SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 753, CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN – B, 25/07/2021

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6, 1-15)

Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới.
Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.
Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.
Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Đấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Đạo Tạo Trái Tim ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Được Ăn No Nê Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Người Gia Kiệm Sống Chứng Nhân Thời Covid Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chúa Sẽ Nhân Lên Gấp Vạn Lần Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8

THƠ TIN MỪNG

Tấm Lòng Mục Tử Hạt Nắng Trg 10
Khúc Nhạc Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Diễm Tình M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Diễm Tình Nắng Sài Gòn Trg 13
Tình Yêu Thăng Hoa A.P Mặc Trầm Cung Trg 14

Đào Tạo Trái Tim

Đài VTV1 đã chiếu lại bộ phim truyền hình nhiều tập “Bản Tin Sớm”. Nhân vật chính trong phim là Gary Hopson, một người thường xuyên theo dõi tin tức hằng ngày qua tờ báo “Chicago”. Khi đọc tin tức, anh thường chú ý tới những người đang gặp nạn. Mỗi khi thấy có người bị nạn, anh luôn băn khoăn tự hỏi xem mình phải làm gì để giúp đỡ nạn nhân. Và lập tức, bất kể những khó khăn, anh lên đường tìm giúp người bị nạn.
Tâm hồn người thanh niên dũng cảm và quảng đại ấy có những nét giống với tâm hồn của Đức Giêsu. Mỗi khi nhìn thấy những cảnh khổ ở đời, Đức Giêsu không sao cầm được lòng thương. Hôm nay, nhìn thấy đám đông đói khát, Người không thể để mặc họ ra về. Người cảm thấy có trách nhiệm phải lo cho họ ăn uống đầy đủ. Dù giữa nơi hoang vu không có hàng quán. Mà nếu có hàng quán cũng chẳng ai đủ tiền mua cơm bánh cho hàng chục nghìn người đang đói khát. Nên người đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân. Qua phép lạ lớn lao này, Đức Giêsu hé mở cho ta thấy trái tim đầy tình thương xót của Người, quyền năng cao cả của Người. Nhưng đồng thời Người cũng nhân dịp này đào tạo trái tim con người.

