“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca ( Lc 1,39-56)
Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.
Bấy giờ Maria nói : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diêm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn ! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biêu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời”. Bà Maria ở lại với bà Eelisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Hoàn Thành Lời Hứa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Theo Đức Mẹ Lên Trời Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Phước Đức Nhờ Mẹ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Học Khiêm Nhường Với Chúa Giêsu Và Mẹ Maria Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Dáng Ngọc Hồi Cung Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 9
Nữ Vương Mông Triệu A.P Mặc Trầm Cung Trg 11
———————————–
Hoàn Thành Lời Hứa
Không ai thắc mắc gì về việc Đức Mẹ được ơn trọng lên trời cả hồn lẫn xác. Việc Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác là một kết thúc hợp lý.
Thân xác Đức Mẹ không thể hư nát, vì Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Thân xác Đức Mẹ đã sinh ra thân xác Chúa Giêsu. Theo lẽ tự nhiên, thân xác Con được phục sinh vinh hiển thì thân xác của Mẹ cũng tránh khỏi cảnh hư nát và được cùng vinh hiển với Con. Chính Chúa Giêsu rước Mẹ Người về trời.
Thân xác Đức Mẹ không thể hư nát, vì thân xác hư nát là hậu quả của tội lỗi, đặc biệt là tội tổ tông truyền. Nhưng Đức Mẹ đã được Thiên Chúa ban cho ơn vô nhiễm nguyên tội. Hoàn toàn trong sạch, nên thân xác Mẹ không phải chịu cảnh hư nát.
Đức Mẹ là Đấng đầy ơn phúc. Thiên thần Gabriel đã kính chào Đức Mẹ: “Kính chào Bà đầy ơn phúc”. Bà thánh Isave cũng chào Đức Mẹ : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ”. Và chính bản thân Đức Mẹ cũng cảm thấy mình thật có phúc nên đã ca ngợi Chúa: “Từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc”. Lên trời cả hồn lẫn xác là hưởng đầy tràn ơn phúc của Chúa.
Nếu ta coi việc Đức Mẹ được đầy tràn ơn phúc là lôgích tự nhiên, thì Đức Mẹ lại nhìn ơn phúc dưới một lôgích khác : lôgích của tình thương. Thật vậy, Đức Mẹ cảm thấy bản thân được chúc phúc, được tràn đầy ơn phúc, để muôn đời sẽ phải ca ngợi. Nhưng Đức Mẹ xác định đó không phải do công lao, do giá trị của bản thân, nhưng do lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Đó chính là ý nghĩa của bài Kinh Ca ngợi “Magnificat” mà Đức Mẹ hát lên hôm nay.
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng. Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”. Đức Mẹ hiểu biết thân phận con người hèn hạ, yếu đuối, dễ dàng sa chìm trong tội lỗi. Nhưng nay được ơn khỏi tội tổ tông, được đồng trinh trọn đời, được tránh xa tội lỗi, đó không phải là do sức riêng, nhưng do ơn Chúa cứu chuộc.
Chính bàn tay quyền năng thánh thiện của Chúa đã lật ngược tình thế, thay đổi số phận của con người. Những người được Chúa yêu thương là những người biết kính sợ Chúa. Đức Mẹ là người kính sợ Chúa nên được Chúa yêu thương. Người biết kính sợ Chúa chính là người có lòng khiêm nhường, có sự khao khát Chúa. Đức Mẹ là người khiêm nhường thẳm sâu, nên hôm nay Chúa nâng Mẹ lên đến tuyệt đỉnh khi cho Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác. Đức Mẹ đã khao khát Chúa, nên hôm nay Chúa đã cho Mẹ được đầy dư ơn phúc được no thỏa hoàn toàn khi lên trời cả hồn lẫn xác.
Và sau cùng, Đức Mẹ nhìn thấy ở nơi bản thân việc hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham sẽ độ trì con cháu đến muôn đời. Đức Mẹ là người đầu tiên trong nhân loại được thụ hưởng lời hứa đó.
