“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 9, 2-10)
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm.
Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.
Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Biến Hình ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Crux Est Lux – Vinh Quang Chính Là Thập Giá! Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Nhờ Covid Con Người Biết Trở Về Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Nhìn Thấy Điều Tốt Nơi Người Khác Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Lên Núi Thánh Nắng Sài Gòn Trg 9
Lên Đường Thương Khó Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Lên Núi Tình Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Đỉnh Núi Tình Yêu Nắng Sài Gòn Trg 12
Tỉnh Mộng A.P Mặc Trầm Cung Trg 13
Biến Hình
Trong đời, có những giây phút mà ta mong muốn kéo dài mãi, nhưng nó lại trôi qua nhanh như làn gió thoảng. Đó là những giây phút hạnh phúc. Giây phút ấy thánh Phêrô hôm nay đã được hưởng khi nhìn ngắm dung nhan Đức Giêsu biến hình. Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín theo trong cuộc biến hình để huấn luyện họ. Cuộc biến hình của Người diễn tiến qua ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: lên núi.
Theo quan niệm của người Do Thái núi cao là nơi Chúa ngự. Vì thế lên núi là đi gặp gỡ Chúa. Lên núi là một việc làm đòi nhiều cố gắng. Phải dứt bỏ khỏi những ràng buộc của cuộc sống thường ngày với những lo toan bận bịu cho bản thân, cho gia đình. Phải dành thời giờ rộng rãi cho việc leo núi. Phải phấn đấu với bản thân khi leo lên độ cao dốc dác khó đi. Nhưng lên đỉnh rồi ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái. Đức Giêsu chỉ đưa theo ba môn đệ thân tín vì gặp gỡ với Chúa là một gặp gỡ thân tình. Chúa muốn ta đến với Chúa trong tình thân mật. Chúa muốn cùng ta thực hiện một tương giao giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa muốn cùng ta đối thoại riêng tư diện đối diện. Tình yêu triển nở trong thiên nhiên và trong thanh vắng. Núi cao thanh vắng là nơi chốn thuận tiện cho ta đón nhận tình yêu của Chúa và bày tỏ với Người tình yêu của ta.
Giai đoạn thứ hai: biến hình.
Trên núi cao, Đức Giêsu gặp gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Y phục trở nên trắng như tuyết. Khuôn mặt Người sáng láng. Thực ra, ai gặp được Chúa cũng đều biến hình. Ta hãy nhớ lại ông Môsê. Sau khi ở trên núi Sinai 40 đêm ngày tiếp xúc thân mật với Chúa, mặt ông trở nên sáng láng đến độ, khi ông xuống núi, dân chúng không dám nhìn vào. Ông phải lấy khăn che mặt, dân chúng mới dám đến gần ông. Gần đèn thì sáng. Tiếp xúc thân mật với Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn ta. Tình yêu của Chúa sẽ đốt nóng tâm hồn ta, xua đi sự thờ ơ nguội lạnh. Sự dịu dàng của Chúa sẽ làm cho ta bớt đi tính độc ác khắc nghiệt. Sự khiêm nhường của Chúa sẽ diệt trừ thói kiêu căng trong ta. Sự bao dung của Chúa sẽ mở rộng tâm hồn để ta biết đón nhận anh em. Sự tha thứ của Chúa đổi mới tâm hồn, rửa sạch mọi nhơ uế trong ta. Càng gần gũi Chúa, tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen, ích kỷ. Càng yêu mến Chúa, ta càng thêm yêu mến anh em. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa, tâm hồn ta càng nên giống Chúa hơn.
Giai đoạn ba: xuống núi.
Khi đã hưởng nếm hạnh phúc ngọt ngào ở bên Chúa rồi, ta chẳng muốn lìa xa Chúa nữa. Thánh Phêrô, trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời, đã xin Chúa cho dựng ba lều để ở lại vĩnh viễn trên núi. Nhưng giây phút hạnh phúc thật ngắn ngủi. Đức Giêsu đưa các môn đệ trở xuống. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Nhiệm vụ ấy rất nặng nề. Đức Giêsu phải chịu đau khổ, chịu vác thánh giá, chịu đóng đinh, chịu chết rồi mới phục sinh. Thánh Phêrô cùng các tông đồ còn phải phấn đấu với những yếu đuối, sa ngã, còn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách trong việc rao giảng Tin Mừng, còn phải chịu đau khổ vì Thày chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước.
