những trường hợp đó, người ta mới cảm nhận được nhu cầu có người thân sống-với mình hay hiện-diện-bên-cạnh mình cần thiết xiết bao!
Vì thế, Đức Cha Gaillot, một giám mục Pháp, đã nhận định rất xác đáng rằng:
“Sống quảng đại thì tốt, nhưng sống-với tốt hơn;
Việc từ thiện là cần thiết, nhưng hiện-diện-bên-cạnh cần thiết hơn.”
Như thế, chấp nhận sống-với tha nhân, hiện-diện-bên-cạnh tha nhân, nhất là trong hoàn cảnh đau thương, thì tốt hơn mọi hình thức trao ban, giúp đỡ khác.
Thiên Chúa sống-với con người
Thiên Chúa là Người Cha nhân lành rất yêu thương nhân loại nên Ngài muốn sống với, muốn hiện diện bên cạnh nhân loại luôn mãi. Chính vì thế, Thiên Chúa tự xưng mình là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa hằng ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).
Vì muốn ở cùng nhân loại nên Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua khoảng cách vô tận giữa trời và đất để đến ở với loài người.
Vì muốn ở cùng nhân loại nên Chúa Giêsu đã sống kiếp phàm nhân suốt ba mươi ba năm để chia sẻ vui, buồn, sướng, khổ của phận người.
Và khi đã sống lại, lên trời vinh hiển, Chúa Giêsu vẫn không rời xa các môn đệ. Ngài nói với họ:
“Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
“Thầy đi để dọn chỗ cho các con… Thầy sẽ trở lại để đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng sẽ ở đó” (Mt 14,3).
Vì mong muốn ở lại mãi với các môn đệ, nên Chúa Giêsu khấn nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Mt 17,24).
Thế rồi Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh thể để không những ở với, ở cùng, hiện diện bên cạnh mà còn ở trong chúng ta và nên một với chúng ta.
Mẹ Maria sống-với con người
Vì biết rằng nhu cầu được thăm viếng, được sống với, được hiện diện bên cạnh là rất cần thiết nên khi hay tin người chị họ cao niên của mình được Chúa đoái thương cho cưu mang quý tử, Đức Maria đã không quản ngại thân gái dặm trường, sẵn sàng băng rừng vượt núi tiến lên miền sơn cước để chúc mừng, để phục vụ và nhất là để sống – với, để hiện diện bên cạnh người chị họ cao niên suốt ba tháng trời (Lc 1, 39. 43. 56).
Về sau nầy, khi tâm hồn các môn đệ hoang mang xao xuyến sau biến cố Chúa Giêsu về trời, Mẹ Maria tiếp tục hiện diện bên các môn đệ, củng cố niềm tin đang chao đảo của các ngài.
Và rồi trong suốt dòng lịch sử Hội thánh, Giáo hội phải nhiều phen trải qua gian lao sóng gió, Mẹ Maria luôn có mặt trong những thời điểm khó khăn đen tối, để hiện diện và đồng hành với đoàn con cái trong lúc gian nan, để ủi an khích lệ họ trong cảnh u sầu như Mẹ đã thực hiện tại La-vang, Fatima, Lộ-đức và nhiều nơi khác.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con noi gương Chúa là Emmanuen, là Đấng hằng ở với loài người để chia sẻ ngọt bùi với bao người chung quanh; xin cho chúng con bắt chước Mẹ Maria là Đấng luôn hiện diện bên con cái mình để che chở ủi an họ trong những lúc gian truân khốn khó; xin giúp chúng con trở nên những Emmanuen khác, để viếng thăm, an ủi, để sống-với, để hiện-diện-bên-cạnh những người đang gặp hoàn cảnh đau thương.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
—————————————–
Mở Đường
CN IV MV-C – (Lc 1, 39 – 45)
Niềm vui chia sẻ phúc hồng ân
Hưởng lộc ơn thiêng của Thánh Thần
Gặp gỡ, ủi an thành nghĩa thiết
Tương giao, giúp đỡ tạo tình thân
Khiêm nhường, phục vụ nên môn đệ
Bác ái, quên mình xứng chứng nhân
Thăm viếng anh em trong khốn khó
Mở đường Chúa đến giữa gian trần.
Hạt Nắng
—————————————
Ngôn Sứ Tình Yêu
CN IV MV-C – (Lc 1, 39 – 45)
Cuộc gặp gỡ tràn đầy ơn thánh sủng,
tỏa yêu thương cùng minh chứng niềm tin.
Hai tâm hồn đầy ơn Chúa Thánh Linh,
hòa cùng nhịp điệu tạ ơn Tình Đức Chúa.
Isave, thân cằn khô, héo úa,
nụ mầm non vui nhảy múa trong lòng.
Maria, nhành huệ trắng trinh trong,
Ngôi Hai Cứu Thế, ngự cung lòng Trinh Nữ.
Cuộc hạnh ngộ, đã đi vào lịch sử,
Thiên Chúa Tình Yêu cư ngụ giữa Dân Ngài.