– Đức Mẹ hồn xác lên trời đem đến cho ta niềm hi vọng. Mẹ lên đến đâu, con cũng sẽ được lên đến đấy.
– Đức Mẹ hồn xác lên trời đem đến cho ta niềm trông cậy. Vì Thiên Chúa đầy lòng yêu thương sẽ nhớ lời hứa cứu độ chúng ta.
– Đức Mẹ hồn xác lên trời mở ra cho ta con đường. Đó là kính sợ Chúa. Vì “Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.
– Đức Mẹ hồn xác lên trời đem đến cho ta niềm an ủi. Nếu ta đang sống trong bé nhỏ khiêm nhường, đói khát thiếu thốn, hãy an tâm. Vì “Chúa sẽ nâng cao những kẻ khiêm nhường” và “ Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư”.
Lạy Đức Mẹ, xin cho con biết noi gương khiêm nhường của Mẹ để cùng được lên trời với Mẹ.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Mơ ước về thiên đường và mơ ước trường sinh bất tử là mơ ước muôn đời của con người. Bạn nghĩ gì về mơ ước này khi mừng lễ Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác?
2. Tại sao Đức Mẹ lên trời trở thành niềm hi vọng cho ta?
3. Lên trời là do sự phấn đấu của con người hay do tình thương của Thiên Chúa?
ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
———————————————-
Theo Đức Mẹ Lên Trời
Lên Trời là lên thiên đàng. Mẹ Maria lên trời là một sự kiện đầy hân hoan. Sự kiện vui mừng này gợi lên trong chúng ta khát vọng chính chúng ta cũng được lên trời.
Nhưng, để theo Đức Mẹ lên trời, ta không thể tự mình lên được. Ta phải tuân theo chỉ dẫn của Mẹ. Chỉ dẫn của Mẹ rất đơn sơ: Hãy sống vâng phục thánh ý Chúa (Lc 1,18).
Thánh ý Chúa về ta là thế nào? Tôi thiết nghĩ: Trong một nơi đặt truyền giáo là ưu tiên như tại đây, thì thánh ý Chúa về ta là lời Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ Người, trước khi Người về trời: “Các con hãy là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
Lời truyền dạy đó phải được coi là rất cần hiện nay. Nó phải được áp dụng một cách sống động. Nghĩa là đối với mỗi người chúng ta, ai cũng phải làm chứng về Chúa tại nơi mình đang sống, trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống mình. Làm chứng cho Chúa tại nơi mình sống phải được coi như một nhiệm vụ sống còn. Vì thế tôi thường nghĩ: “Làm chứng cho Chúa” tại đây lúc này là con đường tôi phải đi, để được lên trời với Đức Mẹ.
Với ý nghĩ đó, tôi xin phép chia sẻ vài suy tư, để xét mình, nhân dịp mừng lễ Mẹ lên trời.
Làm chứng cho Chúa
Làm chứng cho Chúa là làm chứng cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu phán: “Các con hãy là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8). Làm chứng cho Chúa Giêsu là làm chứng Người là Đấng Cứu thế. Người cứu độ nhân loại bằng chịu khổ hình và sống lại. Phúc Âm ghi rõ nội dung làm chứng: “Bấy giờ Người mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh, và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính các con là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,45-48).
Chắc chắn chúng ta có làm chứng cho Chúa Giêsu theo chứng từ trên đây. Làm chứng như thế cũng đã là việc tốt. Nhưng điều tốt hơn, mà mục vụ và truyền giáo mong muốn nơi ta, là chúng ta làm chứng Chúa Giêsu đã và đang cứu độ ta, trong chính cuộc sống cụ thể của ta, một cuộc sống có vô vàn phức tạp. Hơn nữa, ta cũng làm chứng rằng: chính ta cũng đã và đang cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu độ những người xung quanh, cả đồng bào ta.
