SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 766, CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – B, CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO, 24/10/2021

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 10, 46 – 52)

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Đavít, xin thương xót tôi”.
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Được, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Hãy Loan Báo Tin Mừng & Tới Nguồn Sự Sống ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Truyền Giáo Hay Rao Giảng Tin Mừng? & Khi Cầu Nguyện Ta Phải Xin Gì Trước Hết? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 6
Truyền Giáo Trong Thời Kỳ Bình Thường Mới & Ai Mới Là Kẻ Mù Loà Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 10
Chia Sẻ Niềm Vui & Hồng Ân Tuyệt Vời Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 13

THƠ TIN MỪNG

Ánh Sáng Niềm Tin Hạt Nắng Trg 16
Đức Tin Bừng Sáng Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 17
Lời Ca Tri Ân M. Madalena Hoa Ngâu Trg 19
Xin Cho Con Được Sáng Nắng Sài Gòn Trg 20
Bóng Tối Đời Con A.P Mặc Trầm Cung Trg 21

———————————————-

 

Hãy Loan Báo Tin Mừng

Một đạo sĩ hỏi các đệ tử: Các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện, khi nào ánh sáng tới và bóng tối lui đi không?
Các đệ tử thi nhau trả lời: Thưa thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi từ xa nhìn một đoàn vật người ta có thể phân biệt được con nào là con bò và con nào là con trâu không? Thày lắc đầu: Không phải. Đệ tử khác trả lời: Thưa thày có phải ánh sáng tới và bóng tối lui là khi từ xa nhìn vào vườn cây, người ta có thể phân biệt được cây nào là cây xoài cây nào là cây mít không? Thày vẫn lắc đầu: Không phải. Thấy không ai trả lời được, thày mới giải nghĩa: Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nào ta nhìn vào mặt người xa lạ và nhận ra đó là anh em mình.
Thật là khó hiểu. Tuy trên đời ta thấy có nhiều thứ ánh sáng. Có ánh sáng mặt trăng mặt trời. Có ánh sáng đèn dầu, đèn điện. Có những ánh sáng như tia X, tia hồng ngoại. Nhưng tất cả những ánh sáng đó chỉ giúp ta nhìn rõ sự vật. Không thấy có thứ ánh sáng nào soi vào mặt người xa lạ mà biến người ấy thành người thân của mình.
Mẹ Têrêxa dường như đã tìm ra thứ ánh sáng ấy.
Mẹ Têrêxa là một nữ tu người Anbani, được sai đến phục vụ người nghèo tại Ấn độ. Đến Ấn độ, thấy người nghèo khổ quá tội nghiệp. Biết bao người hấp hối ngoài lề đường. Chết rồi xác bị quẳng vào đống rác như xác thú vật. Biết bao trẻ thơ bị bỏ rơi. Biết bao gia đình chui rúc trong các căn nhà ổ chuột. Biết bao người đói khát không đủ cơm ăn áo mặc. Mẹ lăn xả vào phục vụ người nghèo.
Một hôm Mẹ đi thăm một ông già cô đơn trong căn lều tồi tàn. Bước vào lều Mẹ động lòng thương cảm. Vì tất cả đồ đạc chỉ là một mớ giẻ rách. Căn lều bụi bặm bẩn thỉu ngoài sức tưởng tượng. Và nhất là ông già thu mình lại không muốn giao tiếp với ai. Mẹ chào hỏi ông cũng không buồn trả lời. Mẹ xin phép dọn dẹp căn lều ông cũng làm thinh. Đang khi dọn dẹp, Mẹ thấy trong góc lều có một cây đèn dầu bụi bám đen đủi. Sau khi lau chùi, Mẹ kêu lên: Ô, cây đèn đẹp quá. Ông già nói: Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi ngày cưới. Từ khi bà ấy chết, tôi không bao giờ đốt đèn nữa. Thấy ông đã cởi mở, Mẹ Têrêxa đề nghị: Thế ông có bằng lòng cho các chị nữ tu mỗi ngày đến thăm và đốt đèn cho ông không? Ông đồng ý. Từ đó mỗi buổi chiều, các chị tới thăm ông, dọn dẹp nhà cửa, nói chuyện với ông. Ngọn đèn ấm áp trong căn lều ấm cúng. Ông trở nên vui vẻ hơn. Ông đã đi thăm mọi người. Mọi người đến thăm ông. Cuộc đời ông vui tươi trở lại.
Trước kia cuộc đời ông tăm tối không phải vì ông không thắp đèn. Nhưng vì ngọn đèn trong trái tim ông đã tắt. Trái tim khép kín nên ông mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống. Ông nhìn mọi người như thù địch. Từ ngày các nữ tu đến đốt đèn đời ông vui lên, sáng lên. Đời ông sáng lên không phải vì có ngọn đèn dầu hoả soi sáng. Nhưng vì trái tim ông bừng sáng. Ngọn đèn tâm hồn ông rạng rỡ. Tâm hồn ông cởi mở và ông nhìn thấy mọi người là anh em. Thứ ánh sáng ấy ta thấy trong Phúc Âm. Khi người Samaritano nhân hậu cúi xuống săn sóc, băng bó vết thương cho người bị nạn bên đường. Hai người nhìn nhau. Một làn ánh sáng loé lên. Và họ nhận ra nhau là anh em.
Cứ như thế Mẹ Têrêxa miệt mài phục vụ người nghèo. Lập những trung tâm đón tiếp những người hấp hối, săn sóc để họ được chết, được chôn cất như một con người. Nuôi trẻ mồ côi. Xây bệnh viện. Xây trường học. Công việc càng ngày càng mở rộng. Số người theo Mẹ ngày càng đông và Mẹ đã lập dòng Nữ tử Thừa sai Bác ái chuyên phục vụ người nghèo. Hiện nay nhà dòng đã có mặt trên 132 quốc gia. Mẹ được thế giới biết tiếng. Mẹ được nhiều giải thưởng trong đó có giải Nobel Hoà bình. Năm 1997, khi Mẹ qua đời, 80 nguyên thủ quốc gia, trong đó có phu nhân tổng thống Mỹ Bill Cliton và phu nhân tổng thống Pháp Jacques Chirac đã đến dự đám tang. Và nước Ấn độ, đa số dân theo Ấn độ giáo, vốn không ưa đạo Công giáo, đã chôn cất Mẹ theo nghi thức quốc táng. Hai mươi mốt phát súng đại bác tiễn đưa linh hồn Mẹ về trời.
Mẹ Têrêxa là một nhà truyền giáo thành công của thế kỷ 20. Vì Mẹ đã biết thắp lên ngọn đèn soi trong đêm tối.
– Giữa đêm tối vật chất hưởng thụ, Mẹ đã thắp lên ngọn đèn siêu nhiên của thiên đàng.
– Giữa đêm tối rụt rè nghi kỵ Mẹ đã thắp lên ngọn đèn cởi mở tin yêu.
– Giữa đêm tối lạnh lẽo cô đơn. Mẹ đã thắp lên một ngọn đèn ấm áp tình người. Trái tim Mẹ là một ngọn đèn sáng. Ánh sáng ấy toả lan tới muôn người làm cho mọi người nhận biết khuôn mặt hiền lành khiêm nhường của Đức Kitô và làm cho mọi người nhìn nhau là anh em.
Vào thời Cộng sản còn mạnh và còn chống đối Công giáo kịch liệt. Mẹ Têrêxa vẫn có thể lập nhà ở Nga, ở Cuba và cả ở Việt Nam. Với tấm lòng bác ái, Mẹ đã chiếu toả ánh sáng Tin Mừng khắp thế giới.
Hôm nay Giáo Hội cầu nguyện cho việc truyền giáo. Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta góp phần vào việc truyền giáo. Không gì bằng ta hãy noi gương Mẹ Têrêxa, thắp lên ngọn lửa tin yêu trong lòng mình, đem ngọn lửa yêu thương phục vụ soi sáng khắp nơi. Thế giới sẽ bừng sáng và mọi người sẽ nhìn nhận nhau là anh em.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Nhờ đâu Mẹ Têrêxa đến được cả những nước Cộng sản?
2- Nhờ đâu việc truyền giáo của Mẹ Têrêxa thành công tốt đẹp?
3- Đời sống bạn là ánh sáng hay là bóng tối cho những người chung quanh?
4- Bạn quyết tâm làm gì để loan báo Tin Mừng cho mọi người?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