Trong cuộc sống người tín hữu, lên núi chính là những giây phút dành cho việc cầu nguyện, tiếp xúc thân mật với Chúa. Đó là những buổi tham dự thánh lễ, đọc kinh và nhất là những giờ cầu nguyện riêng tư, những buổi tĩnh tâm lâu giờ trong thinh lặng. Để đến với Chúa và nhất là để kết hiệp với Chúa trong những giờ cầu nguyện, ta phải phấn đấu rất nhiều.
Trong thân mật, Chúa sẽ dạy bảo ta về đường lối của Chúa, sẽ uốn nắn ta theo chương trình của Người và sẽ biến đổi ta nên giống hình ảnh Người. Ta có thể cộng tác vào cuộc biến hình khi khao khát kết hiệp với Chúa, khi cố gắng thanh luyện bản thân, khi quên mình, ngoan ngoãn để mặc Chúa hướng dẫn bước đường.
Kỷ niệm ngọt ngào trong những giờ sống hạnh phúc bên Chúa sẽ là sức mạnh nâng đỡ ta trong những khó khăn gian khổ của đời sống. Núi thánh sẽ trở thành quê hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng về, dù còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại cách ngăn. Thiên đàng thoáng thấy qua những giờ kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi nghĩa vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước và sẽ trở lên núi mỗi khi có dịp.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Một số bạn trẻ tiêu tốn nhiều thời giờ và tiền bạc cho sắc đẹp bên ngoài. bạn nghĩ gì về tương quan giữa vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong tâm hồn?
2- Cầu nguyện có thể làm con người ‘biến hình’. Bạn có tin điều đó không? bạn có quen ai đã biến đổi sâu xa nhờ cầu nguyện không?
3- Bạn đã có kinh nghiệm về việc sống hạnh phúc với Chúa bao giờ chưa?
4- Mùa Chay này bạn có thực sự muốn ‘biến hình’ không? Bạn sẽ làm gì để thực hiện ước nguyện đó?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Crux Est Lux – Vinh Quang Chính Là Thập Giá!
Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh cho là cảnh hiển dung trên núi Tabor là một trong những sự kiện quan trọng nhất của Tân Ước, vì tuy không phải là chóp đỉnh, biến cố này thật sự tóm tắt tất cả mạc khải cứu độ. Chúng ta thấy ở đây: Môsê và Êlia, các phát ngôn viên của lề luật và ngôn sứ (tắt một lời là đại diện của Cựu Ước), giới thiệu đấng Kitô của Tin Mừng cho các môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Các môn đệ này sẽ là các nhân chứng được coi là ‘trụ cột’ của Hội Thánh sau này (theo lối diễn tả của Phaolô trong thư gửi tín hữu Galát), những người có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo (Mc 9:1tt. trong ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’). Nếu quả thật là như thế thì hiển dung đâu chỉ đơn thuần là một liệu pháp tâm lý hầu vực dậy tinh thần suy sụp của các môn đệ trước cuộc khổ nạn đau thương Đức Giêsu sẽ phải chịu tại Giêrusalem; ý nghĩa của nó hẳn phải lớn hơn nhiều…, và vì thế đáng để ta dành đôi chút thời giờ tìm hiểu thêm.