Bài học thứ nhất mà Người muốn dạy ta, đó là lòng cảm thương phải biến thành việc làm cụ thể. Lòng cảm thương là một tình cảm tốt. Nhưng cảm thương suông thì chưa đủ. Thiếu việc làm cụ thể, lòng cảm thương nhiều khi trở thành hình thức, giả dối. Lòng cảm thương ai cũng có. Nhưng số người thực sự ra tay hành động vì lòng cảm thương lại rất hiếm. Có rất nhiều lý do: thái độ ngại ngùng, hoàn cảnh phức tạp, thiếu thốn phương tiện. Các tông đồ nại đến những lý do đó để thoái thác hành động. Nhưng Đức Giêsu bắt họ vào cuộc. Đã thấy việc tốt thì cố gắng làm. Dù khó khăn cách mấy cũng phải vượt qua. Chỉ có việc làm cụ thể mới minh chứng một lòng cảm thương đích thực. Thế là các môn đệ phải đi tìm bánh và cá mang đến cho Chúa. Các ông giúp phân phát lương thực cho mọi người. Các ông đi thu lượm những mẩu bánh còn dư. Các ông tích cực tham gia vào việc cứu đói.
Bài học thứ hai mà Người muốn dạy ta, đó là hãy cộng tác vào công trình của Chúa. Chúa có thể làm được mọi sự. Nhưng Người muốn ta cộng tác vào chương trình của Người. Người có thể biến đá thành bánh. Nhưng Người vẫn đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc. Đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc. Hãy đóng góp phần của mình. Tục ngữ Pháp có câu: “Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp bạn”. Sự cộng tác của ta nói lên nhu cầu thật sự bức thiết. Sự cộng tác tích cực nói lên lòng ta tha thiết mong muốn. Nỗ lực của con người là khởi đầu phải có. Rồi Chúa sẽ làm nốt phần còn lại. Ở đây ta phải ghi nhận lòng quảng đại của em bé. Có lẽ em đi bán bánh. Giữa nơi hoang vu vắng vẻ, trước một đoàn người đói khát, em có thể lợi dụng thời cơ nâng giá bánh để tìm lợi nhuận. Nhưng em đã quảng đại dâng hết cho Chúa. Chính sự quảng đại của em đã góp phần làm nên phép lạ nuôi sống hàng vạn người.
Bài học thứ ba mà Người muốn dạy ta, đó là hãy biết tiết kiệm. Đói khát và thừa mứa. Thiếu thốn và phung phí. Đó là hai trạng thái trái ngược hiện nay trên thế giới. Khi dư giả người ta dễ phung phí. Những người vừa trải qua cơn đói, nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh dư thừa. Đức Giêsu sai các môn đệ đi thu lượm những mẩu bánh thừa. Chúa dậy cho mọi người hãy biết tiết kiệm. Tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn. Tiết kiệm để chia sẻ. Tiết kiệm vì công bình. Tiết kiệm vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Thế giới còn những người đói nghèo không phải là vì thiếu tài nguyên, nhưng vì phân phối chưa đồng đều, vì những người giầu có tiêu xài phí phạm.
Bài học thứ bốn mà Người muốn dạy ta, đó là phải tìm lương thực thiêng liêng. Vật chất là cần thiết cho đời sống hiện tại. Nhưng vật chất không phải là tất cả. Quá nô lệ vào vật chất, tâm hồn con người sẽ không vươn lên được. Lương thực cho thân xác là một giải quyết cấp thời. Về lâu về dài, muốn con người phát triển, cần phải giải quyết các nạn đói khác. Đó là nạn đói văn hóa. Đó là nạn đói đạo đức. Và trên hết, đó là nạn đói lương thực thiêng liêng. Nhu cầu tâm linh của con người ngày càng lớn rộng. Cơn đói khát tâm linh càng lúc càng mãnh liệt. Tìm đáp ứng nhu cầu tâm linh là một việc làm thiết thực. Nâng cao đời sống tâm linh là đưa con người tới phát triển toàn diện. Chúa bỏ trốn, không chịu để được tôn làm vua, vì Người muốn những kẻ tìm Người tỉnh ngộ, vượt thoát khỏi vòng nô lệ vật chất, vươn lên những giá trị tâm linh.
Với những bài học kèm theo việc hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu muốn đào tạo trái tim chúng ta. Người muốn trái tim ta hãy mở ra để cảm thương anh em đồng loại. Người muốn lòng cảm thương ấy đi đến cùng bằng những việc làm cụ thể, bằng sự cộng tác quảng đại, bằng sự tiết kiệm để giúp ích cho nhiều anh em. Người muốn trái tim ta vươn lên khao khát những chân trời cao thượng của đời sống tâm linh. Người muốn đào tạo ta nên những con người phát triển toàn diện xứng đáng là những người con của Thiên Chúa. Người muốn nuôi dưỡng không chỉ thân xác nhưng nhất là linh hồn ta.
Lạy Chúa, xin nâng tâm hồn con lên tới Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Hãy kể lại những bài học mà Chúa muốn dạy ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
2 Nhiều lần bạn đã xin Chúa cho được cơm no áo ấm. Nhưng có bao giờ bạn xin Chúa cho được nên người tốt, biết sống đạo đức hơn không?
3) Lòng cảm thương của bạn có đi đến những việc làm cụ thể không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

———————————————-

Được Ăn No Nê

Hầu hết các nhà Thánh Kinh học đều cho rằng chương sáu của sách Tin Mừng thứ tư là diễn từ về đề tài ‘Bánh Trường Sinh’, mà phép lạ Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều chỉ là phần dẫn nhập, hay là dịp để Người đề cập tới đề tài quan trọng này. Đúng là Đức Giêsu đã tự giới thiệu mình là ‘Bánh bởi trời, bánh trường sinh, bánh làm no thỏa…’, thế nhưng – tôi vẫn thường tự hỏi – chủ đề đích thực của bài thuyết pháp quan trọng này của Rápbi Giêsu có phải là để chứng minh ‘bánh vật thể’ trở thành một ‘Kitô hữu thể’, hay chỉ đơn giản là một ‘lời mời ăn Bánh’, tức là chủ đề của bài diễn từ nhằm diễn tả mối quan tâm, tình yêu chăm sóc của Thiên Chúa dành cho con người?