———————————————-

Tới Nguồn Sự Sáng

Người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Cảnh tượng này cho ta thấy đời anh bị bao phủ bởi nhiều thứ bóng tối.
– Trước hết là bóng tối thể lý. Không có đôi mắt, đời anh chìm trong tăm tối. Không biết thế nào là ánh sáng. Không biết thế nào là cảnh thiên nhiên. Không nhìn được khuôn mặt của những người thân. Không tự mình làm gì được. Không tự mình sinh sống được. Chẳng biết có ánh sáng ban ngày. Đời anh chìm ngập một bóng đêm. Bóng đêm dày đặc không một chút ánh sáng. Bóng đêm triền miên không bao giờ chấm dứt. Tất cả là một màu đen. Thế giới màu đen. Quần áo anh mặc màu đen. Khuôn mặt mọi người đều màu đen. Cơm anh ăn hằng ngày cũng màu đen. Một màu đen muôn thuở.

– Kế đến là bóng tối xã hội. Vì tàn tật anh trở thành người dư thừa trong xã hội. Anh bị loại trừ khỏi xã hội. Chỉ còn ngồi bên vệ đường mà ăn xin. Như cây cỏ mọc bên đường thôi. Thậm chí khi Chúa đến, mọi người nô nức đón Chúa. Còn anh chỉ kêu lên thôi cũng đã bị người ta cấm đoán, đe nẹt rồi. Anh không có quyền gì hết. Vì anh chỉ là thân phận sống nhờ ở đậu.

– Sau cùng là bóng tối tâm lý. Cuộc đời anh không có lối thoát. Anh bị kết án suốt đời chịu giam cầm trong bóng tối. Làm sao thoát ra được khi anh không thể tự mình làm gì. Khi mọi người kể cả những người thân ruồng bỏ anh. Khi xã hội gạt anh ra bên lề cuộc sống.

Nhưng Đức Kitô đem đến cho anh ánh sáng ngập tràn. Người chiếu vào đời anh ánh sáng hy vọng. Tuy chưa được gặp Chúa, nhưng chỉ nghe những lời Chúa giảng, những việc Chúa làm anh đã tràn trề hy vọng. Chúa có thể giải thoát anh khỏi định mệnh tăm tối vây bọc cuộc đời anh. Người có thể đưa anh tới miền ánh sáng. Tương lai anh sẽ thay đổi. Cuộc đời anh sẽ tươi sáng. Anh tràn ngập niềm hy vọng. Niềm hy vọng trở thành ánh sáng chiếu soi cuộc đời anh.

Người chiếu vào đời anh ánh sáng đức tin. Tuy chưa gặp Chúa nhưng anh đã hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Không tin sao được vì chỉ có Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu anh khỏi bóng tối. Vì thế thoạt nghe tiếng Chúa anh đã kêu van lớn tiếng xưng tụng Người là Con Vua Đavít nghĩa là Đấng Cứu Thế. Có lẽ những người đi đón Chúa hôm ấy đều có đôi mắt sáng. Nhưng không ai có ánh sáng đức tin. Vì không ai tin Chúa là Đấng Cứu Thế. Trừ anh mù. Mắt anh mù nhưng đức tin của anh sáng. Nên anh là người duy nhất lớn tiếng tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Thế. Niềm tin của anh thật mãnh liệt. Dù bị mọi người chung quanh ngăn cản, niềm tin ấy không những không bị suy yếu mà còn càng trở nên mạnh mẽ hơn. Bị mọi người đe dọa, cấm cản, niềm tin của anh càng vững vàng không gì có thể lay chuyển được, nên anh càng kêu to hơn.

Người đã chiếu vào đời anh ánh sáng tình yêu. Chúa là tình yêu. Chúa không nghe bằng tai nhưng nghe bằng trái tim. Vì thế giữa đám đông hỗn độn của thành Giêricô phồn hoa, Chúa vẫn nghe được tiếng kêu van của một người con bé nhỏ ngồi bên vệ đường. Không những Chúa nghe thấy tiếng lòng khốn khổ của anh mà Chúa còn ưu ái gọi anh đến. Thật là một cử chỉ ưu ái quá sức tưởng tượng. Giữa đám đông trong một thành phố phồn hoa, Chúa chẳng gọi ai trừ ra người mù ngồi bên vệ đường. Chúa chẳng chờ đợi ai trừ ra chờ đợi người con nhỏ bé tội nghiệp bị bỏ rơi nhất thành phố đến với Chúa. Đời anh chưa được ai yêu thương như thế. Đời anh chưa được ai quan tâm như thế. Đời anh chưa được ai mời gọi như thế. Đời anh chưa được ai chờ đợi như thế. Và Chúa còn hỏi anh muốn gì. Đời anh chưa được ai âu yếm như thế. Tình yêu Chúa làm cho đời anh bừng sáng. Anh tìm thấy tất cả ý nghĩa cuộc đời khi gặp được Chúa.

Chúa đem ánh sáng đến cho anh. Chúa là tất cả đời anh. Anh không cần gì khác nữa. Anh vất bỏ cả áo choàng là tài sản duy nhất. Vì anh đã khám phá ra kho tàng quý giá nhất đời. Anh đứng phắt dậy mà đến với Chúa vì tuy mắt chưa nhìn thấy mà lòng anh sáng như sao băng. Và nhất là anh đi theo Chúa cho đến cùng vì Chúa chính là ánh sáng cho đời anh. Chúa sẽ dẫn đường anh đi. Đi đến sự thật và đến sự sống.

Đời sống tôi có nhiều bóng tối vì tôi chưa tin vào Chúa. Đời sống tôi bế tắc vì tôi chưa đặt niềm hy vọng vào Chúa. Đời tôi mệt mỏi chán chường vì tôi chưa yêu mến Chúa. Hãy tin tưởng vào Chúa. Ánh sáng đức tin sẽ chiếu soi đường đời tôi đi. Hãy hy vọng vào Chúa. Niềm hy vọng là ánh sáng ấm áp cho cuộc đời. Hãy yêu mến Chúa. Tình yêu Chúa là ánh sáng hướng dẫn mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của tôi. Hãy noi gương anh mù thành Giêricô bỏ tất cả mà theo Chúa. Sống bên Chúa đời tôi sẽ ngập tràn ánh sáng.