Hôm nay, nếu tôi và nhiều người khác biết sám hối, bỏ được tội lỗi, trở về đàng lành, giải quyết được nhiều vấn đề, thì chính là nhờ ơn cứu độ của Chúa, Đấng đã chịu nạn và phục sinh cho tôi và cho mọi người. Tin Mừng qui chiếu vào hiện tại, vào hôm nay, vào cuộc sống và vấn đề của chúng ta. Tôi có kinh nghiệm như vậy. Những bước đường làm chứng một cách cụ thể như thế sẽ không dễ dàng. Nhưng chúng ta sẽ thực hiện được nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần
Khi sai các tông đồ đi làm chứng, Chúa Giêsu đã hứa: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần” (Cv 1,8).
Kinh nghiệm cho tôi hiểu lời đó thế này: Chúa Giêsu cứu độ thường đến với ta qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh ấy được thể hiện nhiều cách, nhất là ơn đổi mới tâm hồn.
Chẳng hạn, trước đây có những người dễ chạy theo những thú vui hưởng thụ thế gian, thì nay họ trở thành dửng dưng với những thứ đó, để hăng say chìm đắm trong sự bình an của ơn Chúa hiện diện. Trước đây, có những tính tình rất tự phụ tự mãn, coi như đã ximăng-hoá rất vững trong chất kiêu căng, nhưng nay họ trở thành khiêm tốn nhã nhặn, từ các suy nghĩ, đến các cử chỉ thái độ và lời nói.
Các đổi mới như thế thường rất sâu xa, nhưng lại rất âm thầm. Nơi từng cá nhân, nơi cả một tập thể.
Tôi coi những đổi mới như thế là sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Nhiều khi, nhìn thấy những sự lạ lùng mà Chúa Thánh Thần đã và đang thực hiện tại đây trong các tâm hồn giữa những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, tôi có cảm tưởng công việc Ngôi Lời nhập thể vẫn đang tiếp tục. Rất lặng lẽ, rất ẩn dật, nhưng Chúa Thánh Thần đang đưa ơn cứu độ vào lịch sử từng người và từng địa phương.
Chính tôi đã cảm nghiệm được sự kiện đó. Chúa hiện diện trong đời tôi, nhất là trong những giai đoạn tăm tối nhất. Người hiện diện để ủi an, để nâng đỡ, để soi sáng, để thứ tha, để chia sẻ, để cải hoá, để thanh luyện.
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi có thể tiên đoán được sự chuyển biến tốt của lịch sử đang diễn ra âm thầm, qua những đổi mới các tâm hồn, do sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Tôi càng có lý để tin điều đó, khi nghĩ đến sự Đức Mẹ đang đồng hành với chúng ta trên đường truyền giáo.
Nhờ Mẹ Maria cầu bầu
Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ cho thánh Gioan: “Này là mẹ con” (Ga 19,26). Tôi coi lời trối quí giá đó cũng dành cho mọi người sẽ được sai đi làm chứng cho Chúa.
Xin tạm bỏ qua lý thuyết cắt nghĩa lời đó. tôi chỉ xin dựa vào kinh nghiệm. Kinh nghiệm làm chứng điều này: Đức Mẹ giữ một địa vị rất quan trọng trong việc chúng tôi làm chứng cho Chúa.
Nhiều người biết Đức Mẹ, trước khi biết Chúa. Nhiều nơi cầu nguyện với Đức Mẹ, trước khi cầu nguyện với Chúa. Đức Mẹ là nơi ẩn náu của những ai tội lỗi, là nguồn an ủi cho những ai lo buồn. Đặc biệt, Đức Mẹ là hy vọng của những ai bé nhỏ, mọn hèn.
Riêng với những người làm chứng cho Chúa, Đức Mẹ dạy cho họ cách riêng tinh thần khiêm tốn, khó nghèo. Bởi vì, để làm chứng cho Đấng cứu thế là Đấng rất khiêm tốn, khó nghèo, người ta không thể phản chứng bằng đời sống của mình trái ngược với khó nghèo khiêm tốn.