Phối hợp với tường thuật của Phúc Âm Marcô, cũng chương sáu, ta có thể thấy trình tự vấn đề được tác giả Gioan đặt ra như sau: – Đức Giêsu tỏ rõ mối quan tâm chăm sóc các tông đồ nhọc mệt trở về sau cuộc hành trình truyền giáo; mối quan tâm của Người sau đó còn rộng mở cho đám dân chúng, khi Người ‘chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn’ (Mc 6:34). Phép lạ làm bánh hóa nhiều để cho dân chúng ăn no chẳng qua là dấu hiệu cụ thể của mối bận tâm từ ái đó; chính vì vậy mà khi nhận thấy đám đông dừng lại ở việc được ăn bánh thỏa thích, Đức Giêsu đã phải cất công giải thích, chỉ cho họ thấy được sự chăm sóc từ nhân của Thiên Chúa mới chính là điều họ cần tìm kiếm. Phần mình, khi tự đồng hóa với ‘bánh trường sinh’, điều duy nhất Người muốn nhấn mạnh đó là: sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa đối với loài người đã lên tới đỉnh điểm… “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” Từ một biểu lộ chăm sóc được cụ thể hóa qua phép lạ hóa bánh ra nhiều để đám đông dân chúng được ăn no thỏa, Đức Giêsu rõ ràng muốn họ nhận ra rằng họ đang được Thiên Chúa từ ái yêu thương chăm sóc tới mức nào. Chính Đức Kitô, và toàn bộ sự hiện diện của Người nơi trần gian, là một thứ ‘Bánh bởi trời’, nhưng không phải là thứ ‘Thánh Thể’ để người ta phải khúm núm tôn thờ, cho bằng là của ăn nuôi sống để làm cho họ được no thỏa; và so sánh này chỉ đạt ý một khi qua đó nhân loại nhận ra Thiên Chúa yêu thương họ hết tình.

Từ kinh nghiệm cụ thể được ăn bánh, các môn đệ và nhiều người Do Thái thành tâm lẽ ra phải khám phá ra chân lý vĩ đại: Thiên Chúa là Người Cha đầy yêu thương, hằng quan tâm tới con cái, và ra tay chăm sóc chúng (Mt 7:11; Lc 11:13). Nội dung này chính là cuộc hành trình đức tin mà mọi Kitô hữu chúng ta cần làm. Tiến trình này phải đưa chúng ta tới việc tin nhận Đức Kitô Giêsu – Bánh hằng sống như một biểu hiện tột đỉnh của tình yêu chăm sóc của Chúa Cha. Tiến trình này quả thực đầy thách đố đối với các tông đồ nói riêng và người Do Thái nói chung, đơn giản là vì khái niệm Thiên Chúa như là người Cha yêu thương chăm sóc còn rất lu mờ và khá xa lạ đối với cách suy nghĩ của Cựu Ước.

Thế còn đối với Kitô hữu chúng ta ngày nay thì sao? Cảm nghiệm thiêng liêng nền tảng này của Tân Ước có lẽ lại bị chúng ta đảo ngược trái chiều chăng?

Ít nhất về khái niệm, Kitô hữu đã quá quen thuộc với việc gọi Thiên Chúa là Cha. Cả ngàn lần họ kêu lên ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời!’ Thế nhưng khái niệm này đa phần vẫn còn nằm trên mặt lý thuyết trừu tượng như một công thức; cũng thế, ý tưởng ‘Đức Kitô – bánh trường sinh’ vẫn chỉ là một khái niệm thần học mang tính suy luận (speculative). Cái cảm nghiệm thực tế rằng, với việc trao ban ‘Bánh trường sinh’, Thiên Chúa đã thực sự đặt tôi trong sự no thỏa của tình yêu Người, rằng Người là cha nhân ái hằng chăm sóc tới từng chi tiết đời sống con người, chăm sóc tới độ gần như thừa bứa ‘thu những miếng thừa của năm chiếc bánh người ta ăn còn lại… cũng chất đầy được mười hai thúng’; đó chính là cảm giác đã từng được Phaolô diễn đạt như sau: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng ban tất cả cho chúng ta” (Rm 8:32). Cảm giác này có lẽ còn quá xa lạ đối với phần đa Kitô hữu chúng ta ngày nay; thay vì chỉ ngưỡng mộ Thiên Chúa là Cha cách chung chung, tôi thiết nghĩ, mỗi Kitô hữu nên cụ thể có những giây phút nhìn sâu vào đời sống mình để nhận ra, đàng sau mọi thành công hay may nắm lớn nhỏ, kể cả đàng sau những thất bại ê chề hay đại họa, đều có cả một dàn xếp tinh vi và tế nhị của một ‘Ai Đó’ đầy từ tâm và nhân ái. Đó mới chính là chiều sâu đức tin của Kitô hữu chúng ta, một chiều sâu đích thực mang lại vui mừng và hy vọng, bình an và phó thác trong mọi tình huống cuộc đời. Trọn đời người Kitô hữu, nếu được đặt trên nền tảng vững chắc này, thì kể cả trong các thử thách gian truân của cuộc sống thường ngày, sẽ luôn phải là an bình và vui tươi (Rm 8:38-39).