Ánh hừng đông chiếu rọi nắng ban mai,
giải thoát nhân loại những tháng ngày tăm tối.
Ơn Cứu Độ, ngày đất trời mong đợi,
phận nữ tỳ Mẹ bối rối, phân vân.
Lòng khiêm cung, “Xin Vâng” Mẹ thông phần,
sống đức ái, tình tha nhân san sẻ.
Lửa tình yêu cháy lên trong lòng Mẹ,
phục vụ tha nhân, luôn xem nhẹ phần mình.
Ơn quên mình, hòa quyện đức hy sinh,
trao nhau hạnh phúc trong tâm tình nhân ái.
***
Cuộc thăm viếng, bằng con tim quảng đại,
đem yêu thương đến đồng loại quanh mình.
Mẹ dạy con, bài học giữa nhân sinh,
men bác ái, khiêm nhường, quên mình trong phục vụ.
Xin Mẹ đồng hành cùng con,
trên bước đường lữ thứ,
Nên tôi tớ trung thành,
sống trọn vai trò Ngôn Sứ Tình Yêu.
Bâng Khuâng Chiều Tím
——————————————–
Noi Gương Mẹ
CN IV MV-C – (Lc 1, 39 – 45)
Mẹ vội vã ra đi,
bất chấp lời thị phi,
không ngại đường gian khó,
đến thăm người chị họ,
Mẹ khăn gói lên đường,
tim rộn ràng yêu thương.
Cuộc gặp gỡ giao duyên,
cung chúc tình linh thiêng,
thai nhi tràn ơn thánh,
phúc thay người đạo hạnh,
Mẹ đem Đấng cứu đời,
viếng thăm người đơn côi.
Mẹ ơi! Lòng Mẹ đầy nhân ái,
trái tim Mẹ quảng đại,
quên mình giúp nhân sinh,
phục vụ không toan tính,
yêu thương rất chân tình.
Mẹ ơi! Tình Mẹ đầy lửa mến,
như trăng thanh diệu huyền,
như dòng suối khiết trinh ,
tặng niềm vui công chính,
của Đấng ban an bình.
Cuộc đời bớt thương đau,
thăm viếng, đừng quên nhau,
trao nhau niềm vui sống,
trái tim lòng mở rộng,
cùng chia sớt ngọt bùi,
sống như Mẹ, an vui.
M. Madalena Hoa Ngâu
—————————————-
Vầng Trăng Yêu Thương
CN IV MV-C – (Lc 1, 39 – 45)
Trái tim mù lòa, che khuất ánh sáng tâm linh,
lạc vòng u minh, tim con hẹp hòi, khép kín.
Nghĩa nhân nhận chìm, hờ hững thế nhân sầu đau,
lãng quên tình nhau, mặc cho tim người rướm máu.
Trái tim ân tình, Mẹ đến viếng thăm người thân,
nhịp nhàng bước chân, con tim tràn đầy hưng phấn.
Dấn thân hành trình, lửa mến sáng soi niềm tin,
yêu thương tìm nhau, hy sinh phục vụ quên mình.
Mẹ Maria! Vầng trăng tỏa sáng niềm vui.
Mẹ Maria! Vầng trăng thanh khiết dịu hiền.
Đường chông gai truân chuyên,
Mẹ tin yêu trung kiên, niềm vui tình dâng hiến.
Mẹ Maria! Mẹ luôn chiếu sáng niềm tin.
Mẹ Maria! Mẹ đem hạnh phúc cho đời.
Thuyền con đang chơi vơi,
Mẹ buông neo ra khơi, dìu con vững bước hành trình.
Sống vui tình người, theo dấu bước chân Mẹ yêu,
thoát vòng cô liêu, con tim rộng mở, dâng hiến.
Thánh Linh mở đường, thăm viếng sẻ chia tình thương,
xua tan sầu vương, yêu thương phục vụ can trường.
Nắng Sài Gòn
————————————–
Tình Yêu Vẫy Gọi
CN IV MV–C – ( Lc 1, 39 – 45)
Lửa bác ái cháy bừng trong dạ,
Mẹ hân hoan tất tả lên đường.
Nữ nhi dầm dãi gió sương,
quên mình phục vụ tình thương dạt dào.
Mẹ đem Chúa Trời cao nhập thể,
trao niềm vui nhân thế đợi mong.
Đêm tàn ló dạng hừng đông,
xua tan lạnh giá lửa hồng sáng soi.
Cuộc giao hoan đất trời hội ngộ,
phút hoan ca cứu độ cho đời.
Gioan diện kiến Ngôi Lời,
reo mừng kính bái Vua Trời ghé thăm.
Phận nữ tỳ thành tâm cung kính,
cất lời ca công chính khiêm cung.
Ngợi khen Thiên Chúa cửu trùng,
đoái nhìn phận mọn tương phùng thế nhân.
Theo gót Mẹ dự phần cứu chuộc,
sống yêu thương nguyện ước thủy chung.
Tim yêu, yêu đến tận cùng,
viếng thăm, gặp gỡ, vui mừng sớt chia.
A.P Mặc Trầm Cung