“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 9, 30 – 37)
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Nền Văn Minh Mới ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Người Lớn Hơn Cả Là Ai? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Chúa Đang Kêu Mời Tôi Phục Vụ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Hai Cách Đánh Giá Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Lãnh Đạo Hạt Nắng Trg 9
Gương Tự Hạ Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Đường Chúa Đi M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Tự Nguyện Nắng Sài Gòn Trg 13
Gương Phục Vụ A.P Mặc Trầm Cung Trg 14
————————————-
Nền Văn Minh Mới
Vào năm 2000, hàng tỷ người trên thế giới say mê theo dõi những cuộc tranh tài giữa các vận động viên hàng đầu của hành tinh trong Đại hội Olympic Sydney. Điểm đặc biệt của Olympic cuối cùng của thiên niên kỷ này là có sự tham dự của các vận động viên phụ nữ. Đây là một điểm son không của riêng Olympic mà của cả nhân loại. Điều đó chứng tỏ phụ nữ đang được trân trọng. Càng ngày vị trí của người phụ nữ càng được nâng cao. Nữ giới đang đi vào bình đẳng với nam giới trên hầu hết mọi lãnh vực. Thế giới đang đi vào một nền văn minh mới mà Đức Giêsu tha thiết truyền dạy cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thời xa xưa, khi còn sống hoang dã, con người ta đối xử với nhau thật tàn nhẫn. Người ta tranh giành thực phẩm. Người ta tranh chấp đất đai. Tất cả đều theo định luật cạnh tranh sinh tồn. Trong cuộc cạnh tranh thì dĩ nhiên mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé.
Khi con người đã biết tổ chức thành xã hội, sự cạnh tranh được định chế hóa trong giai cấp, quyền chức. Người có quyền có chức bao giờ cũng được lợi. Người dân đen thấp cổ bé miệng bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Người nghèo không được có tiếng nói. Chính vì thế, ai cũng cố gắng vượt lên trên người khác hoặc bằng tiền bạc hoặc bằng chức quyền. Ai cũng muốn làm người đứng đầu. Ai cũng muốn làm lớn. Vì thế luôn luôn có sự cạnh tranh ngôi thứ. Trong cuộc cạnh tranh, người ta nhìn nhau như đối thủ cần phải chà đạp, cần phải loại trừ.
Hôm nay, khi thấy các môn đệ có dấu hiệu ham hố chức quyền, cạnh tranh ngôi thứ, Đức Giêsu đã nhân cơ hội dạy cho các ông biết tinh thần mới mà người môn đệ trong Nước Thiên Chúa phải có. Đó là: “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”.
Đây thật là một cuộc cách mạng. Vị trí trong xã hội bị đảo lộn. Người đứng đầu không còn phải để ra lệnh, nhưng để phục vụ. Người làm lớn không còn ăn trên ngồi trốc, nhưng chọn chỗ hèn mọn nhất. Người bé nhỏ nhất trở nên người lớn nhất. Người yếu đuối nhất trở nên người được trọng vọng nhất.
Đây là một cuộc cách mạng không đổ máu. Vì người đứng đầu trở thành người phục vụ không phải vì ép buộc nhưng do tự nguyện. Vì người làm lớn xuống chỗ hèn mọn nhất không buồn sầu nhưng trong niềm vui. Thế giới biến đổi không do những đấu tranh giành quyền lợi, nhưng do người có quyền tự nguyện từ bỏ đặc quyền đặc lợi.
Với lời dạy dỗ ấy, Đức Giêsu đã mở ra một nền văn minh mới. Trong nền văn minh mới này, người ta không còn nhìn nhau như những đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh. Người ta nhìn nhau như những người anh em phải yêu thương nâng đỡ. Sẽ không còn tranh giành. Sẽ không còn xâu xé, chà đạp nhau. Sẽ chỉ có yêu thương. Sẽ chỉ có quan tâm nâng đỡ. Người mạnh sẽ quan tâm dắt dìu người yếu. Người lớn sẽ cúi xuống bồng bế người bé. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.
Để làm gương cho ta, chính Đức Giêsu đã tự hạ mình trước. Là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời. Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Đức Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.
Người đã hóa thân làm một con người bé nhỏ, nghèo túng, hèn yếu nhất. Để từ nay, ai đón tiếp một người bé nhỏ nhất là đón tiếp chính Người. Ai giúp đỡ một người yếu hèn nhất là giúp đỡ chính Người. Ai yêu mến một người nghèo túng nhất là yêu mến chính Người.