Phải chăng đó mới đích thực là niềm tin sống động và trưởng thành mà mọi Kitô hữu chúng ta cần cất công vun đắp hàng ngày, nhất là trong thế giới và xã hội hiện đại?

Lạy Chúa! Lúc được ăn, con cần hiểu bàn tay nào đang cho con ăn, cõi lòng nào đang nuôi nấng con. Mỗi khi rước lễ, xin cho con không chỉ nghĩ tới thứ bánh nào con đang được ăn (dầu đó là bánh trường sinh Thánh Thể đi nữa), nhưng ngày càng nghiệm ra rõ hơn cõi lòng nhân ái của Cha trên trời đang âu yếm dưỡng nuôi con bằng chính Người Con Chí Thánh. Xin cho việc cử hành Thánh Thể sẽ gia tăng niềm tin tưởng phó thác nơi con mỗi ngày. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

———————————————

Người Gia Kiệm Sống Chứng Nhân Thời Covid

Miền Nam đang rơi vào tình cảnh giãn cách, và có nơi bị cách ly vì cúm Vũ Hán. Điều đáng buồn là những chợ nhỏ bị cấm tụ tập nên người dân dồn vào các siêu thị dẫn đến chen lấn, ùn tắt và giá các mặt hàng cũng cao hơn bình thường.

Miền Nam đang rơi vào tình cảnh giãn cách, và có nơi bị cách ly vì cúm Vũ Hán. Điều đáng buồn là những chợ nhỏ bị cấm tụ tập nên người dân dồn vào các siêu thị dẫn đến chen lấn, ùn tắt và giá các mặt hàng cũng cao hơn bình thường…

Tôi có hỏi một cụ già neo đơn vẫn thường xuyên nhận lương thực với giá 0 đồng về cảm xúc của cụ như thế nào? Cụ nói: tôi cầm lương thực mà nước mắt cứ rưng rưng. Tôi khóc không phải nhận được quà mà bởi vì cảm nhận được tình cảm giữa con người với con người những lúc khó khăn như thế này. Người Gia Kiệm dân Bắc di cư khi mới vào lập nghiệp đã sống đùm bọc nay lại có cơ hội thể hiện tình thân, thân thiện và nghĩa tình’.

Đây là ân huệ hay là một phép lạ mà Thiên Chúa đang dành cho quê hương của tôi. Có lẽ đây là phép lạ của chia sẻ. Phép lạ của sự liên đới. Phép lạ của tình người “tối lửa tắt đèn có nhau”. Khi con người biết chia sẻ là lúc phép lạ sẽ diễn ra. Càng nhiều người chia sẻ thì phép lạ càng lớn lao.

Năm xưa khi thấy dân chúng đang đối diện với cái đói, thì Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Dường như các môn đệ đều cảm thấy “lực bất tòng tâm”. Philipphê đã nhanh trí thoái thác trách nhiệm khi ông nói: “Thưa Thầy, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”. Môn đệ Anrê cũng ủng hộ lập trường của bạn ông: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”

Khi người ta không cảm thấy liên đới, người ta sẽ tìm trăm ngàn lý do để né tránh, để an phận thủ thường, để bình an lương tâm. Các môn đệ muốn nại vào khó khăn để biện minh cho sự thờ ơ của mình. Nhưng Chúa đã tận dụng chính khó khăn đó để dạy các ông: chỉ cần cảm thấy có tình liên đới thì sẽ cùng chung tay để vượt qua kếp nạn.

Thực vậy, sau khi đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá từ lòng quảng đại của một em bé. Chúa Giêsu đã có thể nhân rộng ra thành hàng trăm, hàng ngàn tấm bánh. Phép lạ đã diễn ra khi 5 cái bánh và 2 con cái được trao ban. Và rồi các tông đồ cứ thế trao ban mãi, trao ban hoài mà vẫn không hết.