GỢI Ý CHIA SẺ
1. Hãy kể ra những thứ bóng tối trong đời anh mù thành Giêricô.
2. Hãy kể ra những thứ ánh sáng Chúa đã chiếu vào đời anh.
3. Tại sao anh mù sau khi hết mù đã đi theo Chúa?
4. Bạn có bị bóng tối nào bao phủ đời bạn không?
5. Bạn có tìm thấy Chúa là ánh sáng cho đời bạn không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

——————————————

 

Truyền Giáo Hay Rao Giảng Tin Mừng?

Dầu đã được trực tiếp tham gia vào công tác ‘truyền giáo’ trong thời gian 2 năm tại Mongolia, nhưng khi được nhiều bạn gửi ‘mail’ khuyến khích viết bài suy niệm nhân Khánh Nhật Truyền Giáo, tôi vẫn cảm thấy ngại ngùng. Lý do là vì suy nghĩ của tôi sau thời gian ‘truyền giáo’ trở về đã bị thay đổi nhiều quá; tôi cảm thấy lạc lõng và cô đơn trong suy tư, cũng như hụt hẫng trong truyền đạt về đề tài này. Cuối cùng thì sáng nay trong thánh lễ, sau khi lắng nghe lời chia sẻ của các tập sinh, tôi đã quyết định viết, nhưng không phải cho ai khác mà là viết cho chính mình đấy thôi.

Tôi nhớ là: năm 2003, sau khi kết thúc nhiệm kỳ giám tỉnh cuối cùng, tôi vẫn chưa có một định hướng rõ rệt nào cho tương lai phục vụ của mình. Vì Bề Trên trung ương rộng phép cho tôi được hưởng một năm bồi dưỡng tại bất cứ đâu…, nên tôi đã quyết định xin có một năm trau dồi thêm kiến thức về tu đức, và học hỏi về các tôn giáo thế giới tại đại học Berkeley – California (Hoa Kỳ); chính trong thời gian này mà tôi đã đi tới quyết định xin bề trên cho phép đi truyền giáo tại Mongolia (Mông Cổ), nơi mà tôi đã lui tới nhiều lần trong thời gian, với tư cách giám tỉnh, thành lập các cơ sở truyền giáo cho anh em tỉnh dòng Don Bosco Việt Nam. Hơn nữa, trước khi lên đường đi Mongolia, tôi còn được tham dự một khóa học ba tháng chuyên đề về truyền giáo học tại đại học Universitá Pontificia Salesiana – Roma; ấy thế mà khi thực sự tới và làm việc trực tiếp tại một nơi truyền giáo ‘Ad Gentes’ thứ thiệt như Mongolia, cái kinh nghiệm ‘truyền giáo’ tuy còn rất nông cạn và bé nhỏ mà tôi đã thủ đắc được trong thời gian ngắn ngủi này đã đủ để làm đảo lộn (upside down) mọi suy nghĩ trước đó của tôi về lãnh vực này.

Trước hết, tôi thấy mình dị ứng ghê gớm với cái từ ‘truyền giáo’ thông dụng, vì thấy nó quá mập mờ dễ gây hiểu lầm. Nếu truyền giáo hàm ý làm cho một người ‘không có đạo’ được rửa tội để gia nhập đạo Công giáo theo nghĩa ‘cải đạo’ (proselytism), thì rõ ràng là ta đã hiểu sai ẩn ý của Đức Kitô mất rồi. May mắn thay nội dung này đã chính thức bị Công Đồng Vatican II phế bỏ! ‘Missio’ phải được hiểu là sứ vụ được sai đi (‘thừa sai’) để ‘rao giảng Tin Mừng’ (evangelisare), có nghĩa là để loan báo Tin Mừng cứu độ, để loan truyền tình yêu thương xót của Thiên Chúa đã từng được Đức Kitô Giêsu thực hiện trong cuộc sống của Người, đặc biệt qua cái chết Thập Giá. Quan niệm cho rằng: ai đó phải gia nhập đạo, phải được rửa tội, thì mới được hưởng nhờ lòng nhân ái cứu độ của Thiên Chúa là một sai lầm lớn. Lòng thương xót và ơn cứu độ đã được Chúa ban cho hết thảy mọi người cách vô điều kiện (xem thư Rôma chương 5). Như thế ‘Loan báo Tin Mừng’ không làm gì khác hơn là mở mắt cho người ta nhận biết rằng họ đã được hưởng ơn cứu độ và lòng thương xót, nhờ vào sự chết và phục sinh của Đức Kitô Giêsu; và một khi họ đã tin nhận điều đó, ta mời gọi họ gia nhập cộng đoàn tín hữu để cùng chúng ta dâng lời cảm tạ tri ân lên Thiên Chúa về hồng ân vĩ đại đó.

Một suy nghĩ khác mà tôi cảm thấy rất ‘dội’ đó là: nếu không có ai đi truyền giáo thì các dân ngoại sẽ mất linh hồn hết…, rằng nhà truyền giáo là những người mang ơn cứu độ tới cho kẻ ngoại…, rằng ơn cứu độ lệ thuộc vào một lối sống được xây dựng trên nền ‘luân lý Kitô giáo’ mà ta sẽ mở mắt cho họ biết, để rồi, nhờ nắm giữ cặn kẽ các qui định, luật lệ đó, họ sẽ được vào hưởng nước thiên đàng. Thiết tưởng: khi Đức Kitô sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Người đâu có ám chỉ điều này: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Ngay câu nói: ‘Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” đâu có nghĩa là, chính phép rửa sẽ ban ơn cứu độ! Nhìn vào chính Đức Giêsu ta sẽ thấy: Tin Mừng của lòng thương xót cứu độ vẫn có thể được rao giảng và mời gọi ngay cả một người nữ Samari đang sống chung chạ sau năm đời chồng. Khi còn ở Mongolia, cha sở nhà thờ chính tòa Ulaanbataar, một nhà truyền giáo người Camơrun, xin tôi dạy giáo lý cho một nhóm sinh viên. Ngài muốn tôi dạy theo chương trình giáo lý tân tòng mà ngài đã soạn sẵn, khởi đầu bằng nội dung thập giới của Chúa và lục giới của Hội Thánh… Ngài căn dặn: đó là các điều kiện tiên quyết để gia nhập đạo hầu được rỗi linh hồn… Tôi đã quyết định không áp dụng chương trình đó, xác tín rằng ‘truyền giáo’ tiên quyết phải là rao giảng Tin Mừng, mà Tin Mừng chính là cho mọi người nhận biết Thiên Chúa xót thương và cứu độ toàn thể nhân loại. Tôi dọn một chương trình riêng, trong đó tôi phân tích cho các sinh viên Mongolia hiểu ra rằng: Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô yêu thương họ, không như các thần linh đạo Shaman của người du mục, luôn gieo rắc sợ hãi kinh hoàng khắp nơi. Thế đấy, cái kinh nghiệm rất cụ thể của tôi về sự khác biệt quá lớn giữa ‘truyền giáo’ và ‘loan báo Tin Mừng’ đại loại là như thế.