Với sự hạ mình của Người, số phận con người từ nay thay đổi tận gốc rễ. Người bé nhỏ trở thành đối tượng được quan tâm phục vụ. Người yếu đuối được nâng niu chăm sóc. Người nghèo hèn được kính trọng yêu thương. Vì họ đã trở thành hình ảnh của chính Thiên Chúa.
Từ nay, nhân loại đi vào một nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương. Nhân loại không còn tranh chấp nhau, nhưng trở nên anh em đoàn kết thương yêu nhau. Sức khỏe, của cải, chức quyền không phải là những phương tiện để chà đạp, nhưng là những phương tiện phục vụ. Lãnh đạo không còn là một quyền lợi, nhưng trở thành một nhiệm vụ nặng nề vì phải quan tâm phục vụ mọi người.
Suy gẫm Lời Chúa dạy hôm nay hẳn phải khiến ta giật mình lo lắng. Không những ta không đi vào con đường Chúa đã vạch ra, mà rất nhiều khi còn chống lại Lời Chúa dạy bảo. Ta vẫn nuôi những tham vọng thống trị người khác. Ta vẫn muốn chiếm giữ những địa vị quan trọng. Ta vẫn coi thường những người bé nhỏ, hèn yếu. Ta đang đi ngược trở lại thời tiền sử. Ta đang đi ngược lại con đường Chúa đã đi.
Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy trở lại con đường của Chúa. Hãy tự nguyện trở thành người bé nhỏ khiêm nhường. Hãy biết nâng dậy những số phận hẩm hiu. Hãy biết kính trọng những mảnh đời nghiệt ngã. Hãy góp phần xây dựng nền văn minh mới, trong đó những người yếu đuối như phụ nữ và trẻ em được quan tâm và được kính trọng.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Ngày nay, trẻ em phụ nữ, những người bệnh tật được quan tâm hơn ngày xưa. Bạn có thấy đó là dấu hiệu Lời Chúa dạy đang được thực hiện không?
2) Tại sao Chúa Giêsu sinh làm một người bé nhỏ, nghèo hèn?
3) Tại sao con người không nên tranh chấp nhau nhưng phải yêu thương phục vụ nhau?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
————————————————-
Người Lớn Hơn Cả Là Ai?
Thời gian gần đây tôi thường hay phải đi bệnh viện. Những ngày sống trong đó, như bao bệnh nhân khác, tôi đúng là yếu đuối và hoàn toàn lệ thuộc vào sự giúp đỡ của các điều dưỡng, y tá, bác sĩ và những người thân phục vụ… Dưới con mắt của xã hội bệnh viện, tôi đột nhiên biến thành một người rốt hết và yếu hèn nhất. Chính trong bối cảnh đó, cuộc cãi vã giữa các môn đệ khi đi đường ‘xem ai là người lớn hơn cả’, cùng với các ý tưởng Đức Giêsu đã dùng để giải trình vấn nạn đó, đã chiếu một luồng sáng rất mới và rất Tin Mừng vào suy nghĩ của tôi về, thế nào là giá trị đích thực của kiếp sống con người, không những của con người nhân loại mà còn cả của chính Thiên Chúa nữa.
Khi Đức Giêsu cố gắng giải thích cho các môn đệ hiểu rằng, sự vĩ đại đích thực của Thiên Chúa chính là lúc ‘Con Người bị nộp vào tay người đời…’, các ông đã không tài nào nắm bắt được. Cái lô-gích này là hoàn toàn vô lý; làm sao sự khôn ngoan của một Đức Chúa vĩ đại và cao cả lại có thể biểu lộ qua sự thấp hèn và yếu đuối được? Nghịch lý lớn tới độ các môn đệ đâm ra hoảng sợ ‘không dám hỏi lại Người’, và cũng không dám, không muốn tin rằng điều đó thực sự có thể xảy ra (xem Mt 16:21-23).