Có lẽ nhân loại hôm nay không chết đói cho bằng chết vì thiếu tình thương. Những người đang chờ chết cũng là những người đang chờ từng nghĩa cử yêu thương, san sẻ của đồng loại. Con người cần cơm bánh để sống. Nhưng con người lại rất cần tình thương để tồn tại.

Lời Chúa hôm nay dường như đang chất vấn bạn và tôi về những thiếu sót của chúng ta trước sự khốn cùng của tha nhân. Chúng ta hãy hành động nhân danh Chúa để bánh và cá tiếp tục được nhân rộng đến cho mọi người, để tình yêu đem lại hạnh phúc cho con người hôm nay.

Cám ơn Chúa về tình làng nghĩa xóm đầy tình bác ái Kitô giáo mà người giáo dân Gia Kiệm đang thể hiện. Chính tình liên đới đã làm cho phép lạ được diễn ra để ai cũng có rau xanh để ăn, ai cũng có đủ lương thực để vượt qua khó khăn của ngày hôm nay.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn giầu lòng quảng đại để có thể trao ban niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân trong đời sống bác ái yêu thương. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

——————————————-

Chúa Sẽ Nhân Lên Gấp Vạn Lần

Khi Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng đông đảo tuôn đến với Ngài tận nơi hoang vắng, Ngài không muốn để cho họ phải đói lả trên đường về nên lo liệu cho họ được ăn no trước khi giải tán. Vì thế, Chúa hỏi Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”
Philípphê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”
Bấy giờ Anrê góp ý: “Thưa Thầy, ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”

Thế là đứa bé nầy được đưa đến với Chúa Giêsu và em đã quảng đại trao năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá của mình vào tay Chúa Giêsu. Thế rồi, từ quà tặng nhỏ bé nầy, Chúa Giêsu đã nhân lên gấp vạn lần để nuôi đám đông dân chúng đến năm ngàn người được ăn no và còn dư mười hai thúng bánh vụn.

Qua phép lạ nầy, chúng ta rút được một bài học quan trọng: Dù chúng ta nghèo nàn thiếu thốn, dù chúng ta tài hèn sức mọn (như cậu bé trong bài Tin Mừng nầy), nhưng nếu chúng ta biết sẵn lòng dâng cho Chúa và tha nhân phần vốn liếng ít ỏi của mình, đặt nó vào tay Chúa, thì Chúa sẽ biến hoá lên gấp trăm, đem lại phúc lợi cho nhiều người khác.
Cuộc đời của mẹ thánh Têrêxa Calcutta chứng tỏ điều nầy.

Mẹ Têrêsa Calcutta sinh tại Albania, ngày 26 tháng 8 năm 1910. Lên 18 tuổi, mẹ gia nhập tu viện Lôréttô, về sau được gửi qua phục vụ tại Ấn-độ và được cử làm hiệu trưởng một trường trung học tại Calcutta.

Khi thấy những cảnh đau thương khốn đốn của những nghèo khổ tại vùng nầy, mẹ nghe tiếng Chúa thôi thúc mời gọi lên đường, rời bỏ tu viện để đến sống với những con người bất hạnh đau thương đó.

Thế rồi vào năm 1948, lúc được 38 tuổi, được phép bề trên, mẹ rời bỏ tu viện Lôréttô và khoác vào mình tấm áo sari là thứ áo của người phụ nữ thuộc giai cấp cùng đinh của Ấn – độ. Hành trang của mẹ không gì khác ngoài một bánh xà phòng và 5 rupi với một trái tim đầy ắp yêu thương.

Với số vốn nhỏ nhoi nầy, giống như 5 chiếc bánh và hai con cá của cậu bé được kể lại trong Tin Mừng, mẹ thuê một căn nhà nhỏ bé tồi tàn, trống trơn không bàn ghế tủ giường… Mẹ ra ngoài khu xóm dìu về được dăm đứa trẻ ranh, những đứa trẻ bụi đời, tắm rửa cho chúng, rồi dạy cho chúng bài học đầu tiên. Vì nhà không có bàn ghế cũng chẳng có bảng đen, mẹ dùng sàn nhà thay cho tấm bảng và trên tấm bảng nền nhà đó, mẹ dạy cho các em những chữ cái đầu tiên.