Hơn nữa, Chúa chỉ ban ơn biết làm chứng về Chúa cho những ai có tinh thần khiêm tốn. Như lời Chúa Giêsu đã nói với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Người sống bé mọn với Chúa, luôn là người sống bé mọn với Đức Mẹ và với Hội Thánh của Chúa.
Trên đây là một thoáng nhìn về con đường tôi theo Mẹ lên trời. Tôi thấy rõ tôi không đi một mình. Chúng tôi đi với nhau, trong tình hiệp thông và phấn đấu, luôn tìm vâng phục thánh ý Chúa, để làm chứng cho Đấng Cứu độ. Người là Tin Mừng cho mọi người. Loan báo Tin Mừng, sống Tin Mừng là con đường Mẹ đã đi để lên trời. Con cái Mẹ cũng theo Mẹ mà đi trên con đường đó, để về trời.
ĐGM Gioan B. Bùi Tuần
————————————————
Phước Đức Nhờ Mẹ
Không biết từ bao giờ người Việt mình hay nói “Phúc Đức tại mẫu”? Và hình như điều ấy vẫn là sự thật hiển nhiên trong cuộc sống. Nếu gia đình có người mẹ ăn ở hiền lành, thương con cháu chân thành, nhẹ nhàng, chu đáo, nhân hậu, hướng thiện, vị tha, giàu tình cảm…thì con cái sẽ được hưởng phước đức từ mẹ để biết sống tích đức cho mình và cho đời.
“Phúc Đức tại mẫu” như còn muốn nói đến một gia đình bình an, hạnh phúc, con cái thành đạt cũng nhờ cái đức của người mẹ biết xây tổ ấm như câu dân gian xưa đã nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.
Hôm nay, mừng lễ Mẹ Maria hồn xác lên trời là dịp chúng ta nhìn nhận những phước đức chúng ta có được phần lớn là nhờ phước đức của Mẹ. Lời kinh Kính Mừng chúc mừng Mẹ là Đấng đầy ơn phước đã sưởi ấm, nâng đỡ chúng ta rất nhiều trong suốt dọc dài cuộc đời. Đây là điều mà chính sứ thần đã gọi Mẹ trong ngày Mẹ nhận lời truyền tin. Mẹ Maria được đầy ơn phước là nhờ chính cuộc sống của Mẹ “hằng đẹp lòng Thiên Chúa”.
Thực vậy, Mẹ hằng đẹp lòng Chúa qua cung lòng thanh khiết không vấn vương tội lỗi, rất xứng đáng nên cung điện cho Con Chúa Trời ngự trị.
Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa khi Mẹ từ bỏ con đường riêng của mình để thưa xin vâng cho ý Chúa được thực hiện.
Mẹ hằng đẹp lòng Chúa khi Mẹ vội vã băng đồi lội suối, thăm viếng và phục vụ bà chị họ, sinh con trong lúc tuổi già.
Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa khi tiếp tục xin vâng trong mọi hoàn cảnh thiếu thốn cùng cực nhất: sinh con trong nghèo khó, trốn chạy qua Ai Cập, trở về Nazareth với đôi tay tần tảo may vá thêu thùa.
Mẹ hằng đẹp lòng Chúa khi Mẹ hiệp thông thưa xin vâng với thánh ý Chúa Cha qua cái chết Cứu độ của Chúa Giêsu con Mẹ.
Hôm nay chúng ta chiêm ngắm Mẹ được Chúa đưa cả hồn và xác về trời. Đây là phần thưởng mà Thiên Chúa đã tặng ban cho Mẹ sau một đời nỗ lực sống theo thánh ý Chúa. Đây là ơn phước cao cả mà Mẹ nhận lãnh sau hành trình dương thế luôn lắng nghe và thực thi thánh ý Chúa.