Kitô hữu chúng ta ngày nay cũng thế! Ngay cả khi đã biết tường tận về biến cố Thập Giá và Phục Sinh, chúng ta vẫn luôn có khuynh hướng tách hai biến cố này rời khỏi nhau. Thập giá thường được coi chỉ là giai đoạn tạm bợ để Đức Kitô có thể đạt tới vinh quang đích thực; và vinh quang này chỉ có khi Người sống lại và lên trời vinh hiển. Ngược hẳn với quan niệm đó, khi đề cập tới giờ tử nạn sắp xảy ra, Đức Giêsu đã có suy nghĩ hoàn toàn khác; Người gọi đó chính là thời điểm (Kairos) mà Con Người được tôn vinh; “Giờ đây Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13:31-32). Như vậy, theo Đức Giêsu, chính trong cái chết thập giá nhuốc khổ mà Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang vĩ đại nhất của mình, vinh quang của một thứ tình yêu tự hiến và xót thương; Phục Sinh chỉ là dấu ấn của vinh quang đó, chứ không phải là cùng đích của nó. Có lẽ chính vì thế mà, khi tường thuật về các biến cố phục sinh, cả bốn sách Tin Mừng đã không hề có một lời mô tả nào về Đức Kitô sống lại (kể cả việc Người lên trời vinh hiển, như chúng ta quen nói) như một nhân vật vinh quang khải hoàn đầy uy quyền thống trị.
Vì không vào được tư tưởng của Đức Giêsu nên ít ai trong chúng ta có thể hiểu ra rằng, người ‘đứng đầu’ hay ‘làm lớn nhất’ lại phải chính là người ‘rốt hết’, là người cúi mình xuống ‘phục vụ’. Để dễ chập nhận cách lô-gích hơn, chúng ta thường lập luận như sau: để được làm lớn, trước hết ta phải cam lòng phục vụ mọi người, đó là lối sử thế khôn ngoan phổ biến mà dân gian gọi là ‘chịu đấm ăn sôi’, hay ‘luồn cúi cầu vinh’. Chắc hẳn Đức Giêsu đã không suy nghĩ theo thói khôn ngoan người đời như thế (‘cam lòng chịu chết’ ‘Per Crucem ad Lucem’ như chúng ta vẫn quen nói). Tông đồ Phaolô, một khi đã hiểu biết được phần nào Đức Kitô, đã phải lên tiếng giải thích điều nghịch lý này như sau: “Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1:25). Ông khẳng định, khi Đức Giêsu tuyên bố: ‘người đứng đầu phải là kẻ rốt hết, người lớn nhất phải là kẻ phục vụ’, Người đang đưa ra một định luật tuyệt đối cách mạng. Đây không thể là một lý luận tầm thường, mà chính là mạc khải về giá trị đích thực của Thiên Chúa trước hết, rồi sau đó của mỗi môn đệ Kitô chúng ta theo chuẩn mực Tin Mừng.
Rồi khi Đức Giêsu ‘đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó…’ người không chỉ đơn thuần có ý khuyên các môn đệ hãy phục vụ trẻ nhỏ, hạng người được coi là rốt hết trong xã hội Do Thái. Tác giả Matthêu trong đoạn song hành đã cho thấy, hàm ý của Người còn thâm sâu hơn nhiều; “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông, và bảo: Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Tròi… Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất Nước Trời” (Mt 18:1-4). Vậy thì ai phục vụ một trẻ nhỏ hay một kẻ nghèo hèn thì không chỉ phục vụ một Đức Kitô uy quyền tạm ẩn dấu dưới hình hài hèn hạ, mà là phục vụ một Đức Kitô thực sự vinh quang trong sự bé nhỏ, nghèo hèn và tự hủy. Qua việc phục vụ đó, họ đang tham dự vào sự vĩ đại cao sang nhất của Thiên Chúa xót thương và tự hiến; vì đối với một Thiên Chúa cứu độ và tự hiến thì vinh quang lớn nhất chính là lúc Người trở nên rốt hết và cúi xuống phục vụ mọi người.
Trong bài ca Ngợi Khen (Magnificat), đức Maria một khi nhìn nhận phận hèn của mình thì đồng thời cũng khám phá ra sự cao cả vĩ đại vô song của kiếp sống mình. Mẹ là người đầu tiên đã nhận thức được, sự cao cả của Thiên Chúa luôn đối nghịch với những gì là ‘biểu dương sức mạnh, quyền thế, giầu có…’, và gần gũi hơn với những gì là ‘khiêm nhu, nghèo đói, thấp kém…’ Lý do duy nhất được đưa ra là, chỉ vì Người là đấng giầu lòng xót thương (Lc 1:46-55). Phaolô cũng nhìn nhận sức mạnh của mình nằm trong chính sự yếu đuối mình cảm nghiệm, “Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”, tới độ ông còn vui mừng khi phát hiện ra rằng mình yếu đuối, “tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi” (2 Cr 12:9-10). Khi các ngài khảng định như vậy chắc hẳn phải dựa trên một nguyên lý hiện sinh vững chắc lắm, chứ không chỉ trên một thái độ khiêm cung nhất thời.