Từ cái kinh nghiệm ‘thừa sai’ còn rất thô thiển tại Mongolia tôi đã học được một bài học cơ bản: Thiên Chúa, không biết từ thuở nào, đã yêu mến và cứu chuộc các người Mông Cổ du mục sinh sống trên vùng thảo nguyên lạnh giá mênh mông tại Trung Á. Cuộc sống du mục nay đây mai đó của họ, với văn hóa và các truyền thống từ bao đời, cho dầu có nhiều điểm khác biệt với nền ‘luân lý Kitô giáo’ mang tính định canh định cư của lịch sử, vẫn không hề tách họ ra khỏi lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa đã và đang chủ động thực hiện nơi họ nhờ Đức Kitô Giêsu. Công việc của một ‘thừa sai’ như tôi đích thị phải là rao giảng Tin Mừng, là loan báo cho họ biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ trong chính lối sống và văn hóa của họ…, đồng thời mời gọi họ tin vào Đức Kitô Giêsu Cứu Chúa…, mời gọi họ lãnh nhận phép thánh tẩy… và gia nhập vào Hội Thánh là cộng đoàn những người nhận biết Thiên Chúa từ ái và yêu thương để không ngừng cất cao lời cảm tạ.

Và cũng từ đó tôi nghiệm ra một điều còn quan trọng hơn nữa là: một ‘người loan báo Tin Mừng’ trước hết phải chính mình có cảm nghiệm sâu sắc về lòng thương xót cứu độ của Chúa. Cảm nghiệm này chính là nền tảng của việc được sai đi, là sức mạnh trong khiêm tốn phục vụ, là hy vọng không hề suy chuyển trước các khác biệt và thách đố, và là chương trình và hành động trong sứ vụ thừa sai.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã cho con được tham gia chút ít vào chương trình cứu độ đầy yêu thương của Chúa đối với dân tộc Mongolia. Cảm tạ Chúa đã mở lòng cho con nhận biết Chúa yêu thương họ vô cùng, trước cả khi con được sai tới với họ để nói cho họ biết điều đó. Qua tâm tình tri ân này, xin cho con tiếp tục không ngừng khao khát tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa yêu thương và cứu độ, và tìm cách làm chứng cũng như loan truyền điều đó cho mọi người con gặp gỡ và tiếp xúc hàng ngày. Con coi đó chính là công việc ‘truyền giáo = thừa sai’ Chúa đang dành cho con lúc này và trong điều kiện sống này. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

—————————————————–

Khi Cầu Nguyện Ta Phải Xin Gì Trước Hết?

Anh chàng mù Batimê ngồi bên vệ đường thành Giêricô đã xin Đức Giêsu điều gì, câu hỏi thật ngớ ngẩn! Vì rõ ràng anh ta xin được sáng mắt chứ còn điều gì nữa: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”! Thế nhưng ta cũng nên lưu ý: trước cả khi mở miệng xin được nhìn thấy, anh đã khẩn khoản kêu xin một điều khác còn quan trọng hơn nhiều: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavit, xin rủ lòng thương tôi!” Được nhìn thấy là ngọn, là kết quả của được xót thương là gốc, là nguyên nhân!; chỉ vì tranh thủ được lòng trắc ẩn của thầy Giêsu mà anh mù mới đạt được điều anh hằng mơ ước là được nhìn thấy. Vì cho tới lúc đó, anh thực sự chưa biết nhiều về ông thầy Giêsu đang đi qua; thiên hạ đồn rằng: ông rất đáng kính và hay làm phép lạ, tuy nhiên, cho dầu có là bậc thầy đáng kính tới mấy, nhưng nếu ông không đoái hoài, không xót thương mình thì cũng kể bằng không! Anh chưa hề có bất cứ một bằng chứng nào về đức độ từ nhân của thầy; nếu Ngài không rủ thương thì mọi sự đâu vẫn hoàn đó, và ước vọng cháy bỏng của anh sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực; chính vì lẽ đó mà anh kêu gào cho bằng được lòng thương xót, bất chấp nhiều người “quát nạt bảo anh im đi”.

Tin vào tình yêu thương của Thiên Chúa là điều căn bản nhất của niềm tin Kitô hữu, chứ không phải tin vào sự hiện hữu của Ngài (điều này không may đã trở thành nỗi ám ảnh trước trào lưu vô thần của một số người). Biết bao lần chúng ta được Giáo Hội dạy cho biết: Thiên Chúa yêu thương nhân loại nói chung, yêu từng người nói riêng vô ngần; Người yêu từ ngàn xưa, yêu bất chấp các yếu đuối tội lỗi của con người. Về phần mình, Kitô hữu có trong tay bằng chứng không thể chối cãi về tình yêu tuyệt đối đó: cái chết Thập Giá của Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa. Lý thuyết là như thế, nhưng ta vẫn cần tra vấn mình như sau: Kitô hữu chúng ta thường có thái độ nào trong cầu nguyện?

Nhiều người xưng mình là Kitô hữu, nhưng lại thường xuyên hoài nghi, ngờ vực tình yêu nhân ái vô bờ bến của Thiên Chúa! Điều này đôi khi được diễn tả qua việc bề ngoài xem ra rất ư là đạo đức: họ cầu khẩn van xin Đức Mẹ và các Thánh cầu bầu cho, với hậu ý là: chưa chắc Chúa đã thật sự hết lòng xót thương mình. Tiến trình cầu nguyện của nhiều ‘người có đạo’ thông thường vẫn theo trình tự như sau: tới trước mặt Chúa qua trung gian một vị quan thầy quyền thế nào đó, nếu dọn trước được một số lễ vật lót đường thì càng tốt, hay ít nhất cũng sửa sang lại trong ngoài sao cho xứng đáng hơn, rồi khẩn khoản trình bày chi tiết điều mình muốn xin… Trong trình tự này, ít có ai dành thời giờ để gợi nhớ cho mình điều Đức Giêsu đã từng khảng định: “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước cả khi anh em cầu xin” (Mt 6:8). Nói cách khác, nếu có một tiền đề nào cần phải làm trước khi quì gối cầu nguyện thì đó chính là: xin được gia tăng tin tưởng tín thác vào Thiên Chúa nhân ái và hay xót thương! Hãy dành cho việc này nhiều thời giờ và nỗ lực hơn để chính mình xác tín, rồi loan báo cho mọi người biết về lòng nhân lành và hay thương xót của Chúa Cha; nhất là khi những gì đang xảy ra quanh ta hầu như muốn bịt miệng không cho phép ta gào lên điều đó! Nói cách khác, noi gương chàng Batimê mù lòa, hãy can đảm và kiên định kêu gào cho bằng được điều căn bản nhất của niềm tin chúng ta: ‘Xin cho con thấu hiểu và xác tín được lòng Chúa từ nhân, bất chấp những tang thương đang tràn ngập quanh con’.