Chiêm ngắm Mẹ được Chúa cho cả Hồn Xác về trời để rồi xin nhờ ơn phước , và lời cầu bàu của Mẹ, xin Chúa ban cho nhân loại chúng con khi này đang long đong khốn khó vì dịch bệnh lan tràn, đang đói khổ cơ hàn vì mất việc, đang điêu linh vì gia đình ly tán bởi cách ly cô đơn, hãi hùng.
Xin cho chúng ta cũng biết noi gương Mẹ khi biết sống xin vâng theo thánh ý Chúa. Ước gì chúng ta luôn biết sống nhờ phước đức của Mẹ mà tiến bước bình an trên hành trình cuộc đời hôm nay và trong giờ lâm tử luôn có Mẹ kêu cầu, nâng đỡ, ủi an. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
——————————————–
Học Khiêm Nhường Với Chúa Giêsu Và Mẹ Maria
Khiêm nhường là một nhân đức bị xem thường vì người ta cho rằng khiêm nhường là thấp kém, là yếu đuối, là bị lu mờ… Tuy nhiên, đây lại là một nhân đức cao quý của Chúa Giêsu, được Ngài trân trọng và đề cao.
Chúa Giêsu khiêm nhường tột bậc
Khi đề cập về Chúa Giêsu, người ta thường giới thiệu Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai cao cả, là Vua hoàn vũ, là Đấng cứu độ, là Thẩm phán tối cao, là Đấng quyền năng phép tắc… Tuy nhiên, Chúa Giêsu còn có một phẩm chất cao đẹp khác nhưng ít được đề cập đến, đó là Ngài là rất khiêm nhường!
Mặc dù Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa quyền năng, đồng hàng với Chúa Cha, Ngài cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tạo dựng nên vũ trụ kỳ diệu nầy… “Nhờ Ngài mà muôn loài muôn vật được tạo thành và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3).
Tuy nhiên, Ngài không muốn duy trì địa vị ngang hàng với Chúa Cha; trái lại, Ngài đã trút bỏ mọi vinh quang, danh dự và quyền năng; Ngài đã “hủy mình ra không!”, “mặc lấy phận nô lệ” thấp hèn!
Khi xuống thế làm người, Ngài chọn cho mình một nơi chào đời đặc biệt, đó là sinh ra trong chuồng bò, nằm trong máng ăn súc vật! Không ai ra đời trong nơi tồi tệ như Chúa Giêsu!
Khi khôn lớn, Ngài không chọn những nghề cao trọng khiến cho bao người kính nể, nhưng sống bằng nghề mộc tầm thường.
Ngài không thân thiết với những người quyền quý trong xã hội nhưng giao lưu thân mật với hạng người xấu xa; vì thế Ngài bị liệt vào hàng “bạn bè của quân thu thuế và phường tội lỗi.”
Khi đào tạo các môn đệ, Ngài không xem họ là học trò hạ cấp, nhưng nâng họ lên hàng bạn hữu thân tình và sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho họ.
Rồi cuối cùng, Ngài lãnh lấy cái chết thê thảm, nhục nhã, đau thương nhất trên đời, đó là chết treo trên thập giá giữa hai người trộm cướp…
Từ tột đỉnh vinh quang, Ngôi hai Thiên Chúa hạ mình xuống trần làm người thấp hèn tột bậc. Ngài hạ mình, vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá để đền tội cho muôn người. Không ai trên cõi đời nầy hạ mình sâu thẳm như Chúa Giêsu. Không ai trên đời khiêm nhượng như Chúa Giêsu.
Vì thế, Chúa Cha đã tôn vinh Ngài, ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, đặt Ngài là vua hoàn vũ, làm Chúa tể trên trời dưới đất (Philip 2, 6-11).
Như thế, khiêm nhường là phẩm chất cao quý của Chúa Giêsu và được Ngài trân trọng, đề cao.