Là linh mục của Chúa Kitô Thập Giá, mỗi lần cử hành Thánh Lễ, tôi luôn được nhắc nhở rằng, Thiên Chúa là Đấng cao sang và vĩ đại nhất chính vì Người đã cúi xuống, tự hủy và trở nên rốt hết! Tư tưởng này phải là định hướng cho toàn bộ đời sống thiêng liêng và họat động mục vụ của tôi.
Lạy Thiên Chúa bé nhỏ và mọn hèn! Chỉ khi nào nghiệm thấy được lòng nhân ái và dịu hiền của Chúa, con mới thấu hiểu được thế nào là vĩ đại và vinh quang đích thực, và cũng chỉ khi đó con mới có thể khảng định rằng, mình đã thực sự hiểu biết về Thiên Chúa. Xin cảm tạ Chúa đã ban cho con ơn gọi Kitô hữu để con có thể khám phá ra sự khôn ngoan này. Xin cho con tiếp tục tiến bước trên con đường Tin Mừng phong phú dường bao, khác xa với lối sống tự nhiên của loài người, kể cả những người tốt lành thánh thiện nhất. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
—————————————————
Chúa Đang Kêu Mời Tôi Phục Vụ
Đại dịch Covid của Việt Nam đã kéo dài hơn 3 tháng khiến cho mọi người đều mỏi mệt. Căng thẳng và mỏi mệt nhất vẫn là các bác sỹ và nhân viên y tế phục vụ cho các bệnh nhân Covid. Nhiều người cũng nhiễm bệnh. Nhiều người xin nghỉ vì mệt mỏi, căng thẳng mà người nhiễm bệnh ngày một gia tăng, khiến nhân viên phục vụ tuyến đầu đang thiếu hụt trầm trọng.
Chính Phủ mời gọi các tôn giáo tham gia thiện nguyện để phục vụ cho các bệnh nhân. Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội nhiều tấm lòng dám hy sinh phục vụ mà không nề quản gian nan. Riêng Giáo phận Xuân Lộc đã có 4 đợt thiện nguyện trong đó có linh mục, có tu sỹ, đặc biệt là có cả các nam thanh nữ tú đã đáp lời mời gọi của Đức Cha giáo phận để vì Chúa mà phuc vụ anh em.
Có bạn trẻ hỏi tôi rằng: “chúng con đi như vậy có nguy hiểm tính mạng không?” . Tôi trả lời rằng: đừng vội hỏi có nguy hiểm tính mạng, mà phải hỏi là trong đại dịch này có cần tôi tham gia để phục vụ hay không? Nếu bạn cảm thấy Chúa đang cần bạn đi đến những nơi đó vì đang thiếu người phục vụ thì hãy quảng đại dấn thân. Nguy hiểm thì ở đâu cũng có thể xảy đến. Nhưng nếu mình cẩn thận và với sự cầu nguyện để xin ơn Chúa phù hộ thì mọi sự sẽ vượt qua. Hãy để Chúa lo liệu cho bạn, còn bạn hãy bước theo tiếng Chúa đang mời gọi.
Hôm nay, Chúa Giêsu bảo người môn đệ của Chúa cần phải có tinh thần phục vụ. Càng làm lớn càng phục vụ. Phục vụ mọi phận người, nhất là những người nhỏ bé trong xã hội. Họ là những người nghèo, người già yếu, người đau bệnh không có khả năng bảo vệ mình, thì người môn đệ Chúa hãy dấn thân phục vụ cho họ. Và Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh rằng: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
Tinh thần phục vụ mà Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ là vô điều kiện, là vô vị lợi. Tinh thần ấy sẵn lòng cúi xuống phục vụ mọi hạng người cho dù đó là những người đói nghèo, bần cùng của xã hội. Họ là những phận người bé nhỏ nhất trong xã hội con người. Tinh thần ấy còn sẵn lòng đón nhận mọi khó khăn, thử thách để chu toàn sứ vụ được giao. Càng vào chỗ khó khăn càng thể hiện sự hy sinh và lòng quảng đại của người môn đệ Chúa.