Trong cùng triền tư tưởng đó, lời cầu xin “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được…” sẽ còn mang một nội dung khác nữa: xin cho được thấy, được nhận ra ‘lòng nhân lành của Chúa’ trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong những biến cố rất là phi lý và bất công, nơi mà ta không thể nhận thấy bất cứ một biểu hiện nào của từ nhân và yêu thương.

Sau hết câu nói của Đức Giêsu “lòng tin của anh đã cứu anh” cũng hé cho thấy niềm tin đó hệ tại điều gì: tin Đức Giêsu là mạc khải về Chúa Cha từ nhân, và tin Thiên Chúa hay xót thương đứng đàng sau mọi biến cố cuộc đời. Tin đây phải hiểu là tin tưởng phó thác; cầu nguyện với lòng tin tưởng như thế thật có sức mạnh biết bao!

Lạy Chúa Thánh Thần, xin dạy con biết cầu nguyện trong Người, vì con “không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp bằng những tiếng rên siết khôn tả! Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8:26-27). Vâng! Con xin Người biến mọi lời cầu nguyện của con thành diễn đạt một niềm tín thác tuyệt đối vào Chúa Cha từ nhân và hay xót thương. Xin cho con mãi duy trì được thái độ này, bất chấp mọi nghịch cảnh có thể xảy đến. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

————————————————–

 

Truyền Giáo Trong Thời Kỳ Bình Thường Mới

Thế giới đại dịch. Mọi sự đều ngưng trệ. Kinh tế thì điêu linh. Doanh nghiệp phá sản. Giới Công – Nông thất nghiệp thiếu thốn. Ấy thế mà có người vẫn lạc quan bảo rằng: “tiền trong dân còn nhiều lắm”. Và rồi đa số đã thêm vào câu sau rằng: “tiền nợ thì còn nhiều”.

Nợ nhiều là phải bởi vì suốt 4 tháng khắp các con hẻm, và có khi ngay trước cổng nhà ai đó cũng bị băng bó bằng dây Ruy băng trắng đỏ chằng chịt. Có khi là hàng rào kẽm gai, thậm chí bị nẹp như nẹp xương bởi những miếng tôn rỉ sét, những miếng gỗ công trình bịt kín cả khu dân cư.

Chống dịch như chống giặc đã không đạt kết quả, nên bây giờ lại chuyển qua phải sống chung với DỊCH! Nhìn đầu ngõ, đầu hẻm hết băng bó khiến ai cũng xúc động rưng rưng. Nhưng thực sự, lần tháo gỡ những cuộn băng bó này dường như không mấy ai hồ hởi, vui tươi, vỡ òa như những lần trước khi dỡ phong tỏa người ta hò reo vui mừng. Bởi vì dịch vẫn còn. Nguy cơ lây nhiễm vẫn còn cao. Có chăng là chống dịch đã khác xưa, chỉ những nhà nào có dịch mới rắc vôi, mới giăng dây băng bó nhà đó mà thôi.

Từ đầu tháng 10 xã hội đã bắt đầu bình thường mới để khôi phục kinh tế nên khi ra khỏi nhà vẫn phải trang bị đầy đủ “combo” vật bất ly thân: điện thoại với một cái “app” phù hợp, chai sát khuẩn nhanh và khẩu trang. Bình thường mới không phải là trở lại y hệt như ngày xưa, mà duy trì những thói quen mới đã hình thành trong mùa dịch, nay đã thành hữu ích. Thay đổi cách sống, ăn uống, vệ sinh để khỏe mạnh hơn, tiết kiệm hơn và biết tích lũy để phòng khi rủi ro.

Bình thường mới đối với người Công giáo chính là thói quen đọc kinh gia đình đã giữ được thường xuyên hơn. Dùng truyền thông để kết nối với nhau trong các giờ lễ trực tuyến, hay trong các giờ cầu nguyện LTX Chúa và lần hạt Mân Côi. Bình thường mới nghĩa là duy trì thói quen mới hình thành trong mùa dịch luôn chia sẻ trên trang cá nhân mình những lời cầu nguyện cho nhau, những sứ điệp lời Chúa được lan tỏa nhiều hơn trên các trang cá nhân. Điều nổi bật của những ngày bị băng bó quấn chung với nhau chính là sự nương tựa , yêu thương, chia sẻ cho nhau của ăn thức uống để không ai bị đói trong khu phong tỏa của mình. Qua khó khăn mới hiểu và thương nhau hơn, âu cũng là vốn quý để cùng nhau hướng tới những ngày mai bình yên và hạnh phúc.

Lời Chúa hôm nay kể lại hành trình anh mù Bartimê. Vì đôi mắy mù lòa, nên anh ta đành ở bên lề cuộc sống, anh ngồi bên lề đường, không thể hòa cùng mọi người để có những bước chân thong dong trên đường. Anh ta còn phải trông chờ vào những của bố thí dư thừa để nuôi sống bản thân. Anh cũng muốn hòa với mọi người bước trên đường cuộc sống, nhưng con mắt mù lòa khiến anh tách ra khỏi đám đông nhân loại.

Nhờ niềm tin mà anh được Chúa chữa lành đôi mắt, để từ nay anh cũng được sống những ngày tháng bình thường mới. Bình thường mới là luôn nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban tặng để sống tạ ơn và gắn bó với Ngài. Bình thường mới là biết chăm sóc bản thân tốt hơn để không lệ thuộc bởi những tiện nghi bên ngoài.

Ngày lễ khánh nhật truyền giáo năm nay được cử hành trong những ngày bình thường mới cũng là lời nhắc nhở chúng ta hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, hãy loan truyền về Chúa trong khung cảnh bình thường mới. Giáo hội hôm nay bước vào bình thường mới nhưng vẫn mong mọi người tiếp tục sống như những ngày giãn cách luôn mang theo mình combo khi đi ra ngoài là tràng hạt Mân Côi, là lời cầu nguyện cho nhau được bình an, và biết dành thời gian cho bản thân, cho gia đình thay vì cho những cuộc vui thâu đêm suốt sáng của trước kia.

Xin cho chúng ta biết loan truyền về Chúa trong mọi hoàn cảnh và luôn làm sáng danh Chúa trong chính cuộc đời hôm nay. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

—————————————

 

Ai Mới Là Kẻ Mù Loà?

Có thể nói,chưa bao giờ “phong trào” xây dựng cơ sở vật chất lại nở rộ như hiện nay. Các giáo xứ, các dòng tu thi nhau xây dựng. Các trung tâm mục vụ, trung tâm hành hương cũng mọc ra như nấm với những quy mô hoành tránh và hiện đại.

Theo lý thì việc xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh là đúng. Nhưng theo tình thì chúng ta thấy chưa ổn cho lắm? Liệu có cần không khi xây dựng cả hàng ngàn tỉ ở giữa những mảnh đời nghèo đói đang bữa no bữa đói? Liệu có quá vô tâm khi vẫn gửi những bì thư xin tiền đến những gia đình túng thiếu chồng ốm vợ đau hay không? Liệu đó có phải là vấn đề đẹp lòng dân hay chỉ là ý thích của cha hay của lãnh đạo. Có giáo dân nói rằng: xứ con nghèo lắm mà cha lại thích xây dựng, chúng con góp ý cha từ từ rồi xây nhưng cha bảo tiền của tôi chứ tôi có lấy tiền quý vị đâu? Không biết cha lấy tiền ở đâu mà phung phí?