Vinh quang hay diện mạo đích thực của Thiên Chúa là điều con người mọi thời đại và mọi tôn giáo đều muốn kiếm tìm. Môsê và Êlia là hai nhân vật Cựu Ước được mô tả như đã có diễm phúc chớm thấy vinh quang đó tỏ lộ; Môsê trên đỉnh Sinai khi lãnh tấm bia giới luật (Xh 19), và Êlia trên đỉnh núi Khôrép trên đường trốn chạy khỏi sự truy sát của hoàng hậu Idêven (1 Vua 19). Tuy nhiên ngay cả thứ vinh quang của Đức Chúa mà hai ông được chứng kiến trên thực tế đã rất khác nhau; một đàng: ‘Đức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống, khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh… (Xh 19:18), đàng khác: ‘Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa là tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Êlia lấy áo choàng che mặt, rồi ra đứng ở cửa hang… (1 V 19:12-13). Nếu như thế thì vinh quang mà Đức Giêsu muốn hiển thị trong lần biến dạng trên núi Tabor có điều chi khác với những thị kiến trên của Môsê và Êlia xưa? – Trước hết, qua hiển dung lần này, Người hẳn muốn cho các môn đệ nếm cảm thứ vinh quang đích thực chưa ai từng thấy bao giờ, thứ vinh quang do chính Người Con duy nhất từ Thiên Chúa đến mạc khải cho biết: vinh quang đó không những phải vượt xa mọi thứ hào quang đôi mắt phàm tục có thể nhìn thấy, mà còn phải vượt xa cả những gì Môsê lẫn Êlia đã từng được chứng kiến trong những lần được diễm phúc thị kiến Đức Chúa.
Tác giả Luca cho biết: ‘hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem’ (Lc 9:31). Điều đó chứng tỏ: cuộc xuất hành sắp tới mới biểu hiện vinh quang thật, khác xa những gì ba môn đệ đang chứng kiến lúc này. Thứ hào quang các ông hiện đang được chứng kiến chưa hẳn là tột đỉnh; tột đỉnh vinh quang phải là cuộc xuất hành mà các ông đang nghe các nhân vật kia bàn bạc với nhau. Vinh quang này lúc đó còn hoàn toàn ẩn dấu, cho nên Đức Giêsu trên đường xuống núi phải căn dặn các ông: “không được kể lại cho ai nghe các điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại”. Đúng vậy, cuộc tử nạn hay cuộc vượt qua Người sắp chịu mới là vinh quang đích thực, trong đó tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được tỏ hiện cách rực rỡ nhất! Ai chưa được chứng kiến cuộc tử nạn và thập giá, chưa thể có ý niệm gì về vinh quang của Đức Giêsu. Nếu quả Thiên Chúa là tình yêu, thì vinh quang chói lọi của Người không thể là gì khác hơn một sự bùng nổ của tình yêu đầy từ nhân và xót thương, thông qua hành động cứu chuộc. Sau này khi gần tới giờ ra đi chịu chết và khi cầu nguyện với Chúa Cha, chính Đức Giêsu đã không ngần ngại gọi giờ phút ‘tang thương’ đó là giờ Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang Người, giờ phút Thiên Chúa được tôn vinh cách tuyệt đối; “Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha… xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17:1.8).
Hầu như chính Môsê và Êlia cũng còn đang mong đợi được chứng kiến thứ vinh quang đó, vinh quang của Thập Giá, mà chưa được; và Đức Giêsu thật sự mong muốn khích lệ các môn đệ, đặc biệt ba môn đệ thâm tín nhất, hãy đi loan truyền cho mọi người thứ vinh quang ‘xuất hành’ đó, hơn là chựng lại làm ba lều bên thứ vinh quang ‘giả tạo’ của diện mạo sáng láng và y phục trắng tinh. Phải chăng đây mới chính là cuộc chuyển biến quyết định nhất của mọi niềm tin, từ Cựu Ước bước qua Tân Ước, từ vinh quang của quyền uy (lửa, động đất, loa vang dội…) qua vinh quang của tha thứ và cứu độ, từ quan niệm về một Đức Chúa đầy uy quyền qua hình ảnh một Thiên Chúa là Cha của Đức Kitô Giêsu đầy xót thương và nhân hậu? Đối với các môn đệ là những người Do Thái chính hiệu, thì sự chuyển tiếp này không thể không gây ngỡ ngàng và đặt ra nhiều vấn nạn: các ông còn phải ‘bàn nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì’. Điều này Đức Giêsu sẽ phải cất công giải thích nhiều lần sau đó; và điều này sẽ mãi mãi, qua mọi thời đại, tiếp tục là vấn đề then chốt của niềm tin Kitô hữu (so với các tôn giáo khác, nhất là Do Thái giáo và Hồi giáo) khi phải vẽ lên trong tâm khảm các tín hữu hình ảnh về một Thiên Chúa… nhân lành, xót thương và cứu độ, những nét mà không tuân theo bất cứ thứ lôgích hay lối suy nghĩ hợp lý nào, nhưng chỉ hoàn toàn dựa trên mạc khải duy nhất của Đức Kitô Thập Giá. Cách duy nhất họ có thể làm là, để mình hoàn toàn bị khuất phục bởi mạc khải vinh quang Thập Giá, điều làm cho họ trước mặt sự khôn ngoan của người đời bị liệt vào hạng ngu đần và hèn nhát. Do đó Chúa Cha phải lên tiếng nhắn nhủ: “Hãy vâng nghe lời Người!”