Xin cho chúng ta luôn bé nhỏ để Chúa được lớn lên trong chúng ta. Chỉ khi nhận ra mình bé nhỏ thì mới dễ dàng cúi xuống phục vụ tha nhân. Xin đừng tìm kiếm hư danh trong phục vụ mà hãy tìm kiếm vinh danh Chúa qua phục vụ, có như thế chúng ta biết sẵn lòng hy sinh đểphục vụ lợi ích cho tha nhân. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————————
Hai Cách Đánh Giá
Có hai vợ chồng cùng đi mua bàn ghế để trang bị nội thất cho ngôi nhà mới xây. Người vợ thì thích sắm những đồ mộc thuộc nhóm gỗ kém, nhưng có phủ lớp sơn láng bóng, đẹp mắt; còn người chồng thì muốn chọn loại bàn ghế đóng bằng gỗ quý, chẳng sơn phết gì vì cho rằng “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” Việc mua sắm bất thành vì mỗi người có một thị hiếu khác nhau, một cách đánh giá khác nhau.
Khi nhận định về giá trị con người cũng vậy, người ta cũng có những cách đánh giá khác nhau, dựa vào những tiêu chí khác nhau.
Cách đánh giá của người đời
Người đời đánh giá con người chiếu theo lớp sơn hào nhoáng bên ngoài.
Lớp sơn thứ nhất là sắc đẹp.
Một số người đánh giá con người tùy theo sắc đẹp ngoại hình. Thần tượng của họ là những ngôi sao điện ảnh, là hoa hậu, là những ca sĩ ăn mặc lố lăng hoặc người mẫu đang ăn khách… Điều nầy khiến khá đông bạn trẻ xem nhẹ việc trau dồi nhân cách, không màng phát huy đạo đức, không lo trau dồi kiến thức hay học tập mà chỉ tìm cách chưng diện, đua đòi y phục hợp thời trang…
Lớp sơn thứ hai là sang trọng, giàu có.
Lắm người đánh giá con người tùy theo tiền bạc, tài sản. Thần tượng của họ là những đại gia nghìn tỷ. Điều nầy thúc đẩy người ta đua tranh làm giàu bất chính, cố tậu cho mình những siêu xe sang trọng, xây cho mình những biệt thự xa hoa hoặc sở hữu những ngôi nhà hoành tráng, những đồ trang sức xa xỉ mắc tiền…
Lớp sơn thứ ba là địa vị xã hội.
Nhiều người cho rằng giá trị con người nằm ở địa vị cao, nên cần phải phấn đấu để đạt được ghế cao trong xã hội.
Ngay cả các môn đệ Chúa Giêsu cũng mang não trạng nầy.
Tin Mừng hôm nay cho biết, hôm ấy, các môn đệ vừa đi đường vừa tranh luận với nhau xem giữa các ông, ai là người lớn nhất (Mc 9, 34).
Ngay cả khi các tông đồ cùng Chúa Giêsu ăn tiệc Vượt Qua trước khi Ngài nộp mình chịu chết, các vị “cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất” (Lc 22,24)
Và cũng có lần hai môn đệ Gioan và Giacôbê cùng với mẹ mình đến xin Chúa Giêsu cho ngồi bên tả bên hữu Chúa khi đến thời Ngài được hiển vinh (Mt 20, 20-24; Mc 10, 35-37).
Cách đánh giá của Thiên Chúa
Chúa Giêsu đánh giá tùy vào tinh thần hy sinh phục vụ.
Chúa Giêsu phản đối não trạng đánh giá con người dựa vào lớp sơn hào nhoáng bên ngoài. Ngài đánh giá con người không tùy thuộc vào vẻ đẹp ngoại hình, vào tiền tài của cải, vào ghế thấp ghế cao trong xã hội… nhưng đánh giá con người tùy theo tinh thần hy sinh, phục vụ của mỗi người.
Hôm ấy, sau khi Chúa Giêsu nghe các môn đệ vừa đi đường vừa tranh cãi với nhau xem giữa các ông, ai là người lớn nhất, thì về đến nhà, Ngài gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người (Mc 9,35).
Và trong Tin mừng Luca, sau khi nghe các môn đệ tranh cãi với nhau về điều nầy, Chúa Giêsu bảo các ông: “Vua các dân thì dùng uy quyền mà thống trị dân… nhưng anh em thì không phải như thế; trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ nhất và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22, 25).