Vì thế, Chúa Giêsu không kêu mời chúng ta hãy học cùng Ngài vì Ngài thông thái, vì Ngài quyền năng, vì Ngài có tài hùng biện hay làm phép lạ… nhưng Ngài kêu gọi chúng ta rằng: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,28).
Học khiêm nhường với Mẹ Maria
Dù được Thiên Chúa đưa lên địa vị cao vời, làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Maria vẫn tự coi mình là người tôi tớ hèn mọn, sẵn sàng vâng theo lệnh Chúa truyền. Mẹ đã thưa với sứ thần Gabriel rằng: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”
Lòng khiêm nhường sâu thẳm của Mẹ được diễn tả rõ nét khi Mẹ đến thăm viếng bà Elisabeth. Mẹ nhìn nhận rằng sở dĩ Mẹ được Thiên Chúa toàn năng ban cho diễm phúc cao cả khôn lường, vì Mẹ là người tôi tớ hèn mọn của Chúa. Mẹ nói:
“Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.”
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!”
Vì Mẹ khiêm nhường như thế nên đã được Thiên Chúa nâng cao. Thiên Chúa cho Mẹ vinh dự chưa từng được ban cho bất cứ ai khác trên địa cầu, là được đưa lên trời cả hồn và xác, đúng như lời Chúa dạy: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.”
Lạy Chúa Giêsu. Người đời thường kiêu căng, tự phụ, coi rẻ đức khiêm nhường. Đó là đường đưa đến cõi trầm luân.
Xin cho chúng con ghi nhớ lời Chúa phán dạy qua Mẹ Maria: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, đập tan phường lòng trí kiêu căng” để rồi chúng con luôn học theo gương khiêm nhường của Chúa và Mẹ nhân lành, nhờ đó, được hưởng phúc với Mẹ muôn đời trên thiên quốc. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————————
DÁNG NGỌC HỒI CUNG
15/8 Mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời.
Khúc khải hoàn tấu vang mừng Trinh Nữ,
ánh hào quang bao phủ khắp châu thân.
Dáng ngọc hồi cung, kết thúc bước đường trần,
ơn cao trọng thăng thiên cả hồn xác.
Ôi! Diễm lệ, nét điểm trang đài các,
mười hai ngôi sao hòa quyện mũ triều thiên.
Nâng gót son, vầng trăng sáng diệu huyền,
rực rỡ y phục, ánh mặt trời tỏa chiếu.
Vũ trụ lặng thinh, tôn vinh hòa cung điệu,
bái gối ngợi khen Hòm Bia Đấng cửu trùng.
Ân sủng tuyệt vời, ban tặng kẻ khiêm cung,
đời vâng phục, sống chu toàn Thánh ý.
***
Cuộc đời Mẹ trên bước đường thiên lý,
tiếng “Xin Vâng” thầm lặng mọi nẻo đường.
Phận nữ tỳ chấp nhận cảnh phong sương,
hồn thanh khiết nên cung lòng Chúa ngự.
Hoa yêu thương nở giữa ngàn thế sự,
vượt suối băng đồi thăm viếng dẫu xa xôi.
Bài ca yêu thương vang vọng giữa núi đồi,
hy sinh, phục vụ người thân yêu vượt cạn.
Cảnh nghèo khó lắm tai ương, hoạn nạn,
không sờn lòng hương sắc mãi trung trinh.
Hang Be-lem hôi hám bị rẻ khinh,
đường Ai Cập hành trình dâng tín thác.
Nazareth, cuộc đời vui đạm bạc,
tần tảo nắng mưa giữa cơn sóng dòng đời.
Đường thập hình theo dấu máu Con rơi,
ôm xác Con giá lạnh hiệp thông tình dâng hiến.
Trái tim Mẹ, một tình yêu thánh thiện,
hoàn tất chương trình Thiên Chúa đã trao ban.
