SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 730, THỨ TƯ LỄ TRO, 17/02/2021

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mathêu (Mt 6, 1-6. 16-18)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các ngươi hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các ngươi mất công phúc nơi Cha các ngươi là Đấng ở trên trời. Vậy khi các ngươi bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các ngươi, họ đã được thưởng công rồi. Các ngươi có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc ngươi bố thí được giữ kín và Cha ngươi Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi.
Rồi khi các ngươi cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các ngươi rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn ngươi khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha ngươi, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi.
Khi các ngươi ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các ngươi, họ đã được thưởng công rồi. Còn ngươi khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết ngươi ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha ngươi Đấng ngự nơi bí ẩn và Cha ngươi thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi.”

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Hãy Xé Lòng ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Mùa Chay: Thời Gian Đón Nhận Xót Thương Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Ai Mới Cần Sám Hối? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Hoa Và Rác Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Long Lanh Tàn Tro & Giã Từ Đam Mê Trg 10
Sức Mạnh Tâm Linh A.P Mặc Trầm Cung Trg 12

Hãy Xé Lòng

Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Nghi thức này bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái. Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra.
Cựu ước nói nhiều đến tập tục này. Nhưng dễ nhớ nhất là truyện dân thành Ninivê. Ninivê là một thành phố lớn. Nhưng dân chúng ăn chơi truỵ lạc, phạm nhiều tội lỗi. Thiên Chúa muốn tiêu diệt thành này. Trước khi phạt, Chúa sai ngôn sứ Giona đến báo động. Nghe vị ngôn sứ nói Chúa sắp trừng phạt, dân thành sợ hãi bảo nhau bỏ đàng ăn chơi tội lỗi, tha thiết ăn chay cầu nguyện, mặc áo vải thô, ngồi trên đống tro. Thấy dân chúng có lòng ăn năn sám hối, Chúa đã tha phạt cho thành.

Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi. Tội nhân tự nhận mình không xứng đáng được kính trọng, chỉ xứng đáng với tro bụi nhơ bẩn, với áo rách tồi tàn, đáng bị khinh miệt, bị chà đạp như cát bụi bên đường.

Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích. Cuộc đời giống như manh áo, hôm qua còn mới còn đẹp, hôm nay đã cũ kỹ xấu xí, hôm qua còn lành lặn, hôm nay đã sờn rách.

Như thế, việc xức tro và xé áo có một nội dung ý nghĩa rất sâu xa. Nhưng với thời gian, do những cử hành máy móc, các việc này dần dần rơi vào thái độ hình thức bên ngoài. Người ta làm cho qua lần chiếu lệ, chẳng còn có ý thức thống hối. Chính vì thế, ngôn sứ Giôen đã kêu gọi dân chúng: “Hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo” (Ge 2, 12b-13a).

Nghi thức phải diễn tả tâm tình thì việc cử hành mới có ích lợi. Việc xức tro sẽ vô ích nếu trong lòng ta không dâng lên tâm tình sám hối. Việc xé áo sẽ trở thành giả dối nếu tâm hồn ta không tan nát vì hối hận tội lỗi.

Xức tro trên đầu không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn. Hãy xức tro vào tâm hồn cho tâm hồn xót xa đau đớn vì tội lỗi.
– Hãy xức tro vào thói kiêu căng để nó biết hạ mình xuống trong khiêm nhường bé nhỏ.
– Hãy xức tro vào thói phô trương để nó biết chìm vào âm thầm nghèo hèn.
– Hãy xức tro vào thói hận thù ghen ghét để nó đau đớn vì đã không biết yêu thương.
– Hãy xức tro vào những mối chia rẽ bất hoà để tẩy sạch vết thương, hàn gắn tình hiệp nhất.
– Hãy xức tro vào tính ích kỷ để nó biết mở ra chia sẻ.
– Hãy xức tro vào thói lười biếng để nó tỉnh thức chăm lo việc đạo đức. Xức tro như thế có khác gì xát muối vào lòng, sẽ gây nên đau đớn xót xa, nhưng sẽ tẩy rửa linh hồn nên trong trắng.