Qua những lời nầy, Chúa Giêsu tỏ cho thấy giá trị con người được nâng cao khi người ta biết hạ mình phục vụ mọi người.
Nên theo cách đánh giá của ai?
Lối đánh giá con người dựa vào những lớp sơn hào nhoáng bên ngoài gây ra hậu quả tai hại là khuyến khích nhiều người tìm cách đánh bóng mình bằng những lớp sơn phù phiếm, tạo ra những con người thiếu phẩm chất cao đẹp, nghèo đạo đức…
Còn cách đánh giá dựa vào tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu sẽ khích lệ con người sống khiêm tốn, biết hy sinh quên mình để giúp ích cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu. Từ bỏ cách đánh giá dựa theo lớp sơn bên ngoài để biết đánh giá con người theo tinh thần hạ mình phục vụ là điều rất khó.
Xin Chúa ban thêm khôn ngoan và soi tâm mở trí, để chúng con biết nhận ra giá trị con người không tùy thuộc vào lớp vỏ bên ngoài nhưng tùy vào lối sống hy sinh, phục vụ và biết thể hiện nếp sống nầy trong cuộc đời chúng con. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————————-
Lãnh Đạo
CN XXV TN-B – (Mc 9, 30 – 37)
Vai trò lãnh đạo sống yêu thương
Tự hạ, khiêm nhu biết nhịn nhường
Nâng vực, quan tâm đời nghiệt ngã
Chở che, giúp đỡ cảnh tai ương
Hy sinh dâng hiến dù gian khó
Phục vụ dấn thân dẫu đoạn trường
Tiếp nối tình ca đường thập giá
Theo Thầy Chí Thánh đã nêu gương.
Hạt Nắng
———————————————
Gương Tự Hạ
CN XXV TN-B – (Mc 9, 30 – 37)
Dẫu là Thiên Chúa đã hủy mình, tự hạ,
sống kiếp phàm nhân, yêu phẩm giá con người.
Nên túng nghèo, yếu đuối kiếp nổi trôi,
khiêm nhường phục vụ, sống vâng lời thánh ý.
Dẫu là lãnh đạo không dùng quyền thống trị,
cúi xuống rửa chân thực thi phận bầy tôi.
Thấp bé, mọn hèn, lòng yêu mến khôn nguôi,
con tim dâng hiến cho tình đời ấm áp.
Bị bắt bớ, bị thế nhân xử bạc,
chịu nhục hình, bị khạc nhổ, rẻ khinh.
Không trách hờn chịu nhẫn nhục, hy sinh,
hy lễ thập giá là giờ khắc tôn vinh Thiên Chúa.
***
Sống giữa đời trò ganh đua, kèn cựa,
đã bao phen con chọn lựa hơn – thua.
Tính cách dối gian tạo phe cánh vào hùa,
luồn cúi cầu vinh theo nắng mưa thời tiết.
Sợ mất uy danh, sợ bị nhiều thua thiệt,
xuyên tạc, đặt điều nhằm triệt hạ đối phương.
Ham danh vọng, chức quyền, lập mưu kế, dò đường,
chà đạp nhân phẩm con dẻo mồm tâng bốc.
Tham, sân, si thích “ăn trên ngồi trốc”,
thích an thân, thích bổng lộc vinh hoa.
Trong bóng đêm con theo lối gian tà,
vô ơn, bạc nghĩa sống sa đà tội lỗi.
***
Chúa hiến thân ban hồng ân cứu rỗi,
cứu chuộc con, Ngài gánh tội đền thay.
Đường tình yêu trái tim Chúa tỏ bày,
hy sinh phục vụ để đong đầy hạnh phúc.
Sống tự hạ đâu phải là khổ nhục,
sống túng nghèo đâu khuấy đục lương tri.
Sống vâng phục theo thánh ý thực thi,
là tiếp bước theo đường đi của Chúa.
Xin thánh hóa tâm hồn con nhầy nhụa,
thanh tẩy con bằng ngọn lửa tình yêu.
Sống khiêm nhường loại bỏ tính tự kiêu,
yêu thương phục vụ tâm hồn nên nhỏ bé.
Tình yêu tự hiến giữa dòng đời nhân thế,
sống kiếp mọn hèn làm của lễ dâng Cha.
Bâng Khuâng Chiều Tím
———————————————
Đường Chúa Đi
CN XXV TN-B – (Mc 9, 30 – 37)
Con đường Chúa đi,
đường tình yêu dâng hiến thân mình.