Mùa Chay chính là thời gian để mỗi chúng ta vâng nghe và đón nhận thứ vinh quang cứu độ này của Thiên Chúa, vì thế đó phải là thời gian của thanh lọc và củng cố niềm tin Kitô. Niềm tin Kitô hữu của bạn chỉ có thể lớn mạnh khi nhận ra vinh quang Thiên Chúa qua chiêm ngưỡng Thập Giá Đức Giêsu. Hãy nhớ các sách Tin Mừng không hề nói tới vinh quang Phục Sinh!
Lạy Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con! Con xin được như Phêrô dựng lều, nhưng không phải để chiêm ngắm dung mạo hiển dung sáng láng của Chúa trên đỉnh Tabor, nhưng là để say mê vinh quang cứu độ Chúa dành cho con trên Thập Giá. Chính Chúa đã chủ động kêu mời con ở lại trong tình yêu xót thương của Thập Giá, không những chỉ trong Mùa Chay thánh này, mà còn trong suốt cuộc sống dương thế, và mãi mãi trong hạnh phúc Quê Trời mai sau. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Nhờ Covid Con Người Biết Trở Về
Đại dịch đã nhắc nhở con người phải sống chậm lại vì sức khỏe và an toàn không chỉ mỗi cho bản thân, gia đình mà còn cho cả cộng đồng. Sống chậm lại là dịp để con người ngừng tham vọng và tranh giành lẫn nhau. Sống chậm lại sẽ mang lại cho con người cuộc sống thanh thản bình yên vì bớt bon chen và đấu đá lẫn nhau. Sống chậm lại sẽ giúp con người trở về với bản tính lương thiện và biết sống đùm bọc nâng đỡ lẫn nhau.
Sống chậm lại để con người ngừng khai thác tài nguyên thiên nhiên nhờ vậy mà thiên nhiên sẽ hồi phục, và làm cho bầu khí quyển tốt hơn cho con người. Hướng đến xa hơn là khi thiên nhiên đã tái tạo lại môi trường tốt, tự nó sẽ chữa lành bệnh tật cho con người. Dịch bệnh và thiên tai đến với nhân loại phần lớn là do môi trường bị hủy diệt hoặc đã trở nên quá ô uế, dơ bẩn ….
Thiên Chúa tạo dựng mọi sự ban đầu đều tốt đẹp, nhưng vì lòng tham của con người qua mọi thời đại đã phá hủy thiên nhiên dẫn đến môi trường không còn đáng sống. Nơi thì bị tàn phá nên dẫn đến thiên tai lũ lụt. Nơi thì ô uế nên dẫn đến dịch bệnh tràn lan.
Ngày nay người ta đang cố gắng tái tạo lại những dòng sông, dòng suối đang bị ô uế bởi nước thải và rác bẩn để mang lại dòng sông xanh và sạch cho sự sống hồi sinh.
Ngày nay người ta cũng đang cố gắng trồng rừng, giữ rừng để lá phổi của trái đất mang lại không khí mát mẻ trong lành cho người.
Và dường sau bao nhiêu năm thay nhau phá hủy môi trường thiên nhiên của buổi đầu tạo dựng, ngày nay con người mới thấy cần phải kiến tạo thiên nhiên trở về với tình trạng ban đầu thì môi trường thiên nhiên mới bảo vệ và nuôi dưỡng con người.