Xé áo chẳng có ích lợi gì nếu ta không xé lòng ra. Lòng ta bấy lâu đã gắn bó với tội lỗi Tội lỗi ăn sâu dính chặt hầu như trở thành một phần của tâm hồn. Muốn dứt lìa tội lỗi, phải xé nó ra.
– Hãy xé lòng ra khỏi những đam mê dục vọng bất chính.
– Hãy xé lòng ra khỏi thói tham lam tiền bạc.
– Hãy xé lòng ra khỏi thói nô lệ danh vọng chức quyền.
– Hãy xé lòng ra khỏi thói ham mê ăn uống, rượu chè, cờ bạc.
– Hãy xé lòng ra khỏi thói tự mãn tự tôn.

Biết bao thứ đã trở thành thiết thân. Những quan hệ, những tiền bạc của cải, những chức tước danh vị, những thú ăn chơi, những tự ái, những giận hờn, tất cả đã gắn chặt vào đời ta. Giờ đây phải xé nó ra. Đau đớn lắm. Vết thương sẽ nặng lắm. Máu sẽ chảy nhiều lắm. Nhưng khi đã cắt bỏ được hết những ung nhọt độc hại, linh hồn sẽ nhẹ nhàng, trong sạch và lớn mạnh vì được đầy tràn ơn phúc và tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy ban thêm sức mạnh cho con, để Mùa Chay năm nay con thực sự biết xức tro vào tâm hồn, biết xé tâm hồn trong đau đớn vì tội lỗi. Lạy Chúa, xin đổi mới tâm hồn con. Amen.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Mùa Chay: Thời Gian Đón Nhận Xót Thương

“Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài!” (Ge 2:17)
Vào thời tiên tri Giôen, trong lúc dân đang gặp thảm họa với nạn châu chấu tàn phá, thì lời kêu gọi của vị ngôn sứ “Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giầu tình thương” là khơi dậy cả một niềm hy vọng! Thế nhưng ngay cả vị ngôn sứ cũng chỉ mới dám hy vọng, chứ chưa nắm chắc được điều gì khi lên tiếng: “Biết đâu Người chẳng nghĩ lại” (Ge 2:13-14); rõ ràng ông đã ngập ngừng nói thế. Hình phạt thì chắc rồi vì đang xảy ra, và vì vậy phải kêu gọi sám hối và chay tịnh cho gấp: “hãy rúc tù và, hãy ra lệnh giữ chay thánh…” Tóm lại cần phải xức tro và chay tịnh để mong có được lòng thương xót thứ tha (khỏi hình phạt) của một Thiên Chúa quyền năng công thẳng. Trong truyền thống ngôn sứ, lời kêu gọi và phép rửa của Gioan tiền hô sau này cũng mang một nội dung tương tự; “Cái rìu đã đặt sát gốc cây!” (Mt 3:10).

Thế còn Hội Thánh Chúa Kitô, Hội Thánh muốn nói gì với tôi khi thiết lập Mùa Chay thánh? Cũng chỉ một nội dung tương tự như các ngôn sứ đã kêu gọi chăng? Nếu quả thế thật thì tôi thiết nghĩ: thời gian và sứ điệp này chỉ nặng ký đối với những ai hiện còn đang sống trong tội lỗi, còn thì nhẹ nhàng, thậm chí không cần thiết, đối với một số khác, những người đã hoặc đang sống tốt lành và đạo đức. Có lẽ vì vậy mà nhiều tín hữu ‘lành thánh’, trong đó tất nhiên có nhiều linh mục và tu sĩ, có thái độ coi nhẹ thời gian này chăng? Họ nghĩ là cứ căn kẽ giữ các qui định về ăn chay kiêng thịt, hoặc làm một số việc hy sinh (cá nhân hoặc tập thể), và thế là mùa chay tốt đẹp rồi.

Đức Giêsu thẳng thừng tuyên bố rằng ăn chay kiểu đó không còn cần thiết nữa (xem Mt 9:14-17); ngay cả cái cách biểu lộ việc giữ chay tịnh như thời Cựu Ước của ngôn sứ Giôen cũng không nên tồn tại. Lý do sâu xa là vì tình thế đã thay đổi tận gốc rễ: Chàng Rể của tình yêu đã tới và vì thế than khóc, chay tịnh không còn ý nghĩa; trừ phi tình thế bị đảo ngược. Nếu thế thì các Kitô hữu phải tìm ra nơi Mùa Chay một nét nào đó hết sức độc đáo của Tân Ước: Chàng Rể của lòng từ nhân đã tới, và vì thế đây phải là thời gian của vui mừng và hy vọng, thời gian tập trung mọi cặp mắt hướng về Chàng. Kitô hữu chúng ta không còn mong đợi mà là đón nhận và tận hưởng, và ai càng đã đón nhận thì lại càng có khả năng tận hưởng hơn, nhất là trong thời gian Mùa Chay này!