Thế rồi dần dần công việc từ thiện của mẹ được mở rộng, có thêm nhiều thiếu nữ, trước đây là học trò của mẹ, đến giúp đỡ làm việc không công; nhờ đó, nhiều người nghèo khổ được giúp đỡ, nhiều người phong hủi được mẹ chăm lo, nhiều người già cả hấp hối bị bỏ rơi đầu đường xó chợ được mẹ đưa về săn sóc.

Thế là từ vốn liếng nhỏ bé đầu tiên là một bánh xà phòng và năm rupi trong túi, hôm nay mẹ Têrêxa đã có nhiều cơ sở rộng lớn trên khắp thế giới để chăm lo phục vụ người nghèo.

Vào năm 1997, lúc mẹ qua đời, con số nữ tu thuộc dòng của mẹ đã gần 4.000 và mẹ đã thiết lập được 600 cộng đoàn để chăm sóc phục vụ người nghèo khổ tại 120 quốc gia trên thế giới!

Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã trao vào tay Chúa Giêsu trọn vẹn tình yêu và cuộc đời của mình và Chúa đã biến thành quà tặng triệu lần cao đẹp hơn, để mang lại hạnh phúc và an vui cho người đau khổ.

Lạy Chúa Giêsu. Cậu bé được thuật lại trong Tin Mừng hôm nay đã đặt vào tay Chúa năm chiếc bánh và hai con cá và Chúa đã biến quà tặng nhỏ bé nầy trở thành lương thực cho năm ngàn người ăn; Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã hiến dâng cho Chúa cuộc đời và tình yêu của mẹ và Chúa đã biến mẹ thành quà tặng mang lại hạnh phúc và niềm an ủi cho hàng triệu người trên thế giới.

Xin cho chúng con biết quảng đại dâng hiến cho Chúa thời giờ, sức khỏe, tiền bạc, tài năng… của chúng con trong niềm hy vọng được Chúa đón nhận và làm gia tăng thêm nhiều để mang lại phúc lợi cho những người chung quanh. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

————————————————-

Tấm Lòng Mục Tử
CN XVII TN-B – ( Ga 6, 1 – 15)

Bánh hóa ra nhiều nuôi dưỡng chiên

Trái tim Mục Tử nặng ưu phiền

Quan tâm chăm sóc niềm sầu khổ

Bênh vực chở che nỗi oán khiên

Cơm bánh ấm lòng trong khốn khó

Thần lương tiếp sức bước truân chuyên

Tình yêu nhân hậu luôn ngời sáng

Soi lối hành trình cõi thánh thiêng.

Hạt Nắng

———————————————-

Khúc Nhạc Tình Yêu
CN XVII TN-B – (Ga 6, 1 – 15)

Kiếp chiên hoang giữa dòng đời phiêu bạt,
sóng gió cuộc đời lầm lạc bước tâm linh.
Chuyện áo cơm chuyện thế thái nhân tình,
giọt lệ đắng đọng trên vành môi khô héo.
Bao gian khó khắp ngõ đường vạn nẻo,
đói yêu thương lòng quặn thắt bất an.
Biết về đâu trong giông tố đại ngàn,
có tiếng chân “AI ĐÓ” chung đường lời an ủi.
***
Lời yêu thương quan tâm tan sầu tủi,
xua màn đêm chế ngự sáng tâm hồn.
Ánh mắt chạnh lòng thương cảm rộng ban ơn,
hồn no thỏa “Bánh Thần Linh” từ ái.
Dưỡng nuôi con thoát tháng ngày hoang dại,
chiên về ràn tắm mát suối trường sinh.
Đồng cỏ xanh bồi dưỡng sức tâm linh,
tình yêu tỏa sáng bước theo đường chân lý.
***
Con bước vào đời trần gian đầy khổ lụy,
biết yêu thương nâng đỡ kẻ lạc đường.
Bênh vực sẻ chia người gặp cảnh tai ương,
thăm viếng động viên người lao vòng tù tội.
Tiếng thét kêu oan người thấp hèn vang dội,
không sờn lòng bảo vệ công lý tình thương.
Thế lực gian tà gây thảm họa nhiễu nhương,
chứng nhân Sự Thật kiên cường lên tiếng nói.
Chạnh lòng thương khúc nhạc tình mời gọi,
cơ hội trong đời
con họa lại Dung Mạo Người –
Thiên Chúa Tình Yêu.