Con đường hy sinh,
sống quên mình, phục vụ nhân ái.
Dù đường chông gai,
dẫu nhục nhằn nặng trĩu đôi vai.
Bước chân kiên cường,
đem chân lý gieo rắc tình thương.
Con đường thế gian,
đường ganh đua thăng chức, uy quyền.
Tư lợi, tình riêng,
sống tranh giành bổng lộc, danh giá.
Tham vọng, vinh hoa,
ham đặc quyền giả dối lương tâm.
Mưu toan ngấm ngầm,
nhân phẩm mất, tâm hồn tối tăm.
Con đường Chúa đã đi qua,
là đường đón nhận thập giá.
Đường nở hoa – hiến lễ hy sinh,
đường vị tha – hữu ích tâm linh,
sống khó nghèo, mọn hèn, không tranh chấp.
Đường khổ đau – hiệp nhất yêu thương,
đường phong sương – nâng đỡ tương thân,
trái tim hồng, hiến tặng cho thế nhân.
Theo đường Chúa đi,
cùng chung vai sánh bước đồng hành.
Chân thành đồng tâm,
sống Tin Mừng, an hòa, công chính.
Phục vụ, hy sinh,
sống khiêm nhường, tín thác, bình an.
Trái tim nồng nàn,
tôn vinh Chúa, xóa tội trần gian.
M. Madalena Hoa Ngâu
———————————————–
Tự Nguyện
CN XXV TN-B – (Mc 9, 30 – 37)
Ngài đã hóa thân sống kiếp phàm trần,
Ngài đã hóa thân phận người yếu đuối.
Tình yêu thôi thúc gọi mời,
xác thân mệt mỏi, rã rời.
Bước chân phong trần khắp đường, muôn lối,
ý Cha xin vâng, tự nguyện tình yêu hiến dâng.
Cuộc đời khổ đau nước mắt tủi sầu,
Tình đời bể dâu tranh giành, xâu xé.
Phù vân trần thế mọc mời,
xót xa, mật đắng tình đời.
Thế nhân bất hòa, chán chường, nghiệt ngã,
tim con tái tê, ngụp lặn giữa vòng u mê.
Ôi! Tâm trí con dại khờ, đôi mắt con mù lòa,
không nhận ra hình ảnh Chúa.
Nơi những anh em, thấp bé, nghèo hèn,
đang lang thang trong gian nan,
đang kêu oan trong bần cùng áp bức.
Xin mở mắt tâm hồn con, xin thánh hóa thần trí con.
Để con thấy Chúa trong cuộc đời,
để con thấy Chúa nơi mọi người.
Theo gương Ngài, sống thấp hèn,
hiến thân mình, sống hy sinh,
tự hạ cúi xuống phục vụ anh em.
Dù đời đảo điên, son sắt vẹn tình,
dù đời rẻ khinh, giữ lòng khiêm tốn.
Trần gian giông tố dập dồn,
dã tâm nhân thế nhận chìm.
Chứng nhân Tin Mừng, rao truyền chân lý,
hiến thân cho đi, phục vụ, quên mình, thủy chung.
Nắng Sài Gòn
———————————————–
Gương Phục Vụ
CN XXV TN-B – (Mc 9, 30 – 37)
Thương nhân loại đường đời gian khổ,
Chúa làm người cứu độ trần gian.
Hóa thân kiếp sống nghèo nàn,
vì yêu tự hạ sẵn sàng hiến thân.
Không ham hố chiếm phần cao trọng,
không tranh giành ôm mộng bá vương.
Trở nên nhỏ bé khiêm nhường,
quan tâm phục vụ yêu thương kiếp nghèo.
Đời bể dâu bọt bèo, vất vả,
kiếp hẩm hiu, nghiệt ngã đắng cay.
Mở lòng giang rộng đôi tay,
đỡ nâng ấp ủ đắp xây tình người.
Muốn lãnh đạo, tươi cười phục vụ,
không kiếm tìm vui thú bản thân.
Chân thành phục vụ tha nhân,
khó nghèo, bé nhỏ ân cần sẻ chia.
Trái tim Chúa ngàn tia nắng ấm,
tình yêu Ngài sâu đậm bao la.
Theo Ngài con tiếp lời ca,
quên mình phục vụ chan hòa yêu thương.
Dẫu đời một nắng hai sương …
A.P Mặc Trầm Cung