Nếu Giôen kêu gọi dân chúng chay tịnh để hy vọng được Thiên Chúa xót thương, thì Đức Kitô (Hội Thánh) kêu gọi chay tịnh là để các tín hữu có dịp vào sâu hơn trong lòng xót thương cứu độ. Đối với Kitô hữu “Thiên Chúa thương xót” không còn là chuyện “biết đâu”; Thập giá Đức Giêsu đã là bảo chứng vững chắc: “Con Thiên Chúa, đấng yêu thương tôi và phó mộp mình vì tôi” (Gl 2:20). Vì thế họ biết rất rõ rằng sám hối, chay tịnh, kể cả làm việc lành phước đức… không phải là điều kiện để được Chúa xót thương; Thiên Chúa xót thương và yêu mến họ trước cả khi họ làm các điều ấy, vì Ngài yêu họ vô điều kiện, yêu hoàn toàn nhưng không, yêu tới mức độ chết cho họ ngay cả khi họ còn là những tội nhân phản nghịch. Mỗi khi mở miệng thốt lên “Xin Chúa thương xót chúng con!” Kitô hữu tuyên xưng cách vững chắc niềm tin của mình vào một Thiên Chúa từ nhận và hay thương xót, hơn là cầu khẩn để mong có được lòng thương xót đó như dân Do thái trong thời Cựu Ước.

Mùa chay mà Hội Thánh công bố cho tất cả mọi tín hữu qua việc xức tro hôm nay phải mang nội dung nói trên. Đối với các dự tòng và người tội lỗi, mùa chay có thể còn có dáng dấp của tinh thần Cựu Ước và các ngôn sứ, nhưng với bất kỳ Kitô hữu trưởng thành nào nó cũng phải mang ý nghĩa tích cực hơn rất nhiều. Và đừng có lo lắng nghĩ rằng, đi sâu hơn vào lòng thương xót Chúa sẽ làm ta chùng đi mất sự căng thẳng của dây đàn thống hối đang réo rắt; ngược lại là đàng khác, chính vì tâm hồn biết ca tụng lòng thương xót vô biên của Chúa mà ta sẽ càng thấy cấp bách cần phải thanh luyện mình hơn nữa, càng thấy có nhu cầu phải chay tịnh và chân thành thống hối nhiều hơn nữa, để được xứng đáng với tình yêu xót thương; đúng như câu nói của Mẹ Têrêxa Konkata: “Chúa yêu thương tôi không phải vì tôi lành thánh, nhưng tôi nỗ lực trở nên lành thánh vì biết rằng Chúa đã thương yêu tôi”.

Lạy Chúa, xin cho con biết đón nhận sứ điệp Mùa Chay mà Hội Thánh loan truyền: “Này là mùa hồng ân, này là ngày cứu độ!” Xin cho con dùng thời gian 40 ngày này để đào sâu hơn nữa vào lòng thương xót của Chúa. Và nếu trong mùa chay này con có thi hành được việc lành hay chay tịnh nào, thì cũng xin cho con nhờ đó mà cảm nghiệm được, và sống sâu xa hơn tình Chúa xót thương bao la. Amen.

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Ai Mới Cần Sám Hối?

Bạn tôi là một gã đầy tham vọng. Anh ta có một sự nghiệp thành công, một lối sống tuyệt vời, một gia đình hạnh phúc . Anh ta mới bảo với tôi rằng: Mình đang dự định thuê một huấn luyện viên để “nâng cao trình độ”.

Khi tôi hỏi anh ta “nâng cao trình độ” là như thế nào, anh ta nói không chắc lắm, đó là lí do anh cần một huấn luyện viên, để chỉ cho anh ta thấy mình cần phải cải thiện đời sống như thế nào?
“Oh”. “Nhưng nếu chẳng có gì cần phải cải thiện thì sao?” Tôi bảo.
Anh ta sửng sốt với câu nói của tôi. Cuối cùng, anh ta bảo “Tôi chỉ thấy là tôi cần cải thiện bản thân mình, để được nhiều tiền hơn, nổi tiếng hơn, nhiều sự công nhận và lời khen hơn, nhiều thời gian chơi hơn,và được truyền thông chú ý hơn. ..