Điều quan trọng hơn mà Mùa Chay mời gọi con người là hãy trở về với hình ảnh ban đầu của tạo dựng là giống hình ảnh Thiên Chúa. Con người là họa ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Thánh, ngàn lần chí thánh thì con người cũng được tạo dựng với trái tim biết yêu thương, biết sống có ích cho đời, và biết xây dựng cuộc sống cho nhau bình an hạnh phúc.
Chúa Giêsu hôm nay khi hiển thị dung nhan thật của Ngài là Thiên Chúa như muốn nhắc nhở con người cũng hãy gìn giữ vẻ đẹp thần linh thánh thiện trong con người chúng ta. Khi được chiêm ngắm dung nhan của một vì Thiên Chúa ngàn lần chí thánh, Phêrô đã bộc trực nói lên suy nghĩ của mình rằng: “Ở đây thì tốt quá, xin cho con làm 3 lều, một cho Thầy, một cho Môsê và một cho Êlia”. Phúc âm bảo rằng, ông nói nhưng chẳng biết mình nói gì, vì ông quá ngất ngây trước dung nhan thánh thiện của Thầy.
Cuộc sống người Kitô hữu cũng đẹp biết bao khi chúng ta sống thật với căn tính của mình. Căn tính của người Kitô hữu là yêu thương. Yêu thương không ngăn cách với mọi hạng người. Yêu thương không xa lánh bất kỳ ai, kể cả kẻ thù. Yêu thương để hòa nhập với mọi khổ đau, bất hạnh của anh em để cảm thông, liên đới và sẻ chia. Đó là cách sống mà Chúa bảo: “Người ta cứ dấu này nhận biết các con là môn đệ Thầy là hãy yêu thương nhau”.
Xin cho chúng ta luôn biết sống chân thật trước mặt Chúa và tha nhân. Sự chân thật giúp chúng ta sống đúng với căn tính của mình. Sự chân thật sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chúng ta. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Nhìn Thấy Điều Tốt Nơi Người Khác
Khi Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ biết Ngài sẽ lên Giêrusalem để chịu khổ hình và chịu chết, các môn đệ cảm thấy rúng động tâm hồn! (Mc 8,31).
Để củng cố tinh thần các môn đệ đang sa sút trước tin chẳng lành vừa loan báo, “sáu ngày sau, Chúa Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình lên một ngọn núi cao. Rồi Ngài biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Ngài trở nên rực rỡ, trắng tinh… Ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu”. Sau đó, “bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Ngài” (Mc 9,5-7).
Bấy giờ tâm hồn ba môn đệ tràn đầy hoan lạc và các ông muốn ở lại trên núi với Chúa Giêsu để tận hưởng khoảnh khắc tuyệt vời này.
Thế là nhờ chứng kiến sự vinh hiển của Chúa Giêsu trong giờ phút vinh quang của Ngài trên núi cao, tinh thần môn đệ được củng cố, thêm vững tin vào Chúa Giêsu và vững tâm bước theo Ngài trên đường khổ nạn.
Hai mảng sáng – tối của đời người
Đời người thường có hai mảng sáng – tối đan xen nhau: có lúc thịnh thì cũng có lúc suy, có khi thành công cũng có khi thất bại, có lúc phấn khởi vui tươi cũng có những lúc ủ dột ưu sầu.
Cuộc đời Chúa Giêsu cũng có mảng sáng, mảng tối.
Mảng sáng là cuộc biến hình vinh hiển trên núi cao như ta biết qua trình thuật trên đây; Còn mảng tối là đêm đen trước giờ chịu khổ nạn, khi Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn Dầu. Bấy giờ tâm hồn Ngài buồn sầu muốn chết được; Ngài tỏ ra kinh khiếp hãi hùng trước cuộc khổ nạn sắp tới, đến nỗi mồ hôi Ngài hòa lẫn với máu tiết ra… (Lc 22, 41- 44).