Ngài thưởng ban Dáng Ngọc tỏa hào quang,
Nữ Vương toàn thắng,
E-Và mới, viết lên trang sử mới.
***
Chiêm ngắm Mẹ, nhạc lòng con diệu vợi,
tán tụng, tôn vinh Mẹ diễm phúc, cao quang.
Xin chúc lành, gìn giữ con cái chốn trần gian,
noi gương Mẹ, biết lắng nghe và thi hành Thánh ý.
Vững niềm tin yêu giữa dòng đời khổ lụy,
kết thúc hành trình theo Mẹ về bến yên vui.
Bâng Khuâng Chiều Tím
————————————————-
NỮ VƯƠNG MÔNG TRIỆU
15/8 Mừng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Hòm giao ước vào thành Đa-vít,
dân Ích-Diên cung kính reo vang.
Gia-Liêm thiên quốc hợp hoan,
đón chào Trinh Nữ vinh quang khải hoàn.
Cả vũ trụ hợp đoàn cung chúc,
nhạc thiên cung tấu khúc uy hùng.
Vua trời ngự giữa không trung,
cùng đoàn Thiên sứ tháp tùng giáng lâm.
Kính chào Mẹ Hòm Bia giao ước,
cung nghinh Mẹ hưởng phước vinh quang.
Đông qua sương giá đã tan,
Bồ Câu rời núi Li-Ban về trời.
*******
Cả thiên đình vui tươi hoan lạc,
các thiên thần ngơ ngác hỏi nhau.
Nữ Nhân ngự giá từ đâu..?
tinh tuyền, diễm lệ, ngọc châu tuyệt trần.
Cửa Thiên đàng chư thần diện kiến,
mừng Mẹ yêu vinh hiển thắm xinh.
Khởi đầu các Thánh Đồng Trinh,
chúc tụng Mẹ đức Khiết Trinh rạng ngời.
Phút tao phùng thỏa lời ca tụng,
thánh Hiển Tu sung sướng tung hô.
Nữ Vương tuyệt thánh vô bờ,
tiếp lời các Thánh Tông Đồ ca vang.
Triều thiên Mẹ hào quang lấp lánh,
đến khấu đầu các thánh Tiên Tri.
Các Thánh Tử Đạo bái quỳ,
các Thánh Tổ Phụ phục uy Mẹ hiền.
Kìa nguyên tổ Adam cung tiến,
cả Evà chung tiếng ngợi khen.
Nhờ Con khiêm hạ, thấp hèn,
cứu nguy nhân loại thoát phen đọa đày.
Lời chào đón nồng say ngọc quế,
mừng con yêu giòng lệ tuôn sa.
Gioankim – cùng với Anna,
hỉ hoan chúc tụng dáng ngà trinh trong.
Thánh Giuse bạn lòng công chính,
mừng Hiền Thê cung kính tri ân.
Nhờ bạn tôi được thông phần,
đồng công Cứu Chuộc góp phần dưỡng nuôi.
Tình nhiệm mầu Ba Ngôi Chí Thánh,
Chúa Cha mừng Ái Nữ dấu yêu.
Chúa Con mừng Mẹ diễm kiều,
Thánh Linh mừng Bạn Thánh yêu thắm tình.
Mẹ thánh thiện cúi mình cung kính,
bái gối lạy Thiên Chúa uy nghi.
Khiêm cung thân phận nữ tì,
ngất ngây lòng mến đắm chìm tri ân.
Mẹ diệu hiền hồng ân vinh thắng,
Chúa Ba Ngôi phong tặng Nữ Vương.
Ngai tòa Mẹ ngự tuyên dương,
Nữ Vương vũ trụ thiên đường cao sang.
******
Tôn vinh Mẹ thiên đàng, trần thế,
thương đoàn con bốn bể năm châu.
Xin Mẹ giáng phúc, cầu bầu,
chở che nâng đỡ, khấu đầu tri ân.
Mặc Trầm Cung