Đây là tâm bệnh có tên là “tham vọng”. Tham vọng sẽ khiến bạn như bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”. Bạn sẽ chẳng còn mắt để nhìn, tai để nghe và cái đầu để suy nghĩ cho tỉnh táo. Người tham vọng luôn muốn mọi cái về mình mà bất chấp mọi thủ đoạn và tội ác để đạt cho được cái mình thích.

Đặc điểm của người tham vọng là luôn nghĩ mình là người tài giỏi, luôn đứng cao hơn người khác, chẳng bao giờ có được sự khiêm tốn và sự tỉnh táo, khách quan để nhận ra rằng “nhân vô thập toàn”, bản thân mình còn rất nhiều khiếm khuyết, còn thua người này, kém người kia.

Hôm nay khởi đầu Mùa Chay, Giáo hội mời gọi chúng ta cũng cần cải thiện, nhưng là lội ngược dòng bằng việc “hãy sám hối” để đừng làm theo sự ác, đừng chạy theo sự gian tà. Đây là lời mời gọi cho những ai đang có bệnh tham vọng. Vì tham vọng nên gây nên những đổ vỡ với tha nhân. Vì tham vọng của mình mà gây nên đau khổ, chết chóc cho nhân thế.

Ở tầm thế giới chúng ta thấy vì tham vọng mà gây nên những xáo trộn cho đất nước như bầu cử ở Mỹ. Vì tham vọng nên luôn gây hấn với các nước chung quanh như Tàu, hay Triều Tiên. . . Vì tham vọng muốn được ngồi lâu trên chiếc ghế quyền lực nên đánh mất lòng tự trọng để loại trừ lẫn nhau . . .

Cũng chính vì những tham vọng muốn có những điều từng không thuộc về mình nên bày trò làm nhục và vu khống người khác. Vì tham vọng muốn chiếm hữu của người khác nên dùng thủ đoạn xấu xa để chiếm đoạt tài sản hay chức vụ người khác. . .

Và người có bệnh tham vọng luôn kiêu căng ngạo mạn nên để lại bao nhiêu sự thất vọng, lời oán than cho những ai là nạn nhân của họ, kể cả người thân trong gia đình họ.

Và như vậy lời mời gọi sám hối là của bạn, của tôi, và của những ai từng ao ước những điều không thuộc về mình, và tìm mọi cách để chiếm hữu.

Vì thế, khi chúng ta lên xức tro trên đầu là nhắc nhở thân phận tro bụi đầy yếu đuối tội lỗi bởi còn mang nhiều tham vọng. Dẫu thân thể hữu hạn mà ước vọng không cùng. Những tham vọng phù vân rồi cũng có ngày buông tay để trở về với bụi đất. Vun quén của cải trần gian rồi cũng ra đi với hai bàn tay trắng. Quá mải miết tìm kiếm danh lợi thú để rồi cũng có ngày nuối tiếc vì mình quá bận tâm với của cải phù vân. Cuộc đời thật vắn nhưng con người lại chẳng an hưởng hiện tại mà lao công vất vả tìm kiếm những thứ chẳng trường tồn.

Khi nhìn nhận sự mong manh của kiếp người sẽ giúp chúng ta biết sống thanh thoát với cõi trần. Đừng vì danh lợi thú mà làm điều sai trái. Trái với đạo đức. Trái với lương tâm. Đừng tưởng rằng mình trường sinh nên lao đầu vào đại hội trần thế chỉ để bon chen, vui chơi, trụy lạc ; Đừng gieo vào cuộc đời những ngang trái, bất công và tội lỗi.

Khi nhìn nhận thân phận mỏng dòn của kiếp người cũng mời gọi chúng ta hãy đấm ngực ăn năn về những lạc lối của kiếp người. Hãy nhớ rằng “mọi sự là phù vân”, hãy ăn năn trước khi quá muộn, hãy sám hối và sửa lại hướng đi trước khi trở về với bụi đất.