Nếu các môn đệ chỉ nhìn thấy mảng đen tối, đau thương của Chúa Giêsu trong đêm cầu nguyện tại vườn Dầu mà không thấy được mảng sáng của Ngài khi Ngài tỏ lộ vinh quang trên núi… thì các ông sẽ ngã lòng thất vọng, lấy ai làm chứng cho Chúa phục sinh? Lấy ai loan báo Tin Mừng cứu độ?
Vì thế, Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy mảng sáng của Ngài trước, qua việc tỏ cho các ông thấy dung mạo sáng láng vinh hiển của mình, tỏ cho họ thấy Ngài là “Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha” để nâng đỡ tinh thần các ông khi phải chứng kiến cuộc khổ nạn đau thương sắp đến của Ngài.
Đừng quên mảng tốt:
Hoa hồng rất đẹp nhưng cũng đầy gai. Nếu người ta chỉ chú trọng đến những gai nhọn của hoa hồng mà không để ý đến sắc hương tuyệt vời của nó thì người ta sẽ khinh chê nó.
Những người quanh ta cũng như những cụm hoa hồng. Họ có nhiều điều tốt, giống như hoa hồng luôn có những bông hoa thơm, đẹp; đồng thời họ cũng có một ít điều xấu, giống như hoa hồng thì phải có gai.
Dù loài hồng có nhiều gai nhưng được nhiều người yêu thích vì chúng có những hoa đẹp và thơm;
Dù người chung quanh chúng ta có nết xấu, có lỗi lầm, nhưng cũng đáng được chúng ta quý mến vì họ vẫn có nhiều tính tốt tiềm ẩn bên trong.
Lạy Chúa Giêsu. Nhờ nhìn ngắm vẻ đẹp của những đoá hoa hồng, người ta dễ dàng chấp nhận những gai nhọn đáng phàn nàn của nó;
Xin cho chúng con cũng biết nhìn vào những nết tốt của người khác để cảm thông, tha thứ cho những sai trái của họ; nhờ đó, chúng con sẽ thấy những người chung quanh dễ thương hơn; tương quan của chúng con với mọi người sẽ được cải thiện tốt hơn và đời sống giữa chúng con với nhau sẽ hạnh phúc hơn.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Lên Núi Thánh
CN II MC.B – (Mc 9, 2 – 10)
Núi Thánh Chúa mời con tiến lên
Tương giao diện kiến kết tình duyên
Khát khao kết hiệp cùng thiên ý
Ước muốn hòa đồng bỏ ý riêng
Hạnh phúc Nước Trời tình mật thiết
Khổ đau trần thế nghĩa trung kiên
Con đường thập giá vui tiếp bước
Hạnh phúc ngọt ngào cõi phúc tiên.
Hạt Nắng
Lên Đường Thương Khó
CN II MC.B – (Mc 9, 2 – 10)
Tiếng Chúa gọi, hồn con đáp trả,
bớt lo toan, tất tả, bon chen.
Tâm hồn đóng cửa cài then,
đi vào thinh lặng chong đèn tâm linh.
Lên Núi Thánh tâm tình với Chúa,
cõi thâm sâu chất chứa niềm riêng.
Ngọt ngào Chúa tặng Lời Thiêng,
Tình Yêu Thập Giá diệu huyền Phục Sinh.
Đường Sự Sống hiến mình cứu độ,
đường vinh quang đau khổ trải qua.
Con đường từ bỏ vinh hoa,
Chương Trình Cứu Chuộc tham gia đáp lời.
Đường thanh luyện đường đời khúc khuỷu,
đường tin yêu gánh chịu khó nghèo.
Thân con cát bụi bọt bèo
vượt thác băng đèo, ơn Chúa đỡ nâng.
Quyết xuống núi hiến thân nhập thế,
dẫu tình đời dâu bể đổi thay
Trọn niềm tín thác không lay,
bước đường thương khó đong đầy cậy trông
Nắng Tabor, tươi hồng ngất lịm,
gió Canvê, sầu tím vượt qua.