Chúa Giêsu khi rao giảng Tin Mừng thì Ngài cũng luôn nhắm tới phục vụ nhu cầu cuộc sống con người. Ai đói Ngài cho ăn. Ai bệnh hoạn Ngài chữa trị. Ai cô đơn bất hạnh Ngài an vủi vỗ về. Suốt cuộc đời rao giảng Tin mừng Ngài chưa xây một Hội đường nào! Ngài cũng không ủy thác cho các môn đệ sứ vụ xây dựng những cơ sở vật chất. Ngài chỉ ủy thác chăm sóc người nghèo là tìm cách nâng cao đời sống cho họ, vì “anh em luôn có người nghèo bên cạnh”.

Mới đây khi mà HĐND thành phố HCM vừa thông qua quyết định lấy đất của dân để xây dựng nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm, có người đã hét lên rằng chỉ có HÁT TRÊN NHỮNG XÁC NGƯỜI !
Và facebook đó viết tiếp: Khi cái nhà hát đó mọc lên trên nền đất của nhân dân hôm qua. Có người chết tức, có người sống không bằng chết. Có những giọt nước mắt đoạn trường, những thân phận rách nát chưa thấy ánh sáng.

Trong một bầu oán khí ngút trời như vậy, thành phố kiên quyết làm nhà hát giao hưởng là nhảy múa trên nước mắt của nhân dân. Là hoan ca trên những xác người !”

Bài Phúc âm hôm nay nói về anh mù ngồi bên vệ đường tên là Bartime. Vì đôi mắy mù lòa, nên anh ta đành ở bên lề cuộc sống, anh ngồi bên lề đường, không thể hòa cùng mọi người để có những bước chân thong dong trên đường. Anh ta còn phải trông chờ vào những của bố thí dư thừa để nuôi sống bản thân. Anh cũng muốn hòa vào dòng đời trong những nhộn nhịp của cuộc sống, nhưng con mắt mù lòa khiến anh tách ra khỏi đám đông nhân loại.

Nếu những lãnh đạo cả đời lẫn đạo chỉ nhìn thấy công trình vĩ đại của mình mà không nhìn thấy số đông người nghèo là những vị ấy cũng tự mình tách ra khỏi đám đông nhân loại. Ở xã hội nào cũng thế, người nghèo vẫn là số đông, thế nên, các nhà lãnh đạo cần phải nhìn đến số đông nhân loại đang cần gì và mình có thể làm gì cho họ? Đừng chỉ nhìn vào nhu cầu của số ít người giầu có, quyền thế mà tách ra khỏi số đông nhân loại!

Nhưng tiếc thay, vì nhiều người trong chúng ta muốn ngồi bên lề cuộc sống để hưởng thụ, bất chấp những tiếng xôn xao của cuộc đời, bất chấp những bước chân của sự thật, bất chấp lời mời gọi đứng lên của Thiên Chúa. Chúng ta cố bám lấy chiếc áo choàng của sự ích kỷ để tìm tư lợi bản thân, để không thể bước chân trên con đường yêu thương cùng đồng hành với người nghèo khó.Nhiều lãnh đạo đã ngồi bên lề cuộc đời người nghèo nên không thấy nỗi khổ hằn lên trên khuôn mặt luôn già trước tuổi, và xanh xao vì thiếu ăn.Chúng ta vẫn mở mắt nhìn nhưng không thấy gì, vì chỉ thấy chiếc áo choàng của bản thân và những lợi lộc dư thừa đang chứa trong đó. Nếu như thế thì chính chúng ta là những con người mù lòa cần phải để Chúa chữa lành!

Vâng, lạy Chúa, chính con đang chờ một phép lạ thay đổi cái nhìn của con. Con đã mù lòa khi không nhìn thấy những mảnh đời khổ đau. Con muốn giũ bỏ cái áo choàng là tham vọng tìm vinh quang cho bản thân khi cố xây dựng cơ sở trên nỗi đau của đồng loại, cố làm những công trình hoành tráng trên sự nuối tiếc của người nghèo, vì giá mà số tiền ấy lạc quyên cho những ngôi nhà tình thương thì đã mang lại mái ấm cho biết bao gia đình! Như người mù thành Giêricô, xin cho con bước ra ánh sáng để nhìn thấy số đông nhân loại đang lầm than. Và con bắt đầu biết cảm nhận mọi sự thăng tiến của nhân loại đều phải bắt đầu từ con người chứ không phải cơ sở vật chất vô hồn. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

————————————-

 

Chia Sẻ Niềm Vui

Cuộc đổi đời ngoạn mục
Năm 1953, một thanh niên da đen ở Cộng hòa Trung Phi tham gia quân đội viễn chinh Pháp tham chiến tại Việt Nam, tên là Bokassa. Anh nầy có nhiệm vụ canh gác cầu Gành ở Cù lao Phố, Biên Hòa. Tại đây, trung sĩ Bokassa làm quen với một cô gái quê tên là Nguyễn Thị Huệ.
Năm 1954, sau hiệp định Genève, Bokassa chia tay cô Huệ, lúc nầy đã có thai với anh, theo đoàn quân viễn chinh về Pháp. Ít lâu sau, cô Huệ sinh đứa con gái đen ngòm, môi dày, tóc quăn, được đặt tên là Nguyễn Thị Martine.

Lớn lên, Martine giúp mẹ kiếm sống qua ngày bằng việc bán đậu phộng, bánh mì, trà đá… Đầu năm 1972, cô vào làm phu khuân vác trong nhà máy xi măng Hà Tiên, cuộc đời lam lũ khó khăn, tương lai đen tối.

Một ngày cuối năm 1972, khi Martine đang bốc vác xi măng, bụi bặm đầy người, thì cậu của cô bất thần chạy đến reo lên: “Martine! Đi về thay đồ chuẩn bị đi gặp ba mầy làm tổng thống!”

Martine bàng hoàng ngơ ngác chẳng hiểu gì. Hóa ra, dịp may ngàn năm một thuở đã đến: Cha cô là ông Bokassa, người lính da đen gác cầu trước đây ở Biên Hoà, nay đã trở thành Tổng thống nước Cộng hoà Trung Phi, một đất nước khai thác được nhiều kim cương. Ông Bokassa đã cậy nhờ chính phủ Việt Nam Cộng hoà thời đó tìm kiếm đứa con lai của mình tại Việt Nam và rước cô này về Trung Phi, cho ở trong dinh tổng thống.

Thế là Martine, từ thân phận một cô gái lọ lem, trở thành công chúa trong vương quốc kim cương. Thật là một cuộc đổi đời ngoạn mục, hiếm có và tuyệt vời!

Đối với Martine, lời thông báo từ người cậu: “Martine! Đi về chuẩn bị đi gặp ba mầy làm tổng thống!” là tin vui trọng đại, là tin mừng tuyệt vời nhất trong đời cô.