Xin cho Mùa Chay Thánh năm nay là cơ hội để chúng ta trút bỏ những ham muốn tham lam để sống thanh thoát bình an. Xin cho mỗi người chúng ta biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa hơn là những danh vọng trần gian để biết sống theo giáo huấn của Thiên Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Hoa Và Rác

Người giúp việc vừa lau chùi bàn ghế trong phòng khách vừa ngắm nghía bình hoa hồng tươi đẹp đang được trân trọng đặt trên mặt bàn bóng láng.
Thấy người giúp việc chăm chú nhìn mình với ánh mắt cảm phục, hoa hồng tỏ ra kiêu hãnh và nói:
– Anh xem trên đời nầy có hoa nào vừa đẹp, vừa sang, vừa thơm ngát như tôi không?
Người giúp việc đáp:
– Sớm muộn gì thì mày cũng chỉ là rác!
Hoa hồng cảm thấy bị xúc phạm nặng nề trước lời nói đó, nên tỏ ra gay gắt:
– Ta xinh đẹp thế nầy, ta đang toả hương thơm ngát thế nầy, ai cũng quý mến ta; ta được tôn vinh trong phòng khách sang trọng thế nầy, vậy mà nhà ngươi dám xỉ nhục ta, dám gọi ta là rác ư! Nhà ngươi xúc phạm ta quá đáng.
Người giúp việc bồi thêm:
– Mày sẽ là bụi tro!
Hoa hồng tức tối đáp lại :
– Nhà ngươi là kẻ ăn nói ngang ngược! Nhà ngươi có biết trong Ngày Tình yêu, tất cả các đôi nam nữ trên thế giới đều chọn ta để đem tặng cho những người bạn tình yêu quý nhất đời của họ hay không? Nhà người có biết là trong ngày đó, ta được các hoàng tử, các công chúa, những chàng công tử tài hoa, các cô thiếu nữ cao sang đài các… nâng niu ta trên tay, ôm ấp ta vào lòng, quý trọng ta đến thế nào không? Thế mà nhà ngươi dám cho rằng ta là bụi tro ư! Thật không có lời nào xúc phạm đến phẩm giá của ta như những lời ngươi vừa nói.
Người giúp việc bồi tiếp :
– Mày sẽ là phân bón!
Hoa hồng tỏ ra phẫn nộ :
– Ôi! Trời ơi là Trời! Có ai ăn nói hỗn hào như ngươi không! Ta là Hoa Hồng, là Nữ Hoàng của các loài hoa. Nhà ngươi xúc phạm đến ta là xúc phạm đến các chủng loại hoa hồng nói riêng, đồng thời xúc phạm cả mọi loài hoa trên đời, vì ta là Hoa Hồng, là Nữ Hoàng của các loài hoa.

Hoa Hồng giận quá! Cơn giận bốc lên ngùn ngụt khiến hoa hồng ngất đi một hồi lâu mới tỉnh.

Thế là từ lúc đó, cơn giận sôi sục trong lòng đoá hoa hồng khiến nó không ăn, không ngủ, không một phút giây bình an… Và thế là nó héo đi nhanh chóng.

Qua ngày hôm sau, chủ nhà thấy hoa hồng đã héo, vứt nó ra hố rác. Thế là hoa hồng kiêu sa, đẹp lộng lẫy, toả hương thơm ngát làm đắm đuối lòng người, bây giờ trở nên rác, đúng như lời người giúp việc đã nói về nó.

Bởi vì rác hoa hồng nằm chung với các thứ rác khác nên bốc mùi hôi, do đó chủ nhà bảo người giúp việc đốt rác đi. Thế là hoa hồng bây giờ trở thành tro! Đúng như lời người giúp việc đã nói về nó.

Mấy ngày sau, chủ nhà lại sai người giúp việc hốt tro trong hố rác trộn chung với các thứ phân chuồng để đem đi bón ruộng. Thế là hoa hồng bây giờ đã trở thành phân bón! Đúng như lời người giúp việc đã nói về nó, mới ngày hôm kia.

Ôi, kiếp hoa hồng là thế, hôm nay là hoa đẹp lộng lẫy kiêu sa toả hương thơm ngát, ngự trị trong phòng khách xa hoa sang trọng, mai sẽ là rác thối, là tro bụi và cuối cùng là phân bón!

Xin ngẫm lại mà xem. Thân xác chúng ta rồi cũng như thế thôi. Dù hôm nay chúng ta rất xinh đẹp được nhiều người mê say quyến luyến; dù hôm nay chúng ta giàu có sang trọng được mọi người kính nể; dù hôm nay chúng ta thông minh, tài trí được người ta tôn trọng… thì mai đây thân xác chúng ta cũng sẽ trở về với bụi tro.