Bâng Khuâng Chiều Tím

——————————————

Diễm Tình
CN XVII TN-B – (Ga 6, 1 – 15)

Lang thang trong nắng sớm bơ vơ trong mưa chiều,
con đi về đâu cõi lòng quặn thắt cô liêu.
Tiêu điều hoang sơ bước chân sầu tê tái,
nhẹ nhàng bước chân “AI” bên con lời thương yêu.

Khoan dung trong ánh mắt con tim thương chạnh lòng,
tiếng “AI” dịu êm ấm nồng đời hết long đong.
Bên đồng xanh thơ cỏ non nguồn mạch sống,
ngọt ngào nước tái sinh tắm mát hồn sạch trong.

Chúa dưỡng nuôi con thỏa lòng cơn đói khát,
đói khát tâm linh đói khát cả tình người.
Chúa dưỡng nuôi con hồi sinh nguồn sống mới,
tràn đầy ơn thiêng vượt ngàn nỗi oan khiên.

Chúa dưỡng nuôi con một tình yêu hiến tế,
Thịt Máu thần lương sức sống chảy tràn trề.
Nhân ái bao dung chạnh thương tình tha thứ,
đưa con trở về vượt thắng mọi nhiêu khê.

Reo vui trong nắng ấm hân hoan trong mưa ngàn,
sống trong tình yêu theo Ngài vạn nẻo quan san.
Khiêm nhường đơn sơ sẻ chia tình nhân ái,
chạnh lòng trái tim yêu trước mảnh đời lầm than.

M. Madalena Hoa Ngâu

————————————

 

Diễm Tình
CN XVII TN-B – (Ga 6, 1 – 15)

Chúa chạnh lòng thương
nhìn thấy đoàn chiên vất vưởng.
Chúa chạnh lòng thương
lo lắng đoàn chiên đói ăn.
Tận tình quan tâm dẫu muôn vàn khó khăn,
trái tim nhân từ bừng cháy nồng nàn yêu thương.

Thắm đượm tình yêu
Tấm bánh hòa vui nắng chiều.
Phép lạ huyền siêu
nuôi dưỡng đoàn người tín trung.
Ngọt ngào trao ban trái tim nồng tấu cung,
thỏa no dư tràn sưởi ấm cõi lòng hoang liêu.

Ôi! Nói sao cho vừa,
tình Chúa yêu thương diệu vợi,
Ngài bận tâm đến nhu cầu cơm bánh.
Cho con người giữa giông bão cuộc đời,
niềm bình an giữa cuộc sống đua tranh.

Ôi! Tiếng yêu vô bờ,
tình Chúa yêu thương loài người,
nguồn thần linh xuống gian trần cứu thế.
Trao thân mình nên tấm “Bánh bởi trời”,
niềm tin yêu nên mạch sống trường sinh.

Bức họa tình yêu
trong trái tim con vào đời.
Biển rộng trùng khơi
tấm bánh cuộc đời, hiến dâng.
Chạnh lòng thương yêu sớt chia cùng thế nhân,
nỗi đau cuộc đời hy lễ lặng thầm tin yêu.
Nắng Sài Gòn

———————————————

Tình Yêu Thăng Hoa
CN XVII TN- B – (Ga 6, 1 – 15)

Cảnh đói khát lầm than khốn khó,
cảnh bất công đây đó ngập tràn.
Kiếp nghèo chèo chống gian nan,
giá lạnh cơ hàn, mong chút cảm thông.

Đời nhân chứng tình nồng san sẻ,
trước nhu cầu của kẻ thiếu ăn.
Bánh cơm nuôi dưỡng xác thân,
bồi bổ tinh thần, lời Chúa thương trao.

Người thấp kém lao đao sầu khổ,
kiếp dân đen thấp cổ kêu oan.
Bơ vơ mang ách giữa đàng,
sao người quân tử chẳng màng dấn thân?

Năm chiếc bánh góp phần cuộc sống,
biết cho đi tình bỗng thăng hoa.
Tình yêu trao tặng mặn mà,
hai con cá nhỏ đơm hoa cho đời.

Biết bao kẻ màn trời chiếu đất,
mời gọi con thân mật vui tươi.
Tông đồ nhân chứng nụ cười,
thắm đượm tình người, rạng rỡ Tình Cha.

Tình yêu thắm nở thăng hoa…

AP. Mặc Trầm Cung