Tuy nhiên, tin vui đó chỉ liên quan đến thân phận một người. Hôm nay, Chúa Giê-su truyền cho chúng ta phải loan báo một Tin mừng rất hệ trọng liên quan đến vận mệnh cả loài người. Ngài nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo.” Nếu Tin mừng của Chúa Giê-su được loan báo khắp nơi, muôn dân sẽ biết mình có một Người Cha rất tuyệt vời là Thiên Chúa, được nhận biết mọi người là anh chị em một nhà và được cùng nhau vui hưởng hạnh phúc Thiên đàng.

Giờ đây ta tự hỏi:
– Nếu cậu của Martine, sau khi nắm bắt được tin vui liên quan đến vận mệnh người cháu mà không báo tin cho cô biết, để mặc cô sống trong lam lũ lầm than, không biết gì về người cha cao sang quyền quý của mình, thì có đáng trách không?

Rất đáng trách và cũng đáng lên án. Không có người cậu nào trên thế gian lại tệ bạc với đứa cháu đáng thương của mình như thế.

– Còn chúng ta, khi chúng ta biết Thiên Chúa là Cha của mình và cũng là Cha của mọi người, mà chúng ta cứ lặng im, không nói cho những người chung quanh biết tin vui lớn lao trọng đại này, thì chúng ta có đáng trách không?

Chắc chắn là đáng trách hơn nhiều. Làm như vậy mang tội đối với Cha trên trời và lỗi đức ái cách nghiêm trọng đối với bao người chung quanh.

Lạy Chúa Giêsu. Chúa luôn thúc giục chúng con lên đường báo tin vui cho những người chung quanh nhận biết Cha trên trời là Người Cha tuyệt vời, giàu lòng yêu thương, đang khắc khoải chờ mong muôn dân về đoàn tụ trong gia đình Thiên Chúa. Nếu chúng con không đáp lời Chúa mời gọi thì chúng con có lỗi nặng với Chúa cũng như với anh chị em mình.

Xin ban ơn giúp sức để chúng con nhiệt thành chu toàn bổn phận nầy cách tốt đẹp, để Chúa được mừng vui vì có nhiều người nhận biết Ngài là Cha và để cho muôn dân được tràn trề hạnh phúc vì biết mình là con yêu quý của Cha trên trời. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

—————————————–

 

Hồng Ân Tuyệt Vời

Người mù hành khất thành Giêrikhô có lòng khao khát thoát mù cách mãnh liệt. Vì thế, khi nghe biết có Chúa Giêsu đi ngang qua, anh liền van xin lớn tiếng: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin hãy thương xót tôi.” Dù người qua kẻ lại quát mắng anh im đi nhưng không gì có thể dập tắt được ngọn lửa khao khát bừng lên mãnh liệt trong lòng, nên anh càng van xin to hơn: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin hãy thương xót tôi!”

Thế rồi, khi được biết Chúa Giêsu cho vời mình đến, anh vui mừng đến độ vứt cả áo choàng, vứt cả bị, gậy để đến với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mau mắn thưa ngay: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy.”

Cầu được ước thấy, ánh sáng đã bừng lên cho anh. Anh được thấy Chúa Giêsu, thấy mọi người chung quanh, thấy thế giới rực rỡ muôn màu. Hạnh phúc dâng ngập tâm hồn, anh vui mừng khôn xiết. Thiết tưởng trên đời không có hạnh phúc nào lớn hơn.

Hạnh phúc được khai mở con mắt tâm hồn
Sau một thời gian dài sống trong tăm tối, u buồn, lầm than, khốn khổ… thì người mù thành Giêrikhô mới có diễm phúc được Chúa Giêsu mở mắt cho thấy những sự vật trên đời.
Còn chúng ta, chúng ta được may mắn triệu lần hơn, vì ngay từ lúc ấu thơ, sau khi chào đời chẳng bao lâu, chúng ta có thể nhìn thấy khuôn mặt thân yêu của cha mẹ anh chị em họ hàng, thấy được bầu trời huy hoàng rực rỡ, thấy được muôn kỳ quan rất tuyệt vời trong vũ trụ…
Bên cạnh hồng phúc nầy, chúng ta còn được hạnh phúc lớn hơn, đó là được Chúa khai mở con mắt tâm hồn để nhận biết có một người Cha đầy quyền năng và rất nhân từ hằng yêu thương ta là Thiên Chúa Cha; nhận biết Chúa Giêsu là Đấng yêu thương ta đến nỗi gánh lấy tội lỗi và nộp mình chịu chết thay cho ta, nhờ đó, chúng ta được thoát khỏi án phạt đời đời và được lên thiên đàng vinh hiển; nhận biết Chúa Thánh Thần là Thầy dạy tuyệt vời ban tặng cho chúng ta những điều khôn ngoan Ngài mang từ trời xuống; nhận biết mình có quê thật là thiên đàng mà Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta từ thuở tạo thiên lập địa…

Được Chúa Cha mở mắt cho thấy những sự thật tuyệt vời nầy là một hồng ân vô cùng lớn lao, không gì sánh được.
Chúa Giêsu cho rằng đây là hồng phúc rất cao quý mà ngay cả những vị ngôn sứ vĩ đại thời xưa như Isaia, Êlia, Giêrêmia… hay các vị vua danh tiếng như Đavít, Salômon… cũng không nhận được. Ngài nói: “Phúc thay mắt nào được thấy những điều các con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều vị ngôn sứ và vua chúa đã muốn thấy những điều các con thấy, mà chẳng được thấy, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe” (Lc 10, 24).

Hồng ân nầy lớn lao đến nỗi Chúa Giêsu tỏ ra hân hoan vui sướng và cất lời tạ ơn Chúa Cha đã ưu ái ban tặng cho chúng ta. Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều nầy, nhưng đã tỏ cho những người bé mọn” (Lc 10, 21).

Lạy Chúa Giêsu. Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con đôi mắt phần xác để nhìn ngắm những điều kỳ diệu trên đời và nhất là Chúa đã rộng thương mở mắt tâm hồn để chúng con nhận biết những sự thật tuyệt vời về Thiên Chúa, về cuộc sống đời sau.
Xin cho chúng con sống xứng đáng với hồng ân Chúa ban và cố gắng dẫn đưa nhiều người đến với Chúa để họ cũng được Chúa ban cho diễm phúc nầy. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

——————————————

 

Ánh Sáng Niềm Tin
CN XXX TN-B – (Mc 10, 46 – 52)

Thiên Chúa xót thương thật nhiệm mầu

Tình yêu trắc ẩn rất thâm sâu

Khai thông nguồn sáng người tăm tối

mở lối hiệp thông kẻ khổ sầu

Ánh sáng Tin Mừng ban hạnh phúc

Hồng ân cứu độ xóa thương đau

Niềm tin đốt cháy hồn khao khát

Diện kiến Thánh Nhan phút nguyện cầu.

Hạt Nắng

————————————————

 

Đức Tin Bừng Sáng
CN XXX TN-B – (Mc 10, 46 – 52)

Lòng nhân ái Chúa bao la diệu vợi,
xót thương người, làm vơi bớt thương đau.
Giữa đám đông hỗn độn, lấn chen nhau,
vẫn nghe tiếng kêu cầu đầy khốn khổ.