Bài học bụi tro
Khi biết thân xác mình mai đây sẽ trở về với bụi tro, tôi sẽ không dại dột đầu tư tất cả thời giờ, công sức, tài năng, trí tuệ… của mình để chăm lo cho nó. Trái lại, tôi phải dành nhiều thời giờ, nhiều công sức để đầu tư cho đời sống thiêng liêng, nhờ đó, một khi thân xác nầy mục nát đi, thì linh hồn tôi sẽ được vui sống hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Giã Từ Đam Mê
“Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta,
hãy ăn chay, khóc lóc và thống thiết than van.
Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng…” (Ge 2, 12 – 13)
***

Những bước chân âm thầm, nặng nề trên phố vắng,
lê bước chân lạc loài, tâm hồn con giá băng.
Ôm nỗi đau thầm lặng,
ôm vết thương tình đời,
xót xa hồn chơi vơi.

Bao tháng năm đọa đày, ngập chìm trong tội lỗi,
cám dỗ luôn gọi mời, mặc dòng đời cuốn trôi.
Ôm đắng cay tình đời,
ôm bất an, tuyệt vọng,
đớn đau, tình long đong.

Xé…trời mây hay xé lòng con Chúa ơi!
Xé…lòng con, hay xé nát bụi trần đam mê.

Bao bất công, gạt lừa, con thành tâm sám hối,
những dối gian, giả hình, xin Tình Chúa cuốn trôi.
Đêm tối mong mặt trời,
ánh sáng soi diệu vợi,
tro tàn bay lên khơi.

Xé…trời mây hay xé lòng con Chúa ơi!
Hãy…dũ thương, xin tha thứ một thời đi hoang.

Nắng Sài gòn

Long Lanh Tàn Tro
“Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại,
Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố giáng xuống họ,
Người đã không giáng xuống nữa” (Gn 3,10).
***

Thân con bụi tàn tro,
không biết tự thửa nào,
tung bay giữa trời cao,
vui hát cùng trăng sao.

Lênh đênh bụi tàn tro,
đam mê tình nhân thế,
xót xa từng ngấn lệ,
bước chân buồn lê thê.

Chúa ơi! Xin thương xót, tàn tro nay trở về.
Chúa ơi! Xin thương xót, một đời con u mê.

Sa hoa đầy cám dỗ,
con quyết bơi ngược dòng,
quên đi đời long đong,
tắm mát nguồn suối trong.

Ơn thiêng nguồn hồng ân,
nơi giáo đường thanh vắng,
tàn tro quỳ yên lặng,
sám hối tình long lanh.

Chúa ơi! Xin thương xót, tàn tro nay trở về.
Chúa ơi! Xin nhận lấy, lệ tàn tro long lanh.

Nắng Sài Gòn

Sức Mạnh Tâm Linh
(Mt 6, 1–6. 16 – 18)

Là bụi tro con trở về tro bụi
chức tước, tiền tài có nghĩa gì đâu.
Linh hồn con run rẩy âu sầu
trước Nhan Chúa mọi sự đều vô nghĩa.

Con gục đầu xót xa sầu thấm thía,
vội quay về lời thống thiết than van.
Xé lòng con dù đau đớn vô vàn,
nguyện xin Chúa xót thương đừng giận dữ.

Lòng nhân ái, khoan dung Ngài lượng thứ,
mở gông cùm, xiềng xích được đập tan.
Trả tự do, công lý thắng bạo tàn,
nhờ hồng ân Chúa con quay về trong chay tịnh.

Chiêm niệm, lắng nghe tâm tư thầm kín,
tiếng của lòng và tiếng Chúa huấn ban.
Biết chia cơm sẻ áo với những kẻ nghèo nàn,
dám bênh vực những ai bị đọa đày áp bức.

Biết quan tâm đến những niềm hạnh phúc,
của tha nhân, người sầu khổ chung quanh.
Nỗ lực dựng xây một xã hội tốt lành,
xã hội đó tình yêu luôn ngự trị.

Bác ái thực thi, công bằng, chân lý,
phải chân thành tránh hình thức phô trương.
Kín đáo, khiêm nhu, kẻo bị lạc đường,,
nặng hình thức mang tinh thần giả dối.

Cầu nguyện, tĩnh tâm, ăn chay, giã từ tội lỗi,
Sám hối trước Nhan Ngài, nguồn sức mạnh tâm linh.

AP. Mặc Trầm Cung