Trung kiên đáp lại Tình Cha …
Bâng Khuâng Chiều Tím
Lên Núi Tình Yêu
CN II MC.B – (Mc 9, 2 – 10)
Đường đời chông chênh,
dặm ngàn cheo leo,
vượt đồi, qua núi,
băng thác, leo đèo,
tìm kiếm tình yêu.
Gập ghềnh, quanh co,
ngàn vạn âu lo
mịt mùng giông tố,
nghe tiếng chân Ai?
chung bước đường dài.
Chúa đến bên con, dìu con lên Núi Thánh,
giã từ cuộc đời đua tranh,
tiếng đời ồn ào, lao xao,
bên Ngài tình thắm tương giao,
tình yêu triển nở linh thánh.
Chúa đã cho con, một tình yêu hiến tế,
kết hiệp tình nồng say mê,
chấp nhận đường đời nhiêu khê,
cùng Ngài xuống núi dấn thân,
đón nắng Ta-bor hay gió Can-vê,
tình yêu tràn trề.
Vượt ngàn chông gai,
hành trình trên vai,
Tin Mừng Cứu Rỗi,
gieo rắc giữa đời,
nhân chứng tình yêu.
Nhục nhằn, điêu linh,
lòng nguyện trung trinh,
dâng niềm tín thác,
hiến lễ hy sinh,
vững bước hành trình.
M. Madalena Hoa Ngâu
Đỉnh Núi Tình Yêu
CN II MC.B – (Mc 9, 2 – 10)
Con về đây, Chúa ơi!
tâm tư tái tê rã rời,
mong tìm dòng suối thánh,
tẩy sạch hết những bợn nhơ.
Hết tháng ngày bơ vơ,
xua tan đam mê trần thế,
rửa sạch mọi nhơ uế,
nhỏ nhen, ích kỷ, thấp hèn.
Con quỳ đây, Chúa ơi!
Lắng nghe tiếng yêu gọi mời,
dứt bỏ mọi toan tính,
cùng Ngài lên núi tình yêu.
Dẫu ngoằn nghèo cheo leo,
xin vâng tâm tình tín thác,
trong niềm vui hoan lạc,
dâng Chúa trọn niềm tin yêu.
Đỉnh núi tình yêu,
Chúa muốn cùng con đàm đạo,
là tâm hồn con, giũ bỏ trần thế lao xao.
Đỉnh núi tình yêu,
Chúa muốn cùng con hội ngộ,
là trái tim con, trao Chúa trọn tình sắt son.
Con thành tâm hiến dâng,
con tim dứt xa hồng trần,
chấp nhận mọi thứ thách,
cùng Ngài xuống núi liều thân.
Biến hình trong tha nhân,
sống đời men nồng muối đất,
gieo Niềm Tin – Sự Thật –
Nhân Ái – Công Bình – Yêu Thương.
Nắng Sài Gòn
Tỉnh Mộng
CN II MC.B – (Mc 9, 2-10)
Đời nghiệt ngã đường trần bế tắc,
bao thương đau thử thách trong đời.
Não nề tâm trạng chơi vơi,
ngã lòng, nản chí, rối bời tâm can.
Nỗi bàng hoàng tiêu tan ước vọng,
đời bấp bênh dao động tương lai.
Chúa gọi con bước theo Ngài,
đường lên đỉnh núi chông gai gập ghềnh.
Trút gánh nặng cồng kềnh thế tục,
bỏ sau lưng khổ nhục trần ai.
Đắm chìm giây phút bồng lai,
Tương giao mật thiết cùng Ngài dấn thân.
Niềm hạnh phúc ngập tràn hưng phấn,
núi Tabor tiếp cận huy hoàng.
Vì yêu Chúa tỏ cao quang,
giúp con vững chãi bước đàng Can-vê.
Hồn tỉnh mộng u mê từ giã,
tiếng tình yêu cao cả gọi mời.
Xuống núi đi giữa cuộc đời,
Chia buồn sẻ ngọt cùng người khổ đau.
Vâng nghe Lời Chúa khắc sâu,
Đau thương Thập Giá nhiệm mầu Phục Sinh.
Đồi cao vọng tiếng ân tình…
AP. Mặc Trầm Cung