Tiếng kêu van của con người bé nhỏ,
bên vệ đường muốn thổ lộ cầu xin.
Chúa động lòng trắc ẩn nhói con tim,
cử chỉ ưu ái, thân tình, gọi anh đến.

Chúa nhìn anh, ánh mắt đầy âu yếm,
sưởi ấm hồn anh bằng tình mến nồng nàn.
Hy vọng đong đầy, bóng tối được xua tan,
mắt anh bừng sáng lòng ngập tràn hạnh phúc.
***
Bừng sáng niềm tin, tiếng tình yêu thôi thúc,
đi theo Ngài, lòng vang khúc tri ân.
Bởi anh tin “Con Vua Đavít” giáng trần,
đem ánh sáng, ban hồng ân cứu độ.

Chính vì tin, anh vượt rào thách đố,
bị cản ngăn, anh càng cố kêu to.
Như người sang sông sợ lỡ mất chuyến đò,
cơ hội quý báu không để đò rời bến.

Chính vì tin, nhạc lòng anh lên tiếng,
chạm tình trời, cùng hòa quyện đan xen.
Ánh sáng niềm tin, xua tan hết đêm đen,
lòng thương xót của Chúa là ngọn đèn soi chân lý.
***
Bóng tối đời con, Chúa ơi, đầy khổ lụy,
bởi con chưa đặt hy vọng nơi Ngài.
Mệt mỏi, chán chường, sợ bão tố, chông gai,
niềm tin lạc hướng, vết trượt dài, vô vọng.
Bởi mù quáng, thuyền đời con dậy sóng,
không biết ngợi khen kỳ công Chúa tạo thành.
Không nhận biết mình, phận yếu đuối mong manh,
không nhận ra Chúa đang đồng hành nâng đỡ.

Bởi mù quáng, tâm hồn con đau khổ,
chẳng biệt phân chính lộ với đường tà.
Không chịu khử trừ những phù phiếm, vinh hoa,
song hành thiện ác, sống mù lòa tăm tối.

Xin thương xót con Chúa ơi! Thứ tha bao lầm lỗi,
xin hãy chữa lành, xua tan bóng tối tâm linh.
Xin mở mắt con, nhận ra ánh sáng phục sinh,
hồn tín thác, tiếp bước hành trình thập giá.

Đức tin bừng sáng, tin Chúa là tất cả,
là ánh sáng soi đường, là Bóng Cả đời con.

Bâng Khuâng Chiều Tím

———————————————-

 

Lời Ca Tri Ân
CN XXX TN-B – (Mc 10, 46 – 52)

Thiên nhiên hiền hòa, hũng vĩ, nguy nga,
vũ trụ bao la, Cha đã tác thành.
Trăng thanh diệu huyền, mặt trời nắng lên,
biển rộng sóng yên, trong tình Cha âu yếm.

Con tim mù lòa, gian dối điêu ngoa,
vong phụ ơn Cha, tác sinh muôn loài.
Bao năm miệt mài, lạc loài bất trung,
nỗi đau tận cùng, mù quáng tìm vinh hoa.

Xin khoan dung, Cha ơi, đứa con bạc tình,
con nguyên xin, ơn Cha, chữa lành đôi mắt.
Để nhìn thấy Sự Thật, nhìn thấy nguồn ánh sáng,
niềm tin yêu ngập tràn, được chiêm ngắm tình Cha.

Bao năm qua, con như đóa hoa vệ đường,
mong hạt sương trời cao, nắng hồng sưởi ấm.
Tình Cha vẫn lặng thầm, trào tuôn nguồn sức sống,
tình Cha như biển rộng, đã chữa lành đời con.

Tin yêu vào đời, đôi mắt trinh trong,
khát vọng chờ mong, đức tin sáng ngời.
Yêu thương gọi mời, rộn ràng bước chân,
chứng nhân Tin Mừng, xin đáp lời tri ân.

M. Madalena Hoa Ngâu

———————————————–

 

Xin Cho Con Được Sáng
CN XXX TN-B – (Mc 10, 46 – 52)

Tháng năm lạc loài, bóng tối u mê,
cơn say sưa tình trường ham danh vọng trần thế.
Não nề từng bước lê thê, tâm hồn mây mù giăng lối,
chơi vơi giữa đời, con tim bồi hồi,
như loài hoa dại bên đường khao khát hạt sương.

Nắng mai tươi hồng, ấm áp hừng đông,
cơn mưa trên ruộng đồng, tươi xanh mầm non mới.
Tình trời đổ xuống dương gian, cho đời suối nguồn ánh sáng,
vô tâm bội tình, vong ân đắm chìm,
đời con, sỏi đá vệ đường đói khát tình thương.

Xin cho con được sáng,
tan u mê mù quáng,
xin cho con nhìn thấy,
thấy kỳ công của Ngài phủ xuống trên trần gian. Chúa ơi!
Xin khoan dung lầm lỗi,
tan mây đen phủ lối,
xin tri ân đền đáp,
Lòng thương xót của Ngài phủ xuống trên đời con. Chúa ơi!

Bước theo chân Ngài, thư thái bình an,
con tim yêu dâng tràn, Cha quan phòng nhân ái.
Đường đời dù lắm chông gai, lời Ngài soi đường nhân chứng,
sống theo Tin Mừng, tha nhân tương phùng,
dìu nhau, vững bước đoạn trường về bến tình thương.

Nắng Sài Gòn

———————————————

 

Bóng Tối Đời Con
CN XXX TN-B – (Mc 10, 46 – 52)

Lạy Chúa:
Con sáng mắt hay là đang tăm tối,
không mở lòng để nhận thấy tình yêu.
Tính tỵ hiềm, lòng ích kỷ, tự kiêu,
thành rào cản,
ngăn chặn bao tâm hồn khốn khổ,
mong quay về cùng Thiên Chúa.

Bóng tối đời con là ham mê tiền của,
khát vọng chức quyền, lòng ham hố gian tham.
Thích được tung hô, được chào hỏi giữa đàng,
đi theo Chúa,
nhưng lòng còn say mê trần thế.

Bóng tối đời con là kiếm mưu tìm kế,
triệt hạ anh em để chọn chỗ tốt lành.
Gieo oán thù để kiếm chút lợi danh,
gây ngờ vực mong trèo cao danh vọng.

Lời Chúa hôm nay khiến hồn con dao động,
người hành khất vệ đường còn sáng mắt hơn con.
Lòng tin của anh chuyển động cả núi non,
Nhận ra Chúa,
anh gào thét,
van xin lòng thương xót.

Mắt anh mù nhưng tình anh dịu ngọt,
đặt trót niềm tin nơi tình Chúa cao vời.
Dù bị cản đường,
bị dọa nạt,
bị ngăn cấm khắp nơi,
anh vẫn mạnh mẽ tuyên xưng,
Chúa chính là Nguồn Thương Xót.

Batimê – Anh đã dạy tôi bài học,
biết cậy trông vào lòng Chúa nhân từ.
Biết biệt phân xấu, tốt, thực, hư,
đến với nguồn sáng để đẩy lùi đêm tối.

Lạy Chúa!
Con chạy đến Chúa để xua tan tăm tối,
Lòng Thương Xót của Ngài,
là ánh sáng soi lối bước con đi.

A.P Mặc Trầm Cung